Để nhìn thấy thế giới trong một hạt cát,
Và thiên đường trong một bông hoa dại,
Giữ Vô Tận trong lòng bàn tay,
Và sự Bất Diệt trong một khoảnh khắc
- William Blake -
Tôi nghĩ, tưởng tượng là một tài năng, không ngôn từ nào có thể diễn tả và không suy nghĩ nào có thể xác nhận. Nói đến tưởng tượng, có lẽ bạn sẽ nghĩ đến những điều không có thật, những thứ vô căn cứ, kì cục, thậm chí là những ý nghĩ sai lầm. Chẳng hạn, nếu bạn nói những lo lắng, muộn phiền bạn gặp trong đời chỉ là tưởng tượng, vậy phải chăng bạn cho rằng chúng không thực tồn tại. Nhưng sự thực là chúng có thật. “Tưởng tượng” do bị mất đi ý nghĩa ban đầu của nó trong quá trình sử dụng, nên đang bị hiểu lầm sâu sắc. Những suy nghĩ sai lệch của bạn cũng làm tăng thêm sự hiểu lầm đó.
Rất nhiều người cho rằng, những thứ có hình thù, có thể sờ nắm mới là có thật, còn những thứ không hữu hình, những thứ vô hình là không tồn tại. Họ coi vật chất là thực tế, và lí tưởng hay trí tưởng tượng là một cái gì đó không thực tế. Nhưng sau tất cả, vật chất hóa ra chỉ như gió thoảng mây bay, thoáng qua nhất thời, trong khi thứ vô hình thì lại bất biến. Thứ vĩnh viễn tồn tại trong vạn vật chính là phần vô hình của nó.
Âm thanh của ngôn từ chết lặng trong cơn gió thoảng qua, nhưng ý nghĩa của nó thì sống mãi.
Thanh âm từ bản hòa tấu nhất thời vang lên, nhưng ý niệm tươi đẹp còn mãi.
Tấm vải phai dần và tảng đá vỡ vụn, nhưng cái nhìn mới mẻ trong tâm hồn của người nghệ sĩ không bao giờ chết.
Thế giới của cảm giác, cảnh tượng và âm thanh chỉ là vỏ ngoài. Còn dòng chảy tư tưởng trong nó là sự thật. Vật chất có thể thay đổi, nhưng cái tinh thần, khát vọng, lí tưởng, trí tưởng tượng sống mãi trong dòng đời bất tận.
TRÍ TƯỞNG TƯỢNG: PHÉP MÀU SÁNG TẠO
Tưởng tượng là một phần tất yếu trong đời sống của mỗi người và bạn hoàn toàn có khả năng rèn luyện nó. Nhiệm vụ của bạn là cung cấp cho nó không gian và cơ hội để phát triển. Ngay cả khi bạn đánh giá cao trí tưởng tượng và biến nó thành các trải nghiệm nghệ thuật tầng cao, bạn vẫn có xu hướng bỏ qua nhiệm vụ trui rèn nó. Bạn có thể cho rằng trí tưởng tượng là một tài năng bẩm sinh, một món quà, không cần phải tôi rèn. Song, ngay cả tài năng bẩm sinh nếu không rèn luyện thường xuyên, thì cũng sẽ mai một.
Trí tưởng tượng không phải là máu thịt, cũng không phải trái tim và khối óc. Nó là một năng lực cao siêu hơn bộ não và trí tuệ của bạn, là một sự sáng tạo sâu rộng hơn và chân thực hơn. Bạn có thể nghĩ mình không phải là người giàu trí tưởng tượng, nhưng cơ hội để rèn luyện thì ai cũng có. Cũng giống như có người béo có người gầy, có người cao có người thấp, nhưng ai cũng xoay xở để bước đi được. Đương nhiên, quá trình rèn luyện này không hề dễ dàng. Nhưng nếu không rèn luyện trí tưởng tượng, chẳng khác nào bạn đang bỏ phí một năng lực, tự tàn phá một sức mạnh bản nhiên của mình.
Mọi đứa trẻ đều có trí tưởng tượng vô cùng phong phú. Bạn có thể thấy trong hầu hết mọi trò chơi con trẻ. Chúng chơi trong trò chơi ‘giả vờ’ của chúng, trong câu chuyện tưởng tượng tuyệt đẹp về động vật, trong một vai diễn cuốn hút, trong bản năng diễn kịch, trong tình yêu cổ tích của chúng. Lãng mạn là món ăn tự nhiên của đứa trẻ. Hãy thử quan sát một cô bé đang chơi búp bê, trao cho chúng sự sống, sáng tạo các cuộc đối thoại với chúng. Một cậu bé tưởng tượng mình làm kĩ sư sửa chữa một đoàn tàu, hoặc một vị tướng quân đội. Chúng rút lui hoàn toàn khỏi thế giới thực và hòa vào các sự biến của câu chuyện. Thế thì bạn phải thừa nhận rằng trí tưởng tượng là tài năng phát triển sớm nhất và mạnh nhất trong thời thơ ấu – một giai đoạn kì ảo, huyền bí và nên thơ. Tôi kể cho bạn một chuyện: “Một bà mẹ đọc một bài thơ cho cậu bé 6 tuổi, rồi nói: Mẹ sợ con không thể hiểu được đâu, con yêu.” Ngay lập tức cậu bé trả lời với giọng hờn dỗi: “Con có thể hiểu được mà mẹ, sao mẹ lại giải thích cho con.”44
44 Sully, Studies of Childhood, trang 56.
Hẳn là khi nghe bài thơ đó, cậu bé đã có những tưởng tượng của riêng mình, chỉ có điều nó không giống với dòng suy nghĩ của người mẹ. Người mẹ chỉ đang cố hướng đứa trẻ theo định kiến của mình mà thôi. Theo cách này, người lớn thường vô tình làm tổn thương cảm xúc mong manh, và giết chết trí tưởng tượng của đứa trẻ, bởi thái độ hoài nghi và thiếu kiên nhẫn.
