Tào đại ca tên thật là Tào Vô Thương, quê Đường Sơn (tỉnh Hà Bắc), mặt dài thuỗn, năm nay 42 tuổi. Tào Vô Thương lên Bắc Kinh đã 5 năm, chuyên mổ vịt ở chợ đầu mối ngoại ô phía đông Bắc Kinh. Lò vịt của Tào Vô Thương không phải nhỏ, cỡ hơn 40 mét vuông, trước đây là hàng rửa xe ô tô. Sau chuyển sang lò vịt, tận dụng luôn hệ thống ống nước đã có sẵn. Đường Sơn nuôi rất nhiều vịt. Bắc Dương Điện (tỉnh Hà Bắc) cũng nuôi nhiều vịt. Các huyện Hoài Nhu, Mật Vân (Bắc Kinh) cũng là những cơ sở nuôi vịt quy mô lớn. Lúc đầu, Tào Vô Thương chỉ mổ vịt Bắc Dương Điện, sau mổ vịt Đường Sơn. Rồi thì vịt Hoài Nhu, vịt Mật Vân, gã mổ tuốt. Nhưng tấm biển treo ngoài cửa vẫn luôn đề là "Vịt cỏ Bạch Dương Điện". Tào Vô Thương bị bệnh mắt hột, thanh manh, sau lại bị đục thủy tinh thể, nhìn không rõ người và vật cách xa ngoài mươi bước. Đại để, giống với căn bệnh của ông cậu Lưu Nhảy Vọt là Ngưu Được Cỏ ở nhà tù Hà Nam. Thế, nên lần đầu gặp Tào Vô Thương, Lưu Nhảy Vọt đã cảm thấy như thân thiết, gần gũi lắm. Nếu như Tào Vô Thương chỉ mổ vịt, bán vịt mổ sẵn, thì y vĩnh viễn là Tào Vô Thương. Nhưng vẻn vẹn chỉ trong 5 năm, y đã trở thành thủ lĩnh của đám trộm cắp ở ngoại ô phía đông Bắc Kinh. Lúc ấy, y không còn là Tào Vô Thương, mà là Tào đại ca. Dân chôm chỉa đều biết Tào đại ca, nhưng không hề biết tới Tào Vô Thương. Từ thuở bé đến giờ, Tào Vô Thương chưa một lần ăn cắp. Kể cả bây giờ, muốn ăn cắp cũng đã quá muộn. Thì đấy! Mắt mũi lèm nhèm, đến hình người to lù lù trông còn chả rõ, "tăm" đồ thế quái nào được. Ấy vậy, nhưng một gã mắt mờ vẫn có thể cai quản cả một lũ sáng mắt, chân tay nhanh như chảo chớp. Lò vịt của Tào Vô Thương trở thành trại huấn luyện và đại bản doanh của đám trộm cắp. Thế nhưng, ngày ngày, Tào đại ca vẫn điềm nhiên mổ vịt. Dường như, với y, cai quản bọn trộm cắp chỉ là việc nhân tiện thì làm. Năm năm trước, lúc lên Bắc Kinh, Tào đại ca không hề dính dáng đến bọn trộm cắp. Nhưng, trộm Đường Sơn vốn nổi tiếng thiên hạ. Mấy tay đồng hương, lúc rỗi việc, thường qua lò vịt của Tào chơi. Dân trộm cắp thường xảy ra các cuộc thanh toán, sát phạt nhau liên quan đến chuyện làm ăn và địa bàn hoạt động. Tào nhiều lần phải đứng ra hòa giải. Có mấy bận sắp xảy ra đổ máu đến nơi, nhưng nhờ có Tào khuyên giải, can qua lại chuyển thái bình. Dân trộm cắp đều rất phục Tào. Về sau, mỗi khi xảy ra chuyện đổ máu, bọn chúng đều tìm đến Tào nhờ can thiệp. Tào trở thành thủ lĩnh của bọn trộm cắp lúc nào không hay. Địa bàn hoạt động dần dần mở rộng. Bọn trộm cắp các địa phương khác bắt đầu tranh giành lợi ích với đám trộm Đường Sơn Hà Bắc. Nhưng, bọn trộm nơi khác đều là đơn thương độc mã hoặc đánh đấm vu vơ, lại không có sự trợ giúp của một cao thủ như Tào đại ca. Trong khi, Tào đại ca có biệt tài của một vị tướng "ngồi trong màn trướng, quyết thắng ngoài nghìn dặm". Sau vài lần thanh toán, thôn tính, địa bàn của bọn trộm Đường Sơn ngày càng rộng. Bọn trộm nơi khác hoặc như rắn mất đầu, hoặc chia đàn xẻ nghé, hoặc gia nhập băng nhóm của Tào đại ca. Thế lực của Tào đại ca ngày càng mạnh. Lúc này, Tào đại ca mới lộ rõ chân tướng. Té ra, hồi ở Đường Sơn, y