Chương IIITâm trí: Bóng đêm và ánh sáng
Cũng giống như thức ăn đối với thân thể, việc rèn giũa giúp bạn nuôi dưỡng trí tuệ
- Marcus Tullius Cicero -
Như tôi đã nói ở chương trước, thân thể là một phần rất quan trọng, nhưng bạn lại dễ bỏ qua nó. Cho đến lúc này, có lẽ bạn cũng đã thấm nhuần một ý niệm tôi đã trao cho bạn từ đầu đến giờ: Thân thể là tài sản quan trọng nhất của bạn. Hãy trân quý và chăm sóc nó thật tốt. Tôi cũng nhấn mạnh: Lí tưởng của tự trui rèn là giúp bạn phát triển toàn diện. Bên cạnh thân thể, bạn không thể bỏ qua phần Tâm và Trí, nói đơn giản là phần lí trí và phần cảm xúc. Vậy theo bạn, thế nào là một trí tuệ minh mẫn?
Một trí tuệ minh mẫn, đã qua rèn luyện có thể xem xét nghiêm túc các vấn đề và đưa ra những phán định hợp lí, giúp cuộc sống của bạn xuôi thuận hơn. Ở đây, hãy phân định một chút giữa lí trí thuần lí và phần tâm cảm. Hẳn bạn cũng biết, trong cuộc sống, suy nghĩ của bạn không bao giờ là suy nghĩ thuần túy. Nó luôn luôn có phần cảm xúc, phần tâm cảm xen vào. Chính phần đấy làm suy nghĩ của bạn trở nên sai lệch, bất minh và ngạo mạn, độc đoán. Để thấy rằng, không có một trí tuệ mẫn tiệp sẵn có, không có một lí trí sắc bén đơn thuần. Bạn cần phải trải qua một quá trình rèn luyện để viên thành một lí trí sắc bén, vững mạnh và một trí tuệ thấu suốt cuộc đời. Quá trình đấy chính là quá trình bạn phải chiến thắng sự mù quáng của cảm xúc, sự vô minh của tâm cảm, gạn lọc và loại bỏ tất cả những gì khiến bạn mê muội để đạt đến trí tuệ đích thật: thuần khiết và sáng rõ. Hãy nhớ: Kẻ thù lớn nhất của lí trí không phải là cảm xúc mà là sự vô minh. Đến cuối cùng, bạn sẽ nhận ra, dù là lí trí hay tâm cảm, suy nghĩ hay cảm xúc cũng đều là những phần rất quan trọng làm nên chân trí của bạn, nếu bạn biết cân bằng và điều hướng chúng.
Và hẳn rồi, trong quá trình rèn giũa trí tuệ không thể thiếu tri thức. Tri thức là thức ăn của lí trí, là phương tiện giúp bạn xua tan sự mê muội của thiếu hiểu biết. Như ngôn sứ Hosea28 đã từng đưa ra lời tiên tri và cảnh báo những con dân của mình: “Dân của tôi bị hủy hoại bởi thiếu kiến thức.” Chối bỏ vai trò của trí tuệ, không chịu học hỏi cập nhật tri thức chính là bạn đã tự cắt bỏ một con đường quan trọng và cần thiết để đi đến trí tuệ. Nó chẳng khác nào bạn từ bỏ việc rèn luyện lí trí, từ bỏ việc làm người.
28 Ngôn sứ Hosea sống vào thế kỉ thứ VIII TCN, là người đầu tiên dùng ngôn ngữ hôn nhân để miêu tả tình yêu của Chúa đối với dân Israel và loài người. Hôn nhân của chính ông là một biểu tượng cho hôn nhân của Thiên Chúa với dân Israel.
Mọi kế hoạch cuộc sống chỉ đúng đắn và hoàn chỉnh khi bạn dành thời gian cho việc nuôi dưỡng tâm trí. Hãy nhớ rằng, mục tiêu của tự trui rèn bản thân là sự phát triển hài hòa cả Thân - Tâm - Trí. Toàn bộ chương này sẽ giúp bạn tìm ra con đường đi tới ánh sáng của trí tuệ. Bạn cũng sẽ được chứng kiến những mặt tối của tâm trí. Chỉ khi nhìn ra những mặt tối đấy, bạn mới có thể tìm ra cách vượt qua những cạm bẫy của nó để đi tới chân trí tuệ.
ÁNH SÁNG TRÍ TUỆ: VẺ ĐẸP CỦA LÍ TRÍ THUẦN KHIẾT
Đi tới trí tuệ đích thực là một con đường rất gian nan, nhưng rất xứng đáng, như Addison29 từng nói: “Một con người chưa qua rèn giũa cũng như đá cẩm thạch trong mỏ đá. Bạn không thể thấy vẻ đẹp tuyệt mĩ của nó, cho đến khi tài nghệ của người thợ mài ngọc làm nó nổi lên những sắc màu rực rỡ, làm nó bóng sáng và tỏa rạng những hoa văn tinh tế. Tự trui rèn cũng giống như thế. Qua con đường rèn luyện và tự rèn luyện này, những phẩm chất và sự hoàn hảo tiềm ẩn nơi bạn sẽ được bộc lộ và phát huy.”
29 Joseph Addison (1672 - 1719): Nhà thơ, nhà viết kịch và chính trị gia người Anh. Ông là con trai cả của Tổng giảm mục Lancelot Addison. Lối văn phong đơn giản của ông đã đánh dấu cho sự kết thúc của văn chương cổ điển thế kỉ XVII.
Theo dòng lịch sử qua hàng triệu năm, sự tiến hóa của thân thể đã thông minh đến mức trí tuệ bình thường của con người không thể vượt qua. Nếu muốn chiến thắng những đặc tính hung hãn ẩn giấu và những dục vọng sâu thẳm của thân, trí tuệ của chúng ta buộc phải rèn luyện để trở nên thấu suốt về thân mình và đạt đến một lí trí thuần khiết, minh bạch. Tôi vẫn luôn kiên định ý tưởng rằng, rèn luyện thể chất là nền tảng cho một bước phát triển cao hơn: phát triển trí tuệ.