Trí tưởng tượng là một năng khiếu tự nhiên, cũng như lí trí, và có vai trò quan trọng tạo nên một cuộc sống đích thật. Con người rất buồn cười là, có những món quà, đánh mất rồi mới thấy trân quý, mới biết giá trị của nó. Giờ đây, bạn phải ý thức rất rõ rằng: Trí tưởng tượng là món quà tuyệt vời dành cho tâm trí và giúp bạn có cuộc sống hạnh phúc. Bạn có thể đắm mình trong những viễn cảnh của lí tưởng, và biến hiện thực buồn tẻ thành bức tranh diệu kì. Giữa những điều vụn vặt, hay buồn phiền, hãy thả lỏng trí tưởng tượng và đi đến những cảnh giới đẹp đẽ hơn.
Khi có thể đặt bản thân vào những hoàn cảnh khác, bạn sẽ thấy nhiều điều rất khác, như một phương thuốc thực sự giúp bạn vượt lên những cái xấu ác trong đời
Trí tưởng tượng còn có ích cho việc rèn luyện và phát triển trong nhiều lĩnh vực. Ngay cả sự hài hước dường như cũng bắt nguồn từ trí tưởng tượng. Một phần nào đó, lòng trắc ẩn và tính hài hước nảy sinh là do sự khác biệt giữa thực tế và lí tưởng. Bạn nhìn thấy thực tế, và thông qua trí tưởng tượng bạn thấy lí tưởng. Sự tương phản đôi khi thật bi thương, đôi khi lại vô cùng thú vị. Tất cả thơ ca và nghệ thuật đều là sản phẩm của trí tưởng tượng. Xa rời đời sống tưởng tượng khiến thế giới của bạn trở nên nghèo nàn. Trí tưởng tượng như ánh sáng chiếu rọi qua khung cửa sổ ngôi nhà ảm đạm của cuộc sống.
Con người va đập với đời thực khó lòng giữ cho cuộc sống lành mạnh, ôn hòa. Người đã thấy được ánh sáng trí tuệ thường không bao giờ muốn lười nhác, đắm mình trong sự giải trí tầm thường. Bạn chắc chắn sẽ không muốn đánh đổi trái tim mình lấy những thứ thấp kém đâu, đúng không? Nếu cuộc sống giàu trí tưởng tượng có thể cứu rỗi linh hồn khỏi sự u mê, chẳng phải là nó xứng đáng với tất cả sự rèn luyện của bạn hay sao. Những dấu ấn lịch sử trung thực và chính xác nhất thường đến từ các nhà thơ, chứ không phải những học giả chuyên đào xới ngôn từ. Sự trung thực không có hình hài nhưng lại vô cùng quan trọng. Sự trung thực của nhà thơ không phải là sự chính xác đến từng chi tiết, đấy là sự trung thực về mặt tinh thần. Sự trung thực đấy có được dựa trên trí tưởng tượng. Trong khi các sự kiện lịch sử có thể hợp lí đến từng chi tiết nhưng vẫn cứ sai sự thực. Cho nên, các nhà tiên tri và nhà thơ luôn có vị trí quan trọng trong đời sống con người. Họ làm sáng tỏ đời sống, họ đi đến trọng tâm của mọi sự khi những người khác chỉ đang dò dẫm ở bên rìa. Bạn không thể chạm đến những sự thật cao tầng bằng các phân tích thông thường. Sự hấp dẫn sâu sắc nhất thường không có logic mà. Bạn có thể mổ xẻ, phân tích và nhận biết nhiều sự thật ẩn giấu, khi ấy bí mật sẽ biến mất. Sự sống, ý nghĩa, hương vị và hơi thở đầy sức sống không ở gần những thứ tầm thường không sáng tạo. Nhờ trí tưởng tượng, bạn có khả năng sáng tạo, thơ ca, hội họa và âm nhạc.
TRÍ TƯỞNG TƯỢNG VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Không có trí tưởng tượng, ngay cả khoa học cũng chỉ là một tập hợp những quan sát và dữ kiện hỗn độn, thiếu trật tự, không có nghĩa và thiếu quy tắc. Người quan sát thông thường có thể thực hiện các quan sát cẩn thận nhất. Nhưng họ cần một sự sáng tạo để thiết lập mối tương quan giữa những quan sát, tạo nên một trật tự và cái hay cái đẹp từ một đống dữ kiện. Hầu hết những khám phá khoa học vĩ đại được thực hiện bằng cách tưởng tượng về những thứ không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Người quan sát tự nhiên thường bị lẫn lộn bởi các chi tiết, các hiện tượng chồng chéo. Họ cần sự cảm ứng và trực giác nhạy bén để khám phá ra các quy luật tự nhiên và giải thích hiện tượng ấy.
Mỗi nghiên cứu khoa học đều phải có một quá trình quan sát và sắp xếp cẩn thận các dữ kiện thực tế. Mỗi bước tiến đều cần một nỗ lực sáng tạo tuyệt vời, nhằm đưa ra một giả thuyết chưa được chứng minh và áp dụng nó vào thực tế. Trong các báo cáo nghiên cứu khoa học chính xác45, luôn có một phần lí luận tưởng tượng và những sai lầm do sự khiếm khuyết của trí tưởng tượng. Các nhà khoa học vĩ đại thường có cái nhìn khá thơ mộng. Thiên văn học Copernican, Định luật Hấp dẫn, đại cương các hiện tượng tự nhiên, đều bắt đầu với các giả định và là thành quả của trí tưởng tượng khoa học. Nhiều công trình nghiên cứu sinh học được thực hiện dựa trên các giả thuyết tiến hóa. Cho nên, loại bỏ trí tưởng tượng khỏi khoa học chính là tước đi công cụ chính để nghiên cứu tự nhiên.
