“Một trong những sai lầm lớn nhất mà con gái mắc phải khi yêu là mơ hồ giữa con người thật của đối phương và hình ảnh tươi đẹp mà họ tạo nên trong tâm trí mình.”
Về tên của Câu chuyện thứ ba này, xuất phát của nó là vào một buổi chiều mùa xuân, tôi nhận được cuộc gọi từ Joyce – con gái lớn nhất của dì Vanessa, chị của mẹ tôi. Trước đây khi còn học cấp hai, mỗi kỳ nghỉ hè tôi đều được cha mẹ gửi sang nhà dì Vanessa để được Joyce dạy kèm môn tiếng Pháp. Chị lớn hơn tôi ba tuổi, là một cô gái sống nội tâm, ít khi bày tỏ tâm tình, nhưng tôi biết sâu trong tâm hồn chị rất thích sự lãng mạn, rất thích nghe những lời nói ngọt ngào, cũng rất hy vọng cuộc sống của mình sau này sẽ diễn ra giống như trong những cuốn tiểu thuyết tình yêu được hàng trăm người hâm mộ. Từ lúc còn bé, tôi đã thấy được một sự thật là Joyce không có quá nhiều bạn bè. Chị ấy thích chủ động tách mình ra khỏi đám đông để tự đắm chìm vào thế giới riêng của những trang sách, của những chiếc đĩa nhạc Pháp cổ điển và của những vở nhạc kịch mà các cô gái bằng tuổi chị có lẽ sẽ không để mắt đến bao giờ.
Đến tận những năm học cấp hai, dù đã có thêm nhiều bạn bè, tôi vẫn thích nói chuyện với Joyce nhất. Ở chị ấy luôn toát lên sự trầm tư, nền nã và kín đáo. Tôi có thể vui đùa một cách thoải mái bên nhóm bạn náo nhiệt của mình, nhưng đồng thời tôi cũng rất mong đợi những giây phút ở cạnh Joyce và nghe chị nói những chiêm nghiệm chị đúc kết được từ sách, từ tiểu thuyết, hoặc từ thực tế cuộc sống mà chị đã và đang trải qua. Tôi thường không thích những kẻ hay nói đạo lý, nhưng Joyce là một ngoại lệ, chị chưa từng có ý định dùng đạo lý để dạy dỗ, khuyên bảo tôi nên và không nên làm gì. Chị chỉ thỉnh thoảng chia sẻ một vài điều tâm đắc mà chị lĩnh hội được, còn phần suy ngẫm, chị để lại cho người nghe tự mình thực hiện. Tôi thường không suy ngẫm ngay tại thời điểm vừa nghe thấy, nhưng tôi chắc chắn sẽ nhớ lấy chúng, để rồi đến một lúc nào đó, gặp phải tình huống tương tự, tôi sẽ tự động liên hệ đến chúng, sau đó nói với Joyce rằng tôi có thể ứng dụng chúng vào trường hợp thực tế cuộc sống của mình hay không. Chúng tôi duy trì những cuộc đối thoại không đầu không cuối như vậy cho đến tận khi cả hai đã trưởng thành, bởi chúng tôi đều cảm thấy thoải mái và bình yên với điều đó.
Quay trở lại với tựa đề của Câu chuyện thứ ba, ngày mùa xuân năm ấy, tôi chợt nghĩ đến cuộc gọi của Joyce năm tôi 16 tuổi. Chị ấy vẫn thường gọi cho tôi vào buổi tối, khoảng 10 giờ, trước giờ đi ngủ của chị. Nhưng không hiểu vì sao hôm đó lại gọi cho tôi vào trước giờ cơm chiều. Giọng chị có vẻ áy náy vì đã làm phiền tôi vào khung giờ mà lẽ ra tôi đang quay quần bên gia đình, nhưng chị chỉ xin tôi một vài phút thôi. Tôi bảo rằng, không sao cả, tôi có thể cho chị nhiều hơn một vài phút, vì tôi biết chị sẽ không gọi cho tôi vào giờ này nếu không phải là chuyện gì đó thật cần thiết.
Joyce im lặng, đầu dây bên kia chỉ vang lên tiếng thở dài đầy trầm tư. Sau đó, bằng âm thanh trầm buồn hơn mọi khi, chị nói bâng quơ:
“Anna em biết không, con người thật ra là một sinh vật viễn thị. Chỉ khi đứng ở một khoảng cách đủ xa, em mới có thể nhìn rõ bản chất của một ai đó. Còn nếu đứng gần, tất cả những gì em thấy chỉ là những đường nét mờ mờ ảo ảo, thật giả bất phân.”
Tôi chưa vội lên tiếng, tiếp tục giữ một khoảng lặng để chờ đợi xem Joyce có muốn nói tiếp điều gì đó hay không. Nhưng hình như chị ấy đã nói hết rồi, nên lại một lần nữa thở dài, xem ra trải nghiệm lần này của chị không được vui vẻ cho lắm. Chị nói, kỳ nghỉ hè sắp tới nếu có thời gian, hãy sắp xếp đến nhà chị chơi một chuyến.
Dựa theo sự hiểu biết của mình về Joyce, tôi có thể đoán được rằng chị không muốn kể tôi nghe bất cứ chuyện gì qua điện thoại vào thời điểm đó. Joyce luôn thích được trò chuyện mặt đối mặt mỗi khi cảm thấy buồn bã, bất an hay thất vọng. Chị nghĩ việc nhìn thấy biểu hiện và trực tiếp chạm vào người đối diện sẽ giúp chị cải thiện trạng thái mệt mỏi, khó chịu, thậm chí nếu đó là người chị đặc biệt yêu thương, chị sẽ nhanh chóng lấy lại tinh thần, nhanh chóng trở nên vui vẻ và tìm được hướng giải quyết cho vấn đề của bản thân. Cá nhân tôi, dù đứng trên danh nghĩa là một người may mắn có thể cân bằng giữa lý trí và tình cảm ở mức tương đối ngang bằng nhau, tôi cảm thấy rằng việc một người có xu hướng suy nghĩ và hành động theo cảm tính cũng không có gì là sai trái. Chỉ là, có một số chuyện, họ cần phải có người cận kề tâm sự, an ủi động viên thì mới có thể vượt qua được, điều này khiến họ đôi khi trở nên yếu đuối và khó có thể điều chỉnh cảm xúc của bản thân mà thôi.
