Nguyên Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore từng phát biểu rằng: “Mỗi quốc gia phải tự giải quyết bài toán tự định vị mình trong một thế giới đang thay đổi”. Phải trung thực, vì dừng lại là chết trong cơn lốc cạnh tranh toàn cầu! Hơn ba thập kỷ sau chiến tranh, phải chăng các bài toán định vị lại mình, tìm kiếm chiến lược phát triển bền vững Việt Nam trong kỷ nguyên toàn cầu hóa vẫn còn là các “ẩn số”:
Việt Nam thật sự đang đứng ở đâu trên bản đồ khu vực và thế giới, trong một thế giới cạnh tranh ráo riết và đang thay đổi nhanh chóng? Cạnh tranh là sống còn, nhưng Việt Nam đã chọn đúng lĩnh vực mình có thế mạnh cạnh tranh chưa? Đâu là con đường và chiến lược phát triển phù hợp cho bối cảnh Việt Nam và quốc tế? Ta đã học hỏi được gì về các tấm gương phát triển của người khác, vận dụng chúng ra sao trong hoàn cảnh cụ thể Việt Nam? Làm sao sớm đào tạo được một đội ngũ tài năng trẻ kế cận có đủ tư duy và năng lực thực hiện tốt công cuộc phát triển và đổi mới này?
Tác giả bài viết thuộc thế hệ trí thức Việt kiều trẻ đã có hơn 15 năm làm việc quản trị ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á cho các tập đoàn đa quốc gia trước khi quay về đảm trách công tác định hướng chiến lược cho một tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam. Qua những câu chuyện, minh chứng có thật từ thực tế kinh nghiệm từ Đông sang Tây đã được tích lũy nhiều năm được sắp xếp lại nhằm góp phần giải mã các ẩn số này của đất nước.
Bài viết này đặt niềm tin chiến lược vào các giá trị và các cơ hội lớn của Việt Nam:
- Niềm tin vào sức hội tụ dân tộc và khả năng hội nhập quốc tế tuyệt vời của mỗi người con đất Việt.
- Thương hiệu chất lượng Việt “Made in Vietnam, Made in World”.
- Chiến lược định vị Việt Nam trung tâm của ASEAN và thế giới.
I. Hội nhập thế giới - từ kinh nghiệm thực tiễn đến niềm tin
Tôi còn nhớ rất rõ cái cảm giác rờn rợn gai ốc khi xem đoạn phim tư liệu về mục sư người Mỹ da đen Martin Luther King Jr. diễn thuyết về nhân quyền trước cả triệu người vào ngày 28/8/1963 tại Thủ đô Washington. Giọng nói như gào thét của ông vẫn còn văng vẳng trong tim tôi: “I have a dream one day in USA...” (Tôi có một giấc mơ ở nước Mỹ vào một ngày nào đó...). Giấc mơ bình quyền và vươn lên một xã hội công bằng của vị mục sư da đen huyền thoại như một quả cầu đã gieo gần nửa thế kỷ trước khi ông Barack H. Obama có thể trở thành Tổng thống Mỹ da màu đầu tiên của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Một quả cầu đã gieo cho niềm hy vọng về những giấc mơ có thật của những người da đen bị phân biệt đối xử trên đất Mỹ. Và cũng là một vết hằn trong trái tim cậu sinh viên Việt Nam da vàng bé nhỏ là tôi trong những ngày đầu hội nhập ở Canada.
Ngày 04/04/1968, mục sư King đã bị bắn chết trong khi diễn thuyết kêu gọi hòa bình và chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam. Nhưng suốt gần 50 năm qua tư tưởng của ông đã gieo vào trái tim người Mỹ và lương tri nhân loại một ước mơ bất diệt về quyền bình đẳng, hòa bình và lòng nhân ái. Giấc mơ phải thực hiện bằng được quyền bình đẳng giữa những người cùng khổ trên trái đất và những người giàu có, những kẻ thống trị.
Từ giấc mơ của mục sư King, tôi đã học cách mơ những giấc mơ cho riêng mình và ước vọng “Vươn đến đỉnh cao” của dân tộc Việt Nam nhỏ bé, kiên cường nhưng biết sống tử tế, trọng nghĩa nhân văn và cần cù lao động.
Những ý tưởng này là những tư duy, thao thức trong hành trình riêng về công việc tôi đang làm với chuyên ngành quản lý chất lượng, nhưng sẽ không chỉ thuần túy là chuyên môn của “dân ISO” (từ thường dùng nói về dân làm quản lý chất lượng ở Việt Nam), mà còn là con đường tìm về cội nguồn đầy đam mê của một trái tim Việt Nam luôn đau đáu hướng về Tổ quốc, với mong ước góp phần vào công cuộc xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp và hạnh phúc hơn.
Tập sách “Hành trình văn hóa ISO và giấc mơ chất lượng Việt Nam” viết cách đây hơn 5 năm đã mở ra cho tôi cơ hội hợp tác cùng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam qua dự án BiC (Best in Class) để biến giấc mơ Việt Nam của mình thành hiện thực. Bài viết này mong muốn kiểm chứng những kết quả ban đầu trên cuộc hành trình đầy thử thách đó và cũng sẽ mở ra những hướng phát triển mới, sâu hơn, rộng hơn cho “Giấc mơ Việt Nam” của mọi người Việt Nam đang quay cuồng trong cái tam giác của Thế giới quan, Nhân sinh quan và Giá trị quan của thời đại mới. Như những quả cầu nhân duyên khác sẽ tiếp tục được gieo... cho những niềm hy vọng.
Đất nước Việt Nam thật sự đang đứng ở đâu trên bản đồ khu vực và thế giới, trong một thế giới cạnh tranh ráo riết và đang thay đổi nhanh chóng? Mỗi người Việt Nam khi bước ra ngoài sẽ cần phải làm gì cho mình và cho cộng đồng toàn cầu?
