“Miệng lưỡi” là bộ phận không thể thiếu khi chúng ta nói chuyện, cũng là bộ phận không thể thiếu của cơ thể. Hơn thế “miệng lưỡi” có thể khiến cho quốc gia phát triển, cũng có thể khiến cho đất nước diệt vong.
Những người đại diện cho tiếng nói người dân, đại diện cho đất nước, chúng ta gọi họ là “người phát ngôn”. Vào thời Tam Quốc, Khổng Minh đi sứ Đông Ngô đã “khẩu chiến quần Nho” nhằm bảo vệ chủ trương liên minh Thục Ngô, đi đến chia ba thiên hạ của mình. Phật giáo lấy hình ảnh “lưỡi như hoa sen” để miêu tả các vị pháp sư thuyết giảng Phật pháp một cách tinh thâm thấu triệt. Khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói về cảnh tượng của thế giới Cực lạc, thì vô lượng chư Phật ở mười phương đều hiện ra “tướng lưỡi rộng dài” để chứng thực rằng lời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là không hư dối.
Học sinh hay nói chuyện riêng trong giờ học thì bị thầy cô xem là “lắm miệng”. Phụ nữ nói nhiều quá mức thì bị mọi người chê là “lắm mồm”. Một số người thích ngồi lê đôi mách bị gọi là “lắm chuyện”. Bên cạnh đó, Phật giáo còn dùng hai chữ “nhiêu thiệt” - thừa lưỡi, để chỉ cho những người nhiều lời. Trong một cuộc họp nếu tất cả mọi người đều im lặng thì khi ấy rất cần một người nào đó “lắm lời” đứng lên phát biểu ý kiến vậy.
Phát biểu sôi nổi, chính là khiến mọi người đều được tự do thảo luận và đưa ra ý kiến, quan điểm của riêng mình một cách thoải mái. Trong không gian thảo luận này, bạn có thể thoải mái, tự tin, mạnh dạn nói chuyện, lắng nghe những ý kiến khác nhau và cùng có thêm cơ hội rèn luyện kỹ năng diễn đạt.
Cho nên, một cuộc họp sôi nổi không những có thể biến không khí buồn tẻ trở nên sôi trào mà còn có thể khiến cho những người lúc bình thường vốn hay rụt rè có thể mạnh dạn bày tỏ quan điểm. Hai người xảy ra “chiến tranh lạnh”, nếu như một người trong đó mau mồm mau miệng, chủ động giảng hòa thì có thể phá vỡ cục diện bế tắc giữa hai người và giúp đôi bên hàn gắn quan hệ. Ngoài ra, mọi người cũng nên nói ra cảm xúc, cảm nhận của bản thân, như vậy ngoài việc giúp chúng ta hiểu được cảm xúc của người khác ra thì còn có thể làm phương châm để đối nhân xử thế về sau. Trong một buổi họp lớp, mọi người có thể chuyện gẫu về những điều tâm đắc trong công việc và những kế hoạch cho tương lai, như vậy vừa có thể gắn kết tình cảm, vừa có thể lắng nghe kinh nghiệm của người khác.
Nếu như trong một buổi họp cần lấy ý kiến mọi người, nhưng tất cả người tham dự đều không phát biểu thì cuộc họp mở ra cũng không để làm gì, đây gọi là “nếu bạn không nói ra, thần tiên cũng khó giúp”. Hăng hái thảo luận tất nhiên có thể khiến một buổi họp thêm phần sôi nổi, thu được thêm nhiều ý kiến, nhưng điều đáng ngại nhất ở đây chính là ý kiến đưa ra lan man và không xoáy sâu vào chủ đề.
Người Trung Quốc khi thảo luận thường không chịu theo lề lối, cũng không đợi theo thứ tự, thường là người thứ nhất còn đang nói dở thì người thứ hai đã nói chen vào, người thứ hai chưa nói xong thì lại có người thứ ba nói chen vào. Cứ thế lặp lại hoặc mạnh ai nấy nói, đến cuối cùng thành ra không biết đang thảo luận chuyện gì.
Đôi khi, trong cuộc họp nào đó người dự họp sôi nổi phát biểu nhưng phát biểu nhiều quá, cuối cùng lại thành càng nói càng xa chủ đề chính.
Cho nên, khi nói chuyện bạn cần tránh xa kiểu “cách giày gãi ngứa”, nói không đúng trọng tâm câu chuyện khiến cho mọi người cảm thấy nhàm chán, thậm chí còn gây ra hỏng việc. Ngược lại, nếu bạn nói đúng vào chủ đề thì có thể truyền đạt được thông điệp rõ ràng tới mọi người.