Chúng ta được sinh ra không phải để giải quyết các vấn đề của thế giới, mà để tìm ra ngọn nguồn của vấn đề, và làm chủ chúng trong giới hạn những gì chúng ta có thể nắm bắt
- Goethe -
Con người nghĩ mình to lớn, hóa ra lại vô cùng nhỏ bé giữa một đời “rất thực”. Bạn buộc phải trở thành chuyên gia vì điều đó cần thiết cho công việc mưu sinh của bạn. Nhưng đồng thời, nó khiến bạn dễ dàng bỏ qua một đời sống phong phú và lãng quên những điều cao thượng. Chuyên môn hóa là điều không thể tránh khỏi như một bước chuyển thời đại, và nó ẩn chứa cả những nguy cơ. Cũng giống như trong mảng công việc hẹp của bạn, người ta chỉ đòi hỏi ở bạn một vài năng lực nhất định, trong khi sự phát triển toàn diện của con người là sự phát triển hài hòa của Thân - Tâm - Trí, của nhiều phẩm chất khác nhau, và quan trọng hơn là trở thành một phần của sự sống vô tận.
Song bởi đấy là bước chuyển cần thiết nên chúng ta không thể trốn tránh nó. Như tôi vẫn nói, quan trọng nhất là ở chính bạn. Ở đây, chúng ta sẽ cùng nhau nhìn nhận những cơ hội cũng như những nguy cơ của thời đại chuyên môn hóa. Từ đó, giúp bạn tìm ra đường hướng tự trui rèn bản thân giữa một đời sống đầy khó khăn và biến động.
CHUYÊN MÔN HÓA: BƯỚC CHUYỂN TẤT YẾU CỦA THỜI ĐẠI
Trước hết, tôi muốn bạn nhớ rằng, mọi vấn đề đều có hai mặt của nó. Mục đích chính của tất cả sự trui rèn là tạo ra một tâm trí cân bằng và phát triển toàn diện, thúc đẩy và phát huy tốt nhất mọi năng lực của bản thân. Để đạt được điều đó, con người phải liên tục phản kháng, chống lại cái phiến diện, một chiều. Có điều, sức hấp dẫn của trí tuệ luôn đi kèm mối nguy của sự hời hợt, chỉ biết cái bề nổi mà không hiểu cái tận sâu. Tri thức rộng lớn mênh mông khiến bạn có xu hướng đặt ra vô vàn mục tiêu cần hoàn thành. Cùng lúc theo đuổi nhiều đam mê khác nhau có lẽ sẽ tạo ra nhiều mối đe dọa. Người có lí tưởng rèn luyện tâm trí nếu không hướng việc rèn luyện đấy đến một mục đích sống cao hơn chính mình, hoặc không có mục tiêu hành động cụ thể, rất dễ suy thoái thành một “tay chơi nghiệp dư”.
Như tôi đã nói, mọi sự phiến diện đều không tốt. Rèn luyện trí óc giúp bạn tránh cái rãnh này, nhưng cũng có nguy cơ rơi xuống rãnh khác. Bạn có thể bắt gặp nhiều người nhân danh tri thức lại sống với những sở thích tầm thường trống rỗng, không có sự nghiệp cuộc đời, không có gì anh ta tự làm ra. Chính điều này làm suy giảm vai trò quan trọng của việc tự trui rèn. Giờ đây, người ta coi rèn luyện trí óc chỉ dành cho những kẻ nghiệp dư, hời hợt với tất cả và không làm chủ bất cứ thứ gì, một dạng màu mè kiểu cách. Ngay cả khi nỗ lực rèn luyện nghiêm túc và thành thật, luôn có những cạm bẫy rất gần bạn trong đời sống học tập và nghiên cứu.
Thứ nhất, nếu bạn theo đuổi tri thức quá trừu tượng, bạn sẽ không bao giờ áp dụng được chúng trong đời sống, bạn sẽ không thể sáng tạo, cả đời bạn sẽ trôi nổi trong những giấc mơ không thành.