Về cơ bản, nền văn minh đã “nuông chiều” con người đến mức họ tự rơi vào những cạm bẫy trong đời sống chạy theo vật chất của mình mà không hề hay biết. Chúng ta dần đánh mất khả năng suy xét về tổng thể, năng lực suy nghĩ nghiêm túc về bất cứ điều gì. Có thể nền giáo dục hiện đại cung cấp cho bạn vô số tri thức và rất nhiều thuyết lí để đưa bạn trở thành một phần của bộ máy xã hội. Nhưng tất cả những điều ấy không hẳn đã cho bạn một lí trí vững mạnh, sáng suốt. Tôi vẫn nói, tự trui rèn là nhiệm vụ của bạn, là việc bạn cần làm vì lợi ích của chính bạn. Bạn đã được ban tặng cho một gia tài quý giá, đấy là trí tuệ. Không có lí gì, bạn lại bỏ quên gia tài đấy cho nó rỉ sét theo năm tháng. Nếu bạn cố tình khước từ những cơ hội và chấm dứt con đường tự trui rèn của mình, nghĩa là bạn đang tự làm mình trở nên bạc nhược, vô minh. Tôi nghĩ sẽ rất tuyệt vời khi bạn có thể bước vào thế giới của những tri thức vĩ đại, trở thành một bậc thầy thông tuệ và cảm nhận được sức mạnh của vũ trụ bao la. Hãy gom góp lấy vẻ đẹp trí tuệ, bạn có thể cứu vớt chính mình khỏi sự hèn kém và bé mọn của cuộc sống thường nhật.
Hãy không ngừng tự rèn giũa trên những cánh đồng màu mỡ của cuộc sống, từ việc học cách gieo mầm, cách chăm sóc của một con người đang kiến tạo nên cuộc sống của chính mình. Thông qua quá trình rèn luyện lâu dài, cùng với lí trí, rất nhiều phẩm chất khác của bạn sẽ được phát huy, chẳng hạn như sự tập trung, tính ngăn nắp, tính kỉ luật và sự cần mẫn. Cuối cùng bạn hãy nhớ: Lí trí là đỉnh cao của trí tuệ. “Ánh sáng thuần khiết của lí trí”, như Bacon nói, không bao giờ vụt tắt như tia lửa từ đá lửa và thép. Lí trí được tinh chế và siêu tinh chế, truyền qua những môi trường khắc nghiệt hơn, cho đến khi nó trở nên sắc bén, thuần khiết và vô tư, sẵn sàng để khám phá thế giới. Ngay cả năng lực cảm thụ cái đẹp và cái chân thực trong văn học nghệ thuật, cũng như trong cuộc sống đều là thành quả rõ ràng của việc tu dưỡng trí tuệ, làm thành những phẩm chất vô song, và cuối cùng gần như trở thành bản năng tốt đẹp trong mỗi con người.
NIỀM VUI TRONG NHỮNG MỆT NHỌC CỦA TRÍ ÓC
Giờ đây, bạn có thể tự tạo động lực để “tập thể dục” cho trí óc của mình. Đầu tiên, bạn phải vượt qua sự uể oải và cơn ngại khó của bản thân. Có một điều bạn cần hiểu rõ: Qua quá trình tiến hóa, thân thể đã trở nên tối ưu nhưng nó cũng trở nên lười hơn. Đời sống đô thị đã chia lìa thân thể khỏi tự nhiên – cội nguồn sự sống của nó. Những tòa nhà cũng chia cách con người khỏi lao động chân tay. Chưa bao giờ con người ít phải vận động chân tay như bây giờ. Thế nên, để vượt qua sự biếng lười của thân thể, bạn cần một đối lực vô cùng mạnh mẽ, vì đấy là một trở ngại cực lớn.
Tâm lí học đã chỉ ra, để chiến thắng một thói quen, bạn buộc phải thay thế bằng những thói quen khác, bằng sự cải sửa hành vi và tập tính. Cải sửa hành vi – đấy là điểm quan trọng nhất của tâm lí học hiện đại. Con đường rèn luyện trí tuệ cũng vậy. Bạn phải vượt qua chướng ngại lười biếng của thân bằng cách tạo ra một thói quen mới cho nó. Đấy là cách bạn gửi những tín hiệu đến thân để nó biết rằng, nó phải thay đổi và sống chăm chỉ, nếu không sự sống của thân cũng rã ra cùng với sự trì trệ của tâm trí.
Để chiến thắng sự trì trệ và lười biếng này không phải ngày một ngày hai. Quá trình mài giũa tâm trí đòi hỏi bạn phải kiên trì và tạo ra một kỉ luật sắt đá. Ban đầu, thân thể của bạn sẽ rất chống đối, nó tỏ ra đau mệt, ốm yếu và không ngừng kêu than. Bởi vậy, bạn phải rất nhẫn nại với nó và với chính mình. Có lẽ phẩm chất đầu tiên của trí tuệ – sự kiên định, sự bền bỉ được viên thành trong chính quá trình bạn tự chiến thắng những phần dục vọng, những phần tham muốn của thân mình.
Và bạn sẽ thấy, kỉ luật này mang lại niềm vui cho những mệt nhọc của trí óc, cho giọt mồ hôi lăn trên trán, và mang lại sự an định, thanh thản cho trái tim vốn nhiều âu lo của bạn. Bạn sẽ cảm nhận được, rất rõ ràng và mạnh mẽ bên trong mình, sức mạnh của kiên trì và kỉ luật càng lớn lao, thì niềm vui trí tuệ của bạn sẽ càng thuần khiết. Khi ấy, bạn sẽ được lôi cuốn vào vẻ đẹp của những điều cao quý hơn. Niềm vui của tâm trí chắc chắn sẽ sâu sắc và lâu dài, hơn thảy những thú vui vật chất tầm thường.
