N
gày hôm sau, Stickles kéo tôi ra chỗ vắng để kể toàn bộ công việc của mình, dù tôi muốn hay không. Nhưng tôi buộc ông lưu ý rằng ông không được giận tôi, hay xem tôi là không trung thực, nếu tôi sử dụng phần nào câu chuyện của ông cho mục đích riêng, hay vì lợi ích của bạn bè tôi. Ông vui vẻ đồng ý; nhưng tôi phải cam kết không được làm gì gây cản trở những kế hoạch của ông, cũng không được tiết lộ cho bất kỳ ai. Ngoài ra, tôi được phép hành động tùy theo lương tâm của mình, và phù hợp với danh dự của một quý ông trung thành (ông gọi đùa tôi như vậy). Công việc của ông, có lẽ giờ quý vị cũng phần nào đoán được, có thể nói gọn như thế này. Sự bất mãn đối với Đức vua, hay đúng hơn là sự căm ghét đối với hoàng huynh của ngài, James, và nỗi sợ uy thế của La Mã đã tồn tại nhiều năm nay, gần đây bắt đầu nhanh chóng lan rộng; một phần vì sự ngạo mạn xem trời bằng vung của Đảng Tory, sự tàn bạo của Công tước xứ York, sự tham nhũng của tòa án, sự lạm quyền tước bỏ quyền và hiến chương; một phần vì sự ghen tức của vua Pháp và tiếng nói có uy lực lớn của ông ta đối với các đại sự của nước Anh; và một phần (có thể nói là chính) vì xu thế tự nhiên của những vấn đề chính trị. Khi một thứ vừa được xây dựng kiên cố, chẳng hạn như đê chắn sóng trên biển, thì những con nước rút ngay lập tức vì sợ làm hỏng nó. Ai cũng nói nó thật đẹp, nhưng lại để mặc người khác đi trên nó. Sau một thời gian, đại dương vô tận khó lường, dù đã rút lui và nằm im hơi lặng tiếng một thời gian, bắt đầu gợn sóng, xô trào trở lại, và trong một cơn sóng cồn chồm lên mọi thành lũy.
Lúc bấy giờ, tại vương quốc Anh, có một cơn sóng lớn. Nó chưa đến mức cuồn cuộn, nhưng chớm sôi sục. Đó là cơn sóng với một ngàn thẩm phán tòa án tối cao và một triệu người như Jeremy Stickles. Điều tồi tệ nhất là ngay từ đầu, phong trào lớn này đã đi sai đường.
Bấy giờ, ở tất cả các thành phố của Somersetshire và nửa số thành phố của Devonshire, đâu đâu cũng bắt gặp những người sẵn sàng nuốt chửng bất kỳ thứ gì, hoặc kích động những người khác làm điều đó. Những điều tôi biết chẳng nhiều nhặn gì, nhưng tôi dám chắc họ vờ làm vậy để lôi kéo đám dân quê dốt nát. Taunton, Bridgwater, Minehead và Dulverton dẫn đầu các thành phố về những phát ngôn đầy bất mãn, và những đe dọa nếu một tín đồ Thiên chúa dám ngự trên ngai vàng vốn dành cho tín đồ Tin lành của vương quốc Anh. Mặc khác, giới lãnh đạo của Đảng Tory chưa e sợ sự nổi dậy tức thì, không dám làm hỏng sự nghiệp của mình bằng sự đàn áp sớm, vì cuộc đấu tranh không thể nào bắt đầu đúng đắn trong suốt thời gian tại vị của Đức vua hiện thời; trừ phi ngài nên (như vài người hy vọng) công bố đức tin của mình (nếu có). Như vậy, chính sách của Đảng Tory là theo dõi, không cho đối thủ tập trung sức mạnh và tập hợp lực lượng vũ trang, nghe ngóng rất kĩ về tất cả các kế hoạch và phong trào được vạch ra, để chực chờ hễ có kẻ nào dám công khai hành động thì đàn áp hết sức dã man. Với tư cách là người bảo vệ Đảng Tory - hoặc gián điệp, như cách gọi của Đảng Whig - Jeremy Stickles giờ đây đang ở cùng với chúng tôi; và ông có đến ba nhiệm vụ cần thực hiện.