45 Khoa học chính xác (exact science): Ngành khoa học cần sự tính toán đo lường một cách chính xác, như vật lí học.
TRÍ TƯỞNG TƯỢNG VÀ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT
Đạo lí tách rời trí tưởng tượng, chỉ còn là sự tuyệt đối tuân thủ pháp luật, là sàn diễn hình thức của một vở kịch rối. Những đạo lí tầm thường hướng đến chủ nghĩa ôn hòa chuộng hình thức, khó ưa và không thực tế.
Cứ để ý bạn sẽ thấy, những ngôn từ độc hại thiếu đi trí tưởng tượng có thể tàn hoại tâm hồn con người thế nào. Chỉ sức mạnh ý chí, sức mạnh tinh thần và đôi cánh của trí tưởng tượng mới mang lại cho bạn sức sống. Cũng vậy, một nền thần học không có trí tưởng tượng, lại trở thành một sức nặng đáng sợ đối với cộng đồng, nơi ý chí và bản tâm có nguy cơ bị những thứ tầm thường, cằn cỗi vùi lấp. Một áng văn thơ mang sức mạnh của trí tưởng tượng dễ dàng thấm nhập vào tâm hồn con người, hơn cả một lời bình luận và cổ vũ hay những tri thức giáo điều. Trí tưởng tượng tôn nghiêm là đồng minh vĩ đại của niềm tin, là đôi cánh cho chuyến bay vào thế giới tinh thần của con người. Nếu không có trí tưởng tượng, bạn sẽ không bao giờ thấy được vũ trụ mênh mông trong thế giới thần học. Gió sẽ thổi đến nơi nào nó muốn, bạn có thể nghe thấy âm thanh của nó, nhưng không có trí tưởng tượng, bạn không thể biết nó đến từ đâu hoặc sẽ đi đâu.
Hỡi con người, kẻ chẳng bao giờ quan tâm đến cây cối
Cho đến một ngày, ngươi đi dạo trên cánh đồng, Và nhận ra tất cả cây cối có thể cất lời,
Chúng trò chuyện với ngươi bằng chất giọng mềm mỏng, dịu dàng,
Hôm đó, bông cúc dại mở choàng đôi mắt.46
46 Robert Browning (1812 - 1889), Men and Women, xuất bản lần đầu năm 1855. “Transcendentalism” là một bài thơ trong tập thơ.
Trí tưởng tượng không chỉ có giá trị với nhà thơ, tiểu thuyết gia và nhà viết kịch, mà nó cần thiết cho tất cả các phương pháp phát triển trí tuệ. Trí tưởng tượng hữu dụng với các nhà sử học và chính khách, không kém gì với những nhà khoa học hay nhà thần học. Tái hiện một cảnh tượng lịch sử, một quá trình thay đổi xã hội, các thể chế đã phát triển và lụi tàn như thế nào, các đế chế trỗi dậy và sụp đổ ra sao, tất cả đều cần đến những bộ óc tưởng tượng. Các chuyên gia nghiên cứu phải sàng lọc bằng chứng cẩn thận và xác minh dữ kiện thực tế bằng cách lắp ghép và kết nối các thông tin. Các chính khách muốn trở nên lớn lao hơn cũng không thể bỏ qua món quà quý giá này. Họ phải thấy được các vấn đề lớn có thể phát sinh, đưa ra một số dự báo về chính sách của nhà nước. Thành công lâu dài của một chính khách phụ thuộc vào điều đó.
Nếu triết học bớt khô cứng và buồn tẻ hơn, hẳn nó đã đỡ đi nhiều điều phi lí. Có lẽ, chủ nghĩa duy vật – một lí thuyết triết học, một lối sống đề cao vật chất xuất hiện là do thiếu khả năng sáng tạo. Chủ nghĩa duy vật bỏ qua toàn bộ lịch sử tôn giáo và các hiện tượng tâm linh ‘có thực’ trên bình diện khoa học vật chất. Romanes47, người đã cống hiến cả cuộc đời cho khoa học, nhận định rằng: “Con người dễ hoài nghi hơn là tin tưởng. Lí trí cũng thế, linh hồn cũng vậy, hoài nghi như một thói quen. Từ phép tưởng tượng, con người hình dung ra những viễn cảnh, chấp nhận và tin tưởng vào viễn cảnh đó. Cho nên, người hoài nghi hiếm khi chứng thực cho những lí lẽ của mình. Hoài nghi thường là do sự lười biếng, do những định kiến, và đấy không bao giờ là điều đáng tự hào.”
47 George John Romanes (1848 - 1894): Nhà sinh vật học và sinh lí học tiến hóa người Canada. Đoạn trích trong tác phẩm Thoughts on Religion, 1895.
Trong cuộc sống thường ngày, có lẽ chúng ta cần đến trí tưởng tượng nhiều hơn chúng ta nghĩ. Kí ức là một phần của trí tưởng tượng, không có kí ức thì quá khứ sẽ là một khoảng trống. Trí tưởng tượng có khả năng tái hiện, tái sản xuất một hình ảnh về những gì đã xảy ra. Những nhà thơ sử dụng trí tưởng tượng sáng tạo để tạo ra những hình ảnh mới, kết hợp thành những hình trạng, những viễn cảnh sống hết sức sinh động.
