“Đánh hét”1 là một thuật ngữ dùng trong nhà Thiền, nghĩa là khi người thầy tiếp dẫn đệ tử, không nhất định phải dùng lời nói nhẹ nhàng, cũng không nhất định phải chỉ bảo rõ ràng, mà chỉ cần hét lên một tiếng, hoặc đánh cho vài gậy, liền có thể khiến cho đệ tử tự mình khai ngộ.
1 Tương truyền trong nhà Thiền: Đánh “gậy” để thức tỉnh người còn mê mờ trong hành Thiền nhằm đưa đến sự liễu ngộ hoàn toàn còn “hét” là một cách đánh thức tâm mê của người học Thiền, giúp họ quay về chứng nhập chân lý nhiệm mầu một cách nhanh nhất.
Việc dùng “gậy đánh” bắt nguồn từ tông phong của thiền sư Đức Sơn và thiền sư Hoàng Bá. Còn “hét lớn” chính là tông phong của thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền, cho nên mới có câu “Đức Sơn dùng gậy, Lâm Tế dùng hét”1.
1 Chỉ cho “tiếng hét” của thiền sư Lâm Tế và “đánh gậy” của thiền sư Đức Sơn thời Đường. Khi tiếp dẫn người học, thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền thường dùng tiếng hét, còn Thiền sư Đức Sơn Tuyên Giám thì hay dùng gậy đánh để khai ngộ.
Thoạt nhìn tưởng như “đánh hét” là một loại trừng phạt hay trách mắng, kì thực nó vô cùng từ bi và vô cùng hàm súc, thường những đệ tử không đủ căn cơ thì không dễ được sư phụ đánh gậy hay quát mắng để khai ngộ. Một tiếng hét của thiền sư Mã Tổ khiến cho thiền sư Bách Trượng ù tai ba ngày. Thiền sư Lâm Tế là đệ tử của thiền sư Hoàng Bá, khi hỏi “Yếu chỉ đạo Phật là gì?” đáp được chịu ba mươi gậy, mà không đáp được cũng chịu ba mươi gậy, đó là diệu dụng của Thiền và cũng là sự khai ngộ tối cao.
Bàn đến phương pháp giáo dục, xã hội hiện nay đề cao giáo dục bằng tình yêu thương, giáo viên tận tình khuyên bảo, hướng dẫn từng bước, thế nhưng học sinh chưa chắc đã tiếp thu được. Ngược lại, một số thiền sư giỏi sẽ cho bạn một gậy hoặc một tiếng hét lớn, những âm thanh như sét đánh ngang tai ấy, không những có thể khiến bạn ngay lập tức hiểu giáo pháp, thậm chí còn có thể khiến bạn khai ngộ.
Phật giáo phân đệ tử theo ba hạng căn cơ: đệ tử Thượng căn, có thể tiếp nhận được việc giáo dục bằng roi vọt và quát mắng; đệ tử Trung căn chỉ có thể lĩnh thọ sự giáo dục qua việc khai thị bằng lời nói; đệ tử Hạ căn thì cho dù có được chỉ dạy bằng sự yêu thương, nhưng anh ta không những không tiếp nhận mà còn nghênh ngang bỏ đi, đó là không thể giáo dục được.
Kinh Phật cũng có lấy việc cưỡi ngựa để so sánh với việc giáo dục: ngựa hạng nhất chỉ cần có người ngồi lên, nó sẽ tự biết phải chạy đi; ngựa hạng hai thì vừa vung roi lên là nó hiểu cần phải lên đường; ngựa bình thường thì cần phải dùng roi quất thì nó mới chịu chạy; ngựa tồi thì cho dù bạn quất roi đánh nó, nó không những không chạy, ngược lại còn ngủ ngay trên mặt đất.
Nền giáo dục Trung Quốc từ trước tới nay vẫn luôn có quan điểm: “Thầy giỏi ắt có trò giỏi”, “Thầy nghiêm sẽ có học trò giỏi”, “thầy nghiêm thì đạo mới được đề cao”. Khi chúng ta đến vãng cảnh chùa, sẽ gặp thấy tượng ngài Vi Đà cầm chiếc chày báu, cùng Phật Di Lặc với nụ cười bao dung. Bất luận là chày báu của ngài Vi Đà hay khuôn mặt tươi cười của Phật Di lặc đều là đang thể hiện phương pháp giáo hóa chúng sinh của Phật giáo, có lúc dùng sức mạnh để răn đe, có lúc dùng tình yêu thương để che chở, giống như phối hợp “cha nghiêm mẹ hiền” trong giáo dục con cái vậy.
Giáo dục phương Tây thì trẻ em một, hai tuổi, cha mẹ có thể để trẻ ngủ ngoài trời hoặc thả trẻ vào bể bơi như bài tập rèn năng lực sinh tồn cho trẻ. Đến khi trẻ thành niên, cha mẹ cũng đồng ý cho trẻ đi rửa xe thuê, quét dọn, bưng bê, v.v. để trải nghiệm nỗi vất vả của việc mưu sinh. Đây không phải là cha mẹ không yêu thương con, mà là họ hy vọng các con trải qua gian nan rèn luyện sẽ có thể thành người hữu ích.
Tục ngữ nói: “Thương cho roi cho vọt”, đó chính là quan điểm giáo dục thương con nên mới đánh mắng. Không có cha mẹ từ bi nghiêm khắc thì thật khó dạy dỗ con cái thành người ưu tú, không có sư phụ chịu rầy la đánh mắng thì đệ tử cũng khó mà thành người có chí khí. “Đánh hét” không hẳn là không tốt, mà phải xem người đó có phải người tài hay không. Ngược lại thì phải xem người khác đang mắng là để bảo vệ bạn hay mắng để dìm hàng bạn? Điều đó còn phải xem cách bạn đánh giá chuyện đó thế nào mới biết được.