Những kẻ láu cá khinh thường sự đọc - học. Những người khôn ngoan hiểu rõ ý nghĩa của sự đọc - học và biết cách tận dụng nó. Vì điều sự đọc - học có thể mang lại không chỉ là tính hữu dụng của riêng nó. Thông qua sự đọc - học, người khôn ngoan học được cách quan sát con người và vạn sự vạn vật, đạt đến sự thông tuệ vượt lên trên sự đọc - học ấy. Việc đọc - học không phải để bác bỏ và bắt bẻ, không phải để tin và coi là đương nhiên, cũng không phải để phiếm đàm và phô diễn. Đọc - học và quan sát là để suy xét và cân nhắc
- Bacon -
Các phương pháp giúp ích cho quá trình rèn luyện tâm trí khá phổ biến. Những điều tuyệt vời trong cuộc sống đôi khi rất đơn giản, và thực ra thì, nằm trong tầm tay của bạn. Sự khác biệt giữa người thường xuyên trau dồi trí tuệ và người bỏ bê việc trau dồi ở cách họ sử dụng những công cụ có sẵn trong tay. Matthew Arnold34 đưa ra ba phương pháp và theo thứ tự: (1) đọc, (2) quan sát và (3) tư duy. Việc đọc và quan sát sẽ cung cấp thông tin và dữ liệu cho quá trình tư duy. Đọc có nghĩa là tận dụng những quan sát, tư duy và ý kiến của người khác được lưu trữ trong những cuốn sách. Quan sát thông qua các giác quan, các trải nghiệm để thu thập thông tin và ghi nhận dữ liệu, từ kiến thức về con người và thế giới, tình yêu cái đẹp trong tự nhiên và nghệ thuật, các vấn đề khoa học, cho đến các cuộc trò chuyện – suy cho cùng, là một phương pháp rèn giũa tư duy quan trọng.
34 Matthew Arnold (1822 - 1888): Nhà thơ và nhà phê bình văn hóa người Anh, từng làm thanh tra các trường học. Matthew Arnold giống như một nhà hiền triết, chuyên viết về các vấn đề xã hội đương đại.
QUAN SÁT: CÁI NHÌN THẤU SUỐT VẠN VẬT
Trong số các phương pháp rèn luyện, có lẽ quan sát nên được ưu tiên hàng đầu. Con người khám phá thế giới lần đầu tiên thông qua các giác quan. Bản thân nó cũng xuất hiện sớm hơn phương pháp đọc. Như bạn biết, một đứa trẻ học được rất nhiều điều trong 5 năm đầu tiên của cuộc đời so với bất cứ giai đoạn nào sau đấy. Đứa trẻ phải học một ngôn ngữ, tất cả các sự kiện của đời sống, các thuộc tính và phẩm chất của sự vật, các mối liên hệ giữa con người với con người, giữa con người và vạn vật. Tất cả những điều đấy, đứa trẻ thâu nhận trong những năm đầu đời chỉ bằng việc quan sát. Không có trường học nào hiệu quả và trang bị đầy đủ như trường học tự nhiên. Có điều, tôi thấy hầu hết mọi người không nắm bắt được những gợi ý, những dấu chỉ từ quá trình tự học hỏi diễn ra không ngừng trong những năm đầu đời. Người lớn, đáng buồn thay, lại thường là nhân tố làm gián đoạn niềm ham thích và quá trình tự tìm hiểu, tự học hỏi đấy của con trẻ, thay vì hướng dẫn và giúp chúng phát triển.
Hẳn bạn còn nhớ câu chuyện đầy ý nghĩa trong thần thoại Hi Lạp. Câu chuyện về người khổng lồ Antaeus – con trai của Thần Biển Poseidon và Đất Mẹ Gaia. Anh ta thách thức tất cả những người qua đường đấu vật với mình. Không ai có thể hạ gục anh ta, vì mỗi lần chạm vào Đất Mẹ, anh ta lại được tiếp thêm sức mạnh. Hercules sau đó đã khám phá ra bí mật của Antaeus. Trong cuộc đấu với anh ta, Heracles nhấc bổng Antaeus lên trời, tước đi nguồn sức mạnh từ Đất Mẹ của anh ta và nghiền nát anh ta trên không trung. Bạn có thể hiểu câu chuyện này theo nhiều nghĩa, riêng tôi, tôi hiểu một ngụ ý trong đấy rằng: Tự nhiên mãi là nguồn sức mạnh bí mật của con người. Người nào giữ được mối liên hệ với nguồn năng lượng bí mật này, người ấy sẽ giữ được sức mạnh bản nhiên của sự sống.
Con người chắc chắn sẽ thâu nạp thêm nhiều sức mạnh và tri thức mới, miễn là bạn có thể giữ chắc đôi chân của mình trên đất, giữ mối quan hệ hài hòa với thiên nhiên và cởi mở với những điều mà thế giới xung quanh đem đến
Trí thông minh và óc sắc bén phát triển tốt nhất và mạnh mẽ nhất trước tiên thông qua sự rèn luyện các giác quan và qua những trải nghiệm đơn giản trong cuộc sống. Con người hình thành và duy trì thói quen quan sát, theo nghĩa rộng nhất, sẽ sống trong một thế giới vô cùng phong phú và rộng mở. Bạn sẽ tìm thấy trong đó một nguồn sức mạnh không bao giờ cạn kiệt, không chỉ giúp bạn gia tăng tri thức mà còn đem đến sự ngạc nhiên, thú vị và mới mẻ. Sự khôn ngoan sâu sắc nhất được kiểm chứng liên tục thông qua tiếp xúc với tự nhiên và cuộc sống. Thái độ rèn luyện tốt nhất là thái độ của người quan sát nhanh nhạy, luôn quan tâm đến các sự kiện và trải nghiệm. Bạn có thể học rất nhiều về tự nhiên, thế giới và con người từ trong sách vở, nhưng nếu thiếu đi sự quan sát thực tế, bạn sẽ không bao giờ có thể đạt đến sự phát triển hoàn thiện.