Rốt cuộc, không cần đợi cho đến kỳ nghỉ hè, tôi cũng có thể gặp được Joyce. Chị ấy tự mình tìm đến nhà tôi trong một buổi sáng cuối tuần trời se lạnh. Chị mặc chiếc váy tối màu, những nếp gấp trên áo vẫn chưa được là phẳng, tà váy rủ xuống trông buồn rầu và thiếu sức sống như chính chủ nhân của nó. Đôi giày mòn gót mà chị đang đi khiến tôi liên tưởng đến một buổi sáng u ám, chị không còn thiết tha muốn chải tóc, không còn thiết tha muốn dùng màu son đỏ hồng mà chị yêu, cũng không còn thiết tha chỉnh trang y phục nữa, chỉ muốn mặc chiếc áo đầu tiên ở trong tầm mắt, xỏ đôi giày đầu tiên xuất hiện trên bậc thềm trước nhà, cứ thế lái xe đến nhà tôi trong trạng thái thất thần, đờ đẫn, mặc kệ phong cảnh xung quanh có xinh đẹp như thế nào, mặc kệ không gian có thay đổi ra sao; có lẽ chiếc máy nghe nhạc trên xe hơi của chị chỉ còn là những bản nhạc phát ngẫu nhiên không chủ đích, hay tệ hơn, là chẳng có giai điệu nào được bật lên cả, bởi chủ nhân của nó đã bận thả tâm trí mình bay theo gió, theo những trăn trở mà khi ấy tôi không biết là gì.
“Tình yêu.” Kaylee, một trong những người chị gái của tôi đã nói. “Chỉ tình yêu mới có thể khiến cho một người trở nên thê thảm, trở nên thân tàn ma dại đến thế.”
Tất nhiên cô chị Kaylee của tôi chỉ đang trầm trọng hóa vấn đề lên thôi vì Kaylee lúc nào cũng thích cường điệu những hình ảnh mình thấy trước mắt cả. Kỳ thực lúc Joyce tìm đến nhà tôi, trông chị ấy không đến mức “thân tàn ma dại”, nhưng thật lòng mà nói thì đúng là có chút đáng thương. Tôi không vội vàng hỏi chị đã xảy ra chuyện gì, cả ngày hôm đó chúng tôi đi dạo dọc trên con đường ngoại ô, xế chiều lại ngồi xuống một quán nước nhỏ ở trạm xe công cộng, mỗi người một cốc cà phê lạnh, vừa uống vừa nhìn ngắm từng đợt khách tất bật với hành trình của riêng mình. Đột nhiên Joyce lên tiếng hỏi:
“Anna này, chúng ta chơi một trò chơi nhỏ nhé: Cùng chọn ngẫu nhiên một người trong dòng hành khách kia để đoán xem họ làm công việc gì, là người như thế nào.”
Trò chơi này tôi vốn không xa lạ gì nữa. Khi còn nhỏ, mỗi lần được đi du lịch xa cùng gia đình, tôi và các chị rất thích nhìn ra cửa sổ, cứ một chiếc xe chạy ngang qua, chúng tôi lại thỏa sức tưởng tượng mọi thứ về người ngồi trong chiếc xe ấy, từ nghề nghiệp, tính cách đến sở thích và đôi khi là cả tình trạng mối quan hệ của họ. Đây thật ra chỉ là một trò chơi giết thời gian vô hại, chúng tôi không hề có ý định soi mói hay đánh giá đời tư của bất cứ ai, chỉ là thử thách trí tưởng tượng một chút. Dù sao, rốt cuộc thì chúng tôi cũng không thể biết những người xa lạ đã lướt qua đó có phải thật giống như đáp án mà chúng tôi đã đưa ra hay không, có thể trông như thế, nhưng kỳ thực lại không phải như thế, và ngược lại.
Người đầu tiên mà tôi và Joyce lựa chọn để chơi trò chơi này, là một thanh niên ăn mặc cực kỳ luộm thuộm. Chiếc áo sơ mi kẻ ca rô của anh ta một nửa được nhét sau lưng quần, một nửa thả ra bên ngoài, vạt áo nhăn nhúm, cũ kỹ và cáu bẩn. Chiếc quần bò ngả màu rách lỗ chỗ nơi đầu gối và dọc hai bên ống. Đôi giày anh ta đang mang đầy bụi bặm và những vệt đất đỏ kéo dài, ngả sang màu nâu xám như thể chúng đã ở đó từ rất lâu, chưa từng được lau chùi hay tẩy rửa. Cùng với cách ăn mặc đó, anh ta chẳng có vẻ gì là vội vã, chỉ ung dung cho tay vào túi quần, lùi lại nhường chỗ cho hàng chục hành khách chen chúc nhau lên xe, thản nhiên và thong thả, khiến tôi có cảm giác anh ta đang sở hữu toàn bộ thời gian trên thế giới này.
“Có lẽ người này đang thất nghiệp chăng? Hoặc mới vừa trở về từ một chuyến du lịch bụi chẳng hạn?” Tôi đưa ra phỏng đoán của mình.
“Cũng có thể đấy.” Joyce nghiêng đầu, khóe môi chị hơi cong lên một chút. “Nhưng lỡ như anh ta cũng chỉ là một người bình thường, không may hôm nay tâm trạng bất ổn giống như chị bây giờ thì sao?”
Tôi gật gù đồng ý. Về cơ bản thì chúng ta cũng chỉ có thể nhìn vào hình thức của một người để đưa ra phỏng đoán của mình về họ. Chúng ta thường vô thức đặt ra những quy chuẩn của riêng mình, chẳng hạn như: ăn mặc như thế thì tất nhiên là đang thất nghiệp; hình xăm trên bắp tay to như thế chắc chắn là kiểu người bạo lực, ưa đánh đấm; cách nói chuyện nhã nhặn từ tốn hẳn là người tử tế, hiền lương. Tôi không nói rằng toàn bộ các quy chuẩn ấy đều sai, nhưng kỳ thực không phải đối với bất cứ ai cũng có thể áp dụng chúng được. Để minh chứng sắc nét hơn về quan điểm ấy, Joyce quyết định kể cho tôi nghe câu chuyện mà chính chị ấy đã trải qua, cũng là nguyên nhân đưa chị đến nhà tôi trong bộ dạng không mấy tươi tỉnh như thế này.
Joyce kể lại, vào năm cuối cùng của cấp ba, chị ấy đã trải qua lần say nắng đầu tiên của mình.
So với các cô gái đồng trang lứa, Joyce được xem là người rơi vào tình yêu muộn hơn hết thảy. Lý do quá rõ ràng, chị ấy làm gì có thời gian để tâm đến ai khi mà lúc nào cũng mơ mộng suy tư về những chàng trai trong sách. Chị cảm thấy có vẻ như thực tế khác với tiểu thuyết quá xa, cho nên mỗi một người có dịp gặp qua, chị đều âm thầm so sánh và cảm thấy không giống như trong tưởng tượng, hoặc không làm chị đủ hài lòng. Joyce nói rằng, mẫu người đàn ông lý tưởng của chị có lẽ không tồn tại, và chị nhất định sẽ không hạ tiêu chuẩn của bản thân xuống dù chỉ một chút. Bởi vì chị thà sống độc thân cho đến khi tìm thấy người khiến chị thật sự rung động, còn hơn tìm đại một ai đó để hẹn hò chỉ vì bạn bè xung quanh đều đã có đối tượng.