Rất nhanh thôi, bạn sẽ hiểu ra một điều: Những người trẻ không quan tâm đến mài giũa trí tuệ, sống buông mình theo dục vọng và lười biếng, hoặc bỏ đời mình chảy trôi theo những tâm cảm vụn vặt, thì chính là người ấy đang chuẩn bị cho một tuổi già bất hạnh. Và không chỉ tuổi già đâu, ngay trong những tháng ngày còn tươi trẻ, bạn sẽ bắt gặp những điều khốn khổ vô cùng. Thế nên, muốn có niềm vui trọn vẹn, bạn hãy nỗ lực ngay từ bây giờ. Một vận động viên trước khi được đeo trên mình tấm huy chương lấp lánh đã phải trải qua những ngày luyện tập vất vả, và trên đường đua anh ta đã phải nỗ lực hết mình để bứt phá những giới hạn của bản thân. Chiến thắng, xét cho cùng, đấy là nụ cười tỏa rạng hòa lẫn những giọt mồ hôi lấp lánh. Cũng vậy, để có niềm vui của một người mang trí tuệ thông thái, bạn phải “vượt lên những khát khao tham đòi và sống những ngày tháng lao động miệt mài”, như cổ nhân đã nói.
Cuối cùng, sự rèn luyện Thân - Tâm - Trí sẽ mang lại cho bạn phần thưởng trong chính bạn. Đấy là những phẩm chất bạn tự viên thành. Đấy là kho báu vô giá chỉ của riêng bạn. Thành quả của một quá trình nỗ lực thực sự học cách tư duy, học cách nhìn nhận rộng mở về mọi thứ luôn là một trí tuệ rất khác. Khi bạn lắng nghe một điều gì, quan sát một điều gì, trí tuệ đã qua mài giũa của bạn sẽ ngay lập tức nhận ra những sự thật trong đó. Bạn sẽ không còn mê mờ, bất minh như đi trong một màn sương mù. Đây không phải là một cái gì đó xa vời, nó là sự thật. Bạn sẽ thấy ý nghĩa của cuộc sống khi tin vào thành quả của rèn giũa trí tuệ bằng một kỉ luật sắt đá.
Lấy rất ví dụ rất đơn giản trong các truyền thống tôn giáo cổ. Để có thể sống với đức tin của mình, cống hiến trọn vẹn cho những sứ mệnh thiêng liêng, thì việc mỗi người tu đạo rèn giũa trí tuệ là đòi hỏi bắt buộc. Niềm tin đích thực trong mọi tôn giáo không cổ vũ cho sự mù quáng, vô minh, nó luôn đòi hỏi một lí trí sáng suốt, mạnh mẽ và nhất là vô tư. Các phương pháp làm sâu sắc thêm đức tin như cầu nguyện, khen ngợi hay thiền định đều cần đến một tâm trí lành mạnh để điều hướng. Hãy nhớ, nếu thiếu đi trí tuệ đích thực đấy, thì mọi sức mạnh đều thành trở lực và niềm tin bị hủy hoại.
Bằng trí tuệ sáng suốt và mạnh mẽ, Thánh Paul từng nói: “Nếu tôi cầu nguyện bằng một ngôn ngữ tôi không biết, linh hồn tôi sẽ cầu nguyện, nhưng tôi sẽ không thể thấu hiểu điều gì. Vậy thì sao? Tôi sẽ cầu nguyện bằng cả linh hồn và tôi cũng sẽ cầu nguyện bằng sự hiểu biết: Tôi hát với tâm hồn và tôi cũng hát bằng sự hiểu biết tôi có.”
Cuối cùng, tôi hiểu, và bạn phải thừa nhận một điểm yếu trong tâm trí của mình: Bạn thực sự không có nhiều hứng thú và sẽ rất mệt mỏi với thói quen suy nghĩ liên tục. Khi bạn dành thời gian để suy nghĩ, nó thường kết thúc trong sự trống rỗng và vô định. Tâm trí của bạn thường mơ hồ và vô định, giống như một con ngựa đi lạc mà không hay biết. Bạn thường rơi vào dòng suy nghĩ vô mục đích và đứt đoạn, không có sự phát triển, đặc biệt là không đi đến đâu cả. Tuy nhiên, sau một thời gian mài giũa tâm trí, bạn sẽ nhận thấy một kết quả rất rõ ràng:
• Năng lực tập trung của bạn được nâng cao;
• Sức bền trong tâm trí, và cả thân thể của bạn được duy trì;
• Bạn bắt đầu có khả năng suy nghĩ sâu hơn về mọi vấn đề;
• Bạn có năng lực để nhìn xuyên qua những sự kiện bề mặt, thấu rõ hơn bản chất của con người và sự đời;
• Cuối cùng, là có thể nhìn thấu chính mình và chiến thắng sự thông minh đầy hiếu thắng và hung hãn của thân, vượt lên những tâm cảm yếu đuối của con tim, bạn trở nên sắc bén và mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Khi ấy, bạn sẽ tỏa sáng cùng với ánh sáng trí tuệ đích thực của mình: Ánh sáng của sự vô tư và thấu suốt.
GIẢI THOÁT TÂM TRÍ KHỎI RÀNG BUỘC VẬT CHẤT
Như tôi đã nhấn mạnh với bạn ở trên, một trong những đặc tính quan trọng nhất của trí tuệ đích thực, đấy là sự vô tư. Nhưng cuộc phân li khỏi thế giới tự nhiên đã khiến con người ngày càng tham cầu chiếm hữu và sa đắm vào chính thế giới vật chất do mình tạo nên. Thân thể con người từ chỗ kết nối và hài hòa với tự nhiên, nay trở nên lệ thuộc hơn vào thế giới vật chất do chính nó làm ra. Theo đó, trí tuệ của con người thay vì mở ra vô tận thì ngày càng trở nên hạn hẹp. Tất cả những tri thức mà con người thu vén cho mình, rốt cục là để không ngừng sở hữu nhiều và nhiều hơn nữa. Họ đâu biết rằng, càng sở hữu nhiều thì cái mà họ thực sự có càng ít đi. Càng lo vun vén cho mình thì trí tuệ của họ càng hạn hẹp.