Một điều nữa, tri thức sẽ bao phủ lấy bạn bằng vô vàn chi tiết. Bạn tiếp nạp thêm nhiều tri thức trong khi không kịp phát triển năng lực sử dụng chúng. Bạn đánh giá cao cái này, bạn coi nhẹ cái kia. Lúc thì nói vấn đề này, lúc thì nói vấn đề khác. Bạn không bao giờ tập trung tâm trí để luyện thành thạo một kĩ năng cụ thể, dàn trải với những tư tưởng nông cạn thay vì đào sâu nghiên cứu. Một chút thiếu kiên trì, thiếu ý chí và thiếu chuyên tâm khiến ta tự rơi vào cái bẫy của chính mình.
Chuyên môn hóa cũng có giá trị của riêng nó. Khi bạn tập trung trí tuệ, chuyên tâm cống hiến cho một công việc, bạn sẽ cảm nhận được sức mạnh từ sự tập trung. Ở trường, bạn được học rất nhiều môn, nhưng lại học theo kiểu tài tử, nên tâm trí của bạn dễ bị phân tán. Trong khi đào tạo chuyên môn giúp bạn làm chủ ít nhất một lĩnh vực, từ đó củng cố nhân cách và cho bạn thấy giá trị của lao động bền bỉ.
Kẻ thù của rèn luyện trí óc chính là kiểu tri thức nửa mùa, thiếu hiểu biết về cuộc sống, nhưng thích tâng bốc những quan niệm cao siêu và khoe mẽ những kiến thức học thuật. Nó khiến bạn dễ trở nên tự phụ, nhỏ mọn, độc đoán và coi thường người khác. Nếu bạn dùng hiểu biết sách vở làm thước đo trí tuệ, dùng tri thức làm thước đo giá trị con người, thì đấy chỉ là vẻ thông thái rởm, không ích gì cho việc kết nối giữa người với người, và giải quyết các vấn đề thực tiễn của đời sống. Hãy tránh để mình rơi vào hai thái cực: Một đằng là thái độ coi khinh sự học hay tri thức, một đằng là quá tôn sùng và phô trương tri thức. Hai điều này đều xuẩn ngốc, vì nó nhân danh sự giác ngộ giả cách và những tri thức mơ hồ.
Bạn có nhiều khả năng thành công hơn khi theo đuổi ngành nghề mà bạn thấy phù hợp, thay vì bạn bị đặt vào một vị trí không thích hợp. Kiến thức hời hợt và chút tài vặt có thể giúp bạn vượt qua các chương trình giáo dục học đường, song đó không phải đào luyện thực sự. Từ những năm cuối thế kỉ XIX, Mark Pattison38 – hiệu trưởng trường Đại học Lincoln, Oxford – đã nhận ra những chướng ngại mà người trẻ ở Oxford sẽ gặp phải khi bước ra xã hội: “Từ những bài giảng hoa mĩ, từ sách hướng dẫn, từ những ấn phẩm định kì, giới trẻ được trang bị sẵn các quan điểm về mọi chủ đề. Chúng coi đống kiến thức thô sơ được giảng dạy là tri thức thực sự. Được nuôi nấng hằng ngày bằng những món ăn như kẹo bông, dễ nuốt nhưng lắm độc này, chúng bước ra thế giới, coi mình như trung tâm của vạn vật, là thước đo của vũ trụ. Chúng nghĩ chúng có thể chứng tỏ sự vượt trội của mình, bằng cách thoải mái phân phát những lời biếm nhạo và chế giễu tất cả những ai không đồng ý với những quan điểm chúng đã thu nạp từ trước. Một tri thức nửa mùa, không có gốc rễ như thế có khả năng trở thành một con mồi béo bở cho bất cứ tên lang băm hay kẻ cuồng tín nào.”
38 Mark Pattison (1813 - 1884): Tác giả người Anh, linh mục của Giáo hội Anh. Ông từng là Hiệu trưởng trường Đại học Lincoln, Oxford. Đoạn trích được trích từ tác phẩm Memoirs (Tạm dịch: Hồi ức), xuất bản lần đầu năm 1885.
