Có được cơ hội viết lời giới thiệu cho bản dịch của một quyển sách nổi tiếng là một vinh dự đối với tôi! Đặc biệt, đây là quyển sách nói về một loại liệu pháp tâm lý mà số đông người học và người theo chuyên ngành tâm lý ở Việt Nam ít có điều kiện tiếp cận.
Kể từ năm 2007, trong nỗ lực phổ biến các loại liệu pháp tâm lý cơ bản và thông dụng trên thế giới cho người học Việt Nam, bản thân tôi và một số đồng sự đã biên dịch những tài liệu về các học thuyết tâm lý trị liệu từ tiếng Anh sang tiếng Việt, một trong những học thuyết được chọn dịch là Phân tích Tương giao. Tên tuổi của các vị như Eric Berne và Thomas Harris cũng đã dần dần trở nên quen thuộc, song song với những vị tiền bối được biết đến nhiều hơn như Sigmund Freud và Carl Rogers. Tập tài liệu dịch thuật chuyên môn ấy, trong nhiều năm, đã được giới thiệu cho các sinh viên chuyên ngành tâm lý khi tôi tham gia giảng dạy tại một vài trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Hôm nay, vừa hoàn tất xong việc hiệu đính bản dịch của quyển sách I’m OK – You’re OK của tác giả Thomas Harris, thể theo lời mời của First News – Trí Việt, tôi xin mạn phép viết đôi lời giới thiệu cho bản dịch tiếng Việt đầu tiên của quyển sách đặc biệt này, nhằm trình bày thêm chút hiểu biết của riêng mình, với thiển ý giúp cho quý độc giả Việt Nam phần nào dễ dàng hơn khi tiếp cận quyển sách.
VỀ THOMAS HARRIS
Thomas Anthony Harris sinh ngày 18 tháng Tư năm 1910 tại Texas, Hoa Kỳ. Ông đã thể hiện năng khiếu và sự quan tâm với khoa học, y học ngay từ khi còn nhỏ. Harris nhận bằng Cử nhân Khoa học tại Đại học Arkansas năm 1938 và bằng Bác sĩ Y khoa tại trường Y, Đại học Temple năm 1940.
Sau khi tốt nghiệp trường Y, ông trở thành thực tập sinh trong lực lượng Hải quân ngay trước khi Hoa Kỳ bước vào Thế chiến thứ hai. Ông có mặt trên tàu ngầm USS Pelias khi nó bị tấn công tại Trân Châu Cảng vào tháng Mười hai, năm 1941. Trong cuộc tấn công này, ông bị thương ở tai và để lại di chứng vĩnh viễn.
Năm 1942, sau khi hoàn thành khóa thực tập, ông bắt đầu được đào tạo về tâm thần học tại bệnh viện Saint Elizabeth ở Washington DC, sau đó quay trở lại Hải quân vào giai đoạn gần cuối Thế chiến thứ hai. Harris là bác sĩ phụ trách về sức khỏe tâm thần trên tàu bệnh viện USS Haven trong giai đoạn gánh chịu hậu quả của trận đánh Okinawa. Sau đó, Harris được điều động trực tiếp đến Nagasaki sau vụ thả quả bom nguyên tử thứ hai, với nhiệm vụ làm tham vấn cho các cựu tù binh Mỹ.
Sau chiến tranh, Harris tiếp tục phục vụ trong lực lượng Hải quân và được bổ nhiệm làm Trưởng Phân hiệu Tâm thần của Cục Y học và Phẫu thuật trong Hải quân vào năm 1947. Ngoài công việc lâm sàng, Harris còn học hỏi từ các nhà phân tâm, bao gồm Tiến sĩ Harry Stack Sullivan và Tiến sĩ Frieda Fromm-Reichmann của Viện Phân tâm học Washington-Baltimore. Kinh nghiệm mà Harris học hỏi từ các nhà phân tâm lão luyện cũng tương tự như kinh nghiệm của Tiến sĩ Eric Berne, người được đào tạo với cả Paul Federn ở New York City và Erik Erikson ở San Francisco.