Có thể nói rằng sự khác biệt về trí tuệ ở con người là sự khác biệt về trí tưởng tượng. Mỗi thời kì, mỗi thế hệ luôn có một tư tưởng chung lớn. Con người sinh ra đều giống nhau, còn sự đa dạng lại phụ thuộc vào cách bạn sử dụng những di sản của mình – những thứ bạn được kế thừa, từ văn hóa cho đến các hệ giá trị. Trí tưởng tượng mang lại sự khác biệt, màu sắc và cá tính cho suy nghĩ của mỗi người. Bạn có thể làm được những điều phi thường bằng cách đầu tư trí tưởng tượng của mình cho nó. Bạn biết đấy, Shakespeare đã mượn những cốt truyện, những vở kịch của người đi trước, rồi gieo cho chúng “một sự thay đổi lớn lao và kì lạ”. Hay Robert Burns, bằng tất cả nhiệt huyết của mình, đã chuyển thể các bài hát dân gian thành những tác phẩm để đời.
TRÍ TƯỢNG TƯỢNG VÀ SỰ CẢM THÔNG
Sự cảm thông là thành quả của trí tưởng tượng, qua đó bạn đặt mình vào vị trí của người khác, cảm nhận những gì họ cảm nhận, thấu hiểu và bao dung họ. Shelley48 – một nhà thơ người Anh – trong tác phẩm Defence of Poetry (Một lời biện hộ cho thơ) đã nói: “Nếu muốn nảy sinh cái thiện tâm và trở thành người tốt, một người phải tưởng tượng thật mạnh mẽ và trọn vẹn. Anh ta phải đặt mình vào vị trí của người khác và của nhiều người khác. Anh ta cảm nhận niềm đau và hạnh phúc của người khác cũng như niềm đau và hạnh phúc của chính mình.”
48 Percy Bysshe Shelley (1792- 1822): Nhà thơ, nhà triết học Anh, một trong những nhà thơ lớn nhất của thế kỉ XIX.
Xét cho cùng, sự tàn ác và nhẫn tâm của con người là do thiếu trí tưởng tượng, do không đủ khả năng thấu hiểu mình và thấu hiểu người khác. Nếu bạn không thể phóng chiếu mình vào hoàn cảnh của người khác, bạn sẽ không bao giờ biết cảm thông thực sự. Nhân loại không thể hiểu tại sao một nhà thơ xa lạ lại phẫn nộ và thương tiếc trước những nỗi đau và sự xấu hổ của những người Mĩ bị tàn sát. Có lẽ thế giới này quá chật hẹp và tăm tối để con người có thể nhận thức được những hành động kinh hoàng.
Trí tưởng tượng thực sự là đồng minh tuyệt vời giúp bạn chiến đấu chống lại sự ích kỉ của bản thân. Nếu bạn có thể tưởng tượng và hình dung về những người xung quanh, bạn sẽ biết cách yêu thương họ như yêu thương chính mình. Sự cảm thông bắt đầu từ một tưởng tượng rằng bạn thoát ra khỏi bản thân và đặt mình vào vị trí của người khác. Bạn trở thành người ấy trong một khoảng thời gian. Nếu người ấy đau đớn, bạn cũng mường tượng ra đôi chút những gì người ấy đang phải chịu đựng. Bạn cảm nhận những gì người ấy đang cảm nhận. Có thể nói chính xác là bạn trải nghiệm cùng người ấy.
Giam nhốt bản thân trong sự ích kỉ khiến bạn trở nên nhỏ mọn và hẹp hòi. Ở đời, ai cũng phải chịu những tổn thương, từ nhỏ đến lớn. Xã hội càng phát triển, đời sống con người càng trở nên áp lực hơn bao giờ hết. Nhưng cứ mải chú mục vào hoàn cảnh của bản thân, bạn sẽ đánh mất đi khả năng đồng cảm với nỗi đau của những người xung quanh. Cho nên, tưởng tượng giúp bạn gắn kết với người khác. Trí tưởng tượng chủ động và rộng mở sẽ giúp trái tim bạn bừng sáng. Bạn có thể bao dung với những gì bạn hình dung cho chính mình. Bạn sẵn lòng cảm thông và giúp đỡ những con người bất hạnh.
Cách tốt nhất để rèn luyện trí tưởng tượng là sử dụng nó. Đừng khiến trái tim bạn chai sạn với niềm vui và nỗi buồn của người khác. Chẳng hạn, hãy cố gắng nhận ra cảm xúc của bạn bè, những người thân thiết và những người xung quanh bạn. Bạn hình dung xem một từ hoặc một hành động nhất định có ý nghĩa thế nào với họ. Bạn tưởng tượng ra điều bạn làm mang lại cho họ ánh sáng hay bóng tối, niềm vui hay đau đớn. Bạn sẽ dần thấy sự khéo léo, khả năng cảm nhận tinh tế của mình sẽ giúp bạn chữa lành bất cứ tâm hồn nào.
Thông qua trí tưởng tượng, bạn có thể thấy được các nghi thức của đức tin và sự thờ phụng trong linh hồn. Trong các nhà thờ xưa, mỗi hình ảnh là một biểu tượng. Con người giàu trí tưởng tượng không bao giờ mơ đến việc tôn thờ hình ảnh ấy, họ suy nghĩ về ý nghĩa của biểu tượng. Nhưng tâm hồn thiếu tinh tế nhanh chóng nhầm lẫn hình thức với bản chất. Nếu bạn có sức mạnh của đức tin, bạn sẽ nhìn ra ý nghĩa của các biểu tượng mà không cần quá nhiều gợi nhắc và chỉ dẫn. Trí tưởng tượng như cánh cửa sổ cho ánh sáng lấp lánh lấp đầy nhà thờ và nhuộm màu những chiếc thánh giá. Cảnh giới cao nhất của đức tin chỉ có thể khám phá bởi trí tưởng tượng linh thiêng. Trí tưởng tượng là đôi cánh cho trí tuệ thăng hoa và giũ sạch bụi trần. Đức tin là trí tưởng tượng mang ánh hào quang, là hiện thân của thứ vô hình và tạo ra khuôn dạng cho những điều bạn chưa biết.
