Ngày thứ hai của kỳ nghỉ, Văn Thanh mang đến cho Trương Duy ấn phẩm Phi thơ mà họ vừa mới in xong. Trong đó có đăng tác phẩm của hầu hết các nhà thơ sinh sau những năm 1960. Hầu hết những bài thơ ấy đều thuộc thể loại khẩu ngữ, trong số đó có một bộ phận viết bằng những lời lẽ rất thô thiển, nói đến những vấn đề như sex (trong thơ của họ không thể xuất hiện hai từ “ân ái” được, vì hai từ này quá tao nhã, nó không mạnh và không “đã” bằng từ “sex”), nhậu nhẹt… Tất cả đều là những chuyện sinh hoạt đời thường mà trước đây không ai viết. Những lời giới thiệu đầu thì ra sức tán dương, khen ngợi, cho rằng như thế mới thực sự là thơ hậu hiện đại của Trung Quốc, tất cả những bài thơ trước đây đều là thơ nông nghiệp, đều là những thứ đã lỗi thời, bây giờ cái mà Trung Quốc đang cần đến là thơ công nghiệp, chỉ có như vậy thì thơ của Trung Quốc mới có thể hòa vào dòng thơ của thế giới. Trương Duy nhìn thì thấy lời giới thiệu ấy là do Mạc Phi viết. Anh giật mình, vội lật tìm đọc những bài thơ của Mạc Phi, phong cách không có gì thay đổi đáng kể, nhưng nội dung của cả mười bài thơ thì khác hẳn trước, trong đó có một bài viết về mối tình đầu của anh ta. Nội dung đại khái là, lúc đó anh ta chỉ biết yêu cô gái ấy, nhiều năm sau anh ta mới phát hiện ra rằng, yêu mà không có tình dục thì tình yêu đó cũng trở nên hoang đường và đáng xấu hổ. Trương Duy đọc mà sửng sốt. Cần phải thừa nhận rằng, bài thơ ấy của Mạc Phi khá trôi chảy, nó cũng sát thực và rõ ràng, nhưng hình thức biểu hiện và giá trị mỹ học thì đã khác hẳn trước kia. Trương Duy chỉ có năm bài đăng trong đó, bên cạnh thơ của Hải Tử.
Trước khi rời đi, Văn Thanh nói với Trương Duy, ngày Hai mươi tháng Bảy, những nhà thơ tiêu biểu nhất sinh vào những năm 1970 trên toàn quốc và các nhà phê bình thơ nổi tiếng sẽ có buổi gặp mặt tại trường Đại học Phương Bắc, một là để làm lễ chúc mừng số đầu tiên của Phi thơ, hai là thảo luận về khuynh hướng thơ của Trung Quốc trong thời gian tới. Mạc Phi là người khởi xướng, Văn Thanh gửi giấy mời đi khắp nơi, một ông chủ nhà xuất bản ở Quảng Đông tài trợ kinh phí cho cuộc gặp mặt này. Văn Thanh còn nói, Mạc Phi bảo cô mời Trương Duy thay anh ta, đồng thời hy vọng anh sẽ phát biểu trong buổi gặp mặt hôm ấy.
Sau khi Văn Thanh đi rồi, anh mới đọc kỹ nó. Nhưng càng đọc anh càng tức, cuối cùng thì ném mạnh cuốn tạp chí ấy xuống đất. Anh cảm thấy mình đã bị lợi dụng. Anh không ngờ Mạc Phi và Văn Thanh trong một thời gian ngắn lại thay đổi nhiều đến như vậy.
Anh do dự không biết có nên đi không. Nếu đi, nhất định anh sẽ cãi nhau với bọn Mạc Phi, còn nếu không đi thì thế nào cũng có một ngày anh phải tranh cãi với bọn họ một phen. Sự chia rẽ về khuynh hướng nghệ thuật đã khiến tình bạn giữa họ đang đứng trước nguy cơ rạn nứt. Hơn nữa, cuộc gặp mặt lần này thực tế cũng là một lần tụ họp của các thi nhân có thực lực ở Trung Quốc, anh không thể bỏ lỡ cơ hội.
