Tôi sẽ có được diện mạo bên ngoài và khí chất bên trong của người ấy. Cử chỉ và hành động nhất quán với tâm trí của người ấy. Người ấy không phải là một mảnh linh hồn, cũng không chỉ là cái xác thịt đơ cứng. Ấy là một con người vẹn toàn, một thể thống nhất viên mãn
- Montaigne -
Mục đích của tự trui rèn là hướng đến sự cân bằng với môi trường bên ngoài, đạt đến sự hài hòa bên trong, phát huy các khả năng và phát triển các tiềm năng. Khi bạn đạt đến sự hài hòa và cân bằng này, thì thân thể của bạn có thể hoạt động với hiệu suất tối ưu. Bạn thường nghĩ rằng những phẩm chất đối lập không thể kết hợp với nhau. Bạn dễ dàng trở nên phiến diện, chỉ quan tâm đến một nét tính cách, chỉ phát triển một phần năng lực nhỏ bé nào đấy, trong khi bạn phải trả giá bằng cả cuộc đời. Bạn cảm thấy khó khăn trong việc dung hòa những mặt đối lập, như giữa chính mình và người khác, giữa việc trở nên khôn ngoan nhằm bảo vệ bản thân với việc trở nên cởi mở trong quan hệ với người khác... Mỗi ngày, bạn vẫn loay hoay và mắc kẹt trong những cảnh huống như thế.
Khó khăn lớn nhất của một người là sống chân thật và trọn vẹn, để phát triển tối đa bản thân, để trở thành con người toàn thiện. Hễ bạn muốn phát triển một phần nào đó, bạn sẽ phải chịu sự đau đớn, chịu sự tổn thương. Tuy nhiên, lí tưởng trong việc tu dưỡng con người đích thực là cân bằng các yếu tố đối lập. Con người hoàn chỉnh phải căng đầy sức sống, có sự phát triển hài hòa các phương diện, có sự cân bằng giữa các xung lực đối lập bên trong mình.
Cuộc xung đột dữ dội giữa các phần khác nhau của thân thể đã được miêu tả rất phổ biến trong truyện ngụ ngôn, trong văn học cổ đại. Cuối cùng, chúng ta nhận ra rằng mỗi bộ phận đóng một vai trò riêng đối với sức khỏe và sự sống. Tay, mắt, tai, mũi, miệng đều góp phần làm nên một thân thể hoàn chỉnh. Trong các nhóm cộng đồng cũng vậy, mỗi thành viên đều có vai trò quan trọng, và họ hòa hợp với nhau vì lợi ích chung của cộng đồng. Niềm vui chung của mọi tầng lớp xã hội là một quan niệm xuất hiện rất tự nhiên trong đời sống đô thị cổ đại, cũng như trong hoàn cảnh xã hội hiện đại. Thể thống nhất hữu cơ thực sự của xã hội là một trong những thành quả tuyệt vời, dẫn đường cho những nỗ lực thiết thực nhằm cải thiện đời sống con người.
Thánh Paul từng giảng dạy về sự hiệp nhất đấy của xã hội. Sự hiệp nhất cần đến sự đa dạng của những tài năng, cũng cần đến sự vận hành và quản lí. “Cơ thể không phải là độc quyền của một bộ phận, nó là tổ hợp của nhiều bộ phận cấu thành. Mắt không thể nói với tay: Tôi không có nhu cầu sử dụng bạn. Đầu cũng không thể nói với chân: Tôi không có nhu cầu sử dụng bạn. Không có sự phân chia nào trong thân thể cả, các bộ phận cần có sự chăm sóc lẫn nhau.”1 Một cộng đồng hay một tổ chức xã hội luôn cần sự hỗ trợ bằng tài năng thiên phú và năng lực của các thành viên. Mỗi tài năng, phẩm chất và tri thức đều có nét độc đáo riêng, được dâng hiến bằng đức tin và tình yêu thương. Tất cả sẽ hòa quyện làm nên một đời sống hoàn chỉnh. Vì các bạn biết đấy, một dải đa sắc mới tạo nên ánh sáng. Mỗi thành viên tồn tại vì lợi ích của toàn thể. Và chỉ khi mỗi người làm trọn sứ mệnh của mình thì toàn thể mới trở nên tốt đẹp và vững mạnh.
1 Thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô, chương XII.
Nguyên tắc hoạt động của xã hội cũng như nguyên tắc hoạt động của thân thể: Phải đạt đến sự cân bằng và hài hòa. Có lẽ, nhiều người trong chúng ta vẫn chưa thấu triệt nguyên lí này. Có những người hiểu nhưng không thực sự áp dụng được trong đời sống. Hoặc chúng ta áp dụng nó nhưng không đủ sâu rộng, không đủ quyết liệt để thay đổi đời sống cá nhân của mình. Cái gì đúng với thân thể là đúng với bản chất con người, điều gì đúng với thân thể cũng đúng với đời sống con người. Thế nên, chúng ta cần thực hiện nguyên lí cân bằng này trong cả đời sống cá nhân và xã hội. Lí tưởng cá nhân và lí tưởng xã hội phát triển cân xứng với nhau, cũng giống như nhiều bộ phận trong một thân thể, nhiều năng lực trong một tổ chức. Khi một xã hội có sự thống nhất, hoàn cảnh sống được cải thiện và ý thức trách nhiệm tập thể được nâng cao. Khi một cá nhân đạt đến sự hài hòa, thì suy nghĩ thông suốt và hành động nhất quán. Một nền giáo dục toàn diện và đích thực sẽ tạo ra những cá nhân như thế Cuốn sách này sẽ giúp bạn tiếp cận và nhìn ra sự vụn vỡ, sự phân li; giúp bạn gắn kết lại những mảnh vỡ đấy để đạt đến một Thân - Tâm - Trí cân bằng và thống nhất.
Ngày nay, sự phân li trong con người càng trở nên rõ rệt khiến chúng ta rơi vào các chứng tâm thần và những cuộc khủng hoảng không hồi kết. Điều bạn cần làm là trui rèn bản thân thật toàn diện. Hãy nhìn rõ những mối nguy của sự mất cân bằng, sự phát triển thái quá. Một trí tuệ sắc bén không thể thiếu đi sự thông minh cảm xúc. Cũng như sự thông minh cảm xúc không thể thiếu đi một lí trí tỉnh táo. Và một thân thể khỏe mạnh không thể thiếu đi sự lành mạnh của cả trí tuệ lẫn cảm xúc. Hãy nhớ: Sự phát triển đồng bộ cả Thân - Tâm - Trí là quan trọng và cực kì cần thiết.