Giá trị để đời của một người được thể hiện khi người đó có thể trở thành bậc thầy trong một lĩnh vực, một kĩ năng nào đó. Chẳng hạn, bạn phải biết rằng, nghiên cứu khoa học rất quan trọng, nó thực sự có thể giúp con người kiếm sống. Người ta vẫn biếm nhạo khoa học tự nhiên rằng nó không có giá trị trong giáo dục khai phóng39. Nhưng tôi tin rằng, khoa học tự nhiên có vai trò lớn hơn rất nhiều. Để nói với bạn rằng, tận tâm với công việc chuyên môn mang lại sức mạnh cho cả tâm trí và nhân cách, vốn không thể nào đạt được bằng cách khác. Là một người trẻ, ngay từ bây giờ bạn có thể rèn mình để trở nên thành thạo, trở thành một bậc thầy trong một lĩnh vực, dù đấy chỉ là một lĩnh vực nhỏ hẹp. Đôi khi, trong những giai đoạn của cuộc sống, bạn buộc phải giới hạn bản thân trong một lĩnh vực nào đấy, để tận dụng tối đa năng lực của mình. Đi cùng với đó, một mục đích rõ ràng cũng cho bạn nguồn sức mạnh lâu bền.
39 Giáo dục khai phóng (liberal education): Giáo dục nhắm tạo ra con người tự do. Nó dựa trên khái niệm các môn khai phóng trong thời Trung cổ, hay gần hơn là chủ nghĩa tự do trong thời Khai minh. Hiệp hội các Trường và Viện Đại học Hoa Kỳ (Association of American Colleges and Universities) mô tả giáo dục khai phóng là “một triết lí giáo dục cung cấp cho các cá nhân một nền tảng kiến thức rộng và những kĩ năng có thể chuyển đổi, một cảm nhận mạnh mẽ về các giá trị, đạo đức và sự can dự vào đời sống công dân...” Phạm vi của giáo dục khai phóng thường mang tính đa nguyên và toàn cầu. Nó có thể bao gồm một chương trình học giáo dục tổng quát cung cấp cơ hội tiếp cận nhiều lĩnh vực học thuật và nhiều chiến lược học tập, bên cạnh chương trình học chuyên sâu trong ít nhất một lĩnh vực học thuật nào đó.
Bí mật đầu tiên trong mọi kĩ nghệ và cuộc sống là nắm bắt những giới hạn của chúng và tuân theo chúng. Một người thực sự vĩ đại trong nghiên cứu khoa học, văn chương nghệ thuật hay bất cứ lĩnh vực gì khác, trước hết là người làm chủ được phần việc của mình và không bị những thứ bề ngoài khác cám dỗ.
Kiên trì theo đuổi một mục tiêu rõ ràng mang lại cả sức mạnh và phẩm giá cho bất cứ ai
Chuyên môn hóa giờ đây đã trở thành một phần của cuộc sống. Có điều, ngay khi đã thành thạo và làm chủ một lĩnh vực, tôi mong rằng bạn đừng bắt đầu rơi vào tự mãn giống như những kẻ mang tri thức huênh hoang, hợm hĩnh. Bạn cần nhớ rằng, dù là giáo dục hay là công việc, cũng chỉ là một con đường giúp bạn bước đi đến tiến trình thành-nhân, chứ không chỉ đơn thuần là biến bạn trở thành nhà kinh doanh, tiểu thuyết gia hay nhà khoa học. Chính ở đây, tự trui rèn thể hiện lí tưởng rằng, mục tiêu cuối cùng của cuộc sống là những điều có thể viên thành trong chính bạn, và vì cả những điều cao hơn chính bạn.
CHUYÊN MÔN HÓA: HIỂM HỌA TIỀM TÀNG
Bước vào thời đại chuyên môn hóa, trong mọi việc, con người buộc phải giới hạn bản thân, hầu như chỉ làm một việc họ có thể làm tốt nhất hoặc những việc họ được học để làm. Xu hướng này đang diễn ra, và ngày càng phát triển nhanh hơn. Bạn khó lòng thay đổi các điều kiện của cuộc sống ngày nay, nhưng sẽ thật ngu ngốc khi nhắm mắt trước những nguy hiểm và hạn chế của môi trường sống hiện tại.