Trương Duy cứ trằn trọc trên giường, không sao ngủ được. Cuối cùng anh ngồi dậy bật đèn lên, cúi xuống nhặt cuốn Phi thơ lên. “Không nhìn thấy thì thôi, hễ nhìn thấy là lại tức”, anh nghĩ.
Trưa hôm sau, Nhiệm Thế Hùng đến thăm Trương Duy, tiện tay cầm cuốn Phi thơ lên đọc, rồi quay lại hỏi: “Anh thấy bọn họ viết ra sao?”.
“Tồi tệ hết mức! Làm sao lại có thể viết như thế? Hoặc là bọn họ phải lấy một cái tên khác, chứ đừng gọi nó là thơ nữa”, Trương Duy giận dữ đáp.
“Phải, anh nói rất đúng, tuy tôi làm thơ không hay, nhưng hồi đại học cũng có viết một đôi bài, may là tôi học qua khoa Văn, cũng coi như là xuất thân từ đó, những thứ này tôi thấy đúng là thứ cấp. Có điều, hiện nay người ta thường viết thơ như thế đấy, đã trở thành phong trào rồi.”
“Họ đã đem dịch những bài thơ nước ngoài sang tiếng Trung Quốc nên nó chẳng còn vần điệu gì mà chỉ như những bài văn xuôi mà thôi. Có một số chỗ, họ đem từ cuối hoặc mấy từ cuối của đoạn trước ghép với đoạn sau, nhưng khi dịch thì nó không còn vần điệu nữa. Còn các nhà thơ Trung Quốc thì lại cứ tưởng rằng đó là một kiểu sáng tác nên thi nhau bắt chước, kết quả là đã đem thơ viết thành như vậy”, Trương Duy nói.
“Tôi và mấy nhà phê bình thơ cũng đã thảo luận về vấn đề này, họ cũng đều nghĩ như tôi, cho rằng thơ bây giờ đều là thơ thử nghiệm, thiếu độ chín và sự thuần thục. Những người nghiên cứu thơ thì đều cảm thấy trình độ ngoại ngữ của mình rất kém, nếu biết ngoại ngữ thì đã có thể đem thơ của nước ngoài ra để so sánh rồi”, Nhiệm Thế Hùng nói.
“Điều ấy cũng chưa chắc. Trào lưu bây giờ là đi ngược lại truyền thống, hễ cái gì thuộc về truyền thống thì đều có khả năng bị phủ định, còn những gì bị truyền thống phủ định thì lại được tâng bốc. Hình như đã tới thời đại đen trắng thay đổi, theo cách nói của tôn giáo thì là đến thời mạt kiếp rồi. Tà giáo nhan nhản, những ý nghĩ độc ác sinh ra, lễ giáo bại hoại, đạo đức mất dần. Cho nên, những lý luận mà trước đây anh học qua, đối với họ chỉ là trò hề, làm sao có thể đem ra dùng được?”, Trương Duy nói.
“Nói như vậy, rõ ràng là anh đã bị lợi dụng. Nhưng, xem ra họ vẫn tỏ ra rất tôn trọng anh đấy chứ!” Nhiệm Thế Hùng cười.
“Chúng tôi là bạn cũ, hơn nữa, dù thế nào thì tôi cũng có chút tên tuổi. Trước đây việc sáng tác thơ chẳng có sự phân chia trường phái nào cả, thơ của ai hay, thì dù là thể khẩu ngữ hay thể siêu thực cũng đều không quan trọng, nhưng bây giờ xem ra không còn như thế nữa. Tập thơ này rõ ràng là đã tạo ra những khó khăn cho giới thi ca. Họ sẽ tổ chức buổi gặp mặt vào ngày hai mươi tháng này ở trường Đại học Phương Bắc và mời tôi tới dự”, Trương Duy trịnh trọng nói.
“Vậy anh có đi không?”
“Tôi còn đang suy nghĩ.”
“Theo tôi, anh nhất định phải đi, hơn nữa còn phải lên phát biểu nữa. Anh là một trong những đại biểu của thơ siêu thực, cũng coi như là người đứng đầu của một trường phái. Nếu anh phát biểu, đánh bại được bọn họ, thì đảm bảo anh sẽ nổi tiếng”, Nhiệm Thế Hùng nói.