Tuy vậy, nền văn minh càng phát triển, con người càng bị vây hãm trong đô thị và thế giới vật chất. Chúng ta trở nên thờ ơ trước những dấu chỉ rõ ràng của tự nhiên. Augustus William Hare đã nhận ra sự thiếu sót của lối giáo dục hiện đại, đấy là chỉ tập trung vào phần tri thức: “Hầu hết các bậc cha mẹ, dù có điều kiện hay không, đều cho rằng họ đã làm tất cả những gì họ nghĩ là cần cho việc giáo dục con cái. Họ cho chúng học những điều như nề nếp, quy củ của học sinh trong lớp. Giáo dục và phát triển nhân cách vốn giống như gieo một hạt mầm và chăm sóc vun trồng chờ ngày nó phát triển thành một cây đại thụ.
Ấy vậy, giáo dục gia đình và nhà trường lại biến nó thành như thể chỉ cần đọc một chuyên luận thực vật học là đủ.”35
35 Augustus William Hare (1792- 1834), Guesses at Truth, xuất bản lần đầu năm 1827.
Một trong những cách để bạn khắc phục lối giáo dục đấy là rèn giũa trí tuệ thông qua việc tự trau dồi khả năng quan sát của bản thân. Chẳng hạn, đối với các nghệ sĩ, kĩ thuật và năng lực chuyên môn của họ không khác nhau nhiều lắm, nhưng một ánh nhìn chân thật và mới mẻ cũng có thể giúp họ thay đổi nhiều điều. Một kiệt tác hay một tác phẩm tầm thường đôi khi chỉ khác nhau qua một ánh nhìn đấy mà thôi. Một đôi mắt qua rèn luyện sẽ biết cách sử dụng những màu sắc và hình ảnh để tạo ra thế giới sống động của riêng mình.
Quan sát vốn là một khả năng tự nhiên. Nhưng như tôi đã nói, nền văn minh đang làm cùn mòn khả năng này của con người. Đời sống đô thị đang khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc duy trì và phát triển khả năng vốn dĩ phải là thiên bẩm này. Và theo nhiều cách, nền văn minh đã làm suy yếu sức mạnh bản nhiên của con người. Bạn cứ ngẫm lại mà xem, giờ đây nếu không có đồng hồ thì rất khó để bạn nói chính xác thời gian. Ngay cả việc nhận biết thời tiết theo mùa, cũng trở nên rất mơ hồ với bạn. Có thể bạn sẽ tự hỏi: Tất cả những thông tin đấy, những phương tiện truyền thông đã cung cấp cho tôi hết rồi, tôi còn cần quan sát để làm gì? Nhưng bạn quên mất rằng, quan sát đâu chỉ để nắm bắt thông tin. Năng lực tự quan sát là bước đầu để bạn tiếp tục đi lên những tầng bậc cao hơn của tư duy và của trí tuệ.
Và bạn biết không, khi bạn đánh mất năng lực tự quan sát, bạn đã thực sự đánh mất nhiều điều hạnh phúc và thú vị. Thế giới sẽ trở nên tuyệt vời hơn khi bạn khám phá nó, tự nhiên sẽ mở ra những khung cảnh mới tuyệt mĩ và bí ẩn. Cùng một thời gian, cùng một không gian, thực tế không ai cảm nhận giống ai. Có những người không thể nhận thấy điều gì, nó giống như vô tri vô giác. Có những người lại khám phá ra rất nhiều sự thật mới lạ và đưa ra những suy luận sắc bén. Đối với những giác quan chưa trải qua luyện rèn, thực tại chẳng khác nào một bức tường kín bưng, bạn chỉ có thể đứng bên ngoài và bất lực. Ngay cả khi bạn gọi tên chúng, bạn cũng không thể nắm bắt được những ý nghĩa sâu xa chúng gửi gắm đến bạn.
QUAN SÁT (1): ĐÔI MẮT SẮC BÉN
Có thể bạn thấy, thế giới là một đống hỗn độn và lộn xộn. Trong con mắt của tuổi trẻ bay bổng hay những kẻ lãng mạn, thì thế giới có thể là một bức tranh phong phú, nhiều màu sắc. Có điều dù là lộn xộn hay phong phú, bạn cũng phải nhận ra vài nguyên lí vận hành của thế giới và thấy được trật tự của nó. Để thấy được sự thật rốt ráo đằng sau tất cả, bạn nhất định phải học cách quan sát thế giới trước tiên qua đôi mắt. Cần rất nhiều đặc tính trong quan sát, nhưng tôi cho rằng, bạn phải rất lưu ý những điều sau để con mắt quan sát của bạn phát huy hết vai trò.
Đầu tiên, nó đòi một sự tỉ mỉ, kĩ lưỡng. Bình thường, bạn nghĩ rằng, tỉ mỉ vốn là đặc tính sinh ra đã có phải không. Nhưng sự thật là, như tôi vẫn nói, đời sống lìa xa tự nhiên và sa đắm vào thế giới vật chất đô thị của bạn đã khiến bạn đánh mất đi năng lực bản nhiên đấy của mình. Giờ đây, không có cách nào khác, muốn có một con mắt tinh tường, bạn buộc phải rèn giũa lại đặc tính này. Đôi mắt quan sát tỉ mỉ giúp bạn:
• Gom góp và thu thập thông tin về con người, sự vật, sự việc;
• Thâu nhận và sơ loại những gì bạn quan sát được;
• Đem lại cho bạn sự nhẫn nại, bao dung và thấu hiểu.
Thứ hai, quan sát không thể tách rời việc nhìn toàn thể, lọc thông tin và sắp xếp hệ thống. Bạn cần phân biệt giữa việc tiếp thu các sự kiện, tích lũy các tri thức và phát triển các khả năng. Việc quan sát không chỉ là việc bạn thu thập thông tin đơn thuần, trên một mức bạn phải bắt đầu:
• Từ những dữ kiện thực tế thu thập được, hãy so sánh, phân loại, ghi chú sự khác biệt và nét tương đồng;
• Rèn luyện khả năng lọc thông tin, hệ thống và sắp xếp thông tin để có cái nhìn tổng thể hơn;
• Tìm ra mối liên kết giữa các sự kiện, sự vật, sự việc và con người.
Đây là một quá trình để sự quan sát và nhãn quan của bạn được nâng lên một tầng mức mới, trở nên tinh tường, sắc sảo. Đó là sự khác biệt hoàn toàn giữa sự vô tri và một sinh mệnh có trí tuệ, sống động và không ngừng phát triển. Thông qua quá trình rèn giũa khả năng quan sát rất đặc biệt bằng đôi mắt này, bạn sẽ nhận ra năng lực xét đoán của mình cũng được nâng lên.
