Trương Duy trở về phòng, cảnh tượng phía dưới hội trường vẫn hiện lên rõ mồn một trước mắt anh, nhìn lại bài phát biểu trong tay, anh run lên. Anh đọc lại với một giọng hào hùng và buồn thương vô hạn. Anh không tin nổi là tiếng nói của mình lại lạc lõng như vậy.
Suốt ba ngày, anh luôn trong tâm trạng mong ngóng Mạc Phi, Văn Thanh hoặc Nhã Khắc Tây đến mời anh trở lại cuộc hội thảo. Anh nhớ đến lời của Mạc Phi, anh ta đã nói rằng muốn anh phê bình thật gay gắt cơ mà? Anh đã làm như vậy, thế nhưng sự thật lại không như những gì họ hình dung. Giữa họ đã nảy sinh mối hằn thù, và mối thù ấy bày ra rất rõ. Nhưng nếu bọn họ tới tìm anh, anh sẽ vỗ vai họ cười và nói rằng: “Mẹ kiếp, đủ gay gắt rồi chứ? Đừng có nghĩ gì cả, bạn bè vẫn cứ là bạn bè, nghệ thuật là nghệ thuật”, nhưng bọn họ đã không tới.
Người đến lại là Nhiệm Thế Hùng. Vừa vào đến cửa anh ta đã hỏi: “Cậu về khi nào vậy? Có rất nhiều người đang chờ để chiến đấu với cậu đấy. Đây là một cơ hội rất tốt để anh hùng lộ diện, thế mà cậu lại bỏ về. Tôi đã nghĩ cậu sẽ quay lại nên cứ đợi ở đó, thế mà đến khi hội thảo kết thúc vẫn không thấy đâu. Cậu thật là!”.
“Anh nghĩ tôi vẫn còn ở lại đó được nữa sao? Mạc Phi là bạn cũ của tôi, chúng tôi đã cãi nhau đến mức ấy, làm sao tôi còn ở lại đó được nữa. Đã bất đồng quan điểm như vậy thì từ nay họ đi đường họ, tôi đi đường tôi”, Trương Duy giận dữ nói.
Nhiệm Thế Hùng thấy vậy thì cũng cảm thấy khó xử nên đành nói dàn hòa: “Thôi nào, đừng nói như vậy nữa. Nhà thơ mà, cần phải làm cho dứt khoát”.
Trương Duy vừa nghe thế liền than thở: “Nói một câu có phần hơi nhụt chí thì đúng là mấy ngày hôm nay tôi cứ nghĩ, nếu một trong số bọn họ gọi tôi một tiếng thì tôi cũng quay lại đấy. Tôi thấy anh nói rất có lý, chỉ có điều, con người tôi làm việc hay bị tình cảm chi phối lắm, rất khó chế ngự bản thân”.
“Đó là điều không thể được. Cậu nghĩ mà xem, mặc dù cậu không còn ở đó, nhưng tâm điểm thì vẫn cứ là cậu, mọi người đều phê bình cậu. Mạc Phi nghĩ sao ấy à? Nếu cậu lại tới, chắc chắn cậu sẽ cướp lời họ và gạt anh ta sang một bên. Bây giờ nghĩ lại thì thấy việc cậu không có ở đó vẫn là hay hơn, càng khiến người khác thấy rõ tính cách và con người cậu. Tôi cho cậu biết chuyện này, tôi đã đưa bài của cậu cho mấy tờ tạp chí rồi, rất có thể sẽ đăng nay mai thôi. Còn nữa, có tờ báo còn định đăng lời phát biểu của các cậu, cậu hãy để ý xem nhé. Đây là cơ hội rất tốt để tuyên truyền cho cuốn sách sắp xuất bản của chúng ta. Gần cuối tháng Bảy rồi, phải nhanh chóng hoàn thành bản thảo đi thôi. Tôi phải mất một tháng để lo khâu in ấn, vì thế tốt nhất là cuối tháng này cậu đưa bản thảo cho tôi.”
“Liệu có thể lùi lại một thời gian nữa không? Tôi cảm thấy những bài phê bình thầy Dị vẫn chưa được chín lắm, đó là một vấn đề lớn, nhất định tôi phải sửa cho thật tốt, mà muốn làm được như vậy thì phải đọc lại sách của thầy một lần nữa.”
“Phải cần bao nhiêu thời gian?”
“Nửa tháng.”
“Thôi được.”
Khi Trương Duy đọc lại những cuốn sách của thầy Dị Mẫn Chi, anh phát hiện ra rằng, rất nhiều suy nghĩ trước đây của mình cần thay đổi. Đọc lại bản thảo của mình, anh thấy có nhiều chỗ phải sửa sang và điều chỉnh lại. Anh đã phải thốt lên rằng: “Thầy Dị quả là không đơn giản, khó mà hiểu hết được!”.
Trong những ngày ấy, không biết vì sao anh luôn thấy nóng ruột, cứ cảm thấy sắp có chuyện gì đó xảy ra, anh bèn đến trường. Có một bức điện chờ anh từ ba ngày trước, bởi vì không ai biết anh ở đâu nên đành phải để lại đó. Vừa nhìn thấy nó, mặt anh liền biến sắc, đó là tin mẹ anh bị ốm nặng, bảo anh về gấp. Anh vội tìm đến Nhiệm Thế Hùng nói rõ tình hình cho anh ta biết và hỏi: “Cuốn sách ấy của tôi liệu được bao nhiêu tiền nhuận bút?”.
“Hơn mười nghìn tệ.”
“Liệu có thể ứng trước cho tôi năm nghìn được không? Tôi phải về quê bây giờ.”
Nhiệm Thế Hùng do dự một lát rồi ra ngân hàng rút tiền, đưa cho Trương Duy năm nghìn tệ. Trương Duy viết giấy biên nhận, cầm tiền rồi không kịp thay quần áo, anh chạy vội ra ga mua vé tàu.