Thứ nhất là trông coi việc thu thuế tại bến tàu nhỏ Lynmouth, bây giờ đang trở thành khu nghỉ dưỡng cho bọn buôn lậu, tức là những kẻ đưa hàng vào bờ bất chấp luật do cục thuế của Đức vua quy định. Thực tế là không một viên chức nào được bổ nhiệm để thu thuế, cho đến khi một người được phái tới Minehead sau đó ít lâu. Thuế môn bài (được quy định vào thời Quốc hội Dài hạn) cũng chẳng được dân nơi đây mảy may quan tâm.
Thứ hai (chỉ có gia tộc Doone biết) là theo dõi sát sao những kẻ sống ngoài vòng pháp luật, báo cáo cách cư xử (điều này ít ỏi), những việc làm (quá nhiều), tiếng tăm (rất tệ) và quan điểm chính trị xem liệu có phù hợp với Đức vua và Giáo hoàng không, hay là ngược lại.
Nhiệm vụ thứ ba của Jeremy Stickles hoàn toàn mang tính chính trị: tìm hiểu tâm tính của người dân và cả những gia đình quyền quý nơi đây, theo dõi phong trào của những băng đảng chuyên nghiệp (không phải lúc nào cũng đáng tin cậy), phát hiện sự tập trung lực lượng trong dân chúng để ngăn chặn (nếu cần, bằng biện pháp đàn áp công khai) việc nhập khẩu thuốc súng (chuyện này cũng nghe phong thanh rồi.) Tóm lại là theo dõi và chặn đứng bất kỳ âm mưu nào khi vẫn còn trong trứng nước.
Với nhiệm vụ thứ ba, Chính phủ đã phạm phải một sai lầm lớn do không muốn gây chú ý từ công chúng. Vì lực lượng thường trực dưới quyền của đặc phái viên không hơn hai mươi lính có súng hỏa mai được bố trí dọc theo bờ biển rõ ràng là không đủ cho việc canh gác. Đúng là ông có nhiệm vụ tuyển mộ lực lượng dân quân, nhưng ông cũng hiểu rằng mình không được triệu tập họ (trừ trường hợp bất khả kháng) vì mục tiêu chính trị; dù, giả sử như ông có thể kêu gọi được họ, ông có thể sử dụng họ để đấu với gia tộc Doone, nếu thấy cần thiết.
“Chú em thấy đấy.” Ông tóm lại. “Công việc của ta thì nhiều, thế mà lực lượng và vũ khí thì chẳng thấm vào đâu. Ta thấy hối hận vì đã nhận nhiệm vụ này. Lý do không chỉ vì cái ao ước mọi thứ êm ả, mà còn vì sự ghen ăn tức ở tầm thường của những kẻ trong quân đội chính thống. Bởi ta không phải là đại tá hay đại úy phục vụ cho Hoàng gia, đâu thể tin tưởng mà giao cho ta cả một trung đội! Họ cũng sẽ không phái đại tá, đại úy đến, vì sợ dân chúng hoang mang. Điều duy nhất ta có thể làm là đánh cho tan tác những tên Doone đê mạt, đốt rụi nhà cửa của bọn chúng. Chú em nghĩ sao về điều đó, John Ridd?”
“Đốt nhà cửa gia tộc Doone.” Tôi nói. “Và giết họ!
Jeremy, không phải ngài nghĩ ra một hành động tàn bạo như thế chứ!”
“Tàn bạo gì chứ! Đó là điều may mắn cho ít nhất ba hạt đấy. Không thể chối cãi một điều là dân nơi đây vốn quen với sự tồn tại của bọn chúng; họ sẽ nhớ cảm giác hối hả về nhà lúc chiều tối, mừng rỡ khi thấy cừu và gia súc nhà mình vẫn còn nguyên trong khi cứ ngỡ là đã mất đi ít nhiều. Nhưng dần dà họ sẽ quen với nhịp điệu buồn tẻ của việc có được giấc ngủ an yên, không mất em gái hoặc người yêu vào tay bọn chúng.”
