E
mma thức dậy sớm sáng hôm sau và hân hoan nói chuyện huyên thuyên với bà trẻ Phyllis trong bữa sáng về việc cô nóng lòng muốn được gặp lại Sebastian và gia đình mình đến thế nào. Bà Phyllis gật đầu, song chỉ nói rất ít.
Parker mang hành lý của Emma ra khỏi phòng của cô, chuyển chúng xuống thang máy và xếp ngoài tiền sảnh. Cô đã mua thêm hai chiếc túi từ khi tới New York. Liệu từng có ai quay về nhà với ít hành lý hơn lúc ra đi không? Cô tự hỏi.
“Ta sẽ không xuống dưới nhà đâu,” bà trẻ Phyllis sau vài lần cố nói lời tạm biệt. “Ta sẽ chỉ biến mình thành một kẻ ngốc mà thôi. Sẽ tốt hơn nếu cháu chỉ nhớ tới một cái rìu chiến cũ không muốn bị quấy rầy khi đang chơi bài bridge. Cháu yêu, lần sau khi đến thăm ta, hãy mang theo cả Harry và Sebastian. Ta muốn gặp người đàn ông đã chiếm trọn trái tim cháu.”
Một chiếc tắc xi bấm còi inh ỏi dưới phố.
“Đã đến lúc cháu phải đi rồi,” bà trẻ Phyllis nói. “Khẩn trương lên.”
Emma ôm hôn bà lần cuối, sau đó cô không quay đầu nhìn lại.
Khi cô bước ra khỏi thang máy, Parker đã đứng sẵn cạnh cửa trước đợi cô, các túi hành lý đã được cho hết vào trong cốp chiếc tắc xi. Ngay khi thấy cô, anh ta bước xuống vỉa hè và mở cửa sau chiếc tắc xi ra.
“Tạm biệt, Parker,” Emma nói, “và cảm ơn anh vì tất cả.”
“Rất vui được phục vụ cô, thưa cô.” anh ta đáp. Khi cô sắp chui vào trong xe, anh ta nói thêm, “Nếu cô không cảm thấy không thích hợp, tôi có thể bày tỏ vài lời được chứ?”
Emma quay lại, cố giấu sự ngạc nhiên của mình. ”Tất nhiên rồi, mời anh tự nhiên.”
“Tôi rất thích tập nhật ký của ông Clifton,” anh ta nói, “nên tôi hy vọng không bao lâu nữa cô sẽ trở lại New York cùng chồng.”
-o-
Chẳng mấy chốc, đoàn tàu đã vùn vụt chạy đi giữa cảnh đồng quê, và New York khuất dần phía sau, khi đoàn tàu đang hướng tới thủ đô. Emma nhận ra cô không thể đọc hay ngủ liên tục nhiều hơn vài phút mỗi lần. Bà trẻ Phyllis, ông Guinzburg, chú Alistair, ông Jelks, thám tử Kolowski và Parker, tất cả đều lần lượt xuất hiện rồi biến mất trong tâm trí cô.
Cô nghĩ tới những gì cần làm sau khi tới Washington. Trước hết, cô cần tới sứ quán Anh và ký một số giấy tờ để có thể lên cùng chuyến bay với ông đại sứ trở về London, như Rupert Harvey, ông chú họ đời thứ hai của cô, đã thu xếp. “Đừng có giễu cợt, cô nhóc,” cô có thể nghe thấy bà trẻ mình phê phán, rồi sau đó Emma chìm vào giấc ngủ. Harry xuất hiện trong giấc mơ của cô, lần này mặc quân phục, lúc mỉm cười, lúc cười phá lên, thế rồi cô giật mình tỉnh giấc, dường như trông đợi anh đang ở trong cùng toa tàu với mình.
Khi đoàn tàu vào ga Union sau tiếng sau, Emma đã gặp khó khăn thực sự khi phải loay hoay khuân hành lý của cô xuống ke ga, cho tới khi một người khuân vác, một thương binh chỉ còn lại một cánh tay, tới giúp cô. Anh này tìm cho cô một chiếc tắc xi, cảm ơn cô về món tiền thưởng và giơ tay chào cô bằng cánh tay còn lại dù không phải là bên đúng. Thêm một người nữa có số mệnh đã bị định đoạt bởi cuộc chiến anh ta không hề tuyên bố.