TỰ TRUI RÈN: BIẾT - MÌNH SÂU SẮC
Bạn biết đấy, gieo mầm cho một tính xấu dễ hơn nhiều so với nuôi dưỡng một đức tính tốt đẹp.
Bạn cần một tấm bản đồ chi tiết về bản chất con người, để xem liệu mình có đang phát huy tối đa khả năng của bản thân hay không. Bạn chưa biết mình có tài năng gì và cần phát triển năng lực nào, đơn giản nhất và tốt nhất là xem xét các mục tiêu thực tế. Người ta thường cho rằng, sự phân li bắt đầu từ thân thể – phần nhục thể, phần xác thịt; tiếp đến là cấu trúc tinh thần được xây dựng trên cơ sở nhục thể đó; cuối cùng là đời sống đạo đức - phẩm hạnh và tâm hồn. Kì thực, không có sự phân chia nào trong bản chất con người cả. Mọi phần của sự sống là hợp nhất và ảnh hưởng lẫn nhau. Trong các luận thuyết về tu dưỡng bản thân, phần lớn người ta chỉ nói về trui rèn trí tuệ. Quả thực, trí tuệ cũng là phần rất quan trọng. Và tôi cũng sẽ dành riêng một chương để nói về trí tưởng tượng như một sức mạnh đặc biệt của tâm trí.
Phương pháp tự rèn luyện bản thân này sẽ thay đổi bạn toàn diện, dần dần và từng bước, đến từng bộ phận, phát triển thân thể và đồng thời nuôi dưỡng tâm trí. Tuy nhiên, phương pháp này cũng tiềm ẩn những rủi ro, vì sự tu dưỡng không thoát khỏi giới hạn của chính nó. Khi tự trui rèn, nếu không khôn khéo và tỉnh táo, bạn sẽ dễ rơi vào cái bẫy tự phụ của chính mình. Những người ưa hành động – những người không bao giờ chịu dừng lại để tự vấn chính mình, họ luôn có sự chủ quan nhất định và ít quan tâm đến sự lành mạnh. Nhưng bạn sẽ chẳng bao giờ có được cuộc sống tốt đẹp hơn nếu cứ sống một cách tùy tiện, không cố gắng tự biết mình và tự cải thiện mình như thế. Khi hoàn cảnh bên ngoài đủ mạnh, cuộc sống bề nổi có thể chi phối bạn nếu bạn sống không có mục tiêu, chỉ nhằm thỏa mãn bản năng, nếu không có ý niệm khôn ngoan nào về những gì bạn nên-là và có-thể-là.
Ruskin2 nói rằng, đời sống hiện đại dường như chỉ có hai mục tiêu duy nhất: một là ta phải có nhiều hơn (bất kể là cái gì); hai là ta sẽ đến nơi khác (bất kể đang ở đâu). Sự bất mãn không mục đích này phần lớn là do cái nhìn thiển cận về cuộc sống của con người, xuất phát từ việc thiếu một nỗ lực tự-biết-mình thực sự.
2 John Ruskin (1819 - 1900): Nhà phê bình nghệ thuật người Anh dưới thời Nữ hoàng Victoria, đồng thời là nhà bảo trợ nghệ thuật, họa sĩ màu nước, nhà tư tưởng xã hội lỗi lạc.
Một cuộc giáo hóa lớn với mục tiêu phát triển tất cả năng khiếu của bản thân, tìm kiếm một con người toàn thiện trong một bản thể thống nhất, quả thực là một lí tưởng hơn là một thực tại. Mặc dù vậy, đó là điều đáng để bạn nỗ lực. Tự trui rèn giúp bạn biết-mình sâu sắc hơn, và làm cho sự biết-mình này phát huy sức mạnh. Bạn sẽ thấy đâu là điểm yếu cần được củng cố và đâu là điểm mạnh cần được phát huy.
Điểm yếu của mình ở đâu? Điểm mạnh của mình ở chỗ nào? Rất ít người đủ hiểu biết bản thân để nhận ra điều đó. Họ che giấu điểm yếu của mình, không bao giờ xem xét một cách thẳng thắn và công bình về những gì họ đạt được. Trong cuộc sống, muốn kiểm tra xem bản thân mình có gì, đôi khi cần rất nhiều sự khôn khéo. Một người rơi vào khủng hoảng, bởi anh ta sợ phải phát giác và đối diện với những khiếm khuyết, những sai lầm của mình, anh ta muốn làm ngơ trước thực trạng của vấn đề. Nỗi sợ nửa mê nửa tỉnh như thế, đôi khi khiến người ta không thể tự vấn bản thân, không thấy sự cằn cỗi đang giết chết chính mình mỗi ngày. Chẳng hạn, những người chưa bao giờ chất vấn hiểu biết của mình thì thích khoe mẽ tri thức.
Trí tuệ càng uyên thâm, sự khiêm tốn thực sự càng sâu sắc
Khi bạn xem xét kĩ lưỡng những ý tưởng của mình về điều gì đó, thậm chí là ý tưởng bình thường và đã có từ lâu, bạn vẫn thấy rất nhiều trong số chúng thật mơ hồ và dễ gây lầm lẫn. Khi đã có ý thức về năng lực của bản thân, ngay lập tức bạn biết mình phải làm gì với chúng. Đây là kết quả rèn luyện thực tế của sự tự-biết-mình một cách khôn ngoan. Vì thế, sự rèn luyện và tài năng luôn đi liền với nhau như một bí kíp. Bạn sẽ có một cái nhìn thấu biết về các năng lực khác nhau trong chính mình. Bạn sẽ có một nhận thức sâu sắc hơn về những cơ hội thực sự của cuộc sống.
Một người không bao giờ hướng nội, coi những tiêu chuẩn được chấp nhận trong đời sống là quy tắc ứng xử đương nhiên của mình, người ấy chắc chắn luôn tự mãn về thành tựu của bản thân. Anh ta lãng quên nguồn tài nguyên to lớn trong chính mình, khiến chúng trở nên cằn cỗi và tàn lụi. Thậm chí, anh ta còn không biết chúng tồn tại. Có lẽ bạn đã thấy rất nhiều người lúc nào cũng đóng kín cái thế giới suy tư và cảm xúc của mình. Trí tuệ của họ như một cuốn sách chẳng bao giờ mở ra, và tâm hồn họ như hoang mạc cằn cỗi, không sự sống nào nảy nở được.