“Cái gì mà người đứng đầu một trường phái? Trong số các nhà thơ đã thành danh, tôi là người ít tuổi nhất, tầm ảnh hưởng cũng không lớn. Còn chuyện nổi tiếng hay không, tôi thực sự không quan tâm. Có lẽ bọn họ cảm thấy xã hội không mấy quan tâm đến các nhà thơ nữa mà chỉ quan tâm tới các nhà văn và các nhân vật trong phim ảnh, truyền hình, vì thế có chút hụt hẫng, nên định nhân cơ hội này gây sự chú ý của dư luận, nhưng đó chỉ là việc tốn công vô ích mà thôi. Tất nhiên, thi ca của Trung Quốc đang có vấn đề, thơ của tôi cũng vậy. Không có độc giả, anh nói xem, chúng tôi còn viết thơ ra để làm gì? Cách nói của họ cũng có lý. Nhưng tôi nghĩ, trên thi đàn, tôi và họ là những người bạn cũ, lại thân thiết nữa là khác, có nên làm căng thẳng với họ không?”, Trương Duy nói với vẻ cân nhắc.
“Sao phải suy nghĩ nhiều như vậy. Người ta sắp tiêu diệt anh đến nơi rồi mà anh vẫn còn như vậy à? Việc mọi người tách rời nhau chỉ là việc sớm hay muộn mà thôi, chi bằng hãy để cho nó gây xôn xao một chút. Đến lúc đó, không chỉ tên tuổi của anh nổi đình nổi đám mà anh còn trở thành nhân vật lãnh tụ của thi đàn cũng nên. Qua lần này, chúng ta sẽ xuất bản cuốn sách của anh. Như thế sẽ có hai điểm nhấn, một là cuộc chiến giữa anh với phái hậu hiện đại, hai là cuộc soán ngôi giữa anh với đại sư mỹ học Dị Mẫn Chi. Anh sẽ nổi tiếng một cách rất oanh liệt”, Nhiệm Thế Hùng đập bàn đứng dậy.
“Được, theo đuổi một cách khiêm tốn không bằng đấu tranh quyết liệt một phen. Tôi sẽ đi.” Trương Duy cuối cùng cũng ra quyết định.
“Tôi sẽ đi cùng anh.”
Cách ngày gặp mặt một tuần, Trương Duy tạm gác việc đọc những tác phẩm của thầy Dị Mẫn Chi lại, bắt tay viết bài phê bình tập Phi thơ.
Ngày Mười Chín tháng Bảy, Mạc Phi tới Bắc Kinh. Buổi chiều anh ta bảo Văn Thanh mời Trương Duy đến phòng khách của trường Đại học Phương Bắc. Trương Duy vừa nghe Mạc Phi mời, trong lòng rất vui. Chủ trương là chủ trương, bạn bè vẫn là bạn bè. Văn Thanh đã lo xong việc chuẩn bị hội trường, bây giờ chỉ còn việc đón tiếp khách mời nữa là xong.
Mạc Phi vừa nhìn thấy Trương Duy liền nói: “Mẹ kiếp, cậu phải đến sớm hơn một chút chứ, sao cứ như ông kễnh thế? Định chờ bọn tôi sai người đến kiệu đi phải không? Xem ra cậu có giá lắm rồi đấy!”.
Nghe những câu mắng này, Trương Duy cảm thấy rất gần gũi và thân thiết. Anh cũng mỉm cười mắng lại: “Mẹ kiếp, anh bảo tôi phát biểu, tôi đã phải thức cả đêm để viết cho anh. Đang định tối nay sẽ tới, ai ngờ anh đã sai Văn Thanh đến gọi. Nào, chúng ta đi làm vài chén đã!”.
Hai người vừa đi vừa mắng mỏ nhau, một lát thì tới phòng của Mạc Phi. Nhà khách của Đại học Phương Bắc chia làm ba loại, loại một là khách sạn ba sao, chuyên để đón khách nước ngoài và khách quý; loại thứ hai là phòng tiêu chuẩn; loại thứ ba là phòng dành cho ba người, bên trong có một chiếc ti vi, đây là loại phòng dành để tiếp đón khách bình dân và những sinh viên đến dự thi. Các nhà thơ thường không có tiền nên lần gặp mặt này phải nhờ đến các ông chủ đầu nậu sách bỏ tiền tài trợ, vì thế khách chỉ có thể ở loại phòng dành cho ba người. May mà các nhà thơ Trung Quốc quen sống cảnh nghèo rồi nên cũng chẳng có ý kiến gì.
