Bạn không thể gấp gáp nếu muốn chăm sóc toàn diện cả thân thể và tâm trí. Hãy giữ vững và lan tỏa niềm tin rằng giữ gìn sức khỏe là điều quan trọng hơn hết thảy
- Herbert Spencer -
Sự phân li nơi con người vốn bắt đầu từ thân thể. Có điều bạn phải biết: Thân thể là cơ sở của sự sống. Bạn phải sẵn lòng vui vẻ rèn luyện thân thể đầy đủ, hiểu rõ vai trò to lớn của thân trong mọi vấn đề. Bỏ bê rèn luyện thân thể, các phần khác sẽ không còn ổn nữa. Bất cứ sự sai lệch, biến dạng nào của thân đều gây tổn thương và làm ảnh hưởng đến các chức năng khác. Như khi bạn bị cảm lạnh hay đau nhức, cảm xúc của bạn cũng dễ thất thường, đầu óc chẳng thể suy nghĩ thông suốt, đúng chứ.
Một thân thể khỏe mạnh và một tâm trí minh mẫn không thể nào là chuyện ngày một ngày hai mà có được. Bạn chẳng thể gấp gáp nếu muốn phát triển cân bằng và hài hòa cả Thân - Tâm - Trí. Ít nhất, bạn phải biết rõ vai trò và sức mạnh của thân thể, trước khi có thể tìm cho nó những bài tập luyện thích hợp. Đồng thời, có những sự thật và hiểu lầm bạn cần biết để quá trình rèn luyện thân thể của bạn không hoài công tốn sức. Giờ thì, tôi sẽ cho bạn biết về những điều bạn cần lưu tâm này.
SỨC KHỎE THÂN THỂ: NĂNG LƯỢNG CHO SỰ SỐNG
Người Hi Lạp từ xưa đã hiểu rõ vai trò của thân và biến việc rèn luyện thể chất thành một môn khoa học, một phần thiết yếu trong chương trình giáo dục của họ. Phòng tập thể dục là trung tâm của đời sống đô thị, nơi những chàng trai trẻ tìm đến. Các nhà triết học và giáo viên cũng thường lui tới đó, vì họ rất tự nhiên và dễ dàng tìm thấy những thính giả ở đấy. Ở thời của tôi, có ba phòng thể dục lớn nổi tiếng ở Athens, vì Plato12 và Aristotle13 từng dạy học ở đó. Thông qua sự phát triển, rèn luyện thân thể kĩ lưỡng, lí tưởng về vẻ đẹp, phẩm giá và sự cân đối hình thể vẫn là một trong những niềm tự hào to lớn của người Hi Lạp. Đôi khi, bạn có thể nghĩ rằng mình sùng bái thể thao thái quá rồi chăng, nhưng nó không là gì so với việc luyện tập của người Hi Lạp. Đối với họ, rèn luyện thân thể chiếm gần một nửa thời lượng hoạt động giáo dục. Mỗi thị trấn đều có phòng tập thể dục, phòng tắm, đường đua, với quy mô khó có thể tưởng tượng được.
12 Platon (khoảng 427 - 347 TCN): Nhà triết học cổ đại Hi Lạp, ông là một thiên tài, nhiều người coi ông là triết gia vĩ đại nhất mọi thời đại cùng với Socrates, thầy ông.
13 Aristotle (384 - 322 TCN): Nhà triết học Hi Lạp cổ đại, học trò của Platon và thầy dạy của Alexandros Đại đế. Ông là người đặt nền móng cho môn luận lí học và được mệnh danh là “Cha đẻ của Khoa học chính trị”. Ông cũng thiết lập một phương cách tiếp cận với triết học bắt đầu bằng quan sát và trải nghiệm trước khi đi tới tư duy trừu tượng. Cùng với Platon và Socrates, Aristotle là một trong ba trụ cột của văn minh Hi Lạp cổ đại.
Rèn luyện thân thể được thiết lập dựa trên các nguyên tắc khoa học, nó không phải là một môn thể thao tiêu khiển cho trẻ em hay biểu diễn để mua vui cho khán giả. Các nhà triết học đã tìm ra tỉ lệ hợp lí cho việc rèn luyện thân thể trong nền giáo dục lí tưởng. Ngay cả trong chương trình giáo dục của Plato, ông cũng khuyên nên dành những năm từ 17 đến 20 tuổi cho việc tập thể dục. Đó là giai đoạn quan trọng nhất để phát triển nhân cách, đạo đức - phẩm hạnh và trí tuệ của một con người. Plato có cái nhìn xa dài, ông sẵn sàng hi sinh những tháng ngày quý giá nhất này cho việc rèn luyện thân thể. Ông tin rằng kết quả sẽ đến sau đấy, cả trên phương diện đạo đức - phẩm hạnh và trí tuệ. Trong sách Tân ước, cũng có rất nhiều thông tin rải rác chỉ dẫn về việc tổ chức các hoạt động rèn luyện thân thể trong đời sống của người Hi Lạp.
Hãy nhớ: Đừng bao giờ khinh miệt thân thể. Bạn nên đối xử khôn ngoan và lành mạnh với nó. Thậm chí với việc rèn luyện thân thể, bạn cần thiết lập một mức độ kỉ luật cao hơn. Luyện thân có thể tác động đến toàn bộ con người, từ trí tuệ, cảm xúc cho đến tinh thần. Cho đến giờ, tất cả những ai đã nhìn thấy thành quả của việc rèn luyện từ xa xưa, không thể ngừng ngưỡng mộ sự hoàn hảo của sức khỏe, sức mạnh và vẻ đẹp, cả thể chất lẫn tâm hồn. “Người nỗ lực làm chủ chính mình đều ôn hòa trong mọi việc.”14
14 Câu nói của Apostle với các tín đồ của mình. Trong thần học Kitô giáo, Apostle là các vị tông đồ là các đồ đệ của Chúa Giê-su. Đây là những nhân vật thân cận nhất của Giê-su trong Kitô giáo, có nhiệm vụ giảng dạy Phúc Âm cho các tín đồ.
