Mấy chục năm gần đây, xã hội thịnh hành “văn hóa” thư tố cáo nặc danh. Có một số người không biết xuất phát từ động cơ gì, không đến tòa án kiện cáo, cũng chẳng đến cục cảnh sát tố giác, lại thường thích dùng thư nặc danh để kiện tụng, tố cáo người khác phạm pháp.
Các cơ quan chức năng thường vì một lá thư tố cáo chỉ tốn có một đồng tem bưu điện gửi đến mà làm cho bao nhiêu người phải bận rộn điều tra, chất vấn. Cho nên một đồng tiền cũng có thể làm loạn nhịp công việc của cả một chính phủ, thậm chí một đồng tiền có thể đánh gục một con người.
Thực ra, thư tố cáo nặc danh chính là nguồn gốc tạo ra các hiện tượng rối loạn xã hội. Người dùng thư nặc danh, nếu đã muốn tố cáo người khác, sao phải trốn trong bóng tối, lén lút làm tổn thương người khác? Sao không đường đường chính chính mà tố giác? Chẳng phải luật pháp đã có các điều khoản về tố cáo hay sao? Tố cáo người khác còn có thể lập công lĩnh thưởng, có thể thấy về căn bản không cần thư nặc danh. Nhưng những người dùng thư tố cáo nặc danh đa phần tâm lý của họ đều bắt nguồn từ hận thù, vì tư lợi, vì báo thù, vì muốn công kích người khác. Những người này, lợi dụng sự nhanh chóng nhất thời, chi phí lại không nhiều, chỉ tốn một đồng tem bưu điện thì có thể dồn người khác vào chỗ chết, cho nên có thể nói là: Người tố giác như vậy là người xuất phát từ tâm địa đen tối, nếu tâm trong sáng, thì sao cần dùng đến thư nặc danh làm gì?
Tại các nước Âu Mỹ tiên tiến, cũng có những kẻ lòng dạ đen tối nặc danh tố giác, nhưng cơ quan an ninh, tòa án, thậm chí các cơ quan đoàn thể sau khi nhận được thư tố cáo nặc danh, đều sẽ truy tìm người tố giác là ai, xuất phát từ động cơ gì, có quan điểm gì, có cách nhìn nhận gì, dùng thái độ gì để nặc danh tố cáo? Sau khi nhận được thư tố cáo nặc danh, họ sẽ bắt đầu điều tra từ người tố cáo trước, sau đó mới điều tra người bị tố cáo. Rõ ràng là các nước tiên tiến khi xử lý sự việc, mọi thứ đều khá là công bằng.
Chỉ có sự công bằng và dân chủ của chính phủ, mới đủ để khiến cho những kẻ xấu xa tố cáo nặc danh không thể giấu giếm thân phận. Thực ra muốn đứng vững trong xã hội, quan hệ lợi và hại giữa người với người thực sự vô cùng phức tạp. Mỗi người đều vì lập trường của mình, đối với những người và việc khác mình thì cách nhìn nhận đương nhiên sẽ khác. Thậm chí vì xung đột lợi ích, nên xảy ra tranh chấp là điều khó tránh khỏi, nhưng mọi người nên tố cáo có lý tính, dùng cách đúng đắn, hoặc sẽ do các đoàn thể, giáo hội, pháp luật, pháp lệnh xử lý công bằng. Thực ra không cần động một tí là tố cáo nặc danh, núp trong chỗ tối khiến cho người khác không nhìn rõ mặt mũi mình, làm thế mình chẳng phải là người xấu là gì? Cho nên, đối với những kẻ quen tố cáo nặc danh, tôi không thể không đưa ra lời khuyến cáo có thiện ý này.