1. Giấc mơ khám phá và chinh phục toàn cầu - The Global DREAM
- Không có ngôi trường nào dạy làm Tổng thống cả!
“I don’t think there’s any school for Presidents...” (J. F. Kenedy, trích trong The Fog of War: Eleven Lessons from the Life of Robert S. McNamara).
Câu nói kinh điển của Tổng thống Mỹ đã dạy cho chúng ta thông điệp “Hãy học và lao động”. Kinh nghiệm bản thân tác giả suốt chặng đường 14 năm làm việc như một công dân toàn cầu tại ba châu lục cho Tập đoàn Schneider Electric (Pháp), từ một kiến trúc sư đến vị trí lãnh đạo cao nhất của hệ thống chất lượng châu Á - Thái Bình Dương, vũ khí cạnh tranh duy nhất để vươn lên là sự lao động miệt mài và khao khát vượt người. Chỉ có như thế chúng ta mới vượt qua được sự kỳ thị và cạnh tranh khốc liệt của thế giới ngày nay.
- Trở về “Concept Zero”!
Suốt thời gian ở Pháp, với vị trí Trưởng Bộ phận Quốc tế vụ (Pilotage International), để quản lý được các chuyên gia công nghệ hàng đầu của Schneider Electric, tôi thường đem trong ví mình một viên ốc Nhật của xe Toyota làm niềm tin chất lượng của người châu Á. Tham gia dự án nào, làm điều gì cũng đặt mình vào vị trí thấp nhất để hiểu thật sự tường tận các vấn đề kỹ thuật của người lao động trong các nhà xưởng thường gặp phải. Có như thế các chuyên gia của tôi mới hiểu và hỗ trợ tốt về công nghệ cho sản xuất được. Khi trở về với “Concept Zero”, chúng ta sẽ không còn những nghi ngại của việc được-mất, điều khiến cho các quyết định trở nên thiếu tính khách quan, đột phá.
- “Trong nguy có cơ” - Nơi nguy hiểm nhất là điểm chọn lựa an toàn nhất của khát vọng
Khi trở về Hong Kong do công ty điều động, một chuyên gia từ Pháp như tôi đã trải qua rất nhiều lo ngại về nguy cơ mất việc và mất chế độ bảo hiểm lao động. Hợp đồng lao động của Cộng đồng châu Âu (EU) cho một chuyên gia luôn đảm bảo khi lương thất nghiệp là 70% trong suốt đời. Trong khi ở tại châu Á như Hong Kong, Singapore tuy lương cao nhưng điều khoản sa thải chỉ bồi thường hai tháng lương.
Vậy mà suốt gần 7 năm sống tại Hong Kong chưa bao giờ tôi phải lo mất việc, và đã “ngộ” ra rằng chính ở cái nơi người ta dám mạnh dạn đuổi việc một nhân sự cấp cao trong hai tháng - nghĩa là sẽ tạo ra ngay một cơ hội cho người khác trong hai tháng đó - nghĩa là cái thị trường công việc (Job Market) nơi đấy vô cùng năng động. Với những người lao động tốt, cống hiến giá trị lớn cho công ty, đấy mới là nơi an toàn nhất cho những khát vọng vươn lên. Nếu so sánh với những nước đã phát triển, phải đợi rất lâu bạn mới có cơ hội “soán ngôi” vào các vị trí lãnh đạo cấp cao, dù bạn có tài giỏi đến mấy đi chăng nữa.
2. Tin vào “Thế mạnh của người đi sau”: Quyền lực châu Á trong thế kỷ 21
- Câu chuyện thứ nhất ở trường CEIBS Thượng Hải: Vào năm 2007, trong lễ tốt nghiệp khóa Executive MBA của chúng tôi tại Trường Trung Âu Quốc tế Học viện về Quản trị Kinh doanh, một đối tác của Harvard Business School, thầy Hiệu trưởng - TS. Rolf Cremer đã kể một mẩu chuyện nhỏ như sau: “Các bạn biết không, chúng ta đang đứng trên mảnh đất của quyền lực thế giới, các bạn thật sự là những người may mắn vì là người châu Á”. Tất cả sinh viên chúng tôi nghe đến đây đều có cảm giác ông thầy mình nói động viên hơi thái quá... Ông kể tiếp: “Cá nhân tôi cũng chỉ mới ngộ ra điều này gần đây thôi. Vào tháng 4 năm ngoái 2006, bạn tôi là Hiệu trưởng ở Harvard trước khi về hưu đã đến Thượng Hải thăm trường chúng ta, ông ta vô cùng ngạc nhiên và thú vị về sự hiện đại và tốc độ phát triển khủng khiếp của Phố Đông và Thượng Hải nói chung. Ông ấy nói: “Hơn hai năm tôi mới quay lại nơi này, không ngờ Thượng Hải đã phát triển đến như thế này! Các khu vực trung tâm ở đây có công nghệ còn hiện đại và đẹp hơn cả New York của nước Mỹ.” Các bạn biết không, khi nghe bạn tôi, một giáo sư hàng đầu nước Mỹ nhận xét như thế về Thượng Hải và về chúng ta như thế, đầu tiên tôi thấy vô cùng hãnh diện. Nhưng ngay lập tức tôi ngộ ra rằng mình đã rất ngu xuẩn. Tôi tự hỏi mình tại sao bao năm nay vẫn đi theo Havard một cách mù quáng và học theo các Business Case Study của họ - trong khi vị giáo sư giỏi nhất của họ rất nể phục chúng ta. Tôi lập tức triệu tập Ban Giám đốc CEIBS và bàn cách thay đổi. Chúng tôi ngừng mua Case của Harvard và chỉ định cho các thầy giáo của họ (đang thỉnh giảng tại Thượng Hải) lập nhóm viết và dạy bằng Business Case Study của châu Á. Sau hơn một năm qua, các bạn biết CEIBS đã được gì không? Tất cả các Business Case Study của chung ta rút ngắn hơn 70% thời gian của dòng quay và chu kỳ sản phẩm. Để có một Case hoàn chỉnh từ Havard, chúng ta thường phải đợi hơn một năm do sáu tháng viết Draft và sáu tháng sau dạy Pilot tại Havard mới đưa vào giảng dạy. Tất cả các câu chuyện mới nhất về kinh doanh, đầu tư, công nghệ cao hiện nay hầu hết xảy ra tại thị trường châu Á, tại các trung tâm tài chính ở Hong Kong, Singapore, Thượng Hải, Bắc Kinh hay Dubai. Và các thầy giáo của CEIBS chỉ cần mất ba đến bốn tháng để hoàn chỉnh các Business Case Study này. Năm nay các bạn đã được học những câu chuyện mới nhất của thương vụ Lenovo mua lại dòng sản phẩm ThinkPad của IBM, và những vụ làm ăn chấn động toàn cầu khác tại châu Á. Tất cả điều đó là do chúng tôi đã hiểu ra rằng: Quyền lực châu Á đang là trung tâm của thế giới, và các bạn hoàn toàn có thể hãnh diện về thế mạnh của người đi sau trong công nghệ và phát triển kinh tế. Thế kỷ 21 là thế kỷ của chính các bạn...”.
