Linh hồn của mọi nền văn hóa là nền văn hóa cho mọi linh hồn
- Bushnell -
Sự sống, theo nghĩa sâu xa nhất, không chỉ là khoảng thời gian giữa sống và chết. Hơn cả sự tồn tại vật chất và sự liên tục của các dòng sinh khí, các nguồn năng lượng sống, sự sống là sự hòa trộn và nhào nặn tất cả các chất liệu sống và chức năng sống, là biết cách tìm nơi thích hợp cho những tiềm năng, sức mạnh và nhu cầu của con người. Cuộc sống là tất cả những gì làm cho con người trở nên đặc biệt và có ý nghĩa. Điều đặc biệt đấy là sự phát huy toàn bộ sức mạnh của bản thân, sự hoàn thiện mọi khả năng của chính mình: Ngoài thể xác còn có tâm trí, ngoài tâm trí còn có tinh thần. Vượt lên trên tất cả là đức tin. Đức tin liên quan đến toàn bộ đời sống, mọi năng lực và mọi sự kiện, nhưng trước hết nó là một triết lí sống cao hơn và có khả năng tái tạo toàn bộ đời sống ấy. Đức tin chính là sự sống của tinh thần, như là không khí để hít thở. Khi bạn nhận ra mong muốn về một đức tin sâu thẳm hay một động lực tinh thần như thế, có lẽ bạn sẽ hiểu lời thở than của Augustine sau cuộc tìm kiếm sự sống nơi con tim, mà thiếu đi đức tin. “Đó là cuộc sống của tôi. Nhưng đó có phải là sống không, ôi Chúa ơi?”
Tâm lí học thường bỏ qua lĩnh vực tinh thần thuần túy này, và coi các sự kiện tâm linh trong đời sống con người là bệnh hoạn. Song đối với ảnh hưởng của tri thức tâm linh, các nhà tâm lí học hiện đại đang bắt đầu chấp nhận những cái-thật tinh thần bằng sự tôn kính. Họ thấy rằng vấn đề này là không thể bác bỏ, không thể xem thường, thậm chí đúng đắn của nó có thể trở thành bộ môn khoa học thực nghiệm.
Bạn có thể bác bỏ tôn giáo vì cho rằng nó mơ hồ và không rõ ràng. Rất khó để đạt đến sự đồng thuận quan điểm đối với mọi vấn đề tôn giáo. Người ta chỉ mong đợi rằng, trong khía cạnh tinh thần, điều này sẽ được đặc biệt nhìn nhận. Dường như không thể có sự thống nhất trong tôn giáo bởi sự phóng đại các chân lí. Trong đời sống trí thức, cũng có nhiều vấn đề còn rối rắm: sự khác biệt về quan điểm chính trị, kinh tế, hay về bất cứ chủ đề nào. Sự khác biệt này dễ dẫn đến sai lầm khi nhìn nhận các khía cạnh tinh thần ở mức cao hơn. Mê tín dị đoan chẳng hạn, những tín điều mông muội, sự đề cao quá mức một khía cạnh nào đó, bạn có thể thấy những điều này ở khắp mọi nơi. Mối nguy hiểm quá rõ ràng rồi. Đến nỗi, nhiều người đã quả quyết rằng làm sao con người có thể khám phá ra những chân lí, đức tin không dành cho con người. Nói cách khác, tốt hơn hết cứ sống tầm thường đi, có khi đỡ được bao nhiêu sai lầm. Đấy là lập trường của những người bất khả tri, bởi không thấy được nên không tin là nó thật tồn tại. Có lẽ, những người ấy quả thật chưa nhận ra bản chất của thế giới khách quan và những quy luật của nó.
Còn một lí do khác nữa để con người chối bỏ đời sống tinh thần và đức tin. Người ta vin vào sự dễ lầm lạc của tâm trí để bao biện cho chính sự lầm lạc của mình. Có không ít người đã từ bỏ lí tưởng, phủ nhận tâm trí mình vì những điều còn mập mờ và không thể hiểu rõ. Đấy đâu phải lí do để bạn chối bỏ tri thức của nhân loại. Chẳng phải, sự chuyển hướng, khuếch tán, phản chiếu và những ảo ảnh là bằng chứng cho thấy sự tồn tại của ánh sáng hay sao? Chỉ cần có một cái nhìn đúng đắn, khoa học sẽ giúp bạn sống đúng với khả năng của mình. Hãy khiêm tốn, kiên nhẫn và cẩn thận để phát hiện và sửa chữa sai lầm trong cái-thật tinh thần và chân lí khoa học. Ở đây, bạn có thể tìm thấy linh hồn mà bạn hằng tìm kiếm.