Tự vấn đích thực là điều vô cùng cần thiết cho trí tuệ, cũng như đạo đức và tinh thần phát triển. Đừng dằn vặt nội tâm theo kiểu bệnh hoạn, vì nó chỉ làm sức sống và nỗ lực của bạn bị suy yếu, nó hủy hoại đời sống lành mạnh của bạn.
VƯỢT QUA BỆNH TƯỞNG, HƯỚNG NỘI LÀNH MẠNH
Nếu bạn không thực sự hiểu nguồn cơn của mọi sự, hiểu động cơ đằng sau mỗi hành động, bạn có thể nảy sinh những hoài nghi, từ đó dẫn đến chứng nghi bệnh tinh thần3. Dằn vặt bản thân bằng nỗi sợ hãi vô căn cứ là cách để bạn tự hủy hoại mình và dung dưỡng cho những chứng bệnh tinh thần. Thân thể của bạn cũng vậy. Câu chuyện này chắc không xa lạ, rằng một người nghĩ mình bị bệnh, và sau khi đọc một quyển sách y khoa, anh ta tự kết luận: Mình có mọi căn bệnh được đề cập trong cuốn sách. Đọc phần mô tả, anh ta cảm thấy mọi triệu chứng bệnh và có thể chỉ ra chỗ đau ở từng bộ phận – điều kì diệu là tại sao anh ta vẫn còn sống với cả tá những căn bệnh ấy.
3 Spiritual hypochondria: Chứng hoài nghi hay bệnh tưởng. Hiện nay, thuật ngữ y khoa gọi là rối loạn lo âu bệnh tật (IAD – Illness anxiety disorder). Người bệnh tưởng có thể không biểu hiện hoặc biểu hiện rất ít triệu chứng bệnh, nhưng họ vẫn tin rằng mình bị mắc một căn bệnh trầm trọng hoặc đe dọa đến tính mạng.
Khi bạn truy vấn bản thân theo cách không lành mạnh, bạn cũng rất dễ rơi vào chứng nghi bệnh tinh thần đấy. Tâm hồn bạn sẽ không bao giờ an yên, bạn sẽ ám ảnh về sự bại hoại ấy trong mọi suy nghĩ và hành động. Hãy tự xem xét bản thân một cách toàn diện và không sợ hãi. Hãy duy trì nó và làm nó đúng cách. Con đường đúng sẽ được chỉ ra cho bạn trong những chương tiếp theo. Đừng làm hao mòn sức sống của mình bằng những dằn vặt không đâu.
Hiểu-mình là rất cần thiết nếu chúng ta muốn tu dưỡng bản thân một cách nhất quán và khôn ngoan
TỪ CÁ NHÂN TIẾN TỚI CỘNG ĐỒNG
Trong quá trình tự-hiểu-mình, sự tự giác là rất cần thiết. Sự tự giác hay kỉ luật tự thân trong mọi vấn đề xuất phát từ ý thức của bản thân, bằng sự dũng cảm nhìn nhận kĩ lưỡng cả khả năng và giới hạn của mình. Quá trình này sẽ không trọn vẹn nếu thiếu đi sự hi sinh và cống hiến hết sức trong mỗi việc mình làm. Kỉ luật đấy tạo nên tính cách con người. Một nghệ sĩ đích thực không thể tạo tác nên những tác phẩm tuyệt mĩ, nếu không thành thạo các kĩ năng và có nề nếp kỉ luật.
Như đã nói về sự phân li, tính cách con người cũng trở nên phân mảnh trong quá trình phát triển nhân cách và phải trải qua nhiều giai đoạn tự-ý thức về chính nó để quay trở lại hợp nhất và tròn vẹn. Do đó, bạn chỉ có thể thực hiện phương pháp tự trui rèn theo từng phần vì những giới hạn vốn có của mình. Suy nghĩ của con người thường có xu hướng phân li hay còn gọi là lưỡng phân (chia làm hai). Trong việc rèn luyện, sự phân chia là cần thiết và đúng đắn, miễn là bạn không đánh mất cái nhìn tổng thể bao trùm. Sau tất cả, hãy nhớ rằng, không có phần nào là tốt nhất, nó chỉ tốt nhất trong sự phát triển trọn vẹn và hài hòa.
Cũng phải thừa nhận rằng, tự trui rèn chưa phải là một lí tưởng đủ đầy, và chưa phải là điểm kết thúc, vì phương pháp này chỉ tập trung vào bản thân mỗi cá nhân. Tự trui rèn sẽ không thể đạt được mục đích phát triển toàn diện khi bỏ qua một sự thật quan trọng: Con người là một sinh vật xã hội và chỉ có thể tiến tới cái chân ngã của mình bằng cách cống hiến cho cộng đồng. Không có kế hoạch hoàn hảo nào lại chỉ liên quan đến một cá nhân. Phải nhớ rất kĩ, tự trui rèn bản thân rất dễ rơi vào sự cám dỗ mạnh mẽ của tính ích kỉ trá hình. Bạn chỉ có thể khắc phục bằng một cái nhìn rộng hơn về tự trui rèn, như điều mà cuốn sách này tìm kiếm và chỉ ra trong những chương sau này.
Nếu bạn dành hết sự quan tâm chỉ để rèn luyện trí tuệ cá nhân, thì về cơ bản nó cũng hạn hẹp như là bạn chỉ tập trung phát triển thân thể. Bạn có thể cười khẩy những thanh niên mãn nguyện dành bao thời gian đo xem bắp tay bắp chân to đến đâu. Bạn có thể thương hại những kẻ khốn khổ luôn nghĩ đến lá phổi, lá gan hay những dây thần kinh đau nhức của mình. Bạn cũng thật hạn hẹp khi chỉ quan tâm đến các yếu tố tinh thần, trong niềm tin giả tạo rằng mình đang trưởng thành từ sự tu dưỡng bậc cao. Thuyết nhất nguyên4 của sự sống sẽ giúp bạn đi đúng hướng. Bạn sẽ thấy, cống hiến cho cộng đồng và xã hội phải trở thành nền tảng. Tôi sẽ phân tích điều này trong phần rèn luyện cảm xúc. Bạn sẽ thấy, những xúc cảm xã hội như yêu mến hay đồng cảm luôn muốn được bày tỏ ra bên ngoài, giống như năng lực trí tuệ luôn đòi hỏi những cơ hội để rèn luyện.
4 Thuyết nhất nguyên, hay nhất nguyên luận, là quan niệm thần học và siêu hình học cho rằng tất cả thế giới đều thuộc về một bản chất, nguyên lí, chất hay năng lượng, tất cả đều có một khởi nguyên.
