Tàu thuyền là phương tiện mà chúng ta dùng để chinh phục hơn 70% diện tích địa cầu.
Từ xa xưa, khát vọng chinh phục biển lớn và những dòng nước chảy xiết đã thúc đẩy con người chế tạo ra tàu thuyền, kể từ đó tàu thuyền đã gắn bó chặt chẽ với đời sống con người.
Con người từng sử dụng tàu thuyền để khám phá ra các châu lục mới, kiếm tìm kho báu dưới biển hay ngao du thế giới. Thời Tam Quốc, tàu thuyền cũng trở thành công cụ hữu dụng trong các trận chiến, như những chiếc thuyền trong kế “Thuyền cỏ mượn tên”1 của Gia Cát Lượng. Người phương Tây cũng dùng tàu thuyền để làm phương tiện đi chinh phục phương Đông.
1 Thuyền cỏ mượn tên: Trong chiến dịch Xích Bích, Chu Du yêu cầu Gia Cát Lượng gấp rút góp đủ 10 vạn mũi tên. Gia Cát Lượng làm người cỏ chất kín mạn thuyền rồi chọn ngày sương mù dày đặc mới bơi thuyền đến trước doanh trại quân Tào. Tào Tháo liền ra lệnh bắn tên tới tấp làm cho Gia Cát Lượng dễ dàng thu đủ số mũi tên cần có.
Trong một đoàn thể, để khích lệ tinh thần đồng tâm hiệp lực, người ta hay nhận là người “cùng hội cùng thuyền”, còn khi kết giao hoặc hợp tác nhầm người thì dùng câu “lên nhầm thuyền giặc” để miêu tả, khi sự tình thay đổi bất ngờ vượt ra ngoài dự tính của con người thì thường dùng câu nói “lật thuyền trong mương” để hình dung. Tương tự, để nhấn mạnh sự đáng quý của nhân duyên vợ chồng thì mọi người sẽ nói là: “Tu mười năm mới đi chung thuyền, tu trăm năm mới nên duyên chồng vợ”, hay như lấy câu “một chiếc thuyền giữa đại dương mênh mông” để ví dụ cho kiếp người phiêu bạt gian khổ, v.v.
Chúng ta cũng thường ví việc học như “chèo thuyền ngược dòng” để nhắc nhở học trò, dùng câu “thuận buồm xuôi gió” để chúc ai đó đi đường bình an và muôn điều thuận lợi. Trong quan hệ tình cảm, bên bắt cá hai tay thường được ví là “chân đạp hai thuyền”. Khi giải quyết công việc thì dùng “đập nồi dìm thuyền” để chỉ sự quyết tâm của con người. Người khoan dung độ lượng thì được khen là “bụng rộng đến độ có thể chèo thuyền”. Đối với sự việc lực bất tòng tâm liền tự động viên rằng “thuyền đến đầu cầu tự nhiên thẳng”. Cho đến lòng từ bi của Bồ tát cũng được người đời gọi là “chèo ngược thuyền từ”.
Từ xưa đến nay tàu thuyền là phương tiện giao thông quan trọng giúp mọi người qua lại giữa các nơi, do đó, thuyền đã trở thành một hình ảnh ẩn dụ được các nhà thơ sử dụng để bày tỏ cảm xúc chia tay hay nỗi nhớ nhà, như Thi Nhuận Chương thời Thanh đã viết:
Thuyền chiều chiếc lá nhẹ rơi
Rượu tàn hát mệt chơi vơi lệ sầu.
Tô Thức có thơ rằng:
Sông Biện vô tình xuôi hướng đông
Thuyền tôi sầu hận hướng Tây Châu.
Trương Nhược Hư cũng viết:
Thuyền ai trên bến sông đêm vắng
Ai nhớ ai chăng Minh Nguyệt lầu?
Ôn Đình Quân thì viết:
Ngàn thuyền đã qua mà ai kia vẫn không thấy
Hay như Lý Thanh Chiếu có viết:
Sợ rằng thuyền nhỏ Song Khê
Không đem đi được trầm mê u sầu.
Ngoài ra, Tuân Tử cũng lấy thuyền với nước để ví mối quan hệ giữa người lãnh đạo với nhân dân, để nói rõ người dân có thể đề cử ủng hộ người lãnh đạo, song cũng có thể lật đổ, nhấn chìm họ xuống.
Trong Phật giáo, thuyền mang ý nghĩa cứu cánh, là phương tiện để cập bến bờ bên kia, Phật pháp được ví như “con thuyền” có thể đi giữa dòng sông sinh tử. Trong kinh Nhẫn nhục cũng nói: “Nhẫn là thuyền lớn, có thể vượt qua khó khăn”. Lục tổ đại sư cũng là nhờ sư phụ dùng thuyền đưa (âm Hán Việt là “độ”) ngài rời đi cho nên mới có câu nói: “Khi con mê thì thầy độ, khi ngộ rồi thì con tự độ cho con”.
Thuyền cũng còn có thể trở thành ngôi nhà, như nhà thuyền (hay nhà nổi) của thủ đô Amsterdam, Hà Lan. Hoặc như tại thủ đô Băng Cốc, Thái Lan, thuyền không những là nhà ở mà còn là “quầy hàng di động” trên sông, tạo thành khu chợ nổi rất độc đáo, mới lạ. Hiện nay, cũng có người sau khi nghỉ hưu muốn sống cuộc sống trên thuyền “nay đây mai đó”. Và một số dân tị nạn, dân chài cũng đều coi thuyền là nhà. Ngoài ra, thuyền cũng có thể được người ta dùng làm nơi tổ chức vui chơi thi đấu.
Chúng ta cũng phải như chiếc thuyền, có thể chở mọi thứ, làm chỗ dựa cho người, có thể giúp người khác qua được bể khổ, thắp lên hy vọng được cứu thoát.
Bạn có bằng lòng trở thành một chiếc thuyền từ như vậy không?