Epictetus15 – triết gia Hi Lạp xưa từng đưa ra các quy tắc cho việc huấn luyện vận động viên tham gia thi đấu như sau: “Bạn phải ngăn nắp trật tự, sống bằng thức ăn thanh đạm, kiêng bánh kẹo, quyết tâm tập luyện bất kể thời tiết nóng hay lạnh, không uống nước lạnh, cũng không uống rượu. Nói một cách dễ hiểu, hãy gửi gắm chính mình cho huấn luyện viên của bạn như thể đó là một bác sĩ và rồi tham gia cuộc thi.” Một vận động viên nghiêm túc không thể bỏ bê thân thể mình. Thế nên, huấn luyện thân thể đồng nghĩa với một ám thị về việc tự làm chủ bản thân, thuần hóa con quỷ bên trong và tận dụng sức mạnh sự sống cho những điều tốt lành. Bạn có thể tìm thấy những minh chứng cho niềm đam mê rèn luyện thân thể của người Hi Lạp từ thực tế cuộc sống, như bức tượng cổ người ném đĩa Discobolus hay câu chuyện về bộ môn Marathon. Đấy là một cuộc đua chạy bộ đường trường bắt đầu từ một chiến binh Hi Lạp Pheidippides – một người đưa thư đã chạy bộ từ nơi diễn ra trận chiến Marathon tới thành Athena để hoàn thành nhiệm vụ báo tin.
15 Epictetus (55 - 135): Một triết gia theo chủ nghĩa khắc kỉ Hi Lạp. Epictetus cho rằng tất cả các sự kiện bên ngoài nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, chúng ta nên bình tĩnh chấp nhận bất cứ điều gì xảy ra. Song các cá nhân có thể chịu trách nhiệm cho hành động của chính mình, kiểm soát hánh động của mình thông qua kỉ luật tự giác nghiêm ngặt. Tham khảo cuốn sách Lối sống Khắc kỉ: Hành trình từ sa mạc khô cằn đến khu vườn hạnh phúc, Jonas Salzgeber, iBooks & NXB Phụ Nữ phát hành tháng 4 năm 2021.
Để thấy, mối liên hệ giữa thân thể và một đời sống cao quý hơn là điều không thể phủ nhận. Bạn phải dần học cách tin rằng: Một nhân cách tốt phụ thuộc vào một thân thể khỏe mạnh, một thân thể khỏe mạnh là biểu hiện của một tâm hồn lành mạnh. Đừng cố chối bỏ mối liên hệ chặt chẽ giữa thân thể với đời sống cao quý của trí tuệ, đạo đức và tinh thần. Hãy gạt bỏ lối mòn trong suy nghĩ của bạn rằng: Đời sống nhục thể rất tầm thường. Có thể những ý tưởng trong những dòng thơ tuyệt đẹp của Spencer là quá huyền ảo với bạn, nhưng đấy là sự thật.
Hỡi những linh hồn thuần khiết nhất,
Tràn đầy ánh sáng của thiên đàng,
Thân thể ấy vô tư như một thói quen
Và dịu dàng biết bao
Thân thể ấy uyển chuyển và vui tươi, thân thiện và tử tế
Bởi ngụ nơi đó một tâm hồn thánh khiết,
Bởi bao chứa tâm hồn ấy là một thân thể thiện lành.
Nếu bạn hỏi rằng, vậy tâm hồn có trước hay thân thể có trước, thì cũng giống như câu hỏi hóc búa cổ xưa mà Plutarch16 đặt ra: Con gà có trước hay quả trứng có trước. Thực ra, tất cả những gì bạn cần lưu tâm là có một mối liên hệ mật thiết và quan trọng sống còn giữa tâm hồn và thể xác, giữa con gà và quả trứng. Montaigne17 – triết gia nổi tiếng thời Phục hưng Pháp nói rằng: “Một tâm hồn nuôi dưỡng sự bình thản phải ở trong một thân thể đầy sức mạnh với lối hành xử lành mạnh. Sự an yên và hài lòng theo đó lan tỏa mà không cần thể hiện. Sự mãn nguyện bên trong khiến cho hành vi bên ngoài thật tự nhiên và hành động cứ thế xuôi theo một sự tự tin chân thật. Đấy chắc chắn là một sinh mệnh tích cực, một tâm hồn thanh thản, một gương mặt hài lòng và rạng rỡ. Dấu hiệu rõ ràng nhất của sự thông thái, đấy là luôn luôn vui vẻ.”
16 Plutarch (46 - 119): Nhà triết học và linh mục người Hi Lạp. Tác phẩm nổi tiếng của ông là Parallel Lives và Moralia. Khi trở thành công dân La Mã, ông được đặt tên là Lucius Mestrius Plutarchus.
17 Michel Eyquem de Montaigne, Lord of Montaigne (1533 - 1592): Một trong những nhà triết học quan trọng nhất của thời Phục hưng Pháp.
Bạn có thể hoài nghi điều này. Nhưng thực tế cho thấy, lòng can đảm, hi vọng và niềm tin là nhân tố đem lại kết quả tốt trong việc trị liệu các bệnh lí thân thể và tinh thần, còn nghi ngờ và sợ hãi làm suy giảm sức sống của người ta18. Rõ ràng, thân thể không lành mạnh gây hại đến các hoạt động của đời sống tinh thần, và ngược lại. Sự điều hòa của thân thể giúp con người tạo dựng một triết lí sống tuyệt vời. Sự thấu biết về thân mang đến sự lạc quan, còn trạng thái không thấu hiểu chỉ khiến con người ta rơi vào bi quan mà thôi.
18 Alfred Adler (1870 - 1937), The Education of Children, 1930.
Trong lĩnh vực văn học và nghệ thuật, sức mạnh của thân thể có ảnh hưởng theo những cách rất tinh tế, hầu như thật khó lòng nhận ra. Từ kinh nghiệm của mình, một vị bác sĩ tinh ý đã nói ra sự thật rằng, những tiểu thuyết gia thô tục và tàn bạo đều có sức khỏe không tốt. Điều ông ấy nói không phải không có lí. Những thói quen xấu của thân thể chắc chắn dẫn đến sự không lành mạnh của tâm trí. Ngược lại, một tâm trí tiêu cực chỉ khiến cho thân thể ngày càng kiệt quệ. Các nhà văn vĩ đại nhất thường có sức sống mạnh mẽ và tâm trí tỉnh táo. Với họ, bạn đang ở trong một thế giới rộng lớn, dưới bầu trời bao la và giữa cuộc sống lành mạnh. Bạn không thấy sự yếu nhược của họ, không bị chìm lấp trong những chán nản của họ. Dẫu bệnh tật và mặt trái của thế giới có sự bao biện riêng của chúng, nhưng trong sự cân bằng của tự nhiên, rõ ràng khỏe mạnh và lành mạnh mới là trạng thái bình thường.
