Có người nói tính đa nguyên là đặc sắc của nền văn hóa Trung Hoa, trong đó các dân tộc như: Hán, Mãn, Mông, Hồi, Tạng, v.v. đều có văn hóa của riêng mình. Văn hóa Trung Hoa dung chứa các loại phương ngữ, các loại tập quán, tín ngưỡng, phong tục của tất cả các dân tộc, đây là đặc trưng cho “tính đa nguyên” của nền văn hóa này.
Hiện nay nền văn hóa Trung Hoa đang dần dần mất tính đa nguyên. Ví dụ như ngày nay, người nơi này không dung chứa người nơi kia, người đảng này không dung chứa người đảng kia. Vì thế, tình trạng không dung chứa lẫn nhau hình thành nên thứ văn hóa hẹp hòi, bài xích lẫn nhau, văn hóa bao dung ngày càng không giống như trước. Ngược lại, các nước khác trên thế giới, nhờ chính sách di dân, đã khiến cho văn hóa của họ dần trở nên đa nguyên, ngày càng có khả năng dẫn dắt thế giới quan của họ.
Thế nào gọi là tính đa nguyên của văn hóa? Ví dụ như Mỹ, Úc đều là những nước mang tính đa nguyên văn hóa. Họ chấp nhận dân nhập cư, khiến cho các chủng tộc trên thế giới đến đất nước của họ, đều có thể hòa hợp với nhau. Khi đến New York, San Francisco, Los Angeles hay Sydney, Melbourne, bạn sẽ thấy các chủng tộc từ khắp mọi nơi trên thế giới như: người gốc Đức, Ý, Anh, Mỹ, thậm chí cả người Hoa. Họ cùng sinh sống trong một khu dân cư, một tòa nhà, đó mới gọi là sự hòa hợp giữa các chủng tộc.
“Đa nguyên văn hóa”, là trong một tiết mục văn hóa, các quốc gia, các chủng tộc, các loại văn hóa, đều có thể biểu diễn hết mình, mọi người cùng nhau học hỏi, cùng nhau thưởng thức, cùng nhau lấy đó làm niềm vui. Đây mới là đa nguyên văn hóa, đây mới là muôn màu muôn vẻ.
Trong một cuộc mít tinh, có khi nói tiếng Anh, có lúc lại dùng tiếng Tây Ban Nha, hay tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Nga, v.v. Tuy phải qua nhiều lần phiên dịch, nhưng mọi người không hề tỏ ra khó chịu, vì họ có sự tôn trọng, bao dung các nền văn hóa khác nhau. Chính vì có tôn trọng và bao dung, mới khiến cho các nền văn hóa, các loại ngôn ngữ có thể cùng tồn tại, cho nên đây mới gọi là đa nguyên văn hóa.
Tại các trường tiểu học, trung học và đại học, học sinh có thể nói nhiều loại ngôn ngữ, mặc trang phục hay tin theo tôn giáo của nhiều nước, nhưng không bị kỳ thị, vì các em có sự tôn trọng lẫn nhau, cho nên văn hóa mới mang tính đa nguyên.
Trong các cơ quan, đoàn thể của những nước có tính đa nguyên trong văn hóa, họ không bài trừ các nền văn hóa khác nhau, ngược lại rất bảo vệ người dân tộc thiểu số, ví dụ như khi giao khoán các công trình, cơ quan nhà nước vẫn để lại một tỷ lệ công việc đáng kể cho người dân tộc thiểu số, để giúp họ có thể sinh tồn.
Khi đi trên đường phố, tại những nước có tính đa nguyên văn hóa, cũng giống như xem triển lãm của hàng trăm nước, mọi chủng tộc muôn hình vạn trạng, quả thực khiến người ta cảm nhận được vẻ đẹp của tính đa nguyên văn hóa, những quốc gia có thể bao dung tính đa nguyên văn hóa cũng thật vĩ đại. Ngược lại, ở Trung Hoa tuy rất nhiều chủng tộc nhưng chủ yếu họ đều sống ở vùng biên cương và không có sự hòa hợp giữa các chủng tộc.
Tại các thôn trang của người Phúc Kiến, rất hiếm khi nhìn thấy người Khách Gia1; ở các khu dân cư của người Khách Gia cũng gần như không thể gặp người Phúc Kiến. Trải qua những bài học đau thương trong nhiều năm qua, mãi cho đến nay Trung Hoa mới có tiếng nói chung về sự dung hòa chủng tộc, hay sự tôn trọng các ngôn ngữ khác nhau, thậm chí là tiếng nói về sự thân thiện giữa các đảng phái. Có thể nói, tính đa nguyên văn hóa của Trung Hoa không ngừng được sản sinh từ trong muôn vàn khổ đau.
1 Khách Gia, hay Hakka, còn gọi là người Hẹ, là một tộc người Trung Quốc.
Hy vọng đồng bào trong cùng một nước có thể thấu hiểu lẫn nhau, bao dung lẫn nhau. Ở các nước tiên tiến, các dân tộc khác nhau họ đều có thể bao dung, huống chi cùng là con cháu của Viêm Hoàng1.
1 Viêm tức là Viêm Đế, Hoàng tức là Hoàng Đế, hai nhân vật này đều là thủ lĩnh của những bộ lạc trong thời cổ đại xa xưa ở Trung Quốc.