Nền tảng của tu dưỡng, cuối cùng là đạo đức - phẩm hạnh
- Emerson -
Quá khứ của một người làm nên nhân cách của anh ta
- Goethe -
Lương tâm là tiếng nói của linh hồn, tiếng nói thiêng liêng trong con người. Nói một cách sinh động thì, lương tâm như một ánh sáng rực rỡ giữa trời đêm. Bằng lương tâm, bạn tri nhận về thiện và ác. Bạn cũng có thể gọi lương tâm là một yếu tố nội tâm có khả năng điều chỉnh hành vi và nâng cao phẩm hạnh. Ngày nay, có rất nhiều nhà khoa học nghiên cứu về lương tâm bởi con người không tin rằng lương tâm chỉ đơn giản là một kim chỉ nam siêu phàm vô hình. Vậy thì câu hỏi đặt ra là: Nguồn gốc của lương tâm là gì? Làm thế nào bạn chứng minh (bào chữa hay buộc tội) được năng lực này? Các nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm ra và viết nên lịch sử phát triển của lương tâm trong cá nhân và cộng đồng. Những cố gắng giải thích không phải lúc nào cũng thỏa đáng.
Darwin từng nói: “Bản năng xã hội vững chắc hơn bản năng báo thù hay ăn cắp thức ăn khi đói. Đến cuối cùng con người cảm thấy rằng, tuân theo bản năng bền bỉ hơn của bản thân là tốt nhất cho mình.” Hẳn bạn vẫn thấy mơ hồ lắm. Chẳng biết làm cách nào con người có thể đi đến một quy tắc bất khả xâm phạm về nghĩa vụ và bổn phận đối với bản thân, một nhu cầu đạo đức giữa “Tôi nên” và “Tôi không nên”. Kinh nghiệm dạy họ rằng tuân theo những quy tắc nghĩa là phải chịu đựng. Darwin tiếp tục với suy nghĩ của mình: “Rõ ràng là, nếu lương tâm không can thiệp vào bản năng xã hội của một người, không liên quan đến lợi ích của người khác, thì với một lương tâm dễ dãi, anh ta có thể thỏa mãn những ham muốn của chính mình.” Đây có thể là sự khởi đầu cho lịch sử tự nhiên của lương tâm, nhưng vẫn còn một chặng đường dài trước khi bạn nhận ra ý nghĩa thực sự của lương tâm.
Các cuộc nghiên cứu giúp cho vấn đề này trở nên rõ ràng hơn. Lương tâm là một sự trưởng thành, là đời sống đạo đức không ngừng tiếp diễn. Khái niệm lương tâm ngày nay được soi sáng hơn, chắc chắn là khác với thời đại trước. Có những chuyện trước đây được coi như một lẽ tất nhiên, nhưng bây giờ không thể dung thứ.
Tạm thời ở đây, tôi chưa nói đến nguồn gốc của lương tâm. Tôi sẽ tìm hiểu làm sao con người biết cái gì là đúng cái gì là sai. Làm thế nào họ nhận thức được trách nhiệm cá nhân trước khi có “tòa án nội tâm”? Bản thân quá trình nhận thức đơn thuần này rất quan trọng, nhưng không phải là quan trọng nhất. Quan trọng nhất là bạn nên chấp nhận thực tế: Lương tâm không mất đi sức mạnh do quá trình tiến hóa so với thân thể. Nó vẫn luôn đáng tin cậy. Dù bạn có hiểu rõ về lương tâm hay không, nó cũng không mất đi tính thiêng liêng hay thẩm quyền của nó. Nó là kết quả của một quá trình tinh thần bên trong mỗi người. Nó đã phát triển và vẫn đang phát triển không ngừng. Thật đáng buồn, ngày nay, lương tâm bị tha hóa, không còn sáng tỏ. Lương tâm con người dần chai sạn và thờ ơ trước tệ nạn xã hội. Lương tâm không còn dịu dàng, thận trọng và nhạy cảm như nó phải có. Song đến cuối cùng, bạn hoàn toàn có thể giáo dưỡng lương tâm, hướng đến phát triển bản thân và trưởng thành vững mạnh.