Thực tế của lịch sử và đời sống cho thấy rằng khả năng rèn luyện tinh thần là một điều gì đó khác với những thâu nhận trí óc đơn thuần. Lập trường của những người bất khả tri chỉ đơn giản là chấp nhận bó buộc mình trong khả năng của con người. Trong khi chính họ cũng không biết rõ khả năng của mình thế nào và tiềm năng của mình có thể khai phá đến đâu. Cái nhìn đúng đắn bắt đầu từ việc chấp nhận cái-thật rằng đức tin là một thực tế của lịch sử và kinh nghiệm. Trực giác tâm linh này vẫn còn nhiều bí ẩn nhưng đừng vội cho rằng nó là một sự hủ bại nào đó. Đừng xua đuổi nó, cũng đừng bỏ qua tất cả những trải nghiệm về sự giao thoa tinh thần giữa con người với thần thánh. Sabatier, trong tác phẩm Life of the Apostle Paul (Cuộc đời của Sứ đồ Phao-lô), đã chỉ ra sự khác biệt giữa một đời sống tinh thần cao đẹp và những hiểu biết tầm thường: “Chúng ta biết rằng đời sống tinh thần của những vĩ nhân như Socrates, Luther hay Joan xứ Arc vượt xa phạm vi của lí trí thuần túy. Chúng ta phải thừa nhận rằng Chúa Giê-xu, với sự hài hòa tuyệt đỉnh trong bản thể của Ngài, Ngài đã có những khoảnh khắc xuất thần nhập định, những khoảnh khắc thiêng liêng, mà một sự hiểu biết thô thiển và tầm thường thường gọi chúng là ảo giác. Những lí trí khô khan và lạnh lùng chỉ thấy đấy là dấu hiệu của hoảng tưởng, mà không biết rằng đấy là một đời sống tinh thần cao vời, mà họ không thể với tới bằng một vài hiểu biết hạn hẹp, thô thiển.”
Bạn có thể gọi những phẩm chất tâm linh tinh thần chỉ là thuộc tính tốt hơn của tâm trí. Còn vấn đề thực tế đặt ra vẫn không thay đổi. Bất cứ khi nào bạn thừa nhận cái-thật của kinh nghiệm tinh thần, ngay lập tức sứ mệnh sẽ xuất hiện. Sứ mệnh tinh thần cũng đơn giản như trách nhiệm thể xác hay nghĩa vụ tâm trí. Có lẽ bạn sẽ thắc mắc liệu bạn có thể thực sự hiểu thực tế là gì trước khi bạn chấp nhận bất cứ điều gì là thực tế? Liệu bạn có thể biết chính xác chân lí tuyệt đối là gì trước khi bạn cố gắng tìm ra những điều là chân lí hay không? Ồ, tại sao bạn lại khước từ làm theo đức tin của mình? Nếu con người trải qua ngần ấy thế kỉ đã biết đến cách giao cảm với thần thánh, thì có lẽ nào giờ đây tất cả chỉ là ảo tưởng? Nếu giữ một quan điểm như vậy về lịch sử, bạn sẽ trở nên tuyệt vọng về mọi tri thức và sự tiến bộ.
Bạn đâu thể phủ nhận lịch sử, phủ nhận mọi quy luật tiến bộ. Đức tin là sự hợp nhất có ý thức với thánh thần, nhưng dù bạn có ý thức về nó hay không, thì cuộc đời bạn cũng được đắm mình trong sự sống vô tận. Bất cứ nơi nào có một cánh cửa thoát ra khỏi bản ngã của con người, Đấng Sáng Thế sẽ đứng ở cửa và chào đón bạn. Bản chất con người đều có sự gắn kết này, trong lí tưởng tri thức, lí tưởng thánh thiện, trong mọi khát vọng hướng tới điều cao thượng. Bạn được bao bọc trong sự sống bất tận của Tạo hóa. Cho đến khi bạn bước vào và đứng vững trong thế giới tinh thần thiêng liêng ấy, bạn vẫn là một con người bất toàn.
Sứ mệnh đến với bạn ngay khi bạn thừa nhận cái thế giới tâm linh, thế giới tinh thần. Chắc chắn, ai cũng có những tri thức tâm linh, những trải nghiệm tinh thần như thế. Bạn có thể không bận tâm về nó, không chấp nhận thái độ này, vì bạn cho rằng nó không đúng. Nhưng tôi muốn nói là, bạn không thể chống lại lịch sử mấy nghìn năm của nhân loại đâu. Bạn vẫn luôn sống trong nó đấy thôi.
XUYÊN QUA MÀN ĐÊM CHIÊM NGHIỆM, THẤU SUỐT CÁI VĨNH HẰNG BẤT BIẾN
Thánh Paul từng nói đến cái trí tuệ của Thân cũng giống như trí tuệ của tinh thần, đều có thể được trưởng dưỡng. Xác thịt không bao giờ có thể bị tách lìa khỏi tinh thần, có chăng chỉ là một sự ngăn cách khó lòng vượt qua. Con người sẽ mãi là những đứa trẻ khi chưa trưởng thành trong những khả năng của mình. Ông khẳng định mối quan hệ tự nhiên của con người với thánh thần, với những điều thiêng liêng. Năng lực tâm linh có thể thô sơ, nhưng nó ở đó. Những đứa trẻ sơ sinh, nếu nó hấp thụ những thức ăn phù hợp, sẽ lớn lên qua giai đoạn ấu thơ đến khi trưởng thành. Mầm sống tinh thần có trong tất cả mọi người, và sẽ lớn lên nếu có cơ hội phát triển. Nếu bạn muốn thấy nơi thần thiêng ấy, bạn phải tin trước đã, như những đứa trẻ đơn giản và khiêm nhường luôn tin những câu chuyện cổ tích. Khi bạn dám tin, bạn thực sự có thể thấy thế giới tôn nghiêm đó.
