C
ho dù mọi thứ có thiếu hoàn hảo, sức mạnh của chúng nằm ở tính súc tích, ngắn gọn. Nếu ngài Ensor Doone ca cẩm liên tục suốt nửa giờ đồng hồ, và mất một tiếng đồng hồ đay đi đay lại về sự ngốc nghếch của Lorna và tôi thì chắc chúng tôi phải ngán ngẩm ông lắm, muốn bỏ đi chỗ khác. Nhưng giờ đây, tôi mong được gặp ông và biết nhiều hơn về ông, hy vọng ông chưa lên thiên đàng vội, ít nhất là một tuần nữa hoặc hơn. Tuy vậy, thế giới này không đáng để ông phải gắng gượng sống tiếp trong nỗi đau đớn của tuổi già cùng bệnh tật (chúng tôi vẫn thường nói vậy khi một người sắp sửa rời xa dương thế). Sau tất cả, tôi thực sự tin trong thâm tâm, ông không phải là người xấu.
Ác giả ác báo. Ông gieo ác thì gặt ác cũng là lẽ đương nhiên. Ấy vậy nhưng vẫn có bao nhiêu kẻ gieo gió lại gặt toàn nắng ấm, trời trong đấy thôi! Cứ cho ông là người như thế đi, chúng ta vẫn phải công nhận rằng ít nhất ngài Ensor cũng là một quý ông dũng cảm, bặt thiệp.
Sự ra đi của ông khiến bao người rơi nước mắt tiếc thương, không chỉ trong gia tộc Doone, những phụ nữ họ cướp về, mà cả dân chúng nói chung, thậm chí không ít thẩm phán trong bán kính nhiều dặm quanh Exmoor. Họ khóc không chỉ vì sợ người kế tục ông có thể là một kẻ độc ác hơn (kỳ thực có vẻ như thế thật), mà còn vì họ thực sự ngưỡng mộ ý chí mạnh mẽ của ông, và thương cảm cho những bất hạnh của ông.
Tôi sẽ không nói với quý vị rằng ngài Ensor Doone bằng lòng cho tôi đến với Lorna, bởi làm thế là lừa dối. Chắc hẳn ông cũng muốn chúc phúc cho chúng tôi nhưng chưa kịp làm thì đã ra đi vào ngày hôm sau.
Thực ra ông đòi chúng tôi mang đến cho ông hộp thuốc lá bột, một thứ đồ cao cấp mà mỗi khi rất vui, ông mới mang ra hít. Tuy nó không lên được khoang mũi vì hơi thở ông hiện rất yếu, ông vẫn mặc kệ, cốt để quên rằng mình đang hấp hối.
“Cháu lau cho ngài nhé?” Tôi khẽ hỏi vì thấy thứ bột màu nâu đó làm bẩn ria mép ông, nhưng hình như ông lắc đầu. Tôi nghĩ nó giúp ông lên tinh thần. Trước giờ tôi chưa từng chứng kiến ai sắp sửa đi vào cõi vĩnh hằng, điều mà ai trong tất cả chúng ta rồi cũng phải trải qua vào một ngày nào đó. Tôi thấy xuống tinh thần ghê gớm, dù không sợ lắm.
Khung cảnh khá là hỗn loạn, kẻ vào người ra tấp nập, hoàn toàn do hiếu kỳ (điều đáng ghét nhất trong tất cả).
Mọi người cứ thế om sòm, huyên náo. Họ nói với nhau về việc rồi cũng đến lúc họ ra đi, rồi cho biết tuổi nhau, vân vân và vân vân. Nhưng có vẻ như mọi người nghĩ, hoặc cảm thấy, rằng tôi có quyền ở đó. Còn Carver và Quân sư thì đang mải tìm cách giành quyền kế vị, không bao giờ (ít nhất là lúc tôi có mặt ở đó) coi việc đến gần ông già hấp hối là phận sự của mình.