LƯƠNG TÂM CỘNG ĐỒNG VÀ TIẾNG NÓI CÁ NHÂN
Bạn biết là, chỉ trong mối quan hệ với những người khác, lương tâm mới có thể phát triển. Nghiên cứu hiện đại cho thấy lương tâm là một năng lực thuộc về cộng đồng và phát triển thông qua cộng đồng. Nó chỉ có thể tồn tại vĩnh viễn khi nó được ghi nhận trong đời sống cộng đồng. Hành động cộng đồng sẽ tác động đến lương tâm công chúng. Đây là điều kiện cần, còn điều kiện đủ thuộc về phần của mỗi cá nhân. Mỗi con người phải có nghĩa vụ, có quyền cũng như nguyện vọng đạt đến những tiêu chuẩn phẩm hạnh cao hơn và thuần khiết hơn. Chẳng hạn, có những điều trong pháp luật và tục lệ bạn không nghĩ là tội lỗi và tội ác, dù bạn có phạm phải chúng hay không. Câu chuyện được tranh cãi rất nhiều là luật sư có được tố cáo thân chủ của mình không? Theo luật, thì luật sư không được phép. Nhưng tòa án lương tâm cũng chẳng cam lòng, rõ ràng thân chủ làm ác mà. Vứt bỏ lương tâm không phải là chuyện dễ dàng đâu.
Trên thực tế, người ta thấy rằng khi loại bỏ những giới hạn đạo đức, con người trượt xuống đời sống và tư tưởng thấp hơn. Cộng đồng là môi trường để phát triển lương tâm, thông qua luật pháp và thể chế. Nếu bạn chỉ muốn sống một đời bình thường, bạn không cần một ý thức tinh thần quá mạnh mẽ và một lương tâm quá khắt khe để tránh khỏi cánh cửa ngục tù. Bạn có thể thực hiện tất cả những gì mình mong muốn chỉ bằng một ý thức mờ nhạt về lương tâm. Thậm chí, bạn có thể sống đàng hoàng và được tôn kính. Bạn được kế thừa lương tâm cộng đồng và được lương tâm cộng đồng bao bọc và bảo vệ an toàn trong môi trường sống của mình. Có nhiều người, rất nhiều người đã chấp nhận sống như thế.
Song xét cho cùng, lương tâm vẫn là một vấn đề của cá nhân. Tiếng nói lương tâm xuất hiện khi cá nhân có thể vượt lên trên những thứ tầm thường hằng ngày. Nếu sống theo lương tâm cộng đồng, bạn đã có một đời sống đạo đức rất mực thước. Song, lương tâm cá nhân có sức mạnh hơn nhiều những khuôn phép đó, hướng bạn đến lí tưởng và hành động có giá trị, có phẩm giá. Lương tâm không đơn thuần là một cảnh sát ngăn chặn những hành vi sai trái. Bạn cần có cái nhìn thấu đáo hơn về vấn đề này. Lời chứng của lương tâm không nên chỉ là những lời chứng tiêu cực, tố cáo tội lỗi.
Lương tâm tôi có cả ngàn tiếng nói,
Mỗi tiếng nói là vài ba câu chuyện,
Mỗi câu chuyện đều phán quyết tôi như một kẻ ác.
Lương tâm ghi nhận giá trị của những hành vi cụ thể, giúp bạn nhìn lại mình khi lạc lối, nhận ra sai lầm và cải sửa mình, thúc đẩy tinh thần đi lên. Hãy sống thuần lành hơn và tử tế hơn, thổi bùng sức sống cho những lí tưởng đạo đức cao đẹp.
Tiếng nói của lương tâm không phải để quở trách, để dằn vặt một người, mà để thôi thúc anh ta thanh tẩy tâm hồn mình và nhen lên ngọn lửa của trí tuệ
LƯƠNG TÂM: QUÁ TRÌNH TRƯỞNG THÀNH NỘI TÂM
Lương tâm gắn liền với quá trình trưởng thành của nội tâm, mỗi giai đoạn lại gắn với các sứ mệnh. Thực ra thì, những lí tưởng về đúng - sai thường không hoàn hảo. Không có điều gì là đúng hoàn toàn, và cũng không có điều gì là sai hoàn toàn. Lương tâm là những quan niệm rõ ràng về những gì bạn nên, và do đó, bạn phải làm và hoàn thành nó. Đấy hẳn là một quá trình tu dưỡng không thể tách rời với quá trình mài bén trí tuệ và rèn luyện cảm xúc, lẫn thân thể. Thế nên, lương tâm cũng không thể tách rời ý thức về những sứ mệnh của sự sống, những lí tưởng của đời sống làm người, và một ý chí cá nhân mạnh mẽ, cùng một tiêu chuẩn mực thước bạn nên tuân theo. Bằng những điều này, bạn sẽ học được cách phân định thế giới và minh định chính mình. Cái ý chí tối thượng đấy, từ xưa đến nay, vẫn ở đây, ngay trong bạn. Biết tự vấn lương tâm, bạn sẽ biết cái gì là nên làm và cái gì là phải làm. Xét cho cùng, lương tâm, ngay cả khi bất toàn, vẫn mãi là ngọn lửa thiêng không bao giờ tắt, là ánh sáng thần, ánh sáng của trí tuệ chiếu rọi khắp thế gian.