Sức mạnh thật sự của trí tuệ nằm ở: Từ chỗ thấu suốt bản thân mình để đi đến thấu suốt thế giới; khám phá những bí mật và sự vô biên của vũ trụ, sau cùng để biến bản thân mình trở thành một phần trong cái lớn lao vô tận ấy. Thế nên, điều tôi muốn nói với bạn là, chúng ta rèn luyện trí tuệ, mài giũa lí trí, thâu nhận tri thức không phải để biến nó thành của mình, mà dùng nó để tạo nên những giá trị lớn lao hơn, hòa đồng vào cái lớn lao của sự sống. Vì vậy, trong quá trình rèn tâm luyện trí có hai điều bạn phải không ngừng cảnh tỉnh bản thân.
Thứ nhất, bạn hãy không ngừng vượt lên sự ích kỉ của bản thân, vượt tham muốn sở hữu nhỏ bé. Tri thức là vô cùng rộng lớn. Và nó chỉ thực sự rộng lớn khi bạn có thể hòa mình vào nó, thay vì cố gắng nhặt lấy từng mảnh vụn của nó để cất vào trong chiếc túi nhỏ bé của mình. Hãy đối xử với tri thức bằng tâm thái khám phá, mở rộng, bằng một sự vô tư và không ngừng học hỏi. Tri thức ấy chỉ trở nên hữu ích với bạn khi bạn chia sẻ nó, dùng nó để đưa ra những phán đoán chính xác, để quan sát đời sống này một cách bén nhạy hơn và trở thành một đòn bẩy để xoay chuyển, để biến những điều xấu ác thành những điều tốt đẹp.
Thứ hai, bạn đừng sợ hãi cũng đừng khoe khoang. Dù sợ hãi sự mênh mông của thế giới tri thức mà không dám bước vào, hay phô trương một chút những gì mình cóp nhặt được từ đó, đều chỉ là cùng một thái độ, đấy là sự tự ti của bạn, sự sợ hãi của bạn, là những dục vọng bất thành của bạn. Tri thức hữu dụng theo cách của nó. Nó không làm gia tăng lợi ích hay niềm vui theo lối hiểu thông thường của bạn, tức là nó không phải đem lại cho bạn nhiều của cải vật chất hơn, cũng không phải đem lại một chút thỏa mãn cảm xúc. Dầu vậy, lợi ích thiết thực của nó, bạn hoàn toàn có thể nhìn thấy. Thay vì phải sợ hãi những gì thế giới này trưng ra cho bạn thấy, thay vì đem lại cho bạn chút huênh hoang, kiêu ngạo đáng buồn cười, thì việc thâu nhận tri thức và rèn giũa trí tuệ thực sự ít nhất sẽ bảo vệ bạn trước những đe dọa của đời sống, cởi trói cho bạn khỏi những ràng buộc khủng khiếp vào thế giới vật chất. Bạn sẽ không còn phải cúi mình trước những kẻ giàu có huênh hoang, hay thầm cười nhạo trong lòng một kẻ ngu ngốc nào đấy. Chỉ đơn giản là bạn biết cách vận hành của thế giới này, bạn thấu rõ nhân tâm, bạn nhìn tỏ lòng người. Đấy là ánh sáng đáng để bạn theo đuổi, là con đường đáng để bạn đổ mồ hôi công sức mà đi.
Thứ ba, đừng bao giờ dừng lại. Bất cứ khi nào bạn cảm giác thỏa mãn với những tri thức mình đang có, bạn sẽ rơi vào hai cái bẫy trên. Hãy luôn tạo ra những chuẩn mực mới và cao hơn trên con đường tiệm cận chân lí. Hãy không ngừng mở rộng trái tim, phóng xa tầm mắt để có một cái nhìn toàn thể hơn, sâu sắc hơn. Bạn không thể giải quyết triệt để những vấn đề đời sống bằng định kiến nhỏ hẹp của mình. Chỉ khi không ngừng vượt lên những giới hạn của bản thân, bạn mới thực sự tìm thấy vị trí của mình trong cộng đồng, bạn mới thấy mình trong một toàn thể lớn lao hơn. Đừng bao giờ biến mình trở thành công cụ của lòng tham, của dục vọng và định kiến.
Sau tất cả, tôi có thể nhấn mạnh giá trị của việc theo đuổi trí tuệ. Nếu bạn muốn làm chủ thân thể, bạn phải thông minh hơn nó – như tôi đã nhấn mạnh rất nhiều lần ở các phần trước. Hãy thực sự lưu tâm đến việc rèn giũa trí tuệ này. Không phải một lúc mà bạn có thể hoàn toàn thoát khỏi giới hạn của mình, khỏi sự bất an của trái tim và tình trạng điên cuồng của một thân thể đã thoát li tự nhiên quá lâu. Nhưng tôi tin, bạn sẽ biết cách tránh xa những xâm nhiễm hay kích động từ môi trường sống độc hại, và kiểm soát những đam mê tội lỗi của mình bằng chính con đường rèn giũa trí tuệ này. Dẫu gian nan, bạn nhất định sẽ tìm thấy ánh sáng.
BÓNG ĐÊM TÂM TRÍ: VƯỢT QUA SỰ ÍCH KỈ VÀ THAM LAM
Chúng ta đã cùng nhau nói rất nhiều những điều đẹp đẽ về trí tuệ. Nhưng như bạn cũng biết, khi phải lìa xa đời sống bản nguyên, dù là thân thể, trí tuệ hay trái tim cũng bị xâm nhiễm bởi chính thế giới vật chất do chính con người tạo nên. Nó kéo thân thể từ một trạng thái cân bằng sang trạng thái sai lệch; làm cho trí tuệ từ chỗ vô tư thành ra hạn hẹp, ích kỉ; làm cho trái tim từ chỗ an định, chân thành thành bất ổn, sợ hãi. Khi linh hồn bạn bị bao vây bởi đời sống đô thị đầy áp lực, bạn khó lòng bảo vệ sự thuần khiết của mình. Nhưng con đường để trở về với chân tâm và thiện tính, với trí tuệ đích thực luôn luôn ở trước mắt bạn, những cơ hội luôn ở ngay bên bạn. Nó bắt đầu với việc bạn nhìn ra bóng đêm nơi tâm trí mình. Từ việc bạn đấu tranh với từng xung đột trong nội tâm, từng cám dỗ bên ngoài. Tôi không đưa ra một điều lí tưởng rằng, bạn phải tiêu trừ hoàn toàn những ích kỉ và tham lam trong mình. Nhưng tôi tin bằng lí tưởng hướng đến những điều cao thượng và thánh khiết, bạn có thể kiên trì trong cuộc đấu tranh với bóng tối, từng ngày từng ngày, mỗi chút mỗi chút, vượt lên sự ích kỉ và tham lam đấy.
