“Thưa Bà Ngoại trưởng,” Charles Boynton nói, rảo chân đi bên cạnh vị thượng cấp của mình khi bà phăm phăm bước dọc dãy hành lang Mahogany Row đến văn phòng của mình tại Bộ Ngoại giao. “Bà có tám phút để đến Đồi Capitol.”
“Phải mười phút đấy,” Ellen Adams nói, vùng chạy. “Và tôi còn phải tắm và thay đồ nữa. Trừ phi…” Bà dừng lại, quay sang Chánh Văn phòng của mình. “Tôi mặc thế này đi được không?”
Bà dang rộng hai cánh tay ra để anh ta nhìn bà rõ hơn. Vẻ van xin trong mắt bà, nỗi lo âu trong giọng nói của bà, tất cả đều chẳng thể lẫn đi đâu được. Và sự thật là trông bà như vừa bị kéo lê phía sau một cỗ máy nông nghiệp rỉ quèn.
Gương mặt anh ta méo xệch đi khi cố nặn ra một nụ cười. Có vẻ như nó làm anh ta thấy đau hơn là vui vẻ.
Ellen Adams là một người phụ nữ ở độ tuổi gần sáu mươi có chiều cao trung bình và thân hình mảnh mai, trang nhã. Gu ăn mặc tinh tế, cùng món đồ lót định dáng của Spanx đã giúp che giấu đi kết tinh tình yêu của bà với những chiếc bánh su kem. Lớp trang điểm nhẹ trên gương mặt đã làm nổi bật lên đôi mắt xanh thông minh trong khi không hề cố che đi nếp nhăn tuổi tác. Bà không cần phải vờ như mình còn trẻ, nhưng cũng không muốn xuất hiện với vẻ mặt già hơn tuổi thật.
Khi thoa lên tóc bà loại thuốc nhuộm đặc biệt của mình, thợ làm tóc của bà đã gọi bà là “Vàng hoe Xuất Chúng”.
“Với tất cả sự tôn trọng, thưa Ngoại trưởng, trông bà như một kẻ lang thang ấy.”
“Tạ ơn Chúa anh ta tôn trọng cậu đấy,” Betsy Jameson, bạn thân nhất đồng thời là cố vấn của Ellen, thì thầm.
Sau 22 tiếng liên tục bắt đầu với việc Ngoại trưởng Adams tổ chức một bữa sáng ngoại giao tại Đại sứ quán Mỹ ở Seoul, sau đó là các cuộc hội đàm cấp cao về chủ đề an ninh khu vực và những nỗ lực cứu rỗi một sự sụp đổ bất ngờ và thỏa thuận thương mại mang tính sống còn, ngày làm việc dài bất tận này cuối cùng cũng kết thúc bằng chuyến tham quan một nhà máy phân bón tại tỉnh Gangwon, cho dù đây chỉ là bình phong che giấu chuyến đi chớp nhoáng tới khu phi quân sự.
Sau đó, Ellen Adams lê bước lên chuyến bay đưa bà về nhà trong tình trạng mệt mỏi rã rời. Ngay khi máy bay cất cánh, việc đầu tiên bà làm chính là cởi ngay bộ đồ lót Spanx và rót cho mình một ly vang Chardonnay cỡ lớn.
Bà dành vài giờ sau đó gửi lại các báo cáo về cho thuộc cấp và Tổng thống, đọc các biên bản ghi nhớ về công việc còn tồn đọng. Hoặc ít nhất bà đã cố gắng làm thế. Bà đã gục đầu xuống bản báo cáo về bố trí nhân sự trong Đại sứ quán Iceland mà ngủ thiếp đi.
Bà giật mình choàng dậy khi người trợ lý chạm vào vai mình. “Thưa Bà Ngoại trưởng, chúng ta sắp hạ cánh rồi.”
“Ở đâu thế?”
“Washington ạ.”
“Tiểu bang à?”
Bà ngồi dậy lùa hai tay vào mái tóc, khiến nó dựng đứng lên như thể bà đang có một ý tưởng đáng sợ hoặc rất hay ho.
Bà đã hy vọng nơi này là Seattle. Để tiếp nhiên liệu, hay lấy thêm đồ ăn hoặc có thể là vì tình hình khẩn cấp bất ngờ nào đó trong chuyến bay. Khẩn cấp thì đúng thật, nhưng bà biết nó chẳng liên quan gì tới máy móc hay bất ngờ.
Khẩn cấp ở đây đó là bà đã ngủ thiếp đi trong khi vẫn cần phải đi tắm và…
“D.C ạ.”