Trong bài giảng của giám mục Butler về Bản chất Con người, ông tóm gọn quyền tối cao của yếu tố lương tâm trong cuộc sống. “Không gì có thể rõ ràng hơn quyền năng tối cao của lương tâm, ngoại trừ những mặc khải. Con người được tạo ra không phải để mặc anh ta hành động một cách ngẫu nhiên. Cũng không phải để anh ta thỏa sức sống với sức mạnh bản năng của mình: dục vọng, ý thích, sự ngang bướng. Bởi đó là trạng thái của những sinh vật tàn bạo. Vượt lên cội rễ và bản năng “con” của mình, anh ta có quy tắc của lẽ phải bên trong: Điều đang thiếu sót chỉ là anh ta thực sự chìm sâu vào nó.”
Tôi sẽ không đi sâu vào các câu hỏi gây tranh cãi về nguồn gốc và sự phát triển của lương tâm. Thực tế, lương tâm là một yếu tố nội tâm, gắn với tình cảm đạo đức và thuộc về bản năng con người. Khai sáng, tu dưỡng và rèn luyện lương tâm là sứ mệnh cao cả của cuộc đời. Nếu bạn không bao giờ thực sự săn sóc khía cạnh này của bản thân, nghĩa là bạn đang không đối xử đúng với các sức mạnh của chính mình. Nếu bạn chăm chút và trưởng dưỡng những phần năng lực khác, tại sao lại thả trôi sức mạnh này cơ chứ? Đúng hơn, việc bạn có một lương tâm được rèn giũa và trở nên vị tha quan trọng không kém việc bạn có một trí óc được giáo dục và trở nên uyên bác. Lương tâm đó sẽ định hướng cuộc sống.
Làm thế nào để rèn dưỡng lương tâm?
Đầu tiên, tôi tin rằng, sự chắc chắn của lương tâm phụ thuộc vào nguyện ý phụng sự. Phụng sự không chỉ là bài kiểm tra đạo đức - phẩm giá, mà còn là công cụ để đạt đến phẩm giá. Có những thứ là vàng ròng trong cuộc đời này, bạn phải tìm kiếm, phải đào luyện trước khi bạn thấy được nó. Bằng phụng sự, con người ta có thể giác ngộ. Phước lành đến cho những ai nghe theo các điều răn. Con người thường đảo ngược quy trình và trăn trở về những khó khăn cần đối mặt, những thắc mắc cần giải đáp và những mâu thuẫn cần hóa giải. Có phải bạn vẫn bắt đầu bằng cách muốn biết về một điều trước khi muốn tuân theo? Bạn coi đức tin là vấn đề quan điểm, kiến thức, giác ngộ. Bạn nghĩ rằng bạn nên từ chối đi một bước xa hơn những gì bạn có thể thấy. Bạn thường hỏi “Chân lí là gì?” trước khi bắt tay vào thực hiện sứ mệnh của mình. Bạn sẽ thấy chân lí đấy thông qua phụng sự. Đấy là bài kiểm tra xem bạn tiến bộ đến đâu trong đời sống đạo đức. Bằng phụng sự, bạn đạt đến sự tận tâm, sự trung thành. Đấy là minh chứng cao nhất của đức tin và lương tâm trong bạn.
Có những vấn đề cấp thiết hơn những câu hỏi suy đoán. Lương tâm bất an và ý chí hỗn loạn, những sứ mệnh chưa hoàn thành và cuộc sống không có giá trị, khiến con người mãi dao động, chẳng thể an yên. Khi bạn thành thật với chính mình, bạn không phải đau lòng vì những chuyện làm thế nào để dung hòa điều này với điều kia. Điều bạn cần quan tâm là làm thế nào để dung hòa những gì bạn-là với những gì bạn-nên-là.