Trong phòng Mạc Phi có rất nhiều vỏ chai. Anh ta nói: “Tối nay chúng ta phải uống cho thật đã đời, được không?”. Trương Duy đáp: “Được, mẹ kiếp, cũng tới gần nửa năm rồi tôi không uống rượu”. Không hiểu vì sao khi gặp lại bạn cũ, cách nói của Trương Duy cũng trở nên thoải mái hơn, thậm chí có phần thô thiển.
Sau khi mỗi người đã uống hết hai chai bia, Mạc Phi hỏi:
“Cậu đã xem số Phi thơ vừa ra chưa?”
“Xem rồi.”
“Cậu cảm thấy mấy bài thơ của tôi thế nào?”
“So với trước kia thì có những thay đổi rất lớn”, Trương Duy không muốn chuyện không vui xảy ra quá sớm.
Nhưng không ngờ Mạc Phi vừa nghe thế, trong lòng thấy rất cảm động, anh ta vội nói: “Thế cậu thấy lời nói đầu tập thơ thế nào? Có sức khiêu khích không?”.
“Rất lợi hại, chỉ có điều một đôi chỗ, quan điểm của tôi khác với anh, tôi sẽ nói rõ trong lời phát biểu ngày mai, đến lúc ấy, mong anh đừng để bụng”, Trương Duy nói với vẻ khó khăn.
“Sao tôi lại có thể để bụng nhỉ? Trương Duy này, tôi nói để cậu biết, tôi rất hiểu tính cậu, cũng rất hiểu cách đối nhân xử thế của cậu. Phong cách thơ của tôi đã thay đổi, khác hẳn với trước đây, tôi cũng biết có một đôi chỗ cậu sẽ không hiểu. Không sao, chúng ta là bạn bè cũ. Cậu cứ việc phê bình tôi trong hội nghị, tôi còn mong cậu phê bình mạnh mẽ và gay gắt hơn, càng gay gắt càng tốt!” Mạc Phi cười, nói.
Trương Duy nhìn Mạc Phi vẻ không hiểu. Mạc Phi bèn nói: “Trương Duy này, tuy cậu ít hơn tôi nhiều tuổi, ra ngoài xã hội cũng muộn hơn hẳn tôi, nhưng lại thành danh không kém tôi là mấy. Chúng ta là bạn đã nhiều năm rồi, tôi có mấy lời này muốn nói với cậu. Bây giờ đã là thập kỷ 80 của thế kỷ XX rồi, người sáng tác thơ còn nhiều hơn cả người đọc thơ, thi ca đang rất ảm đạm, nguyên nhân vì sao vậy? Đó là do kinh tế thị trường, là do thời đại. Cậu nghĩ mà xem, những nhà văn mới nổi lên trong mấy năm qua chẳng phải đều là do sao chép mà ra là gì? Còn chúng ta thì sao? Không biết sao chép. Tôi đã ngồi trên tàu và nghĩ rằng, nếu sao chép thì cũng phải có từng bước của nó, vì thế tôi nghĩ đến cậu. Tôi biết nhất định cậu sẽ không đồng ý với quan điểm hiện nay của chúng tôi, vì thế tôi nghĩ, chi bằng chúng ta diễn một chút, mà thực ra cũng không phải là diễn mà là làm thật. Cậu cứ phê bình tôi thật mạnh vào, càng mạnh càng tốt. Còn tôi sẽ phản bác lại, làm sao tạo ra một cuộc tranh luận thật kịch liệt. Lịch sử sẽ nhớ đến chúng ta. Được đấy chứ? Chúng ta chẳng ai phải ép đối phương nữa”.
Lúc đó Trương Duy mới hiểu ra, anh nắm tay Mạc Phi, nói: “Tôi tới chính là để nói với anh về việc này đây”.
Sau đó có mấy nhà thơ nữa đến, có cả Nhã Khắc Tây. Họ cùng uống rượu và xỉ vả người khác tới tận khuya. Trương Duy nằm trong bóng đêm, anh thấy hơi buồn và nghĩ, vì sao lại phải chia rẽ như vậy?