Thứ ba, hãy truy nguyên tất cả những điều bạn quan sát được bằng một con mắt thứ ba thấu suốt. Nếu biết một chút tri thức tâm lí học, bạn sẽ thấy thật ra tâm trí con người đầy lỗ hổng. Bộ não con người có thể là một cỗ máy toàn thiện, nhưng tâm trí thì không, bởi nó luôn có phần “tâm”, phần cảm xúc, phần chủ quan, thiên lệch trong đấy. Thế nên, trước bất cứ cái gì con người nhìn thấy, nó cũng đều có thể nảy sinh những liên kết kì quặc, những phán xét vội vã, những nhận định sai lầm. Vì thế, quá trình truy nguyên là một quá trình bạn cần rèn luyện để vượt qua lỗ hổng này của tâm trí. Tôi không bảo rằng bạn phải hoài nghi tất cả những gì diễn ra trước mắt mình. Nhưng đừng bao giờ tin rằng các sự kiện bạn thấy trên bề mặt là sự thật sau rốt, là chân lí cuối cùng. Quá trình truy nguyên này, bạn có thể nhắm đôi mắt xác thịt, nhưng nhất định phải mở con mắt trí tuệ để:
• Nhận ra và thoát khỏi cạm bẫy của vẻ bề ngoài, đi sâu vào bản chất của con người và sự vật;
• Nhìn thấu tất cả những phép đánh lừa của đời sống và trò ngụy biện của tâm trí.
Quá trình quan sát này là một quá trình rất sống động. Nó không phải là quá trình suy luận logic học. Khi rèn luyện quan sát qua đôi mắt, bạn sẽ nhận ra đời sống đôi khi là những ngẫu hợp vừa phong phú, vừa lộn xộn, dường như có sắp đặt, lại dường như ngẫu nhiên. Nhưng rồi bạn sẽ nhìn ra, bằng con mắt tỉ mỉ, tinh tường, sắc bén, rằng những dấu hiệu và chỉ dẫn đến sự thật và chân lí luôn ở đâu đấy quanh bạn. Và bạn đừng cố gò ép nó vào một logic hay ngụy biện nào của tâm trí. Cuối cùng, con mắt quan sát sắc bén hóa ra lại cần nhất là sự vô tư, dung chứa được trong nó mọi điều.
QUAN SÁT (2): HIỂU SÂU NHỚ LÂU
Bây giờ, chúng ta hãy đến một tầng mức cao hơn và phức tạp hơn của việc quan sát, đấy là ghi nhớ. Trí nhớ (memory) là nơi lưu giữ tất cả ấn tượng của quá trình quan sát. Về cơ bản, nó giống như một kho chứa. Còn ghi nhớ là một năng lực, nó không sẵn có mà phải trải qua quá trình mài giũa. Trí nhớ có thể cung cấp cho bạn những thông tin ngẫu nhiên, hoặc vì một lí do nào đấy, nó che lấp nhiều thông tin khỏi nhận thức của bạn. Đôi lúc, nó trốn đi. Đôi lúc, nó xuất hiện. Rèn luyện khả năng ghi nhớ chính là quá trình bạn chiến thắng tính thất thường của cảm xúc, sự tinh ranh của trí nhớ và vượt lên cái tâm cảm hời hợt của chính mình. Dù bạn không tin, tôi vẫn phải nói với bạn rằng, rèn luyện khả năng ghi nhớ, thậm chí còn giúp bạn chữa lành những tổn thương trong trái tim, giúp bạn sống một đời sống lí trí hơn.
Ngay lúc này, bạn hãy cùng tôi đến với những cách thức giúp bạn tăng cường khả năng ghi nhớ, cũng chính là năng lực hiểu sâu nhớ lâu để trí tuệ của bạn trở nên thâm sâu, thấu suốt.
Đầu tiên, khả năng ghi nhớ phải đến từ năng lực chú ý và tập trung. Bạn nghĩ rằng, sự tập trung chỉ cần thiết khi bạn đọc - học hay làm việc. Tôi cho rằng, sự tập trung đầu tiên phải đến từ sự quan sát. Sự tập trung cho phép bạn xuyên qua các chuỗi ấn tượng ngẫu nhiên, mờ nhạt hay những sự kiện tạp nham xuất hiện trong đời sống mỗi ngày. Từ đó, bỏ qua những điều không hữu ích và lựa chọn những gì thực sự quan trọng. Một trí nhớ tốt không có nghĩa là nhớ mọi thứ, nhớ dai nhớ dài. Một trí nhớ tốt đòi hỏi bạn tập trung và chú ý vào loại thông tin mà bạn cần ghi nhớ.
Thứ hai, khả năng ghi nhớ phụ thuộc rất nhiều vào cách bạn sàng lọc và sắp xếp thông tin. Nếu bạn lưu giữ mọi thứ một cách bừa bãi, không có tiêu điểm và không có phân loại cho từng loại thông tin, thì bất cứ lúc nào bạn cũng có thể lãng quên chúng, hoặc tất cả những gì bạn ghi nhớ chỉ là một đống phế liệu tầm thường không có giá trị. Khi không thể sắp xếp thông tin, bạn sẽ vô cùng mệt mỏi, vì phải sống với một đống lộn xộn, tất cả những thứ vụn vặt và những điều linh tinh tạp loạn. Qua tự kiểm chứng của bản thân, tôi thấy có một số cách hữu dụng để sàng lọc và sắp xếp thông tin:
• Ghi chép lại những gì bạn quan sát được;
• Sắp xếp và phân loại những gì ghi chép vào những chủ đề, vấn đề, làm thành những tệp tư liệu khác nhau;
• Thường xuyên bổ sung và làm mới những ghi chép cũ bằng những thông tin mới, hoặc những gì mới quan sát, trải nghiệm;
• Không ngừng áp dụng và trau dồi trong đời sống, từ đó tái cân nhắc và suy xét các thông tin đã được ghi chép.
Đấy là một quá trình đòi hỏi bạn phải rất nhẫn nại và thực hành thường xuyên. Hãy nhớ, ai cũng có một bộ nhớ, trí nhớ là bản nhiên. Nhưng năng lực ghi nhớ phải qua luyện rèn mới có được.
