Đại thần Tăng Quốc Phiên1 thời nhà Thanh là người nổi tiếng coi trọng việc tu thân, quá trình tu dưỡng của ông có thể quy lại trong mười chữ “ba”, như “Ba điều kiêng kỵ”, “Ba điều xem nhẹ”, “Ba điều chứng thực”, v.v. Trong đó, phương châm sống “Ba ít” để giảm bớt những sai lầm trong cuộc sống của ông được mọi người hưởng ứng nhiều nhất.
1 Tăng Quốc Phiên (1811 - 1872), tự Bá Hàm, hiệu Điều Sinh, người Hồ Nam. Ông được biết tới là một trong số những trọng thần nổi bật vào giai đoạn cuối của vương triều Mãn Thanh và cũng là nhà tư tưởng ái quốc nổi tiếng của Trung Quốc cận đại.
“Ba ít” gồm: Thứ nhất là ít suy nghĩ để dưỡng tâm, thứ hai là ít ham muốn để dưỡng tinh thần và thứ ba là ít nói để dưỡng khí. Có thể thấy những điều này thật ý nghĩa.
Hiện nay, “Ba ít” được giải thích như sau:
Thứ nhất ít suy nghĩ để dưỡng tâm. Suy nghĩ có hai loại, một là suy tư ngẫm nghĩ, hai là lo lắng hoài niệm. Suy tư chính là có tư tưởng, con người sống cần phải có tư tưởng, như vậy cuộc sống mới có nội hàm; nhưng lo lắng hoài niệm sẽ khiến mọi người luôn canh cánh trong lòng về những điều trong quá khứ hay tương lai và dẫn đến vọng tưởng đảo điên. Cho nên, điều con người cần có ở đây là tư tưởng, kiến giải chứ không phải là những hoài niệm vọng tưởng vì chúng không có lợi đối với thân tâm chúng ta.
Thứ hai là ít ham muốn để dưỡng tinh thần. Ham muốn có hai loại, một là ham muốn thiện lành, hai là ham muốn nhiễm ô. Nếu là ham muốn thiện lành, thì phải biết nuôi dưỡng chúng càng nhiều càng tốt, ví như muốn phát triển doanh nghiệp, muốn học hỏi nghiên cứu, muốn phục vụ xã hội, muốn thành gia lập nghiệp, v.v. đây đều là ham muốn chân chính không thể thiếu trong cuộc sống. Mà ham muốn nhiễm ô ví như chìm đắm trong những ham muốn về sắc dục, ái dục và danh vọng, đây đều là ham muốn không lành mạnh và sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến tinh thần. Sống trên đời này, ai ai cũng có ham muốn, nhưng những ham muốn đó cần phải chính đáng và được giữ vững ở mức vừa phải, bởi nếu ham muốn quá đà thì nó sẽ trở thành ngọn lửa giày vò thân tâm chúng ta.
Thứ ba là ít nói để dưỡng khí: Trong cuộc sống của con người, ngôn ngữ là thứ không thể thiếu, khi bậc trưởng lão chỉ dạy cho đệ tử, khi người thân và bạn bè nói chuyện với nhau hàng ngày, hay khi các học giả, các chính khách diễn thuyết trước quần chúng, v.v. đều cần phải dùng đến ngôn ngữ, cho nên ngôn ngữ là phương tiện kết nối quan trọng nhất để quan hệ giữa người với người được hài hòa.
Tuy nhiên, nếu nói quá nhiều, nói xàm nói nhảm, nói mãi không ngừng, thì sẽ làm tổn hại đến tinh thần. Chúng ta đâu hiếm gặp cảnh một số người vì nói quá nhiều mà khàn giọng, thậm chí mất tiếng; hoặc hoạt náo viên tuyên truyền hoạt động, nói nhiều nói to đến lạc cả giọng, trông dáng vẻ tiều tụy của họ đủ thấy nói quá nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe. Cho nên, điều gì cần nói hãy nói, không cần nói thì cần kiềm chế đừng nói, như vậy mới không làm tổn hại nguyên khí.
Ngoài sự kiềm chế về lời nói thì việc chi tiêu tiền bạc hay sử dụng thời gian cũng cần phải tiết chế.
Có thể thấy, phương châm sống “Ba ít” của Tăng Quốc Phiên là vô cùng hữu ích. Thế nhưng lẽ tự nhiên, con người ai cũng đều muốn lớn, muốn nhiều, muốn tốt, cho nên muốn ít là rất khó. Ví như chúng ta thường muốn có viên kim cương to hơn, số vàng tích trữ nhiều hơn, quyền lực địa vị cao hơn, trong khi “ít” có nghĩa là giảm bớt, có vẻ trái với lẽ thường. Cho nên chúng ta cần phải giảm bớt sự tham muốn to, tham muốn nhiều, tham muốn cao, từ đó trút bỏ gánh nặng cho thân tâm.
Người hiện đại thường than phiền rằng “quá áp lực, quá căng thẳng!” bởi gánh nặng này gánh nặng khác. Do đó, có một số chuyện trong đời sống cần phải được “ít” đi, như là ít phiền não, ít lo lắng, bớt ham muốn, bớt buồn bực. Thế nhưng, nếu là ít nhân nghĩa, thiếu đạo đức, thiếu học thức thì thật là không nên vậy.