Trương Duy, Lâm Hà cùng những người khác tới ở trong nhà khách của Đại học Sư phạm Quảng Châu. Phùng Đức Xương là trưởng nhóm, mọi khoản chi phí đều do anh ta lo. Lâm Hà và Dương Linh ở một phòng, Phùng Đức Xương và Trương Duy ở một phòng. Ban ngày họ tới nghe giảng ở một trường có hẹn trước, có lúc thì tọa đàm với các nghiên cứu sinh khác cùng chuyên ngành, buổi tối rỗi rãi, họ thường chơi bài cùng nhau. Lỗ Liên Sinh và Ngô Dụng không thích chơi mà chỉ xem ti vi. Lúc đầu, mọi người còn phấn chấn vì mới lạ, nhưng lâu dần thì thấy rất mệt mỏi, có khi ban ngày họ cũng ngủ hoặc đánh bài. Phùng Đức Xương nói: “Cùng lắm thì như lời thầy Dị nói, coi như chúng ta đang đi chơi xa để có thêm hiểu biết. Cứ thoải mái đi!”.
Nhưng dù Quảng Châu có to đến mấy thì họ đi một tuần cũng hết, thậm chí họ còn tới mấy huyện ngoại thành nữa. Phùng Đức Xương nói: “Vẫn còn nửa tháng nữa, làm thế nào giết thời gian bây giờ?”. Lâm Hà nói: “Chi bằng chúng ta giải quyết hết việc đã, sau đó ai thích học thì học, ai thích du ngoạn thì du ngoạn, đến tuần cuối của tháng Mười chúng ta lại tập trung và quay trở về”. Mọi người nghe nói vậy thì đều tán thành. Thế là Phùng Đức Xương chia tiền cho mọi người. Sau khi nhận tiền xong, Lâm Hà bèn hỏi Trương Duy: “Trương Duy, anh định đi đâu?”.
Trương Duy đáp, không biết. Lâm Hà nói: “Chắc chắn là anh muốn tới Thâm Quyến rồi. Gần như vậy, nếu không đi thì sau này sẽ ít có cơ hội lắm đấy!”.
Trương Duy trầm ngâm. Đúng vậy, anh luôn muốn tới Thâm Quyến, chỉ có điều, trước hôm anh tới Quảng Châu, Mạo Khiết đã nửa đùa nửa thật hỏi anh rằng: “Đến đó chắc là anh sẽ tới thăm cô Ngô Á Tử ấy chứ?”. Lúc đó anh chỉ biết trả lời: “Chuyện của anh và cô ấy đã trở thành quá khứ, giữa bọn anh chẳng thể có gì được nữa. Em yên tâm, anh sẽ không tới đó đâu”.
Trương Duy cũng thực sự nghĩ như vậy, nhưng trên đường đi, bên tai anh luôn văng vẳng câu nói của Giáo sư Phương: “Nghe nói cô bạn gái cũ của cậu, cô Ngô Á Tử ấy sắp kết hôn rồi”. Câu nói này chẳng khác nào một mũi dao cứa vào trái tim anh. Kể từ sau lá thư cuối cùng ấy, Ngô Á Tử không bao giờ viết thư cho anh nữa. Liệu có đúng là cô không còn yêu anh nữa? Có đúng là cô sắp cưới rồi không? Liệu cô có hạnh phúc không? Nhưng rồi anh lại nghĩ, thôi, đã nửa năm rồi, nếu mình tới thăm Ngô Á Tử thì khác nào phản bội Mạo Khiết.