Thứ ba, luôn luôn tìm ra mối liên kết giữa những thông tin bạn quan sát được. Điều này là cực kì quan trọng, vì việc thu thập và lĩnh hội thông tin ban đầu, rồi lưu trữ trong các ngăn bộ nhớ có khả năng làm đầy và làm tâm trí mệt mỏi. Ở mức độ nào đó, việc ghi nhớ thuần túy có thể làm lãng phí sức lực của bạn. Học thuộc lòng, theo một cách nào đấy, chỉ giúp bạn cải thiện phần nào khả năng ghi nhớ. Bất kì hệ thống hỗ trợ trí nhớ nhân tạo nào đều là sai cách. Việc nhét đầy các dữ kiện thực tế vào bộ nhớ, cũng không giúp bạn rèn luyện trí nhớ. Chỉ khi bạn tìm ra mối liên hệ giữa chúng với nhau, thì bạn mới thực sự có thể ghi nhớ chúng. Khi đó, thông tin mới biến thành tri thức, tri thức mới biến thành năng lượng sống cho bạn. Tôi tin rằng, mọi kĩ thuật liên tưởng hay những thủ thuật giúp bạn ghi nhớ chỉ đem đến kết quả bên ngoài, tức là chúng không thể cải thiện năng lực ghi nhớ của bạn. Như vẫn nói, tâm và trí có mối liên hệ không thể tách rời. Vì vậy, nếu trong quá trình quan sát, bạn để những tâm cảm riêng của mình xen vào thì những mối liên kết bạn tạo ra cũng chẳng khác nào mấy thủ thuật liên tưởng tầm phào kia, chúng chỉ khiến tâm trí bạn nặng nề thêm. Chỉ khi, bạn thực sự có thể tập trung, kiên trì, chăm chỉ áp dụng trong đời sống, bạn mới thực sự tìm ra mối liên hệ sống động giữa con người với nhau, giữa con người với vạn vật. Nó là một quá trình bạn phải sống, thực sự sống.
Quan sát và ghi nhớ là một công cụ rèn luyện tâm trí, và xét cho cùng, nó còn là một cách sống, là cách bạn giao tiếp với tự nhiên và xã hội, là con đường để bạn tiếp xúc và trò chuyện với các tâm trí khác. Thế nên, trải qua quá trình rèn giũa này, bạn không chỉ viên thành năng lực quan sát và ghi nhớ, không chỉ nhận được những lợi ích thiết thực từ bản thân chúng, bạn còn được tiếp thêm một nguồn năng lượng vô cùng mạnh mẽ từ tự nhiên, bạn có thể nhận được những sự thôi thúc sống động từ một tâm trí khác. Bạn cũng có thể học thêm được nhiều kĩ năng từ tự nhiên lẫn xã hội, từ những người cùng làm việc xung quanh bạn. Tôi đã từng chứng kiến nhiều nhóm người trẻ tuổi cùng nhau rèn giũa tâm trí, mài sắt nên kim, ở đó trí tuệ luôn viên thành cùng với những khát vọng cao quý được nuôi dưỡng.
Thử nhìn lại một chút. Dường như cuộc sống hối hả thời hiện đại đã cuốn bạn đi quá xa khỏi mối gắn kết với tự nhiên. Những mối liên kết, những cuộc giao tiếp xã hội của bạn ngày càng nhiều thêm, ngày càng phong phú, nhưng cùng với đó, nó cũng đánh mất đi chiều sâu và ý nghĩa đích thực vốn có của nó. Gần đây, bạn đã từng dành bao nhiêu thời gian để lưu tâm và quan sát những người xung quanh mình? Bạn có thực sự hiểu những người thân bên cạnh mình như bạn nghĩ không? Đã bao giờ bạn chăm chú quan sát một người và cố gắng vượt qua cái vẻ bề ngoài của họ? Có bao giờ bạn từng thử đi sâu vào tâm trí người khác và tìm ra những điều quý giá bên trong họ? Và được bao nhiêu lần bạn thử quan sát và trò chuyện với chuyện với chính bản thân mình? Tôi dám chắc, số câu trả lời “có” thật sự vô cùng ít ỏi. Để thấy là, có những công cụ có thể đem lại cho bạn sức mạnh trí tuệ vô song, thì bạn lại đang dần lãng quên và để chúng cùn mòn.
Tôi còn nhớ, trong bài luận về giáo dục trẻ em, Montaigne khuyên rằng: Một cậu bé nên học hỏi từ các cuộc trò chuyện. “Hãy để cậu bé nghe những lời khuyên và được bầu bạn, để đôi mắt và đôi tai của cậu ấy ở mọi góc của căn phòng. Hãy để cậu bé khám phá tài năng của một người nông dân, một thợ hồ hay một hành khách. Bạn có thể học được điều gì đó từ khả năng của người khác, từ những tinh túy được chắt lọc qua lời nói của họ. Không, ngay cả sự điên rồ và xấc xược của người khác cũng sẽ góp cậu bé mở mang kiến thức. Bằng cách quan sát dáng vẻ và kiểu cách của tất cả những gì cậu thấy, cậu bé sẽ biết cách mô phỏng những cái tốt và loại trừ những cái xấu.”
Tôi thật rất hi vọng, sau những dòng bạn đọc này, bạn có thể bắt đầu làm một điều gì đấy cho chính mình, rất đơn giản thôi, từ việc quan sát và lưu tâm đến mọi thứ quanh bạn, mọi người bên bạn. Đừng lãng phí những cơ hội quý giá để bản thân trở nên tốt hơn. Vận may lớn nhất không đi kèm với những thứ tốt nhất, nhưng bạn luôn có thể tạo ra cơ hội tốt nhất cho chính mình, và biến đời sống của mình trở nên giá trị hơn bao giờ hết.
ĐỌC SÁCH THÔNG MINH: VIỄN CHINH THẾ GIỚI
Bạn biết đấy, sách là những ghi chép về kinh nghiệm, cảm nhận và suy nghĩ của người khác. Xét cho cùng, sách mang đến cho bạn những tiếng nói khác, những tư tưởng khác và những thông điệp khác. Đọc sách có nghĩa là bạn đối thoại với những tiếng nói đấy, tư tưởng đấy, thấm nhuần, tiếp nối những thông điệp đấy, hoặc tìm ra thông điệp của riêng bạn. Trong quá trình đọc sách, phạm vi cuộc sống của bạn được mở rộng, tầm nhìn của bạn được mở rộng, bạn được cung cấp một lượng dữ liệu lớn giúp cho quá trình tư duy của bạn. Bạn được đối thoại để tự xét lại mình và điều chỉnh lại những nhận định phiến diện và sai lầm của bạn. Thế nên, bên cạnh quan sát, thì đọc sách là công cụ tuyệt vời giúp bạn rèn tâm luyện trí, trau dồi trí tuệ.
