Sống trên đời cần có tu dưỡng, luôn giữ bình tĩnh trong mọi việc chính là tu dưỡng. Có người vì vui vẻ đắc ý, có người vì tức giận tranh giành, có người lại vì bị oan ức mà trở nên mất bình tĩnh. Nhìn chung, không giữ được bình tĩnh là do tính tình bộp chộp, lỗ mãng, không suy nghĩ thấu đáo, không kiềm chế được bản thân, đó chính là những hành vi thiếu tu dưỡng.
Những người không giữ được bình tĩnh thường buột miệng nói ra chuyện cơ mật từ đó tạo ra bao nhiêu phiền phức không đáng có. Ví dụ như có người biết bản thân trúng số, vui quá nên mất bình tĩnh, đi khoe khắp nơi, cuối cùng lại bị kẻ xấu bắt cóc tống tiền.
Khi Tưởng Kinh Quốc1 giữ chức Tổng thống, một ngày kia, ông gọi điện cho hiệu trưởng trường Không quân, báo rằng chuẩn bị cất nhắc ông ấy lên làm Tổng tư lệnh Không quân. Vị hiệu trưởng này vì vui quá nên đã không giữ được bình tĩnh, gọi điện cho bạn khoe ngay tin này, người bạn kia nghe xong, ngay trong đêm liền đến gặp Tổng thống. Ngày hôm sau, chức Tổng tư lệnh Không quân kia đã được giao cho người khác, đây chính là sự tai hại của việc không giữ được bình tĩnh.
1 Tưởng Kinh Quốc (1910 - 1988): Con trai của Tưởng Giới Thạch, kế nhiệm cha làm Thủ tướng Trung Hoa Dân Quốc từ năm 1972 đến năm 1978, rồi làm Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc từ năm 1978 tới khi mất, năm 1988.
Trên chiến trường, quân đội hai bên đối địch nhau, bên nào không giữ được bình tĩnh thì bên đó tất thua. Trên sân đấu, đội nào không giữ được bình tĩnh thì đội đó tất sẽ tự mất thế trận. Chính trị gia tranh luận khi tranh cử, người nào không giữ được bình tĩnh người đó tất để lộ khuyết điểm. Thậm chí, các bạn trẻ mới bước chân ra xã hội nếu không giữ được bình tĩnh, tất sẽ chạy theo những điều viển vông, không thể từng bước đi lên một cách vững chắc.
Dưới cội Bồ đề, sau khi thành đạo, Đức Phật còn trầm tư trong thiền định thêm 21 ngày nữa, rồi Ngài mới giảng giải những pháp hỷ mình đã chứng ngộ cho thế gian, đây chính là vì Ngài có được sự định tĩnh vậy! Các bậc vĩ nhân trên đời, không ai là không tu tâm dưỡng tính, cốt là để rèn luyện cho bản thân mình có được sự trầm tĩnh, vững vàng. Ví như, Gia Cát Khổng Minh1 trong trận chiến Xích Bích2, hay như khi ông ngồi trên tòa thành trống không3, vẫn có thể ung dung bình tĩnh khiến đối phương trúng kế. Hay như Hàn Tín4 nhờ sự bình tĩnh của mình, đã lập ra kế “minh tu sạn đạo, ám độ Trần Thương”5, nhờ đó mà thoát được cảnh nguy khốn. Lục tổ Huệ Năng cũng nhờ định tĩnh không nóng vội mới có thể được Ngũ tổ Hoằng Nhẫn truyền cho pháp ấn.
1 Gia Cát Khổng Minh (181 - 234): Là Thừa tướng, công thần khai quốc nổi tiếng nhà Thục Hán thời Tam Quốc.
2 Xích Bích: Tên một trận đánh lớn diễn ra vào năm 208 thời Đông Hán, giữa liên quân Tôn Quyền - Lưu Bị với quân đội lấy danh nghĩa triều đình của Tào Tháo.
3 Kế này gắn liền với điển cố về Gia Cát Lượng trong Tam Quốc diễn nghĩa. Theo đó trong lúc Gia Cát Lượng đang giữ ngôi thành trống, không có phòng thủ thì Tư Mã Ý bất chợt kéo quân đến. Đánh vào tính đa nghi của Tư Mã Ý, Gia Cát Lượng đã sai mở toang cổng thành, trên tường thành chỉ cắm tinh kỳ, lại sai người quét dọn trước cổng làm như không có sự đe dọa của quân Ngụy. Cuối cùng Tư Mã Ý vì nghi ngờ mưu kế của Gia Cát Lượng nên đã rút quân, bỏ lỡ cơ hội kết liễu đối thủ ngàn năm có một.
4 Hàn Tín (230 TCN - 196 TCN) là danh tướng và công thần khai quốc nhà Hán.
5 Minh tu sạn đạo, ám độ Trần Thương nghĩa là công khai sửa sạn đạo, âm thầm vượt qua Trần Thương. Đây là kế giương đông kích tây Hàn Tín sử dụng để qua mặt Hạng Vũ.
Hán Sở tranh hùng, Hạng Vũ bắt cha của Lưu Bang làm con tin rồi bảo với Lưu Bang: “Nếu ngươi không hàng thì ta sẽ giết cha ngươi”. Lưu Bang đáp rằng: “Ta và ngươi từng kết nghĩa anh em, cha của ta cũng chính là cha của Hạng Vũ ngươi. Nếu ngươi nhất định phải giết cha ngươi thì cũng đừng quên để phần ta một bát canh”. Cuối cùng Hạng Vũ đã không dám ra tay. Lưu Bang bởi vì giữ được bình tĩnh cho nên mới có thể chiến thắng được Hạng Vũ.
Quả còn xanh chưa chín mà vội hái thì quả sẽ chua chát không ăn được. Nghiên cứu khoa học khi chưa được kiểm nghiệm nhiều lần vẫn có thể còn nhiều sai sót. Tuyển người mà không qua nhiều vòng thử thách thì e rằng vẫn chưa chính xác. “Chưa chín mà ăn” hay “chưa thành đã dùng” chính là vì nóng vội không giữ được bình tĩnh, cuối cùng chỉ tổ hỏng việc. Giống như trong truyện ngụ ngôn Con lừa đất Kiềm1, bởi vì không bình tĩnh phòng bị nên cuối cùng con lừa đã bị hổ ăn thịt. Do đó, chúng ta không thể không lấy đó làm gương.
1 Xem thêm tích truyện Con lừa đất Kiềm của tác giả Liễu Tông Nguyên thời Đường.
Nhà Phật dạy rằng: Tất cả đều do các duyên mà thành, đợi đến khi hết thảy các điều kiện đều đầy đủ thì công đức tự nhiên sẽ thành tựu. Ngay cả khi thành tựu rồi, chúng ta vẫn luôn cần giữ bản thân bình tĩnh để tránh sơ suất. Chúng ta cần phải nhớ kĩ lời dạy này.