Theo một nghĩa nào đó, khi bạn làm điều tốt nhất cho người khác, cũng là bạn làm điều tốt nhất cho chính mình, và mang lại những điều quý giá hơn cho cuộc sống. Rốt cùng, những gì bạn làm đều phụ thuộc vào những gì bạn-là. Bản chất của bạn sâu sắc và dồi dào đến đâu, thì bạn cũng có giá trị với cộng đồng đến đó. Mỗi khả năng được rèn giũa kĩ lưỡng có thể trở thành một công cụ giúp đỡ xã hội và gia tăng của cải thực sự của cộng đồng. Song, bạn phải biết rõ mình có vị trí ở đâu trong cộng đồng và có ý thức về các yêu cầu của xã hội. Nếu không, bạn sẽ thất bại.
TỰ TRUI RÈN LÀ CƠ HỘI, CŨNG LÀ NGUY CƠ
Để trở-thành-chính-mình, bạn phải thoát ra khỏi giới hạn của bản thân. Bạn phải dành tất cả những gì mình có cho một mục đích lớn hơn sự tự cải thiện bản thân đơn thuần. Tự trui rèn giống như đánh bóng và mài sắc một công cụ dùng để phục vụ tốt nhất cho công việc. Những tri thức tinh hoa, những cảm xúc tinh tế và rèn luyện thể chất không thể tồn tại độc lập trong sự ích kỉ. Bạn cần phát triển đồng bộ để làm cho bản thân và cuộc sống trở nên tốt hơn. Cũng nên nhớ rằng, cái gì cũng có giá của nó. Bạn nhận được một lợi ích, bạn cũng phải đánh đổi bằng một thứ khác. Bạn tốt lên khi bạn đánh đổi bằng thời gian, công sức và nỗ lực của mình. Quan trọng hơn nữa là bạn phải vượt qua rất nhiều những cám dỗ vô cùng tinh vi của đời sống.
Mỗi khả năng đều mang theo một nguy cơ bị lạm dụng. Bạn không phải chùn bước trước chúng, mà hãy nắm bắt một cách chắc chắn hơn, biết được cái bẫy của chúng và tránh xa chúng. Trong khi tiếp cận vấn đề tự trui rèn ở từng phần, tôi sẽ chỉ ra những nguy cơ và những cái bẫy đó.
Bạn phải nắm bắt được những yêu cầu về một kế hoạch tự rèn luyện đủ toàn diện. Bạn có thể thực sự có sức khỏe thể chất, khi tất cả các bộ phận trong cơ thể tương hỗ và phối hợp với nhau một cách đúng đắn, trong trạng thái hài hòa thực sự. Sức khỏe cũng được đảm bảo khi bạn phát triển cân đối cả thân thể và tâm trí, trái tim và khối óc, lương tâm và ý chí, bên trong và bên ngoài. Trí tuệ cần được trau dồi nhưng cũng không thể bỏ đói cảm xúc và tình thương yêu. Cuộc sống tốt lành hơn không chỉ bởi một trí tuệ, trái tim và lương tâm giác ngộ mà còn bởi niềm tin dành cho chính mình và những lí tưởng cao đẹp. Mục tiêu của giáo dục chính là tạo ra những con người toàn thiện này. Bạn cần phát triển một cách hài hòa, cùng lúc lớn mạnh theo mọi mặt: thể chất, tâm trí, đạo đức và tinh thần.
Bạn cũng biết đấy, trau dồi tất cả các lĩnh vực trong đời sống là một việc không dễ đối với bất cứ ai. Chắc chắn sẽ có những khoảng trống, một số phần trau dồi quá mức và một số bị bỏ bê. Dẫu sao, việc tự trui rèn vẫn là một lí tưởng hữu ích với tôi và cả với bạn nữa. Nếu bạn giàu tri thức hơn, trưởng thành hơn, thấu hiểu hơn, thì tầm nhìn, đạo đức - phẩm hạnh và cảnh giới tinh thần, lí tưởng của bạn cũng đạt đến vẻ đẹp cao quý hơn.
Càng tiến lên phía trước, đời sống của bạn càng rộng mở. Ngay cả khi chưa nhận ra những gì là tốt nhất, cũng thật tốt khi nhìn thấy viễn cảnh ấy và đi theo nó đến cùng
Trong tác phẩm Ode to Duty, nhà thơ Wordsworth5 thú nhận rằng, vợ và em gái của mình thường quở trách ông, vì ông đã quên mất lí tưởng trở thành một “nhà lập pháp cứng rắn”. Ngay cả một người có trái tim cháy bỏng và đôi mắt sáng rực hướng tới lí tưởng cũng thật khó để luôn giữ vững sự lớn lao của tâm hồn mình. Nhưng dù thất bại ra sao, ai dám phủ nhận ý nghĩa và sự tuyệt vời trong sự cống hiến và phụng sự của ông ấy cho lí tưởng?
5 William Wordsworth (1770 - 1850): Nhà thơ lãng mạn người Anh, cùng với Samuel Taylor Coleridge, mở ra Thời đại lãng mạn trong văn học Anh bằng ấn phẩm Lyrical Ballads (1798).
Bạn hãy gieo mầm cho những điều cao cả, và trao chúng cho những người xung quanh. Bạn có vô số tài năng và không bao giờ biết hết tất cả chúng. Làm sao để bạn biết mình có thể làm gì? Tham gia một môi trường mới, tìm một người thầy truyền cảm hứng, làm quen một môn học mới, tiếp cận một tư tưởng mới, đấy là cách giúp cuộc sống của bạn thay đổi và mở rộng. Đôi khi, một chương trình giảng dạy thông thường không đánh thức được bất cứ tài năng nào, cho đến khi một chủ đề hay môn học thu hút sự chú ý của người học. Lúc ấy, bạn sẽ thấy mình lớn dần lên và phát triển trong hi vọng và lòng nhiệt huyết. Và rồi thấy mục đích sống của mình đã thay đổi. Còn điều “không thể thu hút được ánh mắt ta, thì cũng chẳng thể có được trái tim của ta.”6 Để bạn thấy rằng, môi trường sống đóng vai trò rất quan trọng trong việc làm nảy mầm những tài năng, mở ra những cơ hội khác nhau cho bạn thức tỉnh và trưởng thành. Và bạn là người có thể tự kiến tạo nên môi trường đấy bằng sự tự trui rèn chính mình.
6 “What the eye never sees the heart never longs for” – Tục ngữ Ailen.
