Thời đại hiện nay rất chú trọng đến chứng cứ, nếu như không có chứng cứ thì pháp luật sẽ không thể phán xét, kết tội con người. Nếu như không có chứng cứ thì các giao dịch tiền bạc trong doanh nghiệp sẽ không có gì đảm bảo. Chứng cứ có thể coi là căn cứ để bảo vệ mọi người, cũng có thể coi là kết quả của quá trình điều tra.
Chúng ta thường nghe nói “thực nghiệm chứng minh”, đó không phải là chứng cứ sao? Cảnh sát cần có nhân chứng và tang vật để truy lùng, kết tội nghi phạm. Quan tòa muốn xử án cũng phải dựa vào chứng cứ. Nhà vật lý phải nhờ vào giả thuyết và lý luận làm chứng cứ mới có thể chứng minh những định luật mình đưa ra là đúng. Nhà khảo cổ học cũng cần phải dựa vào những suy luận logic mới có thể chứng minh niên đại của cổ vật. Quan hệ huyết thống trong gia đình cũng phải dựa vào ADN mới có thể chứng minh được.
Xã hội xem trọng chứng cứ chính là muốn xóa bỏ hạn chế của thói xuề xòa ba phải. Phàm việc gì cũng phải thu thập thông tin chính xác rồi mới kết luận, tránh vô cớ đổ oan cho người. Tư trị thông giám1 có câu: “Nghe hết các bên thì sáng suốt, tin theo một phía thì ngu muội”, chính là muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của chứng cứ.
1 Tư trị thông giám: Cuốn biên niên sử quan trọng của Trung Quốc, khái quát một thời kỳ lịch sử dài 1362 năm, từ năm 403 TCN thời Chiến Quốc đến năm 959 hết thời Hậu Chu.
Để có được chứng cứ với độ chính xác cao, người ta có thể sử dụng nhân chứng, máy phát hiện nói dối, máy ghi âm, máy chụp ảnh, hay dùng dấu vân tay, dấu chân, dấu giày làm bằng chứng. Thậm chí, hóa đơn mua sắm hay cuống tem phiếu đều có thể được sử dụng làm bằng chứng.
Tuy nhiên trong thực tế cũng có một số vụ án xảy ra mà hiện trường bị phá hoại, dẫn đến việc thu thập chứng cứ có sự nhầm lẫn. Cũng có những trường hợp không từ thủ đoạn để thu thập “chứng cứ” dẫn tới làm tổn thương người khác, hoặc gây ra vấn nạn xã hội, như là việc gắn máy camera siêu nhỏ để quay lén người khác hay hành động bám riết rình mò của giới paparazzi1, v.v. đó đều là những hành vi xâm phạm đến quyền riêng tư và không tôn trọng quyền tự do của người khác.
1 Paparazzi là một thuật ngữ dùng để chỉ những “thợ săn ảnh”. Họ chuyên khai thác “sự thật” về đời sống riêng tư của người nổi tiếng.
Ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển, chứng cứ, hoặc phải là “dấu vết” để lại, hoặc phải do “tận mắt nhìn thấy”, hoặc do các thiết bị khoa học tìm ra, mới đủ tính xác thực, ngược lại nếu không khẳng định được sự tồn tại của “nó”, vậy thì rất khó khiến người khác tin phục.
Mặc dù vậy, trên đời này vẫn có một vài sự thật không có cách nào đưa ra bằng chứng xác thực, ví dụ như chân lý mà Đức Phật đã chứng ngộ, các cảnh giới mà các vị thiền sư đã chứng nghiệm và sự thật về lục đạo luân hồi, những việc này đều không phải là việc mà con người có thể dùng mắt thường thấy biết được. Do đó có thể thấy, tri thức của nhân loại tuy là phát triển từng ngày nhưng vẫn có những chân lý vượt ngoài không gian thời gian, dùng mắt thường không thể thấy, dùng máy móc khoa học kỹ thuật cũng không thể tìm ra.
Hơn nữa, chứng cứ cũng có thể bị người xấu đánh tráo hoặc làm giả để qua mắt thiên hạ, bởi vậy độ chân thực của chứng cứ phải được kiểm nghiệm bởi sự sáng suốt, công bằng của cơ quan điều tra. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp vì lý do chính trị hoặc vì không có đầy đủ bằng chứng nên không thể đưa ra phán quyết cuối cùng. Ngoài ra, còn có không ít những người bởi không tìm được bằng chứng chứng minh bản thân vô tội, thậm chí vì bằng chứng giả liên lụy mà phải chịu những kết cục oan trái.
Thực ra, tin tưởng vào chứng cứ không bằng tin tưởng vào lương tâm con người. Vì vậy, ngàn vạn lần đừng nên vì lợi ích cá nhân, vì những tham muốn nhất thời mà tiếp tục tạo ác, bởi vì luật nhân quả sẽ đưa ra “phán quyết cuối cùng”, lẽ trời sẽ biết chứng cứ nằm ở đâu và nghiệp báo chính là “hình phạt sau cùng”.