Người phương Tây có văn hóa uống cà phê, người phương Đông cũng có văn hóa uống trà. Người phương Tây có văn hóa bưu thiếp, người phương Đông lại có văn hóa kẹo. Người phương Tây có văn hóa uống rượu, người phương Đông cũng có văn hóa uống rượu.
Việc giao lưu, qua lại giữa người với người, các chủng tộc, các quốc gia, các khu vực, đều có sự khác biệt về văn hóa. Trước đây, người Trung Hoa qua lại với nhau thường dùng hành động gật đầu để chào, người phương Tây thì bắt tay, đối với tầng lớp quý tộc và quan lại thì phát triển hơn, họ dùng các nghi thức xã giao như ôm, hôn.
Người Trung Hoa nếu gặp phải chuyện gì cần nhờ người khác giúp đỡ, họ sẽ tự động viên bản thân rằng: “Mình và anh ta đã từng gật đầu chào hỏi, có khó khăn thì có thể nhờ anh ta giải quyết. Một giỏ hoa quả, một hộp kẹo bánh, thường có thể đem lại những sự giúp đỡ lớn”.
Bạn bè có chút hiểu lầm, cũng có thể mời nhau uống trà để hóa giải. Nếu muốn kết giao với ai đó, cũng có thể nhờ người giới thiệu anh ta đến uống trà để làm quen. Mọi vấn đề trên thế giới, đều có thể giải quyết trên bàn ăn; đơn giản hơn nữa, hội trà cũng có thể giải quyết nhiều tranh chấp. Cho đến ngày nay, không chỉ vấn đề giữa hai người, mà rất nhiều việc quốc gia đại sự, các vấn đề xã hội, các vấn đề làng xóm, thảo luận chuyên đề, chỉ cần chuẩn bị trà và hoa quả, tìm nơi có thể tụ họp lại và thảo luận, thường sẽ đi đến tiếng nói chung.
Súng, bom, đạn trên chiến trường cướp đi biết bao mạng người thì trà, cà phê trong các doanh trại lại có thể giải quyết bấy nhiêu tranh chấp. “Người xưa pha trà đàm đạo, bàn kế hoạch trong lều trướng mà quyết định được việc thắng thua ở ngoài ngàn dặm”. Chế độ hành chính của nước Anh đều nhờ vào mấy người cùng đưa ra phương pháp trị nước bình thiên hạ trong gian phòng nhỏ trên các lầu gác, cho nên gọi là “nội các”.
Thiền sư Triệu Châu nổi tiếng nhờ việc bảo người khác “uống trà đi” mà có thể khai ngộ. Lục Vũ thưởng trà, được tôn làm “trà thánh”. Trà của Trung Hoa sang Nhật Bản phát triển trở thành “trà đạo”, trà đạo đã trở thành nghi lễ cao cấp, thành mẫu hình lý tưởng cho trai tài gái sắc. Đáng tiếc, hiện nay đa số người Trung Hoa thích uống các loại nước có ga, nước uống Sarsaparilla (Sarsae)1, nước khoáng, nước quýt, v.v. để thay thế trà. Công dụng của trà không chỉ giúp tiêu viêm giải khát mà còn nhuận phổi, khỏe người. Đặc biệt cầm một cốc trà trong tay, cùng ba đến năm người bạn, vừa thưởng trà, vừa bàn bạc chuyện quốc gia, chuyện thiên hạ, không chỉ giúp chúng ta tăng thêm hiểu biết, gắn kết tình bạn, mà còn có thể nói lạc thú vô hạn của đời người đều ở trong đó.
1 Là một loại nước uống carbon, dùng cây sarsaparilla (có nguồn gốc từ Mexico) làm nguyên liệu chính, nên có tên như vậy. Nước có màu nâu đậm, vị ngọt, không có cafein, màu giống Coca nhưng vị khác.
Hiện nay nhiều nước trên thế giới đều học trồng trà. Cho nên, hy vọng người Trung Hoa có thể tiếp tục phát huy văn hóa trà, đồng thời nâng cao chất lượng cũng như nội hàm của nghệ thuật trà, đừng để văn hóa cà phê của phương Tây đánh bại.