C
húc ông buổi sáng tốt lành, ông Guinzburg,” Sefton Jelks nói trong khi đứng dậy từ sau bàn làm việc của ông ta. “Quả thực là một hân hạnh khi được gặp người đã xuất bản tác phẩm của Dorothy Parker(1) và Graham Greene(2).”
(1) Dorothy Parker (1893 - 1967): nữ nhà thơ, nhà văn chuyên viết chuyện ngắn và trào phúng người Mỹ
(2) Henry Graham Greene (1904 - 1991): nhà văn, nhà soạn kịch người Anh.
Guinzburg hơi cúi đầu trước khi bắt tay Jelks.
“Và cô Barrington,” Jelks quay sang Emma nói tiếp. “Thật vui biết mấy được gặp lại cô. Vì giờ đây tôi không còn đại diện cho ông Lloyd, tôi hy vọng chúng ta có thể là bạn.”
Emma cau mày, ngồi xuống mà không bắt bàn tay Jelks đang chìa ra.
Sau khi cả ba người đã yên vị, Jelks nói tiếp. “Có lẽ tôi có thể bắt đầu cuộc gặp gỡ này bằng việc nói rõ tôi nghĩ sẽ có ích cho cả ba chúng ta cùng ngồi lại trao đổi một cách thẳng thắn và cởi mở để xem có khả năng đi tới một giải pháp cho vấn đề của chúng ta hay không.”
“Vấn đề của ông,” Emma chen vào ngắt lời.
Ông Guinzburg hơi bĩu môi, song không nói gì.
“Tôi tin chắc,” Jelks nói tiếp, tập trung sự chú ý vào Guinzburg, “rằng ông sẽ muốn làm những điều tốt nhất cho tất cả các bên có liên quan.”
“Và lần này sẽ bao gồm cả Harry Clifton chứ?” Emma hỏi.
“Vâng, cô Barrington,” Jelks nói, “bất cứ thỏa thuận nào chúng ta có thể đạt được chắc chắn sẽ bao gồm cả ông Clifton.”
“Giống như ông đã làm lần trước, khi ông quay lưng bỏ đi đúng lúc anh ấy cần đến ông nhất, phải không ông Jelks?”
“Emma,” Guinzburg lên tiếng đầy trách móc.
“Cô Barrington, tôi thấy cần làm rõ là tôi chỉ đơn giản là thực thi các chỉ dẫn của thân chủ. Ông bà Bradshaw đều cam đoan với tôi người đàn ông tôi đang bào chữa chính là con trai họ, và tôi chẳng có lý do nào để tin khác đi. Và tất nhiên tôi cũng đã ngăn để Tom không bị kết án vì…”
“Và sau đó ông bỏ mặc Harry tự xoay xở một mình.”
“Để biện hộ cho bản thân, cô Barrington, tôi xin nói khi cuối cùng tôi phát hiện ra Tom Bradshaw trên thực tế là Harry Clifton, anh ấy đã cầu xin tôi giữ kín chuyện, vì anh ấy không muốn cô phát hiện ra anh ấy vẫn còn sống.”
“Đó lại không phải là những gì Harry đã kể về chuyện đã xảy ra,” Emma nói, và cô có vẻ lập tức hối hận vì những lời này khi vừa kịp nói xong.
Guinzburg không hề tìm cách che giấu vẻ bất bình của mình. Ông ta trông giống như một người ý thức được quân bài tẩy của mình đã bị đánh ra quá sớm.
“Tôi hiểu rồi,” Jelks nói. “Từ màn trách móc nho nhỏ vừa rồi, tôi đoán chắc cả hai vị đã đọc qua tập ghi chép về giai đoạn trước?”
“Từng từ một,” Emma nói. “Vì thế ông có thể thôi giả bộ như ông đã chỉ làm những gì tốt nhất cho Harry.”
“Emma,” Guinzburg nghiêm khắc nói, “cô cần phải học cách không nhìn nhận sự vật từ góc độ quá cá nhân, và cố gắng nghĩ tới bức tranh toàn cảnh hơn.”
