Đức tin là những tình cảm thánh thiêng
- Jonathan Edwards -
Nhiều người cho rằng tự trui rèn chỉ giới hạn trong phạm vi rèn luyện trí tuệ. Nhưng như tôi đã nhấn mạnh, hai phần tâm và trí luôn đi liền với nhau. Đối với đa phần con người bình thường mà nói, không có suy nghĩ nào là thuần túy lí trí. Suy nghĩ đấy luôn bị ảnh hưởng bởi tình cảm và cảm xúc. Thế nên, bảo một người bình thường phải rạch ròi giữa lí trí và tâm cảm, nói thì dễ, làm được rất khó. Tôi cũng không cho rằng, để có một lí trí sáng suốt, thì chúng ta nhất định phải loại bỏ cảm xúc, phủ nhận nó, triệt tiêu nó. Vì cũng như tất cả năng lực tâm trí khác, cảm xúc góp phần làm nên sự phát triển hài hòa của Thân - Tâm - Trí. Và để mỗi nhân tố này phát huy sự đắc dụng của chúng, thì như đã nói từ đầu, bạn phải trải qua một quá trình rèn giũa những năng lực. Cảm xúc cũng vậy. Xét cho cùng, ai cũng có cảm xúc, nhưng nếu để cảm xúc tùy tiện phát tác, chẳng khác nào chúng ta đang chơi với một con dao hai lưỡi. Vậy nên, điều tôi muốn nói với bạn trong phần này là: Hãy biến cảm xúc thành một loại sức mạnh. Hãy đem nó hòa vào dòng năng lượng sống vô tận của bạn. Và cùng với một thân thể khỏe mạnh, một trí tuệ sắc bén, một trí tưởng tượng tuyệt diệu, biến chúng thành một phương tiện để kiến tạo nên cuộc sống bạn hằng mong.
TÔI ĐỦ DŨNG KHÍ ĐỂ VƯỢT LÊN NHỮNG NỖI ĐAU CHẲNG THỂ CẤT LỜI
Tự trui rèn nếu chỉ quan tâm đến một khía cạnh, một năng lực, sẽ khiến con người trở nên phiến diện. Biến lí trí thành nguyên tắc không-bao-giờ-sai trong mọi vấn đề sẽ khiến thế gian hỗn độn và xáo trộn hơn bao giờ hết. Vì thực tế, lí trí không phải là thứ duy nhất chi phối con người và hợp nhất Thân - Tâm - Trí. Bạn phải biết rằng, tất cả các mối quan hệ lâu dài trong cuộc sống thường gắn kết với nhau bằng tình cảm hơn là trí tuệ. Nếu bạn chỉ là một cá thể tồn tại đơn độc, thì bất kể sự hạn hẹp nào của bạn cũng không ảnh hưởng đến ai. Nhưng con người bản chất là mang tính xã hội, bạn chỉ phát triển bản thân mình tốt nhất trong một toàn thể. Cho nên, ngay cả vì lợi ích cá nhân đi chăng nữa, thì việc tự rèn luyện cũng phải hướng đến các mục tiêu xã hội và được thực hiện trong mối tương quan với những người khác. Giữa người với người, sự gắn kết tuyệt vời không chỉ bằng trí tuệ mà còn là yêu thương. Vì vậy, rèn luyện tâm can, điều hướng xúc cảm là điều chắc chắn bạn phải làm, nếu muốn hướng đến một cuộc sống tốt hơn.
Bản thân trí tuệ không đủ làm cho cuộc sống trở nên cao quý hơn. Shakespeare cho rằng, xác thịt kết hợp với trí tuệ sẽ chỉ tạo ra quỷ dữ mà thôi. Ông đã xây dựng nên một hình tượng biểu trưng cho điều này, đấy chính là Hiệu úy Iago. Anh ta là một kẻ ích kỉ, có khả năng đọc vị chính xác tâm can của người khác. Lợi dụng tâm ý đó, anh ta khéo léo sắp đặt sao cho những cảm xúc và đam mê của họ xung đột với nhau. Anh ta phản bội bạn bè, đạo đức giả với kẻ thù, sử dụng con người làm vật thí mạng trong trò chơi máu lạnh của riêng anh ta. Anh ta khinh bỉ và hoài nghi về điểm yếu của nạn nhân. Sau khi đẩy lòng đố kị của Othello đến đỉnh điểm, anh ta nhạo báng “những kẻ ngu ngốc nhẹ dạ đã bị bắt”. Có lẽ, anh ta là biểu trưng điển hình nhất cho mẫu hình kẻ hung ác lão luyện, chỉ sống bằng một năng lực phiến diện và trở nên tự mãn, độc ác. Sự vô tâm của anh ta đã hủy hoại trí tuệ tuyệt vời của chính anh ta.
Tôi nghĩ rằng, sống giữa đâu đó trong chúng ta, có rất nhiều những con người như thế. Lịch sử cũng chứng kiến không ít những bạo chúa, để đạt được quyền lực mà không ngại chà đạp lên con người. Chẳng hạn như Cesare, một kẻ thông minh, có tài ngoại giao, ủng hộ nghệ thuật, nhưng lại lắm tham vọng và ích kỉ. Người ta hình dung về Casare như một kẻ thống trị vĩ đại nhờ tài năng, nhưng tên tuổi của ông ta lại trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng: bội tín, phạm thượng, mưu phản và hèn hạ.
Để thấy, sự ích kỉ lạnh lùng của lí trí là phần bóng đêm trong mỗi con người. Đấy không phải là trí tuệ đích thực. Trí tuệ đích thực cần được dẫn lối bởi một lương tâm trong sạch, một trái tim thanh sáng và một xúc cảm đầy sức mạnh đã biến thành đức tin cao thượng. Ngay cả khi trí tuệ không bị lôi kéo phục vụ cho cái ác, nhưng nếu không có sự ấm áp của yêu thương, thì chỉ có “lãnh đạm, lầm lỗi và vô giá trị tột cùng. Sự hoàn hảo tắt ngấm, không còn nữa.”