Harris giải ngũ vào năm 1954 và chuyển sang làm việc trong chính quyền của bang Washington. Trong một cuộc bạo động xảy ra tại nhà tù ở Walla Walla, WA, Harris đóng một vai trò quan trọng trong việc xoa dịu tình huống rủi ro bằng những kỹ năng hành chính và tâm thần của mình. Sau đó ông nói đùa rằng cuộc bạo động đã ghi dấu về một “liệu pháp nhóm chuyên sâu đầu tiên của ông”.
Trong vòng vài năm sau khi rời Hải quân, Harris cảm thấy mệt mỏi với các vai trò hành chính trong các cơ quan lớn và khao khát có được một môi trường làm việc thân mật hơn. Ông rời cơ quan công quyền và mở một phòng khám tâm thần tư nhân ở Sacramento vào năm 1956.
Cùng khoảng thời gian này, một bác sĩ tâm thần cùng tuổi với Harris là Tiến sĩ Eric Berne đang hành nghề độc lập ở Carmel và San Francisco, California. Trong những năm ấy, Berne ngày càng thất vọng với các kỹ thuật trị liệu tâm lý đang thịnh hành trong tâm thần học và phân tâm học, ông dần dần phát triển một học thuyết của riêng mình. Năm 1957, Berne xuất bản một bài báo giới thiệu học thuyết mới của mình có tên là Phân tích Tương giao. Phân tích Tương giao đã sử dụng mô hình ba trạng thái Cái Tôi (ego states) tương tự như trong học thuyết phân tâm của Sigmund Freud, nhưng tập trung nhiều hơn vào sự tương tác giữa các cá nhân.
Harris, cùng với một số bác sĩ tâm thần và nhà phân tâm học khác, ngay lập tức bị cuốn hút bởi thuyết Phân tích Tương giao và bắt đầu học các lý thuyết từ Tiến sĩ Berne. Họ sớm thử kết hợp phương thức trị liệu vào các hoạt động hành nghề của mình. Harris bắt đầu hợp tác chặt chẽ với Berne từ năm 1960. Năm 1964, Berne xuất bản cuốn sách bán chạy nhất Games People Play (tạm dịch: Những Trò chơi mọi người chơi), trong đó các ý niệm về “Trò chơi” và lý thuyết Phân tích Tương giao được giới thiệu với công chúng.
Harris tiếp tục làm việc với Berne và các nhà phân tích tương giao khác trong việc kết hợp các kỹ thuật này vào tâm thần học lâm sàng cũng như giúp truyền bá lý thuyết này sang các quốc gia khác. Harris trở thành một trong những thành viên chính của đợt Hội thảo về Tâm thần Xã hội tại San Francisco, được tổ chức với một loạt các bài giảng về Phân tích Tương giao, do Tiến sĩ Eric Berne thực hiện.
Với thành công vượt bậc của Games People Play và sự phổ biến của Phân tích Tương giao sang châu Âu và châu Á, Harris muốn có những đóng góp của riêng mình. Mặc dù thực tế là ý niệm về Games (Trò chơi) đã thu hút được nhiều đối tượng, nhưng vẫn có những biệt ngữ kỹ thuật và ngôn ngữ khác biệt khiến học thuyết này vẫn còn khó đọc đối với nhiều người. Harris bắt đầu viết một hướng dẫn thực tế hơn về kỹ thuật này với mong muốn thu hút nhiều độc giả hơn.
Harris sử dụng các nguyên tắc của Phân tích Tương giao để phát triển lý thuyết về bốn vị thế sống và cuối cùng ông đã chọn I’m OK – You’re OK (Tôi ổn – Bạn ổn), vị thế sống theo ông là lý tưởng nhất, làm tiêu đề cho cuốn sách của mình.
I’m OK - You’re OK chính thức được phát hành vào năm 1969 (nhiều nguồn trích dẫn cho rằng sách được xuất bản năm 1967, thực tế đó chỉ là năm trên bản quyền). Tiêu đề hấp dẫn đã làm nên thành công chỉ sau một đêm, nhiều độc giả của Games People Play nay tiếp tục tìm mua I’m OK - You’re OK.