Khi đạt đến sự thấu suốt, tất cả sự sống trở thành một thánh đường, nơi linh hồn phụng sự như một tư tế trước tế đàn. Khi đức tin phát huy sức mạnh của nó, cuộc sống của bạn sẽ tràn ngập sự bình yên. Cái tinh thần an yên ấy bám vào quần áo, tỏa ra mùi thơm ngọt ngào của mùa hè. Đức tin là cách để thấu suốt tâm linh, giống như tri thức là phương tiện để rèn luyện trí óc. Hãy sống bằng đức tin, làm phong phú đời sống tinh thần, thấu suốt cái vĩnh hằng bất biến mà mắt thường chẳng thể nhìn ra.
Nếu bạn có thể sống trong ánh sáng vàng kim của thế giới tinh thần, nếu bạn dâng hiến con người mình cho những điều thiêng liêng, bạn đã có một cuộc sống rất khác. Bạn có thể phán định mọi điều thuộc về tinh thần, và từ chối bị phán xét bởi bất cứ ai. Ai cũng có thể đứng trên tầng cao bình lặng này. Tức là trước thế giới bạn đứng ngoài sự phán xét, bạn đứng trên nó và không ai có thể coi nhẹ bạn. Nhưng đáng buồn là, tinh thần trong con người đang bị thú tính đè nén, trĩu nặng. Linh hồn bên trong thì lơ lửng nửa vời. Có lẽ, đây là một lời cảnh tỉnh cho con người về bổn phận của họ. Nếu bạn bỏ bê sự sống cao thượng của mình, cũng chính là bạn đang vứt bỏ quyền kế thừa những giá trị trân quý, và phá hủy toàn bộ bản chất tốt đẹp nơi con người.
Rèn luyện tinh thần không chỉ đơn thuần là một niềm vui to lớn hơn và thuần lành hơn, mà nó có ảnh hưởng thiết thực đến toàn bộ đời sống. Như đã nói, trí tuệ có thể thúc đẩy đạo đức đi lên, đạo đức giúp cuộc sống thêm phần tốt đẹp. Nhưng chỉ khước từ những cái xấu ác thôi là chưa đủ, bạn cần một sức mạnh có thể nâng toàn bộ bản thể của mình lên khỏi bóng tối trong chính mình. Bạn cần có đạo lí sống. Trong khía cạnh tinh thần này, lí trí chỉ cung cấp một môi trường thuần lành và thanh sạch cho đời sống cao thượng hơn. Cho đến nay, môi trường đó vẫn rất tốt, nhưng bạn cần một cái gì đó mang đến cái tinh thần thánh thiêng bên trong mình. Để chiến thắng những điều xấu xa tầm thường, bạn chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài cách sống bằng sự cao thượng. Đạo đức chân chính bạn có được, không phải bởi sự biến đổi của xác thịt, mà từ sức sống của tinh thần. Khi bạn trỗi dậy, khi bạn vươn lên, bạn sẽ đẩy lùi được những thứ bạc ác hằng đeo bám. Làm sao những thứ xấu xa có thể sống trong bầu không khí thanh lành được, có đúng không?
Nếu muốn thực sự “sống” trên đời này, bạn phải trừ bỏ những thói quen xấu và tiết chế lại bản thân. Nhưng để đi đến chiến thắng cuối cùng, bạn không thể ngủ quên trong sự hoan hỉ bạc nhược. Bạn phải bước ra khỏi những cuộc tranh đấu, và nếu có thể hãy quên chúng đi. Thật nguy hiểm khi sống với cảm giác thèm thuồng khi đói khát, vì càng ăn thì càng đói, càng uống thì càng khát.
Nếu vẫn để cái xấu xâm nhiễm, cái ác lấn át suy nghĩ và lấp đầy tâm trí bạn, thì sẽ rất nhanh thôi, cuộc sống bạn có thể bị hoại diệt. Nguy hiểm sẽ qua khi bạn sống lâu hơn nó, và bạn chỉ có thể đạt được điều đó bằng sự tiến bộ tinh thần. Bước đầu tiên là chống lại những cám dỗ và chuẩn bị sẵn sàng cho những hành động kế tiếp. Hành động là cần thiết, nhưng đấy chưa phải là trận đấu cuối cùng bởi rốt cùng hành động là kết quả của ý chí. Ý chí xuất phát từ trí tuệ tâm linh, thật minh bạch và tỉnh táo. Nếu bạn không ngừng tiến lên, bạn sẽ bước ra khỏi con đường chông gai của chính mình. Tiến tới đức tin sẽ xóa bỏ sự khác biệt của tri thức. Bước đến tinh thần sẽ phá tan sức mạnh của nhiều nghi ngại. Bạn sẽ có những cái nhìn mới.
Muốn bước vào một cảnh giới cao hơn, một người phải trải qua rất nhiều cuộc đấu tranh nội tâm, chịu đựng những vết thương tâm hồn và đi qua bóng tối ngờ vực. Nhưng dường như những tâm hồn rực rỡ nhất có thể nhẹ nhàng đi đến khu vườn hạnh phúc, không có những tranh giành quyết liệt, không có hoài nghi sâu sắc. Họ từ bỏ bản ngã của mình trước vẻ đẹp của sự thánh thiện. Họ thấy những khải tượng. Họ không ương bướng bất tuân mà làm theo những sự hiện thấy đó. Lòng hiếu đạo bản nguyên mang đến cho họ cái nhìn trí huệ về thế giới. Họ không yêu cầu bằng chứng, chứng cứ hay tốn công tranh luận. Bởi sự thật dường như tự nó hiển hiện trong tâm trí thấu tỏ của họ.
