T
ương của John Fry lúc bấy giờ là sáu si linh một tuần, ngoài tiền công gặt và xén lông cừu. Chú còn được miễn tiền thuê nhà, có đủ đất vườn để trồng rau cải thiện cho vợ và cả nhà. Mức lương được các quan tòa ấn định là bốn si linh rưỡi một tuần vào mùa hè, ba si linh rưỡi vào mùa đông. Thế nên chúng tôi có thể bị phạt, có khi còn bị đi tù, vì phát hơn con số được ấn định. Do đó, có thể nói John Fry là người giàu nhất Exmoor, đương nhiên ý tôi là so với cánh nông dân thôi. Nhiều người cứ hay trêu sẽ cướp chú, cứ như thể chú quản lý Sở Đúc tiền của Đức vua vậy. Tom Faggus còn bảo nếu tình cờ bắt gặp John trên đường sẽ cướp thử, dù cậu đã rửa tay gác kiếm và đang xoay xở một lệnh tha từ Hoàng gia.
Chẳng biết có phải vì bản tính vốn thế hay không nhưng bất luận thế nào, ở Exmoor, không một người nào bất mãn, tin chắc mình không có giá trị (cũng không buồn mấy về điều đó) hơn hay bằng John Fry. Chú đã làm một điều mà tôi không thể xem là đúng đắn, dù tôi cố công bằng với chú, nhất là bởi tính xỏ lá của chú - hễ chúng tôi phàn nàn hoặc buộc tội chú biếng nhác (chú là người biết rõ điều này nhất), chú thường khiến chúng tôi phải nín lặng bằng cách dọa sẽ phơi bày thông tin bất lợi với chúng tôi về việc trả cho chú quá nhiều lương so với quy định!
Tôi không có ý bất kính với John Fry, cũng không hề muốn làm tổn thương đến cháu chắt của chú bằng việc kể lể chú thế này thế nọ. Tôi biết nhiều kẻ còn xỏ lá hơn thế. Nhưng tôi nhắc đến thói xấu hay nhược điểm này - như cách chúng ta thường dùng với một người đã khuất - ở một nhân vật đáng kính là bởi nếu thiếu nó thì chẳng thể giải thích được sự thông đồng giữa John Fry và Jeremy Stickles.
Ngài Jeremy, vốn rành rẽ thói đời ở London và Norwich, mắc sai lầm lớn khi cho rằng người nông thôn quê mùa, thô kệch chúng tôi chất phác không ai bằng, và có thể bị ông giật dây. Hoàn toàn không phải thế. Một khi chúng tôi nghi ngờ ai đó nghĩ chúng tôi như thế, chúng tôi sẽ chiều theo ý của họ, để mặc họ nghĩ gì tùy ý và thấy buồn khi rốt cuộc họ cũng xóa được định kiến đó ra khỏi đầu mình trong sự ngỡ ngàng, nhận ra túi tiền vơi đi ít nhiều, đã vậy còn bị cười vào mũi.
Kể từ khi tôi chọc giận Jeremy bằng việc cảnh báo ông không được xen vào chuyện riêng của tôi, ông ngày càng thân với John Chất Phác, như cách ông thích gọi chú. Lúc nào cũng John Fry. Này thì “Lấy ngựa hộ ta nào, John”, rồi “John, mấy khẩu súng của ta nhồi thuốc kĩ chưa đấy”, và “John, anh vào chuồng ngựa để ta bàn chút chuyện nào”.
Nếu không vì sợ bị xem là thô lỗ, tôi đã lên tiếng bảo ngài Stickles phải trả tiền công cho John rồi. Còn John, chú đã không nề hà thì chớ, lại còn làm ra vẻ bí mật, làm như ta đây quan trọng, tới mức nửa số dân trong giáo xứ bắt đầu nghĩ rằng những chuyện quốc gia đại sự giờ nằm cả trong tay chú.