Tôi cho rằng, có hai đặc tính quan trọng của việc đọc bạn nhất định phải ghi nhớ.
Một, đọc là đối thoại. Nếu bạn không biết những cuốn sách muốn nói gì với bạn, bạn rất dễ lạc lối trong một khu rừng khổng lồ những thông tin, những tri thức và những tiếng nói. Bạn cũng đừng biến mình thành một kho lưu trữ khổng lồ tiếp theo cho tất cả những thông tin, tri thức và tiếng nói đấy. Bạn phải nhớ rằng những gì chứa đựng trong các cuốn sách chỉ là những nguyên liệu thô bạn sử dụng cho quá trình trui rèn trí tuệ của mình. Hãy học cách đọc những cuốn sách như đối thoại với một con người:
• Hãy tiếp nhận những gì nó mang đến cho bạn bằng một sự vô tư;
• Hãy trao đổi, trò chuyện với nó bằng một sự lắng nghe;
• Hãy thấu hiểu những gì nó muốn nói với bạn bằng một sự chân thành;
• Hãy học hỏi những điều hay điều tốt từ nó, từ đó tìm ra những điều có thể áp dụng trong cuộc sống của mình, những điều có thể làm thay đổi mình.
Hai, đọc là một quá trình tự xét lại. Nếu bạn đọc mà không có khả năng suy xét thì việc đọc của bạn rất dễ rơi vào rối loạn. Khi đó, bạn sẽ bị lệ thuộc vào những tri thức mình đọc được. Có hai cái bẫy bạn rất dễ rơi vào:
• Coi thường và phán xét tất cả những gì đọc được bằng con mắt định kiến và hạn hẹp của mình;
• Có xu hướng đánh giá quá cao và tin vào bất cứ điều gì được nói đến trong sách.
Nếu bạn đọc bằng những định kiến sẵn có và trong tâm thái phán xét, thì những gì bạn đọc được, thật ra rất uổng phí. Nó không giúp cho bạn thay đổi bất cứ điều gì trong đời sống. Nó chỉ biến bạn thành một kẻ huênh hoang và khoe mẽ tri thức. Bạn có thể từ những cuốn sách để bổ sung cho mình nguồn tri thức bất tận, nhưng sự thông thái phải phát xuất từ đời sống của chính bạn. Kết hợp với quá trình quan sát và tư duy, hãy không ngừng đem những gì đọc được để xét lại bản thân mình trước tiên. Đừng phụ thuộc mù quáng vào những điều trong sách. Đừng ghi nhớ chúng một cách máy móc, đừng lặp lại chúng như một con vẹt. Hãy dùng lí trí, dùng sự quan sát trong đời sống, sự quán sát nội tâm mình để phán đoán và đi tìm chân lí đích thực.
Hãy là những người đọc sách khôn ngoan, sống giữa đời sống thay vì là một kẻ ngạo nghễ trên lầu tháp của sự uyên bác với giới hạn tâm trí nhỏ hẹp. Trong vở hài kịch Love’s Labour’s Lost (Uổng công vô ích vì tình yêu), Shakespeare từng châm biếm tính mô phạm trong nhiều cuốn sách và việc con người phóng đại giá trị của nó: “Thưa ngài, ông ta chưa từng ăn thức ăn ngon trong một cuốn sách. Ông ta chưa từng ăn giấy. Ông ta chưa từng uống mực. Trí tuệ của ông ta chỉ là một căn phòng tăm tối đóng kín giữa những cuốn sách vô tri.”
Để thấy rằng, đọc sách không chỉ là đọc sách. Đọc sách chính là đời sống. Bằng cách này hay cách khác, bạn phải thấy, luôn có rất nhiều con đường trong cuộc sống để rèn dưỡng trí tuệ đích thực. Từ quan sát, từ học hỏi, từ sách vở, thậm chí từ những điều bạn tưởng như bình thường: giao tiếp xã hội, lao động chân tay, một cuộc trò chuyện hay chỉ là một phút lặng im. Sách vở có giá trị của riêng nó, là công cụ rất quý giá. Hãy nhớ, nó chỉ là một công cụ, bạn không cần quá sùng bái, nhưng cũng đừng bao giờ coi thường.
Tất nhiên, nhiều người coi việc đọc như một cách để giải trí, một thú vui đơn thuần. Họ coi sách như một thánh vật của sự an ủi và của niềm hạnh phúc vô tư. Nhưng tôi không đặc biệt quan tâm đến chuyện đó ở đây. Người ta có thể nói mãi về những thú vui của việc đọc, và nội dung của cuốn sách. Song, mục đích tôi tiếp cận với việc đọc là vì nó phục vụ quá trình rèn luyện trí óc. Và sau đây nhất định chúng ta sẽ phải học cách chọn sách và đọc sách, để không lạc giữa bể tri thức mênh mông, để có thể sử dụng công cụ trí tuệ này sắc bén hơn và giá trị hơn trong đời sống của chúng ta.
CHỌN SÁCH ĐÚNG CÁCH
Niềm vui và lợi ích của việc đọc sách không ai có thể phủ nhận. Song cuộc sống hiện đại đòi hỏi bạn phải thận trọng hơn. Cùng với nhu cầu đọc tăng lên và kĩ thuật công nghiệp in ấn phát triển, việc làm ra những cuốn sách ngày càng trở nên dễ dàng, nhiều bản sách in không còn là phúc lành thuần nhất nữa. Thông tin chưa bao giờ được phổ biến rộng khắp hơn thế. Nhưng thông tin không có nghĩa là tri thức. Thời đại mà mọi người đều có thể có cho mình nhiều cuốn sách, có thể thỏa mãn thoải mái nhu cầu đọc, nhưng không phải ai cũng phát triển khả năng đối thoại và suy xét. Có lẽ, bạn nghĩ rằng mình sẽ làm tốt, sống tốt hơn nếu bạn ngấu nghiến đọc bất cứ cuốn sách nào mình có trong tay. Thực tế, phần lớn việc đọc vì sự nhàn rỗi sẽ trở nên vô nghĩa. Bạn tưởng rằng mình đang bước vào đời sống tư tưởng, nhưng thực ra bạn dùng việc đọc giải trí để thay thế cho việc phải tư duy. Để bạn thấy rằng, tri thức sách vở là mênh mông. Nhưng lựa chọn gì để đọc, để biến nó trở thành công cụ sắc bén cho rèn luyện trí óc, để kích bẩy những suy ngẫm của bạn về con người và cuộc sống, lại là lựa chọn nơi bạn.