Cái nhìn thấu tỏ, sự hiểu biết sâu sắc, cảm giác chân thực và năng lượng dồi dào trong tất cả các hình thức nghệ thuật phụ thuộc vào tình trạng lành mạnh của thân thể, tâm trí và tâm hồn của một con người. Bệnh tật chỉ làm suy yếu những năng lượng cần thiết cho sự sống, làm biến dạng quan điểm và mất đi khả năng làm việc của bạn. Khi sự yếu đuối bệnh tật xâm chiếm thánh đường của linh hồn, nó phá hỏng những phẩm chất giúp bạn sáng tạo nên một nền nghệ thuật vĩ đại. Bằng thực tế, Emerson19 đã thấy rằng, đúng là nhiều người có lá phổi yếu ớt và vóc người nhỏ bé đã nổi danh trong lĩnh vực hùng biện diễn thuyết do bên trong họ có ngọn lửa nhiệt huyết lớn lao hơn cả điểm yếu về thể chất. Nhưng họ phải trả một cái giá rất lớn và chịu đựng quá nhiều tổn thương để có được điều đấy. Về cơ bản, ông tin rằng, phẩm chất đầu tiên của khả năng hùng biện phải là một thân thể cường tráng, tràn trề và tạo ra sức ảnh hưởng nhờ lan tỏa sức mạnh ấy.
19 Ralph Waldo Emerson (1803 - 1882): Nhà thơ, triết gia người Mĩ. Ông là người đi đầu trong phong trào tự lực cánh sinh và chủ nghĩa siêu việt (transcendentalism).
THÂN THỂ KHỎE MẠNH, CUỘC ĐỜI VIÊN MÃN
Nghịch lí ở đời, phàm khi đang khỏe mạnh thì bạn thường quên mất mối liên hệ mật thiết giữa thân thể và tâm trí, bạn lơ là việc chăm sóc sức khỏe và bảo dưỡng thân thể. Chỉ khi đã và đang đánh mất nó, bạn mới thấy giá trị của sức khỏe đối với hạnh phúc. Trong cuộc sống, hẳn bạn đã chứng kiến không ít hoàn cảnh ngang trái. Có nhiều người sở hữu vận may và cơ hội tốt nhất, nhưng vì một cơ thể yếu đuối mà họ đánh mất vận may đấy. Chẳng hạn, bạn có kĩ năng chơi bóng rổ rất điêu luyện, nhưng lại không đủ thể lực để thi đấu. Bạn có thể đổ lỗi đấy là do số phận, nhưng với nhiều người, thân thể của họ trở nên suy nhược và yếu đuối bởi đời sống tâm trí của họ không lành mạnh. Để nói rằng, sự tác động qua lại giữa thân thể và tâm trí, giữa tinh thần và thể chất, giữa sức khỏe và hạnh phúc là một điều tưởng như hiển nhiên, nhưng không phải ai cũng thấu hiểu, lưu tâm và thực hành trong cuộc sống.
Trong bài diễn văn cho sinh viên Đại học Edinburgh, Carlyle20 đã hết sức nhấn mạnh: “Tôi có một lời khuyên cho bạn. Lời khuyên này thực sự rất quan trọng. Bạn hãy suy ngẫm cho thấu đáo, trên tất cả những gì bạn từng suy ngẫm về cuộc đời. Hẳn sẽ rất tuyệt vời nếu bạn có thể coi thân thể là thứ quý giá vô ngần, rằng sức khỏe của bạn phải được chăm sóc thường xuyên. Không có một thành tích bên ngoài nào đáng giá hơn một sức mạnh từ bên trong. Không tiền bạc nào có thể dùng để đánh đổi lấy thân thể bạn.” Chăm sóc thân thể đúng cách và khôn ngoan còn quan trọng hơn kiếm thêm nhiều tài sản.
20 Thomas Carlyle (1795 - 1881): Nhà triết học, nhà văn, giáo viên người Scotland. Ông được xem như một nhà bình luận xã hội quan trọng nhất trong thời đại của ông. Thomas Carlyle đã đọc rất nhiều bài diễn văn khen ngợi thời đại của Nữ hoàng Victoria.
Theo một nghĩa nào đó, sức khỏe quyết định sự thành bại của bạn trong cuộc sống. Như tôi đã nói, quá trình rèn luyện thân thể có ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng làm việc và chất lượng công việc của bạn.
Lấy một ví dụ đơn giản về não bộ của bạn. Các bạn trẻ đôi khi quên mất rằng bộ não có thể quá tải và nó không dễ hồi phục, giống như một cây cung bị kéo căng quá mức thật khó trở lại hình dạng như ban đầu. Hẳn bạn cũng biết, số lượng những tế bào não là có hạn, và theo thời gian đời người, chúng chỉ mất đi chứ không bao giờ được thay thế và tái tạo. Chính vì thế, để duy trì một trí óc minh mẫn, bạn cũng cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc về sức khỏe, chẳng hạn như chú ý đến chế độ ăn uống, ngủ nghỉ và tập luyện. Bạn có thể không hứng thú với việc tập luyện, không hứng thú với các trò chơi, các môn thể thao. Bạn luôn ráo riết theo đuổi các mục tiêu trí tuệ. Bạn mải mê với những nghiên cứu vĩ đại, những tư tưởng, những tham vọng cao siêu, và những hoài bão lớn lao cứ quẩn quanh trong tâm trí bạn. Song nếu vì lí do bận rộn công việc, bạn phá vỡ quy luật vận hành tự nhiên của thân thể, bạn sẽ phải trả giá.
Nhiều người nhận ra, dù đã quá muộn rằng, nếu anh ta duy trì sự lành mạnh hợp lí, giữ gìn sức khỏe và tuân theo các quy luật của cuộc sống, chắc chắn anh ta sẽ có công việc tốt hơn và làm thêm được nhiều việc hơn.
Không chỉ người trẻ, ngay cả những người đã lớn tuổi và trải đời vẫn ngốc nghếch coi thường thân thể mình. Có những lúc bạn nhận ra thì đã quá muộn. Khi ấy tổn thương thân thể trở nên quá rõ ràng, gây trở ngại cho bạn suốt đời. Có điều, trong thời đại này, bạn không thể viện cớ cho sự thiếu hiểu biết của mình. Những tri thức, những cuốn sách về thân thể và rèn luyện sức khỏe ở ngay trong tầm tay bạn. Vấn đề lớn nhất nằm ở nhận thức của bạn đấy thôi, như tôi vẫn nói: Bạn coi thường và lãng quên thân thể mình. Vậy thì, ngay từ lúc này, bạn hãy khắc ghi: Thân thể là khởi nguồn của sự sống, cũng là tài sản quý giá nhất của bạn. Hãy nhớ, không gì quý giá hơn thân thể này đâu.