Dù rằng tôi có phần đồng ý với quan điểm này của chị, nhưng tôi vẫn cảm thấy có gì đó không ổn nếu chị cứ khăng khăng giữ nguyên tiêu chuẩn lý tưởng là những anh chàng nhân vật chính trong tiểu thuyết hư cấu kia. Tuy nhiên, thời điểm Joyce học lớp 12, tôi vẫn còn chưa trải nghiệm nhiều, mối quan hệ cũng chưa đủ rộng để nhận ra điều bất ổn trong cách lựa chọn đối tượng hẹn hò của chị. Tôi đã nghĩ rằng, chị ấy lớn hơn tôi, có cái nhìn sâu sắc hơn tôi, chị chắc hẳn đã có dụng ý của riêng mình.
Nhưng xem ra lúc đó tôi đã lầm.
Vào học kỳ đầu tiên của lớp 12, Joyce phải lòng một nghiên cứu sinh đến làm đề tài nghiên cứu giáo dục tại trường trung học của chị. Tên anh ấy là Frank, 26 tuổi, là chàng trai có vẻ ngoài lịch lãm, chín chắn, đủ sức thu hút bất cứ thiếu nữ mới lớn nào. Ở tuổi 26, khi đứng trước các cô cậu 17, 18 tuổi, Frank toát ra sự tự tin của một người trưởng thành, anh ta vừa đủ hài hước, vừa đủ thông minh, vừa đủ nhạy bén để nắm bắt tâm lý của họ. Bên cạnh đó, khoảng cách 9, 10 tuổi cũng không phải là quá xa, anh ta hoàn toàn có thể theo kịp các trào lưu mới, các kiểu ngôn ngữ giới trẻ hay dùng, các từ lóng, cũng như ý nghĩa của những câu nói đùa, những hình thức giải trí mà học sinh ở lứa tuổi này quan tâm. Có lẽ đó là lý do Frank nhanh chóng hòa nhập và chiếm được tình cảm của hầu như tất cả học sinh của trường, trong đó có cả Joyce.
Quá trình Joyce cảm mến Frank bắt nguồn từ những lần họ gặp gỡ và trò chuyện cùng nhau trong thư viện trường. Lần đầu tiên là lúc anh ta đang tìm kiếm một cuốn tiểu thuyết văn học làm tư liệu cho công trình nghiên cứu của mình, nhưng lại không biết nó được đặt ở đâu. Trùng hợp khi ấy Joyce đang ở đó và không ai có thể thông thạo tất cả vị trí cũng như đường đi nước bước trong thư viện trường hơn chị được nữa. Ban đầu chỉ là giúp đỡ Frank tìm những cuốn sách cần thiết, lâu dần cả hai trò chuyện ngày càng nhiều và hiểu nhau mỗi lúc một sâu sắc hơn – hay ít nhất là bản thân Joyce cảm thấy như vậy.
“Chị đã nghĩ rằng, đây là chàng trai định mệnh của mình, sau rất nhiều năm lặng yên chờ đợi.” Joyce kể lại, “Chị đã chìm đắm vào những câu chuyện mà anh ta và chị đã nói cùng nhau. Lần đầu tiên chị gặp một người đàn ông cũng yêu thích đọc sách giống như chị, cũng ngưỡng mộ những tình tiết lãng mạn trong tiểu thuyết giống như chị, và cũng hy vọng mình sẽ tìm thấy tình yêu đẹp như các nhân vật đã làm được. Cảm giác giống như gặp được tri kỷ vậy. Chị dần dần trở nên mong chờ sự xuất hiện của anh vào mỗi buổi chiều thứ Ba và thứ Sáu hằng tuần. Một thời gian sau, mong chờ trở thành mong muốn, trở thành trông ngóng và từ bao giờ, bắt đầu trở thành khao khát.
Con người là một sinh vật tham lam. Khi một điều gì đó vẫn luôn là 0 đột nhiên trở thành 1, họ sẽ tự nhiên phát sinh muốn nó tăng lên thành 5, thành 10, thành 30, thành 50, thậm chí thành 80, rồi thành 100. Cứ như vậy, chị không thể làm chủ được sự kỳ vọng của mình. Chị mong muốn được gặp gỡ nhiều hơn, được nghe anh ấy nói chuyện nhiều hơn, được biết những bí mật của anh, được cùng anh thảo luận về những cuốn sách, được giúp anh hoàn thành nghiên cứu của mình, được kề cận với anh, hay thậm chí là được anh mời đến những cuộc hẹn riêng tư, thân mật hơn. Em nghĩ có thấy lạ không, Anna? Một người vốn luôn sống nội tâm như chị, lại có lúc phải lòng một người, lại có lúc muốn nhận được sự chú ý của một người, muốn chia sẻ cuộc sống của mình với một người. Chị trở nên hoạt bát hơn, biết quan tâm đến người khác và biết trau chuốt cho bản thân mình nữa. Trong khoảng thời gian đó, chị đã nghĩ rằng, tình yêu thật sự rất kỳ diệu.
Những tuần tiếp theo, tần suất gặp gỡ của chị và anh ấy ngày càng đều đặn. Đối với chị, Frank không chỉ là một giáo sinh thông minh, hài hước, đáng ngưỡng mộ như trong tâm trí của những cô nữ sinh cùng tuổi, mà hơn cả thế, Frank còn dịu dàng, lãng mạn, tinh tế và sâu sắc. Không chỉ có phong thái của một giáo sinh, Frank còn mang tâm hồn của một văn sĩ và trái tim của một nghệ sĩ. Mỗi câu nói của anh đủ sức để chị suy nghĩ cả đêm, mỗi nụ cười, mỗi một lần vô tình chạm tay cũng khiến chị tương tư, mong nhớ. Hình ảnh của anh ta trong trái tim chị ngày càng lớn, lớn đến mức trở thành một tượng đài trong tim chị. Chị thích Frank, trong sự yêu thích còn có ngưỡng mộ, thậm chí là tôn sùng. Đến nỗi những gì anh ta nói chị sẽ ghi nhớ thật lâu, biến chúng thành sự thật hiển nhiên, biến chúng thành chân lý, biến chúng thành mục đích cho hầu hết các hành động của chị.”
Trong một vài phút ngắn ngủi mà Joyce kể với tôi về Frank, tôi nhận ra được sự cuồng nhiệt trong cả giọng nói lẫn ánh mắt – điều mà rất hiếm khi tôi nhìn thấy được ở chị. Tôi đoán rằng những người bạn thân thiết của chị đều sẽ cảm thấy quan ngại trước cách yêu có phần mù quáng ấy, thậm chí sẽ có người hết lòng khuyên nhủ, bảo chị hãy sử dụng lý trí một chút đi, rằng trong chuyện tình cảm, con gái nhất định phải giữ lại cho bản thân một phần tự tôn, một phần cao ngạo, đừng xem đối phương là biển là trời, bởi lẽ điều đó hết sức nguy hiểm, chẳng may không có được tình yêu của họ, Joyce sẽ phải hứng chịu những cảm giác vô cùng đau đớn.