“Tới sứ quán Anh,” Emma nói sau khi chui vào tắc xi.
Cô được thả xuống đại lộ Massachusetts, bên ngoài hai cánh cổng sắt uốn hoa văn có gắn quốc huy Hoàng gia Anh. Hai người lính trẻ chạy tới xách hành lý giúp Emma.
“Cô tới gặp ai, thưa cô?” Khẩu âm Anh, cách nói Mỹ.
“Ông Rupert Harvey,” cô nói.
“Trung tá hải quân Harvey. Đúng rồi,” anh chàng trung sĩ nói, xách mấy túi hành lý của Emma lên và dẫn cô tới một văn phòng nằm phía sau tòa nhà.
Emma bước vào một căn phòng rộng, trong đó các nhân viên, phần lớn mặc quân phục, đang hối hả chạy theo mọi hướng. Không ai bước cả. Một người tách ra khỏi cơn cuồng phong và nở nụ cười hết cỡ chào cô.
“Ta là Rupert Harvey,” ông nói. ”Xin lỗi về cảnh hỗn loạn, nhưng vẫn luôn thế này mỗi lần đại sứ quay về Anh. Thậm chí lần này còn kinh khủng hơn, vì bọn ta phải đón một bộ trưởng trong nội các ở lại đây suốt tuần vừa qua. Tất cả giấy tờ của cháu đã được chuẩn bị xong,” ông nói thêm trong lúc quay lại bàn làm việc của mình. “Ta chỉ cần xem qua hộ chiếu của cháu.”
Sau khi đã lật nhanh qua các trang, ông yêu cầu cô ký tên vào một số giấy tờ. “Một chiếc xe buýt sẽ xuất phát từ cổng trước sứ quán tới sân bay lúc sáu giờ tối nay. Làm ơn hãy đảm bảo cháu có mặt đúng giờ vì tất cả mọi người đều cần phải có mặt trên máy bay trước khi đại sứ tới.”
“Cháu sẽ có mặt đúng giờ,” Emma nói. “Cháu có thể để hành lý lại đây trong khi đi tham quan được không?”
“Không thành vấn đề,” Rupert nói. “Ta sẽ nhờ ai đó chuyển lên xe giúp cháu.”
“Cảm ơn ông,” Emma nói.
Cô đang định quay đi thì ông nói thêm, “Nhân tiện đây, ta rất thích cuốn sách. Và ta cũng muốn báo trước với cháu, ông bộ trưởng đang hy vọng được trao đổi riêng vài lời với cháu khi chúng ta ở trên máy bay. Ta nghĩ ông ấy từng làm nghề xuất bản trước khi chuyển sang chính trị.”
“Tên ông ấy là gì ạ?” Emma hỏi.
“Harold Macmillan.”
Emma nhớ lại một vài lời khuyên sáng suốt của ông Guinzburg. “Tất cả mọi người rồi sẽ muốn cuốn sách này,” ông ta nói với cô. “Không có chủ nhà xuất bản nào lại không muốn mở cửa cho cô, vậy nên đừng dễ dàng bị phỉnh phờ. Hãy cố gắng tìm gặp Billy Collins và Allen Lane của Penguin.” Ông ta không nhắc tới một Harold Macmillan nào cả.
“Vậy ta sẽ gặp lại cháu trên xe buýt lúc khoảng sáu giờ,” ông chú họ đời thứ hai nói trước khi ông quay trở lại với cơn quay cuồng.
Emma rời sứ quán, đi bộ trở ra đại lộ Massachusetts và xem đồng hồ. Cô còn hơn hai giờ nữa mới đến giờ hẹn gặp đại tá Cleverdon. Cô vẫy một chiếc tắc xi.
“Đi đâu, thưa cô?”
“Tôi muốn nhìn mọi thứ đáng nhìn ở thành phố này,” cô nói.
“Cô có bao lâu, hai năm chăng?”
“Không,” Emma trả lời, “hai giờ đồng hồ. Vì thế hãy bắt đầu đi thôi.”