Như ngày và đêm, không có ánh sáng nào mà lại không tồn tại bóng tối. Nhưng chỉ cần đi qua bóng tối, bạn sẽ thấy ánh sáng.
Để thấy, tôi không hề nói với bạn một điều viễn tưởng, phi thực. Đấy là điều mà bạn, tôi, những người bình thường chúng ta hoàn toàn có thể làm được.
Người Do Thái có câu: “Không phải con chuột mà lỗ hổng mới là kẻ trộm.” Điều đó có nghĩa là gì? Khi bạn rơi vào trạng thái bất toàn bất mãn, thì trước tiên bạn phải thấy đấy không phải là lỗi ở ngoại cảnh, cũng không phải bởi bạn không đạt được những gì mình muốn. Tất cả nằm ở lỗ hổng trong tâm trí bạn. Bởi có lỗ hổng đấy, bởi sự yếu nhược đấy của bạn nên những thứ ngoại lai xấu ác mới có cơ hội xâm nhập vào tâm trí bạn. Đừng mong đợi được ai đấy hay thứ gì đấy cứu thoát bạn khỏi những khao khát tham đòi tầm thường, nếu chính bạn không có mong muốn vượt qua bóng đêm trong mình, vượt lên những điều xấu ác trong tâm trí mình và nguyện sống một đời sống trí tuệ hơn.
Hugh Miller30, trong cuốn sách My School and Schoolmasters (Tạm dịch: Trường học và thầy Hiệu trưởng của tôi) có kể câu chuyện rằng: Có một thời ông đi làm thợ xây. Người thợ xây được thiết đãi trong các dịp đặc biệt. Mỗi khi xây xong móng cho một ngôi nhà lớn, ông đều được họ mời rượu whisky. Bữa tiệc tàn dần. Ông trở về nhà với những cuốn sách của mình. Ngày tháng dần trôi, ông vẫn mở những trang sách của tác giả mà mình yêu thích, nhưng đọc rồi không hiểu gì. Những con chữ đang nhảy múa trước mắt ông. Đến một ngày, ông nhận ra mình phải thay đổi, quá trình ấy quả thực không dễ dàng. “Tuyển tập trong tay tôi – một phiên bản tóm tắt Tiểu luận của Bacon, bị sờn các góc do cọ sát với chiếc túi đựng. Với Bacon, tôi đã từng chưa bao giờ mệt mỏi. Vậy mà giờ đây, tôi lại tự đưa mình vào một tình trạng thoái biến, các giá trị trong đời sống của tôi không còn nguyên vẹn nữa. Tôi tự đánh chìm mình xuống những cảnh giới trí tuệ thấp kém, nó không xứng đáng với những đặc ân mà tôi được ban cho. Tôi không thể tập trung. Và giờ phút đó, tôi quyết định tôi sẽ không bao giờ hi sinh cơ hội tận hưởng niềm vui trí tuệ của mình bằng vài bữa tiệc rượu nhỏ mọn nữa. Ơn Chúa, tôi đã có thể giữ vững quyết tâm này.”
30 Hugh Miller (1802 - 1856) là nhà địa chất và nhà văn người Scotland, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian và truyền giao của phái Kitô hữu.
Cuối cùng, bạn cũng đã thấy, niềm đam mê theo đuổi trí tuệ đã chiến thắng. Trong cuộc đời bạn, hẳn những trải nghiệm như thế, những khoảnh khắc đáng giá như thế luôn luôn xuất hiện. Hãy trân trọng và nắm lấy những cơ hội thay đổi có một không hai đấy, vào khoảnh khắc mà bạn thức tỉnh khỏi cơn mê của đời sống.
Những công cụ sẽ được trao vào tay bạn ngay sau đây, trong những chương tiếp theo. Bạn sẽ nắm được những phương thức tự rèn luyện thực tiễn giúp bạn nâng cao trí tuệ. Kế hoạch rèn luyện Thân - Tâm - Trí, như tôi nói, là một kế hoạch dài hơi, bạn đừng nóng vội. Hãy lưu ý mặt tối và giới hạn của tâm trí. Hãy thừa nhận, thay vì bỏ qua và phủ lấp những thiếu sót của nó. Chỉ khi bạn thừa nhận sự tồn tại của nó, bạn mới có mong muốn vượt lên nó, và có thể thực sự vượt lên nó.
VƯỢT QUA BÓNG ĐÊM (1): SỰ ÍCH KỈ CỦA TÂM TRÍ
Như bạn biết đấy, trí tuệ có thể giúp trái tim trở nên cứng mạnh. Trí tuệ, vì thế, cần một sự vô tư và lí tưởng cao hơn chính nó để giúp nó hướng thượng và vượt lên những khiếm khuyết của mình. Không có nhiều con đường cho trí tuệ như bạn tưởng: Hoặc nó giúp ích cho lương tâm và trái tim, nâng đỡ linh hồn lên những tầng cao đẹp đẽ; hoặc là nó sẽ biến chất trở thành nô lệ cho thế giới vật chất. Thông qua trí tuệ để mưu cầu vật chất hay những khoái lạc nhỏ nhoi sẽ không thể cứu cuộc sống của bạn khỏi sự vô nghĩa, trống rỗng. Chỉ khi bằng con đường của trí tuệ, bạn tiệm cận đến chân lí tối hậu của đời sống, đi đến cái vô biên của sự sống, khi đó trí tuệ mới trở nên có ý nghĩa và mang đúng giá trị nó nên có.
