Ba ngày sau, cuối cùng Trương Duy cũng đến được Tam Lý Đôn ở huyện Hoang. Từ xa anh đã nhìn thấy người ra người vào trước cửa nhà mẹ mình, hai bên cửa toàn là vòng hoa, nước mắt anh bỗng trào ra.
Anh chạy đến trước quan tài của mẹ, mọi người mang cơm đến, anh chỉ và được vài miếng rồi lại đặt bát xuống, không sao nuốt nổi. Lưu Dương nói, mẹ mất là vì bệnh gan. Cậu ấy không biết là mẹ còn bị bệnh tim nữa, Trương Duy nghe xong cảm thấy mình thực sự đáng trách vì đã không mấy quan tâm đến mẹ, bây giờ bà không còn nữa, anh cảm thấy nơi này trở nên vô cùng xa lạ. Cô em gái Lưu Huệ Huệ cứ đứng nhìn anh từ xa, thấy vậy, Trương Duy gọi cô bé đến. Huệ Huệ có vẻ rất quý Trương Duy, nghe tiếng gọi, cô bé chạy đến quỳ bên anh. Anh hỏi: “Lúc mất, mẹ có dặn lại gì không?”.
“Mẹ bảo mẹ rất nhớ anh”, Huệ Huệ vừa nói vừa khóc. Trương Duy ôm chặt lấy em, cô bé lại càng khóc thảm thiết hơn.
Đến tối, gia đình bắt đầu phát tang. Sáng sớm hôm sau, rất nhiều người đã tập trung trong sân, một người đứng lên đọc điếu văn, sau đó mọi người cùng khênh quan tài người chết lên rồi mang đi chôn cất dưới chân núi cách đó khoảng một cây số. Buổi trưa, gia đình làm cỗ để cảm ơn những người đã đến giúp. Buổi chiều họ lại ra nghĩa trang để đắp thêm đất lên mộ. Lúc trở về, Trương Duy đã rất mệt, vừa đặt mình xuống chiếc đệm mà Huệ Huệ chuẩn bị, anh liền ngủ ngay lập tức. Mãi tới sáng sớm ngày hôm sau anh mới tỉnh dậy, nghe thấy xung quanh mình đều là tiếng ngáy, anh lại ngủ thiếp đi.
Bây giờ người phụ nữ duy nhất trong nhà là cô bé Huệ Huệ. Cô bé dậy từ rất sớm chuẩn bị đồ ăn sáng cho mọi người. Vì mấy ngày nay ai cũng đều rất mệt nên phần lớn đều dậy muộn, ai dậy trước thì ăn trước nên cô bé phải đun lại thức ăn tới mấy lần. Người dậy sau cùng là Lưu Lão Hán, vừa bê bát cơm lên ngửi, biết là cơm khê, ông ta liền ném cái bát đi và chửi: “Thứ gì thế này? Đồ chó chết, không biết nấu cơm à!”.
Trương Duy chưa bao giờ thấy một ông bố lại mắng con gái mình như vậy, trong lòng rất giận dữ, anh liền nói: “Huệ Huệ còn nhỏ chưa biết nấu, chú đừng mắng nó nữa”.
Lưu Lão Hán không nói gì, tức giận ngồi xuống ngưỡng cửa và bắt đầu hút thuốc. Lưu Dương và Lưu Điền đều không dám nói gì, còn Huệ Huệ vừa khóc vừa chạy vào bếp nấu lại cơm. Trương Duy vào bếp giúp em. Bữa trưa vẫn chỉ có Trương Duy giúp cô bé, Lưu Dương và Lưu Điền đều không biết nấu nên cứ quanh quẩn ra vào. Trương Duy hỏi Lưu Dương: “Dạo trước nghe nói là em chuẩn bị cưới vợ, thế sao vẫn chưa cưới?”.
Lưu Dương nhìn Trương Duy rồi lại nhìn những người khác rồi nói: “Thôi đừng nhắc đến chuyện ấy nữa”.