“Tôi nghĩ chúng tôi sẽ rất nhớ họ.” Tôi đáp sau khi cân nhắc, vì khả năng gia tộc Doone bị xóa sổ chưa từng xuất hiện trong đầu tôi, tất cả chúng tôi đã quá quen với sự có mặt của họ. “Nếu họ không còn nữa thì chắc sẽ xảy ra chuyện gì đó tồi tệ hơn.”
“Chú em là người trung thành nhất trong tất cả các Đảng viên Tory trung thành.” Stickles phá lên cười, bắt tay tôi. “Chú em tin vào quyền lực thần thánh của bọn cướp, những kẻ đủ tốt để cướp con cừu béo nẫn của chú em. Ta là một Đảng viên Tory thú vị, John, nhưng chú em thú vị hơn ta gấp mười lần. Ố ồ! Nhìn nét mặt đau khổ của chú em khi tưởng tượng đến việc không còn bị cướp nữa kìa!”
Ông cười ha hả một cách rất mất lịch sự, trong khi tôi thấy chẳng có gì đáng để cười cả. Chúng tôi thích sống theo cách chúng tôi muốn và thấy hài lòng về điều đó; sự thay đổi đột ngột khiến cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn. Ngoại trừ mất nông trại, Đức vua băng hà, hoặc Betty Muxworthy qua đời, chẳng có gì xáo trộn tâm trí chúng tôi bằng sự biến mất của gia tộc Doone.
Đương nhiên, điều khiến tôi lo lắng nhất là những rắc rối có thể ập đến với Lorna yêu dấu. Nếu cuộc tấn công vào thung lũng Doone được thực hiện bởi những tên lính hung dữ và lực lượng dân quân man rợ, chuyện gì sẽ xảy ra với người con gái mong manh, vô tội ấy? Do vậy, khi Jeremy Stickles một lần nữa đặt ra vấn đề đó với tôi, tán dương sức mạnh, lòng quả cảm và kỹ năng của tôi (để tâng bốc tôi lên tít mây xanh), cuối cùng quả quyết rằng đối với ông, tôi đáng giá bằng bốn người bình thường, tôi ngắt lời ông:
“Ngài Stickles, tôi sẽ không bao giờ tham gia vào việc này. Lý do tại sao thì không liên quan đến ngài, cũng không phải tôi tỏ ý bất trung. Chỉ cần biết là tôi sẽ không ủng hộ những kế hoạch của ngài, không khuyên răn, cũng không canh giữ tù binh.”
“Không ủng hộ việc tấn công những kẻ sát hại cha chú em ư, John!” Jeremy kêu lên.
“Dứt khoát không, Jeremy, trừ phi tôi biết đích xác kẻ làm chuyện đó. Tôi sẽ đích thân thay trời hành đạo.” “Được lắm, John.” Ngài Stickles đáp. “Ta biết chú em vốn bướng bỉnh. Một khi chú em đã quyết định thì tranh luận với chú em giống như lấy hạt tiêu khô mà chọi với đá vậy. Nhưng có lẽ chú em còn một lý do nào đó khác, trừ phi ta hiểu sai, ngoài bản chất nhân từ và lòng khoan dung của tín đồ đạo Cơ đốc nơi chú em. Bất kể thế nào, hãy nghĩ lại đi, John. Có sự trợ giúp của chú em, tổ quạ nhất định sẽ bị chọc thủng. Nhiều tiểu điền chủ sẽ tìm thấy con gái mình, một số chàng trai Porlock sẽ tìm thấy người yêu. Một thiếu nữ xinh đẹp cho chú em, John, nếu quả thực…”
“Đừng nói nữa vô ích.” Tôi đáp dứt khoát. “Đó không phải việc của ngài, Jeremy. Tôi không nói đùa đâu.”