John Stuart Mill31 – nhà triết học kinh tế chính trị nổi tiếng người Anh – đã sống một đời sống theo đuổi trí tuệ từ khi còn nhỏ. Hơn ai hết, ông hiểu rõ sức mạnh của tri thức. Nhưng cũng chính ông nhiều lúc lại cảm thấy nó thật vô ích: “Giả sử bạn nhận ra tất cả các mục tiêu trong cuộc sống của mình đã hoàn thành, tất cả những thể chế và định kiến đã thay đổi như bạn muốn. Ngay lúc này, nó sẽ mang đến cho bạn niềm vui và hạnh phúc lớn lao chứ? Lương tâm của tôi trực tiếp trả lời, không thể nào cưỡng lại: Không. Lúc này, trái tim tôi đang thất vọng. Cuộc sống của tôi đã đến ngày tàn.” Để thấy rằng, dù có tri thức, học hỏi, và khát vọng của trí tuệ thấu biết, con người vẫn luôn cảm thấy sự nghèo nàn và vô nghĩa khi chưa đạt đến những điều lớn lao hơn trong cuộc sống, khi họ chưa thực sự thấu biết lẽ nhân sinh, khi mọi sự thay đổi chỉ là giả tạo ở bên ngoài. Có thể, tâm trí bạn được tôi luyện đến mức nhạy bén, mang vẻ lấp lánh sắc lạnh, nhưng con đường đến với những điều cao thượng hơn còn cần nhiều điều hơn thế. Hãy nhớ, mục tiêu của việc tự trui rèn là đạt đến sự hài hòa Thân - Tâm - Trí, đôi khi rất đơn giản là bạn tự thấy an yên nơi chính mình.
31 John Stuart Mill (1806 - 1873): Nhà triết học, kinh tế chính trị người Anh. Là một trong những nhà tư tưởng gây ảnh hưởng nhất lịch sử chủ nghĩa tự do, ông có những đóng góp cho lí thuyết xã hội và kinh tế chính trị. Tư tưởng của Mill về tự do bảo vệ cho quyền tự do cá nhân đối lập với mô hình nhà nước vô hạn và kiểm soát xã hội.
Trong đời sống cá nhân, chỉ cần bạn lơ là một chút việc bồi dưỡng trí tuệ, thì đấy là cơ hội để sự ích kỉ trồi lên. Nếu để sự ích kỉ này lớn mãi lên, nó sẽ phá vỡ mọi năng lực trí tuệ bạn đã dày công vun đắp. Sự ích kỉ có thể làm mài mòn bất kì tài năng nào. Khi bạn sử dụng trí tuệ hòng trục lợi cho riêng mình, nó sẽ dần mất đi sự tươi sáng và sắc sảo.
Chẳng hạn, ví dụ rất dễ thấy, khi bạn ngưng công việc của mình lại, để tự ngưỡng mộ bản thân và ngợi ca sự khéo léo của mình, công việc của bạn sẽ bị ảnh hưởng ngay lập tức, tinh thần cống hiến của bạn sẽ giảm đi rất nhiều. Cũng vậy, việc bạn ca thán hay oán trách vì trí tuệ của mình không được trả công xứng đáng, thì ngay khi đấy, những cám dỗ vật chất sẽ xâm chiếm tâm trí bạn. Bất cứ lúc nào, bạn cũng có thể bị những tính toán hạn hẹp che mờ tầm mắt, bị những đố kị nhỏ nhen trói buộc, xiềng xích. Nếu rơi vào vòng luẩn quẩn đấy, thì bất cứ lí trí sắc bén nào cũng trở nên cùn mòn, bất cứ trí tuệ nào cũng dễ dàng bị thui chột.
Cạm bẫy của tâm trí thì rất nhiều, bóng đêm tâm trí thì mênh mông, thật khó để bạn nhìn thấu, nhưng tôi mong bạn thật sự lưu tâm những điểm mà tôi sẽ nói dưới đây.
Đầu tiên, hãy cảnh giác trước sự kích động từ bên ngoài và sự bảo thủ hạn hẹp nơi chính mình. Một trí tuệ rộng lớn và sâu sắc thì mang đặc tính bao dung. Nó dung hòa và chấp nhận sự tồn tại của những chiều kích, những mặt đối lập của những thứ khác nhau. Bạn đừng nhầm lẫn điều này với sự khoan dung giả dối, cũng đừng viện cớ để xóa nhòa mọi ranh giới đạo lí. Tục ngữ có câu: “Tất cả những con mèo đều có màu xám trong bóng tối.” Câu nói này có vẻ rất mai mỉa. Những kẻ lẫn lộn giữa xấu và tốt, giữa cao và thấp, giữa trên và dưới có thể đắc ý mượn điều đấy để bao biện cho sự bất minh của mình. Họ cho rằng đấy chính là bao dung, là linh hoạt. Nhưng trí tuệ đích thực thì không phải như vậy. Sự bao dung của một trí tuệ thấu suốt, đấy là bao dung của thấu hiểu, vì thấu hiểu nên phân định rõ ràng trên - dưới, phải - trái, trước - sau, xấu - tốt. Có điều sẽ không bài trừ nó, mà từ sự thấu suốt để tìm cách chuyển hóa nó. Sự bao dung đích thật của trí tuệ luôn có sự phân minh rõ ràng, giống như ánh sáng là ánh sáng, không bao giờ có thể lẫn với bóng tối. Nếu bạn chấp nhận bất lực trước sự vô minh và thiếu quyết đoán trong các tiêu chuẩn của đời sống và phẩm hạnh, thì bạn khó có thể viên thành phẩm chất trí tuệ. Bạn cũng khó lòng tự tại trước sự trần trụi của toàn bộ đời sống này. Mà không tự tại, thì cũng khó lòng để bạn thay đổi một điều gì.
