Thời gian, ngoài một tiếng, hai tiếng, một ngày, hai ngày, một tháng, hai tháng, một năm, hai năm, một thế kỷ, hai thế kỷ như cách chúng ta bình thường vẫn hay tính, thì trong Phật giáo, người ta gọi thời gian ngắn nhất là “sát na”, thời gian dài nhất là “A tăng kỳ kiếp”, chính là vô số kiếp.
Thực ra thời gian không có dài ngắn, khi tâm niệm động thì trong một sát na cũng có thể khiến ta lên thiên đường hay đọa địa ngục; hay như hòn đá cứng dù trải qua bao lâu cũng vẫn tồn tại như vậy. Vì vậy, kinh Phật nói rằng: Tuổi trẻ chỉ trong thời gian một cái gảy móng tay, là 63 sát na; vô lượng A tăng kỳ kiếp cũng chỉ trong một niệm.
Trong lịch sử, Sở Bá Vương, Đường Thái Tông, Võ Tắc Thiên, Trịnh Thành Công hơn 30 tuổi đã xưng đế phong vương, dù thành hay bại, sự nghiệp của họ đều đã thành tựu. Nhan Hồi, Tăng Triệu, Lương Khải Siêu, Hồ Thích ngoài 30 tuổi cũng đã trở thành các bậc học giả lớn xưa nay.
Có người tuổi mới trưởng thành đã đỗ trạng nguyên, có người dù cố gắng không mệt mỏi, nỗ lực không ngừng, cho đến lúc già vẫn chưa công thành danh toại. Những giống cây canh tác, có cây mùa xuân gieo hạt, mùa thu liền được thu hoạch, có cây tận mười năm cũng không lớn được bao nhiêu. Thời gian đối với thành bại mà nói, thật rất khó định liệu.
Nhưng thời gian cũng như con sông dài của lịch sử, dù là việc gì cũng cần có thời gian để ấp ủ. Sống cuộc đời tầm thường, chỉ cần sống đến 120 tuổi, bạn cũng có thể trở thành người có tuổi thọ cao nhất của một nước, những thứ tầm thường được cất giữ, trải qua hàng trăm nghìn năm sau, cũng có thể trở thành quốc bảo hiếm có.
Có người “mười năm cửa vắng không ai hỏi, một buổi thành danh thiên hạ hay”, có người uổng phí trăm tuổi đời người, cuối cùng cũng không có thành tựu gì. Thời gian giống như bóng câu qua khe cửa, lặng lẽ lướt qua đời, nếu không để tâm, chớp mắt hồng nhan đã thành tóc bạc, thanh xuân thành già cả. Như thơ Lý Bạch nói rằng: “Tóc bạc chiếc gương sầu chẳng xiết, sớm như tơ xanh chiều như tuyết”.
Những người biết dụng tâm thì một niệm bằng ba nghìn thế giới; kẻ không dụng công thì vô lượng thọ cũng để làm gì? Phù du sớm sinh tối chết, cũng trải qua một kiếp; người hành đạo dụng công chân chính, mỗi niệm đều nhớ đến chúng sinh, mỗi niệm đều vì phục vụ chúng sinh, thì có xá gì thời gian dài ngắn?
Bậc thiền giả có thể ngộ đạo trong khoảnh khắc, an nhiên giữa những muộn phiền, sống trọn vẹn ngay trong giây phút hiện tại1.
1 Nguyên văn chữ Hán là “Đương hạ tức thị”: Chỉ con người khi gặp phải hoàn cảnh khó khăn, có thể buông bỏ mọi tạp niệm, an nhiên sống trọn vẹn những giây phút trong hiện tại.
Sinh mệnh của chúng ta, trong dòng sông dài của thời gian, có người công thành danh toại, tích lũy nghiệp đức; có người không có gì, lãng phí một đời. Người xưa có câu: “Một bước sa chân thiên cổ hận, ngoảnh đầu nhìn lại đã trăm năm”. Thời gian là món quà ông trời ban tặng, chúng ta cần tận dụng mà không nên bỏ lỡ. Hạ Vũ trân trọng thời gian bóng nắng di chuyển một tấc1 còn hơn cả ngọc quý, Đào Khản2 không tiếc thời gian nhàn tản mà chuyển ngói để bản thân không biếng nhác. So đo thời gian dài ngắn chẳng có nghĩa lý gì, hãy trân quý mỗi giây, mỗi phút trong hiện tại, bởi đây mới chính là thời gian của chúng ta.
1 Ý nói thời gian rất ngắn, chỉ trong nháy mắt như bóng nắng di chuyển một tấc.
2 Đào Khản: Ông nội của Đào Uyên Minh, một danh tướng thời Đông Tấn.