Chuyên môn hóa xuất hiện trong mọi ngành công nghiệp, làm tăng năng suất lao động và hạn chế phạm vi hoạt động của người lao động trong một việc nhất định. Vài năm trước, một người thợ rèn tham gia vào tất cả các quá trình sản xuất tạo ra sản phẩm thương mại. Nhưng giờ đây, có lẽ anh ta không làm gì khác ngoài việc đóng đinh hay đóng móng ngựa. Phân công lao động hay chuyên môn hóa nhiệm vụ, đã trở thành thiết yếu trong ngành công nghiệp hiện đại. Thậm chí, đó là xu hướng của nền văn minh hiện đại, phân chia con người thành các tầng lớp: người làm nghề thủ công và người làm việc trí tuệ, người lao động chân tay và người lao động trí óc.
Bạn có thể thấy những hạn chế là rất rõ ràng. Hãy quan sát những hệ thống nhà xưởng chật hẹp, máy móc rập khuôn, công việc nhàm chán, áp bức cá nhân, con người biến thành những phần nhỏ trên một dây chuyền. Phần lớn là những công việc nhỏ nhặt. Người công nhân chỉ thực hiện một thao tác nhỏ trong quá trình mài ghim, hoặc dán nhãn trên hộp suốt ngày, từ ngày này qua ngày khác. Không có ngành công nghiệp hiện đại nào mà người lao động được hoàn thiện sản phẩm từ những bước đầu tiên cho đến khâu cuối cùng. Và do đó, niềm tự hào của các nghệ nhân xưa – làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh từ đầu đến cuối – đã dần mai một.
Chuyên môn hóa có thể đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở vật chất, hoặc những công việc thường xuyên lặp lại một quá trình. Nhưng tất cả mọi người phải thừa nhận rằng hệ thống, dây chuyền sản xuất đang hạn chế khả năng sáng tạo và phát huy tài năng của con người. Ở đây, tôi có thể nhấn mạnh rằng, nếu những điều kiện và hoàn cảnh này là cần thiết và tất yếu (có vẻ như vậy), thì càng có nhiều lí do để bạn dành thời gian cho những mục tiêu rộng lớn hơn. Chắc chắn, nhiều người cảm thấy công việc hàng ngày không thể khơi gợi những điều tốt đẹp nhất nơi họ. Họ làm một công việc liên tục và không thay đổi đến nỗi toàn là vận động cơ học. Họ không phải suy nghĩ.
Thậm chí, để kiếm bánh mì hàng ngày, họ cũng chẳng cần dùng đến trí não. Cuộc sống công nghiệp khiến chúng ta ngày càng đơn điệu và máy móc vô cùng. Nhưng ngay cả như vậy, cũng có ít nhất một lối thoát mở ra cho tất cả mọi người. Cuộc sống trí tuệ cao hơn, bằng cách này hay cách khác, sẽ cho con người một nơi ẩn náu an toàn và một liều thuốc giải độc.