Tiến sĩ Eric Berne qua đời vào tháng Sáu năm 1970, để lại Harris và cộng đồng Phân tích Tương giao toàn cầu dần bị suy yếu. Nhưng các nguyên tắc và lý thuyết của Phân tích Tương giao thì đã được thiết lập mạnh mẽ trên toàn thế giới. Trong thập niên 1970, một số người trong cộng đồng Phân tích Tương giao cảm thấy Harris đã làm một việc “bất lợi” đối với học thuyết Phân tích Tương giao, vì họ cảm thấy cuốn sách của Harris như là một phiên bản “làm loãng đi” các nguyên lý ban đầu. Tuy nhiên, chính sự gần gũi trong cách truyền tải của Harris đã giúp thuyết Phân tích Tương giao trở nên dễ hiểu, thực tiễn và đến được với đông đảo bạn đọc hơn.
Năm 1985, Harris và vợ xuất bản phần tiếp theo của I’m OK - You’re OK với tựa đề Staying OK (Vẫn ổn). Harris tiếp tục mục tiêu của mình là làm cho Phân tích Tương giao trở nên đơn giản và tránh các từ vựng và phép loại suy nặng tính kỹ thuật.
Harris qua đời năm 1995, để lại người vợ Amy và bốn người con.
I’M OK – YOU’RE OK
I’m OK – You’re OK dựa trên lý thuyết Phân tích Tương giao được phát triển bởi Tiến sĩ Eric Berne trong cuốn Games People Play. Harris tin rằng hầu hết mọi người đều có trạng thái sống tiêu cực “Tôi không ổn – Bạn ổn” (I’m not OK – You’re OK), dẫn đến các phản ứng cảm xúc đối với những người xung quanh bị rối loạn. Harris cũng định nghĩa các trạng thái sống khác và đưa ra lời khuyên hữu ích để cho phép tất cả mọi người hướng đến một vị thế lý tưởng “Tôi ổn – Bạn ổn” (I’m OK – You’re OK). Đối với Harris, hài lòng với bản thân và với người khác là cách để hạnh phúc, mãn nguyện và có các mối quan hệ tốt đẹp.
Ngôn ngữ chân thật và cách viết dễ hiểu của Harris đã giúp cuốn sách bán chạy ngay khi vừa ra mắt. Nó cũng đưa cụm từ “I’m OK – You’re OK” vào vốn từ vựng được sử dụng thường ngày của người Mỹ. Quyển sách đạt vị trí số một trong danh sách sách bán chạy nhất của New York Times vào năm 1972, mục tác phẩm phi hư cấu. Được dịch sang hơn hai mươi thứ tiếng khác nhau, chủ đề Tôi ổn – Bạn ổn gần như đã được công nhận trên tất cả các châu lục.
PHÂN TÍCH TƯƠNG GIAO
Phân tích Tương giao (viết tắt là TA – Transactional Analysis) vẫn thường được xếp loại vào nhóm các trường phái phân tâm kiểu mới (neo-analytic), ngay cả khi Eric Berne, người bắt đầu xây dựng học thuyết Phân tích Tương giao vào năm 1954, đã phủ nhận sự liên hệ giữa Phân tích Tương giao với học thuyết phân tâm chính thống của Freud. Mặc dù Phân tích Tương giao có sự khác biệt về nhiều mặt với quan điểm phân tâm cổ điển, nhưng thực tế một số khái niệm trong Phân tích Tương giao đã xuất phát từ tư tưởng của Freud. Ví dụ, Harry Stack Sullivan, một nhà phân tâm kiểu mới, đã có những ý tưởng cơ bản về các tương tác liên cá nhân, và những ý tưởng này đã được chấp nhận rộng rãi trong Phân tích Tương giao.
Phân tích Tương giao, trong phần lớn trường hợp, là một phương thức làm việc với những cá nhân trong bối cảnh làm việc theo nhóm. Nhà trị liệu vì thế nên có một số kiến thức về phương pháp làm việc theo nhóm (group work) trước khi thử áp dụng Phân tích Tương giao vào trị liệu tâm lý. Những nguyên lý cơ bản trong học thuyết về nhân cách của Phân tích Tương giao có thể giúp ta hiểu được những yếu tố động lực học (dynamics) của các thân chủ, và các kiến thức đó cũng có thể hữu ích trong thực hành tâm lý trị liệu cá nhân.