Gạt bỏ cảm xúc, phủ nhận cảm xúc không giúp bạn trở nên lí trí hơn, không biến bạn trở thành một con người thực tế, khôn ngoan và can đảm. Thậm chí, đấy còn có thể coi là vô minh, không biết mình. Người lí trí thật sự là người có thể nhạn biết đầy đủ những tình cảm, cảm xúc của mình, thấu rõ cả bóng tối và ánh sáng trong thế giới tâm cảm sâu khôn cùng. Sự ích kỉ và lạnh lùng, sự thờ ơ và vô cảm, xét cho cùng, chỉ là một trạng thái mà lí trí và cảm xúc không thể hòa hợp được với nhau. Những người không biết cảm thông không bao giờ thực sự dịu dàng, họ không nhất thiết là những kẻ khôn ngoan hơn những người nhạy cảm, dễ bị tổn thương. Một trái tim ngột ngạt, chịu nhiều đau đớn, một khi có thể vượt qua bóng tối trong mình và thức tỉnh, thì phần trí tuệ của họ thật sáng lấp lánh. Đấy mới đích thực là chân trí.
Một người mang trái tim cứng mạnh, đã qua tôi rèn, họ mang trong mình những cảm xúc hết sức tốt đẹp. Họ có thể ước chế bản thân trước những khao khát tham đòi của thân xác, trước sự ích kỉ của bản thân. Người tư lợi có thể tạo ra một sự nghiệp vĩ đại, có tiền của, có địa vị, có vinh quang, có quyền lực, cũng có thể khiến những người xung quanh ngưỡng mộ và ghen tị. Nhưng tất cả những điều đó không thể khiến họ yêu mến anh ta. Anh ta sẽ không thể kéo trái tim của người khác lại gần mình. Chỉ có lòng trắc ẩn là cánh cổng dẫn đến sức ảnh hưởng lớn nhất và sâu sắc nhất. Đế chế của các linh hồn không chỉ dành cho người thông minh mà dành cho người biết yêu thương; không dành cho người muốn trói buộc bạn bằng lí trí, mà dành cho những người chạm đến bạn bằng sự cảm thông, sự tận tâm, sự hi sinh của họ. Những tác phẩm nghệ thuật có thể chạm đến tâm hồn bạn, không phải vì cái hay và đẹp, mà còn bởi chúng truyền cho bạn một cảm xúc mãnh liệt về những bí ẩn của thế giới và cuộc sống, sự khoan dung và lòng trắc ẩn.
Trái tim con người rung động mạnh mẽ nhất không phải vì những kẻ xâm chiến, chính khách hay nhà kinh tế lớn, mà bởi những nhà thơ, nhà huyền môn và các thánh nhân vĩ đại. Bạn cảm kích trước những con người đã âm thầm nói lên những khao khát lặng câm và cứu rỗi những nỗi đau không nói nên lời của đồng loại. Từ ấy, những sai lầm của họ bị lãng quên. Shelley – một nhà thơ lãng mạn Anh, khi nói về sức mạnh của đồng cảm đã nói những lời thật sự chân xác này:
Bởi đó tôi có đủ dũng khí để vượt lên
Những nỗi đau chẳng thể cất lời giữa thế gian này.
Tôi rất thích một câu nói của Horace Walpole54 – một nhà văn người Anh, rằng: Thế giới này là một tấn hài kịch với những người hay suy nghĩ, và là một tấn bi kịch cho những ai thích cảm nhận. Để thấy, thế giới một khi đã bị phân chia qua con mắt của những con người với những năng lực đã vỡ vụn, sẽ không còn là chính nó nữa. Thế giới đấy hoặc thật đáng cười nhạo, hoặc thật đáng nguyền rủa. Thế nên, chỉ khi bạn có thể nhìn đời bằng cả lí trí lẫn cảm xúc, cảm nhận cuộc sống bằng tất thảy Thân - Tâm - Trí của bạn, bạn mới thấy hết sự đẹp đẽ, cao quý và muôn phần đáng sống của nó.
54 Horatio Walpole (1717 - 1797): Bá tước thứ IV của Orford, còn được gọi là Horace Walpole. Ông là nhà văn người Anh, nhà sử học nghệ thuật, nhà khảo cổ và chính trị gia.
HÃY TỬ TẾ, DỊU DÀNG VÀ BAOO DUNG CHO NHAU
Có lẽ, bạn mong đợi một đời sống nội tâm tự tiếp diễn. Bạn muốn để mặc cho cảm xúc của mình trôi đến đâu thì đến, tùy ý phát tác. Bạn gọi đó là tự nhiên. Còn tôi gọi đó là lười biếng và vô minh. Bạn mù mờ đến mức không hiểu được đời sống nội tâm của mình. Bạn lười biếng đến mức buông mình trôi theo những cảm xúc tạp loạn của đời sống. Nếu bạn cứ thả trôi cảm xúc của mình, thì đời sống của bạn cũng trôi nổi, theo đúng nghĩa đen của từ này. Để cảm xúc phát huy sức mạnh của nó, bạn cũng cần đặt ra một kế hoạch rèn luyện thường xuyên và liên tục, giống như bạn đặt ra mục tiêu cho việc rèn luyện thân thể và tư duy. Một vận động viên phải tập luyện để hoàn thiện sức mạnh thể chất của mình. Một học giả phải nỗ lực học hỏi ngay cả khi xác thịt nổi dậy. Cho nên, bạn phải tự thiết đặt bản thân để rèn dưỡng cảm xúc. Hãy khuyến khích và phát triển đời sống cảm xúc, nuôi dưỡng những mối cảm tình chân chính và cao quý.
Vậy thì điều bạn cần làm là gì?