Tôi đoán được những phản ứng cũng như động thái mà bạn bè thân thiết của Joyce dành cho chuyện tình cảm này, xét về khía cạnh nào đó, tôi cũng đồng tình với họ. Kỳ thực không chỉ có mỗi phái nữ, bất kể bạn thuộc giới tính nào, một khi bước chân vào tình yêu cũng nên tỉnh táo. Bạn có thể ngưỡng mộ người ấy, có thể say mê người ấy, có thể cho đi một cách không hối hận, nhưng bạn không thể dồn toàn bộ thời gian, tâm sức cho người ta mà không để ý đến bản thân mình. Rất nhiều người từng trải đã nói với tôi, “Yêu ai thì yêu, nhất định phải ưu tiên bản thân trước”, tôi thấy chẳng sai tí nào.
Song, tôi hoàn toàn không trách, cũng không nói đạo lý đó với Joyce, trái lại, tôi thấy cảm thông cho chị ấy. Một cô gái lần đầu tiên ngẩng đầu lên khỏi trang sách để biết như thế nào là yêu thích một người bằng xương bằng thịt, chị tất nhiên sẽ cảm thấy bối rối, không biết xử trí như thế nào với những cảm xúc hết sức bản năng của mình. Biết đâu trong những thời khắc cuồng nhiệt yêu đương đó, thỉnh thoảng Joyce cũng đã dừng lại một chút và ra lệnh cho trái tim mình hãy thức tỉnh, hãy sáng suốt, hãy chừa cho bản thân đường lui,… nhưng những thứ dễ dàng nói ra trên lý thuyết thì lại rất khó để thực hành. Ở độ tuổi dưới 20, tôi hiếm khi gặp được ai có đủ khả năng khống chế tình cảm của bản thân, nhất là trong lần đầu tiên biết rung động và cảm mến một người, tôi không thể đòi hỏi cô chị họ của tôi trở thành ngoại lệ.
Tôi thậm chí đã hình dung suốt khoảng thời gian Joyce học năm cuối cùng của cấp ba, chắc hẳn chị đã có được tất cả trải nghiệm lãng mạn mà chị mong muốn. Tại sao tôi đoán được ư? Bởi vì trong ký ức của tôi, suốt thời gian đó chị không hề gọi cho tôi một cuộc điện thoại nào để chia sẻ về những cuốn sách mà chị đọc, những câu trích dẫn hoặc triết lý mà chị tâm đắc nữa. Trước đây bởi vì tôi đang ở năm cuối cấp hai, hơn nữa tuổi cũng chưa đủ lớn để suy luận ra quá nhiều điều nên tôi không chú ý lắm về sự thay đổi ấy. Hiện tại khi nghe những điều chị kể và xâu chuỗi lại các sự việc, tôi mới nhận ra, rõ ràng ngày trước chị đã có một mối quan tâm khác, và bận rộn với việc chia sẻ các sở thích của mình với một người khác, đó là lý do khiến cho việc tâm sự cùng tôi bị xếp vào hàng ưu tiên thứ yếu. Tôi nói ra điều này không phải vì muốn trách cứ Joyce, tôi làm sao có thể trách cứ một cô gái đang yêu rằng tại sao cô ấy không dành thời gian cho tôi mà lại dành thời gian để tương tư một anh chàng khác (trách cứ như vậy thật ngớ ngẩn!), tôi chỉ muốn nói, tình yêu, bằng cách nào đó khiến người chị họ luôn ở trong trạng thái thong dong, nhàn nhã của tôi phút chốc trở nên bận rộn hơn và để tâm đến nhiều thứ xung quanh mình hơn.
“Chị muốn mình xứng tầm với anh ấy,” Joyce tiếp tục kể, với biểu cảm sống động hiếm thấy nơi đôi mắt luôn tĩnh lặng như mặt hồ mùa thu của mình, “đó là suy nghĩ thường trực trong tâm trí chị suốt khoảng thời gian âm thầm thích anh ấy. Chị đã cố gắng rất nhiều, không chỉ cải thiện thành tích học tập, trở nên ưu tú hơn, mà còn muốn trau chuốt hơn cho ngoại hình, trở nên xinh đẹp, duyên dáng hơn. Frank lớn hơn chị rất nhiều tuổi, dáng vẻ của anh là dáng vẻ một người trưởng thành, dày dặn kinh nghiệm, học vấn uyên thâm, cư xử đúng mực. Anh ấy dường như luôn suy nghĩ thấu đáo trong mọi hành động, cẩn trọng trong từng lời nói và vô cùng tận tâm đối với các mối quan hệ xung quanh. Chị biết, có thể Frank sẽ không đòi hỏi người con gái bên cạnh mình cũng làm được như vậy, nhưng tự bản thân chị muốn xem anh là tấm gương, mỗi ngày phấn đấu trở thành một cô gái có thể sánh vai đi bên cạnh anh không một chút nghi ngại, không sợ bị gọi là “đôi đũa lệch”, cũng không phạm phải những sai lầm khiến anh mất mặt, xấu hổ. Chị muốn là một cô gái thật sự xứng đôi vừa lứa với anh, một đối tượng mà anh sẽ cân nhắc để hẹn hò. Lần đầu tiên trong đời chị quyết tâm cho một điều gì đến như vậy.
Nhưng rồi, đùng một cái, chị phát hiện mọi thứ hóa ra chỉ là ảo mộng của một mình chị. Tất cả hình tượng đẹp đẽ về Frank trong một đêm phút chốc vỡ tan tành.”
“Đã có chuyện gì xảy ra sao?” Tôi hỏi.
Joyce dừng lại nhìn tôi, sau đó khẽ thở dài. Khoảnh khắc ấy trông chị giống như đang tái hiện cho tôi thấy khuôn mặt của chính mình lúc gọi cho tôi và nói về việc con người là một sinh vật viễn thị như thế nào – bất lực và đầy thất vọng. Tôi không biết một cô gái đang tràn đầy động lực và quyết tâm cải thiện bản thân để theo đuổi tình yêu như chị đã gặp phải chuyện gì để có một nét mặt u sầu như thế.
“Chị đã tới dự bữa tiệc ấy, và gặp Frank, trong một dáng vẻ khác.”
Tôi không biết bữa tiệc ấy là bữa tiệc nào, nhưng có một điều tôi chắc chắn, đó là những gì chị nhìn thấy ở anh chàng Frank ngày hôm đó không hề đẹp đẽ chút nào. Tôi ở bên cạnh Joyce đủ lâu để hiểu sự nhạy cảm và dễ sụp đổ của chị đối với những sự việc, con người mà chị đặt nhiều kỳ vọng. Đã rất nhiều lần, tôi chứng kiến chị ấy sẵn sàng đốt một cuốn sách chỉ vì nhân vật chính bị tác giả “ban cho án tử”, rất nhiều lần chị rơi nước mắt vì nam chính và nữ chính không đến được với nhau. Chị chính là kiểu người sẽ quên ăn quên ngủ để chờ đợi ngày xuất bản của tập mới nhất trong loạt tiểu thuyết dài kỳ mà chị yêu thích, là kiểu người sẵn sàng viết thư cho tác giả để giãi bày tâm tình cùng sự đồng cảm của mình đối với nỗi đau mà nhân vật phải gánh chịu, là kiểu người đại diện cho bộ phận độc giả nhập tâm quá mức vào những gì bản thân đã đọc. Cá tính này của chị rõ ràng đang làm phiền chị, điển hình trong chuyện tình cảm, những cảm xúc của chị sẽ ít nhiều bị phóng đại, chị nhạy cảm hơn, cũng dễ dàng phản ứng đối với những chuyện buồn xảy đến ngoài ý muốn.
