Hãy nói thật và ngẩng cao đầu!
Việt Nam ta đã và vẫn đang là “nước nhỏ”
Cá nhân tôi nghĩ là “nhỏ”. Tôi nghĩ là chúng ta, từ Đảng, Nhà nước cho đến người dân nên công nhận sự thật này, dù cho nó có phần phũ phàng, làm chúng ta đau lòng. Và nếu như lâu nay chúng ta không nghĩ như vậy, hãy cho phép mình một chút buồn, nhưng rồi phải ngẩng cao đầu lên với một quyết tâm: Không thể chấp nhận nó!
Công nhận nhưng không chấp nhận, để rồi từ đó tạo ra sự đột phá trong tư tưởng và trong hành động, đó là cái mà đất nước Việt Nam ta cần làm vào thời điểm lịch sử “Vận hội mới - Tầm nhìn mới” này.
Không có gì phải hổ thẹn khi nhận mình là “nhỏ”, vì trong thế giới này vẫn còn không ít các “nước nhỏ”, và chúng ta lại có những hoàn cảnh lịch sử riêng. Nhưng tâm tư, nguyện vọng của chúng ta và dân tộc là muốn Việt Nam phải trở thành một “nước to”, nếu không đã chẳng đặt ra câu hỏi to - nhỏ làm gì. Còn đã đặt ra câu hỏi thì phải tìm được câu trả lời đúng, để rồi từ đó mà hành động cho đúng. Câu trả lời sai dễ dẫn đến việc chúng ta tự tâng bốc mình, tự thỏa mãn với mình, với vòng nguyệt quế tự quấn rồi tự đặt lên đầu mình chứ không phải do thế giới trao tặng. Nếu như chúng ta “to” mà nhận mình là “nhỏ” thì hậu quả cũng chẳng sao, nhưng nếu là “nhỏ” mà nhận mình là “to” thì sẽ là đại họa, không bao giờ thực sự “to” lên được.
Về những cái cần phải có để Việt Nam ta có thể được coi là một “nước to”, nhưng tiếc là chúng ta lại không có hoặc ít có, tôi thấy thế này:
Trong toàn bộ lịch sử của đất nước, Việt Nam chưa bao giờ được thế giới biết đến như một nước giàu có, thịnh vượng. Nước ta không nằm trong hành trình “Con đường tơ lụa”, chưa sản xuất được cái gì đặc sắc với sản lượng lớn và có lợi thế mậu dịch hơn so với các nước khác. Nhìn chung, lịch sử kinh tế của chúng ta chủ yếu là trồng lúa và đủ ăn, cho đến tận gần đây mới trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới, nhưng giá trị xuất khẩu cũng chưa phải là lớn đối với một quốc gia.
Với GDP hơn 50 tỉ USD/năm, Việt Nam vẫn đang là nền kinh tế nhỏ, tỷ trọng và ảnh hưởng của nó đối với kinh tế thế giới chưa đáng kể.
Bình quân thu nhập quốc dân trên đầu người trên 600 USD đặt Việt Nam vào danh sách các nước nghèo nhất thế giới. Dân số hơn 80 triệu người là “to” (không nhiều nước có tới ngần ấy dân đâu!) nhưng đông dân mà nghèo thì dĩ nhiên là “nhỏ”.
Trong lịch sử, Việt Nam chưa có một nhà công nghiệp nào nổi tiếng thế giới. Sau “thành tựu xe công nông Bông Sen đầu máy quay ngang”, công nghiệp Việt Nam đến thời điểm hiện tại mới bắt đầu phát triển bằng việc ứng dụng các máy chủ, công nghệ nước ngoài, sản phẩm lắp ráp vẫn là chủ yếu, sản phẩm công nghiệp có tính cạnh tranh của Việt Nam chưa có bao nhiêu. Công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ của Việt Nam so sánh với các nước trong ASEAN đã yếu rồi, so với toàn thế giới thì còn yếu hơn nữa. Nói chung, Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào nổi tiếng thế giới. Sân bay, cảng biển, đường cao tốc, đường sắt quốc tế... là những cánh cổng của một đất nước nối với thế giới, để một đất nước ảnh hưởng đến thế giới, những thứ này của chúng ta quá nhỏ bé, hầu như chưa tham gia vào các hoạt động khu vực và toàn cầu.