Đầu tiên, bạn cần một giới luật đủ rõ ràng. Mặc dù việc thực hành có thể khó khăn. Chẳng hạn, để xây dựng những mối quan hệ tốt, bạn có thể đặt ra giới luật cho mình như sau: “Hãy tử tế, dịu dàng và bao dung cho nhau.” Đừng nói những lời làm tổn thương, những phán xét khắc nghiệt. Hãy bỏ đi những suy nghĩ tàn nhẫn, kiên trì làm những việc tử tế, học cách bao dung thay vì đổ lỗi. Học cách tìm ra vấn đề trong chính mình. Hãy dành cho nhau những lời động viên, thay vì soi xét sự yếu nhược của người khác.
Thứ hai, việc nuôi dưỡng những cảm xúc lành mạnh đòi hỏi bạn chấp nhận những giới luật một cách có chủ ý như một bổn phận, và kiên trì liên tục như một kế hoạch của đời sống. Chẳng hạn, nếu bạn không chủ tâm tử tế, bạn sẽ rơi vào thói thường của cuộc sống, đấy là xu hướng trở nên tàn nhẫn vì thiếu suy nghĩ. Có thể bạn chưa đạt đến một đời sống trí tuệ cao quý, nhưng ở mức đơn giản nhất, bạn có thể đối xử với những người xung quanh bằng sự chân thành, và ít nhất là sự tử tế: lắng nghe và thấu hiểu những người thân và người bạn; bao dung cho nỗi đau của những người xung quanh.
Thứ ba, nuôi dưỡng những cảm xúc tốt đẹp đòi hỏi bạn nhận ra và trừ bỏ phần bóng tối trong tâm cảm của mình. Chỉ khi nhìn ra nó, phải thừa nhận sự tồn tại của nó, bạn mới có thể bắt đầu trừ bỏ nó. De Musset nói rằng bên trong mỗi người đều có một nhà thơ chết trẻ. Bi kịch của cái chết sớm đó là cái chết của cảm xúc tốt đẹp và vị tha! Ngọn lửa tắt vì thiếu nhiên liệu, cho nên bạn cứ muốn lấp đầy con tim bằng những tình cảm, cảm xúc sai lầm: sự hoài nghi và trách móc, sự ích kỉ và bất chân. Tất cả ăn sâu vào trái tim bạn như một thứ axit. Bạn phán xét khi nhìn vào sự dại dột của một người, thay vì hiểu cho nỗi buồn của họ, thật ra chỉ là bạn đang phán xét chính mình và sợ bị phán xét. Bạn nóng giận với người khác, thật ra là đang bất nhẫn với chính mình. Bạn trách móc, oán hận người khác, thật ra chỉ bởi bạn bất lực với bản thân. Bạn cay nghiệt chát chúa nhân danh chính nghĩa, thật ra chỉ là phát tác cái ác trong mình. Đến cùng, tất cả những cảm xúc tiêu cực của bạn chỉ là bộc phát từ những tổn thương trong trái tim bạn. Nếu bạn không thực sự thấy được phần đấy trong chính mình, bạn sẽ không bao giờ có cơ hội trở mình. Tôi từng nhớ một câu nói của cổ nhân: Chỉ khi thấy và thật sự chán ghét cái phần xấu ác trong mình, bạn mới có thể trừ bỏ nó.
Bên kia nỗi đau là hạnh phúc. Đi qua nóng nảy là điềm tĩnh. Vượt qua tổn thương là chữa lành. Có những phẩm chất của trái tim, bạn nhất định phải viên thành để chính bạn được chữa lành, trở nên điềm tĩnh và hạnh phúc.
Phẩm chất đầu tiên, đấy là sự bao dung. Bằng sự bao dung, bạn sẽ hóa giải những lời phán xét. Bằng sự thấu hiểu dịu dàng, bạn có thể gạt bỏ ánh nhìn sắc lạnh lên sự yếu đuối nơi người khác. Tôi không bảo bạn phải giả vờ không thấy không biết những phần yếu đuối, những phần xấu ác nơi con người. Nhưng khi bạn thôi nhìn họ bằng đôi mắt rực lửa, bạn bao dung họ, bạn mới có thể thực sự thấu hiểu họ. Thấu hiểu họ bạn mới thực sự có thể giúp họ khai sáng những phần tốt đẹp trong chính họ, và trong chính bạn. Bạn sẽ trở nên sâu sắc hơn và thấy cuộc sống nhẹ nhàng. Mọi sự nỗ lực và nhẫn nại sẽ được đền đáp xứng đáng. Học cách bao dung và trở nên rộng lượng, trái tim bạn sẽ biết đường tìm đến những điều tử tế.
Thật đáng buồn, và cũng thật đáng tiếc khi thấy những người trẻ luôn hoài nghi và thận trọng trước cuộc sống. Bởi sợ tổn thương, bởi sợ thiệt thòi nên không dám sống hết mình, không dám gạt bỏ sự ích kỉ của mình. Thậm chí, không dám yêu thương và vị tha. Tôi tin rằng, một cuộc đời đáng sống là dám yêu thương, dám tổn thương. Dám vượt qua cái nhỏ bé của bản thân để đến với những giá trị lớn lao. Dám nắm tay mọi người và cùng đi đến một thế giới tốt đẹp. Vì sự thực là bạn không bao giờ có thể tốt đẹp một mình, cũng giống như đau khổ một mình là nỗi đau khổ tột cùng. Như Ruskin đã nói rất thấm thía: “Tôi có thể nói với bạn rằng, không phải là chúng ta muốn có ít cảm giác đi, mà chúng ta luôn muốn nhiều hơn thế. Sự khác biệt đáng kinh ngạc giữa người với động vật chính là chúng ta có nhiều cảm giác hơn. Nếu là bọt biển, có lẽ bạn không cảm giác được điều gì. Nếu là giun đất, bạn có thể đã bị cái thuổng cắt làm đôi ngay lập tức. Có lẽ quá nhiều cảm giác khiến bạn thấy bất an. Nhưng là sinh vật con người, đó là đặc quyền của bạn. Giờ đây, bạn chỉ là con người chừng nào vẫn còn có cảm giác với hoàn cảnh bên ngoài. Niềm vinh dự của bạn hoàn toàn tỉ lệ thuận với cảm xúc mạnh mẽ của bạn.”