Tôi có thể thấy rất rõ biểu hiện của sự hụt hẫng trên gương mặt Joyce khi chị bắt đầu kể với tôi về bữa tiệc ấy, hai bàn tay chị xoắn chặt vào nhau, đặt trên đùi và đôi mắt chị dõi theo cử động của từng ngón tay như thể đang lảng tránh ánh mắt tôi nhìn chị. Dường như chị không muốn nhìn thấy biểu cảm của tôi – dù cho tôi sắp sửa thể hiện ra biểu cảm nào đi chăng nữa – dù rằng chị biết tôi sẽ không phán xét hay chê trách chị, nhưng có lẽ cảm giác bẽ bàng đã lấn át mọi ý nghĩ khác, ngăn không cho chị suy xét về bất cứ điều gì, ngoại trừ cú sốc và nỗi thất vọng mà chị đang phải trải qua.
Joyce kể, cách đây khoảng hai tháng, một trong những người bạn cùng lớp của chị tổ chức tiệc sinh nhật tại nhà. Vì một lý do nào đó, chị cũng có mặt trong danh sách khách mời. Joyce rất ngạc nhiên. Chị biết bản thân vốn dĩ không có mối quan hệ tốt với bạn bè cùng lớp, dù chưa từng xích mích với ai, song, họ vẫn xem chị như một cô gái vô danh ngồi ở cuối lớp, không tham gia câu lạc bộ, sau giờ học chỉ đến thư viện trường, và các chủ đề chị quan tâm thật sự không phù hợp với họ, việc chưa từng được mời đến bất cứ một bữa tiệc nào, đã trở nên quá quen thuộc đối với chị, quen thuộc đến nỗi chị thậm chí còn chẳng mảy may bận tâm hay lo lắng về việc bản thân có thể bị cô lập hay có những tháng ngày không mấy sôi động ở trường cấp ba, chị thật sự không phiền lòng về điều đó.
Tuy nhiên, không phiền lòng, không có nghĩa là chị sẽ từ chối nếu có ai đó mời chị đến tham dự, dù có thể họ chỉ ngẫu hứng, hoặc chỉ muốn lấp đầy một chỗ trống trong chiếc bàn còn thiếu người, lý do gì cũng được, nhưng Joyce vẫn quyết định sẽ đến, xem như nắm bắt cơ hội giao lưu, gặp gỡ bạn bè cùng lớp, chị đã rất nhiều lần bỏ qua nhiều dịp tụ họp vì bận rộn với những cuốn sách trong căn phòng đóng kín của mình. Joyce cho rằng, đã đến lúc chị bước ra khỏi chiếc tổ kén, mở mắt quan sát thế giới bên ngoài, thay vì chỉ tập trung vào thế giới trong tiểu thuyết. Chị muốn biết liệu rằng bản thân cần thay đổi điều gì, từ cách ăn mặc, giao tiếp, cách tạo ấn tượng với những người xung quanh, và cách để chiếm được thiện cảm từ người mà mình yêu thích. Chị muốn học hỏi tất cả mọi điều bản thân còn thiếu, để trở thành cô gái hoàn mỹ hơn. Ít nhất, trong mắt Frank, chị không muốn anh xem chị là một thiếu nữ 17 tuổi chỉ biết mơ mộng, không đủ hấp dẫn, lôi cuốn, không tạo được cho anh hứng thú để hẹn hò.
“Mong muốn trở thành bạn gái của Frank lớn đến mức chị có thể chấp nhận thay đổi bản thân mình như vậy đó,” Joyce mỉm cười. Nhưng tôi biết trong nụ cười đó không hề chứa đựng một chút niềm vui nào. “Kỳ thực chị không biết rằng, nếu một ai đó thật sự thuộc về chị, có lẽ chị không nhất thiết phải gồng mình lên để trở nên hoàn mỹ như vậy.
Chị đã tìm đến một trong những cô bạn sành điệu nhất của lớp mình để hỏi xin được tư vấn. Cô ấy đưa chị đến trung tâm thương mại, mua sắm rất nhiều quần áo, những kiểu dáng mà chị chưa từng thử qua bao giờ. Cô ấy còn khuyên chị mua cả trang sức, phụ kiện mới, khuyên chị thay đổi kiểu tóc và cách trang điểm nữa. Khi nhìn vào gương, chị cảm nhận rõ ràng chị giống như một người hoàn toàn khác. Theo như lời cô bạn ấy, thì chị trở nên hấp dẫn theo cách trưởng thành. Sự thay đổi này chắc chắn sẽ khiến chị có cơ hội tiếp cận với bất cứ chàng trai nào mà chị muốn, nếu may mắn còn có thể là tâm điểm của bữa tiệc nữa. Anna, chị không thể phủ nhận khoảnh khắc đó, chị đã thật sự vui vẻ, thật sự mong chờ.”
Joyce cho tôi xem tấm ảnh được lưu giữ trong điện thoại của chị – tấm ảnh chị ấy khoác lên người chiếc váy dài màu đen tuyền hở vai, mái tóc dài thẳng mượt của chị được uốn xoăn nhẹ, búi lên cao, để lộ chiếc cổ thanh tú với sợi dây chuyền ngọc trai tô điểm cho làn da trắng ngần vô cùng tự nhiên của chị. Tôi chưa từng thấy Joyce trong dáng vẻ như vậy bao giờ, suốt thời gian tôi lớn lên cùng chị. Tôi biết chị ấy tuy kiệm lời và có vẻ nhẹ nhàng, trầm tĩnh, nhưng bản chất của chị vẫn là rất kiên quyết, rất cứng đầu, đặc biệt là về khía cạnh phong cách. Chị nhất định sẽ không nghe theo lời khuyên của bất cứ một ai về việc bản thân nên ăn mặc ra sao, chải chuốt như thế nào và đâu là cách cư xử phù hợp để hòa nhập với đám đông, hoặc để ghi được điểm trong mắt một ai đó. Chính vì quá hiểu tính cách này của Joyce nên tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi một người vừa mới quen biết vài tháng như Frank lại đủ sức để khiến chị thay đổi hoàn toàn phong cách của chính mình.