Chiếc tắc xi phóng khỏi lề đường. Điểm dừng đầu tiên: Nhà Trắng - 15 phút. Tiếp tục tới tòa nhà Quốc hội - 20 phút. Vòng quanh các đài tưởng niệm Washington, Jefferson và Lincoln - 25 phút. Lao nhanh tới Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia - thêm 25 phút nữa. Điểm dừng cuối ở Smithsonian - nhưng chỉ còn 30 phút nữa là đến giờ hẹn, nên cô chỉ kịp đi hết lầu một.
Khi cô hối hả chui trở lại vào trong xe, người lái tắc xi hỏi, “Bây giờ tới đâu, thưa cô?”
Emma xem địa chỉ trên lá thư của đại tá Cleverdon. “Số 3022 phố Adams,” cô trả lời, “và tôi đang rất vội.”
Khi chiếc tắc xi dừng lại trước một tòa nhà lớn bằng cẩm thạch trắng chiếm nguyên cả một khối phố, Emma đưa cho người lái xe tờ năm đô la cuối cùng của cô. Cô sẽ phải đi bộ quay lại sứ quán sau cuộc gặp. “Đáng giá đến từng đồng một,” cô nói với anh ta.
Anh chàng lái xe đưa tay lên vành mũ.
“Tôi cứ nghĩ chỉ có người Mỹ chúng tôi làm những chuyện kiểu đó,” anh ta vừa nói vừa cười hết cỡ.
Emma bước lên các bậc cấp, đi qua hai lính gác chằm chằm nhìn thẳng vào cô, rồi bước vào trong tòa nhà. Cô nhận thấy hầu như tất cả mọi người đều mặc đồ kaki với các tông màu khác nhau, cho dù chỉ ít người đeo các cuống huân chương. Một phụ nữ trẻ ngồi sau bàn tiếp tân chỉ cô tới phòng 9197. Emma gia nhập vào một đám đông mặc đồ kaki đang ùa tới phía các thang máy, và khi cô bước ra ở lầu chín, cô đã thấy thư ký của đại tá Cleverdon đợi sẵn để đón mình.
“Tôi e rằng đại tá đang bận họp, nhưng ông ấy sẽ tiếp cô sau vài phút nữa,” cô thư ký nói trong lúc hai người bước đi theo hành lang.
Emma được dẫn vào trong phòng làm việc của đại tá. Ngồi yên vị xong xuôi, cô đưa mắt nhìn chăm chú vào một chồng tài liệu cao nằm giữa mặt bàn làm việc. Cũng giống như với lá thư trên bệ lò sưởi ở nhà Maisie và những tập vở trên mặt bàn làm việc của Jelks, cô tự hỏi mình sẽ phải đợi bao lâu trước khi nội dung bên trong của nó được hé lộ.
Câu trả lời là hai mươi phút. Khi cuối cùng cánh cửa cũng mở ra, một người đàn ông cao lớn, vóc dáng thể thao trạc tuổi bố cô nhanh nhẹn bước vào phòng, một điếu xì gà không ngừng vẩy lên vẩy xuống ngậm trên miệng.
“Tôi rất xin lỗi đã làm cô phải đợi,” ông đại tá nói trong lúc bắt tay cô, “nhưng có đến bao nhiêu thời gian một ngày cũng dường như không còn đủ nữa.” Ông ngồi xuống sau bàn làm việc và mỉm cười với cô. “John Cleverdon, và tôi có thể nhận ra cô ở bất cứ nơi nào.” Emma nhìn có vẻ ngạc nhiên, cho đến khi ông đại tá giải thích. “Cô giống hệt như Harry đã mô tả trong cuốn sách của cậu ấy. Cô dùng cà phê chứ?”
“Không, cảm ơn ông,” Emma nói, cố không tỏ ra sốt ruột khi cô liếc mắt về phía tập tài liệu trên bàn làm việc của ông đại tá.
“Thậm chí tôi còn không cần phải mở cái này ra,” ông này vừa nói vừa gõ tay lên tập tài liệu. “Chính tôi đã tự tay viết phần lớn tập tài liệu này, vì thế tôi có thể kể cho cô biết Harry đã làm những gì từ khi cậu ấy rời khỏi Lavenham. Và bây giờ, nhờ vào những tập nhật ký của cậu ấy, tất cả chúng ta đều biết đáng ra ngay từ đầu cậu ấy đã không bao giờ phải tới đó. Tôi rất nóng lòng được đọc tiếp những gì được công bố lần tới và biết những gì đã xảy đến với Harry trước khi cậu ấy bị đưa tới Lavenham.”
