Xã hội ngày nay, ai cũng cất công tạo dựng mạng lưới quan hệ cho mình. Cho dù là chính khách, doanh nhân, nghệ sĩ, nhân viên, giáo viên, hay ngay cả thanh niên, học sinh, bà nội trợ đều cần phải tạo dựng mối quan hệ.
Tạo dựng quan hệ là những gì? Đó chính là mời người đi ăn uống, đi thưởng trà, đi cà phê, đi chơi tennis, rủ người cùng tham dự đám cưới, đám tang, tiệc mừng, v.v. cho đến biếu tiền, tặng quà, v.v. cho người, nhằm thắt chặt quan hệ với đối phương.
Ngoài những việc kể trên thì khi nói chuyện cũng cần chú ý hỏi han đối phương để bắt quen, làm thân, tạo dựng quan hệ. Ví như có dịp gặp mặt thì nhớ hỏi thăm nhau mấy câu, ví như: “Dạo này anh khỏe không?”; “Gần đây mọi việc thế nào?” v.v. mà khi được người khác hỏi thăm thân tình như vậy thì cũng cần niềm nở trả lời lại, ví như: “Cám ơn anh, tôi vẫn ổn cả, anh thì sao rồi?” v.v. hỏi đáp như vậy đều giúp chúng ta tạo dựng mối quan hệ với những người khác.
Tuy bình thường mọi người đều bận rộn xã giao, nhưng nhu cầu và mục đích tạo dựng quan hệ của mỗi người lại rất khác nhau. Có người để kết nối tình cảm, có người để lôi kéo quan hệ, có người nhằm nâng cao danh tiếng, có người nhằm mở rộng vòng quan hệ, có người nhằm hợp tác kinh doanh, có người nhằm nhờ vả giúp đỡ, có người nhằm thăng quan tiến chức, có người nhằm vận động phiếu bầu và cũng có người nhằm chia chác lợi ích, v.v.
Ngoài những nhu cầu mở rộng và tạo dựng mối quan hệ của cá nhân thì cũng tồn tại các nhu cầu tạo dựng quan hệ của tổ chức. Ví như bộ phận quan hệ công chúng trong các tổ chức đơn vị, công việc chính thức của họ là thay đơn vị mình tạo dựng quan hệ với mọi người. Ban phụ huynh lập ra cũng nhằm tạo dựng và duy trì quan hệ tốt đẹp với nhà trường, cùng nhau giáo dục thật tốt thế hệ trẻ. Thậm chí có chính khách khi vận động ứng cử, còn tặng quà, đãi tiệc cử tri v.v. Đó không phải đều là “chăm sóc quan hệ” sao?
Tạo dựng mối quan hệ với mục đích không đúng đắn sẽ gây lãng phí thời gian và đi vào con đường kết bè kéo cánh làm việc xấu. Nhà thơ Lục Du thời Tống trong bài thơ Vãn Thu Nông Gia có viết: “Già đến muôn sự lười; Chẳng thiết việc xã giao”. Có thể thấy, tạo dựng quan hệ là việc làm hao tổn tâm lực. Lão Tử nói: “Người có phẩm chất đạo đức cao thượng sẽ biết tặng người lời hay ý đẹp”. Điều đó đã nói rõ bậc cổ đức kết giao với mọi người không phải vì trọng danh lợi, địa vị mà nhằm tu dưỡng học vấn, phẩm hạnh đạo đức, cho nên xử sự có thể vượt ra ngoài thế tục, lời nói và việc làm không ngạo mạn vô lễ, xu nịnh, lại càng không có chút giả dối.
Cách tạo dựng mối quan hệ tốt nhất chính là: Chính trị gia thì lấy thành tựu chính trị để thu phục lòng dân; Đại biểu nhân dân thì lấy việc hết lòng phục vụ dân để thu hút phiếu bầu; Nông dân, thương nhân thì lấy việc bảo đảm chất lượng sản phẩm, trung thực trong kinh doanh để đổi lấy sự ủng hộ của khách hàng; Bạn bè thì lấy sự chân thành và đạo nghĩa để vun đắp tình bạn; Lãnh đạo thì lấy năng lực chuyên môn, năng lực lãnh đạo, lòng quý trọng hiền tài để nhận về sự ủng hộ của cấp dưới; Cấp dưới thì lấy sự tận tâm tận lực, có trách nhiệm trong công việc để giành về sự xem trọng của cấp trên.
Cho nên dù bản thân làm việc gì, giữ chức gì, chỉ cần sống có đạo đức, có trách nhiệm, thì không cần “lôi kéo quan hệ” cũng tự có người muốn thân cận, đó chẳng phải là cách tạo dựng mối quan hệ tốt nhất hay sao?