Còn ngài Ensor, ông không bao giờ yêu cầu bất kỳ ai đến gần mình, kể cả là mục sư, nhà sư hay tu sĩ, mà ra đi theo cách riêng của mình - thư thái, thanh thản. Chỉ có người đứng đầu cánh phụ nữ bảo rằng nhìn mặt ông, bà tin chắc ông muốn có tôi kề cận và túc trực phía bên này giường bệnh, còn Lorna ở bên kia. Một, hai giờ trước khi ông trút hơi thở cuối cùng, lúc bên cạnh ông chỉ còn Lorna và tôi, ông nhìn hai đứa bằng ánh mắt lờ đờ, dịu dàng như thể ước ao làm một điều gì đó cho chúng tôi nhưng đã quá muộn. Lorna tưởng ông muốn chúc phúc cho chúng tôi, song ông chỉ cau mày, buông thõng một bàn tay xuống, một ngón tay cong lại.
“Ông muốn lấy gì đó ra khỏi giường đấy.” Lorna nói khẽ với tôi. “Xem thử đi, phía anh đấy.”
Theo ngón tay run run gập lại trông rất đáng thương của ông, tôi lần tìm giữa các thanh giường, cảm thấy có vật gì đó cứng và sắc. Tôi rút nó ra, đưa cho ông. Nó sáng lóe lên trong bóng tối u ám của căn phòng. Ông không thể cầm nó trong tay, để nó đung đưa hệt những đóa cúc dại, cốt cho Lorna hiểu là ông muốn trao nó cho em.
“Ôi, sợi dây chuyền thủy tinh của em!” Lorna sửng sốt kêu lên. “Sợi dây chuyền ông vẫn hứa với em. Chiếc nhẫn em trao cho anh làm kỷ vật là từ nó đấy, John. Ông đã mang cất nó đi vì bọn trẻ con cứ lôi nó ra khỏi cổ em. Ông nội, cho con xin nhé?”
Lorna lại khóc khi ông đồng ý bằng một cái gật đầu yếu ớt, vì giờ đây ông không nói được nữa. Em đưa sợi dây chuyền cho tôi, tôi cất nó trong túi áo ngực. Ông dõi theo từng cử động của tôi, hài lòng về điều đó.
Trước khi ngài Ensor Doone được chôn cất, đợt sương giá lớn nhất thế kỷ xuất hiện, phủ bàn tay sắt và nện những bước chân bằng đá lên vạn vật. Nó đến thế nào không phải việc của tôi, mà tôi cũng chẳng giải thích được, bởi lẽ tôi chưa từng quan sát bầu trời (việc mà bây giờ người ta mới bắt đầu làm, khi đất không còn mang lại niềm thích thú cho họ nữa). Dù không biết tường tận, tôi có nghe người ta kể lại và cả tận mắt chứng kiến.
Cánh đào huyệt làm gãy ba cái cuốc chim trước khi đào được lớp đất mặt màu nâu rắn đanh làm nơi an nghỉ cuối cùng cho ngài Ensor trong nghĩa trang một nhà thờ nhỏ. Tôi không tiện nói ra tên nhà thờ, đó cũng chính là nơi dì Sabina của Lorna yên nghỉ.
Với chút hiếu kỳ, tôi nán lại đó khá lâu vì vài người dọa rằng tôi chắc chắn sẽ bị nguyền rủa suốt đời vì có mặt trong đám tang của người theo đạo Thiên chúa La Mã. Rồi Lorna đến, với bao nhiêu lớp áo ấm quấn quanh người, hơi thở thoát ra đọng lại trên người em hệt như sương giá.
Tôi đứng cách xa buổi hành lễ, đương nhiên tôi không được quyền tham dự nó, vì cả giai tầng lẫn tôn giáo. Kỳ thực, tôi cũng khá sáng suốt khi tránh xa chỗ đó bởi giờ đây không còn ai bảo vệ tôi khỏi những kẻ hung tàn, vô pháp. Hai cha con Carver đều thề sẽ báo thù tôi (nghe Gwenny nói vậy). Họ không dám đụng vào tôi trong lúc ngài Ensor còn đang hấp hối trên giường bệnh. Thậm chí một thời gian ngắn sau khi ngài cố thủ lĩnh nằm xuống, họ cũng không xem việc trừng trị tôi là cách khôn ngoan, vì làm thế chẳng khác nào công khai gây chuyện với Lorna, đồng nghĩa với việc sự kế vị sẽ bị ảnh hưởng xấu.