Nếu đã đọc Kinh Thánh, bạn có thể thấy vô số những hình ảnh tuyệt vời khi Đấng Sáng Thế liên tục sử dụng trí tưởng tượng để bày tỏ chân lí. Ngài nói những câu chuyện ngụ ngôn, tất cả vạn vật tự nhiên được tạo ra để thuyết pháp, từ bắp ngô và hoa huệ, cho đến cây cối và chim chóc. Những bài học tuyệt vời của Ngài giúp con người tưởng tượng ra tình yêu thương vô tận. Nếu bạn cố gắng thấu hiểu bài học đó, cho mình cơ hội suy nghĩ về nó, dốc hết tâm hồn vào đó, sống với những lí tưởng cao thượng, bạn sẽ luôn thấy những vầng quang sáng chói ngay giữa cuộc sống này.
Con người sinh ra vốn là để yêu thương nhau, nếu mở rộng trái tim và bao dung cho nhau, cuộc đời này sẽ luôn ấm áp và hạnh phúc. Ngôi nhà cuộc sống thực sự là mái ấm, không phải những bức tường trần trụi. Nơi đó có tình yêu ngự trị và trí tưởng tượng sẽ vẽ lên những bức tranh của Chân - Thiện - Mĩ. Chính sức tưởng tưởng chứ không phải vật chất, sự chinh phục chứ không phải tước đoạt, nỗ lực chứ không phải thành tích, ước mơ chứ không phải những khao khát tham đòi, mới là thứ mang đến giá trị cuộc sống.
Bạn có thể rèn luyện trí tưởng tượng này, cầu nguyện mỗi ngày và tin tưởng vào bản thân. Ai cũng có thể học cách yêu thương và đạt đến trí tuệ của những bậc thầy. Trong mọi khó khăn, hãy dừng lại và nghĩ đến những giá trị sống, nỗ lực thêm một chút để biến những tưởng tượng lí tưởng thành hiện thực. Nếu biết mình hướng đến điều gì và giữ vững mục tiêu của bản thân, trí tưởng tượng thăng hoa sẽ giúp bạn có một cuộc sống cao thượng hơn, vượt lên những tham lam và hèn mọn, sống giữa các thiên thần và những con người hảo thiện. Trái tim và khát vọng của bạn sẽ bừng sáng.
Số phận đặt định cho con người sẽ có cả hạnh phúc lẫn khổ đau. Hãy bật dậy từ những vấp ngã, chinh phục bao kẻ thù đáng sợ, mỉm cười và chữa lành những tổn thương.
ĐI QUA BÓNG ĐÊM TƯỞNG TƯỢNG
Giống như những năng lực tuyệt vời khác, trí tưởng tượng cần được rèn luyện kĩ lưỡng và khôn ngoan. Chính nó đã phải chịu thiệt thòi, bị ngờ vực và bị chỉ trích rất nhiều. Cuộc công kích đến từ ba nguồn chính, nhân danh: đạo đức, triết học và tôn giáo.
Về mặt đạo đức, trí tưởng tượng được xem là gốc của mọi tội lỗi. Người ta cho rằng, tội lỗi được thai nghén và dung dưỡng trong tưởng tượng trước khi trở thành một thực tế. Một nhà văn vĩ đại từng nói rằng: “Đây là nơi ẩn náu của ma quỷ, nơi làm tổ của những linh hồn thô tục và mê muội.” Đối với các nhà đạo đức học, trí tưởng tượng thường bị coi là cội nguồn của cái ác, nơi sản sinh ra tất cả mọi tội lỗi. Họ cho rằng, trí tưởng tượng tô điểm những hành vi tội lỗi theo hướng vui vẻ và mang đầy cám dỗ. Cái ác xâm nhập vào tâm trí bằng những ám thị, bằng cách trêu đùa trí tưởng tượng. Nó nắm bắt ý chí và trái tim thông qua trí tưởng tượng. Từ đó, những ý nghĩ xấu xa len lỏi vào tâm trí và nảy nở thành những hành động xấu xa.
Đôi khi, các triết gia coi trí tưởng tượng là kẻ thù truyền kiếp của lí trí. Họ cho rằng trí tưởng tượng tạo ra một khoảng không hão huyền, nơi con người thoát ra khỏi những suy nghĩ phức tạp và tìm thấy sự an yên giả tạo. Pascal gọi đó là “điểm lừa dối, con người sai lầm và dối trá. Chỉ cần có một nguyên tắc lừa dối không thể phá vỡ, họ sẵn sàng làm càng nhiều việc giả trá, hoặc coi đó là quy tắc của sự thật.” Đối với ông, trí tưởng tượng như một kẻ chuyên quyền tự phụ, thích thống trị và lấn át kẻ thù của hắn – lí trí. Nhiều lúc, trí tưởng tượng làm bạn bằng lòng, thỏa mãn và mất hết lí trí.
