“Vãng sinh” không chỉ đơn thuần là khái niệm để chỉ cho việc tín đồ Phật giáo sau khi qua đời được sinh về cõi Tịnh độ của Phật, mà trên thế gian, bất kể sinh mạng nào có sự dịch chuyển lưu động, di chuyển từ nơi này đến nơi khác thì đều được gọi là vãng sinh.
Những cây con sau khi được trồng ở nơi khác có đất tốt thì mới dễ dàng phát triển. Cây mạ non sau khi được cấy trên ruộng thì mới sinh trưởng khỏe mạnh. Nhờ gió không ngừng thổi mà không khí mới được trong lành. Dòng nước tự mình chảy róc rách, bởi vậy mà trở nên tinh khiết hơn. Gia đình muốn tìm đến một môi trường tốt hơn thì rời nơi ở cũ mà chuyển đến chỗ khác sinh sống. Tương tự, có những trường hợp làm việc nơi này một thời gian, nhưng sau lại đến làm việc ở một nơi khác. Những điều kể trên đều được gọi chung là “vãng sinh”.
Ngày nay, những người dân di cư đều cảm thấy nơi ở cũ không thích hợp nên đã chuyển (“vãng”) đến sống (“sinh”) ở nơi khác. Người con gái khi đã kết hôn thì phải rời (“vãng”) nhà cha mẹ để đến sống (“sinh”) ở nhà chồng. Người học trò trước tiên cần đến (“vãng”) trường học hành khổ luyện, để bản thân trong tương lai có một cuộc sống (“sinh”) ý nghĩa và tốt đẹp. Cũng vì sự chuyển đổi như thế mà Phật giáo đã gọi việc phát nguyện sinh về cõi Tịnh độ của Phật là “vãng sinh”.
“Vãng sinh” là một từ mang ý nghĩa tốt đẹp, nó khiến con người chúng ta biết được sinh mạng này chết đi vẫn không phải là hoàn toàn kết thúc. Khoảnh khắc chúng ta trút hơi thở cuối cùng chỉ là sự hủy hoại của thân xác già yếu bệnh tật, còn sinh mạng này vẫn có thể nương theo nguyện lực đã phát lúc sinh tiền mà vãng sinh đến một nơi trang nghiêm hơn, tốt đẹp hơn. Do vậy, những tín đồ Phật giáo không xem việc sinh tử của bản thân là quan trọng, vì họ biết rằng khi sắc thân này hoại diệt thì sinh mạng trong nó vẫn tiếp diễn và lưu chuyển đến một môi trường mới, bắt đầu một cuộc đời mới, vậy chúng ta làm sao lại phải lo lắng, sợ hãi cơ chứ?
Trong mỗi cuộc đời của con người, nếu nhìn từ góc độ thay thế cái cũ bằng cái mới trong cơ thể thì cái tôi của hôm qua đã không còn là cái tôi của hôm nay, cái tôi của ngày hôm nay cũng không phải là cái tôi của ngày mai. Chính sự tăng trưởng, sinh diệt và thay đổi của các tế bào, khiến chúng ta biết được trong thân thể đang sống đây, vẫn luôn có sự luân hồi, sinh rồi diệt, diệt rồi sinh, không ngừng lão hóa, không ngừng đổi mới.
Sau khi được sinh ra, con người đã luôn không ngừng phải di chuyển (“vãng”) khắp nơi để mưu cầu cuộc sống tốt đẹp (“sinh”). Cắp sách tới trường, ngày ngày tháng tháng, đi sớm về muộn, đến đi khắp nơi để tìm cầu tri thức, v.v. đây cũng chính là “vãng sinh”. Nhân viên công sở ngày làm tám tiếng, đồng thời còn phải bận rộn, vất vả bôn ba cũng chỉ để mưu sinh, nuôi sống gia đình, đây cũng chính là “vãng sinh”.
Buổi sáng khi bước ra khỏi cửa, không cần phải lo nghĩ gì cả, rồi đến tối tự khắc ta sẽ trở về được nhà thôi. Ngày hôm nay sắp qua đi, ta cũng không cần phải lo lắng, vì ngày mai rồi sẽ lại đến. Cho nên, sinh mệnh của chúng ta cũng như năm tháng ngày giờ, luôn luôn thay đổi, không bao giờ đứng yên, cứ đến rồi đi, hết sinh lại diệt.
Đời người giống như một chiếc kim đồng hồ vậy, tuy có sự dịch chuyển nhưng sau khi đi hết một vòng thì lại trở về chỗ bắt đầu, rồi lại tiếp tục dịch chuyển mãi như thế. Những người tin theo Tịnh độ tông quan niệm rằng, sau khi vãng sinh con người ta vẫn có thể nương theo nguyện lực của mình mà trở lại cõi nhân gian, cho nên “vãng sinh” là một khái niệm đã đem lại cho con người thêm không gian sống, khiến cho con người có niềm hy vọng vô hạn vào tương lai, vào kiếp sau. Vì có hy vọng cho nên con người đối với việc vãng sinh, dù sớm hay muộn, dù sống hay chết cũng không còn quá quan trọng. Sống rồi cũng phải chết, chết rồi lại tiếp tục sống trở lại, đó là vòng luân hồi bất di bất dịch muôn đời không thay đổi, việc sống chết thường tình như vậy, có gì đáng để chúng ta phải lo sợ chứ?