Huệ Huệ nói với Trương Duy: “Lẽ ra năm ngoái đã đính hôn rồi, nhưng vì cái người mà anh ấy định cưới lại chính là con yêu tinh anh ấy quen ở sàn nhảy gần đây nên chưa kịp cưới thì chị ta đã ngủ với người khác. Anh ấy nói với gia đình chị kia là không cưới nữa, nhưng nhà người ta đã tiêu hết sáu nghìn tệ nhà mình đưa cho mà không trả một xu nào, rồi nhất quyết bắt anh ấy lấy chị ta”. Huệ Huệ nói đến đây thì trừng mắt nhìn Lưu Dương rất dữ dằn. Lưu Dương cúi đầu không nói được câu nào. Huệ Huệ nói tiếp: “Cái nhà kia cũng không biết xấu hổ, họ nói là không tìm thấy con gái, bảo anh ấy đi tìm, anh ấy đã đến và chờ mãi ở trong thị trấn. Rồi một hôm anh ấy nhìn thấy chị ta đi vào một quán karaoke, anh ấy vào theo, kết quả là cãi nhau với mấy người đàn ông trong đó và bị người ta đánh cho một trận phải bỏ về. Sau đó anh ấy còn đi tìm mấy lần nữa nhưng đều không được. Nhà ta đã đến gặp họ, yêu cầu trả lại tiền đính hôn nhưng họ cứ bảo là không có ý hủy hôn. Nhà mình muốn thôi thì đấy là việc của nhà mình, họ không có tiền đâu mà trả. Còn nếu không muốn thôi thì phải đi tìm chị ta. Anh ấy cùng với nhà họ đi tìm và cuối cùng cũng bắt được chị ta về, nhưng ngay đêm hôm ấy chị ta lại bỏ trốn, không tìm thấy đâu nữa. Sáu nghìn tệ mà anh gửi cho lần trước coi như mất hẳn”.
Trương Duy nghe thế liền nói: “Lấy người như vậy cũng chẳng ra gì. Thôi bỏ đi. Tìm người khác là được”.
Huệ Huệ lại trừng mắt nhìn Lưu Dương và nói: “Đúng vậy, đi tìm người khác là xong chuyện. Nhưng anh ấy đúng là đồ vô dụng, vẫn cứ tơ tưởng đến con yêu tinh ấy. Đến năm nay, anh ấy đã chọn được một người khác, cũng đã nhờ bà mai đến hỏi, nhưng người ta nói phải đính hôn trước mà tiền đính hôn nhiều hơn lần trước, những tám nghìn tệ cơ”.
“Nhiều thế ư?”
“Chưa phải là nhiều nhất đâu, có đám mười nghìn kia”, Lưu Điền đứng ngoài cửa lẩm bẩm.
“Sau đó thì sao?”, Trương Duy hỏi.
Đúng lúc ấy thì Lưu Lão Hán bước vào sân. Lưu Dương bảo Huệ Huệ: “Đừng nói chuyện nữa, mau nấu cơm đi!”.
Trương Duy phải ở lại đó bảy ngày, vì ngày thứ ba và ngày thứ bảy đều phải ra mộ. Mặc dù rất bận, nhưng anh nghĩ đây có lẽ là lần cuối cùng anh ở lại nơi này, dù thế nào, họ cũng đều là anh em ruột của anh, anh muốn ở lại thêm mấy ngày với họ, và cũng muốn ở bên mẹ thêm một chút.
Mấy ngày ấy, ngoài việc giúp Huệ Huệ nấu cơm và ra thăm mộ mẹ, anh thường nói chuyện với các em. Huệ Huệ cũng dẫn Trương Duy đi loanh quanh, buổi chiều ngày thứ sáu, cô bé đưa anh tới lớp học. Chỗ ấy chỉ cách nhà một đoạn đường. Huệ Huệ nhìn nơi ấy rồi nước mắt tuôn rơi lã chã, Trương Duy vội hỏi em: “Sao thế, Huệ Huệ?”.