Nhận thấy không thể để việc này kéo dài, cũng vì tôi là người duy nhất trong giáo xứ có biết đôi chút về chính trị, tôi cảnh báo John Fry rằng chú không được cả gan muốn nói gì thì nói về hiến pháp cứ như thể chú là một đốc quân. Đấy không phải là việc của chú, nếu chú cứ tiếp tục làm vậy thì sẽ đẩy tất cả chúng tôi vào rắc rối. Chú vênh mặt lên, như thể chú đã ở London ít nhất là ba lần trong khi tôi chỉ có một lần, khiến tôi bực đến mức dọa chỉ cần chú nhắc đến tên một hiệp sĩ của quận thôi sẽ ăn roi cày ngay lập tức.
Cái đầu ngu dốt của tôi không mảy may nghĩ đến việc John Fry có kể cho Jeremy Stickles về cảnh tượng tại đầm lầy Wizard’s Slough và người đàn ông đội mũ trắng vì John đã thề trên lưỡi dao của chú rằng sẽ không hé một lời nào cho bất kỳ ai nếu tôi chưa cho phép. Tuy nhiên, có vẻ như John đã kể tất cả những gì chú chứng kiến. Ngài Stickles tỏ ra rất bất ngờ về những việc làm của ông trẻ Reuben, vì trước giờ vẫn xem ông là một thần dân cẩn trọng, sắc sảo và trung thành.
Tôi biết được điều này nhờ vào việc kịp thời cứu mạng ông và làm ông nguôi giận. Phải luôn theo dõi sát sao bảy tổ quạ, đồng thời không được ăn không ngồi rồi làm lãng phí lương thực dự trữ của mẹ, tôi xoay xở tìm cách chỉ làm việc ở góc tây của nông trại, nơi gần thung lũng Doone nhất, để dễ bề chạy đến chỗ cao nhất, tiện cho việc quan sát.
Một hôm, ngài Faggus ghé thăm chúng tôi, đúng vào bữa trưa. Cậu và viên sứ giả của Đức vua nhanh chóng kết thân. Tom đến cốt để mang con ngựa yêu quý ra khoe với Annie, cậu bế người yêu xinh xắn của mình lên yên ngựa sau khi dặn dò con Winnie phải ngoan ngoãn. Faggus đang rất phởn chí vì vừa mua được một mảnh đất của ngài Roger Bassett già cả có giá trị gấp mười lần số tiền bỏ ra bằng chút mánh khóe, trong khi ông ta cứ tưởng cậu nói chơi. Việc mua bán được thực hiện chóng vánh bên cốc rượu vang đỏ trong một tửu quán. Vị hiệp sĩ già một khi đã cam kết rồi thì không một luật sư nào có thể can thiệp. Họ chỉ có thể nói rằng ngài Faggus từng dính trọng tội giết người, không thể nào là người thụ nhượng được. “Tôi sẽ sớm khắc phục điều này.” Tom bảo. “Lệnh tha của tôi đã sẵn sàng hàng tháng nay rồi, ngay khi tôi chính thức yêu cầu trước tòa án.”
Cậu trò chuyện với Annie. Em lắng nghe rất phấn khởi, tin mọi điều cậu nói. Trước đây, vì quá ngây thơ nên cậu mới bị cánh luật sư làm cho phá sản. Bây giờ, cũng là lẽ công bằng khi cậu lấy lại tư thế sau nhiều năm lăn lộn trên khắp các nẻo đường làm cướp, đường hoàng đấu tay đôi với họ. Cậu sẽ đi London ngay, đòi lệnh tha, rồi về cầu hôn Annie, vân vân và vân vân - những điều mà tôi không có quyền nghe, cũng không muốn xen vào.
Tôi bèn cưỡi ngựa ra con đường làng đến chỗ làm việc, buồn bã so sánh tình yêu của mình với hai người đó (bây giờ có vẻ như đang đơm hoa kết trái), nhưng cũng mừng cho Annie, thỉnh thoảng nhớ đến một câu thành ngữ xưa: “Cái sai không bao giờ thành đúng.”