Trương Duy vẫn còn việc cần làm, anh phải hoàn thành bản thảo. Vì vậy anh ở lại phòng khách của trường. Cùng ở lại với anh còn có cả Lâm Hà và Lỗ Liên Sinh. Lâm Hà muốn liên lạc với mấy giáo sư của một trường đại học, cô đã nói thầm cho Trương Duy biết, sau khi tốt nghiệp, cô và thầy Dị sẽ xuống miền Nam. Trương Duy nói: “Thầy Dị nổi tiếng như vậy, trường đại học nào mà chẳng muốn mời về!”. Lâm Hà nói: “Thầy sẽ không dạy nữa, chỉ muốn nghỉ hưu rồi tới giảng bài ở các nơi, vì thế tôi và thầy chỉ nghĩ đến chuyện công việc của tôi thôi”. Còn Lỗ Liên Sinh tỏ ý muốn ở lại để xem thư viện ở đây thế nào. Trương Duy nghĩ, thư viện ở đây thì có cái gì mà xem. Nhưng sau đó anh mới phát hiện ra, Lỗ Liên Sinh yêu một cô hiện là nghiên cứu sinh ở đây, có thể nói đây là cơ hội quá tuyệt vời để họ hẹn hò.
Hằng ngày Trương Duy đóng kín cửa lại để viết sách. Lâm Hà muốn tìm gặp mấy người bạn ở Quảng Châu, cô cứ bắt anh phải đi cùng. Chính những ngày này, họ đã thực sự cảm nhận được mùi vị của cải cách mở cửa từ mấy cô bạn của Lâm Hà. Nhưng mấy cô gái ấy lại bảo, nếu muốn biết mùi vị thật sự thì phải tới Thâm Quyến. Lâm Hà về nói với Trương Duy: “Chúng ta cùng tới Thâm Quyến xem đi, tiện thể anh cũng nên tới thăm Ngô Á Tử một chút. Đây là cơ hội để anh chấm dứt hẳn chuyện cũ đấy”.
“Tôi không đi đâu, giữa chúng tôi đã thực sự hết rồi”, Trương Duy đáp.
“Thôi đi mà, chừng nào anh vẫn chưa kết hôn thì chừng đó mọi chuyện trong lòng anh vẫn chưa kết thúc. Tôi nghĩ, tốt nhất là anh hãy tới thăm cô ấy một lần để sau này không còn gì phải hối hận nữa”, Lâm Hà nói.
Nghe vậy, Trương Duy lại thấy dao động, rồi anh bàn bạc với Lâm Hà, cuối cùng họ quyết định giữa tháng Mười, hai người sẽ tới Thâm Quyến, thời gian còn lại sau đó sẽ tranh thủ làm việc.
Quyết định xong, Trương Duy dồn tâm sức vào việc hoàn thành bản thảo cuốn sách phê phán thầy Dị. Ba ngày sau thì mọi việc xong xuôi, anh đem cuốn sách đến đưa cho Lâm Hà xem. Cô nói: “Xem ra có vẻ chín và sâu sắc hơn hẳn lần trước rồi, bố cục rành mạch hơn, nhưng hình như lại bớt phần nhiệt thành. Tôi cảm thấy như thế này cũng không phải là tốt. Anh nghĩ sao?”.
Trương Duy thở dài, đáp: “Tôi cũng có cảm giác như vậy, hình như tôi đã mất hết cả nhuệ khí rồi”.
“Đây cứ như là văn của một người khác chứ không phải của anh vậy. Trương Duy này, tôi cảm thấy về mặt tâm lý, hình như bây giờ anh đã có vẻ quy thuận và không còn hợp với việc phê bình nữa rồi. Nếu anh vẫn còn định viết những bài kiểu này thì tôi khuyên anh hãy cứ giữ sự nhiệt thành và nhuệ khí của mình như trước. Như vậy mới đúng là phong cách của anh”, Lâm Hà nói.
“Nhưng bây giờ tôi muốn bình tĩnh lại, sống cởi mở hơn. Tôi nghĩ như thế mới là đỉnh cao”, Trương Duy đáp.
Buổi tối, Trương Duy đọc kỹ lại bản thảo đó. Đúng như Lâm Hà nói, anh cũng cảm thấy lối viết này xa lạ với chính mình. Anh tức giận xé tan tập bản thảo hơn bốn vạn chữ ấy. Nhưng sau đó, anh lại quỳ xuống xót xa nhặt từng mảnh giấy vụn lên.
Anh không bắt tay vào viết lại ngay, mà chỉ muốn nhanh chóng đi gặp Ngô Á Tử.