Đám tang của ngài Ensor đầy trang nghiêm và xúc động, có lẽ vì sự trái ngược hơn là sự thích hợp. Những gã đàn ông to cao, đen đúa, vốn quen với tội lỗi và tội ác, bất chấp con người và Chúa, thành kính cúi đầu, chắp tay đi theo chiếc hòm đen dài của thủ lĩnh đến nơi cũng sẽ là đích của họ khi mệnh cạn. Viên mục sư yếu ớt lầm rầm cầu nguyện bên trên thi thể ngài Ensor bằng những lời nếu nghe được, ông hẳn sẽ cười nhạo, đồng thời rắc những giọt nước thánh không thể thanh tẩy. Bọn trẻ con mặc áo choàng trắng vung chầm chậm những lư hương trầm bên trên huyệt mộ lạnh lẽo, tranh tối tranh sáng. Chứng kiến khung cảnh đó, tôi không khỏi rùng mình tự hỏi: “Phải chăng đây là kết cục Chúa đã ấn định trước cho một người ngạo nghễ, tráng kiện nhường ấy?”
Không một giọt nước mắt nào nhỏ xuống tiếc thương ông, ngoại trừ từ đôi mắt ngọt ngào nhất trong những đôi mắt ngọt ngào. Không một tiếng thở dài nào đi theo ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Ngoại trừ những cơn thịnh nộ, cuộc sống của ông nhuốm màu lạnh lẽo, cay đắng, cách biệt. Một tuần qua đã vắt kiệt sự đau buồn của những người xung quanh ông - vì sợ hãi hơn là yêu thương. Những người già sẽ chỉ vào mộ chí của ông, những người mẹ bồng con thơ vội vã đi thật nhanh, bọn trẻ co rúm người khi thấy tên ông. Rồi đến một lúc nào đó, câu chuyện đời ông cũng sẽ trôi vào quên lãng, chẳng ai còn nhớ đến, trừ Chúa.
Sau lễ tang, tôi sải bước băng qua những con truông, lòng trĩu buồn, cố đi thật nhanh cho ấm người. Chưa một bông tuyết nào rơi, khắp mặt đất phủ một lớp màu nâu khô cứng, bầu trời tuyền một màu u ám, khắc nghiệt. Sương mù của ba tuần vừa qua đã biến mất, cũng chẳng còn sương muối, nhưng vạn vật được khoác lên một dáng vẻ như nhau. Trời lạnh buốt xương, kèm theo gió như xé da xé thịt. Tôi thấy nước thánh đóng băng trên hòm của ngài Ensor.
Có một điều khiến tôi quá đỗi kinh ngạc là cách lũ chim di chuyển. Nào thì chim hét, vịt trời, choi choi, quạ, dẽ giun. Cả lũ cứ lừ đà lừ đừ, không chút sinh khí, thẳng tiến về phía tây, con thì chạy, con thì bay, con thì vỗ cánh. Lặng lẽ, không một tiếng ồn. Suốt cả tuần. Trước khi sương giá sắp kết thúc, tất cả những gì chúng tôi tìm thấy trong những cái mương ngập tuyết là bọn thỏ hoang thuần đến mức có thể vỗ về, bầy gà gô với diều bị đông cứng, lũ gà tây nhìn như những cái cốc bằng tuyết, và vài con chim hét cánh đỏ nhảy loi choi tội nghiệp, cứ bay vào rồi lại bay ra khỏi hàng rào, không còn sức bay xa, giương đôi mắt to đen có viền vàng xung quanh về phía bất kỳ người nào, mong tìm kiếm chút trắc ẩn.
