Trong lịch sử, có rất nhiều các vị anh hùng hảo hán, vì được nhiều người hợp lực giúp đỡ mà thuận lợi lập nên nghiệp lớn. Dân gian Trung Quốc thường lấy câu: “Ba người thợ da còn hơn một Gia Cát Lượng” để nhấn mạnh rằng ba người bình thường hợp sức lại còn tạo ra thành tựu lớn hơn thành tựu của một người tuyệt đỉnh thông minh.
Con người, ai cũng đều có tính thích tự mình xoay sở, thích xây lên hình tượng anh hùng cho bản thân. Nhưng xã hội ngày nay là xã hội của sáng tạo tập thể, là thời đại của tinh thần đồng đội.
Trong một trận đấu bóng đá, muốn giành chiến thắng đòi hỏi sự đoàn kết đồng lòng của toàn đội. Trong một xí nghiệp, cần phải có những cá nhân xuất sắc ở các bộ phận thì mới có thể khiến cho xí nghiệp hoạt động một cách ổn định. Thậm chí, đến một bữa ăn cũng cần đến sự cấy cày trồng trọt của người nông dân và bàn tay khéo léo của đầu bếp thì mới có thể có được những món ăn ngon lành như vậy. Cho nên, thế giới này là thế giới của sáng tạo tập thể và trong Phật giáo, sáng tạo tập thể này chính là do các duyên tạo thành, đây là chân lý không thể thay đổi trên thế gian này.
Trong một tập thể, đáng sợ nhất chính là mỗi người đều cố chấp ý kiến riêng của mình, không chịu trao đổi với nhau, không tôn trọng ý kiến của nhau, nếu cứ như vậy thì sẽ không đạt được thành quả sáng tạo trong tập thể. Sống trong tập thể, chúng ta đừng quá chú trọng đến việc thể hiện bản thân, hãy nghĩ rằng “tôi là một trong số mọi người”. Người xưa có dạy: “Nhiều người cùng ý chí sẽ tạo nên bức tường thành vững chắc, đông người hợp sức sẽ chặt đứt được vàng”. Trí tuệ của một người thì có hạn nhưng nếu tập hợp được sức lực của nhiều người lại sẽ có thể “lấy dài bù ngắn”, bổ sung thiếu khuyết cho nhau, tăng thêm sức mạnh, cũng giống như đem bó những chiếc đũa riêng lẻ lại với nhau thành bó đũa thì không dễ gì bẻ gãy được nó.
Cho nên, khi bạn gặp vấn đề khó khăn chưa có cách giải quyết, đừng nên giữ nó trong lòng, như thế tự mình sẽ chuốc lấy khổ não, cũng chính là đẩy bản thân vào ngõ cụt vì dù sao trí tuệ và sức lực của một người là có hạn. Nếu như bạn đem vấn đề đó ra thảo luận với mọi người, chắc chắn mọi người sẽ đưa ra cho bạn vài ý tưởng hay, thậm chí là lối tắt giúp bạn đột phá vấn đề.
Trong xã hội, những công ty liên doanh, công ty hợp doanh đã đoàn kết được sức người sức của tạo ra thành tựu khiến mọi người phải nhìn bằng con mắt khác. Nếu như trong đoàn thể có thể tạo ra không khí thi đua “thà thua một người chứ không thể thua cả đội” thì có thể kích thích mọi người phấn đấu đạt được những kết quả không ngờ tới.
Một ngôi sao băng rơi xuống có thể làm cho người ta cảm thán về sự đơn côi, yếu thế, nhưng một trận mưa sao băng lại khiến cho người ta sẵn sàng chờ đợi, ngắm nhìn và trầm trồ trước cảnh tượng lộng lẫy, hiếm có đó. Nhìn lại lịch sử đấu tranh của các triều đại Trung Quốc, các cuộc khởi nghĩa lúc đó chẳng phải đều là tập hợp anh hùng các phương cùng chung sức lật đổ một vương triều nào đó hay sao? Trong những năm đầu của thời kỳ Chiến Quốc, Ngụy Văn Hầu không ngừng chiêu hiền đãi sĩ, giúp cho nước Ngụy trở thành một trong những nước mạnh nhất thời kỳ đó; hay Mạnh Thường Quân của nước Tề cũng không phải cũng là nhờ vào những môn khách trong nhà mà được gặp dữ hóa lành hay sao1? Bởi thế, biết tập hợp trí tuệ của nhiều người, dung hòa điểm khác biệt lẫn nhau, càng khiến cho chúng ta nắm giữ được thêm nhiều nguồn lực.
1 Mạnh Thường Quân: Người nước Tề thời Chiến Quốc, họ Điền tên Văn, đãi người rộng rãi, trong nhà môn khách lúc nào cũng đến ba, bốn nghìn người. Khi Mạnh Thường Quân lâm nạn, môn khách đi theo kẻ giả chó sủa để lừa quân canh, người vào lấy trộm áo lông cáo đem dâng cho quý phi để quý phi tâu vua xin tha cho về nước. Lúc đến biên ải lại nhờ có người giả tiếng gà gáy để lừa lính gác cổng, v.v. nhờ thế mà Mạnh Thường Quân thoát nạn.
Kẻ ngu cũng có thể thành công ít nhất một lần, nếu như có thể khiến cho mọi người đều có thể phát huy sở trường của mình, tương trợ lẫn nhau thì trí tuệ chúng ta có được chắc chắn sẽ hơn trí tuệ của một mình Gia Cát Lượng, lối so sánh này quả thật không sai!