“Ừ, thôi vậy. Ta muốn nói nghiêm túc với chú em một chuyện. Chúng ta sẽ thu phục ông trẻ hai mặt của chú em, Huckaback ở Dulverton, cho ông ta đi tiên phong tấn công sào huyệt của gia tộc Doone. Nghe nói ông ta từng thề sẽ đích thân san bằng thung lũng chết tiệt đó nếu được hậu thuẫn bởi một tá binh lính trang bị súng hỏa mai. Chúng ta sẽ cho ông ta cơ hội làm việc đó và chứng tỏ lòng trung thành đối với Đức vua, điều mà gần đây bị đặt nghi vấn.”
Về việc này, tôi không biết nói sao. Tôi thấy cũng có lý khi để ông trẻ Reuben có cơ hội tìm lại số hàng hóa bị cướp (ông cũng đã làm một trận ầm ĩ về việc này rồi, và thề sẽ trả thù). Tuy nhiên, tôi đánh bạo hỏi ngài Stickles khi nào ông định thực hiện kế hoạch trọng đại, chất chứa nhiều rủi ro này. Ông đáp rằng ông còn phải sắp xếp nhiều thứ nữa. Ông phải đi một chuyến vào nội địa, thậm chí đến Tiverton, có lẽ cả Crediton và Exeter, để tập hợp lực lượng cùng vũ khí. Ông còn muốn thu nạp vài tiểu điền chủ cũng như lực lượng dân quân, phòng khi gia tộc Doone cưỡi ngựa xông ra, đoàn kỵ binh có thể chờ sẵn đó, đón lõng bọn chúng, khiến bọn chúng hết đường quay về.
Nghe vậy, tôi rất lo lắng vì nhiều nguyên do, nhưng đương nhiên trên hết là vì Lorna. Nếu kế hoạch của Stickles thành công, em sẽ như thế nào đây? Ai sẽ cứu em khỏi những tên lính hung tàn (đó là giả dụ em thoát được bàn tay của chính gia tộc Doone) trong cơn nguy biến? Ở góc độ hẹp hơn, ai đảm bảo được ngũ cốc, cừu, gia súc, thậm chí bầy lợn béo của chúng tôi sắp sửa được xẻ để làm thịt lợn muối xông khói thoát khỏi bàn tay tham lam của bọn cướp đang lan tràn khắp nơi? Gia tộc Doone có những đặc quyền riêng của mình, hiểu rõ về chúng và sử dụng chúng theo luật, cũng như mục sư, quý tộc và Đức vua (cầu Chúa ban phước cho ngài!) Những tên lính hạ tiện (rất có thể đang thiếu ăn, và việc chúng đến vùng đất màu mỡ này tựa như chuột sa hũ nếp) là cái thá gì mà đến bắt nạt, ăn hiếp chúng tôi, hai cô em gái xinh xắn của tôi phải nấu ăn cho bọn chúng, đã vậy có khi còn bị chòng ghẹo? Theo cảm quan của tôi, không gì khiến dân nước Anh căm ghét bằng những kẻ vốn quen với cán cày, theo sau xe bò, lê la trong mấy tửu quán nhỏ, trông coi mấy cái kho của giáo xứ, tự nhiên sau vài tháng tập tành chút đỉnh võ nghệ lại được nâng tầm lên thành những bậc anh hùng, những người bảo vệ cho sự an nguy của quốc gia.
Ngoài ra, tôi còn khó chịu vì một lẽ khác - suy cho cùng, chúng tôi phải cân nhắc ý kiến của hàng xóm - chắc chắn tất cả mọi người ở quanh nhà tôi trong vòng mười dặm (danh tiếng của tôi chí ít cũng lan rộng đến đó nhờ tài đấu vật của tôi) sẽ giơ hai tay lên mà nói rằng: “Thật xấu mặt cho John Ridd, nếu cậu ấy không chịu tham gia cuộc chiến này!”