Thứ hai, lương tâm chỉ có thể viên thành qua việc bạn chấp nhận các giới cấm trong đời sống của mình. Richard Rothe58 – một nhà thần học người Đức, trong tác phẩm Still Hours đã nói rằng: “Thực tế, có một điều gì đó rất vĩ đại và may mắn, không thể tránh khỏi là tâm trí của chúng ta phù hợp và hài hòa với các quy luật vĩnh cửu và bất khả xâm phạm của thế giới và tự nhiên. Tự mình mang đến sự hài hòa này là một trong những sứ mệnh quan trọng nhất trong quá trình tự rèn luyện cá nhân.”
58 Richard Rothe (1799- 1867): Nhà thần học Luther người Đức.
Các giới cấm này, không như bạn nghĩ, chúng không phải là các quy tắc đạo đức hay phẩm hạnh, các điều luật xã hội buộc bạn phải tuân thủ. Các giới cấm này là một ranh giới tự bên trong bạn. Và nó đòi hỏi bạn nguyện ý thực hiện trong mỗi hành vi, mỗi cư xử dù là rất nhỏ trong đời sống thường ngày. Chẳng hạn, bạn có ranh giới trong các mối quan hệ như thế nào? Bạn có quy tắc đối xử với từng loại quan hệ đó ra sao? Bạn có đối xử với các mối quan hệ đấy tùy tiện theo lẽ yêu ghét hay không? Đời sống của bạn có những ranh giới hay không? Giờ thức ngủ của bạn thế nào? Có hài hòa và thuận với tự nhiên hay không? Bạn có đang tàn phá thân thể mình bằng những cuộc vui thâu đêm suốt sáng hay không?... Tất cả những chuyện đấy tưởng như rất nhỏ, lại là những giới cấm bạn cần phải đặt ra cho chính mình. Nghĩa là tự bạn phải có nguyên tắc trong mọi hành vi, cư xử, trong mọi việc làm, trong mọi cảm xúc lẫn suy xét. Đấy là lương tâm của bạn, nghiêm ngặt và khắt khe hơn thảy luật lệ trên đời.
Khi ấy, lương tâm sẽ là một kim chỉ nam thiết thực cho mọi ứng xử trong đời sống. Bạn sẽ không còn vướng rối trong những câu hỏi mang tính suy đoán. Bạn không cần tự lừa dối mình bằng vài lời cổ vũ lãng mạn để vượt qua mọi khó khăn. Thay vì ngăn trở bạn, hóa ra một đời sống có ranh giới, có nguyên tắc lại đưa bạn đến gần hơn cuộc sống cao thượng nhất.
Thường thì trong cuộc sống, bạn thường cố thoát khỏi sứ mệnh lương tâm của mình bằng cách tô vẽ phức tạp hóa cho những vỏ bọc phù phiếm giả-lương-tâm. Bạn kiếm một cái cớ để thực hiện những mong muốn tầm thường của mình. Bạn giả vờ rằng mình không thể phân biệt đúng và sai. Bạn loay hoay trong việc dung hòa cái-thật của đời sống và sự thật của đức tin. Thực ra chỉ là bạn đang tự lừa mình đấy thôi. Sự tô vẽ của bạn hòng trốn tránh lương tâm bạn, cuối cùng làm chính bạn hoang mang thêm. Sự thật là, bạn chỉ đang kiếm cớ cho sự bạc nhược của mình, để trốn tránh các áp lực đời sống, để không phải đối mặt với khó khăn của chính mình. Khi ấy, chỉ có nguyện ý phụng sự và một đời sống có giới luật mới giúp bạn sống đúng thật hơn.
Trong những giây phút đầy cám dỗ, dục vọng thường lôi kéo con người vào những hố sâu ngột ngạt, tăm tối của nó. Trong sự yếu đuối, bạn thường nhượng bộ, bạn tin rằng bạn sẽ được thoải mái nghỉ ngơi sau tất cả những khó khăn, vật lộn. Nhưng hóa ra, bạn chỉ đang chất thêm củi vào đống lửa địa ngục của chính mình. Trong cơn cuồng say của những cám dỗ, cơ hội duy nhất để bạn thoát ra nằm trong lương tâm: Bất chấp mọi lời ngụy biện, sứ mệnh của con người là chống lại cái bạc ác, xấu xa. Bằng sự dẫn dắt của lương tâm, nơi ngọn lửa thần thiêng bùng cháy và ánh sáng cao thượng chiếu rọi nhân gian, con người tìm được nơi tôn nghiêm nhất của mình.