Có một điều thế này, bạn đâu thể hiểu đức tin bằng logic đúng không. Bạn có thể đánh giá cao giá trị của những kiến thức khoa học máy móc. Song, một khi đã thức tỉnh, thông qua những cơn đau khắc khoải của đời sống tinh thần, những con đường trưởng thành đầy thử thách khốc liệt, bạn sẽ nhận ra rằng đức tin cao cả hơn nhiều. Đức tin kiên định và bền bỉ còn tạo ra một phong thái xuất chúng. Tất nhiên, đã xuất chúng thì không thể tầm thường được. Tâm hồn đã quen với những điều lớn lao hơn sẽ không còn mông muội và mê tơi trong những thứ vụn vặt. Chẳng ai khao khát những chuyện nhỏ nhặt khi họ nuôi dưỡng những lí tưởng cao đẹp hơn nơi tâm hồn. Hầu hết các tranh chấp tôn giáo gay gắt của con người là do thiếu sự rèn giũa tinh thần. Con người đã hiện diện trong những điều thánh thiêng, không thể dễ dàng sa vào những tranh luận bắt bẻ và những triết thuyết thần học cằn cỗi.
Làm thế nào chúng ta đạt được sự sáng suốt tinh thần này giữa tất cả những vướng mắc của đời sống trần tục?
Khi con người bị vây hãm bởi những thứ làm suy giảm sức mạnh tinh thần. Con người không hòa hợp được với phong tục, thời đại và những giác quan độc đoán. Con người bị cuốn theo những cám dỗ và những đam mê phù phiếm, không chính đáng, sự bất mãn và nỗi sợ hãi. Giống như một kẻ già lang thang đã giãi bày trong tập thơ The Excursion (Chuyến du ngoạn) của Wordsworth, về những khó khăn của mình trong việc gìn giữ và phát triển tinh thần thánh thiêng. Kẻ già lang thang ấy đã hỏi:
CÒN LẠI GÌ ĐỂ TÌM KIẾM?
Hỡi những kẻ đã khước từ điều thánh thiêng
Ngươi đang khước từ những cơ may gần kề
Chỉ một lời nguyện thề, một ý nghĩ thánh thiện
Xuyên qua màn đêm chiêm nghiệm, nguyện cầu và ngợi khen
Một dòng suối, từ sâu thẳm trái tim,
Róc rách chảy mãi, khai phá nguồn sức mạnh vô bờ
Chiến thắng trên hết thảy,
Cho những ai tìm kiếm đức tin bằng nhân đức, nỗ lực
Phụng sự tất thảy đạo lí bằng lương tri đáng tôn kính
Đấy là sự hiện diện thân mật nhất của
Chúa trong tâm hồn,
Là hình ảnh linh thiêng nhất của Ngài trên thế gian.
Cho nên, nếu bạn thiết tha muốn giáo dưỡng tinh thần, trước tiên là bạn phải tin vào một đời sống cao hơn. Bạn phải học cách bao dung và trở nên vị tha. Bạn hãy trân trọng những giá trị cao cả và rèn luyện cái tinh thần sáng suốt nơi mình. Hãy cho mình cơ hội hòa mình vào những lời nguyện cầu chân thành. Một chút cố gắng thôi, từ những lời nguyện cầu ấy, bạn có thể sống một đời có ranh giới, có kỉ luật và có ý chí. Để phát triển một khả năng, bạn cần một môi trường thích hợp và các công cụ phù hợp. Để phát triển năng lực kinh doanh, bạn cần học cách kinh doanh và tìm kiếm cho mình môi trường và cơ hội kinh doanh. Để phát triển đời sống tinh thần, bạn cũng cần cho mình không gian và những cơ hội. Trở thành một bậc thầy đời sống không phải là chuyện ngày một ngày hai, thậm chí còn lâu dài hơn cả việc trở thành một học giả.
Đạo tâm đến từ những nguyện ý, đời sống tận hiến là kết quả của lòng tận tâm. Nếu muốn những khoảnh khắc đứng trên đỉnh núi, bạn phải vượt qua những dốc sườn hiểm trở. Người có lí tưởng thánh thiêng luôn gắn mình với những điều cao thượng. Muốn tâm an trí sáng lòng dạ thanh thản, bạn phải bước vào tiến trình của đời sống chiêm niệm.
Đời sống hiện đại khiến con người ngày càng thích hưởng thụ, cái tinh thần tận hiến bên trong dần vơi đi. Hành động là điều rất quan trọng, song bạn vẫn cần quan tâm hơn đến đời sống nội tâm bằng cách hướng nội, nhìn nhận chính mình. Những hành động không thể tự tiếp diễn, chúng phải được trưởng dưỡng bằng máu từ trái tim rộn ràng của đức tin. Chân tay sẽ tê tái lạnh buốt khi trái tim chùng nhịp đập. Hạt mầm nảy nở nhanh chóng và mạnh mẽ sẽ khô héo vì gốc rễ khô cằn. Thành tâm cầu nguyện và rèn dưỡng tinh thần đều đòi hỏi sự sáng suốt và kiên trì. Tâm trí được trui rèn giúp bạn đọc hiểu đọc hiểu chính xác, nghiên cứu và quan sát cẩn thận. Tâm hồn được trưởng dưỡng giúp bạn viên thành những phẩm chất tốt đẹp, tìm thấy sự an yên và hạnh phúc trong đôi mắt kiên định. Bạn sẽ biết cách đối nhân xử thế nhờ đời sống có ranh giới này. Có một sự thật là, những bậc thầy đời sống tinh thần thường không dễ nói về đức tin, nhưng họ luôn đặt niềm tin cho Đấng Thần Thiêng bằng cả trái tim mình và lấy đó làm thôi thúc để vượt lên.