SỰ PHÁT TRIỂN CÂN XỨNG: LÍ TRÍ VÀ CẢM XÚC, ĐỨC TIN VÀ HÀNH ĐỘNG
Bạn không thể thờ ơ với năng lực của mình đâu. Tài năng và phẩm giá của bạn kiến tạo nên nhân tính và nhân cách toàn thiện của bạn. Chúng xứng đáng được bạn chăm chút và quan tâm. Không có gì cần nhiều màu sắc để vẽ như khuôn mặt con người. Cũng giống như vậy, cần rất nhiều yếu tố kiến tạo nên một con người và một đời sống hoàn chỉnh, nhiều bộ phận trong một thân thể, nhiều năng lực trong một nhân cách.
Ngay lúc này, nếu bạn quan tâm đến cách bản năng nhục thể ảnh hưởng đến trí tuệ và tâm hồn, và nhìn vào những điều cao hơn trong sinh mệnh của mình, bạn hẳn phải thấy các yếu tố tạo nên một sự sống trọn vẹn thật đa dạng. Nhiệm vụ của bạn là cân bằng và hài hòa các yếu tố đó: lí trí và cảm xúc, đức tin và hành động, lương tâm để giác ngộ và ý chí để khai tâm – tất cả đều cần thiết. Ngoài ra, ở nơi bạn phải có sự tương xứng hợp lí giữa suy nghĩ, trí tưởng tượng và sự cảm thông đúng nghĩa. Mỗi yếu tố đều có thể phát huy trọn vẹn sức mạnh của nó mà không làm triệt tiêu và lu mờ những yếu tố khác. Cảm xúc không làm suy yếu trí tuệ, trí tuệ không làm suy yếu tình cảm, tình cảm không làm dao động lương tâm, lương tâm không làm mất đi ý chí, ý chí không định hướng sai hành động.
Có lẽ bạn cảm thấy một gánh nặng khi đặt lên vai một lí tưởng như vậy, nhưng thận trọng và kiên trì giải quyết vấn đề này là nhiệm vụ của cuộc sống. Theo một khía cạnh nào đó, nó không quá khó như vẻ ngoài. Trên thực tế, phát triển đồng đều dễ hơn phát triển không cân xứng, phát triển tổng thể dễ hơn phát triển từng phần. Bộ phận này giúp hoàn thiện những bộ phận khác, yếu tố này bổ trợ cho yếu tố kia, thái độ này khuyến khích và nuôi dưỡng các thái độ khác. Sự dư thừa hoặc thiếu sót của một bộ phận sẽ được sửa chữa bởi một bộ phận khác. Sự chân thành của con tim chữa lành những tổn thương từ cái đầu. Trong khi, nếu chỉ quan tâm đến trí tuệ, trí tuệ sẽ không thể tự sửa chữa khiếm khuyết của chính nó. Và lí trí sẽ kiểm soát sự thái quá của cảm xúc, của lòng trắc ẩn. Một lương tâm giác ngộ sẽ ngăn lại những nguy hiểm của chủ nghĩa tâm linh bệnh hoạn. Do đó, bất cứ phép tu dưỡng nửa vời nào cũng khó có cơ hội thành công. Nếu xem xét cẩn thận, bạn sẽ thấy rằng tất cả các bộ phận, các yếu tố đều có liên quan đến nhau và không có bộ phận, yếu tố nào bị tách rời khỏi phần còn lại.
Có thể bạn thích chia cuộc sống của mình thành nhiều phần như một xu hướng theo kiểu chuyên môn hóa. Nhưng tôi cần nhắc nhở rằng, bạn có thể thấy sự thống nhất nền tảng, ngay cả trong những lí thuyết về sự phân li, thường áp dụng để trị liệu tâm trí. Các năng lực tinh thần thường được chia thành cảm nhận, hiểu biết, ý chí. Thực tế, ba năng lực này khác nhau và có chức năng khác nhau, nhưng chúng không bao giờ tách biệt hoàn toàn, chúng đan xen lẫn nhau. Mỗi năng lực tinh thần đều chứa đựng một phần nào đó của các năng lực còn lại. Ý tưởng thăng hoa nhất luôn tràn ngập cảm xúc, và ngay cả suy nghĩ lạnh lùng và khô khan nhất cũng có chút ít màu sắc của xúc cảm.
Bacon7 nói, “Ánh sáng của sự thấu biết không phải là thứ ánh sáng khô khan thuần túy, mà đã được tôi luyện trong ý chí và cảm xúc.” Mặt khác, ý chí là không thể đắc thành hành động nếu không có sự thấu hiểu và cảm xúc. Tận dụng mối liên hệ qua lại giữa “hiểu biết” và “cảm nhận” sẽ mang đến những kết quả thực tiễn tích cực hơn trong các phán đoán và quyết định của bạn. Một điều là, khi lí trí được đem ra làm thước đo cho mọi thứ, bằng mọi nỗ lực, sự thấu biết và cảm xúc sẽ trở thành kim chỉ nam cho cuộc sống của bạn. Đức tin đáng quý của bạn, tín điều thực sự mà bạn đang đi theo, đôi khi còn quan trọng hơn nhiều so với sự chuyên chế của lí trí. Đôi lúc, trong mâu thuẫn giữa trí tuệ và cảm xúc, trái tim sẽ quả quyết lên tiếng phản kháng, như những dòng thơ của Tennyson8:
7 Francis Bacon, Tử tước St. Alban thứ nhất (1561 - 1626): Nhà triết học, chính khách người Anh. Bacon được phong tước hiệp sĩ năm 1603. Ông là một nhân vật quan trọng của Cách mạng khoa học và là cha đẻ của chủ nghĩa duy nghiệm và phương pháp khoa học.
8 Alfred Tennyson (1809 - 1892): Nhà thơ người Anh từng đạt giải thưởng Hoàng gia Anh. Năm 1829, Tennyson được trao Huy chương của Thủ tướng tại Cam- bridge cho tác phẩm Timbuktu. Thơ của Tennyson mang hơi hướng trực quan mạnh mẽ. Đoạn thơ trích trong tách phẩm In memoriam, 1850.
Giá như khi niềm tin đã ngủ,
Tôi nghe thấy một giọng nói, “Không tin nữa.”
Một hơi ấm tan chảy trong lồng ngực
Lạnh lùng hơn cả lí trí đã đóng băng,
Và giống như một người trong cơn thịnh nộ,
Trái tim đứng dậy và trả lời, “Tôi đã thấy.”