Phân tích Tương giao là phương pháp trị liệu thoát thai từ quá trình thực hành của Eric Berne. Berne tin rằng mỗi cá nhân là một phức hợp của nhiều thực thể riêng biệt, mà mỗi thực thể ấy lại có những khuôn mẫu riêng về hành vi, lời nói và cảm xúc khác nhau. Mỗi một trong số những thực thể ấy sẽ phụ trách kiểm soát con người vào những thời điểm khác nhau. Berne gọi những thực thể này là những “Trạng thái Cái Tôi” (ego states), đây chính là khái niệm cốt lõi trong học thuyết Phân tích Tương giao.
Berne (1966) khẳng định trong mỗi con người có sự hiện diện của ba Trạng thái Cái Tôi, mà ông gọi là “Cái Tôi Cha Mẹ” (P – Parent), “Cái Tôi Người Lớn” (A – Adult) và “Cái Tôi Trẻ Em” (C – Child). Mỗi trạng thái Cái Tôi P, A và C đều có những khuôn mẫu riêng về điệu bộ, thể thức và lời nói. Mỗi Trạng thái Cái Tôi có khả năng đảm trách việc chi phối tâm trí con người ở từng thời điểm nhất định. Trạng thái Cái Tôi nào đang ở vị thế kiểm soát thì cá nhân sẽ thể hiện những hành vi và lời nói liên quan đến tính chất của Trạng thái Cái Tôi ấy.
Trường phái Phân tích Tương giao khẳng định rằng mặc dù có một số liên hệ giữa các khái niệm của Freud về Cái Ấy (Id), Cái Tôi (Ego) và Cái Siêu Tôi (Superego) với khái niệm ba trạng thái Cái Tôi C, A và P của Phân tích Tương giao, nhưng thực ra chúng có ý nghĩa hoàn toàn khác. Đúng là khi so sánh ta có thể thấy Cái Ấy và Cái Tôi Trẻ Em đều liên quan đến sự hưởng lạc; Cái Tôi (theo Freud) và Cái Tôi Người Lớn đều liên quan đến khả năng kiểm định thực tại; Cái Siêu Tôi và Cái Tôi Cha Mẹ về mặt nào đó đều đóng vai trò kiểm soát các thành phần khác của nhân cách. Tuy nhiên, cái Trạng thái Cái Tôi P, A và C trong Phân tích Tương giao đều thể hiện dưới hình thức những hành vi thực tế, có thể quan sát được, chứ không phải là sự ngụ ý chỉ những “cấu trúc về tâm lý” như ba “ngôi” nhân cách theo quan điểm của Freud.
Theo Berne, “Cái Siêu Tôi, Cái Tôi và Cái Ấy đều là những khái niệm dựa trên sự suy luận; trong khi các Trạng thái Cái Tôi là những thực tại có tính xã hội và có thể trải nghiệm được” (Berne, 1966). Tóm lại, khi một người đang trong trạng thái Cái Tôi Người Lớn, những người khác sẽ quan sát thấy người này thể hiện những tính chất của một người trưởng thành. Một khác biệt quan trọng giữa các khái niệm của Freud và Berne là: trọng tâm của tư duy theo kiểu phân tâm học là ở tầng vô thức, còn Phân tích Tương giao thì chú trọng đến những hành vi có ý thức và có thể quan sát được. Cả ba Trạng thái Cái Tôi đều được nêu lại rất rõ ràng, chi tiết trong tác phẩm của Thomas Harris.
Hiểu và dịch nghĩa những cách gọi tên đặc thù của các tác giả thuộc trường phái Phân tích Tương giao là không dễ dàng với độc giả phổ thông, vì thế, việc chúng ta nhắc lại một số khái niệm đặc thù trong học thuyết Phân tích Tương giao là rất cần thiết. Sau đây là một số khái niệm chính:
Stroke: “Stroke” là một từ trong tiếng Anh có nhiều nghĩa; theo nghĩa riêng được Berne nêu ra thì đó là “một hình thức thừa nhận được thực hiện bởi một người này đối với một người kia, thông qua sự lưu tâm đến nhau về mặt thể chất hoặc tâm lý” – tạm dịch chung là những “tương tác kích thích”. Tuy nhiên trong sách này, để phù hợp với ngữ cảnh các tương tác của cha mẹ đối với đứa con, chúng tôi thường sử dụng cách dịch là “vỗ về”. Berne tin rằng tất cả mọi người đều có nhu cầu cơ bản nhận được những kích thích từ những người xung quanh, hay nói cách khác là cần được người khác thừa nhận. Những sự kích thích hoặc thừa nhận ấy có thể được biểu hiện dưới hình thức những sự lưu tâm về thể chất hoặc về tâm lý, và Berne gọi nhu cầu tìm kiếm những hình thức tương tác như vậy là stroke hunger (đói thèm/khát khao vỗ về).