Đã hơn 5 năm qua, nhưng lời nói của Giáo sư Cremer vẫn còn in rõ trong tâm trí tôi, một cậu chuyên gia châu Á đến từ một quốc gia anh hùng trong chiến tranh như Việt Nam - nhưng luôn thiếu tự tin trong xây dựng đất nước vì bị tụt hậu ít nhất vài chục năm. Nếu ý thức rõ về thế mạnh của người đi sau như thế, có thể hiểu là Việt Nam chúng ta có những cơ hội vươn lên của riêng mình.
- Chuyện thứ hai của FPT: Những năm đầu thập niên 1990, khi công việc của FPT chủ yếu tập trung vào các chuyến hàng buôn bán với các nước Đông Âu, anh Trương Gia Bình và các cộng sự lóe lên ý tưởng thành lập công ty công nghệ vì trong công nghệ và kỹ thuật thế giới thật sự ít có ranh giới của kỳ thị chủng tộc.
Cảm xúc đầu tiên của anh Bình khi thuê được một chuyên gia da trắng làm chuyên viên cho FPT thật sự sung sướng kỳ lạ, anh bảo rằng sự tự ty lâu năm của thân phận nhược tiểu đã tạo nên trong mỗi người Việt Nam một “thằng nô lệ” to đùng và cái cảm giác sung sướng kia đã minh họa rõ sự tự ty hiện hữu ấy... Từ đó anh khát khao rằng FPT phải toàn cầu hóa và đi lên bằng công nghệ thông tin. Với sự thay đổi nhanh và liên tục về công nghệ thông tin toàn cầu, FPT đang tạo vị thế vững chắc cho mình từ những cơ hội lớn bằng cách tiếp thu, làm chủ tốt các công nghệ thế giới và hướng đến sự năng động trong sáng tạo của người đi sau.
- Chuyện thứ ba: Be Smarter! Thế kỷ 21 là của những người thông minh hơn.
Tôi hay chọn câu chuyện của chú gấu Panda trong bộ phim KungFu Panda để giảng giải cho sinh viên MBA của mình về triết lý “Hãy thông minh hơn!” như một hiệu lệnh của giới trẻ trong thế kỷ 21. Cuối bộ phim, thầy Master của Panda đã dặn dò học trò rằng: “Con phải tài giỏi hơn ta, phải vượt Thầy của mình. Nếu không sẽ là tai họa cho mọi người. Con có biết tại sao ngày xưa các võ sư có thể phi thân cao hơn 100m mà giờ đây loài người chỉ nhảy được hơn 2m không? Đó là vì cách học truyền thụ rất thụ động của con người. Cao lắm chỉ học được bằng Thầy, còn lại hầu hết kém thua Thầy, cứ thế mai một đi theo năm tháng, giờ đây các ngươi chỉ nhảy cao còn có 2m!...”
II. Thương hiệu chất lượng Việt “Made in Vietnam, Made in world”
Vị trí địa lý chiến lược của Việt Nam đã đặt đất nước chúng ta vào những bất lợi của lịch sử mà cụ thể là các cuộc xung đột triền miên và dai dẳng với các thế lực quốc tế hùng mạnh, nhưng tôi tin rằng “sau cơn mưa trời lại sáng”. Khi có cơ hội đi lại nhiều và công tác ở khắp nơi, so sánh giữa các nền văn hóa, các con người của nhiều quốc gia, tôi nhận thấy Việt Nam chúng ta có những thuận lợi lớn của một nền văn hóa nằm ở “ngã ba đường” mà không phải ai cũng có được.
1. Văn hóa chất lượng trong xã hội phương Tây đang cũ kỹ, tụt hậu và cơ hội của chúng ta
Từ thành công về chất lượng của cụm nhà máy do tôi phụ trách ở Việt Nam, đạt tiêu chuẩn ISO9001 năm 1999, cùng một lúc được cấp hai chứng chỉ của BVQI (Tiêu chuẩn Quốc tế) và QUACERT (Tiêu chuẩn Việt Nam). Đặc biệt bộ quy trình công nghiệp trong dây truyền của nhà máy ở Bình Dương do tôi soạn thảo đã được tập đoàn Schneider ở Pháp chọn làm quy trình mẫu để huấn luyện cho các nhà máy vệ tinh của tập đoàn trên thế giới.