Buckle49 – nhà sử học người Anh – trong tác phẩm History of Civilisation (Lịch sử nền văn minh) đã thừa nhận: Trong một tâm trí hoàn chỉnh và cân bằng, trí tưởng tượng và sự thấu hiểu có vai trò tương xứng và là phụ trợ cho nhau. Nhưng trong phần lớn các trường hợp, sự thấu hiểu là không đủ để kiểm soát trí tưởng tượng và hạn chế sự nguy hiểm của nó. Ông tin rằng, xu hướng của nền văn minh là khắc phục sự không cân xứng này và trao quyền lực cho lí trí, bằng cách đánh đổi một chút trí tưởng tượng.
49 Henry Thomas Buckle (1821 - 1862): Nhà sử học người Anh, tác giả của tác phẩm History of Civilisation. Ông là một người chơi cờ nghiệp dư và đôi khi được gọi là “Cha đẻ của Lịch sử Khoa học”.
Giờ đây, không có đủ cơ sở và cũng không dễ dàng để giải thích những nhận định trái chiều trên đây. Nhưng việc lên án ảnh hưởng xấu của trí tưởng tượng có lẽ hơi phiến diện. Ít nhất, tôi có thể khẳng định rằng trí tưởng tượng có một vai trò quan trọng trong đời sống. Nếu thường xuyên rèn luyện và học cách kiểm soát trí tưởng tượng, hướng tới những điều sáng rỡ, thì không bóng tối nào có thể đẩy bạn vào vòng tội lỗi. Tất nhiên, trí tưởng tượng phải được chấp nhận như một năng lực của tâm trí. Bất cứ ai nhân danh đạo đức và tôn giáo, cố tình gieo rắc nỗi sợ hãi về sự nguy hiểm của nó, cũng không thể thay đổi thực tế ấy. Bạn có thể cảnh giác với việc lạm dụng trí tưởng tượng, nhưng như thế là bạn đang cố gắng phủ nhận đời sống trí tuệ của mình. Tôi chắc chắn, bạn không muốn thế đâu.
Bạn biết đấy, trí tưởng tượng là món quà của tâm trí. Không chỉ vậy, nó là năng lực cao nhất và quý giá nhất của trí tuệ mà bạn có. Nguy cơ lạm dụng trí tưởng tượng không phải là cái cớ để phủ nhận nó, triệt tiêu nó. Ngay cả khi bạn cố gắng phủ nhận, thì trí tưởng tượng vẫn tồn tại. Kết quả của trí tưởng tượng có thể mơ hồ và khó hiểu, thậm chí ngông cuồng, nhưng với tất cả năng lực bẩm sinh của mình, hãy kiên tâm với những gì bạn có. Khi bạn sợ nguy cơ của việc lạm dụng, không có nghĩa là bạn từ chối sử dụng nó. Bất cứ điều gì trên đời cũng có hai mặt của nó. Việc sử dụng một công cụ luôn đi cùng nguy cơ lạm dụng. Quan trọng là bạn có thể từng bước rèn giũa, loại bỏ những cạm bẫy của nó và sử dụng thật hữu hiệu trong đời sống của mình.
VŨNG BÙN NÔNG CẠN CỦA VĂN CHƯƠNG HƯ CẤU
Chắc chắn, vai trò của trí tưởng tượng trong nghệ thuật và cuộc sống là không thể hoài nghi. Sẽ thực sự hữu ích hơn, khi bạn có thể thực sự phân biệt rõ ràng cái gì xấu cái gì tốt trong quá trình rèn luyện trí tưởng tượng, hòng hướng đến những thứ lành mạnh, những điều cao thượng. Ngoài việc rèn giũa và nâng cao năng lực của trí tưởng tượng, bạn học cách kiểm soát nó. Đừng để những điều không không lành mạnh ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn.
Chẳng hạn, ngày nay, văn học hư cấu hiện đại phản ánh đời sống giả tưởng và đang trở thành một công cụ giải trí tinh thần cho bạn. Ở đó, sự lãng mạn được coi là biểu hiện lành mạnh của một trí tưởng tượng lành mạnh. Nhưng bạn không thể không biết đến sức tàn phá và hủy hoại của trí tưởng tượng khi nó không còn lành mạnh nữa. Đến đây, hẳn bạn có thể hiểu được tâm trạng của các nhà đạo đức học khi họ nói như thể sẽ quét toàn bộ nghệ thuật khỏi cuộc đời họ. Đối nghịch với chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực đã xuất hiện nhân danh những gì được thừa nhận là “nghệ thuật tưởng tượng thuần túy”, để bảo vệ cho thể loại văn chương kinh dị. Còn tôi cho rằng, chủ nghĩa hiện thực đôi khi trở nên thô thiển do thiếu vắng trí tưởng tượng và óc sáng tạo đích thực. Có lẽ, các nhà văn đã lãng phí một tài năng mà họ nắm trong tay. Họ nói về những thứ sao chép từ cuộc sống, nhưng cuộc sống không xấu xa và khờ dại như đôi khi văn chương biến cuộc sống thành như thế. Bậc thầy George Meredith50 nói rằng: “Nếu sự thanh tẩy giúp con người hoàn toàn loại bỏ sự xấu xa, thì những sao chép gọi là ‘hiện thực’ đó chính là sự dò xét dưới đáy cái sự thật mà nhân loại chấp nhận là chân lí nền tảng. Thế giới tưởng tượng ra những kẻ ở đáy sâu bản năng để phơi bày những vũng bùn nông cạn của văn chương hư cấu. Tôi tin rằng đấy không còn là nghệ thuật chân chính nữa, nó chỉ là một thứ giả nghệ thuật mà thôi.”
50 George Meredith (1828 - 1909): Tiểu thuyết gia người Anh thời Victoria. Đoạn trích trong tác phẩm Diana of the Crossways, xuất bản lần đầu năm 1885.