Napoléon từng nhấn mạnh rằng, hai phẩm chất tuyệt vời bạn cần có: một thân thể khỏe mạnh để sống lâu; và một trái tim nhiệt huyết để sống có ý nghĩa. Để thấy rằng, sức khỏe là yếu tố tiên quyết cho thành công. Nó cho phép một người làm tốt công việc của mình và thỏa sức phát huy bản thân trong lĩnh vực mình đam mê.
Ngay cả những công việc chỉ đòi hỏi sự tinh tế của xúc giác hay sự tính toán chính xác của trí óc cũng cần một nền tảng thể chất tốt. Những phẩm chất được đánh giá cao như óc sáng tạo, sự táo bạo và tháo vát xoay xở là những năng lực chỉ có thể có trong một thân thể khỏe mạnh. Emerson từng nói: “Để đạt được những mục tiêu to lớn trong cuộc đời, bạn nhất định cần sức mạnh thể chất. Một cơ thể ốm yếu kéo theo tinh thần cũng suy nhược, yếu đuối. Những kẻ ốm yếu phải dè xẻn sức lực để sống, chứ chưa nói đến chuyện giúp ích cho bất cứ ai.”
Hẳn bạn đã từng thấy, trong lịch sử có rất nhiều những trí thức nổi tiếng phải nỗ lực nhường nào để chiến thắng thân thể yếu ớt của mình, hòng cống hiến cho cuộc đời trí tuệ vĩ đại của họ. Edward Gibbon21 – một nhà sử học nổi tiếng người Anh, khi còn trẻ được biết đến là một chàng trai rất yếu ớt. Trong cuốn Memoirs of My Life and Writings (tạm dịch: Hồi ức cuộc đời và những tác phẩm của tôi), ông từng kể rằng mình gầy còm ốm yếu, sự sống của ông rất mong manh. Đến nỗi, trong lễ rửa tội cho em trai, cha của ông đã lặp đi lặp lại cái tên Edward, phòng khi người con trai cả có ra đi, cái tên này vẫn có thể sống mãi với gia đình. Đến năm 16 tuổi, ông vẫn là một chàng thanh niên mảnh khảnh. Sau đó, ông rèn luyện để cơ thể trở nên khỏe mạnh hơn. Và như bạn cũng biết, tất cả thế giới đều thấy ông đã làm được những gì trong cuộc đời của mình. Cuối cùng, như ông nói, chính bởi ông không bao giờ lạm dụng sức khỏe, ông luôn biết nó là trân quý. Caesar22, Calvin23 và rất nhiều những con người khác cũng làm nên sự vĩ đại bằng việc chiến thắng thân thể yếu nhược của mình. Bằng sức mạnh ý chí và sự rèn luyện, họ đã khắc phục một thân thể bệnh tật và giúp nó hoàn thành sứ mệnh của nó trong đời sống.
21 Edward Gibbon (1737 - 1794): Một nhà sử học và nghị sĩ trong Nghị viện Anh. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, The History of the Decline and Fall of the Roman Empire (Lịch sử suy tàn và sụp đổ của Đế chế La Mã), xuất bản thành sáu cuốn từ giai đoạn 1776 đến 1778.
22 Gaius Julius Caesar (100 TCN - 44 TCN): Nhà lãnh đạo quân sự, nhà chính trị và tác giả văn xuôi Latin lớn của La Mã cổ đại. Ông đóng vai trò then chốt trong sự chuyển đổi Cộng hòa La Mã thành Đế chế La Mã.
23 Jean Calvin (1509 - 1564): Nhà thần học và quản nhiệm có nhiều ảnh hưởng trong thời kì Cải cách Kháng Cách. Ông là người đóng góp chính cho sự phát triển của hệ thống thần học Cơ-Đốc giáo gọi là Thần học Calvin.
Đấy là những người bẩm sinh không may mắn, vốn sinh ra với thân thể yếu ớt, họ đã phải nỗ lực đến thể để vượt lên số mệnh của mình. Với con người bình thường chúng ta, bạn đừng quên: Có một thân thể khỏe mạnh đã một điều cực kì may mắn.
Charles Kingsley24 – một nhà cải cách người Anh – đã dạy cho thế hệ của ông một bài học hữu ích về cách rèn luyện thân thể khéo léo và lành mạnh để cuộc sống ổn tốt hơn. Hẳn những thành tựu xã hội của ông không thể tách rời lối sống tự nhiên và cởi mở, không thể thiếu những ngày ông cùng mọi người đập lúa trong nhà kho, lật vạt cỏ trên cánh đồng, ném cỏ khô ngoài đồng cỏ; cũng không thể thiếu những buổi luyện tập các môn thể thao. Với tư cách là một linh mục và một nhà cải cách xã hội, ông đã nhìn thấy sự tiêu cực trong nhiều người theo tôn giáo cực đoan thời đó. Ông nói rằng, đừng vì theo đuổi một điều gì mà bỏ bê sức khỏe, sức mạnh và vẻ đẹp cá nhân. Ông tự nhận thức rằng: “Tôi không thể cáng đáng, dù chỉ là một nửa số công việc tôi đang làm, nếu không nhờ vào sức mạnh và sự năng động mà một số người cho là thô tục và hèn hạ. Thật tuyệt vời làm sao khi tôi có thể biến tất cả sức mạnh và sự gan dạ tôi có từ việc rèn luyện thân thể kia thành những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời.”
24 Charles Kingsley (1819 - 1875): Linh mục của Giáo hội Anh, nhà cải cách xã hội, tiểu thuyết gia. Ông gắn liền với Chủ nghĩa Xã hội Kitô giáo.
Lấy nhiều ví dụ thực tế như vậy để bạn thấy rằng, sức khỏe là điều kiện quan trọng để một người sống tốt và sống hạnh phúc. Hơn thế nữa, sức khỏe là yếu tố tiên quyết dẫn bạn đến thành công trong sự nghiệp và trong cuộc sống. Sức khỏe sẽ giúp bạn trở thành người có nhân cách toàn diện hơn. Thân thể càng khỏe mạnh, khả năng nhận thức và phát triển trí tuệ, cảm xúc và tinh thần càng tốt lên. Như Goethe25 nói: Nhân cách là một phần của sinh mệnh, nó phải được hình thành trong dòng chảy của một sức sống mạnh mẽ. Không bao giờ khác được.