Con đường của nguyện ý phụng sự, và đưa mình vào những kỉ luật khắt khe nhất của lương tâm, đấy là con đường nội tâm bạn trưởng thành và bừng sáng
NGỌN ĐÈN TRI THỨC SOI TỎ LƯƠNG TÂM
Một lương tâm chưa sáng tỏ rất cẩn trọng, nhưng thường nhiều mong cầu, dễ bị tác động bởi các ấn tượng, và lúc nào cũng có thể là động cơ của tội ác. Lương tâm đó có thể trở nên cố chấp và cuồng tín, khiến một người trở nên tự phụ, khắc nghiệt và thậm chí là tàn nhẫn. Nghe theo lương tâm biến thái và bệnh hoạn, con người sẽ gây ra những tội ác ghê gớm. Sự khác biệt về quan điểm thường được coi là cái cớ cho những phán xét nghiêm khắc và áp bức tàn nhẫn. Tôi mong bạn có thể thắp sáng lương tâm mình. Một lương tâm được rèn luyện phải trải qua mọi sứ mệnh cá nhân và cộng đồng, và được củng cố bằng tri thức và kinh nghiệm. Tư duy, nhận thức và trực giác nhạy bén sẽ giúp lương tâm phân biệt cái gì đúng và cái gì chưa đúng, cài gì nên và cái gì không nên.
Sự tận tâm là một phẩm chất tuyệt vời. Song bạn cần củng cố sự tận tâm ấy bằng những tri thức, và soi sáng nó bằng những cảm xúc sâu sắc. Cái đúng tốt bao giờ cũng cần đến sự chín chắn và lí trí để nó có thể khai phóng tất cả sức mạnh trong con người. Ở đây, một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh về sự cần thiết của phát triển cân bằng. Giống như các năng lực khác, lương tâm không thể tối đa hóa sức mạnh của nó nếu chỉ đứng một mình. Lương tâm chỉ trở nên chắc chắn hơn, biết phân biệt mọi thứ hơn nhờ tri thức và suy ngẫm. Samuel Coleridge59 – một nhà thần học người Anh, có một nhận xét rất đúng và rất sâu sắc về điểm này. “Có rất ít người đủ cứng rắn, có ít người đủ bản lĩnh để ý thức được rõ rệt cái khuynh hướng xấu xa hoặc hành vi trái đạo đức, cùng lúc đưa nó ra trước lương tâm thức tỉnh. Nhưng vì lí do này mà lương tâm trở thành động lực cho tâm trí hình thành một thói quen ý thức rõ ràng. Một người không hướng nội suy nghĩ sẽ mãi bước đi mông muội giữa cám dỗ và cạm bẫy.”
59 Samuel Taylor Coleridge (1772 - 1834): Nhà thơ, nhà phê bình văn học và nhà thần học người Anh, cùng với bạn của mình là William Wordsworth, là người sáng lập Phong trào Lãng mạn ở Anh và là một thành viên of the Lake Poets. Tác phẩm phê bình của ông, đặc biệt là về William Shakespeare, có ảnh hưởng lớn và ông giới thiệu triết học duy tâm của Đức vào nền văn hóa Anh. Coleridge có ảnh hưởng lớn đến Ralph Waldo Emerson và Chủ nghĩa Siêu việt Mỹ. Đoạn trích trong tác phẩm Aids to Reflection, 1825.
Phát triển tâm trí và đạo đức phải đi liền với nhau, đây là mối quan hệ hai chiều. Thúc đẩy đạo đức đi lên cũng là một phần mục tiêu của phát triển trí tuệ. Một nhân cách chân chính và sâu sắc mang theo nó sự phát triển nhanh chóng của toàn bộ con người và mở rộng thế giới tinh thần. Thường thì một người, dù không qua trường lớp, vẫn có thể có một cái nhìn tri thức từ đức tin chân thành của họ. Họ đồng hóa mình với những lí tưởng lớn và những mục đích cao đẹp. Ngược lại, nhân cách đạo đức luôn hỗ trợ cho quá trình phát triển tri thức. Dù bạn thông minh đến đâu, đã qua rèn giũa bao nhiêu, cũng phải đối mặt với những tình huống khó khăn, phải quyết định lựa chọn đạo đức hay sự khôn ngoan.