CHIẾN ĐẤU VỚI CON QUỶ CỦA LÒNG TỰ PHỤ
Đời sống tinh thần là một điều vô cùng tuyệt vời với bất cứ ai. Song, con đường bước đến thế giới tinh thần ấy vẫn xa xôi diệu vợi. Đầu tiên, bạn phải tránh tìm cách vượt qua và sửa chữa những sai lầm của mình, chiến thắng bóng tối của lòng tự phụ trong mình. Hãy gạt bỏ sang một bên những tri thức hạn hẹp mà bạn đã biết. Hãy đánh tan những định kiến trong bạn. Hãy hòa mình vào một toàn thể, một cộng đồng rộng lớn. Hãy bảo vệ cộng đồng ấy khỏi nguy cơ của những thiên kiến sai lầm và trống rỗng.
“Tâm hồn vượt lên, hướng về Đấng Thần Thiêng, không gì cao thượng hơn, nhưng con quỷ của lòng kiêu hãnh vẫn đứng cạnh đó.” Nếu một người tự cho mình là có tâm linh đặc biệt hoặc được ban cho những tài năng xuất chúng, thì ngay lập tức anh ta trở nên tự mãn, kiêu ngạo và tự phụ. Thánh Paul từng nhắc nhở các tín hữu thành Corin rằng mọi tài năng họ được ban cho không chỉ vì chính họ, cũng không phải vì lợi ích của những người họ yêu quý, mà vì lợi ích lớn hơn của cộng đồng và nhân loại. Mỗi tài năng trời phú là để phụng sự cho những điều cao cả. Sự khác biệt cơ bản giữa người với người không nằm ở tài năng của họ, mà ở cách họ sử dụng những tài năng đấy. Có nghĩa là, sự khác biệt về nhân cách, không phải về năng lực. Trong thế giới thần thiêng, không có chỗ cho sự tôn vinh cá nhân và sự những tham vọng thô tục, vì cuộc sống không được đánh giá bằng thành công mà bằng sự cống hiến.
Người có trí tuệ tâm linh cần cẩn trọng trước sự cám dỗ của lòng kiêu hãnh. Trí tuệ tâm linh sẽ giết chết lòng kiêu hãnh và ngược lại, chúng không thể cùng tồn tại. Nhưng bạn có thể thấy nguy hiểm này rình rập những tâm hồn bất cẩn: “Tôi đã thấy trong giấc mơ của mình rằng ở cổng thiên đàng có cánh cửa dẫn đến địa ngục.” Lòng kiêu hãnh là một cạm bẫy cho những ai nhúng tay vào những thứ tinh thần giả tạo, tầm thường. Chẳng hạn, một lời tâng bốc tế nhị rằng anh ta có đặc quyền bước vào những điều bí ẩn mà người khác không thể biết, rằng anh ta đặc biệt được lựa chọn trở thành một ông bà đồng truyền đạt những thông điệp huyền bí từ thế giới tinh thần. Anh ta sẽ đắm mình trong những ảo tưởng.
Kiêu căng tự phụ như một chất men gây ra bất hạnh, len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống con người. Nhưng ở cảnh giới tinh thần cao thượng này, nó còn gây ra hệ quả khủng khiếp hơn. Thánh Paul không ngần ngại nói rằng, món quà ngôn từ quý giá chỉ là điều vô nghĩa nếu không thể dùng nó để tuyên bố những chân lí. Một tài năng chỉ có ý nghĩa khi nó trở nên thiết thực và hữu ích cho cộng đồng và những giá trị chung. Điều quan trọng nhất của đời sống Cơ-đốc giáo, không phải là sự huyền bí trong đức tin mà là tính thực tế, không phải là nhìn thấy các khải tượng mà là sự khiêm tốn đi theo Đấng Sáng Thế.
Với các trải nghiệm tinh thần, hãy tự đặt câu hỏi rằng nó dẫn bạn đến thực tế thế nào? Nó nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày ra sao? Nó ảnh hưởng thế nào đến nhân cách và hành vi của bản thân? Nó có dẫn đến cái nhìn mới về nhu cầu và nhiệm vụ của cuộc sống không? Nó có làm sáng tỏ tiêu chuẩn đạo đức mới, hay củng cố một số khía cạnh của chân lí cũ? Nó có truyền cảm hứng cho tình yêu thương lớn hơn và ý thức trách nhiệm cao hơn không? Hãy nắm chắc những giá trị tinh thần cao thượng mà bạn hướng đến. Những giá trị đó như những cột trụ soi chiếu cho mỗi hành động bạn làm trở nên đúng đắn. Tất cả các hình thức phóng đại tôn giáo do linh hồn bị tha hóa sẽ gây ra bệnh tật của nội tâm: lòng kiêu căng và sư tự phụ. Bệnh tật của nội tâm chỉ có thể được chữa lành bằng đức tin sáng rỡ.
