Tại các nước dân chủ đều có nhận thức rằng: Cảnh sát là đầy tớ của nhân dân, tổng thống là nô bộc của nhân dân, nhân viên công vụ đều là đầy tớ của nhân dân.
Nhiệm vụ của cảnh sát phải thực hiện đó là, trừ bạo an dân, duy trì trật tự công cộng, chỉ cần là các đối tượng nguy hại đến sự an toàn của xã hội, thì đều thuộc phạm vi mà cảnh sát tuần tra, xử lý.
Ngoài ra cảnh sát có rất nhiều nhiệm vụ quan trọng như: bắt tội phạm cờ bạc, gái mại dâm, cứu hỏa, phòng chống trộm cắp, truy nã tội phạm, tra xét việc trốn thuế, ngăn chặn buôn lậu, buôn bán ma túy, thậm chí là xử lý tai nạn, duy trì an toàn giao thông, bài trừ tham ô hủ bại, trừ bạo dẹp loạn, cho đến bắt giam người nhận hối lộ, kẻ coi thường pháp luật, v.v. Những việc không công chính, đều được cảnh sát xử lý. Các anh cảnh sát đáng thương, nhiệm vụ thì nhiều, công việc lại khó khăn vất vả, áp lực khi phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm, có khi còn phải chịu sự chỉ trích từ nhiều phía, thật sự khiến cho người ta kính phục mà cảm thán rằng: “Làm cảnh sát thật khó”.
Thực ra trong một quốc gia, để có thể duy trì trật tự xã hội không chỉ dựa vào lực lượng cảnh sát là có thể an toàn, mà cần phải dựa vào sức mạnh của toàn dân, “người người làm cảnh sát”.
Ở những nước tiến bộ, người dân đều có nhận thức chung rằng: “Người người làm cảnh sát”. Nhưng tại Trung Hoa, hàng nghìn năm trở lại đây, việc “mỗi người tự quét tuyết trước cửa nhà mình, không quản sương tuyết trên ngói nhà người khác” dần trở thành tập quán, cho nên hình thành thói quen không chịu đổi mới, không nhiệt tình với công việc chung. Thậm chí, có người nói: “Trời có sập xuống hãy cứ để cho người cao to gánh vác!” Mọi người ngồi hưởng thành quả của kẻ khác, xã hội như vậy thì sao có thể tiến bộ được?
Cho nên, ngày nay các khu dân cư đều hô khẩu hiệu: “Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”, chính là mong mọi người cùng duy trì bảo vệ an toàn xã hội, cùng loại trừ các thành phần gây hại cho xã hội.
Từ thời xa xưa, tại Trung Hoa đã xuất hiện các hiệp khách, họ là người bảo vệ công lý và chính nghĩa, mang trong mình nhiệt huyết “nếu không phải ta thì còn ai làm việc này nữa?” Vì thế mà những hiệp khách ấy luôn được mọi người tôn trọng, nhưng trong xã hội họ lại chỉ chiếm số ít. Nếu như ngày nay toàn dân đều có tinh thần “người người làm cảnh sát”, thì mọi người đều trở thành những hiệp khách chính nghĩa. Việc vui như vậy sao chúng ta còn không làm?
Nhiều người mắc phải một tính xấu đó là, khi lợi ích của mình bị kẻ khác xâm phạm sẽ không tiếc thứ gì để kiện tụng, đấu tranh, biểu tình hay thị uy, nhằm thể hiện khả năng tự mình cứu giúp mình; nhưng khi thấy lợi ích của người khác bị tổn hại thì lại có tâm lý “thêm một việc chi bằng bớt một việc”, “sợ lá cây rơi làm vỡ đầu”, nhu nhược không chịu thi hành, tận lực bảo vệ công lý.
Ở Mỹ, trẻ em châu Á không hiểu được việc tuân thủ trật tự công cộng, hay bảo vệ môi trường khu dân cư mình sinh sống. Sau khi chúng uống xong lon nước thì tùy tiện vứt vỏ, bà cụ đi phía sau rất bực bội, liền bảo chúng nhặt vỏ lon lên, thì một đứa trẻ trong đó trả lời: “Liên quan gì đến bà”, bà cụ nói: “Sao lại không liên quan, cháu vứt đồ bừa bãi, tạo thành rác, làm ô nhiễm môi trường, bất động sản ở khu chúng ta sẽ rớt giá, cái này có liên quan đến ta”. Bà cụ này chính là hình mẫu cho tinh thần “người người làm cảnh sát”.
Tại Tây Đức, các thanh niên châu Á cư trú trong các tòa chung cư lúc nào cũng bật đèn, chẳng kể ngày đêm, có người hàng xóm cảm thấy lãng phí, liền nhắc nhở. Một anh thanh niên nói: “Liên quan gì đến ông?” Người hàng xóm trả lời: “Anh lãng phí năng lượng, làm cho đất nước bần cùng, nghèo đói, sao lại không liên quan đến tôi?”
Đối với vấn đề bảo vệ trật tự nơi công cộng, Phật giáo luôn chú trọng việc nêu ra lỗi của người khác, vì có người nêu lỗi, thì sẽ không mắc lỗi. Cho nên, “người người làm cảnh sát”, là nhận thức mà những con người hiện đại cần phải có.