Xu hướng chuyên môn hóa không giới hạn trong các môi trường công nghiệp, mà đúng với tất cả các hoàn cảnh. Bạn có thể thấy xu hướng ấy trong học tập, công việc, trong sáng tạo văn học, nghệ thuật và nghiên cứu khoa học. Không có luật sư nào làm ra vẻ có kiến thức đầy đủ về pháp luật. Luật pháp ngày càng trở nên rắc rối cùng với sự phức tạp của xã hội, và không khó để bạn tìm kiếm một luật sư chuyên về luật đường sắt, luật thương mại và những bộ luật tương tự. Y học cũng không tránh khỏi xu hướng chuyên môn hóa. Bác sĩ đa khoa có thể vừa chẩn đoán, vừa phẫu thuật; có khi lại là nha sĩ, bác sĩ nhãn khoa. Giờ đây, các bác sĩ chuyên khoa (mắt hay tai,...) ngày càng nhiều, ngày càng xuất sắc. Thậm chí, một bác sĩ phẫu thuật sẽ chỉ thực hiện duy nhất một kiểu phẫu thuật, có kĩ năng, sự khéo léo và độ chính xác của một chuyên gia. Chuyên môn hóa là một thu hoạch lớn cho phát triển y học nói chung, mở rộng giới hạn kiến thức của nghề y. Các ngành nghề khác cũng vậy, cũng phân chia ra các cành, các nhánh. Tri thức nhiều đến nỗi bộ óc đơn độc của bạn không thể nào hấp thụ hết. Thời xưa, người ta có thể thuộc lòng cả cuốn Kinh thánh là chuyện rất phổ biến. Giờ không còn nhiều người diễn giải Kinh Thánh nữa. Giờ đây người ta nhận định rằng, nếu bạn muốn cống hiến và có kết quả tốt nhất, thì chỉ nên tinh thông một lĩnh vực hay một công việc nào đó. Một nghề thì sống, đống nghề thì chết. Thế nên, một nghề cho chín còn hơn chín nghề, có đúng không?
Bạn có thể nghĩ, trong một số trường hợp, phạm vi công việc quá lớn thì sao? Có vị học giả chết đi trong hối tiếc rằng ông không dành cả cuộc đời mình nghiên cứu các bổ ngữ gián tiếp (dative case – tặng cách). Montaigne mô tả phong thái đương thời của kiểu học giả này: “Khoảng nửa đêm, khi những người khác nghỉ ngơi, anh ta thoát ra khỏi việc vẻ ngoài tri thức xềnh xoàng. Đôi mắt hồi hộp, đờ đẫn và lúng túng. Có phải anh ta đang tìm kiếm những cuốn sách của mình? Hay đang tìm cách trở thành một người đàn ông trung thực, khôn ngoan và nhiều chữ nghĩa hơn? Không như bạn nghĩ đâu. Anh ta sẽ chết trong lúc đi tìm. Cũng có thể, anh ta sẽ ngã xuống khi đang truyền giảng cho hậu thế về chuẩn mực trong câu thơ của Plautus40 và phép chính tả chính xác của một từ Latin.”
40 Titus Maccius Plautus (254 - 184 TCN): Một nhà viết kịch La Mã thời kì Latin cũ. Những vở hài kịch của ông là tác phẩm văn học Latin sớm nhất còn tồn tại. Ông đã viết cuốn truyện tranh Palliata, Livius Andronicus.
Bạn thân mến, bạn có nguy cơ rơi vào những cái bẫy như thế của chuyên môn hóa. Nhưng đấy không phải là lí do để bạn ngừng rèn giũa bản thân trong một lĩnh vực. Nếu không có một mục tiêu cụ thể, cuộc đời trẻ đầy triển vọng của bạn sẽ không đi đến đâu cả. Dù tài năng đến đâu, nếu bạn cứ đâm đầu vào nhiều việc cùng một lúc, thì sớm muộn gì bạn cũng tiêu tán. Khi bạn tập trung và kiên trì phát triển một lĩnh vực, chắc chắn bạn sẽ thành công. Felice Giardini41 đã học chơi vĩ cầm trong 20 năm, 12 giờ một ngày. Các vĩ nhân kiệt xuất đều rất nghiêm túc với việc rèn luyện và theo đuổi đam mê của họ. Hi sinh thời gian và sức lực của mình là tiền đề giúp bạn nếm trải hương vị thành công.
41 Felice Giardini (1716 - 1796): Nghệ sĩ vĩ cầm và nhà soạn nhạc người Ý. Ông là người có ảnh hưởng lớn đến nền âm nhạc Anh thế kỉ XVIII.
