Trong xã hội hiện đại có rất nhiều người không có lập trường. Người không có lập trường chính là người không có suy nghĩ của riêng mình, lệ thuộc vào người khác một cách mù quáng, người khác bảo sao nghe vậy, không có khả năng tự nhận định sự việc là đúng, là sai.
Hùa theo đám đông cũng chính là không có lập trường. Theo sóng đuổi dòng, theo tiếng họa hình, cuốn theo vọng niệm v.v. chính là không có lập trường. Thậm chí “gió chiều nào xoay chiều ấy” để trục lợi cũng là không có lập trường.
Trong xã hội, có không ít thanh niên học sinh vì không có lập trường mà lầm đường lạc lối, ví như nghe theo lời xúi giục, rủ rê của người khác để rồi trốn học, đi bụi, trộm cắp, đánh lộn, sử dụng ma túy, rượu chè, cờ bạc v.v. Cũng có một số người vì mù quáng hùa theo đám đông mà bị cuốn vào những trào lưu không phù hợp với bản thân, như đua nhau nhịn ăn mua sản phẩm do thần tượng quảng cáo, đua nhau chạy theo mốt ăn chơi trong phim ảnh, đua nhau đổ xô đi mua cổ phiếu v.v.
Không có lập trường chủ yếu là do thói lười tư duy. Khi mọi người đã quen nếp “người khác làm sao thì tôi làm vậy” thì họ làm gì cũng đều chỉ qua loa lấy lệ, hậu quả của lối sống đó là xã hội lạc hậu, tư tưởng sính ngoại. Không có lập trường khiến cho bản thân không có năng lực phân biệt được tốt xấu, không có can đảm bày tỏ những mong muốn của chính mình, ví như khi chọn trường học, ngành học chỉ biết mù quáng chạy theo trường hot, ngành hot mà không căn cứ vào sở trường, điều kiện của mình, cuối cùng xôi hỏng bỏng không.
Mê tín cũng chính là không có lập trường như tin vào các trò “phân thân nhập hồn”, “giả thần giả quỷ”, “truyền pháp qua ánh mắt trong chớp mắt” v.v. Đó đều là biểu hiện của việc thiếu năng lực phán đoán đúng sai, thậm chí mù quáng đến mê muội không hiểu biết gì.
Giai thoại Đông Thi chau mày1, hoặc là truyện Bộ quần áo mới của hoàng đế2, hay truyện ngụ ngôn Chim sẻ muốn biến thành phượng hoàng, đều nhắm tới phê phán những người không có lập trường. Như vậy không chỉ đánh mất bản thân mà còn khiến cho người đời chê cười.
1 Đông Thi chau mày: Xưa có nàng Tây Thi là mỹ nhân nổi tiếng, nàng có bệnh đau tim, mỗi khi đau nàng lại lấy tay ôm ngực, chau mày nhăn mặt, thế nhưng dáng vẻ đó lại càng khiến nàng đẹp hơn. Đông Thi thấy vậy liền bắt chước, cũng chau mày nhăn mặt giễu qua giễu lại khắp nơi, không ngờ bộ dạng ấy khiến cho nàng ta vốn đã xấu xí lại càng trở nên khó coi hơn bội phần.
2 Là truyện của nhà văn Andersen, kể lại việc nhóm thợ dệt lừa đảo lừa đức vua rằng sẽ may cho ngài một bộ quần áo mới từ một loại vải thần kỳ để ngài mặc trong lễ duyệt binh. Kết quả đức vua ham chuộng hư danh nên nghe lời chúng mà gánh lấy nỗi nhục cho mình.
Mù quáng a dua theo người khác là biểu hiện của sự thiếu hiểu biết, của tâm lý đám đông, của sự thiếu tin tưởng ở bản thân. Giống như câu nói của Tào Phi1: “Xa người tốt đẹp, gần kẻ tiện nhân, chú trọng hư danh, không cầu thật học”, đó đều là hành vi học theo người khác một cách mù quáng.
1 Tào Phi (187 - 226): Hoàng đế đầu tiên của nhà Tào Ngụy thời Tam Quốc.
Ngựa già nhớ đường, chó nhỏ đi tiểu để làm dấu, đều là bởi vì không muốn đi theo ai một cách mù quáng. Loài ruồi nhờ cảm nhận được sự chuyển động của không khí mà nhanh chóng phát hiện ra nguy hiểm đang tới nên có thể bay đi trước khi bị đánh trúng, đây chính là vì chúng tin tưởng vào cảm nhận của chúng nên có khả năng tự bảo vệ bản thân. Loài dơi dựa vào việc phát ra sóng siêu âm mạnh để định vị mà nhận biết được môi trường xung quanh, chính là chúng không mù quáng nên có thể bù đắp mặt hạn chế về thị lực của mình.
Mạnh Tử nói: “Tin hết ở sách thì thà đừng đọc sách” chính là muốn nhắc nhở mọi người phải có lập trường thì mới có trí tuệ, mới có sự sáng tạo, mới có thể đứng vững trên lập trường của chính mình, không mù quáng thông đồng làm việc xấu và mới có thể sống đời sống một cuộc đời tự chủ.