“Ôi Lạy Chúa, Ginny. Cậu không thể đánh thức tôi dậy sớm hơn được sao?”
“Tôi đã cố rồi ạ, nhưng sếp chỉ lẩm bẩm vài câu rồi lại ngủ tiếp.”
Ellen chỉ còn nhớ mơ hồ về chuyện này, nhưng lúc đó, chắc hẳn bà đã nghĩ rằng mình đang mơ.
“Cảm ơn vì đã cố gọi tôi. Liệu tôi còn kịp đánh răng không thế?”
Có một tiếng ting phát ra khi cơ trưởng ấn nút tín hiệu thắt dây an toàn.
“Tôi e là không.”
Ellen nhìn ra ngoài cửa sổ chiếc phi cơ riêng được cấp bởi Chính phủ, thứ được bà gọi đùa bằng cái tên Không Lực Ba và thấy mái vòm của Tòa nhà Quốc hội; chỉ không lâu nữa thôi, bà sẽ ngồi trong đó.
Bà nhìn hình ảnh phản chiếu của mình trên cửa kính. Đầu tóc rối bù. Mascara nhòe nhoẹt. Trang phục xộc xệch. Đôi mắt đỏ ngầu và đang rát bỏng vì kính sát tròng. Khóe mắt bà hằn lên những nếp nhăn của lo lắng và căng thẳng, những thứ chỉ mới xuất hiện sau lễ nhậm chức của bà hồi tháng trước. Đó là một ngày nắng vàng rực rỡ, khi mà thế giới thật mới mẻ và dường như chuyện gì cũng có thể xảy ra.
Ôi sao mà bà yêu quá đất nước này, một tiêu ký vinh quang loang lổ những vết thương.
Sau hàng thập niên xây dựng và điều hành một đế chế truyền thông quốc tế giờ đây đã mở rộng trên khắp các mạng lưới truyền thông, bao gồm một kênh tin tức cùng nhiều trang web và báo, bà đã trao lại tất cả cho thế hệ tiếp theo, ái nữ của bà, Katherine.
Sau bốn năm ngắm nhìn đất nước mà mình yêu mến tự đẩy bản thân đến bên bờ vực sụp đổ, giờ đây bà đã chính thức ngồi vào vị thế có thể góp phần vào việc hàn gắn nó.
Kể từ cái chết của Quinn, người mà bà hằng thương mến, Ellen đã không chỉ cảm thấy trống vắng mà còn vô cùng bấp bênh. Thay vì giảm dần theo thời gian, cảm giác ấy lại ngày một mạnh mẽ hơn, vực thẳm cứ càng rộng mãi ra. Bà không ngừng cảm thấy mình cần phải làm nhiều hơn. Giúp đỡ nhiều hơn. Không chỉ lên tiếng về nỗi đau mà còn phải làm gì đó để xoa dịu nó. Để trả ơn.
Cơ hội đã đến với bà từ nơi bất ngờ nhất: Tổng thống mới đắc cử nhưng chưa nhậm chức Douglas Williams. Cuộc sống biến đổi mới chóng mặt làm sao. Theo chiều hướng tồi tệ, đúng. Nhưng cũng theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
Và bây giờ Ellen Adams đã đang an tọa trên chiếc Không Lực Ba. Với tư cách là Ngoại trưởng cho tân Tổng thống.
Vị thế hiện tại cho bà cơ hội để tái thiết lại nhịp cầu kết nối với các đồng minh sau sự thiếu chuyên nghiệp gần như vô đạo đức của chính quyền cũ. Bà có thể hàn gắn lại những mối quan hệ thiết yếu hoặc đưa ra những lời cảnh cáo với các quốc gia thiếu thân thiện – những quốc gia mang tư tưởng nguy hại trong tâm trí và đủ khả năng thực thi chúng.
Vị thế của Ellen Adams cho phép bà tạo ra sự thay đổi chứ không chỉ còn nói về thay đổi nữa. Bà có thể hóa thù thành bạn và đảm bảo cho hỗn loạn và khủng bố tránh xa khỏi quốc gia này.
Thế nhưng…
Gương mặt đang nhìn lại bà lúc này đây dường như không còn giữ được vẻ tự tin đó nữa. Trước mắt bà là một kẻ xa lạ. Một người đàn bà mệt mỏi, luộm thuộm, kiệt sức. Già đi hẳn mấy tuổi.
Và có lẽ là thông minh hơn một chút. Hay là cay nghiệt hơn nhỉ? Bà hy vọng là không và tự hỏi tại sao việc phân biệt rạch ròi hai khái niệm này tự dưng lại khó khăn đến thế.