Thế nghĩa là, con người không sợ tình cảm, họ chỉ sợ thất vọng với tình cảm của họ. Con người không giết chết cảm xúc, họ chỉ che giấu nó với những người xung quanh. Thậm chí, có thể nói vì thiếu thốn tình cảm, con người trở nên khó ưa, họ chuyển tham cầu tình cảm của mình sang thành lòng ham tiền bạc, ham vật chất và sống buông thả. Cuộc sống cao quý của bạn đang dần chết đi bởi vì những mối cảm tình nông cạn giữa bao điều lớn lao.
Phẩm chất thứ hai, tôi muốn nhấn mạnh với bạn, đấy là sự chân thành. Trong tác phẩm The revolution in Tanner’s lane (Tạm dịch: Cuộc cách mạng trên đường Tanner), Mark Rutherford đã có một đoạn mô tả sự tung hô với vua Louis XVIII ở London, mà tôi thấy rất thú vị:
“Khi ngài bước ra ngoài khách sạn, một đám đông trên đường phố vỗ tay rầm rộ và kêu vang ‘Chúa phù hộ cho đức vua!’ như thể họ nợ ngài tất cả những gì họ có, thậm chí cả mạng sống của họ. Thật cảm động, mọi người đã nghĩ như thế vào thời điểm đó, và đúng như thế. Có điều gì thống thiết hơn sự lãng phí lòng trung thành và tình yêu của con người? Khi chúng ta đọc về quá khứ của Highlands, câu chuyện về lòng trung thành kiểu Jacobite, hay như Đô đốc Bluewater. Các chàng trai thân mến, chúng ta buồn bã vì vận mệnh đặt định rằng, trong một thế giới không có nhiều lòng thương cảm, thì nó lại bị phí hoài đến mức đau lòng. Buồn thay, con người lại dành những giọt nước mắt nóng hổi cho những thứ vụn vặt và cơn giận dữ.”
Để thấy rằng, mọi sự tung hô không thể đổi lấy những tình cảm chân thành. Vậy mà con người lại từ bỏ cảm xúc chân thành của mình để tìm kiếm sự thỏa mãn trong những cảm giác và rung động nhất thời. Họ trao lòng nhiệt thành – kho báu của trái tim mình cho những thứ vụn vặt và cơn giận dữ. Trước những cái xấu và cái ác, chúng ta lại quá thờ ơ, thậm chí không chán ghét, không căm phẫn. Nhưng nếu trái tim bạn chẳng thể lay chuyển vì đức tin vào những điều tốt đẹp, chẳng thể dành chân thành để yêu thương, thì nó còn có thể lay chuyển vì điều gì? Tôi nghĩ, có nhiều cách để trái tim bạn trở nên mạnh mẽ. Nhưng cách tuyệt vời nhất để trái tim vừa trở nên mạnh mẽ vững vàng, vừa dịu dàng bao dung, đấy chính là lòng yêu thương chân thành.
Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng, cảm xúc là nền tảng của cuộc sống, thậm chí là nền tảng của đời sống trí tuệ. Thật ngốc nghếch khi nghĩ rằng tư duy con người là thượng đẳng, còn cảm xúc là hạ đẳng. Sự sống của trái tim cần thiết cho sự sống của lí tưởng, của niềm tin. Rèn luyện tâm cảm đích thực luôn cần song song với việc rèn luyện các phương diện khác, chúng uyển chuyển lấp đầy những khuyết thiếu của nhau. Ngắm nhìn các vì sao tinh tú, một nhà thơ có những cảm xúc và suy nghĩ tuyệt vời hơn là một nhà thiên văn chỉ quan sát và ghi chép sự kiện với tất cả tri thức khoa học của mình. Sẽ không có những ý tưởng tuyệt vời khi không có cảm xúc tuyệt vời. Nếu không có những khoảnh khắc thăng hoa, trí tuệ không thể nào nắm bắt những ý tưởng thú vị ấy. Không có đạo lí sâu sắc nào mà không có sự mạnh mẽ của cảm xúc. Đạo đức - phẩm hạnh sẽ không thể trở thành sức mạnh lâu dài trong cuộc sống, trừ khi được củng cố nhờ cảm tình thanh sạch và sự nhiệt huyết.
CÂN BẰNG CẢM XÚC BẰNG LÍ TRÍ
Ở đây, tự trui rèn đúng nghĩa phải bao gồm học cách tự chủ. Những cảm xúc của con người, như niềm vui và sự thương cảm, là cao cả và đáng quý. Những cảm xúc tốt đẹp ấy vẫn luôn tồn tại trong mỗi người, bạn cần khơi gợi và nuôi dưỡng chúng. Bên cạnh đấy, có những cảm xúc tiêu cực rất tự nhiên và tự phát, bạn phải kiểm soát cẩn thận như nỗi đau, sự sợ hãi và cơn tức giận. Một vài trường phái triết học nhấn mạnh rằng, bạn cần làm chủ những cảm xúc này, càng nhanh chóng tiêu trừ chúng càng tốt, như thể chúng không xứng đáng có một vị trí bên trong bạn. Tôi thì cho rằng, đối với con người bình thường chúng ta mà nói, trừ bỏ những cảm xúc đấy hoàn toàn là điều quá lí tưởng, và cũng không thể. Tuy nhiên, học cách kiểm soát và điều hướng chúng là điều chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Ngay cả những cảm xúc tích cực, tốt đẹp, nếu bạn không học cách biểu lộ chúng cho đúng với chân tâm của bạn, thì rất có thể chúng được thể hiện ra bên ngoài thành sai lệch. Chưa kể, thường xuyên, chúng ta còn hiểu lầm về chính mình. Bởi không thấu suốt nội tâm mình, nên dễ dàng hiểu sai động cơ thực sự bên dưới những cảm xúc bề mặt. Thế nên ở đây, tôi muốn trao đổi với bạn, không phải là cách chúng ta triệt tiêu cảm xúc, mà là cách kiểm soát và điều hướng chúng, dù là cảm xúc tích cực hay tiêu cực.