Tôi vẫn luôn tin rằng, không có sự phân li giữa các năng lực thiết yếu này. Cảm nhận, suy nghĩ và ý chí sẽ tác động và tái-tác động lẫn nhau không ngừng. Bạn có thể thấy, khi một cảm giác nào đó khởi lên, sẽ làm xuất sinh một dòng suy nghĩ, kết quả là một quyết định được đưa ra, một ý nghĩ nảy nở thành một quyết tâm. Không thể có ý chí thực sự nếu không có cả cảm giác và suy nghĩ. Mặt khác, ý chí có thể định hình cả cảm xúc và suy nghĩ, xác định những gì bạn sẽ cảm nhận và suy nghĩ, lựa chọn các đường hướng khác nhau của cảm xúc và suy nghĩ, ngăn một dòng suy nghĩ ngớ ngẩn nào đó và chủ động khuyến khích các lớp suy nghĩ khác. Đó là lí do tại sao ý chí đóng một vai trò quan trọng trong đời sống đạo đức - phẩm hạnh và trong bất cứ phương thức tự rèn luyện nào9. Có lẽ năng lực ý chí này thể hiện sức mạnh của bạn nhiều nhất. Vì về mặt trí tuệ, đầu óc tập trung được hay không phụ thuộc vào ý chí của bạn, và về mặt đạo đức - phẩm hạnh, nhân cách nội tâm của bạn cũng phụ thuộc vào nó. Bạn có thể quyết định sẽ nuôi dưỡng những suy nghĩ, cảm xúc và trí tưởng tượng nào trong tâm trí mình.
9 Tham khảo bộ đôi Cái thật và thực tại và Liệu pháp ý chí của Otto Rank, bàn về trị liệu ý chí do iBooks và NXB Phụ Nữ phát hành (2020 - 2021).
Đời sống trí tuệ tối thượng sẽ ở nơi các sức mạnh này hòa hợp với nhau, nơi cảm xúc không thiếu đi lí trí, nơi cảm giác không thể đánh lạc hướng tâm trí và nơi ý chí không bị lợi ích làm suy yếu. Trái tim ngày càng trở nên dũng cảm, có thể sưởi ấm “phần lạnh lùng sắt đá của lí trí băng giá”. Đến cuối cùng, trong sự hợp nhất, những gì bạn cảm thấy cũng là những gì bạn suy nghĩ.
TÍNH CÁCH: XÃ HỘI ĐÃ NHÀO NẶN CON NGƯỜI RA SAO
Bỏ qua vai trò căn bản của cảm xúc, rất nhiều người đưa ra những phán xét về tôn giáo, để chứng minh cho nhận định của họ. Theo những cách khác và rộng hơn, bạn thường nhìn nhận bản thân như một nhóm những phẩm chất ngẫu hợp không liên quan đến nhau, đa dạng và sống động. Bạn ít khi suy nghĩ về sự thống nhất trong Thân - Tâm - Trí, về cái bản chất của con người mình. Trong giáo dục, sự chia tách các năng lực để rèn giũa là điều cần thiết, nhưng nó chưa chắc đã là điều đúng nhất và tốt nhất. Trong đời sống gia đình và xã hội, việc kiến tạo nhân cách, đạo đức - phẩm hạnh của bạn cũng bị chi phối bởi các xung lực đối lập nhau. Bạn dễ dàng cảm thấy đời sống nội tâm, đời sống đạo đức - phẩm hạnh của mình vỡ ra từng mảnh. Lấy pháp luật làm chuẩn mực hay lấy tình người làm thước đo? Nghe theo lời cấp trên hay làm theo lương tâm của mình? Sống để đáp ứng người khác hay thuận theo ý thích của bản thân? Xét cho cùng, cái bạn tưởng là-mình lại là kết quả của nhiều tác động, nhiều lực giằng xé giữa gia đình, giáo dục và xã hội với các cơ chế hoạt động khác nhau.
Bản chất của xã hội là nhào nặn con người và tạo ra sản phẩm của đạo đức - phẩm hạnh là nhân cách. Mặc dù có thể coi xã hội như một sinh mệnh, nhưng nó không phải là một thế lực bất biến. Nhìn chung, cấu trúc xã hội được xây dựng dựa trên và giống như nguyên tắc cấu tạo của một cơ thể sống, song hãy nhớ rằng, bạn không thể định nghĩa sinh thể xã hội này giống như một sinh thể sinh học. Bạn chắc chắn sẽ phạm sai lầm nếu cho rằng xã hội chứa đựng một sự thống nhất đạo đức - phẩm hạnh hoàn chỉnh và trọn vẹn. Dù xã hội là một sinh thể được tạo ra từ nhiều bộ phận khác nhau, nhưng thực tế dường như nó vận hành một cách mù quáng. Con người tạo ra các thiết chế xã hội, nhưng đến lúc, ngược trở lại bị chính các thiết chế này chi phối. Và bạn phải nhớ rằng: Các xung lực xã hội tác động lên bạn, bản chất các lực này là khác nhau. Chúng chỉ có thể thống nhất khi bạn thống nhất được sự sống trong mình. Đây là lí do tại sao bạn cần một kế hoạch tự trui rèn thông minh và toàn diện.
Xã hội cũng bao gồm các tổ chức khác nhau có ảnh hưởng đến bạn như giáo dục, các thiết chế, các quy ước, hay cộng đồng, cùng các điều kiện sống khác nhau và những mối liên hệ phức tạp khác nhau trong quá trình lao động. Ngay cả khi đời sống gia đình có ảnh hưởng nhất quán tới bạn, có thể nói là một màu, nhưng than ôi, còn có rất nhiều thứ muôn màu muôn vẻ khác từ các bộ phận cấu thành xã hội. Đời sống gia đình tượng trưng cho một loại hình giáo dục đạo đức hoàn toàn khác với những ảnh hưởng công việc bạn thường làm – vốn cũng được kì vọng như là một cách giáo dục đạo đức.
Một người trẻ mới bước ra đời có lẽ sẽ thấy khó có thể liên hệ hai tiêu chuẩn, giữa gia đình và xã hội với nhau. Các lực xã hội đấy chồng chéo lên nhau và để lại những khoảng trống trong nhân cách của bạn. Hẳn bạn sẽ luôn phiền lòng, khó chịu với cảm giác chia rẽ ám ảnh bên trong mình, như thể bạn được tạo thành từ những đức tính và lỗi lầm không liên quan gì với nhau, xuất phát từ những tiêu chuẩn khác nhau của gia đình, của văn hóa xã hội và những tiêu chuẩn của đời sống kinh tế - chính trị. Song tôi chắc chắn, sâu thẳm bên trong, bạn cảm nhận được rằng không có sự phân chia nào cả. Nhân cách con người là một thể hòa hợp và nhất quán.