Ngày hôm sau, trời vừa sáng, những người đến dự đã rất đông, những nhà thơ trẻ năng động gần như đều có mặt. Trông họ ai cũng rất kỳ dị, người khác nhìn có khi lại tưởng đó là một gánh xiếc. May mà mọi người cũng đã quen với những cảnh tượng như vậy. Mãi tới lúc gần khai mạc mới xuất hiện một số người nhiều tuổi hơn. Họ đều là những nhà phê bình ít nhiều có tiếng trên thi đàn. Cuối cùng, một người rất béo bước vào hội trường, Trương Duy nhìn, thì ra là Nhiệm Thế Hùng. Vừa vào cửa, anh ta đã đưa mắt nhìn bốn phía xung quanh, khi thấy Trương Duy, anh ta nháy mắt cười rồi len đến bên cạnh.
Người chủ trì là Mạc Phi. Đầu tiên anh ta làm công tác của ban tổ chức, mời đoàn chủ tịch gồm mấy người lên ngồi và lần lượt giới thiệu họ lên phát biểu ý kiến. Các nhà phê bình cầm cuốn Phi thơ trên tay, ra sức tán dương khen ngợi. Lý do họ đưa ra là vì Phi thơ đã mang lại cho thi đàn vốn đang rất bảo thủ một luồng không khí mới, rồi họ còn nói rằng, cần phải viết thơ như thế nào, đến nay vẫn chưa có những quy định thống nhất, thơ cần phải sáng tạo, mà người xưa thì lại quá chú trọng đến vần điệu, đến đầu thế kỷ XX, sự ra đời và phát triển của văn bạch thoại đã phá vỡ những quy tắc luật lệ cũ, nhưng vẫn chỉ quanh quẩn với những chủ đề thi từ cổ điển, chưa thoát ra khỏi lớp áo bọc của người xưa, đến giữa những năm 80, thơ khẩu ngữ mới thật sự đường hoàng cởi bỏ được lớp áo ấy, khoác lại lớp áo bình dân và nói lên tiếng nói hiện đại, tuy nhiên, lớp áo và ngôn từ mới ấy vẫn nằm trong một khuôn khổ chật hẹp, vẫn quanh quẩn với mỹ học truyền thống. Còn bây giờ, khi đọc Phi thơ ngày hôm nay, họ mới được mở mang tầm mắt, đây mới thực sự là dòng thơ hiện đại, dòng thơ công nghiệp chân chính, là niềm hy vọng mới của thi ca, vân vân và vân vân.
Chỉ có một nhà thơ lớn tuổi một chút giận dữ nói: “Tôi thì có cách nhìn nhận khác, đã là thơ ca thì phải có luật lệ của thơ ca, nếu các anh thực sự muốn phản đối lại truyền thống, thì đừng dùng tiếng Hán nữa, bởi bản thân chữ Hán đã chứa đựng những hàm ý sâu xa của nó, đó là một kiểu tinh thần, một kiểu sức sống mà người Hán từ hàng nghìn năm trước đã định ra. Nếu các anh muốn đả phá truyền thống, vậy xin hỏi, các anh đả phá lại truyền thống nào, là truyền thống ngôn ngữ tiếng Hán hay là gì đây? Tôi thực sự không hiểu. Tôi đã đọc tất cả những thứ được đặt cho cái tên là thơ hậu hiện đại hoặc thơ công nghiệp gì đó trong này, nhiều nhất cũng chỉ là viết ra những thứ mà người trước không viết, cùng lắm chỉ có thể coi là có một chút mới mẻ về nội dung, ngoài ra hỏi còn gì nữa không? Không có. Hơn nữa, những cái gọi là mới mẻ và đem ra để bàn ấy, theo tôi chỉ là những thứ khiến người ta thấy buồn nôn. Tôi thấy cứ nên gọi thẳng nó là Buồn nôn cho xong, chứ đừng gọi là Phi thơ nữa!”.
Cả hội trường lặng đi một lúc. Mạc Phi bèn mời một nhà phê bình khác. Những lời của người này mục đích không có gì khác là dung hòa ý kiến của mọi người, giảm bớt không khí căng thẳng. Trương Duy nghe mà thầm rủa: “Không biết là cái thứ gì nữa!”.