“Có phải đó là bức tranh nơi một luật sư hàng đầu New York kết thúc bằng cảnh ngồi tù sau khi ngụy tạo bằng chứng và bẻ cong công lý không?” Emma nói, mắt không rời khỏi Jelks.
“Tôi xin lỗi, ông Jelks,” Guinzburg nói. “Cô bạn trẻ của tôi đang quá xúc động khi nhắc tới…”
“Lại còn không à,” Emma nói, gần như hét lên, “bởi vì tôi có thể nói với ông chính xác những gì người này” - cô chỉ tay vào Jelks - “hẳn đã làm nếu Harry bị lôi lên ghế điện. Ông ta sẽ tự tay đóng cầu dao nếu nghĩ việc đó có thể bảo vệ được thể diện của ông ta.”
“Thật quá đáng,” Jelks thốt lên, đứng bật dậy khỏi chỗ ngồi của ông ta. “Tôi đã chuẩn bị sẵn một đơn kháng cáo chắc chắn sẽ khiến bồi thẩm đoàn không còn chút nghi ngờ nào về việc cảnh sát đã bắt nhầm người.”
“Vậy ngay từ đầu ông đã luôn biết đó là Harry,” Emma nói, ngồi lại xuống ghế của cô.
Jelks nhất thời bị choáng váng trước lời trách cứ của Emma. Cô tận dụng sự im lặng của ông luật sư.
“Hãy để tôi cho ông biết những gì sắp xảy ra, ông Jelks. Khi Viking xuất bản tập nhật ký đầu tiên của Harry vào mùa xuân, không chỉ danh tiếng của ông sẽ tan tành và sự nghiệp của ông bị hủy hoại, mà, cũng giống như Harry, ông sẽ được tự mình trải nghiệm cuộc sống ở Lavenham là như thế nào.”
Jelks tuyệt vọng quay sang Guinzburg. “Tôi vẫn nghĩ mối quan tâm của cả hai bên là cùng tìm đến một thỏa thuận thân thiện trước khi toàn bộ vụ việc này vượt khỏi tầm kiểm soát.”
“Ông đang có ý gì, ông Jelks?” Guinzburg hỏi, cố gắng tỏ vẻ hòa giải.
“Ông không định dành cho kẻ lừa đảo này đường thoát thân đấy chứ?” Emma lên tiếng.
Guinzburg giơ một bàn tay lên. “Điều tối thiểu chúng ta có thể làm, Emma, là nghe ông ấy nói hết đã.”
“Giống như ông ta đã nghe Harry nói hết chứ gì?”
Jelks quay sang Guinzburg. “Nếu ông cảm thấy có thể không xuất bản phần nhật ký viết về giai đoạn trước đó, tôi có thể đảm bảo với ông sẽ đền bù cho ông xứng đáng.”
“Thật không thể tin ông đang nghiêm túc cân nhắc lời đề nghị này,” Emma nói.
Jelks tiếp tục nói với Guinzburg như thể Emma không hề có mặt trong phòng. “Tất nhiên, tôi biết ông sẽ phải chịu mất một khoản tiền đáng kể nếu quyết định không tiếp tục việc xuất bản.”
“Nếu nói đến Nhật ký một tù nhân,” Guinzburg nói, “sẽ là trên một trăm nghìn đô la.”
Con số chắc chắn phải làm Jelks ngạc nhiên, vì ông ta không trả lời.
“Và còn cả hai mươi nghìn đô la ứng trước đã được trả cho Lloyd,” Guinzburg nói tiếp. “Số tiền đó sẽ phải được bồi hoàn cho ông Clifton.”
“Nếu Harry có mặt ở đây, anh ấy sẽ là người đầu tiên nói với ông rằng anh ấy không quan tâm đến số tiền, ông Guinzburg, mà chỉ quan tâm tới việc đảm bảo con người kia phải ngồi tù.”