không phải là anh mổ vịt, mà là sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, một phần tử trí thức hẳn hoi. Tào vốn dạy học ở một trường trung học ngoại ô Đường Sơn. Nhưng sau vì mắc bệnh đau mắt hột, thanh manh, rồi lại bị đục thủy tinh thể, không nhìn thấy bảng, thấy học sinh, đành phải bỏ trường, làm anh bán cá ở chợ đầu mối Đường Sơn. Tào bán cá mè, cá trắm, cá trôi, cá rô. Y nuôi một con sáo, suốt ngày dạy nó nói. Tào nói giọng Đường Sơn, con sáo cũng nói giọng Đường Sơn. Ở nhà, Tào dạy sáo toàn lời hay ý đẹp, chẳng hạn: "Bác đến chơi ạ?", "Bác ăn chưa?", "Chúc mừng phát tài"…. Nhưng sau này, Tào đưa nó đến chợ đầu mối. Ở đây, người đông lời tạp, con sáo lại biết nói thêm những câu tục tĩu: "Đ. mẹ mày", "Thích ăn đòn à?", "Chết mẹ mày đi"…. Con sáo rất quấn Tào. Tào không sợ sáo bỏ đi, nên không nhốt nó trong lồng, mà để nó tự do bay nhảy quanh hàng cá. Hôm ấy, Tào ra ngoại thành nhập cá. Vợ Tào và con sáo bán cá ở chợ. Chợ đầu mối có tay Trương bán hàng rang. Vợ Trương đến mua cá. Vì chuyện cân tươi, cân mát, vợ Trương và vợ Tào cãi nhau òm tỏi. Sáo thấy có người cãi nhau với người nhà mình, liền vung vít tịt mẹt:
- Đ. mẹ mày!
- Thích ăn đòn à?
- Chết mẹ mày đi.
Vợ Trương thấy con sáo hỗn, dám chửi mình, liền chồm tới đánh. Nhưng con sáo bay mất, vợ Trương bị trượt chân, ngã oạch mông xuống vũng nước trước bể cá. Ả cáu tiết, lồm cồm bò dậy, vớ lấy chiếc thớt Tào vẫn dùng để mổ cá, đập tan bể cá thủy tinh nhà Tào. Bao nhiêu cá mè, cá trắm, cá trôi, cá rô giãy đành đạch dưới đất. Vợ Tào tức quá, lao vào, vật vợ Trương ngã quay đơ xuống đất rồi cưỡi lên ả, giáng tiếp cho ả mấy cái bạt tai rõ kêu. Đúng lúc ấy, Trương xuất hiện. Gã túm tóc vợ Tào, tát mấy cái trả nợ cho vợ. Chưa hết, gã còn dùng vợt cá bắt được con sáo, rồi vặn gãy cổ nó. Vừa lúc Tào đi nhập cá về. Kẻ khác đập vỡ bể cá, y không tức. Kẻ khác đánh vợ mình, y cũng không tức. Nhưng kẻ khác dám bẻ cổ con sáo, thì y cáu tiết quá. Tào vớ luôn chai rượu phang vào Trương. Vốn chỉ là để trút giận, không muốn đánh người bị thương. Nhưng vì mắt mũi lèm nhèm, không nhìn thấy gì, nên chiếc chai cứ thiên nhiên đập trúng đầu Trương. Trương rú lên một tiếng rồi ngã vật xuống đất. Máu trên đầu tuôn ra "phì phì". Tào tưởng mình đã gây ra án mạng, nhân lúc mọi người nhốn nháo, dắt vợ con chuồn khỏi chợ đầu mối, đi suốt đêm đến Bắc Kinh lánh nạn, rồi mở một lò vịt ở chợ đầu mối ngoại ô phía đông Bắc Kinh. Một tháng sau, nghe tin gã Trương bán hàng rang ở Đường Sơn không chết, chỉ mất một bát máu. Vợ con Tào nhặng lên đòi về Đường Sơn. Nhưng sau một tháng ở Bắc Kinh, Tào thấy ở đây còn khoái hơn cả Đường Sơn, liền đuổi vợ con về, một mình y ở lại Bắc Kinh tiếp tục giết mổ vịt. Vốn chỉ định giết mổ mấy con vịt ranh, nào ngờ, vô tình trở thành thủ lĩnh của đám trộm cắp. Hồi không làm thủ lĩnh, Tào chỉ nghĩ đến chuyện giết mổ vịt. Nhưng sau làm thủ lĩnh, dần dà, Tào như tìm thấy một cảm giác khác. Trước khi hỏng mắt, Tào rất chăm chỉ đèn sách. Đọc nhiều, nên cũng mang hoài bão lớn. Đọc "Sử ký", y thấy mình giống Trương Lương. Đọc "Tam quốc", thấy mình giống Khổng Minh. Đọc "Thủy Hử", thấy mình giống Ngô Dụng. Ngô Dụng vốn cũng là một anh giáo làng. Học nhiều, đọc nhiều, lại ngao ngán than thở, rằng mình sinh không hợp thời. Tốt nghiệp cao đẳng xong, chỉ được làm một anh giáo gõ đầu bọn nhóc bướng bỉnh. Lúc anh giảng bài, đám học sinh cơ hồ như đã hiểu rồi, nhưng sau đó lại cơ hồ như không hiểu. Sau, đi bán cá ở chợ đầu mối, chẳng có ai nói chuyện, nên mới nuôi một con sáo làm bạn. Cũng may, nhờ choảng nhau với người đời, Tào mới có dịp đến Bắc Kinh, giết mổ vịt, nhập băng trộm cắp, khiến bậc anh hùng cuối cùng cũng có đất dụng võ. Không sinh vào thời loạn lạc, thì chẳng thể nào làm nên nghiệp lớn. Đành cùng đám trộm vặt đi chiếm lấy cho mình một vùng trời riêng. Động cơ của bọn trộm là tiền. Nhưng việc Tào lên lãnh đạo chúng lại không hẳn vì tiền. Cùng là mắt kém, nhưng sự khác nhau giữa Tào và ông cậu Ngưu Được Cỏ của Lưu Nhảy Vọt ở chỗ: Năm xưa, khi Ngưu Được Cỏ đi ngoài đường, người quen dám xông đến làm động tác cắt cổ ông ta. Nhưng khi Tào đi ngoài đường, không đến mức tiền hô hậu ủng, nhưng chí ít cũng phải có vài đàn em dẫn đường. Hàng ngày, bán vịt xong, Tào lại cùng đám đàn em chơi mạt chược. Do mắt nhìn không rõ, nên khi sờ lấy một quân mạt chược, Tào phải gí nó sát mắt, nhìn rõ lâu. Nếu là người khác ở chỗ khác, thể nào 3 người cùng chơi cũng phát cáu. Thế nhưng, đám đàn em của Tào không những không sốt ruột, còn tranh nhau nói:
- Đại ca cứ bình tĩnh.
Hoặc:
- Đại ca, em đang thiếu con 3. Đừng có đánh con 3 đấy nhé!
Tào đại ca có được như ngày hôm nay, suy cho cùng, cũng là nhờ con sáo. Đợi mọi việc sắp đặt xong xuôi đâu vào đấy, Tào đại ca lại nuôi một con sáo. Không muốn để sáo học điều bậy bạ, lần này, sau khi dạy sáo nói, Tào liền dùng sáp bịt tai sáo lại, rồi nhốt nó vào lồng. Bởi vậy, con sáo chỉ nói, chứ không nghe được. Gặp người đến chơi, sáo vĩnh viễn chỉ nói 3 câu: "Rồi đâu khắc có đó", "Dĩ hòa vi quý", "Vất vả quá".
Ngày trước, Tào viết bút lông rất đẹp. Gã viết một đôi câu đối, dán lên hai bên bờ tường lò vịt:
Ngọn đèn nhỏ thắp sáng nghìn năm tăm tối
Bầu trí tuệ xóa sạch ngu muội vạn năm
Đám đàn em xem xong, mù tịt. Chẳng đứa nào khen, cũng chẳng đứa nào chê. Câu đối cứ treo mãi ở đó.
Hàn Thắng Lợi dẫn Lưu Nhảy Vọt đi xuyên qua khu chợ đầu mối đến lò vịt của Tào. Tào đang ngồi trên ghế Thái sư, giương kính lúp đọc báo. Được vài dòng, lại lấy giấy vệ sinh lau nước mắt lèm nhèm do bệnh mắt hột. Một tên mập còn ít tuổi đang mổ vịt ở góc tường. Nhìn biết ngay là lính mới, vừa đến lò vịt. Khi chọc tiết vịt, nó quay mặt ra đằng sau. Lưỡi dao vừa đâm vào, cổ vịt tóe phụt máu. Con vịt giãy dụa, làm máu không phun vào chiếc chậu nhựa đặt đưới đất, mà vọt thành hình cầu vồng, bắn lên tường. Tên Tiểu Mập hoảng quá, vội ấn đầu con vịt xuống. Nào ngờ, tia máu đổi hướng, phụt thẳng vào tờ báo của Tào, vấy cả lên tay Tào. Trong lò vịt có một tên đầu trọc đang xem ti vi. Ti vi đang chiếu cảnh các cô người mẫu khoe cặp chân trần rõ dài. Tên đầu trọc tạm gác các cô người mẫu sang một bên, sấn tới đá Tiểu Mập:
- Mẹ kiếp, lần này thì mày sáng mắt ra rồi chứ? Giết vịt không nên hồn, còn đòi ra phố?