Cuối cùng, Mạc Phi đọc lời nói đầu của tập Phi thơ, anh ta nói, đó là tuyên ngôn của phái Phi thơ, cái mà phái Phi thơ muốn tiến hành không chỉ là một cuộc cách mạng trong thơ ca mà còn là một cuộc vận động văn học, một cuộc vận động tư tưởng. Phái Phi thơ chú trọng vào việc xóa bỏ hết loại thơ truyền thống siêu hình, gạt bỏ hết loại thơ lấy chính trị làm bối cảnh, từ đó đánh thức loại thơ tự do.
Cả buổi sáng đã trôi qua như vậy. Đến buổi chiều mới là những bài phát biểu thực sự. Người đầu tiên lên là Trương Duy. Anh đã chuẩn bị rất kỹ càng. Anh không phân tích và phê bình từ góc độ thơ ca, mà đứng từ góc độ của triết học để có sự phân tích phê bình sâu sắc và đầy đủ hơn. Bài phát biểu của anh có tên là Thơ ca hiện đại và việc đánh mất mình, do đó cái mà anh phê bình không chỉ là phái Phi thơ, mà còn là các trường phái khác nữa. Anh nói: “Vì sao thơ ca của Trung Quốc suốt từ thế kỷ XX đến nay luôn ở trong giai đoạn thử nghiệm? Bởi vì thơ ca của chúng ta đã chịu ảnh hưởng quá nặng của thơ ca thế giới, phái Phi thơ cũng là kết quả của việc ấy. Vì sao thơ ca của Trung Quốc cứ chạy theo trào lưu của thơ ca thế giới? Nguyên nhân chỉ có một, Trung Quốc là nước đang phát triển, không chỉ phải học tập người ta về kinh tế mà văn hóa cũng vậy. Làm như vậy là tự đánh mất bản sắc văn hóa của mình. Các nhà thơ Trung Quốc đang tranh luận điều gì ư? Đó là việc ai bắt chước phương Tây giống hơn. Đả phá lại truyền thống ư? Các nhà thơ Trung Quốc đã hiểu được bao nhiêu về truyền thống của Trung Quốc? Phần lớn những người có mặt ở đây hôm nay đều sinh ra vào thập kỷ 60, 70 của thế kỷ XX, đã có mấy người đọc sách của các thánh hiền? Theo những gì tôi được biết, nhiều người trong số chúng ta ở đây không học ngành Văn học, vậy tôi xin hỏi mọi người, các anh đã đọc bao nhiêu cuốn sách cổ của Trung Quốc? Xin hãy nhìn lại nền văn học gần một trăm năm nay mà xem, hỏi có bao nhiêu tác phẩm hàm chứa văn hóa truyền thống Trung Quốc? Đã mất truyền thống từ lâu rồi thì bây giờ làm sao còn nói tới việc đả phá nó nữa?”.
Càng nói, Trương Duy càng kích động, anh bắt đầu từ chủ nghĩa hình thức của Nga và lý luận ngôn ngữ học của Ferdinand de Saussure20, lý thuyết phê bình mới của Eliot21 và John Crowe Ransom22, học thuyết thơ của chủ nghĩa tồn tại cho đến tận thuyết cấu trúc, thuyết tín hiệu học, thuyết phân tích cấu trúc, chủ nghĩa hậu hiện đại, chủ nghĩa hậu thực dân, có nghĩa là anh nhắc đến tất cả trào lưu trường phái trong thơ ca, cuối cùng, anh đưa mắt nhìn quanh, thấy tất cả đều trừng mắt lên nhìn mình, anh hết sức phẫn nộ.
20 Ferdinand de Saussure (1857 - 1913) là một nhà ngôn ngữ h ọc người Thụy Sĩ. Ông được coi là cha đẻ của ngành ngôn ngữ học thế kỷ XX.