Thế mới biết, những người tính tình trời sinh cố chấp, đến khi gặp được người họ thật sự yêu thương, thật sự muốn ở bên cạnh, họ cũng sẽ dùng bản tính cố chấp đó để tiếp cận đối phương, một lòng nhìn về phía người ta, làm tất cả mọi thứ chỉ mong sao có thể được người ta chú ý, được người ta ghi nhận, bất luận điều đó có phá vỡ nguyên tắc của bản thân đến thế nào. Chị Joyce của tôi, suy cho cùng cũng chính là kiểu người như vậy.
“Nhưng rồi mọi thứ đi chệch ra khỏi quỹ đạo ban đầu mà chị đã dự tính,” chị tiếp tục chia sẻ. “Khi đến bữa tiệc sinh nhật đông đúc và náo nhiệt đó, chị đã nhìn thấy Frank, anh ấy cũng ở đó. Chị có thể nhận ra anh giữa hàng chục người đứng lẫn vào với nhau, ăn uống vui vẻ và nhảy nhót điên cuồng. Tuy nhiên, em biết không, chị chỉ đơn giản là nhận ra gương mặt của anh ấy, chỉ gương mặt là thân thuộc thôi, còn lại tất cả, đều trông như một người đàn ông xa lạ. Anh ấy không giống như Frank mà chị từng biết, càng không giống như Frank mà chị từng ngưỡng mộ, từng yêu thích đến mức sẵn sàng vứt bỏ hình ảnh thoải mái nhất của bản thân để đổi lấy cảm giác xứng đôi với anh ta.
Frank hôm đó mặc một bộ quần áo kiểu nổi loạn, mái tóc màu nâu đồng mọi khi vẫn được vuốt keo, hôm ấy lại bù xù, rối tung một cách điệu nghệ. Anh ấy còn xỏ khuyên tai cơ, em tin được không? Là xỏ khuyên tai đấy! Tận ba chiếc cho một bên tai! Trong khi chị cứ tưởng rằng anh ấy là giáo sinh ở trường cấp ba, là người sẽ luôn khuyên bảo các học sinh nên ăn mặc như thế nào cho phù hợp, nên sử dụng các loại thực phẩm nào và tránh xa các chất kích thích ra sao. Anh ấy không thể đứng giữa một nhóm toàn là học sinh cấp ba, uống rượu bia, nhảy nhót tưng bừng và ai biết được trong số đó còn có chất kích thích mà nhà trường không cho phép nữa.
Chị biết sự ngạc nhiên và tức giận của chị là rất vô lý. Frank không phải giáo viên chính thức của trường, anh ấy có quyền nói rằng anh ấy không hề bị ràng buộc bởi các quy định dành cho giáo viên. Hơn nữa, đây là một bữa tiệc tại gia, không liên quan đến giờ học, cũng không nằm trong phạm vi nhà trường, điều này có nghĩa là, anh được phép ăn mặc tự do, được phép tham gia vào bất cứ hoạt động nào, và cũng được phép trở thành bất cứ một hình mẫu nào anh muốn mà không quan tâm người khác nghĩ gì. Suy cho cùng, anh ấy chẳng có lý do gì phải chịu trách nhiệm cho những kỳ vọng của chị cả. Chị biết là như thế, nhưng làm sao có thể tránh khỏi cảm giác hụt hẫng khi hình tượng mà chị vốn rất ngưỡng mộ, rất quý mến, rất trân trọng, lại sụp đổ chỉ trong một phút chốc.
Khi ánh mắt chị và Frank giao nhau, anh ấy đang đứng giữa hai cô gái, họ có phải nữ sinh trường chị hay không, chị không biết, bởi vì cách ăn mặc và trang điểm của họ khiến chị không tài nào đoán được họ thật sự đang ở lứa tuổi bao nhiêu. Cũng có thể họ là chị em hay bạn bè gì đó, đã không còn là học sinh nữa và có thể thoải mái hẹn hò, đi chơi cùng Frank, chị không quan tâm lắm. Trong mắt chị lúc đó chỉ có hình ảnh Frank cùng họ uống rất say, anh ta khoác vai một trong hai cô gái đó, thỉnh thoảng lại ghé vào tai cô ấy thì thầm điều gì có vẻ rất hài hước khiến cho cô ta bật cười sảng khoái – kiểu cười mà chị chắc chắn rằng bất cứ cô gái nào cũng sẽ có khi ở bên cạnh anh ta. Ừ, mà hình như chị cũng đã từng vài lần được anh ta thì thầm thân mật như thế. Anh ta làm thế với tất cả mọi người.
Trên hết, điều khiến chị buồn và thất vọng đến thế này không phải bởi vì chị không được đối xử đặc biệt, mà là bởi vì chị đã nhìn nhầm đối tượng. Em hiểu không, Anna? Chị chưa bao giờ phê phán một người con trai cùng một lúc đi chơi với nhiều đối tượng, ngọt ngào vui vẻ với nhiều đối tượng hay thậm chí là tán tỉnh nhiều đối tượng, họ chưa có người yêu, chưa chính thức hẹn hò thì họ thường nghĩ rằng họ có quyền lựa chọn cho đến khi tìm được người phù hợp với họ nhất, khiến họ cảm thấy xứng đáng để họ dừng chân nhất. Ừ, thật sự chị đã nghĩ như thế đấy, Anna, chị không phán xét họ đâu, tất cả bọn họ, trừ Frank.
Tại sao lại là Frank cơ chứ? Chị đã nghĩ rằng anh ấy khác biệt với tất cả mọi người…”
Tôi rất muốn nói với Joyce rằng, kể cả khi chị có nghĩ anh ấy khác biệt đến đâu đi chăng nữa, chị cũng không thể dùng đó làm lý do để trách móc anh ta. Tất nhiên, tôi chưa bao giờ ủng hộ một chàng trai tán tỉnh với nhiều cô gái cùng một lúc, nhưng đó chỉ là quan điểm của cá nhân tôi. Cũng giống như việc Joyce không thể chấp nhận khi Frank cũng chỉ bình thường như các chàng trai khác, nghĩa là cũng có nhu cầu tìm hiểu, mở rộng quan hệ với nhiều đối tượng để có thể lựa chọn một đối tượng phù hợp nhất cho anh, chị không chấp nhận, không có nghĩa là Frank bắt buộc phải vì sự không chấp nhận đó mà cư xử khác đi. Suy cho cùng, chẳng ai có trách nhiệm phải giữ lấy hình tượng của mình cho riêng một cá nhân nào, ngoại trừ chính bản thân họ. Frank cũng vậy thôi. Anh ấy không biết đến những ảo tưởng, mộng mơ mà một cô gái 17 tuổi đang ấp ủ, nên anh ấy không có lỗi. Thậm chí kể cả khi anh có biết đi chăng nữa, anh vẫn không có lỗi. Mối quan hệ giữa anh và Joyce không đủ thân thiết để anh phải lãnh nhận nghĩa vụ thực hiện kỳ vọng mà Joyce đặt ra cho mình.