Annie mang về nhà rất nhiều chim, phần em tự tìm thấy, phần được bọn con trai mang đến, và em dựng một cái chuồng lớn gần lò sưởi trong nhà bếp sau. Tại đây, mặc kệ bà vú Betty (muốn rô ti chúng kinh khủng), Annie giữ lại những năm mươi con chim, nuôi chúng bằng bánh mì, sữa, thịt sống xắt nhỏ, tất cả những loại hạt em có thể nghĩ ra và những miếng táo hỏng được đặt trong các xó góc để dụ chúng. Một số gắng gượng được, một số chết khiến Annie khóc như mưa, mang chôn chúng bên dưới đống củi. Mỗi buổi sáng, khi em đến thăm chúng, cảnh tượng nhìn rất vui mắt (tôi cam đoan với quý vị đấy). Con nào cũng thân thiết với em sau một ngày được vỗ về, chăm sóc. Vài con bay đến đậu lên tay em, nhắm một mắt, nhìn em. Rồi em vuốt đầu chúng, sờ vào ngực chúng, trò chuyện với chúng. Con nào cũng muốn được em vuốt ve, cưng nựng. Tôi dám tin là chúng sẵn sàng ăn từ bàn tay em những thứ vốn không phải thức ăn của chúng, vì không muốn làm em buồn và tổn thương. Trong số ấy có một con chim tôi chưa từng thấy bao giờ. Nó lớn hơn một con chim hét tầm gửi, có bộ lông rất lộng lẫy. Nó là con khó chiều nhất, nhưng cố hết sức để làm em vui. Nghe nói đó là một giống chim Na Uy, có tên là chim sả rừng, chỉ vào những mùa đông khủng khiếp nhất mới di cư đến tận nước Anh.
Ngoài ra, còn một con chim nhỏ nữa tôi cũng muốn đón về nhà để tránh xa những kẻ thù nham hiểm, một con chim nhỏ không sinh ra và lớn lên cùng tôi tại đây, nhưng chúng tôi cứ như thuộc về nhau tự kiếp nào. Nhưng rồi, đúng vào đêm sau đám tang ngài Ensor, xuất hiện một cơn bão tuyết ngoài sức tưởng tượng của tôi, tôi cũng chưa từng nghe hay đọc về nó. Nó đến lúc nào trong đêm tôi cũng không biết nữa, vì cả nhà đều lên giường sớm sau bữa tối do trời lạnh và cũng không có chuyện gì để nói. Gió nổi lên rền rĩ, bầu trời đen kịt, rơm trong sân cuộn lên, lũ bò rúc vào nhau trong chuồng lớn, cằm tựa vào nhau. Nhiều năm rồi chúng tôi không hứng chịu cơn bão tuyết lớn nào nên chẳng kịp chuẩn bị thứ gì để chống chọi với nó, ngoại trừ việc kịp nhốt bầy cừu cái vào trong chuồng.
Nằm trên giường, tôi chợt nghĩ chúng tôi đang hành động một cách ngu ngốc. Lúc tối, có một người chăn cừu cao tuổi ghé lại dùng bữa với chúng tôi, ông đoán sắp tới sẽ có tuyết rơi dày, gây thiệt hại lớn về gia súc. Ông nói ông từng chứng kiến dấu hiệu đầu tiên của một đợt sương giá là gió thổi mạnh từ phía đông, sau những ngày sương mù rét căm căm, rồi vào đêm thứ ba của đợt sương giá, đúng thời gian này của năm (tức là ngày Mười lăm tháng Mười hai), một cơn bão tuyết khủng khiếp đã đổ vào, giết chết nửa số cừu, nhiều nai và ngựa hoang. Đã sáu mươi năm rồi! Ông bảo. Chuyện qua lâu như vậy mà ông vẫn còn nhớ rõ như in là bởi ông bị mất một ngón chân trong lúc moi tìm cừu ở bên kia Dunkery. Nghe đến đây, mẹ gật đầu, vì đã nghe ông ngoại kể về trận bão tuyết ấy, có ba người đã bị đóng băng đến chết, và gia súc chết nhiều vô số kể.