Bà rút ra một tờ khăn giấy, đưa lên miệng liếm rồi lau sạch lớp mascara. Sau khi đã chải mượt mái tóc, bà mỉm cười với hình ảnh phản chiếu của mình.
Đó là gương mặt bà mang khi ra khỏi cửa. Gương mặt mà công chúng phải biết tới.
Và cả giới báo chí, các đồng nghiệp của bà, các lãnh đạo nước ngoài nữa. Bà Ngoại trưởng tự tin, duyên dáng, mạnh mẽ đại diện cho quốc gia hùng mạnh nhất trên trái đất.
Nhưng đó chỉ là vẻ ngoài. Ellen Adams đã nhìn thấy một thứ khác trong gương mặt giả tạo của mình.
Một thứ ghê tởm bà đã phải vất vả che giấu ngay cả với chính bản thân mình. Nhưng cuối cùng, chính sự kiệt sức đã cho phép nó nhung nhúc tràn qua các lớp phòng thủ của bà.
Bà đã trông thấy nỗi sợ hãi. Và người bà con gần gũi của nó, sự nghi ngờ.
Nó có thật hay chỉ là giả tạo? Một kẻ thù sát cạnh thì thầm rằng bà chưa đủ tốt. Chưa đủ tốt cho công việc này. Rằng bà sẽ làm hỏng tất cả, và hàng nghìn, thậm chí là hàng triệu mạng sống sẽ bị hủy hoại?
Bà xua nó đi, nhận ra rằng có làm thế cũng chẳng ích gì. Nhưng ngay cả sau khi đã lùi xa, tiếng thì thầm của nó vẫn vọng lại, rằng thế không có nghĩa là điều ấy không đúng.
Sau khi máy bay hạ cánh tại Căn cứ Không quân Andrews, Ellen vội vã lên một chiếc xe được vũ trang đầy đủ, và tiếp tục đọc thêm nhiều biên bản ghi nhớ, báo cáo và email nữa. D.C giờ đã ở rất xa phía sau, khuất khỏi tầm mắt, còn bà thì bị mắc kẹt lại với đống giấy tờ.
Khi xe lăn bánh vào hầm để xe của Tòa nhà Harry.S.Trumam làm bằng đá nguyên khối, nơi vẫn được những cư dân lâu năm ở đây quen gọi là Foggy Bottom, thậm chí với vẻ trìu mến, một đội hình ngay lập tức được thành lập để hộ tống bà vào thang máy lên văn phòng riêng trên tầng bảy nhanh nhất có thể.
Chánh Văn phòng của bà, Charles Boynton, đã chờ sẵn ở cửa thang máy. Anh ta là một trong những người được tự tay Chánh Văn phòng của Tổng thống phái đến Bộ Ngoại giao. Cao nghều và lóng ngóng, khổ người gầy nhẳng của anh ta giống như hậu quả của tình trạng căng thẳng thần kinh quá độ hơn là do tập luyện hay chế độ ăn uống. Mái tóc và cơ bắp của anh ta dường như đang trong một cuộc chạy đua giành vị trí kẻ rời bỏ cương vị đầu tiên.
Boynton đã mất hai mươi sáu năm vươn lên qua nhiều cấp bậc chính trị để rồi cuối cùng dừng chân ở một vị trí hàng đầu, chiến lược gia trong chiến dịch tranh cử Tổng thống thành công của Douglas Williams. Một chiến dịch được chứng minh là tàn bạo hơn tất thảy.
Cuối cùng Charles Boynton chạm đến ước mơ thiêng liêng nhất của bản thân và quyết tâm giữ lấy nó cho bằng được. Đây là phần thưởng cho anh ta vì đã tuân thủ mệnh lệnh. Và vì đã may mắn khi lựa chọn đúng ứng cử viên.
Boynton đã tự đề ra một bộ quy tắc riêng nhằm giữ các thư ký nội các ương ngạnh trong khuôn khổ. Theo quan điểm của anh ta, họ chỉ đang giữ những chức vụ chính trị tạm thời, là mặt hàng đẹp mã trưng bày tủ kính trong cơ cấu của mình.
Ellen cùng Chánh Văn phòng tất tả đi dọc dãy hành lang ốp gỗ của dãy phòng Mahogany Row đến văn phòng Ngoại trưởng, theo sau họ là các sĩ quan phụ tá, các trợ lý và mật vụ An ninh Ngoại giao.
“Yên tâm,” Betsy nói, phải guồng chân mới theo kịp. “Họ đang hoãn đọc diễn văn Thông điệp Liên bang để đợi cậu. Có thể thư giãn được rồi.”