Tôi làm việc cật lực trong bãi đất trồng cây tần bì với chiếc liềm tỉa cành và một con dao lớn. Nào cắt bỏ những cây con mọc quá gần nhau, nào làm những cái trụ để dành khi cần lợp, mấy cái móc để đóng vào lõi ngô, những bục trèo vào bãi quây cừu, tay cầm cho mấy cái cào và cuốc. Phần còn lại không làm được gì, tôi cột thành bó, cho lên xe trượt tuyết, chở về làm củi. Trong lúc làm việc, tôi không quên đưa mắt về phía bảy tổ quạ - dấu hiệu về sự an toàn của Lorna. Kỳ thực, hễ nghỉ tay hoặc đổi tư thế là tôi lại tìm chỗ cao nhất, ngóng về phía trái tim tôi một lòng hướng tới.
Thế là tôi chẳng còn nhớ gì đến Tom và Annie nữa. Trong tâm trí tôi chỉ còn mỗi Lorna, tôi muốn cưới em làm vợ biết nhường nào. Rồi tôi lại tơ tưởng đến chuyện sẽ đặt tên con cái mình là gì, sẽ dạy dỗ chúng nó kính trọng mẹ mình ra sao. Tuy nhiên, dù tâm trí có vướng bận chuyện tình cảm đến thế nào thì tôi vẫn không vì thế mà lơ là công việc của mình. Trụ mới đốn không tốt bằng loại được hong khô một thời gian, nhất là khi nhựa cây không ứa ra ngay lúc chặt. Do vậy chúng tôi luôn thấy cần dự trữ với số lượng nhiều.
Ở chỗ này rất dễ chịu vì nó thoai thoải về hướng tây. Mặt trời đang lặn. Những thân cây với đám cành con chìa ra hệt các khuỷu tay, đung đưa và quấn quýt. Bên trên là tàn lá rung rung hệt những ngón tay đang gảy một khúc nhạc buồn. Dọc theo mảnh đất nghiêng, giữa những gốc cây bị đốn là những đống lá khô ngả nâu, thảm địa y, đám củi rều đang mục và những lùm cây bụi tản mát. Sát hàng rào là một dòng suối róc rách. Nó nhỏ đến mức chẳng ai buồn đặt tên, lượng nước chảy chắc chắn chưa tới một lít một phút trong tiết trời khô hanh. Tuy vậy, nó khá là quanh co với hai bên bờ mọc đầy rêu và cỏ xanh mướt, bên trên là vòm dương xỉ ken dày soi bóng xuống dòng nước trong vắt.
Đã đến lúc về nhà dùng bữa tối. Bụng tôi bắt đầu sôi réo vì tôi đã làm việc cật lực suốt nhiều giờ, chỉ có tiếng róc rách của con suối nhỏ cộng với vài ba con thỏ, gà lôi làm bầu bạn. Mặt trời đã lặn sau cánh rừng tối sẫm trên những vách đá xa xa của Bagworthy, màu đỏ nhạt của những lùm cây bụi ngả sang màu xám, trong khi sắc xám của đám cây tần bì non lại chuyển sang màu nâu, nổi bật trên nền trời. Những khúc quanh của con suối nhỏ chìm lút trong màu đen bí hiểm, trong khi bên ngoài hàng rào, đám cỏ ba lá xoăn lại chuẩn bị cho một đêm yên giấc dưới màn sương sa. Tôi cũng theo gương chúng, nghỉ ngơi sau một ngày lao động miệt mài.