Ở đây, tôi không khuyên bạn nên lựa chọn gì, loại bỏ gì. Có điều tôi sẽ đưa cho bạn những chỉ dẫn, giúp bạn thiết lập nên tiêu chí chọn sách của riêng mình.
Thứ nhất, hãy tập trung vào những gì nằm trong mục tiêu tìm kiếm mảng tri thức mà bạn đang quan tâm. Hãy tránh những gì De Quincey36 gọi là “thói háu sách” – tức là càng đọc, càng thấy mình nhỏ bé, càng tham lam muốn đọc nhiều hơn. Bạn phải nhớ, thời gian đời người là hữu hạn. Hãy tập trung vào mục tiêu cốt yếu của bạn. Tôi phải nói với bạn rằng, xét cho cùng thì cuộc đời mỗi con người không nằm ngoài những mục tiêu cơ bản, vì thế hãy đọc những gì giúp cho:
36 Thomas Penson De Quincey (1785 - 1859): Nhà tiểu luận người Anh, nổi tiếng với tác phẩm Confession of an English Opium-Eater (Tạm dịch: Lời thú tội của một gã nghiện, 1821). Nhiều học giả cho rằng việc xuất bản tác phẩm này, De Quincey đã mở đầu truyền thống văn học về thói nghiện ở phương Tây.
• Nâng cao chuyên môn của bạn;
• Nâng cao năng lực tư duy và khả năng nắm bắt các nguyên lí đời sống;
• Các tri thức hòng thấu hiểu bản thân và con người, phát huy năng lực giao tiếp hiệu quả trong đời sống;
• Rèn giũa những phẩm chất làm người và giúp bạn hướng đến một đời sống có giá trị, có ý nghĩa.
Thứ hai, hãy cập nhật tri thức của thời đại thông qua việc đọc. Luôn luôn có một lượng sách mới rất lớn ra đời hàng tháng, hàng năm. Hãy tận dụng nguồn sách này để bổ sung cho mảng tri thức mà bạn đang quan tâm. Chẳng hạn, tôi rất quan tâm đến tâm lí học, vì nó cung cấp cho tôi những tri thức để thấu hiểu tâm hồn con người. Mảng thứ hai tôi cũng quan tâm, đấy là các sách triết học, nó cung cấp cho tôi cách nhìn đời, nhìn người và cho tôi chất liệu để suy ngẫm về nhân sinh. Cá nhân tôi không muốn lãng phí thời gian cho những tác phẩm trôi nổi, hay những bài báo dài vô tận, đọc một lần rồi thôi. Bạn có thể yêu thích nhiều mảng sách khác, nhiều chủ đề khác. Nhưng nhất định hãy nhớ: phải tập trung và phải cập nhật.
Thứ ba, hãy lưu tâm đến tính hữu dụng của việc đọc sách và những cuốn sách. Việc đọc là công cụ để tư duy, chúng ta đã nhấn mạnh với nhau điều này rất nhiều rồi. Nhưng tư duy rút cùng là để làm gì? Với tôi, tư duy sắc bén hơn chính là để hành động hiệu quả hơn. Bên cạnh những cuốn sách giúp cho bạn nâng cao năng lực tư duy, mở rộng viễn kiến và tầm nhìn của bạn, hãy lựa chọn những cuốn sách có thể cung cấp cho bạn những phương pháp hành động thiết thực. Tôi gọi hệ thống sách này là hệ thống sách cung cấp cách nghĩ - cách làm. Cá nhân tôi luôn mang theo bên mình những cuốn sách như thế.
Thứ tư, đừng bao giờ rời xa những cuốn sách giúp bạn bồi đắp nhân sinh quan và nuôi dưỡng tâm hồn. Trải qua thời gian, những điều tinh túy nhất đã được chắt lọc và ghi dấu trong những cuốn sách tuyệt diệu nhất. Tôi cho rằng, những cuốn sách của cổ nhân chưa bao giờ là cũ. Đối với tiêu chí này, tôi thường lựa chọn những cuốn sách văn chương chứng thực được giá trị của nó theo thời gian, hoặc những cuốn sách chứa đựng những triết lí, tư tưởng cổ xưa. Tôi luôn đọc Kinh Thánh như một tác phẩm kinh điển không thể thiếu. Tôi cũng đọc những tác phẩm văn học hòng mở rộng trải nghiệm những cảnh huống cuộc đời.
Sau tất cả, dù việc tạo ra những cuốn sách chưa bao giờ kết thúc, cuộc đời của bạn cũng là hữu hạn. Nhưng trong sự hữu hạn đấy, bằng những lựa chọn tốt nhất và phù hợp nhất với bản thân, bạn có thể mài bén việc đọc, biến nó trở thành công cụ tuyệt diệu để rèn luyện trí óc. Bạn có thể đo đếm cuộc đời mình bằng số lượng cuốn sách đã đọc. Riêng tôi cho rằng, bạn nên xem mình đã viên thành đến đâu năng lực trí tuệ của mình, phẩm chất làm người của mình, và rằng bằng năng lực và phẩm chất đấy, bạn đã cống hiến ra sao cuộc đời mình cho những điều lớn lao.
ĐỌC SÁCH THÔNG MINH
Ở trên, cách tôi hướng dẫn bạn chọn sách theo mục đích và nhu cầu của mình, đấy là bước đầu cho cách đọc sách thông minh của bạn. Đọc sách thông minh không chỉ giúp bạn nâng cao kĩ năng đọc, mà còn giúp bạn dùng những điều đọc - học được để giải quyết hữu hiệu các vấn đề của đời sống. Dựa trên mục đích rốt ráo đấy, tôi xin dành tặng bạn vài kinh nghiệm của tôi trong việc làm sao đọc sách cho hiệu quả.