Ngắn gọn thế đủ để quý vị hiểu rằng lúc bấy giờ, John Ridd tôi bị đặt vào một tình thế khó xử. Lorna, tình yêu và cuộc sống của tôi, phải làm tròn trọng trách đối với kẻ… à không, ý tôi là ông nội già cả, tốt bụng của em (giờ đây ông chẳng thể làm hại ai được nữa, do vậy xứng đáng với những lời khen ngợi.) Em bị ràng buộc bởi ý thức bổn phận nên cương quyết ở lại dù nguy hiểm đến thế nào khi không được ai bảo vệ, nhất là bị vây quanh bởi những kẻ thèm muốn có được em vì nhan sắc và địa vị. Khắp nơi phấn khích, sôi sục với cơ hội tấn công gia tộc Doone - không chỉ đơn thuần là “ăn miếng trả miếng”, mà mọi thanh niên đều mạnh miệng hứa với người yêu sẽ mang về một sợi xích vàng và ít nhất là một si linh cho mẹ.
Tuy nhiên, trong lúc mọi việc đang rối như canh hẹ, xuất hiện một niềm an ủi nho nhỏ. Tom Faggus trở về từ London trong niềm hãnh diện và phấn khởi với lệnh tha từ Hoàng gia bằng giấy trắng mực đen, mọi người càng khâm phục hơn vì chẳng ai có thể đọc được một từ nào trong đó. Chính Faggus cũng thừa nhận vui rằng cho cậu cướp năm mươi cái ví còn nhanh hơn đọc trọn một dòng trên đấy. Vài người còn nghĩ sâu xa khi cho rằng tấm giấy da ấy được làm từ da cừu Tom cướp được, điều đó giải thích tại sao việc trao thanh danh cho một người lại lập lờ như vậy. Nhưng lúc bấy giờ tôi cũng đã hiểu đôi chút về giới luật sư, liền cãi lại họ và xác nhận rằng về vấn đề này thì sói nhiều hơn cừu.
Theo một ngạn ngữ cổ của chúng tôi, có ba nghề nghiệp kiếm sống bằng sự đểu giả trên ba phần của con người. Bác sĩ hành hạ cơ thể chúng ta; mục sư bỏ đói linh hồn chúng ta, nhưng luật sư chắc chắn là kẻ đểu giả khéo léo nhất, vì anh ta đánh bẫy tâm trí chúng ta. Do vậy, anh ta cẩn thận che đậy bẫy và động cơ của mình bằng những lời lẽ cao siêu mà bản thân anh ta có lẽ cũng chẳng hiểu được bao nhiêu.
Thế nhưng dù lanh trí phi nước đại trên lưng con ngựa màu dâu tây với tốc độ kinh hồn để thoát được cánh luật sư (sau khi dúi cho họ kha khá tiền), Tom Faggus lại rơi vào một chuyến phiêu lưu thiếu thận trọng trên đường về nhà. Chuyện này làm tôi bực đến mức khó lòng mà kể cho hay được. Do vậy, tôi sẽ nhường lại việc này cho John Fry, người đã bị tôi cướp quyền kể chuyện một lần, cướp nhiều câu nói (mà chú nghĩ rất xuất sắc) vì tôi sợ người nghe đau lòng trước sự ít học của chú - điều mà hầu như chú không hề biết. Giờ thì xin quý vị cho phép tôi để John đáng thương kể câu chuyện này bằng từ ngữ và cách thức riêng của chú (đó là quyền của chú vì chú là người đầu tiên kể cho chúng tôi nghe). Còn ngài Faggus thì giữ kín chuyện này không cho ai biết, ngay cả Annie, bởi vì chẳng ai lường trước được miệng lưỡi người yêu mình, cho đến khi cô ta sinh một, hai đứa con.
Trước khi John bắt đầu kể, tôi xin thưa thật với quý vị rằng có vài từ của chú tôi không dám viết ra vì thấy không tiện, vì chúng là phương ngữ hoặc đại để vậy. Một điều nữa là có nhiều từ tôi không viết ra được vì phát âm thế nhưng đánh vần thì chẳng biết thế nào.
