Chúng ta học tập nhằm mục đích gì? Có người vì rèn luyện phẩm đức mà nỗ lực học tập, có người vì mưu sinh mà đi học, có người vì muốn học hiểu đạo lý, có người vì muốn biết thêm kiến thức, thậm chí có người vì để đạt được học vị. Nhờ có học vị, phụ nữ có thể lấy đó làm “của hồi môn”, đàn ông có thể thăng quan phát tài.
Trên thực tế, người có học vị không nhất định có năng lực và người có năng lực thì không nhất định phải có học vị, cho nên nói học vị không thể đại diện cho thành tựu của cả một đời người.
Học vị có thể giúp người ta thăng tiến nhưng có khi nó cũng mang đến cho người ta sự thất bại. Bởi vì nếu bạn chỉ có bằng cấp hai thì người khác sẽ sắp xếp bạn làm những công việc phù hợp với trình độ ấy. Và cho dù bạn nói sai lời, làm sai việc thì mọi người cũng dễ thông cảm bỏ qua cho bạn, bạn không hiểu hay chưa biết chỗ nào, mọi người cũng sẽ nhẫn nại chỉ dạy cho bạn.
Ngược lại, nếu bạn có học vị thạc sĩ, tiến sĩ thì mọi người sẽ dùng tiêu chuẩn của thạc sĩ, tiến sĩ để yêu cầu bạn. Nếu như bạn không đạt được tiêu chuẩn đó, họ sẽ cười chê và thậm chí là coi thường bạn. Còn nếu bạn sĩ diện không dám nhờ người khác chỉ dạy, thì chỉ khiến cho mọi người càng không thể thông cảm cho bạn. Cho nên, học vị có thể mang đến cho người ta sự thành công nhưng cũng khiến người ta chịu sự thất bại.
Học vị, học để có kiến thức, học để có vị thế. Thời xưa, học vị là Thám hoa, Bảng nhãn, Trạng nguyên, còn giờ đây, học vị là Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ. Ngày nay, có người thông minh dễ dàng đạt học vị, có người chăm chỉ khổ học để đạt học vị, lại có người gian lận để có học vị. Thực tế thì có học vị hay không không quan trọng, quan trọng là phải có kiến thức và năng lực thực sự. Nếu học vị có được không dựa trên thực lực thì sẽ chỉ gây chướng ngại cho việc học và trở thành gánh nặng cho chính bản thân mà thôi.
Ngày nay, tại những quốc gia phát triển, học vị không còn quá được xem trọng. Có người nói rằng ở Mỹ, tiến sĩ đi đầy đường. Cho nên, trong xã hội hiện đại, muốn có được một công việc, hay được cấp trên coi trọng thì cần phải dựa vào thực lực thực tài.
Người xưa muốn “che khuyết điểm”, người hiện đại lại muốn “giấu học thức”, bởi vì thời đại vi tính hóa ngày nay không còn cần nhiều người làm việc ở văn phòng, do vậy mới xảy ra tình trạng, một số người có học vị cao lại dùng bằng tốt nghiệp trung học hay bằng cao đẳng nghề đi tìm công việc lao động tay chân.
Trong xã hội có những người tuy không có học vị nhưng những thành tựu và phẩm đức của họ vẫn được mọi người công nhận và ca ngợi như Vương Vân Ngũ, Tề Bạch Thạch, La Quán Trung, Thi Nại Am, Tào Tuyết Cần, Trương Đại Thiên v.v. Họ đều đủ tư cách nhận được học vị, đó chính là sự công nhận của xã hội. Cho nên, người có phương pháp và năng lực học tập thực sự không nhất định phải có được học vị của trường học trao tặng.
Thực tế, có một học vị xứng đáng dĩ nhiên rất tốt, nhưng nếu có thể đặt bản thân vào vị trí thích hợp lại càng quan trọng hơn. Như Bill Gates, người sáng lập tập đoàn Microsoft, dù chưa tốt nghiệp đại học, nhưng chẳng phải ông ấy đã lập nên kỳ tích đó sao? Hay như Tanaka Kōichi người Nhật từng là một nhân viên nghiên cứu vô danh, cũng chưa có học vị thạc sĩ, tiến sĩ, thậm chí thành tích học đại học cũng không tốt, nhưng lại sở hữu giải Nobel Hóa học năm 2002. Cho nên, sự thành công của một con người tuyệt đối không đến từ học vị, như Khổng Tử, Mạnh Tử, hay chúa Giêsu và Đức Phật, các ngài đâu có học vị nào.
Học vị không quan trọng, nhân phẩm đạo đức mới quan trọng. Học vị không quan trọng, cố gắng, sáng tạo mới quan trọng. Học vị không quan trọng, tự định vị bản thân thế nào mới quan trọng.