Guinzburg trông có vẻ kinh hoàng. “Công ty của tôi không xây dựng danh tiếng của mình trên việc ăn theo những chuyện tai tiếng, Emma, vì thế trước khi tôi đưa ra quyết định cuối cùng về việc liệu có xuất bản tập nhật ký đó hay không, tôi sẽ phải cân nhắc xem liệu những tác giả danh tiếng hơn của tôi sẽ phải ứng thế nào với một ấn phẩm như thế.”
“Ông thật sáng suốt, ông Guinzburg. Danh tiếng là tất cả.”
“Làm thế nào ông biết được?” Emma hỏi.
“Trong khi chúng ta đang đề cập tới chủ đề những tác giả danh tiếng hơn,” Jelks nói tiếp với giọng có chút kênh kiệu, tảng lờ việc bị ngắt lời, “có thể các vị cũng biết công ty tôi có hân hạnh được đại diện quyền lợi cho F. Scott Fitzgerald(1).” Ông ta ngả người ra sau trên ghế. “Tôi còn nhớ rất rõ Scotty từng nói với tôi nếu phải thay đổi nhà xuất bản, ông ấy sẽ muốn chuyển sang Viking.”
(1) Francis Scott Fitzgerald (1896 - 1940): nhà văn Mỹ, nổi tiếng nhất với tiểu thuyết Gasby Vĩ Đại.
“Ông không định bị mắc câu vì mấy lời đó chứ, phải không nào?” Emma hỏi.
“Emma thân mến, có những lúc nhìn xa trông rộng sẽ là khôn ngoan hơn.”
“Ông đang nghĩ tới nhìn xa đến đâu? Sáu năm chăng?”
“Emma, tôi chỉ đang làm điều tốt nhất cho lợi ích của tất cả mọi người.”
“Theo như tôi thấy, những gì ông đang làm rốt cuộc sẽ phục vụ tốt nhất cho lợi ích của ông. Bởi vì sự thật là một khi đã dính đến tiền bạc, ông cũng chẳng khá hơn gì ông ta,” cô nói, đồng thời chỉ tay về phía Jelks.
Guinzburg có vẽ bị tổn thương trước lời buộc tội của Emma, nhưng rồi nhanh chóng trấn tĩnh. Ông ta quay sang người luật sư và hỏi, “Ý định của ông là gì, ông Jelks?”
“Nếu ông đồng ý không xuất bản tập nhật ký thứ nhất dưới bất cứ hình thức nào, tôi sẽ rất vui lòng đền bù số tiền tương đương ông đã thu được từ Nhật ký một tù nhânvà, thêm vào đó, tôi sẽ hoàn lại đủ hai mươi nghìn đô la ông đã ứng trước cho ông Lloyd.”
“Sao ông không đơn giản chỉ hôn lên má tôi thôi, ông Guinzburg,” Emma nói, “và như thế ông ta sẽ biết cần đưa ba mươi đồng bạc(1) cho ai.”
(1) Emma ám chỉ chuyện Judas bán Chúa lấy 30 đồng bạc để trách Guinzburg phản bội cô.
“Còn về Fitzgerald?” Guinzburg hỏi, tảng lờ cô gái.
“Tôi sẽ dành cho ông quyền xuất bản các tác phẩm của F. Scott Fitzgerald trong thời gian năm mươi năm, với cùng điều kiện như nhà xuất bản hiện tại của ông ấy.”
Guinzburg mỉm cười. “Thảo hợp đồng đi, ông Jelks, và tôi sẽ rất vui mừng ký nó.”
“Và ông sẽ dùng biệt danh nào khi ký hợp đồng?” Emma hỏi. “Judas chăng?”
Guinzburg nhún vai. “Làm ăn là làm ăn, cô gái thân mến. Và cô cùng Harry sẽ không phải chịu thiệt.”
“Tôi rất mừng ông đã nhắc tới điều đó, ông Guinzburg,” Jelks nói, “vì tôi vẫn đang giữ một tấm séc mười nghìn đô la được viết để trả cho mẹ của Harry Clifton cũng khá lâu rồi, song vì chiến tranh nổ ra tôi không có cách nào chuyển nó cho bà ấy được. Cô Barrington, hy vọng cô vui lòng đưa nó cho bà Clifton khi cô trở về Anh.” Ông ta đưa tấm séc qua bàn.