Thứ nhất, hãy đọc bằng sự tập trung và theo hệ thống. Với mong muốn tìm hiểu và thu nhận tri thức, thì rất tự nhiên bạn sẽ biết cách loại bỏ những điều thừa thãi. Sự tập trung có thể có mấy phân cấp như thế này:
• Tập trung về mặt thời gian, nhờ đó không ngừng đột phá những giới hạn về lượng;
• Tập trung vào những điều bạn cần học - hiểu, những chủ đề bạn đang quan tâm, những mảng tri thức bạn đang cần tích lũy, hay những công việc bạn đang cần làm. Điều này có nghĩa là, bạn chỉ cần lựa chọn những cuốn sách trong vòng này và bỏ qua những gì không liên quan;
• Tập trung vào những phần quan trọng. Điều này có nghĩa là, với từng cuốn sách bạn không nhất thiết ép mình đọc hết. Hãy đọc phần nào bạn thực sự cần;
• Tập trung năng lượng, nghĩa là nếu chưa đột phá được giới hạn của mình trong phần tri thức đấy, kĩ năng, năng lực đấy, thì bạn không nên dừng lại. Có những điều, có những cuốn sách bạn chỉ đọc lướt qua. Nhưng có những cuốn sách bạn phải đọc đi đọc lại để thấm nhập nó.
Thứ hai, đọc và đừng bao giờ rời xa việc ghi chép. Não bộ của bạn không phải là một kho chứa vô tận. Nó thực sự sẽ quên rất nhiều điều. Tôi tin rằng, nguyên tắc ghi nhớ của não bộ cũng giống như nguyên lí tổn thương của trái tim. Điều gì khắc vào bạn, làm cho bạn “đau”, thì chắc chắn bạn sẽ ghi nhớ rất lâu. Ghi chép chính là một cách để bạn khắc những điều đã đọc - học được vào não bộ. Ghi chép cũng giúp bạn hệ thống lại những tri thức đã đọc - học. Cuối cùng, nó giúp cho bạn rà soát lại, cập nhật thêm, từ đó có thể phân tích, tổng hợp và suy xét trên nhiều phương diện. Tôi chưa bao giờ bắt gặp một nhà bác học nào, một nghệ sĩ chân chính nào, hay một triết gia nào mà lại lười ghi chép. Bởi quá trình đấy là trạm trung chuyển giúp bạn:
• Chuyển hóa những cái của người thành của mình;
• Thẩm thấu bên ngoài vào bên trong;
• Biến điều đọc - học thành tư duy và sự tự suy ngẫm.
Thứ ba, đọc phải luôn đi đôi với hành. Có lẽ bạn thấy tôi nói điều này thật quá thừa thãi, nhưng qua quá trình quan sát, tôi nhận ra rằng, số người có thể đọc - học và đem những điều đó áp dụng trong cuộc sống của mình thực sự không nhiều. Giống như tôi đã từng nói, khoa học về hành vi của con người cuối cùng chính là cải sửa. Nếu tất cả những gì bạn đọc được, học được không dùng vào việc giúp bạn thay đổi chính mình, thì tất cả đều thành hoài công vô ích. Hãy biến quá trình đọc thành một quá trình sống thực sự. Hãy khắc những tri thức bạn học được lên cuộc sống của bạn. Hãy không ngừng thử nghiệm và suy xét lại những điều bạn đã đọc - học thông qua thực tế. Thật ra, việc bạn gấp một cuốn sách vào không chứng tỏ bạn đã kết thúc việc đọc. Việc đọc chỉ hoàn tất khi bạn trải qua đủ các bước của quá trình sau: Đọc - Ghi chép - Hiểu - Áp dụng - Suy xét lại - Đọc lại - Thấu hiểu - Cải sửa. Kết thúc của việc đọc đấy chính là bạn có thể thay đổi một điều gì đấy trong chính mình, trong đời sống của mình.
TƯ DUY: BƯỚC ĐẾN ÁNH SÁNG TRÍ TUỆ
Vì mục đích rèn luyện trí óc, tất cả các công cụ tôi từng đề cập như quan sát và đọc sách, đều có vai trò cung cấp dữ liệu cho việc tư duy. Mục tiêu cao nhất của rèn dưỡng là phát triển trí tuệ, chứ không chỉ đơn thuần là thâu nhận thông tin. Thông tin hữu ích và cần thiết cho việc đưa ra phán đoán và quyết định, nhưng bạn đừng hiểu lầm rằng, rèn luyện trí óc chỉ là tiếp nhận thông tin. Trong một lá thư gửi một người bạn, John Foster37 – một nhà văn từng đi vòng quanh thế giới bằng xe đạp, người đã chứng kiến và thâu nạp rất nhiều thông tin và sự kiện phong phú – cũng phải thừa nhận rằng, khi nhìn lại cuộc sống, ông thấy có lẽ sai lầm lớn nhất của con người là lười suy nghĩ.
37 Sir John Foster Fraser (1868 - 1936): Nhà văn người Scotland. Năm 1896, ông và hai người bạn, Samuel Edward Lunn và Francis Herbert Lowe, đã thực hiện một chuyến đi vòng quanh thế giới bằng xe đạp. Họ đi tổng cộng 19.237 dặm đường trong 2 năm 2 tháng, qua 17 quốc gia thuộc ba châu lục. Ông ghi lại chuyến đi trong cuốn sách Round the World on a Wheel.
Sở dĩ tại sao tôi lại nói với bạn về việc quan sát và việc đọc sách, bởi hai điều đấy cung cấp cho chúng ta hai chân đế của tri thức: Quan sát giúp bạn thấm nhập các tri thức của đời sống, các trải nghiệm và dữ kiện thực tế. Đọc sách cung cấp cho bạn những tri thức kinh điển, giúp cho bạn tiệm cận những luồng tư tưởng khác nhau của đời sống, của lịch sử. Từ việc quan sát, bạn có thể quay ngược trở lại suy xét những gì đã đọc - học từ sách vở. Từ việc đọc, bạn có thêm những phương thức, những kĩ năng để nâng cao năng lực quan sát trong đời sống. Hai điều đấy giúp cho quá trình rèn luyện tư duy của bạn.