Khi trí tuệ phát triển đi cùng với sự lớn mạnh trong đạo đức, lương tâm sẽ trở nên phong phú và cẩn mật. Milton đã sớm cống hiến hết mình cho sứ mệnh lớn lao mà ông cảm thấy là một phần của cuộc đời mình: Viết một cái gì đó cho đời sau. Ông cố gắng rèn giũa những phẩm chất cho thiên chức trở thành một nhà thơ. Ông đã làm việc vất vả để trang bị đầy đủ tri thức cho tâm trí của mình. Một ngày đẹp trời, ông nhìn sâu vào nguồn gốc của tất cả những thành tựu vĩ đại, và nhận ra: “Người không nản lòng với hi vọng sẽ viết nên những điều đáng trân quý, thì đó hẳn phải là một bài thơ thực thụ. Nghĩa là, một tác phẩm và một hình mẫu từ những điều tốt đẹp và đáng giá nhất. Người đó nào dám tán tụng về những anh hùng hoặc những thành phố nổi tiếng, trừ khi anh ta có trong mình kinh nghiệm và đã làm được tất cả những điều đáng quý ấy.”
Việc tự trui rèn của ông chứa đựng một mục đích đạo đức, một quyết tâm sâu sắc. Không gì có thể vấy bẩn tâm trí hay làm suy yếu lương tâm của ông. Rất ít nhà thơ hoặc nghệ sĩ hoàn toàn cống hiến cho một lí tưởng như Milton. Nếu chẳng thể toàn tâm toàn ý cho điều gì, thì mỗi lời hứa nhiệt thành và ngoan đạo có thể trở thành thiên đường đánh mất (Paradise Lost). Một thiên tài có thể là nạn nhân của dục vọng, nhưng vẫn tạo ra những tác phẩm trông có vẻ tuyệt vời và đẹp đẽ. Song về lâu dài, những gì kẻ ấy tạo ra chỉ làm suy yếu năng lực của chính họ. Thành quả của trí tuệ chỉ được bảo đảm và bảo tồn bằng phẩm chất đạo đức và một lương tâm sáng rỡ.
LƯƠNG TÂM MỞ ĐƯỜNG TÌM Ý CHÍ SẮT ĐÁ
Ý chí là một khái niệm mang theo nhiều nghĩa và cũng khá dễ gây hiểu nhầm. Tôi thì hiểu đơn giản đấy là ý chí sống. Thế nên, trên hành trình viên thành những phẩm chất của bản thân, viên thành một ý chí mạnh mẽ là một điều bắt buộc. Và bạn không thể tách rời cái ý chí sống này với lương tâm mình. Vòng tròn của ý chí tự do là đấu trường của tất cả các cuộc chiến đạo đức, và trước mọi lựa chọn đạo đức, lương tâm tự cất tiếng.
Lương tâm thì bạn đã rõ rồi. Còn ý chí, bạn có thể hiểu thế này. Mỗi việc làm, bạn tự xác định mục đích cho hành động của mình và phải đạt cho bằng được mục đích đó, thì đấy là ý chí của bạn. Cho nên, mọi hành động đều là kết quả của ý chí. Không có chuyện bạn phải làm trái với ý chí của mình đâu. Bạn có thể hành động ngược lại phán đoán, ngược lại những gì bạn coi là ý chí của bạn, ngược lại với phần bản chất tốt hơn của bạn. Song sự thật không thay đổi, ý chí chịu trách nhiệm cho hành động. Có lẽ, bạn thường tự lừa dối mình, nghĩ rằng thành trì của ý chí vẫn nguyên vẹn dù chính bạn đã đầu hàng cái ác. Bạn giả vờ rằng một hành động hoàn toàn không phải do ý chí của mình, mà là do môi trường, do hoàn cảnh. Điều đó chỉ có nghĩa là một động cơ hay một cám dỗ nào đó đủ mạnh và đoạt lấy sức mạnh ý chí của bạn.