Trước hết, đối với cảm xúc tiêu cực, bạn phải học cách kiểm soát trước sự thường xuyên bộc phát của chúng. Cuộc sống này luôn đầy những yếu tố bất ngờ, bạn thường xuyên rơi vào những cảnh huống mà chính mình không mong đợi. Hôm nay ra đường bạn va phải một gã hợm hĩnh. Ngày mai bạn phải nghe một lời lăng mạ từ một kẻ xa lạ. Bạn về nhà và phải nghe những lời càm ràm từ gia đình. Dù đã rất chăm chỉ hoàn thành công việc, bạn vẫn bị cấp trên trách mắng... Vào những cảnh huống đó, ai cũng có những phút yếu lòng, cáu giận, bất mãn và sợ hãi. Xuất sinh những cảm xúc tiêu cực là chuyện khá bình thường xảy ra với bạn hằng ngày. Quan trọng là thái độ của bạn khi đối mặt với những cảm xúc tiêu cực đấy. Đừng cố gắng giết chết cảm xúc. Hãy thanh lọc chúng, giữ nhịp trái tim bằng cách thường xuyên kiểm soát nó. Nhiều người nghĩ gieo những hạt cảm tình cũng là cơ hội những khổ đau nảy mầm. Bạn biết đấy, thực tế những người đáng mến nhất cũng có thể là người vô tránh nhiệm và không đáng tin nhất lúc cấp bách. Họ bung xả khắp mọi nơi, khi đã trút hết tình cảm thì chẳng còn lại gì. Người có đầu óc tỉnh táo, có khả năng phán định và nắm chắc bản thân, họ luôn vững mạnh, không bao giờ buông lời vu vơ hay hấp tấp trong mọi tình huống, dù thuận lợi hay khó khăn. Cái tính khí nông nổi, bồng bột, dễ sôi sục với đam mê thì cũng dễ đóng băng trước sự tuyệt vọng. Cái sự dễ dãi đó sẽ tràn lấn sang những hi vọng xa hoa và tiếp nữa đến những nỗi sợ hãi cùng cực. Nếu bạn cứ phát tác khắp nơi như thế, cuộc sống của bạn sẽ luôn phải hứng chịu bão tố, sống trong nỗi phập phồng lo sợ và chao đảo của tâm hồn, rồi chìm vào bóng đêm của những cơn khủng hoảng.
Song, nếu chỉ kiểm soát trong tình huống cụ thể, mà không có gắng thấu hiểu sự thật đằng sau những cảm xúc đấy, thì chỉ một thời gian, cảm xúc sẽ tái phát trở lại. Nếu không cố gắng, những cảm xúc tiêu cực của bạn thường xuyên xuất hiện trở lại sau những cơn phát tác như thế, nó sẽ biến thành một thứ tình cảm ủy mị, yếu ớt. Vì khi đó, cảm xúc trong bạn đã hóa thành tổn thương, và lệ thuộc vào những hoàn cảnh đã gây ra tổn thương cho nó. Tức là sao? Tức là nó giống như một cơ chế đã cài đặt sẵn trong bạn, chỉ cần gặp lại hoàn cảnh tương tự, nó sẽ tự động bật công tắc. Vô hình trung, bạn trở thành nô lệ cho những hoàn cảnh sống của bạn. Bạn lệ thuộc cảm xúc vào những con người thân quen lẫn xa lạ ngoài kia, giống như bạn không bao giờ có thể chạy thoát khỏi bàn tay họ. Phải sống một cuộc đời như thế, thật quá bi kịch, đúng không? Vậy mà phần lớn con người bình thường chúng ta sống trong nỗi đau khổ đấy mà không nhận ra rằng mình đau khổ. Không phải vì hoàn cảnh, mà vì sự bất lực trong chính mình, không chiến thắng được những tiêu cực bên trong mình để làm chủ hoàn cảnh. Thế nên, để chấm dứt chuỗi những cảm xúc cứ cách quãng thời gian lại bùng phát, bạn không thể chạy trốn chúng. Hãy đối diện với chúng. Hãy đào sâu vào bên trong nội tâm mình để tìm ra nguồn cơn gốc rễ của chúng, đưa chúng ra ánh sáng, ngừng cấp bóng tối làm thức ăn cho chúng sinh sôi nảy nở. Đừng bấu víu mãi vào những cảm xúc dư thừa và mất cân bằng. Đừng cố gắng mệt nhoài lấp đầy mình bằng vài nỗi đa cảm lầm lạc. Khi bạn đã thấu hiểu cội rễ những cảm xúc của mình, bạn sẽ không dễ dàng tái phát chúng trong những cảnh huống tương tự của đời sống. Mỗi ngày một chút như thế, hiểu mình như thế, can đảm đối diện như thế, bạn sẽ dần chiến thắng sức mạnh chi phối vô hình của những cảm xúc tiêu cực.
Thứ hai, điều hướng cảm xúc luôn cần thiết ngay cả với những cảm xúc tích cực, ở những chỗ mà cảm xúc ít có nguy cơ bùng phát, chẳng hạn như lòng trắc ẩn. Ở đây, bạn sẽ thấy nếu có thể khôn ngoan và cẩn thận điều hướng bản năng thương hại, mong muốn giúp đỡ và sự khoan dung, bạn sẽ làm được nhiều điều có ích hơn. Nếu không, sự khoan dung của bạn có thể trở nên thái quá, không đúng lúc đúng chỗ. Nếu bạn nghĩ nhiều hơn về hậu quả đáng tiếc do hành vi của mình gây ra, bạn sẽ biết cách đặt định tình yêu thương trong mỗi hành động. Khoan dung bừa bãi có thể chỉ là một hình thức khác tinh vi hơn của sự ích kỉ, để bạn thoát khỏi tình trạng đau khổ ở hiện tại. Thực tế, sự nhân từ cần nhiều trí tuệ hơn những gì bạn nghĩ. Nếu không có thiện chí hoặc các luật lệ nhân văn nào trong quá trình phát triển công nghiệp, kết quả cuối cùng sẽ chỉ là sự gia tăng nghèo đói và khốn khổ. Công nghiệp hóa trở thành một cái cớ cho sự nhẫn tâm và thiếu cảm thông. Bạn thấy đấy, cái tàn ác nghiêm trọng nhất đều có nguồn gốc của nó. Một lời biện hộ cho sự khôn ngoan mang đến sức mạnh hủy diệt nhân loại. Không còn đâu thứ tình cảm nhân từ bác ái.