“Từ nay về sau có lẽ em không được đi học nữa. Nếu có thể, anh cho em đi cùng anh nhé, em xin anh đấy!” Nói xong cô bé liền quỳ xuống. Trương Duy sững sờ, vội đỡ em dậy: “Anh là anh trai của em, em quỳ xuống thế để làm gì? Đứng dậy đi, có gì từ từ nói. Vì sao em lại không thể đi học được nữa?”.
“Vì không có tiền.”
“Không có tiền thì anh có thể cho em.”
“Bố em bảo, không có ai nấu cơm, cũng không có ai làm việc nên không cho em đi học nữa”, Huệ Huệ nức nở.
“Thế thì ông ấy có thể nấu cho các em, còn có cả Lưu Điền, Lưu Dương nữa. Chẳng phải Lưu Điền không đi học từ lâu rồi đó sao?”
“Mọi người đều là đàn ông, không biết nấu cơm, hơn nữa bố bắt anh Lưu Dương sau này phải đi làm kiếm tiền, còn anh Lưu Điền vẫn đang đi học, bố hy vọng anh ấy học hành tử tế, thế nên em sẽ không được đi học nữa.”
Huệ Huệ càng nói càng khóc to hơn, Trương Duy bèn nói: “Huệ Huệ, nghe anh nói này, để anh về bàn với mọi người, anh có mang theo ít tiền, có thể đủ cho em đi học. Còn về chuyện cơm nước, mọi người cũng nấu được, ai nói là đàn ông thì không thể nấu cơm?”.
“Anh đừng để tiền lại nữa, mẹ mất cũng vì như vậy đấy.” Huệ Huệ nói xong lập tức cảm thấy đã lỡ lời, cô bé nhìn Trương Duy nhưng không khóc nữa.
“Em nói gì, mẹ mất là vì tiền? Mau nói cho anh biết, rốt cuộc là mẹ mất như thế nào?”, Trương Duy lập tức hỏi dồn.
“Mọi người không cho em nói với anh”, Huệ Huệ nói.
“Em mau nói đi, anh không nói với người khác là được chứ gì. Anh là anh trai của em mà!”, Trương Duy nôn nóng.
“Thôi được, nhưng anh nhất định không được nói với người khác đâu đấy. Hôm ấy em kể với anh là anh Lưu Dương gần đây đã chọn được một cô gái khác, và nhà kia đòi tám nghìn tệ tiền đính hôn rồi đúng không? Vì chuyện ấy mà nhà ta đã phải chạy vạy khắp nơi, nhưng vẫn không lo được tiền. Đúng lúc ấy thì nhà bên kia đến nói, nếu như trong thời gian gần nhất mà nhà ta không đưa đủ khoản tiền đính hôn, họ sẽ gả con gái cho nhà khác. Anh Lưu Dương thì cứ đòi lấy bằng được cô gái ấy. Bố liền nói, hãy bảo anh gửi tiền cho. Mẹ thì dứt khoát không chịu, bà nói rằng sức khỏe của anh rất kém, mẹ và mọi người chẳng giúp gì cho anh được, một mình anh sống ở bên ngoài đã quá khó khăn rồi. Hơn nữa, anh vẫn đang đi học, chưa có việc làm. Thế nhưng anh Lưu Dương không chịu, anh ấy nói, nếu không lấy được cô gái đó thì anh ấy sẽ chết. Anh ấy đúng là đồ vô dụng! Ngay tối hôm ấy, bố mẹ đã cãi nhau, sau đó bố đánh mẹ một trận rất dữ. Mẹ nghĩ quẩn nên trong lúc nấu cơm đã thắt cổ chết trong nhà bếp.” Nói đến đây, Huệ Huệ khóc nấc lên.