ĐỜI SỐNG TINH THẦN QUA LĂNG KÍNH LƯƠNG TÂM
Các chuyên gia nghiên cứu tâm linh tinh thần đều nói về sự nguy hiểm của chủ nghĩa sùng kính viển vông mà không có hành vi cụ thể nào. Thomas à Kempis nói rằng: “Con trai, con không thể giữ mãi cái tinh thần nhiệt thành và không phải lúc nào cũng đứng trên đỉnh cao của sự chiêm nghiệm thuần túy.” Ý của Thomas rất hay. Con người dễ để cảm xúc thế chỗ cho hành động ngoan đạo, thay vì biến chúng thành nguồn cảm hứng để sống ngoan đạo thực sự. Con người có thể biến đức tin thành một vấn đề cảm xúc, chứ không phải là vấn đề đạo đức - phẩm hạnh. Họ không chút kính sợ, cũng không có lương tri và lòng biết ơn. Nếu chỉ tin tưởng vào những cảm xúc thăng hoa và những trạng thái cao đẹp của tâm hồn, mà không xem xét đức tin bằng sự trung tín đích thực, thì chính họ đang lây nhiễm sự bất chân cho toàn bộ đời sống tinh thần. Ôi, cảm giác hão huyền sẽ ngày càng lớn.
Do đó, tôi đi đến một nguyên tắc xa hơn rằng trí tuệ tâm linh phải trải qua bài kiểm tra của lương tâm đạo đức và cuộc sống thực tiễn. Tâm linh tinh thần không bao giờ có thể tách rời khỏi đạo đức - phẩm hạnh. Những điều răn của Chúa vẫn còn, hãy dựa vào đó để phán định trạng thái tinh thần của mình. Một người không thể vi phạm đạo đức ngay cả vì những lợi ích của cộng đồng. Đời sống thiêng liêng gắn liền với nhân cách. Tất cả chân lí tinh thần đều gắn chặt với lương tâm - đạo đức. Nếu bạn thấy không phù hợp thì phải sửa đổi.
Newman61 – nhà triết học người Anh, trong tác phẩm Phases of Faith (Chu trình của Đức tin), kể lại câu chuyện về một người đàn ông có hiểu biết và phép lạ Irving62. Sau vài năm, ông ta hoàn toàn từ bỏ cái gọi là phép lạ Irving vì nó giống như một ảo tưởng khốn khổ. Ông nhận thấy rằng một hệ thống giáo lí sai lầm đang lớn lên và được ủng hộ. Ông bị lạc lối vì chấp trí mà thấy “không có gì sai” trong quan điểm của phép lạ Irving. Ông trở về con đường chân chính bằng cách tin tưởng vào lương tâm - đạo đức của mình.
61 Francis William Newman (1805 - 1897): Học giả và nhà triết học người Anh. Ông là em trai của Hồng y Newman – Giáo hội Anh theo khuynh hướng Phúc Âm.
62 Xuất phát từ Rev Edward Irving (1792 - 1834) – giáo sĩ người Scotland, nhân vật chính đứng sau việc thành lập Giáo hội Công giáo. Giáo hội Tông đồ Công giáo là một phong trào tôn giáo bắt nguồn từ Anh vào khoảng năm 1831 và sau đó lan sang Đức và Hoa Kỳ, thường được gọi là Irvingism hoặc phong trào Irvingian.
Thế nên, bạn chỉ có thể bước vào thế giới tinh thần, và ở lại trong đó, bằng sự tự nguyện và sự đồng cảm đạo đức.
THẾ GIỚI TINH THẦN QUA CON MẮT LÍ TRÍ
Tinh thần phải luôn đi cùng lí trí. Một tài năng trời phú là một sự soi sáng, sự khai tri, và nó phải có năng lựa thông hiểu. Nếu một người không thể giải thích về đời sống bằng ngôn từ của mình, làm cho đời sống trở nên sáng tỏ và dễ hiểu, thì thực ra anh ta chẳng thể đem lại điều gì cho thế gian. Trong một đời sống tinh thần đích đáng và hữu ích, lí trí cũng quan trọng như cảm xúc. Bạn cần có sự phán định sáng suốt và đúng đắn. “Nếu tôi nguyện cầu bằng thứ ngôn từ xa lạ, thì tâm hồn tôi cũng nguyện cầu, nhưng sẽ không thấu hiểu gì cả.” Mỗi đoán định đúng mực sẽ chữa lành cho nhiều sự quá khích tôn giáo và sự phiến diện trong việc chấp nhận chân lí. Chẳng phải Kinh thánh đã dạy con người phải có chừng mực và biết cách trung dung đấy thôi.
Một chân lí vĩ đại có thể bị nhìn nhận một cách phiến diện và đẩy đến mức cực đoan. Cách nhìn này thường xuất hiện ở những người cuồng tín mù quáng hoặc trong chủ nghĩa thần bí mờ ám. Đôi khi, người ta cho rằng một nghi lễ tôn giáo phi lí có thể đặc biệt ghim dấu lên tinh thần con người. Tư tưởng cứng rắn của Thánh Paul không chấp nhận điều này. Người khẳng định rằng lí trí là một tải thể của tinh thần.
