Thời xưa, ngự sử là chức danh của quan giám sát, chuyên đảm nhiệm việc thẩm tra và luận tội quan lại phạm pháp trong triều. Tương tự, ngày nay các tổ chức, trường học, doanh nghiệp cũng có Hội đồng kỉ luật và Ban thanh tra v.v. để giám sát hoạt động của từng đơn vị trực thuộc.
Đánh giá là để phát hiện ra vấn đề, đánh giá là để tiến bộ, để xác định phương hướng phát triển, để đảm bảo chất lượng. Đánh giá là vì duy trì quy chế, vì để tổng kết và phản tỉnh. Đánh giá là để hiểu rõ được nhu cầu, là căn cứ cho sự đổi mới, là động lực để cố gắng, là cơ sở để thăng tiến, là tiêu chuẩn để thưởng phạt, là phương pháp bảo vệ người tiêu dùng và đánh giá còn là để hiểu rõ năng lực cấp dưới.
Không chỉ các sản phẩm cần đánh giá mà đoàn thể cũng cần phải được đánh giá, đến cả công tác quốc phòng, cơ quan chính phủ, các tổ chức kinh tế xã hội, chính sách giáo dục, tổ chức dân sự đều cần phải được đánh giá. Ngoài ra, hoạt động của nhà sản xuất, việc đầu tư của giới kinh doanh, năng lực của chính trị gia, đạo đức của quan chức đều phải có sự đánh giá, và kết quả đánh giá này phải được công khai thì mới có thể đạt được mục đích của việc đánh giá.
Khổng Tử nói: “Trước kia đối đãi với người, ta thường tin nghe vào người. Ngày nay đối đãi với người, ta không chỉ tin nghe mà còn phải quan sát việc họ làm”. Mà hiện nay, ngoài việc cấp trên đánh giá cấp dưới, còn có đồng nghiệp đánh giá lẫn nhau, thậm chí là dùng dư luận hoặc bên thứ ba đứng ra đánh giá bởi người ngoài cuộc thường khách quan, sáng suốt, hơn nữa hai bên không có quan hệ quen biết nên việc đánh giá là tương đối công bằng. Tuy nhiên, cho dù là dùng phương thức nào thì việc đánh giá cũng phải đảm bảo “khách quan”.
Trong xã hội hiện nay, muốn lên lớp phải thi, muốn trở thành viên chức nhà nước cũng phải thi, muốn đi du học ở nước ngoài cũng cần phải thi, thậm chí đến cả việc thăng chức cũng phải thi. Có người nói, lấy việc thi cử để đánh giá con người thật khó công bằng, mặc dù thi cử không phải là cách đánh giá tốt nhất, nhưng khi chưa có phương pháp tốt hơn thì nó cũng vẫn được coi là một phương pháp hữu hiệu.
Ngoài ra, cá nhân mỗi người cũng cần sẵn sàng tiếp nhận sự đánh giá của người khác, bởi người dám đón nhận ý kiến đánh giá của người khác mới có thể biết được thực lực của bản thân ở mức nào và mới đủ tư cách để gánh vác trọng trách. Từ xưa đến nay nghĩa sĩ tài ba, phụ nữ tiết liệt, trung thần, hiếu tử đều là những người “gánh nổi” con mắt đánh giá của mọi người.
Một người hay một đơn vị phụ trách việc đánh giá ngoài việc đảm bảo uy tín, công bằng, chính trực, thành thật, liêm khiết trong đánh giá thì cũng nên bị người khác đánh giá, như vậy mới có thể nhận được sự tín nhiệm từ tất cả mọi người.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta nên thường xuyên tự đánh giá bản thân, như Tăng Tử nói: “Mỗi ngày tôi tự xét ba việc: Làm việc gì cho ai có hết lòng không? Giao thiệp bạn bè có giữ thành tín không? Thầy dạy điều gì có học đủ không?”1 Đây cũng chính là cách người xưa tự đánh giá bản thân.
1 Trích sách Luận Ngữ. Xuất phát từ điển tích thầy Tăng Sâm hàng ngày tự xét mình ba điều là có bất trung, bất tín, bất tập hay không.
Tôn Trung Sơn viết: “Phật giáo là cứu tinh của thế gian, Phật học là mẹ hiền của giáo lý, có thể bổ khuyết cho kẽ hở của pháp luật”. Bởi vì Phật pháp có thể phòng trước các hiểm họa, Phật pháp là sự đánh giá kỷ luật tự giác, Phật pháp là sự đánh giá của lương tâm. Nếu tự thân hay nội bộ không thể tự đánh giá thì khi đó mới cần nhờ tới quy định pháp luật bên ngoài để đánh giá.
Chúng ta cần lấy kết quả đánh giá làm phương châm cho việc học tập, sửa đổi khuyết điểm, từ đó phát huy ưu điểm của bản thân, tiếp tục nỗ lực. Có như vậy mới phát huy được hiệu quả của việc đánh giá.