Phật giáo chủ trương “Phật tính bình đẳng, người người đều có thể thành Phật”. “Phật tức là tâm, tâm tức là Phật” hay “Phật là chúng sinh đã giác ngộ, chúng sinh là Phật chưa giác ngộ”. Cho nên, trước khi thành Phật, mọi người đều như nhau, là người vẫn còn đang tiềm ẩn một vị Phật bên trong mình, sau khi thành Phật, bản thân mình đã dung hòa tinh thần, sinh mệnh, chân tâm vào vũ trụ, cùng tồn tại với chân lý, lại được hưởng thụ niềm vui có được pháp tính tự nhiên, hòa bình. Chân lý không đâu là không có, chân lý Phật tính tràn đầy khắp hư không, ngay cả trong vũ trụ.
Sau khi thành Phật, pháp thân của Đức Phật có thể tiếp tục an trú trong pháp tính tịch tĩnh, có thể tự tại đến, ứng hiện nơi thế gian, dẫn dắt chúng sinh, cũng giống như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ứng hóa nơi thế gian mà khai thị giáo hóa, làm lợi lạc, tùy bệnh bốc thuốc, đem hạt giống của chân lý Bát nhã gieo vào ruộng tâm của chúng sinh, cho chúng sinh nhân duyên được cứu độ.
Sau khi thành Phật, Đức Phật thị hiện tướng phàm phu, làm cây cầu, bến đỗ, cứu vớt chúng sinh vượt qua biển sinh tử, đến bờ Niết bàn.
Sau khi thành Phật, Ngài vẫn sáng sớm ôm bình bát, đi kinh hành, nhập định, tĩnh lặng suy tư, khuyến khích, từ bi giáo hóa chúng sinh, dẫn dắt giáo đoàn của Ngài làm ngọn đèn sáng của thế gian.
Sau khi thành Phật, Đức Phật là bậc thánh kiêm dung tinh tấn, không ngừng nghỉ, đại Từ bi, đại Bát nhã, đại Dũng mãnh, đại Uy lực. Ngài dung hòa tín, giải, hành, chứng; dung hòa từ bi hỷ xả vào cùng một thể. Ngài không trọng nói suông, không thích phù phiếm, xử lý việc đều thấu đáo, viên mãn, phúc tuệ ngang nhau. Ngài hành hóa trong vũ trụ hư không giống như “ngàn sông đáy nước sông in khắp, muôn dặm mây quang muôn dặm trời”.
Hoàng đế Thuận Tông thời nhà Đường từng hỏi Thiền sư Phật Quang Như Mãn1 rằng: “Phật từ phương nào đến? Diệt độ ở nơi nao? Nếu nói rằng thường trụ. Nay Phật ở xứ nào?”
1 Thiền sư Phật Quang Như Mãn, người thời Đường, là người nối pháp của Thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất.
Thiền sư Như Mãn trả lời rằng: “Phật từ vô vi đến, diệt nơi pháp vô vi. Pháp thân này sung mãn, thường trụ ở vô tâm. Hữu niệm về vô niệm, có trụ lại thành không. Vì chúng sinh mà đến, thương chúng sinh mà đi. Thanh tịnh thực như biển, thể thường trụ sáng suốt. Người trí thường tư duy, chớ nên sinh ngờ vực”.
Thuận Tông nghe xong, trong lòng vẫn còn ngờ vực, lại hỏi tiếp: “Phật từ cung vua tới, nhập diệt chốn Song Lâm. Trụ thế bảy chín năm, Ngài rằng không thuyết pháp. Non sông hay biển lớn, trời đất cùng nhật nguyệt. Thời đến đều quy tận, ai bảo không sinh diệt? Ngờ rằng là như thế, người trí khéo phân biệt”.
Như Mãn Thiền sư đáp rằng: “Phật thể vốn vô vi, mê tình lầm phân biệt. Pháp thân như hư không, chưa từng có sinh diệt. Hữu duyên Phật ra đời, hết duyên Phật nhập diệt. Nơi nơi độ chúng sinh, tựa như trăng trong nước. Không thường cũng không đoạn, không sinh cũng không diệt. Sinh mà như chưa sinh, diệt mà như chưa diệt. Hiểu thấu lẽ vô sinh, thực rằng không thuyết pháp”.
Đức Phật chẳng phải là vị thần đến không hình đi không bóng, Phật là bậc thánh sống động, đầy đủ lịch sử có thể khảo chứng. Sau khi thành Phật, Ngài lại chẳng phải là vị tiên xuất thế mà là một hành giả Phật giáo trong nhân gian, lòng ấp ủ hạnh nguyện từ bi cứu độ chúng sinh. Những bài thơ kệ đối đáp giữa Thiền sư Phật Quang Như Mãn và vua Đường Thuận Tông cũng đủ để chứng tỏ điều đó.
Bạn cũng là Phật! Sao bạn không thử xem?