Nhớ lại nét mặt ông lão ấy cùng cách ông lắng nghe gió rồi lắc đầu lo ngại khi Annie tiếp ông một ly rượu sơ náp, tôi liên tục trở mình bồn chồn khi căn phòng mỗi lúc một lạnh hơn. Tôi cầu Chúa không làm tuyết rơi vội, quyết định gắng đợi đến sáng mai sẽ lùa hết cừu, ngựa, bò và cả gia cầm vào nơi kín gió, có nhiều thức ăn và đủ cỏ khô để giữ ấm.
Trời ơi! Quyết định để làm gì khi được đưa ra muộn mất một ngày, cho dù nó có thể giúp ích được phần nào vì gần đúng lúc!
Vào buổi sáng rét căm căm đó, tôi thức dậy để làm điều mình đã nghĩ, theo thói quen, tôi biết lúc này là mấy giờ dù căn phòng tối hù, xám xịt. Trên xà nhà là một thứ ánh sáng trắng lạ lùng tôi chưa từng thấy trước giờ, khắp căn phòng bốc mùi rất kinh khủng, như chính giữa một đống lá sồi đang mục. Tôi liền đến bên cửa sổ, thoạt tiên không thể hiểu thứ gì đang diễn ra bên ngoài. Cửa sổ quay mặt về phía đông, bị cây hồ đào che chắn một phần, bình thường tôi có thể nhìn thấy sân, đống củi và thậm chí nhà thờ tít đằng xa.
Nhưng bây giờ, phân nửa cửa sổ mắt cáo đã bị bịt kín hoàn toàn, như thể bị trét đầy vôi xám. Bên trong khung cửa sắt, ít nhất một đấu to tuyết sáng lóa đã tìm đường vào không biết từ lúc nào.
Với chút chật vật, tôi mở cửa sổ mắt cáo hết sức thận trọng vì sợ cái khung cũ bị oằn, lập tức nhận thức rằng cần phải mau chóng cứu đàn gia súc. Khắp nơi là màn tuyết trắng xóa, dày đặc trên nền đất và trong không khí, ngoài ra không còn thấy gì khác.
Tôi vội đóng cửa lại, mặc quần áo vào. Lúc tôi vào nhà bếp, ngay cả Betty, vốn luôn là người dậy sớm nhất nhà, cũng không thấy đâu. Tôi khơi tro lên, thấy còn ấm, định ra ngoài tìm John Fry, Jem Slocombe và Bill Dadds. Nói dễ hơn làm vì khi mở cửa bước ra sân, tôi lập tức bị lún trong tuyết, ngập đến đầu gối, xung quanh mù mịt không thấy thứ gì. Tuy nhiên, tôi cũng lần mò ra tới đống củi, tìm thấy một cây gậy tần bì được chặt cách đây chưa lâu. Có nó, tôi dò dẫm đi khá dễ dàng, nện thình thịch vào cửa nhà John Fry, đến mức chú tưởng là bọn Doone nên chĩa nòng khẩu etpigôn ra ngoài cửa sổ.
John ra ngoài với vẻ rất miễn cưỡng khi thấy tình hình hiện tại, vì chú quý mạng sống của mình hơn bất kỳ điều gì khác, dù chú đổ việc đó sang cho vợ. Nhưng tôi trấn áp chú bằng cách dọa sẽ vắt chú trên vai, nếu chú không chịu sẵn sàng trong năm phút nữa. Chẳng phải là chú làm được gì nhiều lắm mà vì những người khác chắc chắn sẽ bắt chước chú trốn việc. Mang theo thuổng, xẻng, đinh ba và cuộn dây thừng, cả bốn chúng tôi bắt đầu tìm bọn cừu. Những con vật tội nghiệp ấy biết rằng nếu chúng tôi không khẩn trương thì sẽ là quá muộn.