Trương Duy nghe xong nước mắt cũng vòng quanh. Anh mím chặt môi, suýt nữa thì bật máu. Anh cảm thấy vô cùng căm hận Lưu Lão Hán và Lưu Dương. Nhìn thấy dáng điệu ấy của Trương Duy, Huệ Huệ sợ quá, kéo áo anh nói: “Anh, anh đừng nói gì với bọn họ đấy, nếu không họ sẽ đánh chết em mất”.
“Được rồi, anh sẽ không nói.”
Hai anh em lặng lẽ trở về nhà, nhưng họ không khi nào cười nữa. Lưu Lão Hán và mấy người con trai có lẽ đã cảm thấy được điều gì đó nên cũng im lặng. Ngày thứ bảy, sau khi từ mộ mẹ trở về, Trương Duy nói với ông ta: “Nghe nói Huệ Huệ không được đi học nữa?”.
“Khó lắm!”, Lưu Lão Hán nói. “Nhà nông mà, hơn nữa, con gái trước sau cũng là con nhà người ta, học nhiều để làm gì?”
“Nếu thiếu tiền, tôi sẽ nộp học phí cho nó, nếu vì chuyện cơm nước thì tôi thấy nó còn quá nhỏ, mọi người hãy thay nhau làm và cố cho con bé học thêm chút nữa đi.”
Lưu Lão Hán trầm ngâm. Huệ Huệ thì đã sụt sịt khóc. Thấy vậy, Lưu Lão Hán gằn giọng quát: “Mày khóc cái gì hả, đồ sao chổi?”.
Huệ Huệ sợ quá không dám khóc nữa. Lúc ấy Lưu Lão Hán mới nói: “Đợi đến mùa thu rồi hãy tính!”.
“Dù khó khăn mấy thì cũng cố mà cho Huệ Huệ học hết cấp hai”, Trương Duy nói giọng nài nỉ.
“Được rồi, cậu đã nói rồi thôi!” Lưu Lão Hán nói vẻ rất không tự nguyện.
Trương Duy lấy ra bốn nghìn tệ trong số tiền mà anh mang theo, đưa cho Lưu Lão Hán, nói: “Tôi cũng không mang theo nhiều tiền, tôi để lại số này để nộp học phí cho Lưu Điền và Huệ Huệ, số còn lại thì cho Lưu Dương cưới vợ. Tôi cũng chỉ có ngần ấy, nếu sau này kiếm được, tôi sẽ gửi về cho mọi người”.
Từ hôm Trương Duy về đến lúc đó, Lưu Lão Hán chưa khi nào thấy anh bỏ ra một đồng. Có người đã hỏi ông ta: “Chắc là thằng con riêng ở Bắc Kinh của Tam Tú đã đưa tiền để lo tang ma rồi hả?”. Ông ta giận dữ đáp: “Làm gì có!”. Kể từ sau khi nói ra câu ấy, ông ta có phần căm hận Trương Duy. Nay thấy anh đưa tiền ra, ông ta liền quay ngoắt lại nói: “Cứ cầm tiền của cậu mãi thế này cũng thấy ngại lắm!”.
“Có gì đâu, người một nhà cả, cần gì phải thế”, Trương Duy đáp.
Lưu Lão Hán không từ chối nữa, liền cầm lấy chỗ tiền ấy. Đến khi trời tối thì Trương Duy rời Tam Lý Đôn, anh phải lên chuyến tàu tối. Cả ba anh em Lưu Dương, Lưu Điền, Lưu Huệ Huệ đều ra ga tiễn anh. Suốt mấy ngày qua, Huệ Huệ luôn ở bên anh, vì thế tình cảm anh em đã trở nên rất sâu sắc, cô bé cứ nắm lấy vạt áo anh. Lúc tới đường cái gần ga, Huệ Huệ nói với Trương Duy: “Anh, sau này anh còn tới thăm chúng em nữa không?”.
“Có chứ.” Trương Duy đáp, nước mắt anh lại chảy ra.
“Sau này em có thể tới Bắc Kinh tìm anh không?”, Huệ Huệ hỏi.