Tôi cẩn thận lau liềm và dao vì không thích để nông cụ bẩn, lần khần không biết có nên nhìn về phía bảy tổ quạ thêm lần nữa không, hay giờ trời tối quá rồi. Tôi dừng chặt chắc cũng được mười lăm phút, trong thời gian đó, tôi phân loại thân cây, cột chúng thành bó. Tiếng suối chảy át đi tiếng động tôi gây nên. Nhờ thế, mạng sống của tôi không bị đe dọa.
Khi tôi đang cột bó củi cuối cùng, bên ngoài hàng rào có ba người đàn ông đi tới. Nhờ chút ráng chiều đằng tây, tôi có thể nhìn thấy cả ba người đều mang súng. Những người này không đi bừa mà men sát hàng rào, như thể lén theo chân một kẻ thù nào đó. Ngay lập tức tôi lạnh toát cả người khi nghĩ rằng mình chính là người họ đang tìm kiếm. Trong cơn hoảng loạn, tôi kết luận ngay rằng những chuyến viếng thăm của tôi đến thung lũng Doone đã bị phát giác, nên giờ mới lâm vào cảnh ngàn cân treo sợi tóc thế này.
May mà tôi nghe tiếng quần áo của họ bị mắc vào những bụi gai, trông thấy mũ họ thấp thoáng bên dưới hàng cây tần bì. Một điều may nữa là tôi đứng trong một goyal, đằng sau là bãi đất trồng cây làm chất đốt tối mịt. Tôi không đủ thời gian để chạy mà theo bản năng vội quăng mình vào giữa đám dương xỉ dày, nín thở, nằm im như khúc gỗ. Tôi đã nhìn thấy những nòng súng sáng lóa, và biết điểm yếu của vùng này nên tốt nhất là không nên đánh động họ. Ba người đàn ông nọ dừng lại chỗ lỗ hổng hàng rào, nơi tôi lâu nay vẫn ra vào, rướn thẳng người, nhìn quanh quất.
Chẳng vấn đề gì nếu một người huênh hoang rằng cả đời mình anh ta chưa từng sợ hãi, và tin chắc rằng mình sẽ không bao giờ như thế. Tôi không dám nói là không tồn tại người có đức tính đó, chỉ có điều tôi chưa từng biết anh ta. Nỗi sợ trong tôi bây giờ thật khủng khiếp, cơn rùng mình lan tới tận xương tủy. Khi nằm nín thở trong tuyệt vọng với chỉ một thanh củi và bụi dương xỉ che chắn trong ánh chiều tà, tôi trông thấy ba khuôn mặt, tệ hơn nữa là ba họng súng đầy đe đọa.
“Mới có người làm ở đây.” Là giọng của Carver Doone.
“Charlie, nhảy lên quan sát xung quanh xem. Chúng ta không thể bị phát giác được.”
“Đỡ em với đại ca.” Charlie, tên thanh niên điển trai tôi thấy đêm trước, lên tiếng. “Chỗ này dốc quá.”
“Yên trí!” Người thứ ba la lên, tôi há hốc miệng khi nhận ra đó là Marwood de Whichehalse. “Chỉ là một gã nhà quê chặt củi thôi mà. Nó về nhà lâu lắc rồi. Mặt trời đã lặn, các anh không thấy sao? Nhìn ngó xung quanh mà xem, một con thỏ cũng chẳng thấy.”
Và tôi lại nín thở, tạ ơn Chúa vì mình đã mặc áo khoác.
“Ngài nói đúng đấy ạ.” Charlie nói, lúc này đang đứng trên cao (có lẽ trên một gốc cây). “Chẳng có ai đâu, đại ca.
May cho gã ngốc đó ra về kịp lúc. Dao rựa cũng dọn sạch sẽ rồi.”
“Lệ thường ở đây là khi làm việc trên bãi đất trồng cây làm chất đốt, người ta phải đưa chó đi cùng.” Whichehalse tiếp tục. “Không người nào dám làm việc ở đó mà không có chó để xua đi yêu tinh.”