“Cả buổi tiệc hôm ấy, chị thật sự không tận hưởng được một chút gì cả.” Joyce tiếp tục kể. “Anh ấy chắc không nhìn thấy chị đâu, nhưng chị thỉnh thoảng cứ quay lại để nhìn anh ấy, dường như đâu đó trong lòng chị hy vọng rằng mình chỉ nhìn nhầm thôi, đó là một người khác không phải anh. Nhưng tất nhiên là không thể rồi. Người đó đúng là anh. Đứng gần hơn một chút còn có thể nghe rõ giọng nói trầm trầm ấm áp của anh, không lẫn đi đâu được. Càng về cuối bữa tiệc, anh ấy càng say. Anh ấy ôm rất nhiều cô gái có mặt ngày hôm đó, cô nào anh ta cũng khen xinh đẹp, quyến rũ, thú vị, đáng yêu. Anh ta pha trò thật nhiệt tình, và sau đó chị bỏ về. Chị cảm thấy mình nhìn đủ rồi. Chị không muốn nhìn thêm bất cứ điều gì nữa. Càng nhìn chỉ càng thất vọng mà thôi.”
Khi một cô gái đang thất vọng về chàng trai mình thích, tôi cho rằng tôi không nên nói với cô ấy bất cứ một lý lẽ nào. Huống hồ, đây lại là Joyce. Tôi quá hiểu chị họ của tôi. Khi chị ấy buồn, chị ấy chẳng thiết tha nghe lời khuyên của ai cả, mỗi một câu tôi nói ra lúc này, e rằng cũng chỉ như gió thoảng qua tai chị ấy mà thôi. Tôi quyết định im lặng, cùng chị nhìn ra ngoài dòng người đang hối hả chen chúc nhau bước lên chuyến xe đông đúc buổi tan tầm, hy vọng rằng sau khi được ngồi xuống và trút hết nỗi lòng mình, Joyce sẽ cảm thấy khá hơn.
Buổi chiều hôm đó cứ như vậy mà kết thúc. Chúng tôi không nói với nhau thêm điều gì. Joyce sau đó ra về, như mọi khi, chị không hẹn tôi lần gặp tiếp theo là khi nào. Dù vậy tôi có thể đoán được, chắc hẵn sẽ khá lâu sau đó tôi mới có cơ hội nói chuyện với chị. Dù sao đây cũng là lần đầu tiên chị biết như thế nào là rung động với một người, cũng là lần đầu tiên chị nếm trải vị đắng của mối tình đầu, không một ai có thể thúc giục chị mau chóng khôi phục và quay trở lại trạng thái bình thường như trước đây.
Mãi sau này, khi tôi đã chín chắn trưởng thành, gặp được nhiều người, nghe mỗi người tâm sự về những mối tình khác nhau, với điểm chung là đều bị vỡ mộng trước ảo tưởng tốt đẹp ban đầu của đối tượng mình yêu thích. Tuy nhiên, tôi nhận ra có một số người thật sự mạnh mẽ, trải nghiệm đầy thất vọng trong quá khứ không khiến họ mất niềm tin vào tình yêu, ngược lại, nó trở thành bài học, giúp họ vững vàng hơn, sáng suốt hơn ở những lần rung động tiếp theo. Họ học được cách đánh giá một chàng trai, hoặc một cô gái, dựa trên cái nhìn khách quan hơn, đồng thời chuẩn bị tinh thần để chấp nhận rằng đối tượng của mình vốn dĩ cũng là một con người bình thường, cũng sẽ có những chiếc mặt nạ sẵn sàng để đeo vào mọi lúc mọi nơi, có thể ngay khi đang ở cạnh chúng ta, họ cũng đang sử dụng một trong những chiếc mặt nạ ấy. Một khi chấp nhận được thực tế này, chúng ta sẽ không quá hụt hẫng, không quá thất vọng, đồng thời chúng ta có thể nhìn nhận người mình thích đúng với con người thật của họ, ít đi những huyễn hoặc, ít đi những suy đoán, ít đi những áp đặt kỳ vọng. Một tình yêu chỉ có thể phát triển khi chúng ta gạt bỏ tất cả tưởng tượng về đối phương.
Tôi có thể tự hào nói rằng, chị Joyce của tôi, cũng là một trong những người mạnh mẽ như thế.
Nói ra có vẻ khó tin, chính tôi cũng cảm thấy khó tin nữa. Với tất cả những cảm giác tiêu cực mà chị thể hiện với tôi vào buổi chiều hôm ấy, tôi đã nghĩ rằng phải mất rất nhiều thời gian để chị có thể trở lại vui vẻ và tin tưởng vào tình yêu như trước đây. Nhưng thật may mắn, Joyce vượt qua nỗi thất vọng nhanh hơn tôi tưởng rất nhiều. Một vài tháng sau ngày hôm đó, chị gọi cho tôi và nói:
“Chàng trai mà chị thích thật ra cũng bình thường thôi, chẳng qua tại chị đã dát vàng lên người anh ấy.”
Tôi không cần mất đến một phút để hiểu được điều Joyce muốn nói. Có vẻ như sau một thời gian tự giam mình trong nỗi thất vọng, giờ đây chị ấy đã có thể tự tin nói rằng bản thân đã khôi phục trạng thái bình thường như xưa. Nói không một chút vướng bận thì là nói dối, nhưng vướng bận đó rốt cuộc cũng chỉ như mây bay gió thoảng, trong cuộc sống còn phải gặp gỡ bao nhiêu người, lẽ nào chỉ vì duy nhất một người không thể đáp ứng kỳ vọng của mình mà ủ rũ suốt quãng đời còn lại hay sao? Bằng một giọng nói trầm ổn, Joyce chia sẻ với tôi:
“Quá trình để chị có được sự quyết tâm bắt đầu từ sau hôm cùng em trò chuyện ở trạm xe buýt. Chị cảm thấy rằng tại sao chị cứ phải buồn héo úa vì một người mà chị thậm chí còn chưa hiểu rõ họ là kiểu người như thế nào? Nếu có thể, chị muốn vượt qua tất cả mọi ảo tưởng của mình, tiếp cận với con người chân thật nhất của Frank, thử xem chị có thể chấp nhận được con người đó hay không. Nếu có thể, chị sẽ tiếp tục theo đuổi. Nếu không, chí ít chị cũng đủ lý do để từ bỏ.
Chị bắt đầu tiếp cận Frank thông qua các tài khoản mạng xã hội của anh ấy, điều mà chị chưa từng nghĩ mình sẽ làm trước đây. Chị từng nghĩ, điều đó là không cần thiết. Chị từng tin cảm nhận chủ quan của cá nhân mình khi ở gần anh mới là yếu tố quan trọng nhất, có một điều mà chị đã quên, rằng con người là một sinh vật viễn thị, đại đa số những sự vật, sự việc, và cả con người, nếu muốn nhìn thật rõ, chúng ta buộc phải đứng xa một chút. Lâu nay chị chỉ tập trung vào việc kéo gần khoảng cách với Frank, để rồi quên đi điều cần thiết không kém là nhìn anh ấy ở khoảng cách xa hơn, khách quan hơn, từ góc nhìn của một người không hề có chút thiên vị tình cảm nào dành cho anh, chị quan sát anh ấy, và nhận ra anh ấy gần như trái ngược hoàn toàn với hình tượng mà chị vẽ trong đầu.