“Không, không,” Boynton nói, giọng anh ta vút lên cả một quãng tám. “Bà không thể thư giãn được. Tổng thống đang rất bực. Mà thêm nữa đó không chính thức là Thông điệp Liên bang.”
“Ôi, xin cậu đấy, Charles. Đừng cố ra vẻ mô phạm như thế,“ Ellen bỗng dừng phắt lại, suýt nữa thì khiến những người đằng sau đâm sầm hết vào nhau. Rồi bà tháo đôi giày cao gót dính đầy bùn của mình ra, chỉ để lại tất, và tiếp tục rảo bước hối hả trên tấm thảm bằng vải lông. Tốc độ mỗi lúc một tăng dần.
“Và Tổng thống thì lúc nào mà chẳng bực,” Betsy gọi với sau lưng họ. “Ôi ý cậu là tức giận ấy à? Mà ông ấy lúc nào cũng tức giận với Ellen.”
Boynton ném cho bà ta một cái nhìn cảnh cáo.
Anh ta không hề ưa bà Elizabeth Jameson. Betsy này. Một kẻ ngoài cuộc có mặt ở đây chỉ vì một lý do duy nhất: bà ta là bạn lâu năm của Ngoại trưởng. Boynton biết rằng Ngoại trưởng có quyền chọn cho mình một người bạn tâm tình thân thiết, một cố vấn, để làm việc chung. Nhưng anh ta không thích thế. Kẻ ngoài cuộc chính là một yếu tố không thể đoán trước trong bất kỳ tình huống nào.
Và anh ta cũng không ưa bà ta. Sau lưng anh ta gọi bà ta là mụ Cleaver vì trông bà ta rất giống Barbara Billingsley, mẹ của Beaver trong chương trình truyền hình đó1. Hình mẫu bà nội trợ kinh điển hồi những năm 1950.
1 Chương trình hài kịch tình huống Leave It to Beaver rất nổi tiếng vào cuối những năm 50 của thế kỷ 20 ở Mỹ.
An toàn. Bình thản. Dễ dãi.
Ngoại trừ điều này bà Cleaver hóa ra lại không phải là kiểu người đen trắng phân minh cho lắm. Dường như bà ta đã tiếp thu tư tưởng của Bette “Nếu Chúng Không Biết Đùa Thì Kệ Chúng Đi” Miller. Và dù thực sự mê mẩn album “Quý bà M Thần Thánh” của Bette Miller, nhưng anh ta cho rằng một cố vấn của Ngoại trưởng thì không nên như thế.
Tuy vậy, Charles Boynton vẫn phải thừa nhận rằng Betsy đúng. Douglas Willams chẳng thích vị Ngoại trưởng của ông ta chút nào. Và nói rằng cả hai không bằng mặt bằng lòng với nhau vẫn còn là nhẹ.
Đúng là một cú sốc choáng váng khi ngài Tổng thống mới lại lựa chọn một kẻ thù chính trị, người phụ nữ đã tận dụng bằng hết nguồn lực khổng lồ của mình hỗ trợ đối thủ của ông ta làm ứng cử viên trong đảng, cho một vị trí quyền lực và thanh thế lớn như vậy.
Thậm chí cú sốc ấy còn lớn hơn nhiều nữa khi Ellen Adams để lại cả đế chế truyền thông của mình cho cô con gái đã trưởng thành, và chấp nhận đề nghị đó.
Các chính trị gia, các học giả và đồng nghiệp ngay lập tức vớ lấy thông tin này và rải tin đồn khắp nơi. Tin tức xoay quanh chủ đề này đã ngập tràn tất cả các buổi hội đàm chính trị suốt nhiều tuần.
Việc bổ nhiệm Ellen Adams đã trở thành chủ đề bàn luận chính tại các bữa tiệc tối ở D.C. Bất kỳ ai đến Off The Record, quán bar dưới tầng hầm tại Khách sạn Hay-Adams, đều không tán gẫu về bất cứ chuyện gì khác ngoài vụ việc này.
Tại sao bà ấy lại chấp thuận?
Dù vậy nhưng cho đến giờ, tồn tại một câu hỏi khác thú vị hơn, hấp dẫn hơn nhiều, đó là, trong bao nhiêu vị trí khác, tại sao ngài Tổng thống mới đắc cử nhưng chưa nhậm chức Williams lại dành cho đối thủ có tiếng nói nhất, nguy hiểm nhất của mình một vị trí trong nội các của ông ta? Và trong Chính phủ?