Tôi muốn giới thiệu một nhà thơ, một tiểu thuyết gia lãng mạn vĩ đại, đấy là Walter Scott51. Những tuyển tập văn thơ của ông thực sự rất đẹp, phản chiếu một tâm hồn cao thượng. Ở đấy, không một suy nghĩ tầm thường, không một ý tưởng xấu xa, không một cảm giác bệnh hoạn, không một từ ngữ dung tục. Chắc bạn cũng hiểu, rằng công việc của một người ở bất cứ đâu chỉ là sự phản chiếu của chính mình. Để thấy, Walter có một trái tim đơn giản, dũng cảm, dịu dàng và hào phóng. Một cuốn sách dở tệ có lẽ là thứ nguy hại nhất trên đời, bởi nó chạm đến khả năng tinh tế và mong manh nhất của con người – trí tưởng tượng. Cuốn sách đó sẽ để lại vết sẹo trong tim và vết nhơ lên tâm trí. Thế nên, hãy lựa chọn cho mình những cuốn sách hữu ích.
51 Walter Scott (1771 - 1832): Tiểu thuyết gia lịch sử, nhà thơ, nhà viết kịch và nhà sử học người Scotland.
GIỮ NGỌN LỬA TRONG NGỰC ÁO
Bất cứ ai cũng nên kết nối với món quà trí tưởng tượng tuyệt vời này. Bạn cũng không cần giới hạn mình trong việc chấp nhận hoặc không chấp nhận tác phẩm nghệ thuật của người khác. Điều bạn cần, đấy là nâng cao năng lực tưởng tượng của mình thông qua một quá trình rèn giũa, là kiểm soát để giữ trí tưởng tượng của bạn không chạy đi quá xa. Bạn phải trở thành người làm chủ nó. Bạn phải có một bàn tay vững chắc nắm lấy dây cương của trí tưởng tượng, nếu không bạn sẽ rơi vào một trong hai cạm bẫy sau:
Đầu tiên, nếu không điều hướng trí tưởng tượng, dùng chúng cho những hành động thực tế hòng kiến tạo cuộc sống, thì tâm trí bạn sẽ không ngừng bị xâm nhiễm bởi dục vọng và trái tim bạn đầy trống rỗng. Cuộc sống của bạn chỉ có thể là chuỗi tiếp nối của một giấc mơ vô dụng. Những người trẻ thường rơi vào trạng thái này, họ gọi đấy là ước mơ. Nhưng đấy chỉ là vì họ không có đủ sức mạnh để kiểm soát những khao khát tham đòi và đưa nó vào khuôn khổ. Họ không thể nào biến trí tưởng tượng thành một hành động thiết thực nhằm kiến tạo cuộc sống. Thế nên họ cứ chìm mãi trong những giấc mơ không thể nào thỏa mãn. Hầu hết những người trẻ tuổi mơ ước bản thân có một tương lai tươi đẹp, muốn đóng vai của một nghệ sĩ vĩ đại, một nhà hùng biện, một học giả, một luật sư, hay một nhà kinh doanh tài ba. Họ mang trong mình giấc mơ về một nhà hát đầy ắp tiếng vỗ tay. Nếu không thể biến giấc mơ thành hiện thực, thì giấc mơ mãi chỉ là giấc mơ.
Trí tưởng tượng đích thật không dành cho những người ưa thích sự nhàn rỗi và ích kỉ. Đời sống ngày nay, đặc biệt là đời sống trí tuệ, bị xâm nhiễm bởi những tham vọng sai lầm. Những tham vọng này được củng cố bằng sự nuông chiều trí tưởng tượng. Sức mạnh của những giấc mơ, sự phóng chiếu bản thân vào những viễn cảnh tương lai lí tưởng giúp bạn hình dung ra con đường mình phải đi, và có thể làm bạn hạnh phúc. Song, nếu bạn không thể biến lí tưởng thành hành động, thì nó chỉ khiến bạn ngày càng trở nên yếu nhược. Bạn phải làm chủ chính mình và các năng khiếu của mình. Bạn cần sự tự chủ để thấu biết bản thân. Đừng để đời sống tầm thường và những nghĩa vụ của nó nhấn chìm bạn.
Thứ hai, nếu bạn không thể hướng trí tưởng tượng đến những điều cao thượng, thì tâm trí sẽ trở thành ngôi nhà trống rỗng, nơi nghỉ ngơi của những thiên thần sa ngã52. Trí tưởng tượng không thể kiểm soát sẽ dẫn đến điên loạn bởi những hình ảnh rất xấu ác. Bạn đã biết về tâm lí của sự cám dỗ rồi đúng không? Bạn đã biết làm thế nào nó có chỗ đứng trong trí tưởng tượng của bạn: gieo rắc, nảy nở và trở thành một thứ đầy cám dỗ và thôi thúc bạn hành động trong thực tế. Bạn tìm kiếm khoái lạc trong những tưởng tượng xấu xa, cho chúng chỗ trú ngụ bên trong mình. Bạn sống với chúng và yêu thương chúng. Một kẻ lừa dối luôn thầm mơ về những lợi ích trong tâm trí, trước khi anh ta thực sự không trung thực trong hành động. Một kẻ trụy lạc vẫn nung nấu những suy nghĩ không thanh sạch, trước khi anh ta trở nên trác táng trong cuộc sống. Một kẻ vị kỉ thì chỉ nghĩ đến bản thân, trước khi anh ta trở nên thực sự ích kỉ. Cũng thế, trí tưởng tượng bị xâm nhiễm trước khi thói xấu nảy sinh. Tội lỗi bén rễ sâu trong tâm trí trước khi nó trở thành hành vi và thói quen. Tự kiểm soát phải bắt đầu từ đây, bởi trí tưởng tượng sẽ tác động đến toàn bộ con người tới tận từng đầu ngón tay. Những suy nghĩ không lành mạnh kết thúc bằng những hành động tội lỗi, những tưởng tượng xấu xa sẽ biết lối thể hiện ra trong đời sống.