Trong đời sống xã hội hiện đại, những phẩm chất tuyệt vời của cảm xúc như sự chân thành, vô tư và thấu hiểu đang phai nhạt dần. Người ta thường hiểu lầm về lòng trắc ẩn, người ta dành cho nhau những sự cảm thông giả tạo, sự đa cảm thái quá. Bạn có thể thấy xu hướng này thông qua các nhân vật trong các tác phẩm của Sterne55 và trường phái Shandy56. Đấy là những nhân vật tiêu biểu cho những tình cảm ủy mị, sướt mướt được bộc lộ tràn lan trong đời sống xã hội. Họ tôn vinh đạo đức, chỉ trích thói xấu và khiến trái tim trơ lì trước những khao khát và đòi hỏi của đời thực.
55 Laurence Sterne (1713 - 1768): Tiểu thuyết gia và giáo sĩ người Anh-Ireland. Ông viết tiểu thuyết The Life and Opinions of Tristram Shandy, Gentleman and A Sentimental Journey Through France and Italy, đồng thời xuất bản nhiều bài thuyết pháp, hồi kí.
56 Xu hướng hành xử thay đổi phù hợp với những lí thuyết vô lí từ các thời đại trước đây. (Ám chỉ hành động của Walter, cha của người anh hùng trong Sterne’s Tristram Shandy.)
Augustine nhận ra điều này trong chính mình, trong ngày tháng ông cuốn theo các vở kịch đầy rẫy những hình ảnh về nỗi đau khổ và ngọn lựa nhiệt huyết. Ông biết rằng chịu đựng chính mình là nỗi đau và cho phép cảm thương người khác là sự thương hại. Ông nói: “Nhưng điều đáng thương này là gì, phải chăng là vì những giả tạo và bóng tối của ánh đèn sân khấu? Vì các thính giả không cảm thấy xúc động khi cứu giúp ai đó, mà chỉ mong muốn một sự đau buồn. Họ càng hoan nghênh màn diễn hư cấu này, họ càng đau buồn. Nếu những bất hạnh của con người, dù là tàn tích của lịch sự hay chỉ là hư cấu, được diễn lại nhưng người xem không cảm thấy đau buồn, họ sẽ khinh thường rời đi và chỉ trích. Nhưng nếu họ cảm động đến mức đau buồn, họ vẫn mải mê xem và tận hưởng những giọt nước mắt lăn dài của mình.”
Để thấy, con người có xu hướng mê đắm chính những cảm xúc của mình. Đấy là một biểu hiện của trạng thái ái kỉ cực đoan đã được nói đến rất nhiều trong tâm lí học. Trước cảm hứng bi ai giả tạo tràn ngập trong văn chương và đời sống, bạn hãy hết sức tỉnh táo và dùng lí trí để suy xét một chút. Hãy cân nhắc đến lời của William James57 – một nhà tâm lí học rất cấp thời, trong những nghiên cứu về cảm xúc và hành vi của ông: “Khi một quyết tâm hay một cảm xúc sôi nổi bùng lên mà không mang lại hiệu quả thiết thực, nó còn tệ hơn là đánh mất một cơ hội. Sự tích cực ấy sẽ ngăn trở các quyết tâm và cảm xúc trong tương lai đi theo con đường xả thoát bình thường. Con người đa cảm, mơ mộng chỉ cho thấy cái nhu nhược và yếu hèn. Người đó sẽ dành cả cuộc đời mình vẫy vùng trong một biển khơi của những cảm giác và cảm xúc. Họ không bao giờ có thể hành động mạnh mẽ.”
57 William James (1842- 1910): Nhà tâm lí học, tâm thần học, tâm lí nhận thức và tâm lí học hành vi. Với lí thuyết tâm lí thực dụng, ông được coi là một trong ba ông tổ đã sáng lập và đặt nền tảng cho toàn bộ tâm lí học hiện đại, cùng với Wilhelm Wundt và Pierre Marie Félix Janet. Tham khảo cuốn Cuộc đời vốn dĩ rất khó nghĩ, iBooks & NXB Phụ Nữ, phát hành năm 2020.
Đến đây, tôi chỉ muốn nói là, dù cảm xúc có tốt và cần thiết ra sao, hãy dùng lí trí để cân bằng cảm xúc. Không có lí trí, cảm xúc chẳng khác nào những tiếng nói nội tâm, thành kiến hay những ý thích đơn thuần. Cuộc sống bị thống trị bởi những thiên kiến thật là khủng khiếp, bạn sẽ bị hất tung bởi từng đợt sóng cảm xúc cuộn trào. “Tình cảm tốt đẹp mà không có sức mạnh của lí trí chẳng khác nào đuôi công kéo lê trong bùn sình.” Mất kiểm soát bản thân nguy hiểm thế nào, chắc bạn cũng hiểu. Cảm xúc không thể kiểm soát giống như một con bò đực trong cửa hàng gốm sứ vậy.