Năm 2001, tôi đến Pháp làm việc theo lời đề nghị của Tập đoàn Schneider Electric và trở thành người Á Đông đầu tiên đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Văn phòng Quốc tế Vụ tại Tập đoàn. Lại là một thách thức nữa với tôi, và việc đầu tiên là “dọn rác ở nhà mình trước”. Tôi nhanh chóng tìm hiểu và nắm bắt toàn bộ các vấn đề của nhà máy và nhận ra rằng, tại các công ty đầu não này “những nhân viên người Pháp của tôi đang ngủ gật còn ở bên kia bán cầu, cuộc chiến về giá thành và sản phẩm diễn ra vô cùng khốc liệt. Các hệ thống quản lý đang toan tính lợi nhuận của cá nhân và doanh nghiệp trên từng thời khắc. (...) Mỗi vấn đề chất lượng, kĩ thuật hằng ngày cứ như là một thử thách. Tại Pháp người ta chỉ làm việc 35 giờ/tuần với hai tháng “nghỉ hè” mỗi năm, người ta tán gẫu về các kỳ nghỉ tại nơi làm việc và tiếp tục muốn làm việc dưới 35 giờ.” Mặc dù nước Pháp tuyệt đẹp, nổi tiếng với rượu vang, những lâu đài và nền văn hóa đặc sắc nhưng tôi vẫn quyết định ra đi cùng với những hoài bão của mình. Đầu năm 2005, tôi quyết định quay về châu Á trong cương vị Giám đốc Chất lượng Hệ thống Tiêu chuẩn Kỹ thuật châu Á - Thái Bình Dương.
- Đôi giày bóng đá và giấc mơ chất lượng Việt Nam - Made in World.
Năm 2001, khi sang Pháp sống và làm việc, hội nhập với cuộc sống ở Pháp và tôi có tham gia vào một đội bóng địa phương. Một lần tôi vào một siêu thị tại Lyon để kiếm đôi giầy đá bóng. Tôi vẫn còn nhớ mình đã sửng sốt như thế nào trong cái siêu thị đó. “Đôi giày thứ nhất ‘made in China’ bán với giá 30 Eu, đôi giầy thứ hai do châu Âu sản xuất bán với giá 60-80 Eu, đôi giầy thứ ba rất đẹp giá 190 Eu, làm cho tôi rất thèm muốn có được nó vì nó đẹp và đường may rất tỉ mỉ, tôi mở ra và tôi sửng sốt made in Vietnam”. Một đôi giày đến từ Việt Nam lại được bày ở vị trí trang trọng nhất và có chất lượng tốt nhất! Giấc mơ chất lượng Việt Nam bắt đầu từ đó: “Chúng ta hoàn toàn có thể làm được những sản phẩm tốt, chất lượng phù hợp với tố chất của người Việt Nam nhưng vấn đề là chúng ta có tin là chúng ta làm được. Sự ngạc nhiên của tôi chính là vấn đề của tất cả chúng ta, chúng ta chưa tin vào khả năng của chính mình. Nhưng sự thật đã chứng minh, đôi giầy đó là một minh chứng là chúng ta có thể làm được”.
Những chuyến đi và làm việc tại nhiều nước trên thế giới đã cho tôi một cái nhìn khá rộng về vấn đề quản lý ISO của các nước trên thế giới và Việt Nam. Tôi nhìn thấy thế mạnh của Việt Nam chính là ở vị trí giao thoa giữa ngã ba đường. Với thế mạnh như vậy, làm thế nào để Việt Nam có thể đứng vững và thực hiện được giấc mơ của mình? Thương hiệu chất lượng sẽ góp phần thực hiện giấc mơ đó.
2. Giấc mơ chất lượng Việt Nam
Từ nhiều năm qua, những trăn trở trong lòng tôi đã dần dần hình thành nên một giấc mơ có thật, một giấc mơ “vượt được người” dựa trên nhiều bằng chứng cụ thể và trên cả những suy luận rất logic của không ít chuyên gia khác. Tôi đã nghiệm thấy rằng đất nước và con người Việt Nam dù bản sắc riêng không thật sự mạnh mẽ nhưng lại hội tụ hầu như đầy đủ tất cả những giá trị nổi bật của nhiều nền văn hóa, có nhiều điều kiện để hình thành được một “thương hiệu chất lượng toàn cầu” (MADE IN WORLD) chất lượng cao trong xu thế phát triển đa chiều của thời đại “toàn cầu hóa” (globalization) ngày nay.
So sánh với các nước trong vùng mà tôi đã gặp qua, khi mở cửa ra thế giới, Việt Nam ta có nhiều điểm thuận lợi có thể kể ra như sau:
- Ta tiếp thu căn bản những tinh hoa văn hóa phương Tây đã được người Pháp truyền đạt vào Việt Nam rất sớm. Chữ viết Việt Nam ngày nay sử dụng mẫu tự La-tinh giúp ta dễ tiếp cận và giao tiếp với phương Tây, thuận lợi hơn rất nhiều so với các “thổ ngữ” của Thái Lan, Ấn Độ và kể cả Trung Quốc. Một thực tế có thật là ngày nay nhiều chuyên gia phương Tây từ Pháp, Mỹ đều rất thích đến làm việc tại Việt Nam và dễ dàng hòa nhập với con người và văn hóa Việt hơn các dân tộc khác.
- Người Nhật Bản vốn là một dân tộc rất đặc trưng trong cung cách ứng xử và văn hóa công việc, đang đặt rất nhiều kỳ vọng trong việc hợp tác với Việt Nam. Cứ nhìn vào số lượng lớn các dự án đầu tư FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam trong những năm gần đây có thể cho ta một niềm tin về sự hợp tác tốt đẹp với cường quốc châu Á này. Tôi thì cho rằng người Nhật sở dĩ có nhiều thiện cảm với chúng ta là do rất trân trọng truyền thống anh hùng và ý chí của nhân dân Việt Nam qua các cuộc chiến tranh giữ nước.