“Nông trại này có một thanh niên rất to con.” Carver Doone làu bàu, sưng sỉa. “Nó mà để tao gặp là tới số luôn. Thằng đó có một mối thù truyền kiếp với gia tộc Doone, vì chúng ta đã bắn chết cha nó. Mùa đông trước, nó định đưa người đến tấn công chúng ta nhưng không dám. Gần đây nó đi London, liên quan gì đến mưu phản ấy, tao nghi vậy.”
“Ý anh là tên ngốc John Ridd đó hả?” Whichehalse nói. “Một gã nhà quê cục mịch. Tôi cam đoan là nó chẳng liên quan gì đến mưu phản hết; nó không đủ trí tuệ để làm chuyện đó. Nó chỉ quan tâm mỗi việc đấu vật thôi. Khỏe như bò mộng, ngu như lợn.”
“Tao mà gặp con bò mộng đó…” Carver nói với nụ cười ngoác trên khuôn mặt dương dương tự đắc. “… là cái đầu lợn của nó ăn đạn ngay.”
“Thôi mà, đại ca! Đừng bắn thằng đó. Nó là bạn học cũ của tôi, có đứa em gái rất xinh. Nhưng ông cậu họ xa của nó thì khác, nguy hiểm gấp chục lần.”
“Để rồi xem!” Gã đàn ông râu quai nón rậm đen lầm bầm. “Thằng ngu đó tới số nếu cản đường tao. Mà thôi, đi tiếp nào. Đừng có rề rà nữa, không khéo rắn hổ lục trong bụi ra cắn cho mỗi đứa một phát bây giờ. Tóm lại, nếu thằng đó thoát được, hai đứa mày chịu trách nhiệm.”
“Đừng lo, đại ca, và không việc gì phải vội.” Charlie thẽ thọt. “Em nhất định sẽ làm giáo sĩ nghe nó xưng tội, vì nó dám xúc phạm em.”
“Anh cứ tự nhiên làm việc đó hộ tôi.” Marwood nói khi họ quay đi, men theo hàng rào. “Tôi thích đấu kiếm tay đôi chứ không thèm bắn lén từ hố cá nhân.”
Tôi không nghe rõ tên kia đáp lại gì, vì hàng rào tần bì rậm rịt. Không còn lỗ hổng nào nữa cho tới cuối bãi đất nơi có lối rẽ. Tôi vẫn chưa hoàn toàn thoát nạn vì họ có thể đi vào lỗ hổng thứ hai, chắc chắn sẽ trông thấy tôi, trừ phi tôi kịp bò vào một bụi cây chưa xén trước khi họ vào bãi đất. Dù sợ đến thế nào, tôi vẫn không đủ sáng trí để làm điều đó. Nói thực là lời đe dọa của Carver Doone làm tôi giận điên hết cả người. Còn Marwood nữa. Sao anh ta lại đi cùng bọn Doone? Sự tò mò cộng với lòng trắc ẩn đối với kẻ vô danh nào đó mà bọn họ đang lùng sục khiến tôi gần như quên cả thận trọng, hay nói đúng hơn là đánh liều theo sau để tìm hiểu.
Nắm chặt chiếc liềm, tôi thả mình thật êm vào lòng con suối nhỏ, quyết tâm chấp nhận rủi ro nếu họ đi vào lối rẽ nơi nước đổ xuyên qua hàng rào. Thế là tôi theo họ dọc theo hàng rào, khẽ như một con thỏ, chỉ là tôi ở bên trong, họ ở bên ngoài - đủ gần để nghe tiếng sột soạt của cành cây.
Có lẽ trước giờ tôi chưa từng yêu dương xỉ nhiều đến thế khi tới cuối con suối nhỏ, khom người ẩn nấp an toàn giữa mái vòm của chúng. Bọn gia súc vẫn thường đi xuyên qua lỗ hổng đó để tìm cỏ khô và tránh nắng, để lại một ụ đất chắn giữa tôi và toán cướp. Ý tôi là bên trái (bên họ đang đi), vì đằng trước nơi con suối chảy ra khỏi bãi đất là hàng cây nhựa ruồi dày. Tôi khẩn cầu Thượng đế dẫn dắt họ đi thẳng vì nếu họ rẽ phải qua chỗ cây thưa, những nòng súng sẽ gần như chĩa vào chính giữa trán tôi.
