Làm người, khi đối nhân xử thế việc gì là quan trọng nhất? Giữ chữ tín, thành thật, lễ phép là quan trọng nhất. Bây giờ chúng ta nói về xử sự lễ phép:
Người khác đánh giá bạn có học thức hay không, trước tiên họ sẽ xem bạn có lễ phép hay không; người khác muốn kết giao với bạn, trước tiên họ cũng xem bạn có lễ phép hay không. Người lễ phép mọi người đều quý mến, người vô lễ thì ai cũng ghét bỏ.
Chu Công Đán thời nhà Chu được mọi người sùng bái, vì ông luôn dạy người khác phải lễ phép; Khổng Tử được mọi người tán dương, vì ngay từ bé ông đã học lễ phép. Đứa trẻ lễ phép sẽ biết hiếu kính cha mẹ, sẽ thành thật và tuân thủ luật pháp, làm việc chăm chỉ, tương lai sẽ thành công.
Đứa trẻ lễ phép sẽ không hư hỏng, thanh niên lễ phép sẽ biết cầu tiến, người trưởng thành lễ phép sẽ tăng thêm danh vọng cho họ, người già lễ phép sẽ làm người khác vui vẻ khi gần gũi. Ngược lại, quan lại không lễ phép sẽ khiến người ta khinh rẻ coi thường, các bậc phụ huynh không lễ phép thì đều bị con em mình coi thường, đương nhiên đồng nghiệp, bạn học, hay đồng hương không lễ phép càng khiến người ta không thích qua lại.
Tôi sẽ lấy vài ví dụ về việc xử sự lễ phép, để mọi người tham khảo về cách làm người:
Thứ nhất, khi đến thăm người khác nên hẹn giờ trước, không được sai giờ, nói chuyện nên ngắn gọn, cần báo trước cho đối phương thời gian nói chuyện dài hay ngắn. Không hẹn trước mà đường đột đến thăm sẽ khiến người ta trở tay không kịp, cảm thấy không thoải mái.
Thứ hai, ở xã hội hiện đại, mọi người thường dùng điện thoại để liên lạc, dùng điện thoại có lễ phép là nên xưng tên họ trước, sau đó mới hỏi han đối phương. Lời nói ngắn gọn, đừng lặp lại nhiều, thời gian càng ngắn càng tốt, chớ có quên nói các từ: làm ơn, cảm ơn, xin lỗi.
Thứ ba, trước khi dùng cơm, cần xác định rõ thân phận của mình, nên ngồi ở vị trí nào, không thể tùy tiện ngồi chỗ nào cũng được. Khi dùng cơm, nên giữ phong thái, không thể vừa nhai cơm vừa nói chuyện. Người khác nói chuyện mắt nên nhìn chăm chú, không thể chỉ biết đến việc mình ăn. Người hiện đại có thói quen dành riêng ra một đôi đũa chung1, không thể tự ý phá vỡ quy tắc của họ.
1 Khi ăn chung, ngoài đôi đũa riêng của từng người, mọi người sẽ dành riêng ra một đôi đũa chung để gắp thức ăn từ đĩa thức ăn chung vào bát của mình. Họ không trực tiếp dùng đôi đũa của riêng mình để gắp thức ăn từ đĩa thức ăn chung vì như vậy sẽ mất lịch sự và không vệ sinh.
Thứ tư, khi đi nhờ xe của người khác, nên chú ý thứ tự tuổi tác của những người ngồi trên xe, không thể tùy tiện trèo lên ngồi. Ví dụ như khi đi tàu hỏa, xe bus, nên có thói quen xếp hàng, thong dong không vội vã, không chen lấn xô đẩy.
Thứ năm, đối đãi với người khác nên thể hiện sự chân thành, thân thiết, khi hỏi và đáp nên để người khác cảm nhận được sự chân thành và khiêm tốn của mình, không thể cao giọng bàn luận với người khác. Đặc biệt, khi hỏi và đáp với người khác không nên nói quá dài, ba đến năm câu là có thể dừng, phải hiểu rằng đây là cuộc đối thoại, không phải là buổi hùng biện thao thao bất tuyệt.
Thứ sáu, khi họp hành, nên có mặt đúng giờ, không được đến muộn. Nếu có ý kiến nên phát biểu đúng lúc, không nên tùy tiện cao giọng, thao thao bất tuyệt. Người khác có ý kiến không giống mình thì nên tôn trọng họ, nếu cứ cố chấp, chỉ có mình mà không có người khác, quả thực là vô lễ cùng cực.
Thứ bảy, hàng ngày đi làm đều phải đúng giờ, khi đến, cần chào hỏi cấp trên, học cách xin ý kiến và báo cáo, đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là lễ phép. Khi đi làm, không thể hút thuốc hay đọc báo, các giấy tờ trên bàn không nên để lộn xộn, bừa bãi, nên hòa nhã và giúp đỡ đồng nghiệp, việc gì cũng cần chu toàn, đấy là lễ phép trong công việc.
Thứ tám, trong gia đình, dù là cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái cũng nên đối đãi lễ phép với nhau, bởi tôn trọng người khác cũng chính là tôn trọng mình.
Nói đến lễ phép, thì có rất nhiều loại: mắt nhìn, tai nghe, cử chỉ, động tác, lời nói, thái độ, thứ nào cũng nên chú ý trang trọng, không những làm người khác dễ tiếp nhận mà còn khiến người khác yêu thích. Phải ghi nhớ rằng lễ phép là ưu tiên số một trong việc đối nhân xử thế.