Thực tế cũng cho thấy, con người là một thể thống nhất dù bề ngoài có ra sao. Cuộc sống của một người tạo ra trong anh ta một nhân cách riêng, pha trộn tất cả những gì anh ta có. Có một nguyên tắc gốc rễ rằng, đằng sau tất cả các kinh nghiệm đa dạng của anh ta là một sự thống nhất và chính nó tạo ra một sắc thái sống động, tạo ra linh hồn cho cuộc sống của anh ta. Bạn có thể cho rằng nhận định này sai, nhưng bằng cảm nghiệm của mình trong cuộc sống, rồi bạn sẽ thấy đấy là sự thật. Khi bạn hiểu thấu đáo một người, điểm mạnh và điểm yếu, đức hạnh và khiếm khuyết của anh ta, bạn có thể khái quát những gì bạn nhận thức được là nhân cách của anh ta, và sâu hơn, còn có thể đi vào bản tâm của anh ta.
Bạn có thể thấy bản chất hai mặt của con người, như thể có hai hay nhiều người sống chung trong một thân thể, khi này là bác sĩ Jekyll, khi khác lại là ông Hyde10, lúc này tốt bụng và lúc khác tàn nhẫn, phút trước cao siêu, phút sau tầm thường. Song, tôi cho rằng điều đấy chỉ có nghĩa là nhân cách dưới sức ép của các xung lực đối lập, đã rạn nứt, tan vỡ làm nhiều mảnh và trở nên rất phức tạp. Cái Thiện bên trong mỗi người thường dễ dao động, và cái Ác chắc chắn không chịu khuất phục trước sức mạnh vô song. Bạn thấy sự pha trộn kì lạ giữa các phẩm chất trong một con người và nhiều động cơ trong một hành động. Có một tâm hồn thiện lành ẩn trong những thứ xấu xa, và cũng có một tâm hồn xấu xa bám lấy vỏ bọc thiện lành. Song, vẫn luôn tồn tại một sự nhất nguyên của nhân cách trong tiến trình trưởng thành nơi mỗi người.
10 Nhân vật trong tác phẩm Strange Case of Dr. Jekyll and Mr. Hyde (Vụ án kì lạ của bác sĩ Jekyll và ông Hyde) của Robert Louis Stevenson, 1886. Truyện kể về luật sư Gabriel John Utterson ở Luân Đôn điều tra về sự hiện diện kì lạ giữa người bạn cũ của ông, Henry Jekyll và tên khốn Edward Hyde. Cụm từ “Jekyll & Hyde” dùng để nói về một người có tính cách và đạo đức đối lập trong nhiều trường hợp, tiếng Việt thường hay gọi là “đừng trông mặt mà bắt hình dong”, “nhìn vậy nhưng không phải vậy”.
Sự nhất nguyên đó đang hình thành, và các đặc điểm nổi trội của nó đang không ngừng định hình toàn thể. Hai điểm đặc trưng trái ngược giữa bác sĩ Jekyll và ông Hyde thật ra có chung một gốc rễ, đấy là kết quả của sự ích kỉ – vừa tử tế vừa tàn nhẫn, vừa hào phóng vừa thủ đoạn, tùy theo hoàn cảnh mà biểu hiện ra. Trạng thái bất đồng đấy nơi mỗi con người kì thực đều có sự thống nhất trong tính cách ngầm ẩn sâu ở gốc rễ của nó.
Bạn có thể thấy một cách phân chia phổ biến khác, đấy là những phần ta gắn nhãn thiêng liêng và thế tục. Có điều, bạn không thể phân chia cuộc sống của mình thành các căn buồng riêng biệt, không liên quan đến nhau, như thể điều thiêng liêng không dính dáng với phần phàm tục, và phần phàm tục không ảnh hưởng đến phần linh thiêng. Sự phân chia lí tưởng đấy chỉ là một giấc mơ hão huyền. Tất cả tính cách của bạn là một và những giá trị cuộc sống của bạn có chung một gốc rễ. Bạn không thể cắt một phần nhỏ và bảo nó là thiêng liêng, ngăn chặn nó khỏi sự ô trọc của những thứ thế tục. Nếu phần giá trị lớn lao không nâng cao và truyền động lực cho phần phàm tục, phần phàm tục chắc chắn sẽ kéo phần lớn lao đi xuống. Nếu phần kiên trì và chăm chỉ không thúc đẩy phần bất nhẫn và lười biếng, thì bạn sẽ mất dần đi sự kiên trì và chăm chỉ trong mình, không những thế còn trở nên bất nhẫn và lười biếng.
Không thấu hiểu và áp dụng những công cụ giúp bạn điều hòa những xung lực đối lập trong mình, bạn sẽ tiếp tục khắc sâu thêm sự phân li giữa thân thể và tâm trí, sự chia tách giữa các năng lực khác nhau của tâm trí, và chôn vùi cuộc sống của mình dưới đáy vực sâu giữa hai phần thiêng liêng và phàm tục. Trong những chương tiếp theo, bạn sẽ cùng tôi làm rõ điều này. Nhiệm vụ của bạn là tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: Làm thế nào để trung hòa các phần đối lập trong cuộc sống phức tạp này? Làm thế nào để bạn đạt đến trạng thái thống nhất thực sự? Và làm sao bạn có thể đứng vững mà không có bất cứ sự phân li nào?
Không có cách trị liệu nào vừa nhanh chóng vừa dễ dàng cả. Bạn cần thực hiện một quá trình thống nhất. Bạn cần ý thức những việc mình làm và hết sức kiên nhẫn. Không có sức mạnh nào khác có thể giúp bạn làm điều đó, ngoài sức mạnh bên trong chính bạn. Nguyện ý thực hiện những sứ mệnh cao cả sẽ lan tỏa và truyền động lực cho quá trình bạn tự rèn giũa bản thân. Bạn có thể liên kết mọi sức mạnh: lí tưởng và tài năng, thể xác với tinh thần, cảm xúc và lí trí. Và nữa, để đạt đến một sức mạnh nào đó, bạn phải đánh đổi bằng ý chí và sức lực của chính mình, không thể khác. Và không có con đường tắt nào đâu.