Hai nhu cầu thiết yếu khác của con người cũng được nói đến đó là Structure Hunger (khao khát cấu trúc thời gian sống – Xem Chương 7, nói về sáu cách cấu trúc thời gian sống) và Position Hunger (khao khát về vị thế sống – Xem Chương 3 – Nói về bốn vị thế sống điển hình).
Cũng không thể không nhắc đến Games (những Trò chơi, xem giải thích về thuật ngữ này ở trang 212-213) – một trong những nội dung quan trọng của học thuyết Phân tích Tương giao mà người khởi xướng học thuyết là Eric Berne đã nêu rõ trong tác phẩm Games People Play của ông; cùng những khái niệm như Life Positions (vị thế sống), Life Script (kịch bản sống), Transactions (các tương giao), vân vân. Tất cả cùng làm nên một “trường phái” tâm lý trị liệu rất đặc thù, mang một phong cách tư duy riêng, nhãn quan nhìn con người rất riêng và cách thức tiếp cận hỗ trợ con người cũng rất riêng.
Hy vọng rằng bản dịch tiếng Việt lần này của tác phẩm I’m OK – You’re OK, Tôi ổn – Bạn ổn, sẽ được người đọc Việt Nam, cả những độc giả phổ thông lẫn những người học và thực hành chuyên ngành tâm lý trị liệu, mở lòng đón nhận và tìm thấy sự hữu ích, có thể áp dụng trong đời sống và trong công việc của mình.
Tri ân Eric Berne – Cha đẻ của Phân tích Tương giao.
Tri ân Thomas Harris – Tác giả quyển sách I’m OK – You’re OK.
Chân thành cảm ơn Nhà xuất bản First News – Trí Việt Publishing Co., Ltd.
Chân thành cảm ơn nhóm dịch giả và biên tập viên đã làm việc với những nỗ lực đầy thiện ý và sự nghiêm túc để hoàn thành bản dịch này!
TP. Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 4 năm 2022
Bác sĩ NGUYỄN MINH TIẾN
GHI CHÚ VỀ LỊCH SỬ XUẤT BẢN
Kể từ khi bản bìa cứng đầu tiên được xuất bản năm 1969 với sự chào đón nhiệt tình rộng khắp, quyển sách tâm lý học đại chúng sâu sắc kinh điển này đã trở thành quyển sách tâm lý bán chạy nhất – với hơn 15 triệu bản in đến tay các độc giả cho tới ngày nay. Đối với Harris, cảm thấy ỔN với chính mình và với người khác là cách để hạnh phúc, để có sự thỏa mãn cá nhân và những mối quan hệ chất lượng. Việc viết và xuất bản quyển sách này là một bước đi quan trọng để xúc tiến sứ mệnh của bác sĩ Harris là thay đổi thế giới, với từng người, tại từng thời điểm.
GHI CHÚ CỦA TÁC GIẢ
Lưu ý quan trọng là quyển sách này cần được đọc theo thứ tự từ trước đến sau, từ đầu đến cuối. Nếu những chương sau được đọc trước những chương đầu, vốn là những chương định nghĩa về phương pháp và giải nghĩa từ vựng trong thuyết Phân tích Tương giao, người đọc sẽ không chỉ bỏ lỡ ý nghĩa đầy đủ của những chương sau, mà còn chắc chắn sẽ đưa ra những kết luận sai lầm.
Chương 2 và Chương 3 là đặc biệt cần thiết để hiểu được tất cả những chương theo sau đó. Đối với những bạn đọc khó cưỡng lại được cái thú đọc sách ngược từ sau ra trước, tôi muốn nhấn mạnh rằng có 5 từ ngữ xuất hiện xuyên suốt quyển sách này có ý nghĩa đặc biệt khác với ý nghĩa thông thường. Chúng là: “Cái Tôi Trẻ Em”, “Cái Tôi Cha Mẹ”, “Cái Tôi Người Lớn”, “ỔN” và “Trò chơi”.