- Các nước ASEAN từ nhiều năm nay đã xem Việt Nam là một thành viên quan trọng trong vùng và vị trí chiến lược về các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, thương mại của Việt Nam ở bản đồ Đông Nam Á càng làm tăng thêm tầm ảnh hưởng của chúng ta. Bản chất người Việt Nam lại rất dễ hòa nhập và linh động với nhiều đối tác khác nhau, nhất là nếu ta biết học tập các giá trị về chất lượng dịch vụ cao, năng động trong quản lý kinh doanh, công thương nghiệp từ các đảo quốc lân cận như Hong Kong, Singapore, đồng thời dựa trên nền tảng khá dồi dào của nguồn nhân lực, tài nguyên bản địa thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có một tương lai sáng sủa không hề thua kém bạn bè trong khu vực.
- Vấn đề lớn cuối cùng vẫn là mối quan hệ với Trung Quốc, người láng giềng hùng mạnh và đáng sợ nhất của Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. Qua các bài học về mở cửa sớm ra với phương Tây, chiến lược bùng nổ sản lượng và phát triển đón đầu công nghệ trong mấy thập niên qua, có lẽ nào Việt Nam vẫn sẽ luôn là cái bóng, mãi lẽo đẽo đi sau người bạn lớn Trung Quốc nếu không tạo được đột biến đặc biệt. Tôi cho rằng việc ta giải quyết được thành công các mối quan hệ với Trung Quốc trên mọi lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, mậu dịch chính là những yếu tố quyết định cho chiến lược phát triển của Việt Nam. Ta phải biết phát huy được những thành tựu của Trung Quốc, đồng thời cần tránh những bài học xương máu từ thất bại của họ. Nhưng quan trọng nhất là ta phải có những định hướng chiến lược riêng, mà chỉ với đặc thù của Việt Nam sẽ phát huy hiệu quả cao. Đó là những đặc thù của riêng ta mà Trung Quốc và các quốc gia khác không có được.
- Thông qua các tập đoàn đa quốc gia: Trong chuyến công du Úc châu vào năm 2006, tôi đi cùng với ông Etienne Laude, lúc đó đang là Logistic Director - Tổng Giám đốc phụ trách tái thiết kế toàn bộ hệ thống vận chuyển, kho bãi của Tập đoàn Schneider trải dài từ châu Âu đến châu Á và châu Đại Dương, để hỗ trợ về chất lượng, đảm bảo sự thống nhất của nhiều quy trình quản lý trong hệ thống chất lượng ở các nơi. Tôi lại có dịp trao đổi với ông về những kinh nghiệm và về nội dung chính của cuốn sách này trong suốt chuyến bay. Những chia sẻ của người đồng nghiệp đáng tin cậy nhất này đã giúp tôi càng thêm vững tin thêm về giấc mơ chất lượng của mình. Khi tôi hỏi ông về những cái “nhất” của một hệ thống trong kinh nghiệm công việc đã qua, ông Laude không ngần ngại đáp rằng: “Một hệ thống công tác tốt nhất là một hệ thống phải có đủ khả năng ứng phó với mọi tình huống xấu nhất và luôn có những lời giải đáp thích hợp nhất cho mỗi khách hàng. Với xu hướng toàn cầu hóa tất yếu như hiện nay, tốt nhất ta phải có một đội ngũ chuyên viên đa ngành (the mix-team) từ nhiều thành phần văn hóa, kinh nghiệm khác nhau”. Từ cuộc trò chuyện với ông Laude, tôi nghiệm ra rằng nếu có được một tập hợp gồm nhiều chuyên viên cao cấp đa quốc tịch, có kinh nghiệm sống và làm việc “lang thang” từ nhiều quốc gia, nhiều vùng lãnh thổ như chúng tôi và những chuyên gia Việt kiều khác, kết hợp cùng sự lãnh đạo sáng suốt, với sức trẻ và nội lực trong nước, thì liệu có thể nào vực dậy đất nước Việt Nam thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu được chăng?
Đặc thù chiến lược của Việt Nam và cũng là “giấc mơ chất lượng” mà tôi thường ấp ủ, chiêm nghiệm và hướng tới trong bài này chính là điều vừa đề cập trên đây: Xây dựng một thương hiệu chất lượng toàn cầu (MADE IN WORLD) nhưng cũng là “Một thương hiệu Việt Nam - chất luợng cao” trong mắt bạn bè và khách hàng toàn thế giới. Làm sao để trong 10, 20 năm nữa, khi một nhãn hiệu “made in Vietnam” xuất hiện trên thị trường cũng đồng nghĩa với giá trị chất luợng cao, uy tín và có đặc thù nổi trội khác hẳn những nhãn hiệu “sàn sàn bậc trung” theo chính sách không cần đồ tốt chỉ cần hợp túi tiền của Trung Quốc, hay như những mặt hàng chỉ hoàn toàn mang tính gia công, nô dịch của các quốc gia Đông Nam Á khác.
Tôi cũng đã nhìn thấy ở đây đó trong nhiều năm qua, một cơ hội lớn khác của thương hiệu Việt Nam là thông qua các tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh (bằng nhiều hình thức liên doanh, liên kết) giới thiệu được những sản phẩm mang tính tiêu chuẩn hóa và toàn cầu hóa cao, những hệ thống chất lượng hiệu quả, đáng tin cậy, những dịch vụ hậu mãi rất thoáng, linh động và thật sự đặt quyền lợi của khách hàng lên trên hết. Những thương hiệu Việt Nam như thế cần biết tập trung vào các thế mạnh của mình (như đã phân tích ở trên: những ngành công nghiệp có kỹ năng lao động và công nghệ cao) và cũng phải biết cách quảng bá cho hình ảnh chất lượng tích cực của thương hiệu Việt Nam, sản phẩm chất lượng tốt, có tính thẩm mỹ cao kèm theo nhiều dịch vụ linh động với những nhân viên vừa cầu tiến, vừa dễ mến, biết làm vừa lòng khách hàng và luôn có những giải pháp thông minh trong mọi tình huống khác nhau. Một “giấc mơ chất lượng” như thế hy vọng sẽ góp phần đưa đất nước Việt Nam tự khẳng định mình để mạnh mẽ tiến lên phía trước trong vận hội của thời đại mới.