ĐẶT NIỀM TIN VÀO NHỮNG GIÁ TRỊ, THẤY HI VỌNG Ở NGAY TRONG MÌNH
Trong quá trình tự trui rèn, để đi đến sự nhất thống Thân - Tâm - Trí, bạn luôn cần đến cái lí trí phán định để bảo vệ và làm đức tin của mình luôn cứng mạnh. Giống như sự hiểu biết có thể ổn định và điều hướng nhiệt huyết của bạn. Đừng lãng phí khả năng trí tuệ cũng như cảm xúc của mình. Khi bạn khai phá và sử dụng sức mạnh trí tuệ để phụng sự những điều cao cả nhất, đức tin của bạn sẽ trở nên vững mạnh hơn bao giờ hết. Nếu không có lí trí, niềm tin tôn giáo sẽ trở thành mù quáng và có thể gây ra một mối bất hòa không gì cứu vãn nổi. Giống như con mắt nói với bàn tay, “Ta không cần ngươi,” nếu bạn không thấu hiểu dựa trên lí trí của mình, thì chẳng khác nào bạn đặt đức tin trên một bờ vực chênh vênh và hiểm nguy.
Đặt niềm tin vào những giá trị tốt đẹp, dựa vào một lí trí sắc bén và tỉnh tao, bạn sẽ thấy hi vọng ngay bên trong mình
Trong một cuộc tranh luận hăng hái, người viết “Thư truyền giáo” cho người Do Thái dừng lại để nói về sự chậm chạp và mù mờ của người đọc, khiến cho họ không thể tiệm cận những đạo lí cao hơn. Ông nói rằng con người sẽ không thể bước đến những cảnh giới sâu sắc của chân lí nếu người ấy không nỗ lực làm mình trở nên xứng đáng với những giá trị thiêng liêng mà họ hướng tới. Đừng là những đứa trẻ hài lòng với những thứ bề mặt hời hợt mà bỏ qua những sự thật ngầm ẩn. Đừng hài lòng sống bằng sữa lỏng, đừng chối bỏ thức ăn rắn cứng. Ông khẳng định rằng, con người phải lớn lên và tiếp tục phát triển, và thực sự nên trở thành những bậc thầy. Nếu bạn không muốn bị bón cho ăn như những đứa trẻ, bạn muốn sống như một người trưởng thành có thể chủ động lựa chọn những món ăn mình thích, bạn phải rèn giũa và học cách sử dụng những năng lực của mình.
Nếu việc mở rộng tri thức và phát triển trí tuệ là cần thiết để thấu hiểu chân lí ở các tầng mức khác nhau, thì một điều không kém phần quan trọng, đấy là rèn luyện trực giác và trí thông minh cảm xúc, ngay cả trong phạm vi suy nghĩ thông thường. Ở phần mở đầu cho cuốn Autobiography (Tự truyện), Herbert Spencer11 cho rằng, trong gốc rễ hình thành hệ thống tư tưởng, cảm xúc là một yếu tố cũng quan trọng như trí tuệ. Spencer cho thấy điều này theo cách hơi tiêu cực, vì cuộc đời ông dường như không ngừng kìm nén cảm xúc của mình. Ông thường bị cuốn theo những thứ trừu tượng, như có dòng máu nóng chảy trong huyết quản. Nhưng không thể phủ nhận, cảm xúc bao trùm toàn bộ cuộc sống thường hằng của con người. Cảm xúc đặc biệt gần với niềm tin và bạn không thể bỏ qua nó. “Tâm” là những gì tạo nên cá tính của bạn nhiều hơn cả những năng lực trí tuệ của bạn. Ngay giữa những xúc cảm và sự cảm thông, đức tin cho thấy sức mạnh vượt trội của nó. Ở nơi mà cảm xúc bùng cháy, đức tin liền điều hướng và định hình cuộc sống.
11 Herbert Spencer (1820 - 1903): Triết gia, nhà lí thuyết xã hội học và chính trị tự do cổ điển người Anh. Spencer đưa ra thuật ngữ “sự sống sót của loài thích hợp nhất” (survival of the fittest) trong cuốn sách Principles of Biology, 1864.
Đức tin đòi hỏi sự trau dồi trí tuệ, lương tâm, ý chí, mọi sức mạnh và khả năng của con người. Ngược trở lại, niềm tin chân thật nhất sẽ cho bạn năng lượng và cảm hứng để trau dồi trí tuệ và trực giác, bằng cách không ngừng rèn luyện bản thân. Nếu bạn bỏ qua bất cứ yếu tố nào (trí tuệ, cảm xúc, trực giác hay lương tâm), thì nhân cách của chính bạn sẽ tổn thương lâu dài. Do đó, tự rèn luyện chính mình đem đến sự phát triển cân xứng, hài hòa cho bạn.
Đừng chỉ xem điều này như một lí tưởng tốt đẹp cao vời. Hãy thấu rõ mối liên kết ngầm ẩn giữa đức tin, tâm hồn và nhu cầu tu dưỡng tinh thần của mình. Đừng để những thứ tầm thường tước đi của bạn cơ hội trở nên phi thường và có một cuộc sống giá trị hơn, ý nghĩa hơn. Chỉ khi bạn tìm thấy những giá trị thiêng liêng trong sinh mệnh của mình, bạn mới thực sự sống.
Nếu không có đức tin, hi vọng và những giá trị cao cả, bạn sẽ chỉ còn lại những dục vọng, tham cầu, được thỏa mãn để rồi lại thất vọng, được đáp ứng rồi vẫn thấy thiếu thốn, luôn chạy theo sự được mất đến hụt hơi và ngày càng mệt mỏi, kiệt quệ. Cuộc sống ấy hẳn rất tù túng, chật hẹp với những cơn dằn vặt ngày ngày gặm nhấm tâm hồn bạn. Con người phân li, thì những năng lực tốt nhất cũng thành vô dụng. Đời sống đấy sẽ chỉ còn là một đường viền lởm chởm, sắc cạnh luôn trực chờ cứa vào tâm can bạn. Điều bạn cần làm là không ngừng tiến lên, đi vào đời sống của giá trị và đức tin. Bạn sẽ thấy được chiều sâu và sự phong phú trong tâm hồn của một bản thể thống nhất. Hơn thế nữa, hãy phát triển cân xứng thực sự, đạt đến sự cân bằng sức mạnh thực sự, có sự hài hòa tài năng thực sự, bằng cách giữ sự khiêm tốn, lòng biết ơn và ý chí đẩy lùi bóng tối trong mình. Hãy nhất tâm hướng tới dung hòa tất cả năng lực và sức mạnh khác nhau trong một bản thể vẹn toàn, nhất quán.