25 Johann Wolfgang von Goethe (1749 - 1832): Nhà viết kịch, tiểu thuyết gia lỗi lạc người Đức. Ông là một trong những vĩ nhân của nền văn chương thế giới. Hầu hết các tác phẩm của ông trường tồn với thời gian, như kịch thơ Faust, tác phẩm Wilhelm Meister’s Apprenticeship và tiểu thuyết The Sorrows of Young Werther (Nỗi đau của chàng Werther).
THÂN THỂ KHỎE MẠNH, TÂM AN TRÍ SÁNG
Mối liên hệ giữa sức khỏe và công việc là điều bạn rất dễ nhìn thấy, và cũng rất dễ để chứng thực. Nhưng hẳn bạn sẽ hoài nghi: Trạng thái thân thể có thể tác động đến phẩm chất tinh thần và đạo đức hay không? Tôi phải khẳng định với bạn rằng, mối liên hệ đấy là có thật, thậm chí nó rất sâu sắc và mạnh mẽ, nó rất tinh tế, song không phải bạn không thể chứng thực. Bạn có thể thấy những khi bạn nuông chiều, buông thả bản thân trong sự lười biếng và giải trí, cơ thể bạn cũng trở nên uể oải và mệt mỏi; tinh thần bạn chùng xuống và không muốn làm gì cả; suy nghĩ trở nên biếng nhác, và bạn bỗng thấy cuộc sống thật vô nghĩa biết bao. Bạn còn nhớ trạng thái đấy chứ, bạn đã từng trải qua rồi, đúng không? Để thấy, một trạng thái tinh thần lành mạnh và một phẩm chất tốt không thể tách rời một thân thể khỏe mạnh, chăm chỉ và sống có kỉ luật. Cuộc sống trí tuệ nhất, sự sống thiêng liêng nhất luôn được xây trên nền tảng thể chất vững mạnh nhất, bởi “sự sống là một thể thống nhất.” Nếu bạn chỉ quan tâm đến thân thể mà phớt lờ tâm hồn, hoặc chỉ chú tâm đến tinh thần mà phớt lờ thân thể, bạn sẽ trở nên khiếm khuyết, bạn sẽ luôn sống trong trạng thái bất an, trống vắng, không bao giờ thấy trọn vẹn, không bao giờ có thể hạnh phúc.
Tôi còn nhớ, Shakespeare từng có một nhận định rất sâu sắc rằng: “Thân thể yếu đuối nhất lại chứa đựng trong nó tâm hồn tự phụ nhất.” Điều đấy có nghĩa là gì? Nghĩa là, những người mang thân thể yếu đuối thường có trạng thái thần kinh rất dễ bị kích động. Họ thường đưa ra những đánh giá thất thường và sai lệch về mọi thứ, thay vì những nhận định sáng suốt và lành mạnh. Tất nhiên, bạn đừng hiểu lầm, không phải tất cả những người vạm vỡ và mạnh mẽ đều có trí tuệ uyên bác. Cũng không phải bất cứ ai có sức khỏe thể chất tốt đều có cơ hội trở nên thông thái. Thể chất và tâm hồn, năng lực cơ bắp và năng lực trí tuệ đều phải là một quá trình rèn giũa song hành với nhau, không thể tách rời.
Hãy nhớ, bạn phải tránh xa tất cả những khuynh hướng cực đoan:
• Một là quá đề cao và phô trương sức mạnh cơ bắp, rơi vào chế độ rèn luyện thái quá;
• Hai là thỏa mãn thái quá nhu cầu của thân thể, chìm vào những lạc thú vô vị triền miên, đánh mất bản thân trong những tham cầu vật chất;
• Ba là chìm đắm vào đời sống tinh thần, đau khổ đến mức đưa mình vào một chế độ sống quá khắc khổ, giống như chứng tự hành xác;
• Thứ tư là sống nương theo tình cảm và cảm xúc quá nhiều, đến mức coi thường sự rèn luyện thân thể và một đời sống kỉ luật.
Nói chung, mọi sự thiên lệch và thái quá đều là một vực thẳm nguy hiểm. Hãy thấy rõ vai trò cân bằng giữa Thân - Tâm - Trí, giống như câu ngạn ngữ cổ từng nói: Chỉ trong một thân thể khỏe mạnh mới có một tâm trí lành mạnh26. Chỉ khi sức khỏe đủ tốt, bạn mới có thể đạt tới những giá trị cao cả nhất của sự sống. Có lẽ, chưa bao giờ sự thật này thật hơn như bây giờ, khi con người rơi vào cái bẫy của đời sống đô thị. Họ làm những công việc ít phải vận động và bị cầm chân trong những căn phòng kín. Họ huênh hoang và tự phụ khi không còn phải lao động chân tay.
26 Nguyên gốc “Mens sana in corpore sano”: A healthy mind in a healthy body.
Họ sẵn sàng khinh miệt những công việc thể chất ngoài kia. Rốt cuộc, nền văn minh và công nghiệp hóa ngày càng hiện đại đang giúp bạn phát triển hay chỉ càng làm hao mòn các nguồn năng lượng sống của bạn theo từng ngày? Có lẽ, bạn đã thấy rõ câu trả lời.
Nói sâu hơn một chút, sự khỏe mạnh toàn diện không chỉ thể hiện ở sự cân bằng giữa thân thể và tâm trí, nó còn thể hiện trong những điều tinh tế hơn, lớn lao hơn, đấy là năng lực của bạn trong việc hướng tới một đời sống an vui và hạnh phúc. Có thể bạn không tin, một đời sống cao đẹp hơn lại hơn phụ thuộc vào những điều bạn cho là tầm thường như rèn luyện thể chất và quản lí thân thể. Có thể bạn vẫn đinh ninh sự cao quý là một cái gì đấy vượt lên trên nhục thể. Nhưng nếu bạn thực sự khôn ngoan và sáng suốt, bạn sẽ nhận thấy rằng không có một thân thể khỏe mạnh thì mọi lí tưởng xa xôi, cao vời của bạn chỉ là một ảo ảnh nơi sa mạc cằn khô. Nếu bạn không thể đối xử tử tế với thân mình, thì bạn còn có thể thiện lành với ai. Nếu một ngày thân thể bạn suy yếu, bạn sẽ thấy đời sống của mình chẳng khác nào địa ngục, nói gì đến sống tốt và sống đẹp.
Hiểu được mối quan hệ nền tảng giữa thân thể và tâm trí, giữa sức khỏe và đời sống, bạn sẽ thấu suốt và giải quyết được nhiều vấn đề thực tế bạn gặp phải trên hành trình sống, chẳng hạn như chuyện nghỉ ngơi và giải trí.