Rèn luyện trí óc đòi hỏi bạn tập trung vào một lĩnh vực nhất định. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà bạn bỏ qua phần thân tâm của mình. Tự trui rèn đòi hỏi bạn không chỉ hoàn thiện sức khỏe thể chất, nâng cao trí tuệ, mà còn rèn giũa nhân cách. Nhờ vậy, bạn có thể sống và làm việc một cách thuận lợi, chứ không phải hi sinh đôi mắt để rèn đôi tai, hay hi sinh đôi tay để dưỡng đôi chân. Sự tinh tế của xúc giác có lẽ là món quà với bất cứ ai. Đôi tay của bác sĩ có thể thực hiện tốt nhất các thao tác phẫu thuật nhờ sự tinh tế đó. Cũng đôi tay ấy, anh ta sẽ có trách nhiệm với cộng đồng và biến nó thành công việc của mình. Bạn cần bảo toàn sự cân bằng của thân thể, trí tuệ và tâm hồn, để không rơi vào cái bẫy của thời đại chuyên môn hóa, như chúng ta đã vừa nói.
Sau cùng, bạn phải nhớ rằng, bạn quý giá trước hết vì bạn mang trong mình một phần của sự sống, vì chính những phẩm chất nơi bạn, không chỉ vì bạn giỏi công việc nào, hay vì bạn đã kiếm được bao nhiêu tài sản về cho mình. Bởi vậy, đừng bao giờ từ bỏ con đường tự trui rèn, để vượt lên tất cả những chật hẹp, gò bó, áp lực mà đời sống này đang bủa vây bạn.
RÈN LUYỆN TRÍ ÓC: VƯỢT LÊN HIỂM HỌA CHUYÊN MÔN HÓA
Quay trở lại, tôi phải nhắc nhở bạn một lần nữa, khả năng rất cao bạn sẽ rơi vào hai thái cực: Một đằng là sẵn sàng từ bỏ cái chung cho cái riêng, giống như chuyên gia bổ ngữ gián tiếp chỉ suốt đời nghiên cứu bổ ngữ. Một đằng là ham mê tích lũy thật nhiều tri thức về đủ các lĩnh vực, nhưng lại chẳng áp dụng vào bất cứ lĩnh vực cụ thể nào. Có thể bạn sẽ nhăn nhó bảo rằng, con người ai sẽ toàn diện được theo nghĩa vừa bác học vừa tinh thông, vừa có hiểu biết rộng lớn lại vừa có chuyên môn sâu. Nhưng tôi khẳng định với bạn rằng, điều này là hoàn toàn có thể. Có điều bạn phải trải qua một quá trình rèn giũa giống như tôi đã nói ngay từ đầu, không thể vội vàng ngay một lúc mà viên thành được. Hãy tưởng tượng, giống như triết lí thái cực của phương Đông, khi bạn đi sâu vào một điểm, thì đến tận cùng điểm đấy sẽ mở rộng ra vô tận. Bạn hiểu ý này không? Tức là, chẳng hạn khi bạn cố gắng thành thạo một kĩ năng, viên thành một phẩm chất, tinh thông một lĩnh vực, thì đến một điểm nhất định, bạn có thể áp dụng kĩ năng đấy, phẩm chất đấy, sự tinh thông đấy cho rất nhiều lĩnh vực khác, không chỉ trong công việc mà còn trong đời sống, không chỉ trong các vấn đề cá nhân, mà còn cho các vấn đề xã hội.
Trên thực tế, trong một số lĩnh vực, các yêu cầu quá khắt khe đến mức bạn sợ phải làm bất cứ điều gì ngoài công việc của mình. Bạn phải làm để bảo toàn năng lực đặc biệt của mình trong lĩnh vực đấy. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi sẽ tan đi, nếu bạn áp dụng nguyên lí thái cực mà tôi đã chỉ ra ở trên. Quá trình rèn luyện theo cả chiều ngang (cập nhật tri thức của các lĩnh vực khác) lẫn chiều sâu (đào sâu vào lĩnh vực chuyên môn), sẽ thực sự hỗ trợ và không hề gây trở ngại cho việc phát triển kĩ năng nghề nghiệp lẫn đời sống của bạn. Bạn không được quên rằng, theo một nghĩa rất đúng, rèn luyện theo chiều ngang này giúp ích cả trong các lĩnh vực hoạt động đặc biệt, vì nó nuôi sống và làm mới tâm trí.