“Tất nhiên rồi. Nếu có thể được, sau này anh sẽ đón em lên đó đi học.” Trương Duy thực sự nghĩ như vậy.
Khi Trương Duy lên tàu, Huệ Huệ không nén được liền khóc rất to. Suốt dọc đường, mỗi khi nghĩ đến cảnh tượng ấy, nước mắt anh lại giàn giụa, anh tự hỏi: “Mình có còn quay trở lại đây được không nhỉ?”.
Anh nhớ tới mẹ, anh thấy cả đời mẹ quá khổ, hầu như bà chưa được hưởng một ngày hạnh phúc trọn vẹn. Anh cũng cảm thấy mình thật có lỗi với bà. Anh gục xuống chiếc bàn trong toa tàu lặng lẽ khóc.
Nỗi buồn đau khiến anh không thể bắt tay ngay vào việc viết lách được, hễ cầm sách lên là anh lại nhìn thấy cảnh tượng mẹ thắt cổ. Chính Lưu Lão Hán và Lưu Dương đã buộc bà phải tự tử, nhưng biết làm gì bây giờ? Người ở Tam Lý Đôn sống bằng nghề ăn xin, một nửa số người trong gia đình quanh năm phải lưu lạc nơi đất khách quê người xin ăn, họ lấy đâu ra tiền? Những nơi càng nghèo khó, càng coi con gái là cây hái tiền. Anh biết rằng, cơ bản không thể trách Lưu Lão Hán và Lưu Dương được. Chính sự nghèo đói và ngu muội đã giết chết mẹ anh!
Nỗi buồn đau cũng khiến cho bệnh mất ngủ của anh thêm trầm trọng, đầu óc anh cực kỳ tỉnh táo, thế nhưng thể xác thì lại mệt mỏi rã rời, mắt cũng hầu như không mở ra được. Anh chỉ còn cách nhắm mắt lại mặc cho bệnh tật giày vò. Vì đêm không ngủ được nên ban ngày anh chỉ còn biết nằm trên giường. Anh lại dùng thuốc ngủ với lượng lớn hơn. Anh đã cầm của Nhiệm Thế Hùng năm nghìn tệ, vì vậy phải cố giao bản thảo cho đúng hẹn. Nhiệm Thế Hùng cũng đã tới tìm anh và nói rất rõ ràng, nếu giữa tháng Tám mà anh không giao bản thảo được thì anh ta sẽ không kịp tung sách ra thị trường vào tháng Chín, như thế thì rất khó khăn, tất cả những gì trước đây đều coi như đổ sông đổ bể.
Lần uống thuốc ngủ này quả nhiên có tác dụng, anh đã ngủ đến tận trưa ngày hôm sau và chỉ tỉnh dậy khi thấy đói bụng. Ngày thứ hai, anh ngủ một mạch đến tận chiều, sau khi ăn một chút, anh vẫn thấy buồn ngủ, đầu óc cũng không còn tỉnh táo. Tình trạng ấy kéo dài được mấy hôm thì anh không sao chịu nổi nữa. Anh tới chỗ bác sĩ đông y khám. Vừa bắt mạch cho Trương Duy, ông bác sĩ liền hỏi: “Cậu lấy vợ mấy năm rồi?”.
“Tôi vẫn chưa kết hôn mà!” Trương Duy sửng sốt đáp.
“Gần đây cậu có chuyện gì đau lòng phải không?”, vị bác sĩ cũng ngạc nhiên không kém.
“Vâng, đúng thế. Mẹ tôi vừa qua đời!”, Trương Duy đáp.
“Thảo nào. Nguyên khí của cậu bị tổn thương rất lớn, nội trung bất túc24. Cần phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, tốt nhất không nên giận dữ, kích động, cũng đừng làm việc nữa, cứ nghỉ ngơi thật tốt trong khoảng nửa năm là sẽ khỏi thôi.” Vị bác sĩ nói, tay cầm bút kê đơn.