Bạn phải biết rằng, nghỉ ngơi là một phần của rèn luyện thân thể. Nghỉ ngơi đúng cách là điều bạn cần phải học. Nghỉ ngơi không có nghĩa là sa đà vào những trò giải trí. Đừng tiêu phí thời gian nghỉ ngơi vào những cuộc tụ họp vô bổ, hay những không gian hỗn tạp khiến bạn mệt mỏi thêm. Cũng đừng dành thời gian nghỉ ngơi để than vãn, dằn vặt bản thân. Đừng đổ ra đường theo đám đông vào những ngày Chủ nhật... Với công việc trí óc, cách nghỉ ngơi tốt nhất có lẽ là vận động thân thể một chút. Còn cách giải trí tốt nhất cho lao động tay chân chính là theo đuổi một số mục tiêu trí tuệ. Chẳng hạn, bạn có thể tham gia môn thể thao ngoài trời. Bạn có thể tập thể dục và hít thở không khí trong lành. Bạn có thể ngồi không cho đầu óc được thư giãn, tĩnh tại. Trên tất cả, hãy thiết lập một chế độ làm việc và ngủ nghỉ hợp lí. Đấy là cách nghỉ ngơi tốt nhất.
Cả hai mục tiêu: lao động và nghỉ ngơi, vận động thân thể và rèn luyện trí óc đều cần thiết trong việc giúp bạn giữ một đời sống cân bằng và phát triển những phẩm chất cao quý của mình.
Thông qua việc rèn luyện thân thể, bạn sẽ học được những bài học về sự tự lực và tự chủ, về thói quen tự kiểm soát, về tính kĩ lưỡng và chính xác, về cách giữ vững tâm thế khi thất bại, tiết chế khi chiến thắng, cùng với sự quyết đoán và sự cộng tác. Từ đó, bạn học được tính kiên trì bền bỉ, nghị lực và lòng khoan dung. Đấy là những kĩ năng sống và những phẩm chất sống mà bạn chỉ có thể viên thành thông qua một kỉ luật rèn thân nghiêm ngặt. Xét đến cùng, trên cả sự rèn luyện thể chất đơn thuần, chính kỉ luật thép đấy sẽ trở thành một phẩm chất của bạn và mang đến cho bạn những thành công lớn lao. Trong việc học cách điều hòa Thân - Tâm - Trí, để đạt đến sự thống nhất nội tại giữa thể xác và linh hồn, bạn sẽ học được cách tiết chế cái tôi của mình ngay trong chính mình. Bởi thiện lành với thân mình mà từ ái với tha nhân. Bởi dung hòa trong chính mình mà bao dung với người khác.
Lí tưởng rèn luyện thân thể vì thế chính là một nguyên tắc rèn luyện sâu rộng và toàn diện, có thể mang đến kết quả tuyệt vời ngoài sức tưởng tượng cho cả cá nhân và xã hội. Đó là nền tảng của mọi sự tự nhận thức và mọi nền giáo dưỡng. Bạn càng nhận thức sớm và đầy đủ điều này, bạn càng có cơ hội phát triển và viên thành các phẩm chất tốt đẹp nơi mình.
Đôi khi, chuyện rèn luyện thể chất và chăm sóc thân thể đơn giản chỉ là: tạo ra một không gian sống giản dị, trong lành, ăn những món ăn thuận theo mùa, mặc quần áo đủ nhu cầu và luyện tập điều độ. Đừng chất lên thân những thứ nó vốn không cần, chỉ để thỏa mãn ham muốn của bạn hay để phô trương bản thân trước người khác.
Đời sống đô thị vốn ngột ngạt và chất lên bạn rất nhiều áp lực. Tôi không kêu gọi bạn trở về với tự nhiên một cách mù quáng. Chỉ đơn giản là, bạn hãy buông xuống những thứ thừa thãi, những gánh nặng tâm trí để sống thiện lành hơn với thân mình.
RÈN LUYỆN THÂN THỂ: HIỂU LẦM VÀ SỰ THẬT
Như tôi vẫn nói, và như bạn cũng thấy, khi người ta không hiểu được vai trò thật sự của thân, người ta sẽ sa đà vào sự thiên lệch hoặc thái quá. Một phần nữa, sự chuyên môn hóa trong lao động xã hội đã đưa con người đến những thái cực khiến cho Thân - Tâm - Trí bị phân li. Thế nên, tất cả những gì tôi muốn nói với bạn cho đến lúc này là hãy cùng gạt bỏ những định kiến hẹp hòi về thân thể. Hãy cùng vượt qua những trò giải trí vô thưởng vô phạt, thậm chí có hại cho thân tâm. Hãy đừng mù quáng tham gia vào bất cứ hình thức tập luyện nào mà bạn ngẫu nhiên bắt gặp. Rèn luyện thân thể sai cách, không những không được lợi, bạn sẽ còn phải trả giá cho nó. Chỉ khi bạn có cái nhìn đúng đắn, rèn luyện thân thể mới phát huy vai trò của nó và trở thành một phương tiện hoàn hảo để đưa bạn đến các trường năng lượng cao hơn. Dù bạn sở hữu vô vàn tài năng thiên phú, nhưng nếu không quan tâm đến thân thể của mình, bạn cũng không thể phát huy được những khả năng ấy.
Tiếp theo đây, tôi muốn cảnh báo bạn về những hiểu lầm bạn sẽ gặp phải và những sự thật bạn cần biết trong quá trình rèn luyện thân thể.
SỰ THẬT (1): THÂN THỂ VÀ TÂM TRÍ - MỐI LIÊN HỆ HAI CHIỀU
Có một điều bạn hãy nhớ, để đừng rơi vào ảo tưởng: Rèn luyện thân thể không thể giúp bạn thoát khỏi quy luật sinh tử của cuộc sống. Nhưng chắc chắn thân khỏe mạnh sẽ giúp cho trí sáng suốt và tâm bình an. Ngược lại, một tâm trí lành mạnh luôn tác động tốt đến thân thể. Sự thuần lành mang lại những điều tốt đẹp cho cuộc sống, cho thân thể và tâm trí, cho hiện tại và cả tương lai. Đây không phải là lí thuyết đơn thuần, mà là một kinh nghiệm thực chứng. Hẳn bạn đã thấy một tâm trạng vui tươi, một tấm lòng chân thành, mong muốn tử tế giúp đỡ cho người khác và cống hiến cho cộng đồng, chắc chắn sẽ làm tăng cường sức khỏe của chính bạn.