3. Dự án “Best in Class, Vươn đến đỉnh cao ” - Bộ Khoa học và Công nghệ và những thách thức - Linh hồn của chương trình BiC là R&D
Sau gần 18 tháng thí điểm BiC tại hai tập đoàn lớn ở Việt Nam là Gạch Đồng Tâm và FPT, chuyên gia tập trung vào hai Module quan trọng nhất của BiC là Thiết kế và Phát triển sản phẩm (Module 3) và Triệt tiêu lỗi phản hồi từ khách hàng (Module 7). Tỷ lệ Lỗi (Defect) và Chi phí phí phạm (NQC - Non Quality Cost) trong các doanh nghiệp Việt Nam cao gấp 20 lần các nước tiên tiến. Trung bình NQC của Gạch Đồng Tâm cho lô hàng loại 1 là 20% trong khi của Tập đoàn Schneider Electric là 1% và của Toyota là 0,4%.
Chuyên gia BiC đã nhận diện ra điểm yếu nhất trong giá trị cốt lõi của vấn đề Năng suất Chất lượng Việt Nam là khâu Thiết kế và Phát triển sản phẩm (R&D) - phải làm lại thật tốt khâu này, từ đó mới chuyển qua một hệ thống sản xuất tốt nhất, liên tục cải tiến để triệt tiêu các nguy cơ trên Lỗi sản phẩm (Defect) và Chi phí phí phạm (NQC - Non Quality Cost) nhằm nâng cao giá trị cạnh tranh và phục vụ khách hàng tốt hơn.
Theo thống kê tại Gạch Đồng Tâm và FPT cũng như kinh nghiệm ở nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trên thế giới, tỷ lệ nguyên nhân cốt lõi (Rootcause) của Lỗi (Defect) trên sản phẩm bị khách hàng trả về (Customer Return) là: 40% từ Thiết kế và Phát triển sản phẩm (R&D), 30% từ nguồn Linh kiện bên ngoài (supplies & supplier), 15% từ Quá trình sản xuất (Production) và 15% từ các áp dụng của Khách hàng (customer mis-use).
- Bài học từ BiC và các vấn đề Việt Nam cần quan tâm
Cần có Chương trình Quốc gia để hướng dẫn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam về Thiết kế và Phát triển sản phẩm theo đúng bài bản của các nước tiên tiến. Mỗi doanh nghiệp cần thành lập Trung tâm Thiết kế (R&D) làm đầu não cho việc phát triển sản phẩm.
Qua dự án BiC cho thấy: ngay cả những Tập đoàn kinh tế và sản xuất lớn như Gạch Đồng Tâm và FPT mà vẫn chưa có Trung tâm Thiết kế và Phát triển sản phẩm một cách bài bản và vẫn loay hoay, bế tắc với các Quy trình thiết kế rời rạc, chủ yếu nằm trong các phòng Công nghệ của các nhà máy, các dự án thì không thể phát triển bền vững được.
Trung tâm Thiết kế và Phát triển sản phẩm với các Công cụ Chất lượng và Khoa học công nghệ tiên tiến như QFD, DFMEA, PFMEA, OFE,... sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam hoạch định và tổ chức tốt nhất các chuỗi quy trình sản xuất một cách Phòng ngừa (preventive) và Thấu trí (Proactive) hơn là thụ động và phản ứng yếu ớt với các vấn đề của khách hàng (Re-active).
Các công cụ tiên tiến của BiC như Quality Functional Development (QFD) có thể giúp lượng hóa các thông tin phản hồi từ khách hàng (VOC - Voice of Customer) thành các tiêu chí quan trọng về kỹ thuật và chất lượng (CTQ - Critical to Quality) để kiểm soát và cải tiến trong thiết kế và sản xuất.
- Kiến nghị Bộ Khoa học Công nghệ: Cho phép thành lập Viện nghiên cứu Thiết kế và Phát triển sản phẩm Quốc gia. Trong đó việc nghiên cứu các công cụ chất lượng và khoa học công nghệ của BiC sẽ giữ vai trò tiên phong trong việc hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đi đúng hướng trong việc Thiết kế và Phát triển sản phẩm tốt ngay từ đầu và từng bước thành lập các Trung tâm Thiết kế và Phát triển sản phẩm thật bài bản cho doanh nghiệp.
III. Chiến lược định vị Việt Nam là trung tâm của ASEAN và thế giới
1. Phát huy nội lực bằng hạ tầng công nghệ thông tin (ICT) và đẩy mạnh các ngành mũi nhọn như du lịch và nông nghiệp
- Chiến lược ICT làm hạ tầng thông minh của kinh tế tri thức
Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) là hạ tầng của mọi hạ tầng: Trong quá trình tiến vào nền kinh tế tri thức, mỗi quốc gia tiên tiến đều xây dựng các hạ tầng thông minh trên nền tảng, cơ sở của một số hệ thống cốt lõi - gồm các cấu trúc hạ tầng, các mạng lưới thông tin và truyền thông (TT&TT) và công tác môi trường - xem như các yếu tố trung tâm để điều hành và phát triển đất nước, cụ thể là: các dịch vụ công, khối doanh nghiệp, công dân, giao thông vận tải, thông tin truyền thông, nước và năng lượng.