Ai cũng thích những câu chuyện John kể, không phải vì chúng hay mà vì cách chú kể chuyện rất hóm. Chú vênh mặt lên nghiêm nghị (kỳ thực là cố nén cười), không thèm nhìn ai, trừ phi người đó (thường là các cô gái) phá lên cười vì không chịu nổi. Những lúc ấy, trông John Fry rất buồn cười - chú nghiêm sắc mặt nhìn người đó hỏi: “Sao đấy?” Nếu người đó vẫn cười, John tiếp tục nhìn rồi chuyển sang người khác để xem họ có cười theo không. Nếu có, ngay lập tức mặt chú rạng rỡ lên, rồi chú chùi hai môi, lại nghiêm sắc mặt.
Đêm tháng Mười hai năm đó, vì được các cô gái khích lệ (chuyện này tôi không bao giờ cản), John bước vào nhà với tâm thế sẵn sàng kể chuyện. Annie nhận ra, đương nhiên cả Lizzie cũng vậy; thậm chí tôi đang cảm thấy rất khó chịu vẫn nhận thấy John giống hệt khẩu súng đã nạp đạn, nhưng tôi lại không muốn bóp cò. Đến mức này thì chẳng có gì mồi chú nhanh bằng việc vờ như không quan tâm lấy một tẹo nào về câu chuyện của chú, nếu quý vị muốn nghe John Fry kể tất tần tật những điều mình biết.
“Xáng nay tôi đi khắp Exeford…” John, ngồi bên cạnh lò sưởi, bắt đầu kể. Chú nhìn thẳng vào Annie. “… để tìm một con gia xúc nhỏ, Jan à, vì chúng tôi không thể nhờ được cậu ra ngoài. Khi xuống đồi, tôi trông thấy một đoàn người trên đường. Tất cả đều mang xúng, hoặc đúng hơn là cứ ba người thì có hai người mang xúng. Tôi ước tính chắc cũng đến ba chục người, cao lớn có, nhỏ con có, đó là chưa kể phụ nữ và trẻ em. “Chuyện gì vậy?” Tôi hỏi Bill thợ rèn. “Đức vua xắp đến à? Nếu là vậy, có phải họ muốn bắn ngài không?”
“Ông không biết gì hết!” Bill thợ rèn nói. “Bắn Tam Faggus đấy.”
“Bắn ngài ấy khi chưa có lệnh bắt sao!” Tôi kêu lên. “Họ phải biết không nên làm thế chứ, Bill! Không được bắn người khác khi chưa có lệnh bắt, Bill. Thẩm phán bảo thế. Lần trước tôi gặp ngài ấy, có thấy nói gì đâu.”
“Hô hô! Lo gì chứ.” Bill nói. “Chúng ta có đủ lệnh và thẩm phán, ba hay bốn gì đấy. Và không dưới một tá lệnh bắt. Bắn anh ta đi, anh em…”
Ơ này, cô Annie, Chúa ơi, sao cô khóc?”
“Không có gì đâu, John.” Annie đáp. “Chỉ là người thợ rèn khốn nạn đó nói nghe độc ác quá.”
“Vớ vẩn.” John tiếp tục, bực dọc vì sự ngắt quãng. “Bill thợ rèn biết ngài Faggus từng làm nghề gì và xợ mất khách hàng, nếu ngài ấy quay trở lại nghề đóng móng ấy mà.
“May cho ông đó.” Bill thợ rèn nói. “Vì ông quá lùn và mập, Jan. Ba người chúng tôi định bắn ông rồi, mà thấy ông mập quá nên thôi đó, Jan.”
“Trời ơi, Bill!” Tôi kêu lên, toát mồ hôi lạnh. “Bắn tôi ư, Bill. Vợ tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện như vậy.” Kể đến đây, John Fry nhìn quanh nhà bếp. Tôi ngờ là chú chưa từng nói bất kỳ điều gì như thế mà chỉ bịa ra vì chú tưởng thím Fry đến như thím vẫn thường làm vậy để điệu chú về nhà.