21 Tiến sĩ Eliot là một trong những người khởi xướng lý thuyết văn học phê bình mới xuất hiện tại Anh từ những năm 1920.
22 John Crowe Ransom là một trong những đại biểu của trường phái phê bình mới tại Mỹ trong những năm 1940 - 1960.
Khi anh kết thúc bài phát biểu, chỉ có một vài người vỗ tay. Riêng Nhiệm Thế Hùng vỗ tay cho tận tới khi anh ngồi trở lại vị trí cũ. Không ngờ, hầu hết những lời phát biểu sau đó đều nhằm vào Trương Duy. Mọi ý kiến tranh luận đều xoay quanh một điểm là có nên đi theo phương Tây không, có phải văn hóa phương Tây tốt đẹp hơn văn hóa Trung Quốc không? Điều khiến Trương Duy không thể tưởng tượng được, đó là Mạc Phi là người đầu tiên đứng lên nói rằng, văn hóa phương Tây tốt đẹp hơn của Trung Quốc, anh ta đưa ra một ví dụ khiến mọi người sững sờ. Anh ta nói: “Chủ nghĩa Mác chẳng phải đến từ Châu Âu sao? Nó sẽ làm thay đổi số phận của Trung Quốc giống như vậy”. Mọi người nghe xong đều không ai nói gì nữa.
Cuối cùng chỉ còn lại hai người tranh luận với nhau, đó là Trương Duy và Mạc Phi, những người khác chỉ ngồi nghe.
Mạc Phi nhìn xung quanh rồi nói: “Trương Duy nói cả nửa ngày nhưng đều tránh đề cập đến bản thân thơ ca mà chỉ dẫn dắt đến những vấn đề của triết học. Tôi muốn hỏi nhà thơ Trương Duy, anh cho rằng thơ ca hiện đại nên đi theo hướng nào?”.
Mọi người đều đưa mắt nhìn Trương Duy, Nhiệm Thế Hùng cũng vậy. Đây là vấn đề đang gây tranh cãi nhất hiện nay, chưa ai đưa ra được kết luận thỏa đáng.
Trương Duy đáp: “Hễ ai có chút hiểu biết về thơ thì đều biết rằng, công phu dành cho việc sáng tác thơ là nằm ngoài bản thân nó. Điều ấy có nghĩa là gì? Đó chính là nội hàm và ý tứ trong thơ, vậy nội hàm và ý tứ trong thơ là gì? Đó chính là những hàm chứa triết học. Nói tới tự do của con người, tới nhân tính mà không nói tới triết học thì nói cái gì nữa? Còn như câu hỏi mà anh đưa ra rằng thơ ca ngày nay nên đi theo hướng nào, thì tôi xin đưa ra một lời khuyên là dù có những cách tân về mặt hình thức cũng như nội dung gì đi chăng nữa, cũng nên cân nhắc cho thật kỹ việc kết hợp hai nền văn hóa Đông Tây, không nên chỉ học theo phương Tây mà quên mất cái của chúng ta”.
“Những lời anh nói vẫn không phải là vấn đề của thơ ca. Tôi xin hỏi anh mấy việc chính. Một là, theo anh đặc điểm của thơ tiếng Hán là gì? Nên kiên trì với những điểm nào? Hai là, anh nói rằng chúng tôi tự đánh mất mình, vậy rốt cuộc chúng tôi đánh mất như thế nào?”, Mạc Phi hỏi.
Trương Duy đã cảm thấy ý quyết chiến của Mạc Phi. Trước đây họ từng thảo luận với nhau về thơ ca nhưng chưa bao giờ bàn đến những vấn đề hôm nay. Anh cũng cảm thấy Mạc Phi đang gắng sức kiềm chế bản thân giống như anh. Trương Duy từng suy nghĩ rất nghiêm túc về những vấn đề này. Anh bắt đầu nói từ những thảo luận của nhà mỹ học Chu Quang Tiềm và Tiến sĩ Hồ Thích từ những năm 30, 40 của thế kỷ XX tới các giai đoạn phát triển của âm và nghĩa mà thơ ca của các dân tộc trên thế giới đã trải qua, cuối cùng nhấn mạnh rằng vẻ đẹp của âm nhạc và vẻ đẹp của những ý tứ nội tại trong thơ chính là bản chất của thơ. Sau đó anh trả lời câu hỏi thứ hai của Mạc Phi: “Thực ra, tôi đã trả lời câu này rồi, bây giờ chỉ xin nhắc lại, những thứ mà các anh viết ra, thoạt nhìn thì thấy có vẻ rất thiết thực nhưng thực ra đều chỉ nói tới dục vọng mà thôi”.