Điểm thứ hai của trí tuệ đích thực, đấy là nó phải vượt qua sự ích kỉ cá nhân để cống hiến cho những lí tưởng lớn lao hơn. Đấy là trí tuệ của vô ngã, của một cái ngã đã vượt qua giới hạn của ham muốn thể xác, để hòa vào cái đại ngã của sự sống. Không thể phủ nhận, trong mỗi con người luôn có hai tiếng nói đối nghịch: Một bên luôn đòi hỏi cho bản thân, hài lòng trong những giới hạn nhỏ bé. Còn một bên kia luôn mong cầu sự dâng hiến, bởi nó biết, bằng sự dâng hiến, nó trở thành lớn lao hơn, mang giá trị lớn lao hơn như chính điều mà nó dâng hiến. Thường trực bạn sẽ thấy, hai luồng lực này xung đột mạnh mẽ trong mình. Chúng xung đột tưởng như không cách nào hòa giải. Nhưng đi đến tận cùng của xung đột, trí tuệ của bạn sẽ bừng sáng, và bạn sẽ thấu rõ, rằng không nhất thiết phải phủ nhận một trong hai. Điều bạn cần làm là chuyển hóa cái nhỏ bé thành cái lớn lao, ích kỉ thành cống hiến, hữu hạn thành vô biên, thông qua quá trình tự trui rèn.
Con đường để vươn tới sự sống đích thật giống như bạn đi qua một khe cửa hẹp, đi trên một bờ vực chênh vênh, hiểm trở. Bạn có thể ngã xuống bất cứ lúc nào, nhưng bằng sự dâng hiến, bạn sẽ được cứu rỗi khỏi những nỗi khổ đau của đời sống thường nhật, khỏi những áp lực đời sống thường xuyên bóp nghẹt bạn.
VƯỢT QUA BÓNG ĐÊM (2): TÍNH THAM LAM CỦA TÂM TRÍ
Có một nguyên lí bạn cần ghi nhớ: Bạn gieo mầm ở đâu, bạn gặt hái ở đấy. Bạn gieo xuống cái gì, bạn gặt về cái đấy. Không thể khác. Tuy tôi không cổ vũ tất cả mọi người trở thành vận động viên, nhưng có một tinh thần ở họ tôi rất thích. Đấy là, để luôn duy trì được trạng thái và phong độ tốt nhất, bền vững nhất, bản thân các vận động viên phải vượt qua rất nhiều thói quen và tâm thái của bản thân. Chẳng hạn, họ phải từ chối rất nhiều loại ham muốn. Họ phải đưa mình vào chế độ ăn uống, luyện tập và ngủ nghỉ vô cùng khắt khe. Họ phải rèn luyện sự tự chủ, tiết chế trong mọi việc. Kiểm soát thân thể vì mục tiêu rèn luyện trở thành một phẩm chất không thể thiếu. Tôi cho rằng, đấy cũng là một loại trí tuệ.
Tôi lấy ví dụ rất đơn giản về các vận động viên để bạn thấy rõ ba cái bẫy trong sự tham làm của tâm trí mà bạn rất dễ rơi vào trên con đường rèn luyện trí tuệ.
Cái bẫy thứ nhất, đấy là sự ngụy biện, sự đánh đồng mọi thứ. Khi tâm trí trở nên tham lam, mưu cầu nhiều thứ nó sẽ có lí lẽ để tự đánh lừa mình. Nhưng tất cả lí lẽ của nó chỉ là cơn điên cuồng của lòng tham. Trong đời sống, ai mà không phải đứng trước các lựa chọn, giống như một vận động viên luôn phải lựa chọn giữa thỏa mãn thân hay không thỏa mãn thân, thoải mái ngủ nghỉ hay chăm chỉ tập luyện... Dù anh ta lựa chọn cái nào, anh ta cũng phải có lí lẽ để bao biện cho nó. Anh ta có thể lười biếng vì thỏa mãn cái thân. Anh ta có thể chăm chỉ vì khát khao được thành công. Anh ta có thể điên cuồng tập luyện vì nỗi sợ hãi thất bại. Nhưng chỉ khi anh ta vượt lên những tâm cảm đấy, sự thỏa mãn, lòng háo danh, nỗi sợ hãi, anh ta mới có thể dùng đến trí tuệ đích thực để đi xa hơn, hơn việc là chiến thắng một ai đấy, có một món tiền thưởng nào đấy. Trí tuệ đấy sẽ giúp anh ta trước hết là chiến thắng chính mình.
Romanes32 – một nhà sinh học tiến hóa và tâm lí học người Canada – từng nói về chứng nghi tâm đã kìm giữ ông trong suốt một phần tư đời người. Ông đã quá quen với việc phán xét tất cả mọi thứ bằng định kiến của mình như một thẩm phán duy nhất. Đến nỗi dường như ông bị nó đánh lừa, không phân biệt nổi đúng sai nữa. Ông bám quá chặt vào những định kiến và lí lẽ của bản thân. Ông gạt bỏ ngay cả những mong muốn chân thành nhất. Ông sợ hãi những khát khao bên trong mình đến mức không dám thực hiện một cuộc khám phá theo đức tin của mình. Ông biến nỗi sợ hãi phi lí này thành cái cớ để biện minh cho những gì ông thủ giữ. Dẫu bằng cách đó, ông đã chiến thắng những cám dỗ bên ngoài, nhưng lại thất bại trước sự bảo thủ và hạn hẹp của bản thân. Đấy là ranh giới rất mong manh giữa lí trí sáng suốt và sự bảo thủ, giữa đức tính kiên định của trí tuệ và sự ngụy biện của lòng tham.
32 George John Romanes (1848 - 1894) là nhà sinh vật học và nhà sinh lí học tiến hóa người Canada. Ông đặt nền tảng cho tâm lí học so sánh, đưa ra sự tương đồng về quá trình và cơ chế nhận thức giữa con người và các động vật khác.
Bởi vậy, khi đứng trước những sự lựa chọn mà đời sống đặt ra cho mình, bạn phải nhớ hai điều: Một là vượt qua những định kiến hiển nhiên của việc phải lựa chọn. Vì luôn có một điều gì đấy cao hơn tất thảy những dữ liệu mà đời sống đưa cho bạn. Hai là, vượt qua bẫy ngụy biện của tâm trí, để tìm ra câu trả lời thật sự.