Điều thứ ba, hãy nâng những cảm xúc thuần khiết và một tâm trí thăng hoa lên thành một sức mạnh lớn lao, giúp cuộc sống vượt thoát khỏi những điều vụn vặt, tẻ nhạt và lạnh lùng. Khi bạn để tâm trí chìm trong những cảm xúc ngông cuồng, chơi đùa trong niềm vui sướng tột độ, hay đọa đầy mình trong những nỗi buồn đau xé lòng, thì thực ra bạn sẽ chìm vào một mớ hỗn độn không lối thoát. Vì thật ra đấy chỉ là những cảm xúc bộc phát, nó không phải là sự thăng hoa. Cảm xúc bộc phát giống như ngọn lửa sẽ thiêu đốt bạn. Cái gì quá mức cũng gây ra một tình trạng bất ổn, đúng không. Chẳng hạn như việc say mê quá mức với các vở kịch, âm nhạc, tiểu thuyết tiềm chứa nguy cơ về một sự đa cảm vô nghĩa không bao giờ truyền cảm hứng cho bất cứ điều gì. Ngay cả những cơn phấn khích vui vẻ cũng có thể khiến cho bạn chìm vào bóng tối và nỗi cô độc. Con người cảm tính dễ mang cái cảm tình cá nhân ra để đánh giá mọi thứ xung quanh. Một người có thể cảm động đến phát khóc trước những chuyện chẳng liên quan đến cuộc sống của mình. Những cơn phấn khích ấy làm anh ta mất hết tinh thần, thoái chí nản lòng như những trò giải trí vô bổ. Bị cuốn đi với cảm xúc quá khích, ngay cả với tình yêu và những điều cao cả nhất, cũng rất khác với sự thăng hoa thực sự của tâm hồn.
Trước khi điều hướng và chuyển hóa cảm xúc thành một sức mạnh, bạn phải thấy rõ: Cảm xúc là một loại năng lượng. Nó luôn cần một tải thể để trút ra. Người hay phát tác cảm xúc thì trút lên người khác, như chúng ta đã thấy, để rồi phá hủy các mối quan hệ và biến cuộc sống của mình thành một mớ hỗn độn, cuối cùng làm tổn thương chính mình. Những nhà văn hay nghệ sĩ thì điều hướng nguồn năng lượng mạnh mẽ này thành những tác phẩm văn chương nghệ thuật. Nhưng tôi và bạn đã thấy, việc viết cho người khác thưởng thức cũng chứa đầy những cạm bẫy. Khi niềm vui, nỗi đau của một cá nhân tựu thành trong một hình hài là cuốn sách, và được mua bán ở ngoài kia, nó có thể phải đánh mất mình để phục vụ cho nhu cầu của số đông. Đấy là một câu chuyện khá phức tạp, chúng ta tạm thời không bàn đến ở đây. Song để nói với bạn rằng, bạn có một cách thức tuyệt vời để tải trở những cảm xúc của mình, đấy là: VIẾT. Hãy viết cho chính mình, vì chính mình, để thấu hiểu chính mình. Chỉ như thế, bạn mới có thể chân thật với bản thân. Đấy là bước đầu để bạn xóa tan bóng tối của cảm xúc tiêu cực trong mình. Như tôi được biết, viết là một hình thức chữa lành từ cổ xưa. Thực hiện nó rất đơn giản, bạn không cần tốn quá nhiều chi phí cho việc này. Vì vậy hãy tận dụng phương thức chữa lành chưa bao giờ cũ này.
Trút bỏ cảm xúc chỉ là một phương cách ban đầu thôi. Để biến cảm xúc thành một nguồn năng lượng đầy sức mạnh, đến cuối cùng, bạn phải sống bằng một đời sống có đức tin. Khi bạn đặt niềm tin vào một cuộc sống tốt đẹp hơn, khi bạn tin rằng bạn và những người thân yêu xung quanh có thể kiến tạo nên chính đời sống ấy, cảm xúc cùng với lí trí và ý chí của bạn sẽ trở thành phương tiện tuyệt vời mang sức mạnh bất khả kháng. Sức mạnh đấy sẽ giúp bạn vượt qua mọi chướng ngại, phá bỏ chiếc lồng giam nhốt bản thân trong những điều hạn hẹp tiêu cực.
Trên tất cả, sự cảm ngộ của bạn với cái đẹp và những điều cao quý sẽ giúp bạn thức tỉnh từ trong vô minh, mạnh mẽ từ trong đau thương. Bạn trở thành một người mạnh mẽ, can đảm và quyết liệt. Thay vì vật lộn mãi với vài cảm xúc bé mọn ngày qua ngày, bạn sẽ thực sự có thể đứng lên hành động và xắn tay làm những điều tốt nhất cho cuộc sống của bạn. Đừng lãng phí năng lượng xúc cảm của bạn. Hãy làm chủ cảm xúc và đặt niềm tin vào một đời sống thánh thiện và để phụng sự những điều cao quý.
Như vậy, về mọi mặt, bạn sẽ thấy cần trân trọng cảm xúc bằng suy nghĩ chân chính và hành động đúng đắn. Đây là cách bạn kiểm soát và điều hướng cảm xúc giúp bạn thực sự thoát khỏi những cơn điên vô lối. Nuôi dưỡng những lí tưởng lớn, lấy cảm xúc làm động lực cho hành động sẽ làm tan đi cơn phấn khích tột độ và những cảm xúc thái quá. Có nghĩa là để sự kiên định và sáng suốt trở thành lí tưởng, giúp bạn duy trì sức sống và sự tươi mới thực sự của cảm xúc. Sức mạnh của cống hiến có thế điều hướng cảm xúc và kiểm soát sự phấn khích trong quá trình bạn nuôi dưỡng những lí tưởng tuyệt vời. Khi tâm trí mất thăng bằng, dù vui hay buồn, hoan hỉ hay ăn năn, những lời nguyện cầu và tự động viên sẽ giúp tâm trí bình tĩnh và vững vàng. Mỗi lời bạn tự nhủ, tự nhú một mầm non phá vỡ những dục vọng, và đưa tâm hồn trở lại trạng thái cân bằng.