“Hoan hô, Jan Vry.” Người phụ nữ lên tiếng sau khi lẳng lặng đi vào, nhưng hóa ra đó là già Molly. “Jan, chú thật là người biết điều khi nói hay, nói tốt về vợ, khi mà cả đời thím ấy đã dắt mũi chú!”
“Lo đun nước đi, bà già, và trông coi chỗ thịt lợn muối sông khói ấy.” John gắt già Molly. “Chuyện vợ chồng tôi, ai khiến bà can thiệp. Ừm, cả đoàn người chờ đợi, kẻ đi ngựa, người không; kẻ mang xúng, người đeo gươm. Họ là ai? Xem nào. Ngài Maunder này, ngài Richard Blewitt run rẩy trên lưng ngựa này, ngài Sanford xứ Lee chột một mắt và có cái mũi dài này, rồi ngài Gronus Batchildor và nhiều người khác nữa, chuẩn bị tinh thần tóm Tom Faggus.
“Sin Chúa phù hộ…” Tôi thầm cầu nguyện. “… cho Tom đáng thương hôm nay không đi ngang qua đây.” Bọn họ chắc chắn xẽ bắn ngài ấy ngay khi ngài ấy băng qua con xuối - nó khá rộng, đầy đá, nhưng chỉ xâu đến mắt cá tôi là cùng.
Tôi lấy thức ăn ra, ăn luôn trên lưng ngựa và đợi. “Lần này chắc toi rồi.” Tim Potter chăn bò nói. “Thật tiếc cho anh ta. Nhưng xống là phải tuân thủ luật pháp.”
“Hoan hô! Thêm một người nữa kìa.” Bill thợ rèn kêu lên, cười ngoác mồm. “Một người nữa đến giúp chúng ta. Thật là một quý ông can trường!”
Có một quý ông phi ngựa chậm rãi xuống đồi ở bên kia con xuối, nhìn chúng tôi với vẻ thân thiện. Con ngựa bước xuống xuối uống nước, quý ông kia thủ thỉ gì đó với nó, rồi nó phóng đi.
“Quan tòa của Đức vua.” Một người nói. “Cược không?” Một người khác nói. “Là Sứ giả.” Bill thợ rèn nói. “Được hậu thuẫn bởi Thị trưởng Taunton.”
“Sin chào mọi người, có thẩm phán hòa giải nào gần đây không?” Quý ông kia nói, nhấc mũ chào chúng tôi rất bặt thiệp.
“Thưa có.” Bill cũng ngả mũ, nói. “Ngài Maunder đang ở đây này.”
Vậy là quý ông nọ phi ngựa đến chỗ ngài Maunder, nhấc mũ chào theo kiểu khiến cho ngài Maunder bất ngờ, vì ông ta không thể làm giống như vậy.
“Thưa ngài!” Ông ta nói. “Tôi đến đây để nhờ ngài giúp đỡ và tư vấn vì xự công bằng. Tôi thừa lệnh Đức vua tìm bắt một tên cướp đường nổi tiếng, tên là Thomas Faggus.” Nói xong, quý ông nọ chìa lệnh ra, nhưng ngài Maunder thú thật rằng ông ta thậm chí không thể đọc chữ in, huống hồ là chữ biểu tượng. Rồi các thẩm phán khác cưỡi ngựa tiến lên, hội ý làm thế nào để gặp quý ông người Anh đó mà không đánh mất phẩm giá của mình. Một người trong số họ biết đọc kha khá nên phát hiện ra dấu triện của Đức vua, bèn cúi đầu trước quý ông nọ, vừa đặt tay lên ngực vừa nói. “Thưa tôn ông đang thi hành nhiệm vụ cho Đức vua, chúng tôi xẵn xàng phục vụ ngài, và mong được ngài chỉ dẫn.”