Có lẽ phải đánh đổi bằng nhiều lựa chọn, nhưng hãy tin rằng bạn có thể hồi lại sức trẻ của mình, như chim đại bàng chịu đau đớn để tái sinh. Trái tim vui tươi vẽ nên những khuôn mặt hạnh phúc. Tâm an trí sáng, lòng dạ thanh thản, một trái tim thiện lành, tử tế và vô tư là những yếu tố tuyệt vời làm nên sức khỏe. Còn cơn tức giận, nỗi đau buồn và sự thù hận quá mức chắc chắn sẽ phá hủy sức sống của bạn.
Nếu muốn trở thành một con người toàn thiện, bạn cũng cần quan tâm đến những phần khác ngoài việc rèn luyện thể chất. Bởi rèn luyện thể chất là viên đá nền đầu tiên để bạn bước lên những tầng bậc cao hơn. Plato luôn nhấn mạnh sự cần thiết của việc rèn luyện thân thể, và mục đích cuối cùng của ông là thông qua một thân thể khỏe mạnh để tu dưỡng tốt đạo đức và phẩm hạnh, để sống một cuộc đời trọn vẹn, để chạm tới những điều quý giá. Bạn phải hướng đến sự phát triển cân đối thực sự, sự thống nhất thực sự trong Thân - Tâm - Trí. Có như vậy, phần tiên thiên và cao quý trong bạn mới có thể phát huy.
Xét cho cùng, không phải sự phát triển thân thể hay bồi dưỡng trí tuệ, cuộc sống cao thượng và có phẩm giá mới là đích đến cuối cùng của mỗi con người. Không có điều này, bạn không thể phát triển và dần thui chột, không bao giờ đạt được những gì bạn nên trở thành, không bao giờ chạm đến tầm vóc của con người toàn thiện.
Ngay cả khi bạn theo đuổi những điều tầm thường và dành trái tim mình cho những mục tiêu không xứng đáng, trong sâu thẳm bạn vẫn biết rằng, chỉ những điều tốt đẹp mới có ý nghĩa. Những người thực sự thành công trong cuộc sống là những người có phẩm chất tốt đẹp đấy. Ngay cả khi bạn dành nhiều sức lực cho những thứ vô nghĩa, bạn vẫn biết rằng những điều cao thượng và phẩm giá luôn luôn tốt cho tất cả mọi thứ, cho bạn và cho đời sống của bạn, cho cá nhân và cho cộng đồng.
Thế nên, bạn hãy bắt đầu từ bước đầu tiên: Rèn luyện thân thể. Muốn bước lên những tầng mức phát triển cao hơn, bạn không thể bỏ qua bước này. Khi bạn biết vị trí và vai trò đích thật của thân thể, khi bạn nắm vững mối liên hệ giữa Thân - Tâm - Trí, thì rèn thân thực sự đóng vai trò như một công cụ giúp bạn hoàn thiện nhân cách.
HIỂU LẦM (1): NUÔNG THÂN QUÁ MỨC, ĐÁNH MẤT CHÍNH MÌNH
Việc tách bạch giữa phát triển tinh thần và thể chất luôn gây ra những sai lệch nghiêm trọng. Các chức năng thân thể cũng có vai trò quan trọng như các chức năng tinh thần. Dù bạn có coi trọng sự ảnh hưởng lẫn nhau này hay không, thì mối liên hệ chặt chẽ giữa Thân - Tâm - Trí vẫn không ngừng chi phối hành vi và nhân cách của bạn. Bạn không thể phân cắt con người thành từng phần riêng lẻ, rằng một trí tuệ thông thái không cần nền tảng thể chất, hay đời sống tinh thần không liên quan đến sự sống xác thịt. Hãy nhớ là, việc phân chia bản chất con người, phân tách thân thể ra khỏi tâm hồn luôn luôn là một sai lầm, bất kể theo phương diện nào. Cái ác đích thực bắt đầu từ sự phân li ấy, và chúng nằm sâu bên trong những biểu hiện bề mặt mà bạn có thể thấy.
Một mặt, sự phân li này khiến bạn rơi vào chủ nghĩa sùng bái vật chất, để cuộc sống của mình hoàn toàn phụ thuộc vào vật chất. Việc đề cao vật chất này chắc chắn là sai lệch, vì nó không màng đến thực tại trong đời sống con người. Con người không chỉ có phần con – phần bản năng, các bộ phận thân thể và các giác quan, mà còn có phần người – phần trí tuệ và phẩm giá. Nếu bạn sa vào chủ nghĩa vật chất mù quáng, chẳng khác nào bạn tự phủ nhận phần trí tuệ và cao quý của mình.
HIỂU LẦM (2): TỰ HÀNH XÁC - CÁI ÁC VỚI THÂN THỂ
Một đằng khác, bạn có thể rơi vào một thái cực khác: Coi thường thân thể và gạt bỏ hoàn toàn vai trò của nó. Đôi khi, bạn thấy sợ hãi khi trạng thái thể chất ảnh hưởng đến bản thân. Đôi khi, bạn rơi vào những nhận định cực đoan rằng, mọi tội lỗi của linh hồn bắt nguồn từ thân thể. Tôi cho rằng, đấy là suy nghĩ lệch lạc.
Hẳn bạn đã nghe câu chuyện về chiếc nhẫn của Thánh Paul. Bằng ẩn dụ về chiếc nhẫn, ông khẳng định khả năng ước chế thân của mình. Song, những ẩn sĩ và người tu hành lại dùng ý đấy của ông để củng cố cho những hình thức khổ hạnh cổ xưa. Chẳng hạn, họ tự đánh mình bằng roi da, hoặc dùng những hình thức tra tấn nhẹ hơn. Thực tế này đã diễn ra trong toàn bộ hệ thống tu viện La Mã suốt thời trung cổ. Đấy là cách diễn giải và thực hành khá cực đoan. Tôi tin rằng, Thánh Paul lúc ấy chắc hẳn đang nhấn mạnh những khó khăn về thể xác mà ông phải chịu đựng, những đau đớn đè nặng lên thân thể và quá trình qua đó ông viên thành phẩm giá để thực hiện sứ mệnh vĩ đại của mình. Khi ông nói lời ẩn dụ ấy, ông không ủng hộ một hệ thống trừng phạt tự hành xác, mà ông nhấn mạnh sự tự chủ nơi mỗi người.
