Mỹ là một nước có tư tưởng cởi mở trong việc di dân. Ngoài dân bản địa, ở đây còn có dân tộc của các nước như: người Do Thái, Mexico, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Nga, thậm chí còn dân tộc của các nước châu Á như Nhật, Hàn, Ma Lai v.v; riêng người Hoa, thì có người Quảng Đông, Mân Nam, Đài Loan, Đại lục, v.v. Dù cho các chủng tộc có nhiều hơn nữa, thì nước Mỹ như lò luyện lớn, nung chảy tất cả hòa vào một thể, ai muốn khiêu khích sự xung đột giữa các chủng tộc, đều phải chịu sự chế tài của pháp luật. Một đất nước tốt đẹp vĩ đại, mới có thể bao dung như vậy.
Trên thế giới, giữa các nước, giữa các khu vực đều có sự ngăn cách, trong đó sự ngăn cách giữa con người với con người là nguy hiểm nhất. Vấn đề khó giải quyết nhất, không phải là giàu nghèo, không phải là trí tuệ và ngu si, mà là phân biệt chủng tộc.
Sự phân biệt chủng tộc xảy ra có lúc là do hoàn cảnh địa lý, cũng có khi là do ngôn ngữ, phong tục, tập quán, hay do màu da khác nhau, khiến mọi người muốn bài trừ cái khác với mình. Đến ngay trong cùng một chủng tộc có cùng văn tự, cùng huyết thống cũng có sự phân biệt giàu nghèo, sang hèn thì giữa các chủng tộc khác nhau lại càng có nhiều sự phân biệt, dẫn đến tình trạng các chủng tộc không thể hòa hợp chung sống.
Những năm trước, việc kết hôn với người nước ngoài từng trở thành vấn đề mà các ông bố bà mẹ không thể chấp nhận, nhưng cũng không thể không đối mặt. Song giờ đây, hôn nhân xuyên quốc gia đã trở thành hiện tượng ngày càng phổ biến bởi những vấn đề khác biệt về ngôn ngữ, tập quán giữa các chủng tộc có thể dần thay đổi theo thời gian.
Hội Phật Quang Quốc tế luôn khuyến khích mọi người “làm công dân toàn cầu”. Chúng ta đều sống trên thế giới này, mọi người đều có chung một thân thể, cùng chung một sinh mệnh. Vì vậy những người có tư tưởng, quan niệm “đồng thể cộng sinh”, thì mới có tư cách trở thành người của thế kỷ XXI.