Cái bẫy thứ hai khiến cho bạn không thể tiến đến chân trí đích thực, đấy là bóng tối của mong muốn sở hữu. Có những điều bạn không chỉ phải học cách lựa chọn, bạn còn phải học cách chấp nhận đánh đổi. Nếu bạn muốn những thứ tầm thường, bạn sẽ phải từ bỏ những điều lớn lao. Ngược lại, muốn nắm lấy những điều quý giá, bạn sẽ phải buông bỏ những thứ tầm thường, nhỏ bé. Nếu hạt mầm bạn gieo là vào những điều nhỏ bé, thứ bạn nhận lại cũng chỉ là những điều nhỏ bé đấy thôi. Nếu bạn muốn lấp đầy cuộc sống của mình bằng những thứ bạn có, bạn sẽ phải chịu lời nguyền của chính nó: Sống trong một “tâm trí bị đọa đầy” nơi địa ngục cuộc sống. Vượt qua tâm sở hữu này, bạn mới đạt được sự tự chủ trong tâm trí, bạn có cơ hội khám phá con đường xa dài của trí tuệ. Khi bạn xuôi theo dòng chảy của những quy luật tự nhiên, khi bạn thôi tham cầu sở hữu những thứ không thuộc về mình, đấy chính là khi bạn nắm bắt cuộc sống đích thực. Có những điều bạn phải tin, hoặc bạn sẽ không có gì cả, cả vật chất lẫn trí tuệ.
Đối với tri thức cũng thế. Có nhiều tri thức, tự nó không cứu được cuộc sống của bạn thoát khỏi thất bại. Sở hữu thêm nhiều tri thức nữa cũng không làm cho bạn sống hạnh phúc và trí tuệ hơn. Kẻ nào kiêu ngạo và huênh hoang vì tri thức, kẻ đấy rốt cùng chỉ sống với sự ngu ngốc của mình. Thế nên, bạn đừng tham lam nhét đầy tri thức vào trong mình, nó không ích gì cho bạn cả. Thay vào đó, hãy dùng tri thức một cách thật khôn ngoan. Hãy biến nó thành công cụ sắc bén trên con đường tu dưỡng thân tâm, trau dồi trí tuệ. Khi đó, điều bạn có được sẽ lớn lao hơn những tri thức đấy rất nhiều.
Cái bẫy thứ ba, đấy là sự vô lối và buông thả của lòng tham. Bạn phải nhớ, đưa tâm trí vào kỉ luật là cột trụ của con đường rèn giũa trí tuệ. Một tâm trí vô kỉ luật sẽ bướng bỉnh và thất thường. Một thân thể vô kỉ luật sẽ bị cám dỗ bởi những ham muốn không lành mạnh. Bạn không thể để tâm trí lầm lạc trong chính nó vì ham muốn của riêng nó. Nếu không được đưa vào kỉ luật, tâm trí sẽ ngày càng đi vào con đường hoại diệt, nếu không tìm đến cái ác thì nó cũng tự tàn hoại chính mình trong cạm bẫy của ngụy biện, tham cầu sở hữu và sự vô lối.
Tôi vẫn phải nhấn mạnh lại với bạn: Bạn sẽ không thấy hậu quả của việc bỏ bê rèn luyện trí tuệ ngay lập tức đâu. Nhưng theo từng ngày, bạn sẽ thấy, sự vô minh lớn dần trong mình. Đời sống của bạn sẽ sa vào vũng lầy không lối thoát, đôi khi rơi vào một vực thẳm khôn cùng.
Cuối cùng, dù bạn có thừa nhận hay không, luôn có một sự lớn lao đích thật trên tất cả. Đấy là ánh sáng dẫn lối bạn trên con đường trở thành con người toàn thiện – theo nghĩa đầy đủ nhất của từ này. Ánh sáng của sự dâng hiến sẽ giúp bạn thoát khỏi sự tham lam của tâm trí, giúp bạn cảm nhận những điều thiêng liêng của sự sống. Giống như quỷ Satan trong bài thơ nổi tiếng của Milton33 đã nói:
33 Nhân vật Quỷ Satan mang hình con Rắn trong cuốn sử thi bằng thơ không vần nổi tiếng Paradise Lost (Thiên đường đã mất) của John Milton (1608 - 1674).
Trí tuệ có nơi ở riêng nó, và chính nó
Có thể biến địa ngục thành thiên đường, cũng có thể biến thiên đường thành địa ngục.
Là thiên đàng hay là địa ngục, là trí tuệ hay là vô minh, chỉ trong một sự nguyện ý và đức tin của bạn. Chỉ khi đức tin và những điều tốt đẹp trở thành trụ cột cho đời sống của bạn, thì trí tuệ của bạn mới có thể ở đúng vị trí và phát huy đúng vai trò của nó. Ở chiều ngược lại, khi bạn chuyên tâm rèn giũa trí tuệ, tu dưỡng thân tâm thì bạn tự khắc đi đúng hướng, đấy là hướng đi đến một đời sống cao thượng. Và nguyện ý của bạn sẽ sẵn sàng dâng hiến những phẩm chất tốt đẹp của mình cho những điều cao quý.
Khi bạn nỗ lực và kiên trì quá trình tự trui rèn toàn diện, không ngừng kiểm soát những tham vọng của tâm trí, không ngừng từ bỏ những ham muốn trần tục và ích kỉ của thân xác, viên thành sự bao dung và sâu sắc nơi mình, nhất tâm hướng đến đức tin, thì sớm thôi, những nỗi đau của bạn sẽ tan đi, trái tim của bạn sẽ được chữa lành, và cái xấu, cái ác trong bạn sẽ tan biến trước ánh sáng của trí tuệ. Điều Chính - Đúng - Lớn thì luôn trường tồn. Một trí tuệ cao quý luôn có chỗ cho sự sáng tạo và dám nghĩ dám làm vì những mục tiêu cao cả. Chắc chắn đó là một con đường đầy thách thức, nhưng luôn ẩn giấu kho báu của tri thức và sự thấu biết.