“Không đám đông xác thịt nào ngăn trở được người có ý chí, hãy làm những việc sẽ giúp bạn phát triển kĩ năng làm việc.” Tôi nghĩ lời khuyên này thật tuyệt vời. Chắc chắn bạn sẽ không cảm thấy lãng phí thời gian đâu. Bạn phải làm nhiều hơn để có thể làm tốt chính việc đó. Đam mê trí tuệ đích thực giữ cho tâm trí bạn luôn mới mẻ và cởi mở. Càng hiểu biết nhiều, bạn càng dễ cảm thông hơn và có cái nhìn mới cho những nhận định của mình. Có tri thức, bạn sẽ nới rộng sự hạn hẹp của công việc chuyên môn và cải thiện những thiếu sót do đặc tính cách công việc. Bạn sẽ có thêm niềm say mê và sức mạnh mới cho những khám phá của mình từ chuyến du ngoạn vào thế giới rộng lớn hơn của cuộc sống và tư duy.
Tôi rất thích một câu ngạn ngữ cũ: “Nhiều trải nghiệm, một đam mê.” Tôi nghĩ sẽ thật tuyệt nếu một sở thích, một đam mê có thể trở thành công việc của bạn. Càng nhiều trải nghiệm thú vị và sảng khoái, bạn càng có thêm nhiều năng lượng mới cho công việc. Thực ra thì, bạn luôn có thể tự làm mới chính mình bằng nhiều cách và nạp đầy những năng lượng tích cực. Mỗi lần được mở mang tư tưởng và kinh nghiệm sẽ làm phong phú năng lực của bạn, ngay cả với công việc chuyên môn.
Gounod42 – một nhà soạn nhạc người Pháp – thường nói với các học trò của mình: “Hãy lớn lao hơn nghề nghiệp của bạn.” Và ông đã dùng cuộc sống của mình để sống với chính điều ông đã nói. Bạn có thể thấy điều này trải dài trong đam mê văn học, nghệ thuật và các sở thích khác của ông. Đôi tai thính nhạy của ông biết cách lắng nghe những thanh âm tuyệt diệu trong mỗi bản nhạc.
42 Charles-François Gounod (1818 – 1893): Nhà soạn nhạc Pháp. Ông được công chúng biết qua tác phẩm Ave Maria chuyển soạn trên tác phẩm của Johann Sebastian Bach, qua các vở opera Faust và Romeo và Juliette.
Hầu hết các nhà soạn nhạc vĩ đại đều phải qua tôi luyện mà thành. Họ hiểu biết rất rộng như Mendelssohn43 – một người đàn ông thông thái phi thường, một người đa tài và rất nhiều thành tựu. Tài nguyên trí tuệ càng đa dạng, tâm trí càng rộng lớn, thì bạn càng có nhiều cơ hội cho một vụ mùa bội thu trong lĩnh vực đặc biệt, chẳng hạn như âm nhạc.
43 Jakob Ludwig Felix Mendelssohn Bartholdy (1809 - 1847): Nhà soạn nhạc, nghệ sĩ dương cầm và nhạc trưởng người Đức, thời kì đầu Lãng mạn của thể kỉ XVIII. Các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông: khúc dạo đầu cho vở kịch A Midsummer Night’s Dream (Giấc mộng đêm hè) của Shakespeare, Italian Sympho- ny, Scotish Symphony, nhạc Kinh Thánh... và đặc biệt là tác phẩm độc tấu piano Mendelssohn’s Songs Without Words.
Nếu bạn sinh ra với một vài năng lực thiên bẩm, thì những năng lực đấy có thể giúp bạn vượt qua những trở ngại lớn trong cuộc đời. Còn với đa phần con người bình thường chúng ta mà nói, tự nhận thức và tự rèn luyện là con đường không thể khác, bạn nhất định phải đi để sống trọn vẹn sinh mệnh mà tạo hóa đã ban cho bạn. Nếu không tự trui rèn, bạn sẽ dần mất đi khả năng tự nhìn lại mình, vì bạn không có đủ tri thức và nhận thức để minh định chính mình.
