Đối với những người thao thao bất tuyệt, nói bậy lung tung thì dùng câu “im lặng là vàng” quả thật rất tuyệt.
Trong những pháp môn tu hành của Phật giáo, có một pháp gọi là “cấm ngữ” (cấm nói). Cấm ngữ, không chỉ không nói mà còn không được viết các mẩu giấy, không được dùng các động tác chân tay, nếu không như vậy thì sao có thể gọi là “cấm ngữ” chân chính? “Cấm ngữ” chân chính, là phải làm sao để miệng không nói, tâm cũng không động niệm.
Có người nói, bình thường ở nhà nghỉ ngơi, tôi chỉ xem ti vi, đọc báo, thực ra như vậy cũng không gọi là nghỉ ngơi, bởi khi thực hiện các hoạt động như đọc sách báo, xem ti vi, thì đều coi như làm việc. Nghỉ ngơi là hoàn toàn thư giãn, không chỉ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể không hoạt động, đến ngay cả “tâm” cũng phải khiến nó giữ được trạng thái không động niệm, như vậy mới có thể loại bỏ được mệt mỏi.
Có những đứa trẻ, từ sáng đến tối nhảy nhót không ngừng, đây là một loại bệnh, gọi là “tăng động”. Làm việc, lao động, nhảy nhót quá mức, cũng giống như đứa trẻ tăng động, không tốt cho sức khỏe của con người. Cho nên, im lặng không nói một lời, an tĩnh không khởi một niệm mới đáng gọi là “vàng”.
Con người có những lúc, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể không hoạt động nhưng tâm vẫn còn hoạt động. Ví như lúc ngủ, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể đều chìm vào giấc ngủ nhưng tâm lại khởi lên các giấc mơ, lên núi xuống biển, chu du các nước, gặp người khác, gặp chuyện thị phi, thậm chí giết người cướp của, đủ loại mơ mộng, khi tỉnh lại cảm thấy hãi hùng, toàn thân đổ mồ hôi. Như vậy thì ngay cả lúc ngủ, tâm ta cũng không thể tĩnh lặng, vẫn có các hành động tung tăng, nhảy nhót, bảo sao ta không khổ chứ?
Nhưng cũng có những người, hàng ngày bôn ba khắp nơi, trị bệnh, dạy học, hoằng pháp, làm việc công, đâu đâu cũng giải quyết tranh chấp mâu thuẫn, nhìn thì có vẻ như bận rộn không ngừng nghỉ, nhưng trên thực tế, thân họ tuy bận nhưng tâm họ không hề vướng bận.
Hơn 2.000 năm trước, có một anh thanh niên muốn học biện luận từ Socrates, học phí một tiếng là 10 đồng. Người học trò này gặp Socrates thì huyên thuyên không nghỉ, liên tục kể lể việc nói chuyện quan trọng như thế nào. Đợi anh ta thao thao bất tuyệt xong, Socrates bảo anh ta nộp học phí trước. Anh ta lấy ra 10 đồng, Socrates từ chối nhận và nói rằng: “Nếu anh muốn theo tôi học thì anh phải nộp 20 đồng”. Anh thanh niên kia không hiểu, trách rằng: “Người khác đều nộp 10 đồng, sao tôi lại phải nộp 20 đồng?” Socrates giải thích rằng: “Vì đối với người khác tôi chỉ cần dạy họ nói như thế nào, còn riêng đối với anh, tôi còn phải dạy anh không nói như thế nào”. Như vậy có thể thấy không nói đôi lúc còn quan trọng hơn là nói.
Nói năng quan trọng ở chỗ có trọng tâm, không phải ở việc nói nhiều. Có một số người nói không hết nghĩa, không thực tế; có lúc nói nhiều thất thố, nói quá sự thật, đều chỉ việc nói nhiều quá không tốt, ngược lại không nói thì sẽ tốt hơn. Vì lời nói có cuồng ngôn, có sàm ngôn, có lời nói dối, thêu dệt, đồn thổi, bịa đặt, nếu như bạn nói quá nhiều những lời nói không có ích lợi gì cho người khác như thế, chẳng phải không nói còn hơn sao?
Thậm chí, khi đứng trước những lời người khác nói bậy, nói linh tinh, những tin vịt vỉa hè, tin tự thổi phồng lên, đương nhiên ta càng phải thể hiện sự đáng quý của việc “im lặng là vàng”.
Có một giáo viên thanh nhạc đến dạy học cho một viện Phật học, vị đó dạy một loại âm nhạc đang thịnh hành, sau khi mở một đoạn băng ghi âm, giáo viên liền hỏi học viên: “Trong khúc nhạc vừa rồi, đoạn nào nghe hay nhất?” Học viên nói: “Khi nhạc dừng là lúc nghe hay nhất”. Có thể thấy lời nói là tiếng lòng, nếu biết nói ra những lời chân thật đương nhiên nghe rất hay, còn nếu như nói những lời không xuất phát từ đáy lòng thì chẳng bằng im lặng, để cho loại âm thanh không có âm thanh lên tiếng, chẳng phải càng có ý nghĩa sao?