Emma tảng lờ nó. “Ông sẽ chẳng bao giờ đã động đến tấm séc này nếu tôi không đọc được về nó trong tập nhật ký thứ nhất, khi ông hứa với Harry sẽ gửi cho bà Clifton mười nghìn đô la sau khi anh ấy đồng ý thế chỗ Tom Bradshaw.” Emma đứng dậy trước khi nói thêm, “Cả hai ông làm tôi kinh tởm, và tôi chỉ hy vọng sẽ không bao giờ phải gặp lại hai ông trong đời mình nữa.”
Cô đùng đùng bỏ ra khỏi phòng không nói thêm một lời nào, để tấm séc lại trên mặt bàn.
“Cô gái cứng đầu,” Guinzburg nói, “nhưng tôi tin chắc, chỉ cần có chút thời gian tôi sẽ thuyết phục được cô ta rằng chúng ta đã đi đến lựa chọn đúng đắn nhất.”
“Tôi cảm thấy tự tin, Harold,” Jelks nói, “về chuyện ông sẽ thu xếp ổn thỏa khúc mắc nho nhỏ này với tất cả sự khéo léo xã giao đã trở thành thương hiệu cho công ty đáng kính của ông.”
“Ông thật tử tế khi nhận xét hào phóng như thế, Sefton,” Guinzburg nói trong lúc đứng dậy khỏi ghế và cầm lấy tấm séc. “Và tôi sẽ đảm bảo để bà Clifton nhận được cái này,” ông nói thêm, đồng thời cất tấm séc vào trong ví.
“Tôi biết mình có thể trông cậy vào ông, Harold.”
“Chắc chắn vậy rồi, Sefton, và tôi rất nóng lòng được gặp lại ông, sau khi hợp đồng đã được soạn thảo.”
“Tôi sẽ có nó sẵn sàng từ nay đến cuối tuần,” Jelks nói trong khi hai người cùng nhau ra khỏi phòng và bước xuống hành lang. “Thật ngạc nhiên khi trước đây chúng ta chưa từng làm ăn với nhau.”
“Tôi cũng thấy thế,” Guinzburg nói, “song tôi có cảm giác đây mới chỉ là sự khởi đầu cho một mối quan hệ lâu dài và thành công.”
“Hãy hy vọng như thế,” Jelks nói khi hai người ra đến thang máy. “Tôi sẽ liên lạc với ông ngay khi hợp đồng sẵn sàng để ký kết,” ông ta nói thêm trong khi bấm nút gọi thang xuống.
“Tôi sẽ chờ tin ông, Sefton,” Guinzburg nói, rồi nồng nhiệt bắt tay Jelks trước khi bước chân vào thang máy.
Khi thang máy xuống đến tầng trệt, Guinzburg bước ra, và điều đầu tiên ông nhìn thấy là Emma đang đi thẳng về phía mình.
“Cô thật xuất sắc, cô gái thân mến của tôi,” ông nói. “Tôi phải thú thực trong một khoảnh khắc tôi đã tự hỏi liệu có phải cô đã đi có phần hơi quá xa với lời bình luận về ghế điện hay không, nhưng không, cô đã hạ gục được ông ta,” ông chủ nhà xuất bản nói thêm trong khi hai người tay trong tay rảo bước ra khỏi tòa nhà.
-o-
Emma dành phần lớn buổi chiều ngồi một mình trong phòng của cô đọc tập vở ghi nhật ký thứ nhất, trong đó Harry viết về quãng thời gian trước khi anh bị đưa tới Lavenham.
Trong khi cô lần giở từng trang và được nhắc nhở thêm lần nữa về những gì anh đã sẵn sàng dấn thân vào để giải thoát cho cô khỏi bất cứ ràng buộc nào khiến cô có thể cảm thấy còn mang nợ với anh, Emma đi đến kết luận nếu có lúc nào đó cô tìm lại được anh chàng ngốc thượng hạng này, anh sẽ không rời khỏi ánh mắt cô nữa.