Tôi chỉ nghe tiếng họ thôi vì không dám nhìn, đương nhiên là toàn thân run lẩy bẩy. Tôi nghe họ giậm giậm chân, không biết phải theo lối nào. Trong thời khắc kinh hoàng đó, tôi gần như hồn bay phách lạc, quý vị nghĩ tôi đã làm gì nào? Tôi đếm những sợi tơ nhện cùng những xác ruồi còn mới đung đưa trong ánh chiều nhập nhoạng.
“Ở chỗ kia sẽ nhìn thấy lão ta rõ hơn.” Giọng Carver rin rít đáng sợ, như tiếng cót két của sợi xích giá treo cổ. “Tụi mày ngồi đằng sau hàng cây nhựa ruồi đi. Thế nào lão cũng sẽ xuống quả đồi đằng kia. Chúng ta sẽ tiễn biệt lão về thế giới bên kia bằng một phát vào người, hai phát vào đầu. Nhớ ngắm cho chính xác, kẻo lại trượt.”
“Đại ca à, trúng làm sao được.” Charlie gần như thì thào. “Tụi em biết đại ca có thể bắn trúng một con chiền chiện đang bay, và đại ca rất hãnh diện về tài thiện xạ của mình. Nhưng có thể lão không đến sau khi trời tối, và chúng ta không đủ gần để bắn trúng lão. Hàng cây nhựa ruồi này cách quá xa. Em nói đại ca rồi. Lão băng xuống đây từ Slocomslade chứ không phải Tibbacot, dọc theo lối đó về bên trái, phía mũi đất nhô ra biển đến Glenthorne, nơi thuyền của lão neo trong vịnh. Đại ca nghĩ em theo dấu lão rất nhiều tối rồi mà chẳng biết đường đi nước bước của lão sao? Bộ đại ca muốn biến những vất vả của em thành số không chăng?”
“Dông dài quá, tụi tao sẽ theo mày. Nếu vụ này đi tong, mày thế mạng cho lão đấy, nghe không?”
“Vậy đi theo em nào, về phía bên phải ấy. Chân đại ca sắp cứng đờ rồi kìa.”
“Nếu dẫn sai đường, người mày cũng vậy đấy nhóc.” Nghe ba gã dò dẫm đi xuống cái đồi dốc và lởm chởm đá, tôi ghé mắt nhìn xuyên qua hàng rào, thấy họ đi vào một lùm cây nằm bên đường mà ngài Stickles vẫn đi, gần như mọi buổi tối, khi ông ra khỏi nhà, bảo là đi công chuyện. Ngay lập tức, tôi biết họ định giết ai. Lẽ ra tôi nên đoán được từ trước rồi mới phải, nhưng phần vì quá sợ, phần vì tối dạ nên tôi đã không nghĩ ra.
“Ôi, Chúa ơi!” Tôi nghĩ một lúc, đợi cho máu lưu thông bình thường. “Nhờ ơn Chúa cho con gặp những kẻ ném đá giấu tay đê hèn! Dối trá, theo dõi lén lút, hả hê trước cái chết của kẻ thù - những đặc tính mà một người cần phải có để có thể đấu lại gia tộc Doone. Nhưng, tạ ơn Chúa vì con không có đặc tính nào tương tự.”