Các quốc gia phát triển luôn biết cách xây dựng cho mình các hệ thống hạ tầng có khả năng tự biến đổi, điều chỉnh và tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực phù hợp nhất. Khó khăn mà các quốc gia phải đối mặt là sự chồng chéo, đan xen nhau của các hệ thống cho thấy rằng giải quyết các vấn đề tối ưu hóa không hề đơn giản. Bên cạnh đó, còn rất nhiều thách thức buộc các quốc gia phải có những mục tiêu cụ thể để phục vụ cho công dân của mình. Họ phải phấn đấu tạo ra một môi trường lành mạnh, nhân ái và an toàn cho cư dân. Họ cũng phải cố gắng trong việc thu hút kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp làm ăn phát đạt trong một nền kinh tế cạnh tranh mang tính toàn cầu, cũng như trách nhiệm cung ứng một cơ cấu hạ tầng thông minh, hữu hiệu phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững.
Mô hình Smart Planet (IBM, 2010)
Tầm nhìn ICT: là Hạ tầng thông minh của Kinh tế tri thức
Để đạt được những kết quả đó, các hệ thống quốc gia phải được vận hành đồng bộ, cải tiến liên tục, phải luôn hiệu quả hơn và thông minh hơn. Trong bối cảnh đó, sự lan tỏa của ngành công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông có những khả năng thần kỳ giúp đáp ứng các nhu cầu này và đẩy mạnh nền kinh tế tri thức, phục vụ cho lợi ích quốc gia qua việc sử dụng công nghệ cao ICT theo các bước như sau:
- Số hóa (Instrumentation/Digitization): tin học hóa toàn bộ hệ thống công việc, điều hành của một quốc gia, chuyển tất cả các hoạt động thành những dữ liệu và đo đếm được. Vào năm 2010, đã có khoảng 1 tỷ giao dịch số (bán dẫn), làm cơ sở phát triển của kỷ nguyên số cho mỗi con người trên trái đất.
- Liên thông (Interconnection): toàn bộ các bộ phận của các hệ thống cốt lõi quốc gia có thể nối kết, thông tin và trao đổi được với nhau. Biến đổi các dữ liệu thành những tập thông tin liên lạc, đồng bộ và kiểm soát được.
- Tri thức hóa (Intelligence): khả năng sử dụng các tập thông tin quốc gia đã được tạo ra để phục vụ cho việc sáng tạo, mô hình hóa và chuyển chúng thành tri thức tiên tiến, hiện đại. Tiến hành các hành động cụ thể để biến các sản phẩm ICT nhằm phục vụ cho nhu cầu phát triển của con người.
2. Do Thái và bài học “ba trong một”
Trong một dịp hiếm hoi cùng Đặng Lê Nguyên Vũ (Cà phê Trung Nguyên) tiếp xúc với các chuyên gia chiến lược gốc Do Thái của Trung Nguyên, tôi thích thú với một ý kiến của phía bạn cho rằng: Tại sao Việt Nam cứ phải sợ Trung Quốc nhỉ?
Họ nói: “Các bạn có gần 100 triệu dân, sức trẻ, tài nguyên và 3.000 km bờ biển tuyệt đẹp, có gì phải sợ họ. Hãy nhìn chúng tôi lọt thỏm trong một vùng đất nhỏ chỉ có 7 triệu dân Do Thái, vây chung quanh là 350 triệu người Hồi giáo thù địch, coi chúng tôi là kẻ thù sinh tử, cả phụ nữ và trẻ em của họ cũng sẵn sàng đánh bom cảm tử. Nhưng người Do Thái chúng tôi luôn biết nắm quyền chủ động và có cách chế ngự họ đấy. Tôi nhắc lại là ngoài dân số ít hơn kẻ thù nghịch đến 50 lần, và chúng tôi còn vướng vấn đề tôn giáo còn nguy hiểm hơn các bạn rất nhiều lần.”
Sau này khi ngẫm nghĩ sâu hơn sau nhiều cuộc thảo luận về những luận điểm Tam Nông của các chuyên gia Do Thái cung cấp cho Trung Nguyên, tôi hiểu thêm rằng mỗi người dân Do Thái là một sự tổng hợp “ba trong một” của tinh thần công dân: nông dân, chiến binh và doanh nhân. Và hiệu quả cũng như năng suất trong mỗi dự án, chiến dịch mà người Do Thái đã đạt được thật quá sức tưởng tượng, đáng học hỏi. Chỉ riêng ngành nông nghiệp của Do Thái đang có giá trị hiệu quả gấp 100 lần Việt Nam với đầu tư tối đa khoa học công nghệ tiên tiến cho những mảnh đất vốn khô cằn của vùng sa mạc. Phải chăng chúng ta nên nghiên cứu và suy ngẫm thêm về trường hợp hệ tư tưởng của Do Thái để tự cởi trói mình về văn hóa và tư tưởng dân tộc?
Hơn 30 năm qua, họ đã biết tận dụng tốt nhất những ứng dụng, thành tựu khoa học công nghệ và các giải pháp công nghệ thông tin toàn cầu vào nông nghiệp. Hệ thống tưới tiêu, phân bón được tự động hóa, điều khiển bằng hệ điều hành công nghệ cao có thể linh động gia giảm lưu lượng theo phân tích, thống kê chính xác của công nghệ thông tin. Công nghệ sinh học, biến đổi gen, tối ưu hóa chất lượng nông sản bằng công nghệ cao, hướng đến năng suất tốt nhất trên giới hạn của thổ nhưỡng. Công tác đóng gói, lưu trữ, chế biến, đông lạnh sản phẩm cũng vào cuộc với những ứng dụng hiện đại nhất, thông minh nhất. Tất cả những ứng dụng khoa học công nghệ đó đã góp phần quan trọng biến nền nông nghiệp của Do Thái thành lực lượng quan trọng đem lại giá trị cao cho GDP và biến nhiều cái không thể thành có thể giữa vùng sa mạc.