Với sự chấp thuận của ông Guinzburg, Emma tham gia vào mọi khía cạnh của việc phát hành ấn bản được sửa đổi của Nhật ký một tù nhân, hay ấn bản đầu tiên, như cô luôn nhắc về nó. Cô tham dự các cuộc họp biên tập, trao đổi về phông chữ trên bìa sách với trưởng phòng mỹ thuật, lựa chọn bức ảnh sẽ được đưa lên bìa sau, viết lời giới thiệu về Harry cho bìa gấp trong và thậm chí còn phát biểu trong một hội nghị bán hàng.
Sáu tuần sau, từng thùng sách được chuyển đi từ nhà in bằng đường sắt, xe tải và máy bay tới các đầu mối phát hành trên khắp nước Mỹ.
Vào ngày phát hành, Emma đứng sẵn trên vỉa hè bên ngoài nhà sách Doubleday’s chờ mở cửa. Tối hôm ấy, cô đã có thể nói lại với bà cô Phyllis và chú Alistair rằng sách đang được bán rất chạy tại nhà sách. Bằng chứng khẳng định cho điều này xuất hiện dưới dạng bản danh sách những cuốn sách bán chạy nhất của The New York Times vào ngày Chủ nhật tiếp theo, khi ấn bản sửa đổi của Nhật ký một tù nhân xuất hiện trong mười vị trí đầu bảng chỉ sau một tuần bán ra.
Các nhà báo và chủ bút các tạp chí từ khắp nơi trong nước cố gắng tìm mọi cách để phỏng vấn Harry Clifton và Max Lloyd. Song người ta không thể tìm thấy Harry tại bất cứ nhà tù nào trên đất Mỹ, trong khi Lloyd, theo như lời của tờ The Times, không có mặt để đưa ra bình luận. Tờ The New York Times tỏ ra ít nhạt nhẽo hơn khi chạy dòng tít, LLOYD XA CHẠY CAO BAY.
Vào ngày phát hành, văn phòng của Sefton Jelks đưa ra một thông cáo chính thức cho hay công ty không còn đại diện cho Max Lloyd. Cho dù Nhật ký một tù nhângiành vị trí quán quân trên danh sách bán chạy nhất của The New York Times trong năm tuần tiếp theo, Guinzburg đã giữ đúng thỏa thuận với Jelks và không xuất bản bất cứ dòng nào từ tập nhật ký được viết trong giai đoạn trước đó.
Tuy vậy, Jelks quả thực có ký một hợp đồng dành cho Viking độc quyền phát hành bất cứ tác phẩm nào của F.Scott Fitzgerald trong vòng năm mươi năm tới. Jelks tin rằng ông ta đã tôn trọng phần của mình trong cuộc mặc cả, và rồi theo thời gian báo chí sẽ phát chán với câu chuyện này và chuyển sang chủ đề khác. Và rất có thể ông ta đã đúng nếu tạp chí Time không dành nguyên một trang đăng một bài phỏng vấn với thám tử mới nghỉ hưu Karl Kolowski của Sở Cảnh sát New York.
“Và tôi có thể nói với các vị,” lời của Kolowski đã được trích dẫn như sau, “cho tới giờ người ta mới chỉ xuất bản những phần chán ngắt. Hãy cứ đợi cho tới khi các vị được đọc những gì xảy ra với Harry Clifton trước khi anh ta tới Lavenham.”
Câu chuyện lên sóng phát thanh vào lúc khoảng 6 giờ chiều theo giờ miền Đông, và ông Guinzburg đã nhận được hơn một trăm cuộc gọi điện thoại khi ông này bước chân vào phòng làm việc của mình sáng ngày hôm sau.
Jelks đọc bài phỏng vấn trên tạp chí Time trong khi ông ta đang được đưa đến phố Wall. Khi ông ta bước ra khỏi thang máy trên tầng hai mươi hai, Jelks nhìn thấy ba trong số các thành viên cùng công ty đang đợi bên ngoài phòng làm việc của ông ta.