Có nhiều nghiên cứu phân tích chỉ ra sự khác biệt giữa đức tin tôn giáo và thần học, một bên là sự sống của tâm hồn, một bên là sự phô bày trí tuệ về cuộc sống. Tôn giáo là một thực tại quan trọng, trong khi thần học nghiên cứu thực tại ấy. Đồng thời, tôn giáo không thể tồn tại trong mơ hồ, mà phải khoác lên mình một hệ thống tư tưởng. Trí tuệ của con người không cho phép mình bị gạt khỏi phần quan trọng nhất của cuộc sống: thế giới tinh thần. Nếu trí tuệ không hoàn thành sứ mệnh phụng sự của nó, thì không một tôn giáo nào là đáng tin cậy, dù nó rất thực tế và sống động. Tôn giáo là một trải nghiệm có trước thần học, như cuộc sống tự nhiên có trước khoa học. Ở đây, vấn đề của trí óc là cố gắng đưa tất cả những gì liên quan đến cuộc sống con người vào trật tự.
Hãy luôn nhớ chân lí bất biến này: Con người là một thể thống nhất thực sự, và phần tinh thần không thể bị tách lìa và bị coi như thể nó không có quan hệ gì với thể xác, tâm trí hay đạo đức. Mối tương quan này giữa các phần trong con người là một cái-thật mà bạn không được đánh mất chỉ vì những thứ tầm thường, vụn vặt cuộc sống. Phần chiêm nghiệm và phần thực tế, phần bên trong và phần bên ngoài được kết nối bằng những sợi dây tinh tế. Nếu không muốn chịu đau khổ cả đời, thì bạn không thể bỏ qua những sợi dây kết nối đấy.
Đôi khi, người ta nói như thể linh hồn là một thực thể ma quái nào đó, tự nó có thể chăm sóc và nuôi dưỡng chính nó trở nên phong phú. Con người thường khao khát sự nhàn rỗi để đằm mình vào đời sống tâm hồn, sử dụng các phương pháp được chấp nhận để nuôi dưỡng cái trí tuệ tâm linh. Tôi không cho là như thế, có chút ngộ nhận và dễ gây ra nhiều sai lạc. Bạn phải làm cho toàn bộ đời sống trở nên thiêng liêng, và hợp nhất tất cả các phần của con người lại với nhau. Thân - Tâm - Trí đã tách lìa, thì con người đau đớn khôn cùng.
Tôi sẽ kể cho các bạn nghe về trải nghiệm của John Maurice63 – nhà thần học người Anh, cũng là trải nghiệm của rất nhiều người khác. “Đôi khi tôi mơ về những lúc tôi có thể hướng nội nhiều hơn và ít hướng ngoại hơn. Nhưng sau 40 năm kinh nghiệm, tôi thấy rằng chỉ hướng nội cũng không tốt hơn trong trường hợp của tôi. Song nếu hướng ngoại, tôi còn cảm thấy tệ. Tôi thực sự tìm kiếm Đấng Thần Thiêng nhiều nhất khi tôi cần sự giúp đỡ của Ngài, để tôi có thể vượt qua sự chia tách giữa hướng nội và hướng ngoại, giữa bên trong với bên ngoài, để tôi có thể hoàn thành sứ mệnh sống của mình.”
63 John Frederick Denison Maurice (1805 - 1872): Nhà thần học người Anh. Ông là một trong những người sáng lập chủ nghĩa xã hội Cơ-đốc và có nhiều tác phẩm về Cơ-đốc giáo.
Vậy là sự dâng hiến phải được thử thách bằng cuộc sống. Tính thực dụng luôn là công cụ để kiềm chế hoặc ít nhất là để cải sửa những thứ hão huyền.
Có một chủ nghĩa thần bí xa lạ với đức tin, một sự phát triển bệnh hoạn, có thể gọi là chủ nghĩa khoái lạc tinh thần, vì nó phần nào giống như một thứ thuộc về nhục thể hơn là linh hồn. Chủ nghĩa này tách lìa với tinh thần với hành động, nó cho rằng bạn chỉ cần tận hưởng những khoái lạc tinh thần của nó, chẳng cần nghĩ đến nghĩa vụ và sứ mệnh nào cả. Trong khi đức tin chân chính luôn hướng đến thực tiễn. Bạn nên hoài nghi về lòng mộ đạo không biết đến phụng sự, về lời nguyện cầu không tiến đến hành động, về sự mơ hồ bắt đầu và kết thúc trong cảm xúc. Nếu một người tự cho mình là thiêng liêng, hãy để anh ta hiểu biết về những yêu cầu thực tế đặt ra cho anh ta, đánh giá kinh nghiệm của anh ta bằng lí trí, lương tâm và bằng kết quả thực tế cuộc sống. Lập luận này không chống lại những lí tưởng tinh thần, mà để kiểm soát và giáo dục con người, để họ thực sự trưởng thành trong sự bao dung.
Bạn không nên quên rằng chính những phương pháp bảo đảm và duy trì sự sáng suốt tâm linh cũng có thể khiến bạn trở nên sai lạc. Tội lỗi thường lẩn khuất trong những điều thánh thiện, đúng không? Cách bạn rèn dưỡng tinh thần: cầu nguyện, định thần, thiền định, đọc sách, tất cả đều có thể bị lạm dụng. Bạn cần đến cái lí trí sáng suốt và thấu đáo để tránh sai lầm đấy. Chớ trêu thay, nhiều khi bạn thành tâm cầu nguyện nhưng trái tim lại không chịu khuất phục, chẳng khác nào “con sông oằn mình dưới lớp băng vĩnh cửu, dòng nước chảy xiết trông dữ dằn.”