Suy người để nghĩ đến ta, chiêm nghiệm để thấy rõ hơn lời giải và các hướng đi cho khoa học công nghệ nước nhà. Ngày nay với lực lượng khá hùng hậu của hơn 4 triệu kiều bào đang làm ăn sinh sống tại nhiều nước trên thế giới, nhiều nhất vẫn là ở Mỹ, Úc và các nước Tây Âu phát triển, thì một định hướng tư tưởng mới với tư duy tiến bộ, dung hòa được nhiều luồng tư tưởng của thời đại, sẽ là phù hợp hơn cả để ta có thể tận dụng tối đa nguồn lực từ bên ngoài đó cho công cuộc phát triển đất nước...
3. Định vị Việt Nam thành trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của thế giới
- Bám lấy truyền thống, tiến lên hiện đại
Nhật Bản sau chiến tranh đã đưa ra khẩu hiệu phát triển đất nước vô cùng quan trọng “Kỹ nghệ phương Tây, hồn Nhật Bản” để giữ vững tinh thần dân tộc.
Chúng ta cần nhận diện thật rõ đâu là điểm mạnh của bản sắc văn hóa, lịch sử và truyền thống của con người Việt Nam để từ đó đưa ra một định hướng chiến lược phù hợp nhất. Trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Việt Nam đã là trái tim của nhân loại. Sau chiến tranh gần 40 năm, chúng ta đã đánh mất quá nhanh tình cảm đó vì nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, và cũng vì chính chúng ta đã không ý thức được tầm quan trọng và giá trị vô biên của việc trở thành một trung tâm thế giới.
Phải nhìn nhận rằng qua bao cuộc bể dâu, dù trong thế yếu chống mạnh, người Việt luôn nêu cao truyền thống của tinh thần Nhân nghĩa làm nền tảng:
“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân mà thay cường bạo.”
(Cáo bình Ngô, Nguyễn Trãi, 1428)
Vị trí địa lý, lịch sử đã trao vào tay Việt Nam một cơ hội đứng lên lãnh đạo khối ASEAN. Chúng ta đã mất nhiều cơ hội và lần này chỉ có dũng khí của kẻ có tầm nhìn xa, dám đương đấu để nhận lấy trọng trách lớn, mới biết nắm bắt lấy cơ hội này. Muốn như thế, thì Việt Nam phải phát huy tối đa sức mạnh chính trị của vị trí Tổng thư ký ASEAN và người nắm trọng trách này phải thật sự có tài thao lược, có tầm nhìn lớn.
Trên thế giới có những trung tâm kinh tế, chính trị toàn cầu như Hong Kong (Trung Quốc), Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất), Jerusalem (Israel), Geneva (Thụy Sĩ), Singapore,... không hẳn đã có nhiều lợi thế về địa chính trị, lịch sử, xã hội hơn Sài Gòn, Hà Nội của Việt Nam mà chủ yếu là do họ có những chiến lược định vị trung tâm rất đúng đắn, tầm nhìn dài hạn. Khi tất cả các vec-tơ tương tác trong các mối quan hệ toàn cầu từ các dòng tiền của giới đầu tư vào những vấn đề kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ, công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, chuỗi phân phối, du lịch, văn hóa, nghệ thuật, khoa học, sáng tạo... cho đến các đầu mối quan hệ trong những vấn đề toàn cầu như khủng hoảng năng lượng, lương thực, chiến tranh, hòa bình, y tế, biến đổi khí hậu, môi trường đều hướng đến Việt Nam, khi đó Việt Nam sẽ hùng mạnh và an toàn hơn bao giờ hết. Chỉ khi nào chúng ta ý thức được điều đó và dám đề ra một chiến lược cụ thể để định vị Việt Nam trở thành một trung tâm quan trọng của thế giới, khi đó đất nước ta mới có thể ngẩng cao đầu và thật sự thoát ra khỏi kiếp nô lệ từ trong tư duy, tiềm thức của dân tộc.
Định vị Việt Nam trước tiên có thể làm ngay là định vị lại thương hiệu Việt. Hai chữ “Việt Nam” hiện nay trên Google Search đang có giá trị thương hiệu lớn gấp nhiều lần những nước khác trong khu vực hoặc có diện tích, dân số tương đương. Điều đó một phần nhờ những ánh hào quang của Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ vừa qua. Chúng ta phải biết nhanh nhanh tay tận dụng thương hiệu Việt trước khi thế giới quên lãng chúng ta, bằng những giá trị chất lượng và sự khác biệt trong từng sản phẩm, dịch vụ.
“Chỉ khi nào chúng ta thật sự mạnh về văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội thì an ninh quốc gia mới được đảm bảo.”
Tài liệu tham khảo
• Thái Hòa: Hành trình văn hóa ISO và giấc mơ chất lượng Việt Nam, NXB Trẻ, TP. HCM, 2006.
• Chương trình VTV1: Người đương thời và giấc mơ chất lượng Việt Nam, 8/2007 - Sách CEO China và mô hình giáo dục từ CEIBS Thượng Hải, 2007 - Bộ Khoa học - Công nghệ:
Chương trình BiC “BEST IN CLASS, VƯƠN TỚI ĐỈNH CAO (2008-2010)”.
• Hồ sơ Báo cáo dự án BiC.
• Thư gởi Ngài Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ.
• Biến giấc mơ thành hiện thực dự án Best in Class.
• Báo cáo từng Module BiC.
• Báo cáo BiC của Gạch Đồng Tâm (Long An).
• Báo cáo BiC của Fsoft TP. HCM (FPT).
Nguyễn Hữu Thái Hòa