Giờ không phải lúc để nghiền ngẫm sự đời, mà cần tìm cách ngăn chặn tội ác sắp xảy ra. Đi theo những kẻ có vũ khí xuống đồi, tôi chỉ có nước tìm đến cái chết, vì chẳng có lùm cây nào ở đó mà trời thì vẫn chưa tối hẳn. Tôi thấy có vẻ như cơ hội duy nhất là đi vòng quanh ngọn đồi nhanh hết sức có thể, cố sao cho không bị nhìn thấy từ thung lũng, rồi xuống những tảng đá, băng qua con suối đến con đường mòn từ Slocombslade để ngăn viên sứ giả của Đức vua không đi xa hơn, đó là nếu như tôi có thể bắt gặp ông ở đó.
Nghĩ xong, tôi chạy như điên, bất kể bị ngã dúi dụi xuống đá và trầy xước, sợ nghe thấy tiếng súng nổ vọng tới từ thung lũng. Rồi tôi băng qua dòng Bagworthy, không xa bên dưới thung lũng Doone, lên đến đỉnh đồi về phía Slocombslade, tim đập thình thịch, hơi thở đứt quãng. Tôi không biết tại sao Jeremy lại cưỡi ngựa theo lối này thay vì con đường thẳng hơn (qua đồi Oare), nhưng thôi, chuyện đó thì có liên quan gì đến tôi, việc của tôi bây giờ là cứu mạng ông.
Một phút sau, tôi túm được dây cương của ông, ngay lập tức một nòng súng chĩa vào đầu.
“Jeremy, Jery.” Tôi chỉ có thể nói được bấy nhiêu, vì suýt đứt hơi sau một hồi chạy còn nhanh hơn cả ngựa.
“Nói kịp lúc đó, John Ridd!” Ngài Stickles kêu lên, nhưng vẫn chĩa súng vào tôi. “Đáng lẽ nhìn dáng chú em là ta biết rồi chứ, John. Chú em làm gì ở đây?”
“Cứu mạng ngài. Vì Chúa, đừng có đi xa nữa. Có ba người mang súng dài đang nấp trong lùm cây đằng kia chờ ngài đấy.”
“Ha! Ta biết gần đây mình bị theo dõi. Do vậy mà ta chĩa súng vào chú em đấy, John. Rẽ vào góc cua kia, lấy lại hơi thở, rồi kể ta nghe mọi chuyện. Ta chưa thấy ai vội vàng đến mức này. Ta có thể hạ gục chú em ngay bây giờ đó, John.”
Jeremy Stickles là người can đảm, lanh trí, tháo vát; chẳng thế thì ông đã không được giao cho nhiệm vụ này. Ấy vậy mà, sau khi nghe kể, ông run lẩy bẩy. Tuy nhiên, tôi tránh nhắc đến tên Marwood de Whichehalse. Tôi cũng không tỏ ra là mình biết hai người còn lại. Vì những lý do của riêng tôi, không khó để quý vị đoán ra.
“Cứ để mặc chúng đợi, John Ridd.” Jeremy cất tiếng sau một lát suy nghĩ. “Ta không thể triệu tập lính cầm súng hỏa mai từ Glenthorne hoặc Lynmouth đến để kịp tóm bọn kia được. Mà hai chúng ta thì không thể địch lại ba tên Doone liều lĩnh và có vũ khí. Việc làm lần này của chú em dẫn đến hai kết quả. Một là chúng ta sẽ tấn công chúng sớm hơn dự định. Hai là chúng ta sẽ là bạn của nhau mãi mãi. Hãy bắt tay nào chàng trai, và bỏ qua cho ta vì đã lạnh nhạt với chú em bấy lâu. Việc làm của chú em hôm nay nhất định sẽ được đền đáp.”
Nói xong, ông bắt tay tôi chặt hơn bình thường. Sau khi được tôi chỉ cách tránh xa tầm nhìn của kẻ thù, ông cưỡi ngựa đi làm nhiệm vụ của mình. Tôi cũng muốn ở lại xem thử ba gã kia kiên nhẫn phục kích được bao lâu, nhưng vì bụng ngày một cồn cào, tôi bèn ra về luôn.