Thế rồi màn ngả mũ, cúi đầu chào nhau bắt đầu. “Thẩm phán các ngài đã cho bố trí lính rất dày.” Quý ông nọ lên tiếng, kèm theo một cái cúi đầu nữa. “Chắc chắn tên cướp đường đó xẽ không thoát khỏi vòng vây của lính cầm xúng hỏa mai quả cảm đâu. Ha! Tôi thấy gì nhỉ? Ổ nạp thuốc xúng gỉ xét thế kia! Xúng như thế đời nào nổ cho. Cái này này. Cái kia cũng tệ chẳng kém. Cái kia nữa! Sin thứ lỗi, các quý ông, tôi rõ ban quân nhu của Đức vua quá mà. Úi chà, tôi e rằng tên cướp đường táo tợn đó xẽ cưỡi ngựa đi qua mặt tất cả các ngài, cười khẩy vào bộ râu quai nón của các ngài mất thôi.”
“Thế chúng tôi nên làm gì?” Ngài Maunder hỏi. “Tôi e là ở đây không có dầu.”
“Các ngài hãy nổ xúng đi, cho bọn lính làm theo; hay ít nhất hãy để chúng tôi làm điều đó, và nạp lại thuốc xúng mới vì thuốc xúng cũ đã bị sương mù làm hỏng rồi. Chưa thấy mặt mũi tên cướp đường đó đâu, nhưng chúng ta không được lơ là. Tôi biết phải ăn nói với Đức vua thế nào đây nếu chúng ta để hắn thoát lần nữa?”
“Tuyệt vời, thưa ngài.” Ngài Maunder đáp. “Lẽ ra tôi nên nghĩ đến điều này rồi mới phải. Bill thợ rèn, nhắc cánh lính xẵn xàng bắn chỉ thiên ngay khi có lệnh của ta. Nào, ông xẵn xàng chưa, Bill?”
“Tất cả đã xẵn xàng, thưa ngài.” Bill nói, chào kiểu nhà binh.
“Vậy thì, một, hai, ba, bắn!” Ngài Maunder đứng lên trên bàn đạp ngựa, la lớn.
Thế là tất cả đồng loạt nổ xúng, âm thanh vọng khắp những quả đồi. Một đám mây dày đặc bốc lên, không khí khét lẹt mùi thuốc xúng. Trước khi đám mây kịp tan, quý ông nọ ngửa mặt lên, rút ra hai khẩu xúng lục buộc dọc theo yên ngựa, chĩa một khẩu vào đầu ngài Maunder, khẩu kia vào đầu Richard Blewitt.
“Đưa tiền và tất cả giấy tờ ra đây.” Giọng ông ta hệt sấm nổ. “Giờ các ông đã biết sợ Tom Faggus chưa?”
Ngài Maunder chửi thề nhưng mau chóng rút ví ra.
Richard Blewitt cũng vậy.
“Tôi mà thấy người nào nạp đạn là cho ăn đạn ngay tức thì.” Tom nói (giờ thì ai nấy đều biết đó chính là anh ta) và đưa mắt nhìn khắp lượt. Sau đó, anh ta cướp những quý ông còn lại dễ như bỡn, rồi nói: “Nào, các quý ông, hãy làm bổn phận của mình. Hãy kiếm lệnh bắt trước khi bỏ tù tôi nhé.” Nói xong, anh ta bắt họ nộp hết giấy tờ rồi nhét tất cả vào đai mũ, cúi đầu chào.
“Tạm biệt các quý ông, chúc Giáng sinh vui vẻ! Cả người giàu lẫn kẻ nghèo sẽ vui vẻ hơn khi ta biết bố thí. Tôi xẽ giúp các ngài việc này. Đây là con ngựa của tôi, màu dâu tây pha kem. Nạp đạn song, nhắm cho kĩ nhé! Các quý ông, nhân danh Đức vua, xin đa tạ.”
Rồi trong lúc phân phát từng nắm tiền cho người nghèo, anh ta thì thầm gì đó với con ngựa và phóng lên đồi trong tích tắc, chắc cũng phải hai dặm là ít, trước khi một khẩu xúng kịp nạp đạn.”