24 Tạm dịch là “Nguyên khí bên trong không đủ”.
Trương Duy vừa nghe nói thế liền cảm thấy có điều không ổn, anh vội hỏi: “Thưa bác sĩ, tôi mất ngủ đã mấy năm nay, vừa mới đây mẹ tôi lại qua đời, có lẽ vì tôi quá đau buồn nên mớinhư vậy. Nhưng hiện giờ tôi đang có việc rất cần phải làm ngay, liệu bác sĩ có cách nào chữa khỏi bệnh mất ngủ cho tôi không? Các bệnh khác để tính sau cũng được”.
“Tất nhiên là không có. Bệnh mất ngủ có liên quan đến thể chất của cậu, cơ thể quá yếu thì không thể dùng thuốc an thần ngay được. Tôi khuyên cậu một câu, sức khỏe là vốn quý nhất, hãy chữa bệnh trước rồi hãy lo những việc khác.” Vị bác sĩ nhìn Trương Duy, nói.
Trương Duy lấy thuốc xong mang về sắc uống. Trong lúc uống thuốc, anh nhẩm tính, chỉ còn cách giữa tháng Tám có mấy ngày, anh không thể thất hứa với Nhiệm Thế Hùng được, hơn nữa cuốn sách này xét ở góc độ nào đó còn quan trọng hơn cả sinh mệnh của anh.
Điều khiến Trương Duy cảm động đồng thời khiến anh khó xử là trong khi đọc lại cuốn sách của thầy Dị, anh phát hiện ra rằng, năm vạn chữ mình viết trước đó thực sự quá thất thố, anh gần như đã phải viết lại bản thảo ấy. Anh cảm thấy tư tưởng của mình đã có những bước tiến so với trước, điều này khiến anh rất phấn chấn, nhưng càng đến gần hạn giao bản thảo, anh càng cảm thấy khó mà đúng hẹn được.
Hôm Nhiệm Thế Hùng đến tìm, anh nói: “Liệu có thể lùi lại mấy hôm nữa được không?”.
“Không được, nếu lùi lại nữa thì sẽ lỡ đợt ra sách này mất.”
“Các bản thảo khác thì không sao, nhưng còn cuốn phê phán thầy Dị Mẫn Chi, tôi thấy vẫn nên viết lại. Tôi viết được một nửa rồi.”
“Nếu như vậy thì cứ tạm gác cuốn sách ấy sang bên, đem những bài viết khác gộp lại thành một cuốn rồi đem in trước đã. Chờ cuốn ấy viết xong rồi đem in lẻ có khi lại hay hơn.”
Trương Duy cảm thấy như thế cũng được, nên ngày hôm sau anh liền đem bản thảo cuốn sách ấy đưa cho Nhiệm Thế Hùng. Vào năm học mới, các nghiên cứu sinh phải tới dự giờ giảng của một số trường đại học ở Quảng Châu, hoạt động này được tính điểm như một môn học. Trương Duy cũng phải bắt tay vào việc đi dự giảng.
Hai ngày sau, Nhiệm Thế Hùng lại tới tìm Trương Duy, nói rằng bản thảo mà anh đưa hơi mỏng, tốt nhất là bổ sung thêm vào phần phê bình thầy Dị Mẫn Chi. Nhiệm Thế Hùng nói với anh: “May mà tháng Mười Hai còn có một hội nghị đặt sách nữa, tôi sẽ cố lo cho xong. Còn anh, trong thời gian đi dự giảng hãy tranh thủ bổ sung cho bản thảo để đến tháng Mười giao lại cho tôi”.
Trương Duy nhẩm tính, thời gian dự giảng là hai tháng, lúc trở về thì đúng vào cuối tháng Mười, anh bèn nhận lời.
Cuối tháng Tám, Trương Duy cùng Lâm Hà, Phùng Đức Xương và một số người khác rời khỏi Bắc Kinh.