Căn nguyên của tư tưởng tự hành xác này xuất phát từ việc con người coi thân thể là xấu xa, bạc ác, về cơ bản là không còn hi vọng cứu vãn và cơ hội duy nhất cho họ là từ bỏ nó. Họ không có cách nào thấu hiểu và dừng lại cuộc xung đột liên miên giữa lí trí và tâm cảm đang diễn ra bên trong mình. Thế nên, con người mới nghĩ ra cách đầy mình trong những hình phạt thể xác để làm nguôi ngoai cảm giác tội lỗi trong linh hồn. Bạn có thể thấy, tư tưởng tự hành xác này phổ biến trong các tôn giáo cực đoan. Họ nhầm tưởng rằng, tâm hồn có thể được thanh tẩy bằng nỗi đau và tội lỗi có thể chuộc bằng sự phá hủy thân thể.
Nhưng toàn bộ lịch sử nhân loại đã cho thấy, lí tưởng chuộc tội bằng việc tự hành xác là một thất bại khủng khiếp. Sự thật là, đời sống khổ hạnh tận cùng không xóa nhòa được tội lỗi, và không giúp con người thực sự làm chủ cuộc sống của mình. Thân thể của bạn không tồn tại để bị chà đạp và trói buộc. Thân thể có quyền, và bạn có nghĩa vụ đối xử tử tế với nó. Vậy nên, điều mà Thánh Paul muốn nói với bạn không phải là chủ nghĩa hành xác, mà là cách để bạn tự chủ và tiết chế dục vọng với lòng quý trọng vô hạn dành cho thân thể.
Một lần nữa, bạn phải nhớ rằng, thân thể là ngôi nhà của lí trí và tâm hồn. Cuộc sống không thể được cứu rỗi bằng cách phá nát ngôi nhà thân thể. Thân tàn ma dại chỉ làm tổn hại đến tâm trí, là cơ hội cho những cái xấu ác len lỏi vào bên trong. Cách tốt nhất để củng cố bản chất cao thượng hơn không phải là làm suy yếu cái thân xác thịt, mà là làm cho thân thể trở nên vững mạnh hơn, trong sạch hơn. Chỉ trong thân thể vững mạnh đó, đời sống tinh thần của bạn mới trở nên phong phú và mạnh mẽ hơn.
Thân thể là bạn đồng hành suốt đời của tâm trí, và đối xử với thân thể như thế nào là vô cùng quan trọng. Thông qua thân thể, sức mạnh tinh thần và sự thấu hiểu của tâm hồn được bộc lộ. Trí tuệ của bạn, tâm hồn của bạn tỏa sáng rực rỡ nhất là khi và chỉ khi xuyên qua một thân thể khỏe mạnh. Nếu không, bạn sẽ không bao giờ thấy được sự sáng rỡ ấy.
SỰ THẬT (2): ƯỚC CHẾ THÂN, TIẾT CHẾ DỤC VỌNG - GIÀNH LẠI QUYỀN LÀM CHỦ CHÍNH MÌNH
Như trên đã nói, nuông chiều thân thái quá hay hành hạ thân cực đoan đều là những cách đối xử tiêu cực với thân thể. Tất cả chúng không thể thực sự giải quyết các vấn đề nảy sinh từ mâu thuẫn giữa thân thể và tâm trí trong cuộc sống. Tôi xin khẳng định rằng, cuộc sống chỉ trở nên vĩ đại khi thông qua những phương pháp rèn luyện thân thể đúng cách, bạn tôi rèn những phẩm chất tốt đẹp trong mình.
Có một điểm bạn sẽ thấy hơi nghịch lí là: Thân thể trở về thuận với tự nhiên khi bạn ước chế nó và tiết chế những dục vọng trong mình. Ở đây, bạn sẽ thấy sự khác biệt giữa ước chế thân và tự hành xác: Trong khi tự hành xác hướng đến mục tiêu là chối bỏ và phá hủy thân thể; thì ước chế thân thông qua kỉ luật và thuần phục để khắc chế phần dục vọng, phần hung hãn của thân, mục tiêu cuối cùng của nó là qua rèn thân để viên thành những phẩm chất cao hơn trong con người.
Quá trình ước chế và rèn luyện đấy sẽ giúp bạn đạt đến một sự tự chủ, một lần nữa đưa thân thể lên những trạng thái phát triển cao hơn và khai phá tiềm năng cao nhất của mình. Sai lầm của người tự hành xác là anh ta tự coi khổ hạnh là mục tiêu, trong khi nó chỉ có vai trò như một công cụ hay một phướng thức rèn luyện.
Muốn rèn luyện thân thể thực sự, bạn phải có kỉ luật, điều độ và tự chủ. Tu dưỡng nghĩa là phát triển hài hòa cả Thân - Tâm - Trí và trừ bỏ tất cả những gì thái quá. Bởi gốc rễ của tự trui rèn là hướng đến sự toàn thiện, cân bằng các sức mạnh và sự tự chủ. “Người nào cố gắng làm chủ bản thân, người đấy luôn biết tiết chế trong mọi việc.” Một người trưởng thành là một người biết kiểm soát, biết ước chế những xung động của thân, chiến thắng dục vọng bên trong mình và làm chủ cuộc sống của mình.
Ước chế thân là con đường đưa bạn đến một đời sống cao thượng, có trí tuệ và có phẩm giá. Và niềm tin sâu sắc vào những điều giá trị sẽ cho bạn động lực để tự chủ và nhẫn nại trong mỗi việc mình làm
Novalis27 – nhà huyền học và triết gia người Đức – từng nói rằng: “Việc giữ gìn cấm giới và tiết chế dục vọng không chấp nhận đầu hàng trước các xung năng thú tính. Nó trái ngược với tự hành xác và coi thường thân thể vì những lợi ích tinh thần giả tạo. Thân thể vô cùng cao quý và phải được đối xử theo cách cao quý. Bạn hãy cảm nhận động lực đạo đức - phẩm hạnh to lớn thấm nhập vào cuộc sống bằng ý thức về sứ mệnh cao cả của thân thể. Không có sức mạnh nào giúp một cá nhân trở nên thanh sáng như thân thể. Cách tốt nhất để đối xử với thân thể không phải là kiềm chế, mà là dâng hiến cho những điều lớn lao hơn chính bản thân nó.”
27 Novalis: Bút danh của nhà thơ Georg Philipp Friedrich Freiherr von Hardenberg (1772 - 1801), ông là nhà huyền học và triết gia của chủ nghĩa lãng mạn Đức thời kì đầu.