Giả thiết có vẻ hợp lý nhất đó là Douglas Williams hoặc đã mô phỏng cách làm của Abraham Lincoln và tập hợp một Đội ngũ Toàn Đối thủ. Hoặc, nhiều khả năng hơn, ông ta đang học theo Tôn Tử, chiến lược gia quân sự thời cổ đại, giữ bạn bè của bạn sát bên mình nhưng giữ kẻ thù của bạn còn gần hơn thế.
Cho dù hóa ra cả hai giả thiết đều sai bét.
Về phần mình, Charles Boynton, hay như bạn bè hay gọi là Charles, chỉ quan tâm đến sếp của mình đủ nhiều để cho rằng những thất bại của Ellen Adams sẽ ảnh hưởng tồi tệ đến anh ta, và anh ta đáng bị nguyền rủa nếu còn cứ bám mãi vào ve áo bà ấy khi bà gục ngã.
Và sau chuyến đi tới Hàn Quốc này, may mắn, của cả bà lẫn của anh ta, có vẻ như đã cạn kiệt. Và giờ họ đang phải thực hiện một bài diễn văn chết tiệt cóc-phải-là-Thông-điệp-Liên-bang.
“Nào nào, nhanh chân lên.”
“Đủ rồi.” Ellen dừng phắt lại. “Tôi sẽ không để mình bị bắt nạt và dắt mũi đâu. Nếu tôi phải đi trong tình trạng như thế này thì cứ mặc xác nó.“
“Bà không thể,” Boynton nói, trố mắt hốt hoảng. “Trông bà như...”
“Phải, cậu đã nói rồi.” Bà quay sang bạn của mình. “Betsy?”
Có một khoảng lặng đến nỗi họ có thể nghe thấy Boynton đang rít lên vì khó chịu.
“Trông cậu ổn mà,” Betsy lặng lẽ đáp. “Có thể thêm chút son môi.” Nói rồi bà lấy một thỏi son cùng một chiếc lược và một hộp phấn sáp ra từ trong ví của mình và đưa cho Ellen.
“Nào, nào,” Boynton kêu lên the thé.
Nhìn thẳng vào đôi mắt đỏ ngầu của Ellen, Betsy thì thầm. “Một phép nghịch hợp bước vào quán bar...”
Ellen suy nghĩ rồi mỉm cười. “Và không khí im lặng đến đinh tai nhức óc.”
Betsy cười tươi rói. “Hoàn hảo.”
Bà ngắm nhìn bạn mình hít một hơi sâu, trao lại cái túi du lịch cỡ lớn cho người trợ lý, rồi quay sang Boynton.
“Ta đi chứ?”
Trong khi gắng giữ vẻ ngoài điềm tĩnh, trái tim của Ngoại trưởng Adams đang đánh trống trận khi bước đi với hai bàn chân đi tất dài, mỗi bên tay cầm một chiếc giày bẩn thỉu, quay xuống lối đi Mahogany Row tới thang máy. Rồi đi xuống.
***
“Nhanh lên, nhanh lên,” Amir ra dấu cho vợ mình. “Chúng đến nhà rồi.”
Họ có thể nghe thấy tiếng đập cửa ầm ầm đằng sau, những người đàn ông la hét, ra lệnh. Giọng nói mang khẩu âm rất nặng, nhưng ý nghĩa thì rõ ràng.
“Tiến sĩ Bukhari, bước ra ngoải. Ngay lập tức.”
“Đi nhanh.” Amir đẩy Nasri xuống con ngõ. “Chạy đi.”
“Còn anh?” cô ta hỏi, tay ôm chặt cái túi vào sát ngực.
Có tiếng gỗ vỡ tan thành từng mảnh khi cánh cửa dẫn vào nhà họ ở Kahuta, ngay phía ngoài Islamabad, bị phá hủy.
“Chúng không muốn anh đâu. Chính em mới là kẻ chúng cần. Anh sẽ đánh lạc hướng chúng. Đi mau.”
Nhưng khi cô quay đi, anh đã chộp lấy cánh tay cô kéo cô sát về phía mình, siết chặt cô vào ngực mình.
“Anh yêu em. Anh rất tự hào về em.”
Anh hôn cô mạnh đến nỗi hàm răng của họ va chạm vào nhau và cô có thể cảm nhận thấy vị máu từ làn môi bị xước của mình. Nhưng cô vẫn áp sát người vào anh. Và anh cũng thế. Khi thêm nhiều tiếng quát nữa vang lên, lúc này đã gần hơn, họ mới buông nhau ra.
Suýt nữa anh đã bảo cô báo cho anh biết khi đã an toàn tại điểm đến. Nhưng anh không làm thế. Anh biết cô không thể nào liên lạc được với mình.
Cũng như cô, anh biết mình sẽ không sống qua được đêm nay.