Tào không hề tỏ ra bực tức. Y quẳng tờ báo xuống, lấy giấy vệ sinh vẫn dùng để lau nước mắt lèm nhèm do bệnh đau mắt hột lau vệt máu trên tay, thủng thẳng:
- Muốn sớm ra phố, kể cũng tốt.
Rồi từ tốn hỏi tên Tiểu Mập:
- Hồng Lượng, trên phố toàn những gì?
Tiểu Mập tên thật là Hồng Lượng. Nó ngẩn tò te, nghĩ ngợi giây lát rồi trả lời:
- Người ạ.
Tào than:
- Đấy là mẹ chú dạy thế. Còn anh nói cho chú biết, trên phố toàn sói thôi.
Tên đầu trọc nhổ một bãi nước miếng vào Tiểu Mập:
- Mày ra ngoài, nó xơi tái mày ngay!
Tiểu Mập không dám nói năng gì, lại ra lồng bắt vịt. Vịt trong lồng hoảng hốt kêu "quạc quạc". Hàn Thắng Lợi không dám vào trong ngay, gọi với từ ngoài cửa:
- Đại ca đang bận à.
Tào trông không rõ ngoài cửa. Nhưng có vẻ như y không quen biết lắm với Hàn Thắng Lợi, vì không nhận ra giọng của hắn. Tào ngoái đầu ra cửa:
- Ai đấy?
- Em, Thắng Lợi đây. Thắng Lợi Hà Nam.
Tào dường như đã nhớ ra:
- Chú đến chơi đấy à.
- Đại ca, em có việc muốn trình với đại ca. Một người bà con của em bị rơi một chiếc túi ở Từ Vân Tự. Em nghĩ, chỗ đó đều là người của đại ca.
Tào có vẻ không vui, nhíu mày:
- Không phải người của anh, nhưng là đồng hương, biết nhau cả.
Rồi cầm một tờ báo khác lên, lấy kính lúp xem tiếp, không để ý đến khách. Hàn Thắng Lợi và Lưu Nhảy Vọt có phần lúng túng. Mấy con vịt vừa bị giết khi nãy vẫn đang giãy dụa trên sân. Tên đầu trọc túm lấy chúng, thẳng tay quẳng vào máy vặt lông. Nước nóng trong máy vặt lông bốc khói nghi ngút. Tên đầu trọc đẩy cầu dao điện, chiếc máy vặt lông quay tít. Lúc này, tên đầu trọc mới phủi tay, đến bên cửa:
- Trong túi có bao nhiêu tiền?
Hàn Thắng Lợi:
- Dạ, bốn nghìn mốt.
Lưu Nhảy Vọt đang đứng sau Hàn Thắng Lợi nói với theo:
- Tôi tìm túi không phải vì tiền, mà vì một tín vật trong đó.
Rồi vội tiếp lời:
- Đứa ăn trộm của tôi, trên mặt nó có một vết chàm màu xanh.
Tên đầu trọc họ Thôi chẳng thèm để ý đến mấy lời huyên thuyên của Lưu Nhảy Vọt:
- Đặt cọc một nghìn tệ!
Hàn Thắng Lợi đưa mắt nhìn Lưu Nhảy Vọt. Lưu Nhảy Vọt đứng ngây như phỗng. Gã không ngờ, mình mất túi, muốn tìm, lại phải nộp tiền. Nhưng nghĩ lại, đoán đây chắc là luật lệ trong nghề, nên không dám hỏi thêm, vội vàng lôi tiền từ trong túi ra. Nhưng, lấy đâu ra tiền chẵn, chỉ còn toàn tiền lẻ loại năm tệ, mười tệ. Gom hết vẫn chưa đủ một trăm tệ. Thôi Đầu trọc chau mày:
- Muốn tìm thật hay tìm giả vờ?
Lưu Nhảy Vọt cuống quýt:
- Anh ạ, trên người tôi có đúng ngần này. Bây giờ, tôi sẽ về vay tiền để nộp lại anh.
Lúc này, Tào ngẩng mặt khỏi tờ báo, nhìn ra cửa định nói điều gì đó. Con sáo trong lồng treo phía trên đầu gã vừa nãy còn ngủ. Bây giờ đã tỉnh, véo von:
- Vất vả quá!
Tào nhìn con sáo, gật đầu:
- Chính thế.
Thôi Đầu trọc nhận tiền, rồi lại đi xem tivi. Lưu Nhảy Vọt vội hướng vào trong lò vịt, dường như để nói với con sáo, mà cũng như để nói với Tào:
- Xin đa tạ, đa tạ.