Frank hóa ra không phải một chàng trai cổ điển thích những cuốn tiểu thuyết kinh điển, không phải kiểu người thông minh uyên bác say sưa nói về khoa học, anh không biết chơi đàn dương cầm, không am hiểu nhạc kịch Shakespeare, tính cách của anh không phải lúc nào cũng ôn hòa, điềm tĩnh. Hóa ra, tất cả đều là do trí tưởng tượng của chị dệt thành, Frank chỉ là một người đàn ông 26 tuổi bình thường, thích uống bia trong cốc lớn, hút rất nhiều thuốc vào buổi tối, tham gia vào nhiều bữa tiệc đêm ồn ào kéo dài đến tận sáng và thường xuyên đăng tải hình ảnh cũng như dòng trạng thái tỏ ra bản thân vô cùng sâu sắc để thu hút các cô gái mộng mơ. Hóa ra, Frank nói rằng anh cảm thấy một người con gái cổ điển, thích suy tư và sống nội tâm như chị rất đặc biệt, đều chỉ là những lời khen ngợi xã giao lấy lòng. Sau này, khi chị bắt đầu mở rộng phạm vi mối quan hệ, gặp gỡ và trò chuyện cùng những người bạn đã từng được Frank phụ trách hướng dẫn, chị mới biết rằng đối với mỗi đối tượng khác nhau, anh ấy sẽ dành cho họ những mỹ từ khác nhau. Có thể anh không định tán tỉnh họ, anh ta chỉ muốn họ được vui lòng, nhưng điều đó càng khiến chị tin rằng, chị không phải người đặc biệt duy nhất, và hơn thế, chị cũng không còn muốn là người đặc biệt duy nhất của một chàng trai sẵn sàng nói lời ngọt ngào với bất cứ cô gái nào tiếp xúc gần anh ta.
Chị nhận ra rằng, sai lầm lớn nhất của chị chính là đã đem lòng yêu thích ảo ảnh tươi đẹp mà chị tự mình vẽ ra về Frank. Frank mà chị yêu, không phải Frank thật mà chỉ là Frank trong trí tưởng tượng của chị. Cho nên khi phát hiện ra anh ấy không giống như những gì mình nghĩ, chị mới bị sốc, bị hụt hẫng và thất vọng đến thế. Hiểu được điều này, chị cảm thấy bản thân trưởng thành hơn và cũng mạnh mẽ hơn.”
Kỳ thực, tôi tin rằng trong tim tất cả chúng ta đều sẽ nuôi nấng một sự kỳ vọng – dù ít hay nhiều – về người mà chúng ta yêu thích. Sự kỳ vọng đó đến từ niềm tin rằng chúng ta đã ở rất gần họ, đã thật sự hiểu họ, đã nhìn thấy những điểm tốt nhất ở họ, những điểm khiến chúng ta rung động và yêu thích họ mỗi lúc một nhiều hơn. Tuy nhiên, không phải tất cả những điểm tốt ấy đều chính xác. Không có bất cứ điều gì đảm bảo rằng họ đúng là kiểu người mà bạn nghĩ, hoặc dù cho đúng như vậy, cũng không có gì chắc chắn họ sẽ vĩnh viễn là kiểu người đó, mãi không thay đổi theo thời gian.
Điều cần làm khi bắt đầu yêu thích một người, tuyệt đối không phải cố gắng tô vẽ cho hình ảnh của họ thật đẹp, thật lung linh, thật hoàn hảo, đáp ứng được đầy đủ những kỳ vọng trong lòng chúng ta, mà trước hết, cần phải xuất phát từ quá trình tìm hiểu khách quan, đồng thời cân nhắc liệu bản thân có thể chấp nhận cả những mặt tích cực lẫn tiêu cực của đối phương hay không. Suy cho cùng, sẽ không một ai trách cứ bạn nếu như một ngày bạn dừng thích một người vì phát hiện ra tính cách họ không phù hợp với bạn, những việc họ làm không còn khiến bạn cười vui, và những lời họ nói không còn trở thành động lực, thắp sáng một ngày đầy mỏi mệt của bạn nữa. Tuy nhiên, nếu như bạn ngừng thích một người sau khi phát hiện ra họ không giống như những gì bạn kỳ vọng, thì xin thứ lỗi, tôi phải nói rằng, nỗi thất vọng bạn phải chịu khi ấy, là do chính bạn, cùng những ảo tưởng của bạn, mà có.
Cách duy nhất để không rơi vào nỗi thất vọng khi yêu là gì? Đơn giản thôi: đừng ảo tưởng. Ảo tưởng có thể biến thành ảo giác bất cứ lúc nào, nhất là khi mà bạn đang mất đi phòng bị của mình. Quá nhiều mơ mộng, quá nhiều sự tưởng tượng áp đặt lên một người, lâu dần sẽ khiến bạn nảy sinh cảm giác họ thật sự là người như vậy. Sau đó bạn đối xử với họ như thể họ chính là người như vậy, bạn áp lên họ những chuẩn mực của riêng bạn, kỳ vọng họ sẽ không làm bạn thất vọng. Tiếc thay, đối với những chuyện tình yêu được xây dựng bằng ảo tưởng như thế, kết quả đều sẽ chẳng dẫn đi đến đâu.
Tôi vui mừng vì Joyce đã kịp thời lùi ra xa một vài bước để nhìn rõ hơn chàng trai lý tưởng của mình, kịp thời dừng lại và cho bản thân cơ hội cân nhắc một lần nữa sự khác nhau giữa con người thật và hình ảnh tưởng tượng trong tâm trí mình. Không có điều gì tốt hơn đối mặt với thực tại, nó có thể sẽ khiến bạn hụt hẫng và chán nản không ít, thậm chí gây ra cho bạn một vài vết thương khó lành. Tuy nhiên, cũng chính những tổn thương ấy giúp bạn rút ra kinh nghiệm và trở nên mạnh mẽ hơn, biết cách chấp nhận sự thật với tâm thế bình tĩnh, thản nhiên, và nhìn nhận mỗi người bạn gặp, lẫn mỗi người bạn yêu, dưới góc nhìn khách quan nhất. Đó cũng chính là cách để thể hiện sự tôn trọng đối với bản ngã và con người thật của những mối quan hệ bạn đang có trong đời.
Joyce thân thương, em chỉ muốn nói rằng, con người không hoàn toàn là một sinh vật viễn thị. Chị không cần phải đứng thật xa mới có thể nhìn thấu được một ai đó. Đôi khi, ngay từ lúc bắt đầu, chị nên thử đứng gần hơn, để tiếp xúc với họ, để hiểu được con người thật của họ, và chấp nhận họ bằng tất cả trái tim của mình.