Càng ngày càng có rất nhiều người tự trôi dạt trong đời sống của mình, như thủy triều lên xuống. Bạn có thể thấy ở khắp mọi nơi, những con người chấp nhận mọi tín điều mà đời sống giăng ra cho mình mà không hề thắc mắc. Họ lặp đi lại lại những khẩu hiệu. Họ hiếm khi nào thực sự đặt một câu hỏi cho chính mình. Họ loay hoay trong những vấn đề mà mình gặp phải, trở đi trở lại. Nhưng thay vì tìm ra câu trả lời và tìm cách giải quyết chúng, thì họ lại không ngừng rơi vào những tâm cảm luẩn quẩn: buồn khổ, oán trách, giận dữ... rồi lại nguôi ngoai và lao ra ngoài kia để tiếp tục vòng quay sự sống. Có lẽ, con người quá mải mê sống mà quên đi sự sống đích thực là gì. Chúng ta quá khốn khổ trong vòng lặp của đời sống thường nhật để có thể nghĩ một điều gì to lớn hơn. Nhưng đấy thật ra cũng chỉ là một phép ngụy biện của tâm trí. Bạn lấy những vấn đề của cuộc sống hiện tại như một cách để trốn tránh việc suy nghĩ: gặp gỡ, yêu đương, lao đầu vào công việc, kết giao, vui thú chốc lát... Bạn cứ thế lăn lộn mãi trong bóng đêm của đô thị, không lối thoát.
Thomas Carlyle từng nói rằng: “Một người biết suy nghĩ là kẻ thù đáng gờm nhất của hoàng tử Bóng Đêm.” Tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng, một người biết suy nghĩ không nhất định là một người cực kì thông minh, mang theo bên mình thật nhiều tri thức, cũng không nhất định chìm đắm vào suy tư cá nhân. Đối với tôi, một người biết đích thực, một tư duy sắc bén trước hết cần có những phẩm chất này.
Một, không xa rời thực tế cuộc sống. Tư duy đích thực cần hướng vào các vấn đề thực tế và việc rèn luyện trí óc phải gắn liền với thực tiễn. Và những suy đoán mơ hồ hay một chút tư duy logic không giúp ích gì cho việc rèn giũa tư duy. Nếu bạn coi rèn luyện tư duy là công cụ thiết thực cho cuộc sống, hãy tránh xa những mơ mộng viển vông. Cũng đừng đem vài thú vui suy luận logic để bắt bẻ người nọ người kia, bởi nó chẳng nói lên điều gì cả. Tư duy chỉ trở nên sắc bén hơn khi bạn tập trung vào những điều quan trọng bạn cần giải quyết. Khi bạn có thể cởi mở, tiếp thu tri thức, và khi bạn có thể dùng nó để xoay chuyển những tình huống khó khăn trong cuộc sống.
Hai, tư duy phải gắn liền với hành động. Chữ “hành động” ở đây rất dễ gây cho bạn hiểu lầm. Đừng nhầm lẫn hành động với cách bạn tạo ra cho mình những chuyện bận rộn để che lấp đi việc phải suy nghĩ, phải tư duy. Đừng đánh đồng hành động với việc bạn ném mình vào công việc để quên đi nỗi đau buồn khắc khoải, với những cuộc gặp gỡ không mục đích để quên đi các vấn đề của bản thân. Hành động đấy là bằng tư duy đã được rèn giũa của mình, bạn đủ khả năng giải quyết những khó khăn, rắc rối trong công việc, các mối quan hệ và các vấn đề trong cuộc sống. Mỗi lần bạn giải quyết được những chuyện đó, những vấn đề đó, thì ngược lại, khả năng phán đoán, suy xét của bạn cũng được nâng cao thêm một bước. Đấy là mối quan hệ hai chiều giữa tư duy và hành động. Nếu thiếu tư duy thì hành động của bạn chỉ là bốc đồng mù quáng. Nếu thiếu hành động thì suy nghĩ của bạn sẽ mãi quẩn quanh trong một vòng lặp không lối thoát.
Ba, tư duy đi liền với năng lực tự nhận thức. Điều bạn cần làm để rèn luyện trí tuệ đôi khi thật ra rất đơn giản: Lắng mình lại đôi chút. Nghe tiếng vang từ những tầng sâu nội tâm của mình, từ những tầng cao tri thức và từ những trải nghiệm đời sống thường nhật. Đừng ngốn ngấu những cuốn sách như một lựa chọn thay thế cho việc suy nghĩ, hay như một liều thuốc an thần gây buồn ngủ cho tâm trí. Một người có khả năng tự nhận thức sẽ luôn đầy sức mạnh. Như tôi vẫn nói, nghệ thuật cao nhất của việc sống là tự cải sửa chính mình. Tự cải sửa chính mình bao giờ cũng bắt đầu từ tự nhìn nhận chính mình. Từ mình mà thấu hiểu thế nhân. Tự thay đổi mình chính là khởi đầu để thay đổi thế giới quanh mình.
Cuối cùng, quá trình rèn luyện tư duy đòi hỏi ở bạn một kỉ luật thép. Kỉ luật này giúp bạn nghiêm túc, vượt lên sự nông cạn, thiếu suy nghĩ và nông nổi. Kỉ luật cũng giúp cho tâm trí tránh xa cạm bẫy của sự phù phiếm và sự vô định. Nhờ đó, con người có thể buông bỏ những khao khát tham đòi, những dục vọng xấu xa.
Lí trí là sự biết nghĩ chứa đựng cả sự tập trung của tâm trí, chỉ có thể tạo ra từ một kỉ luật lâu dài
Các phương pháp tự trui rèn tôi đã đề cập có thể tóm tắt trong một câu của Ruskin, trích dẫn từ tác phẩm Fors Clavigera – những gì ta phải làm cho chính mình: “Rèn luyện trí tuệ chính là mang đến cho con người những khả năng của lòng biết ơn, hi vọng và tình yêu. Thông qua những suy tưởng, tầm nhìn và bài học lịch sử để hành động và hướng mình tới những mục tiêu cao quý.” Với ba công cụ rèn luyện trí óc: quan sát, đọc sách, tư duy, bạn nhất định sẽ viên thành những năng lực đấy và thực hiện trọn vẹn những mục tiêu đấy. Giá trị của sự tự trui rèn, xét đến cùng, có lẽ là cảm ngộ của cá nhân. Rèn luyện trí tuệ thực sự sẽ giúp bạn hướng tới những điều tốt đẹp, thiện lành, những chân thành và yêu thương, vô tư và cống hiến. Quá trình đấy chắc chắn sẽ thay đổi cuộc sống của bạn. Và tôi dám chắc là, cuộc sống đấy vô cùng đáng giá.