52 Bảy hoàng tử của Địa ngục trong Kinh Thánh. Bắt đầu từ Cuộc nổi loạn của Satan, họ được xem như là các thiên thần sa ngã nổi dậy chống lại Thiên Chúa và nhận hình phạt lưu đày vĩnh viễn dưới Địa ngục.
Kinh Thánh có đề cập đến những biểu hiện của tội lỗi và chỉ ra gốc rễ của xấu ác. Căn nguyên của tội giết người là cơn tức giận trong tâm trí. Nguồn gốc của ngoại tình là ham muốn trong con mắt. Xuất phát của việc báo thù là sự tàn nhẫn trong trái tim. Hãy giữ trái tim cần mẫn, vì tâm là nơi nảy sinh mọi vấn đề. Hãy nhìn thật kĩ điểm khởi đầu của cái ác, vì nó thường len lỏi vào những nơi khó có thể phát hiện trong trí tưởng tượng. Ngôi nhà sự sống vốn là một ngôi nhà có trật tự, sạch sẽ và yên bình. Nhưng nó phải trải qua một quá trình biến đổi khủng khiếp, trở thành một nơi chất đầy xác sống và những hành động thừa thãi, dù đã được sơn trắng ở bên ngoài.
Khi trí tưởng tượng lệch lạc, làm thế nào đời sống có thể thanh sạch trở lại? Bạn rất khó để giữ lửa bên trong ngực áo mà không bị đốt cháy, đúng không? Chắc chắn đó là sự thất bại tột cùng trong ngôi nhà đời sống. Thay vì treo lên những bức tranh của chân thiện mĩ, bạn bị bao vây bởi bộ sưu tập những điều thô thiển, một không gian xám xịt, làm tủi nhục tâm hồn cao cả của mình và chịu xiềng xích trong một thân thể đang dần tàn tạ. Nếu bạn có thể cứu vớt trí tưởng tượng của mình, để nó không trở thành tổ của những linh hồn xấu ác, bạn phải quyết tâm loại bỏ những thứ xấu xa trong tâm trí.
Thêm nữa, ngoài việc kiểm soát trí tưởng tượng trong các vấn đề đạo đức, bạn cũng phải kiểm soát nó trong các vấn đề tinh thần. Một trí tưởng tượng không được kiểm soát có nguy cơ dẫn đến những chủ nghĩa thần bí sai lầm. Tất nhiên, tất cả đức tin thực sự luôn đi cùng một trái tim thần bí, cả những khuôn mặt hạnh phúc và tầm nhìn rộng mở. Nhưng, trí tưởng tượng cũng có thể tạo ra rất nhiều ảo tưởng.
Trí tưởng tượng không được kiểm soát từng dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng nhất. Trái tim con người cả tin và dễ lạc lối mà quên mất phải đề phòng các tín tức giả. Thánh Paul từng cảnh báo các môn đệ cần cẩn trọng với những dấu hiệu và những điều dối trá này: chủ nghĩa siêu nhiên, chủ nghĩa huyền bí, những thuật hắc thuật và thuyết thần trí53 giả đã làm khổ loài người.
53 Hệ thống nhắm tới sự hiểu biết trực tiếp về Chúa trời bằng suy ngẫm, cầu nguyện.
Ngoài những ảo tưởng mông muội, nhiều người còn phó mặc bản thân cho một trí tưởng tượng trong trạng thái kích động tôn giáo. Bạn cần nhớ rằng tôn giáo không phụ thuộc vào trạng thái tâm trí và cảm giác của bạn, đức tin không phụ thuộc vào tầm nhìn cá nhân. Tập trung vào những hình ảnh tưởng tượng sống động và kích động làm bạn không thấy được những khía cạnh tinh thần thực sự của đức tin. Một người có thể trở nên tự phụ và kiêu ngạo với suy nghĩ rằng, anh ta được ưa thích với sự mặc khải đặc biệt cho riêng mình. Kiêu ngạo là tội đầu tiên trong bảy tội lỗi trí mạng.
Trí tưởng tượng là phép màu của sự sáng tạo, nhưng nó phải được kiểm soát bằng nhu cầu thực tế của cuộc sống và nỗ lực hướng tới những điều cao thượng. Bạn phải loại bỏ những thứ không hài hòa với cuộc sống thuần khiết và có giá trị. Sự hiếu kì nông nổi về những điều thần bí, những suy đoán trống rỗng về một cuộc sống tương lai sẽ không giúp bạn phát huy được sức mạnh của trí tưởng tượng. Bạn cần một chút kiên nhẫn để chạm đến đức tin thực sự.
Nếu có thể dâng hiến bản thân cho những điều cao thượng, bạn có thể sống an toàn với cuộc sống giàu trí tưởng tượng, bảo vệ bản thân khỏi những trạng thái cực đoan, xấu ác và biến nó thành ưu thế.
Trí tưởng tượng là ngôi nhà của tất cả những thứ đẹp đẽ và đáng trân quý nhất. Trí tưởng tượng là niềm vui lâu dài của những gì thiện lành, tươi tốt và chân thực nhất
Cuộc sống của bạn chắc chắn sẽ từ nhỏ hẹp, vô định và yếu đuối, trở thành sung túc, đủ đầy và hạnh phúc, bằng con đường của tự trui rèn để đến với kho báu thực sự bên trong bạn.