Đúng là lời cầu nguyện có thể bị lạm dụng, nhưng sẽ chẳng có ai phản đối chuyện cầu nguyện. Chỉ là con người cần một nỗ lực để nghiêm túc sử dụng lời nguyện cầu cho những mục đích đúng đắn. Robertson64 – nhà thần học người Anh, đã kể trong một bức thư về quãng thời gian ông ngừng đọc kinh sách: “Trong thời gian đấy, ông đã trải nghiệm những cảm giác kì lạ dấy lên từ bản năng. Rằng, những cái mà cuộc sống gọi là lòng tốt và sự ngay thẳng rất khác với sự dâng hiến thuần khiết. Bản năng đó dẫn người ta đến địa ngục dưới hình hài của các thiên thần ánh sáng. Vào chính lúc đó, ông đã cảm thấy sợ hãi khi bắt đầu hoài nghi thứ tình cảm thiêng liêng mà cho đến nay ông vẫn trân trọng. Ông thấy những cảm xúc nhỏ mọn, đe hèn nhất và những cảm xúc thánh thiêng cao cả nhất chỉ cách nhau một sợi tơ mong manh. Hai thứ cảm xúc đấy xâm nhiễm lẫn nhau thông qua những chuyển đổi hành vi mà bạn không nhận thấy, nếu không thật tỉnh táo. ‘Bài học đích thực là hãy quan sát, hãy nghi ngờ những thứ giả tạo và bảo vệ những khát vọng tốt đẹp.’ Hãy thực sự chán ghét sự giả dối và giả tạo của những hình trạng thế gian.”
64 Frederick William Robertson (1816 - 1853): Nhà thần học người Anh. Ông thường được gọi là Robertson của Brighton.
Khi đã vượt qua sự hoài nghi, sự giằng xé và chiến thắng con quỷ trong chính mình, ông lại bắt đầu cầm những cuốn kinh sách lên. Ông quyết tâm bắt đầu lại việc đọc kinh sách, vì “cảm xúc của bạn phải được nuôi dưỡng trong những điều cao cả nhất, nếu không cả cuộc đời bạn chỉ có bạc nhược và yếu đuối.”
Việc rèn luyện tinh thần có thể làm nản lòng bất cứ ai, rất ít người đủ nghiêm túc và nỗ lực để thực hiện. Song bạn phải biết rằng, mọi tài năng trời phú đều mang theo những trách nhiệm, mọi đặc ân đều gánh vác những sứ mệnh. Chắc chắn bạn sẽ vững vàng hơn và trưởng thành hơn qua quá trình tôi rèn để hoàn thành những trách nhiệm và những sứ mệnh ấy. Bạn có đủ sức mạnh để điều hòa hai thái cực của đời sống thuần túy chiêm niệm và thuần túy hành động. Đừng nghĩ sự dâng hiến là điều gì quá to tát. Có thể toàn ý hoàn thành các nhiệm vụ và yêu cầu của cuộc sống cũng là dâng hiến rồi. Có vài giờ tĩnh lặng là để biết những ngày bão giống, hiệp thông là để sống, cầu nguyện là để hành động. Nếu có thể phụng sự hết mình cho những điều cao cả, bạn sẽ tìm thấy ý nghĩa và mục tiêu cho một đời sống hiến dâng. Nhờ thành quả của phụng sự, các ngươi sẽ biết phụng sự là gì.65
65 Kinh thánh, Matthew 7:16.
Điều quan trọng và trước nhất là bạn có thể hái trái ngọt khi cây vẫn còn sống. Không có Đấng Thần Thiêng, linh hồn chỉ là một thứ tiềm năng trống rỗng. Ngài sẽ truyền sức sống cho linh hồn ấy. Cuốn sách này hi vọng là một món quà giúp ích cho quá trình rèn luyện và hoàn thiện bản thân mà bạn đã cố gắng cho đến nay. Ngày ngày, bạn vẫn đang sống với lương tâm của mình, với niềm tin của mình, song vẫn chưa là gì so với những đặc ân bạn có. Hãy tự hỏi: Bạn có thực sự sống cuộc đời mình trong sự quy chiếu liên tục với những điều cao cả, thiêng liêng hay không? Nếu chẳng thể hòa mình vào thế giới tinh thần thiêng liêng, có lẽ bạn sẽ không thể hoàn thành mục tiêu tối cùng của sinh mệnh con người.
Linh hồn tôi, bằng sự chiêm niệm thiêng liêng, giúp tôi tĩnh tại và vững vàng trước mọi tham đòi của cuộc sống, có sự an yên nơi tâm khảm. Bạn cũng vậy, nếu bạn mang theo đức tin của mình, bạn sẽ không bao giờ đánh mất điều gì và không phải hối tiếc điều gì. Bạn đã sống trọn sinh mệnh bạn được trao cho.
Hãy để thế giới trôi qua với khói bụi và tiếng ồn, Với sự lo lắng và âm vang của nó
Hãy đĩnh đạc và tuyệt vời, thảnh thơi và quyết liệt
Hãy để nụ cười tấu lên những nhịp điệu ung dung tự tại
Để đối diện với trắc trở
Để chiến thắng những bi thương
Để đón nhận hạnh phúc.