Trương Duy nói xong, vừa ngồi xuống thì Mạc Phi liền lên tiếng: “Những lý luận mà anh tin và tán dương đều là những thứ mà chúng tôi phỉ nhổ, còn những thứ anh phỉ nhổ thì lại là những thứ mà chúng tôi muốn nêu cao. Theo anh, con người là cái được tinh thần hóa, nhưng theo tôi, con người là cái vật chất hóa. Tôi tin lời của một người bạn viết rằng: Xác thịt của tôi chính là linh hồn tôi. Câu nói đó quá hay, quá tuyệt vời. Nếu người xưa dựa vào Thần để viết thơ thì thơ bây giờ chỉ dựa vào chính bản thân chúng tôi, cũng có nghĩa là xác thịt của chúng tôi. Tôi xin hỏi anh, anh có tin trên đời này có Thần Thánh không?”.
Mọi người đều ngạc nhiên và cười nhạo nhìn Trương Duy. Trương Duy cũng không ngờ đột nhiên Mạc Phi lại hỏi như vậy. Anh đáp: “Trước đây tôi biết là không có, còn bây giờ thì tôi muốn nói là: Tôi không biết. Có rất nhiều hiện tượng mà chúng ta cần phải nhìn nhận lại, thời niên thiếu, tôi cũng như mọi người, tin rằng thế gian này chẳng có gì là thần kỳ. Nhưng bây giờ, tôi muốn nói là, thế giới vẫn là điều thần kỳ nhất! Chúng ta chính là thứ khó hiểu nhất! Trong mỗi một bài thơ đều chứa đựng những điều bí mật, cũng giống như khi nhìn vào mắt của mọi người, tôi cảm thấy trong đó đều ẩn chứa những điều khó hiểu. Các anh tin vào tất cả những gì mà đôi mắt trần tục của các anh nhìn thấy, tin vào thất tình lục dục của mình, các anh sẽ không tin được rằng ngoài xác thịt thì còn có một tinh thần lớn hơn đang tồn tại, càng không tin giữa các anh với thế giới này có một mối liên hệ thần bí. Nhưng tôi thì tin, vì thế tôi tin rằng con người trên thế gian này có lòng trung thành, có sự lương thiện, có tình hữu nghị, có tình yêu…”.
Trương Duy bỗng thấy phía dưới xôn xao, anh biết những người đó không muốn nghe anh nói tiếp. Bọn họ coi anh là kẻ ngốc. Bỗng nhiên, anh cảm thấy mình thật cô độc, xa lạ với tất cả những người có mặt ở đó. Trước đây có thể là bạn bè, là những người anh em thề sống chết có nhau, còn bây giờ thì sao? Tâm hồn họ trở nên vô cùng xa cách. Anh lại đứng dậy nói với giọng rất buồn: “Tôi biết mình nói ra những lời này chẳng khác gì đàn gảy tai trâu, giống như khi xưa Noah23 nói cho mọi người biết tai họa sắp ập đến nhưng mọi người lại cười nhạo ông ấy”.
23 Theo Kinh Thánh, Chúa đã quyết định dùng trận đại hồng thủy để tiêu diệt hết tất cả các sinh linh để trừng phạt tội ác và lòng tham của con người. Lúc bấy giờ, chỉ có một người tên là Noah lòng dạ ngay thẳng nên Chúa không nỡ giết hại và đã báo cho ông ta biết ý định của mình, Người khuyên Noah đóng một chiếc thuyền thật lớn. Khi thuyền được đóng xong và tất cả gia tộc nhà Noah đã lên thuyền thì cơn đại hồng thuỷ bắt đầu.
Nói xong anh giận dữ đi ra khỏi hội trường. Anh có cảm giác đôi mắt mình như tóe lửa, máu nóng cứ sục sôi trong người. Nỗi tức giận không biết trút vào đâu lại chảy ngược vào trong khiến chính anh bị tổn thương. Lần đầu tiên anh cảm thấy mình cô đơn không chỗ dựa và bị thi đàn ruồng bỏ.