“Và tôi cũng rất nóng lòng muốn biết những gì xảy đến với anh ấy sau khi rời khỏi Lavenham,” Emma nói, hy vọng mình không tỏ ra quá sốt ruột.
“Vậy chúng ta hãy bắt đầu thôi,” ông đại tá nói. “Harry đã tình nguyện gia nhập một đơn vị tác chiến đặc biệt mà tôi có vinh dự được chỉ huy, để đổi lại việc án tù của cậu ấy được bãi bỏ. Sau khi bắt đầu cuộc sống trong Quân đội Hoa Kỳ như một người lính thường, cậu ấy gần đây mới được phong hàm sĩ quan trong khi đang phục vụ trên chiến trường và lúc này đang là một trung úy. Cậu ấy đã ở sau lưng địch từ vài tháng nay,” ông này tiếp tục. “Cậu ấy đang phối hợp với các nhóm kháng chiến tại những quốc gia bị chiếm đóng và giúp chuẩn bị cho cuộc đổ bộ lên châu Âu.”
Emma không thích những lời này chút nào. “Chính xác thì sau lưng địch nghĩa là gì ?”
“Tôi không thể nói chính xác với cô được, vì không phải lúc nào cũng dễ dàng định vị được cậu ấy khi cậu ấy đang thực thi nhiệm vụ. Cậu ấy thường cắt liên lạc với thế giới bên ngoài nhiều ngày liền. Nhưng điều tôi có thể nói với cô là Harry và lái xe của cậu ấy, trung sĩ Pat Quinn, cũng là một cựu tù Lavenham, đã chứng tỏ họ là hai người lính hoạt động hiệu quả nhất trong đơn vị của tôi. Họ giống như hai cậu học sinh được cho một bộ thí nghiệm hóa học khổng lồ và được bảo rằng họ có thể thoải mái đi thực hiện thí nghiệm trên mạng lưới liên lạc của kẻ thù. Họ dành phần lớn thời gian của mình làm nổ tung những cây cầu, phá đường ray xe lửa và quật đổ những cây trụ điện. Chuyên ngành của Harry là quấy rối quá trình chuyển quân của bọn Đức, và đã có một hay hai lần thiếu chút nữa chúng đã tóm được cậu ta. Nhưng cho đến lúc này cậu ta vẫn luôn thành công trong việc đi trước chúng một bước. Kỳ thực, cậu ấy đã chứng tỏ mình là cái gai trong mắt kẻ địch đến mức chúng đã treo giá cho cái đầu của cậu ấy, và mức giải thưởng dường như luôn tăng lên mỗi tháng. Theo như lần cuối cùng tôi kiểm tra là ba mươi nghìn franc.”
Ông đại tá chợt nhận ra khuôn mặt Emma đã trở nên trắng bệch như tờ giấy.
“Tôi xin lỗi,” ông nói. “Tôi không hề có ý làm cô lo lắng song đôi khi tôi quên mất các chàng trai của tôi luôn phải đối diện với hiểm nguy mỗi ngày ra sao trong lúc tôi ngồi sau một cái bàn giấy.”
“Khi nào thì Harry sẽ được thả?” Emma khẽ hỏi.
“Tôi e rằng cậu ấy được yêu cầu phải phục vụ đến hết bản án của mình,” ông đại tá nói.
“Nhưng bây giờ ông đã biết anh ấy vô tội, chẳng lẽ ông không thể cho anh ấy trở về Anh hay sao?”
“Tôi không nghĩ chuyện đó sẽ dẫn tới khác biệt lớn nào, thưa cô Barrington, vì nếu tôi hiểu Harry, ngay khoảnh khắc đặt chân trở về tổ quốc, cậu ta sẽ chỉ đổi từ một bộ quân phục này sang một bộ quân phục khác.”
“Không đâu, nếu tôi có thể can thiệp vào chuyện đó.”
Ông đại tá mỉm cười. “Tôi sẽ xem tôi có thể làm gì để giúp cô không,” ông này hứa trong khi đứng lên từ sau bàn làm việc. “Chúc cô trở về Anh an toàn, cô Barrington. Tôi hy vọng sẽ không lâu nữa trước khi cô và cậu ấy có mặt tại cùng một nơi vào cùng một thời điểm.”