Hãy xem ví dụ sau: Khi Romeo đến tiệm thuốc tây cũ mua một liều thuốc độc. Chàng không hề nói dối về mục đích của mình. Bán thuốc độc cho người khác là trái lương tâm của người thầy thuốc, nhưng ông tự bào chữa cho mình rằng, “Là do tôi nghèo khổ, chứ không phải ý chí của tôi đồng ý.” Hành động đó trái với lương tâm, nhưng không chống lại ý chí của ông. Sự cám dỗ của vật chất quá mạnh đối với ý chí của ông, và việc bán chất độc để Romeo tự sát là ý chí của ông. Cái nghèo chỉ là động cơ thúc đẩy ý chí theo hướng đó. Trong tất cả các vấn đề đạo đức, con người đều quay trở lại gán trách nhiệm cho ý chí.
Ý chí rất quan trọng, nhân cách đến từ sự nhào nặn ý chí. Ý chí khác nhau tạo nên những con người khác nhau. Một người có ý chí mạnh mẽ biết mình có ý nghĩa gì, mong muốn điều gì và thường đạt được mong muốn đó. Còn một ý chí bất cần sẽ tạo nên những con người bất hảo. Nếu bạn thực sự muốn làm chủ cuộc sống của mình, bạn phải có một ý chí sắt đá. Cuộc đời luôn khó khăn, chính bạn phải trưởng thành và hùng mạnh.
Đừng do dự, hãy dứt khoát trong mỗi quyết định. Một ý chí kiên định giúp bạn hoàn thiện những công việc thực tế, phát triển đời sống trí tuệ và tinh thần. Ý chí cho bạn sự can đảm để từ bỏ những suy nghĩ và lối mòn tư duy. Ý chí cho bạn sức mạnh chống lại những cám dỗ và bẻ mạn sườn của kẻ thù. Cuộc sống của bạn phụ thuộc rất nhiều vào việc sức mạnh ý chí được trưởng dưỡng ra sao và được dẫn đi đúng hướng hay không. Lương tâm sẽ mở đường, hãy để ý chí quyết tâm hoàn thiện những sứ mệnh của bạn. Khi đó, cả lương tâm và ý chí của bạn sẽ ngày càng vững mạnh.
Một lương tâm trong sáng có thể nuôi dưỡng một nhân cách cao đẹp. Một nhân cách cao đẹp có thể phát triển một trí tuệ thăng hoa. Những phẩm chất đạo đức tốt đẹp sẽ đưa bạn đến một đời sống tinh thần tuyệt vời. Ở đây, tôi muốn đề cập đến chủ đề của chương cuối cùng: Rèn dưỡng Tinh thần. Một tinh thần vững mạnh sẽ soi sáng và trưởng dưỡng cho lương tâm, củng cố và truyền cảm hứng cho ý chí. Cuộc sống, xét cho cùng, chỉ có hai con đường, giống như câu chuyện ngụ ngôn cũ xưa đã nói: sự quyến rũ của lí tưởng và sự lôi cuốn của thực tế. Bạn lựa chọn thế nào, bạn sẽ có kết quả như thế. Mỗi lựa chọn là một thực tế đối với bạn, do ý chí của bạn. Con người là bất toàn, nhưng trở thành phiên bản tốt nhất của mình là một lí tưởng bạn hoàn toàn có thể thực hiện. Với ý chí sắt đá, với trí tuệ mặt trăng, chẳng bóng tối nào vùi lấp được bạn cả. Không ai cản nổi bước chân bạn, cũng như chẳng ai ngăn nổi mặt trời tỏa nắng. Hãy đón lấy niềm vui của một lương tri thánh thiện. Thomas à Kempis60 nói:
60 Thomas à Kempis (khoảng 1380 - 1471): Kinh sĩ người Đức gốc Hà Lan cuối thời trung cổ, và là tác giả của tác phẩm The Imitation of Christ, một trong những cuốn sách kinh phổ biến nhất của Cơ-đốc giáo. Tên của ông có nghĩa là “Thomas của Kempen”, Kempen là thành phố quê hương của ông.
Hãy có một lương tâm cao đẹp và tử tế, bạn sẽ luôn có được niềm vui. Ồ, ngay cả khi không có chút hân hoan và vui sướng trong mỗi nỗ lực, thì ít nhất cũng sẽ có một chút tự tại và an yên