Như tôi đã nói, việc rèn luyện trí óc không thể tránh được xu hướng tạo ra một vẻ thông thái hợm hĩnh và thái độ thờ ơ với thực tại. Song về lâu dài, một nền tảng tri thức rộng lớn và phong phú, cùng sự nhiệt huyết trong bạn sẽ giúp bạn hiểu sâu hơn về công việc của mình. Bạn có thể kết nối lĩnh vực nhỏ của mình với phạm vi kiến thức rộng hơn để làm phong phú thêm vốn tri thức. Quá trình tự trui rèn cho sự phát triển lành mạnh và hài hòa cả Thân - Tâm - Trí chắc chắn sẽ là những trải nghiệm tuyệt vời. Rèn luyện tâm trí một cách có ý thức giúp bạn đạt được kết quả tốt nhất. Bạn có thể nhận thức một vấn đề về bất cứ chủ đề nào cho dù bạn có đồng tình với quan điểm đó hay không. Bạn có thể nhìn ra nguyên lí vận hành của đời sống, bất kể vẻ ngoài phức tạp và bộn bề của nó. Bạn có thể sống và làm việc bằng sự tỉnh táo và bình tĩnh của một tâm trí đã qua luyện rèn, thay vì để mình trôi nổi trong một cuộc đời hạn hẹp và tự phụ.
Schiller đã nhìn ra cạm bẫy của nền văn minh, và ông nhắc nhở chúng ta rằng: “Liệu có nên vì bất cứ chuyện mưu sinh nào mà con người bỏ bê bản thân hay không? Con người có bị tước đi ánh sáng của lí trí không? Có lẽ, việc phát triển các tài năng đơn lẻ có thể hỗ trợ rất tốt cho quá trình mở rộng các tri thức nền tảng. Nếu chuyên môn hóa là tất yếu, bạn không nên né tránh nó. Hãy khắc phục bằng một bí thuật cao siêu hơn: tự trui rèn để hoàn thiện những năng lực và phẩm chất mà nền văn minh đã che mờ trong bạn và nền chuyên môn hóa đã vô hiệu hóa chúng nơi bạn.”
Một điều quan trọng nữa, tôi vẫn phải nhắc lại với bạn: Hãy đem tất cả năng lực và phẩm chất của bạn để cống hiến cho một đời sống ý nghĩa hơn. Khi vượt lên cái ích kỉ và yếu nhược của bản thân, là lúc bạn đến gần hơn với sức mạnh vo song của trí tuệ và những điều cao quý. Bạn có thể biến sự tất yếu của chuyên môn hóa thành cơ hội tôi luyện chính mình và trở nên lớn lao.
Lí tưởng cống hiến và phụng sự sẽ giúp bạn vượt lên sự nhỏ nhen và có cái nhìn rộng mở. Nếu có thể phụng sự cho sự sống, bạn sẽ không bao giờ lãng phí tài năng của mình, và biết trân trọng tài năng của những người xung quanh. Cống hiến và phụng sự có lẽ rất rộng lớn và đa dạng. Biết cống hiến hết mình, bạn sẽ trưởng thành. Nếu thực sự thấy sự cao quý của việc phụng sự và trở nên khiêm tốn, bạn sẽ vượt qua được tất cả những niềm tự hào nhỏ nhen và cả những than phiền ích kỉ. Bạn sẽ vui mừng khi có một nơi để phụng sự trong bất cứ lĩnh vực nào. Dù là thương mại, công nghiệp, khoa học hay văn học nghệ thuật, tất cả đều đóng góp cho lợi ích của xã hội. Dù bạn là một học giả hay một chính khách, một nghệ sĩ hay một nghệ nhân, người kinh doanh hay một nhà thơ, hãy vượt lên những cạm bẫy của chuyên môn hóa, không ngừng rèn luyện bản thân và cống hiến sức mình cho những điều cao thượng và quý giá.