Cống hiến cho những điều cao thượng, những điều có giá trị là liều thuốc xoa dịu cơn kích động cho tâm hồn, từ đó bạn có thể sống đúng với trái tim chân thật của mình
BIẾN CẢM XÚC THÀNH ĐỘNG LỰC ĐỂ VƯƠN LÊN
Cuối cùng, tôi nhất định phải nói với bạn về một nhân tố giúp bạn vững bước trên con đường rèn luyện tâm trí, đấy là: KỈ LUẬT. Chúng ta đã nhắc với nhau quá nhiều về hai chữ này trong quá trình rèn luyện thân thể và trí tuệ. Rốt cuộc, nó cũng không thể thiếu trong việc rèn luyện cảm xúc. Để chiến thắng sự tùy tiện của cảm xúc, bạn không thể nói suông mà được. Bạn cũng không thể dỗ dành cho những cảm xúc nguôi ngoai đi bằng vài lời an ủi, tự động viên. “Cảm xúc chỉ là viển vông trừ khi chúng ta hành động.” Dù cảm xúc của bạn có tốt đến đâu đi chăng nữa, nếu bạn không bao giờ nỗ lực hành động, nếu bạn không biến những cảm xúc thành động lực để vươn lên, bạn sẽ đánh mất đi cơ hội cho mình trở nên tốt hơn và tốt hơn. Kỉ luật sẽ giúp bạn kiên trì và vững tâm trong những hành động của mình.
Kỉ luật với rèn luyện cảm xúc, không có nghĩa là giờ này bạn phải làm gì, giờ kia bạn phải làm gì. Nó có nghĩa là:
Trước hết, bạn phải đặt ra kế hoạch hành động cụ thể cho mình. Chẳng hạn, trong vòng vài tháng tới, bạn phải khắc phục cái tâm nào của mình, cảm xúc tiêu cực nào của mình cần phải được kiểm soát. Nếu tính nóng giận của bạn thường xuyên gây ra những bất lợi cho đời sống của bạn, nó khiến bạn gặp rắc rối trong các mối quan hệ thường nhật, thì đấy chắc chắn là vấn đề lớn bạn cần phải xử lí. Hãy lên kế hoạch và dành cho nó một khoảng thời gian nhất định, để điều hòa tính nóng nảy này của mình. Hãy thực hành nó hằng ngày với những người mà bạn giao tiếp, trong bất cứ tình huống nào bạn gặp phải. Đấy chính là kỉ luật.
Thứ hai, bạn hãy kiên trì thực hiện nó đều đặn cho đến khi viên thành mục tiêu bạn đặt ra. Thực hành nó với bất cứ ai, bất kể thời gian nào. Việc rèn luyện sẽ thành vô ích khi bạn không thực hiện nó đều đặn. Khi đó bạn sẽ lại rơi vào sự tùy tiện của cảm xúc, nay thích thì làm, mai không thích thì thôi. Mỗi lần, bạn không duy trì được kỉ luật, là mỗi lần những gì bạn thực hiện lại trở nên dang dở, không đạt được một kết quả cụ thể nào. Đời sống của bạn lúc ấy chỉ là một chuỗi những dang dở nối tiếp. Kỉ luật, một thứ tưởng như khô cứng, mệt mỏi lại chính là điều giúp bạn duy trì ngọn lửa nhiệt huyết và đam mê trong trái tim. Cái gì bùng lên thì dễ tắt, càng nóng càng dễ nguội lạnh. Chỉ có một kỉ luật sắt đá mới giúp cho ngọn lửa nhiệt huyết cháy sáng mỗi ngày.
Nếu một lúc nào đó, bạn nhận ra tâm hồn mình đang chết mòn vì thiếu cảm xúc và đam mê, tôi cá là bạn sẽ thấy bối rối lắm. Nhưng lối thoát ở ngay đây rồi. Hãy đi con đường của rèn dưỡng đích thực bằng việc làm chủ trái tim mình. Cảm xúc phải được rèn luyện và thiết đặt kỉ luật, để nó không bị phủ đầu bởi những chuyện ngớ ngẩn, rồi biến tướng thành những điều xấu xa. Món quà càng cao quý, càng dễ bị lạm dụng đúng không. Món quà của trái tim cũng cao quý và tinh tế chẳng kém gì món quà của trí tuệ. Yêu thương là niềm vui cũng có thể là lời nguyền. Sợi dây gắn kết tâm hồn với tâm hồn có thể chắc chắn cũng có thể mỏng manh. Tình bạn có thể dẫn đến thiên đường, cũng có thể “đến nơi quỷ dữ canh cửa địa ngục”. Sự lãng mạn tự nó có thể bị đầu độc và trở nên băng hoại. Thế nên, bạn cần rèn luyện bản tâm của mình một cách cẩn trọng và khôn ngoan.
Đức tin gắn liền với con tim, vừa dung chứa vừa đối lập, nhưng con người có thể điều hòa những mặt đối lập ấy. Bạn lựa chọn điều gì bạn sẽ sống với điều đó. Bạn đặt niềm tin vào chính mình, bạn sẽ có sức mạnh để bảo vệ mình và vượt qua khó khăn của cuộc sống. Phẩm giá lớn lao, nỗ lực sống tốt, đức hạnh gây dựng được luôn bên ta và trong ta. Cái sai trái, ác độc sớm muộn cũng sẽ tan biến. Hãy gieo mầm từ bi trong trái tim, và nuôi dưỡng niềm đam mê vô song trong sự thuần khiết. Ngay cả trong những thử thách khốc liệt, hãy tĩnh lại một chút, lấy cái bình an xua tan nỗi sợ hãi, làm dịu cơn kích động của những cảm xúc mâu thuẫn bên trong. Xét cho cùng, bình hòa là điều đúng đắn khởi nguyên.
Nếu bạn có thể dẹp bỏ chút ích kỉ của bản thân, để bao dung và chân thành với những người ngay bên cạnh. Nếu có thể vượt lên những thứ tầm thường, bé mọn để nuôi dưỡng những cảm xúc cao thượng, chân thành. Nếu bạn có thể quẳng đi những gánh lo, đặt niềm tin nơi mình. Bạn thật rất phi thường!
Ý chí của bạn, phẩm giá của bạn, phép màu của bạn ở ngay đây thôi, bên trong bạn.