Việt Nam cũng chưa có gì đáng tự hào về khoa học. Chúng ta hay lấy số giải thưởng thi toán, lý, hóa... quốc tế làm thành tựu, nhưng có nhà toán học, nhà vật lý, nhà hóa học kiệt xuất nào trên thế giới thi và đoạt giải thưởng tại các kỳ thi quốc tế này đâu? Đội Robocon Việt Nam thắng Robocon Nhật Bản đâu có nói lên trình độ tự động học của Việt Nam cao hơn Nhật Bản?
Về nền giáo dục hiện nay của Việt Nam, rất buồn nhưng cũng phải nói: chúng ta đã làm không biết bao nhiêu là cuộc “thí điểm”, cho ra lò các “sản phẩm thí điểm” chẳng ra làm sao. Tốn kém bao nhiêu tiền của, công sức nghiên cứu để rồi kết luận: “Đến năm 2020, Việt Nam mới có trường đại học đẳng cấp quốc tế” thì thật là vô trách nhiệm! Nếu đúng như vậy thì ta phải trải thảm đỏ mời ngay một số trường đại học tốt của các nước vào nước ta mở trường, ta phải tài trợ tiền cho một số con em giỏi vào học tại các trường đó, chứ làm sao đang tâm ngồi chờ đến tận năm 2020 dăm ba trường Việt Nam mới tạo ra được một ít “sản phẩm đẳng cấp quốc tế”? Không hiểu sao tôi thấy sợ văn hóa “Kính chuyển năm 2020” của chúng ta đến thế! Và tôi xin cám ơn anh Lê Hoàng vì lời thỉnh cầu của đứa trẻ: “Mẹ ơi, con muốn ngoan ngay bây giờ!”. Đất nước ta không thể nào “to” lên với những người không làm được việc nhưng không chịu để cho người khác làm, cái gì người dân mong mỏi, bức xúc thì “chuyển năm 2020” như vậy được!
Có thể kể ra rất nhiều thứ khác mà đất nước chúng ta không có hoặc có rất ít.
Tuy Việt Nam ta cũng có những mặt mạnh như lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng thắng giặc ngoại xâm... nhưng tất cả những mặt mạnh đó vẫn chưa thể làm cho Việt Nam trở thành một “nước to” trong tương quan quốc tế.
Tiềm lực kinh tế của một quốc gia đóng vai trò quyết định đối với nhiều thứ khác: quân sự, khoa học - kỹ thuật, giáo dục, văn hóa, ngoại giao... Mặt khác, sự phát triển của các lĩnh vực sau trong nhiều trường hợp cũng là để phát triển kinh tế, làm giàu cho nước, cho dân. Để trở thành một “nước to”, nước ta và dân ta phải giàu. Giàu chưa chắc đã là “to” (còn cần mặt tinh thần, văn hóa nữa), nhưng để “to” được thì điều kiện đầu tiên là phải giàu.
Làm gì để Việt Nam ta trở thành một “nước to”?
Nói thì có vẻ duy tâm, nhưng để cho nước giàu, dân giàu, phải bắt đầu đột phá từ tư tưởng, văn hóa và đạo đức. Như người ta nói nhiều ở Trung Quốc - phải giải phóng tư tưởng, hay như ông Chu Dung Cơ nói: “Nào, từ nay ta hãy nói thật đi!”. Ở các nước văn minh thì cả năm người ta nói thẳng, nói thật, đến mức phải sinh ra “ngày Cá tháng Tư” để được quyền nói xạo, nói dối mà lương tâm không bị cắn rứt. Còn ở ta thì nói- không-thật hoặc không-nói-thật gần như trở thành một nếp sống, một nếp ứng xử, tương đối phổ biến, rồi từ đó cũng làm- không-thật hoặc không-làm-thật. Có hiện tượng buồn cười: nhiều bài viết của các cụ về hưu gây xôn xao dư luận, nhưng khi còn đương chức thì... chẳng thấy các cụ viết như thế, nói như thế vì lúc đó ngại cấp trên. Cũng rất con người thôi!
Nhiều khi cái-tập-thể to quá, nặng quá, đè bẹp hết cái-cá- nhân, người ta thấy nói thật chẳng được gì, có khi tai bay vạ gió, mang vạ vào thân. Do vậy, cần phải có cơ chế thực sự dân chủ và tự do, cơ chế bảo vệ cho cái-cá-nhân, cái-thiểu-số tích cực. Để trở thành một ý tưởng, quan điểm tập thể tốt, nó trước hết phải là ý tưởng, quan điểm của cá nhân ai đó, ban đầu chưa chắc đã dễ nghe và thuyết phục; nếu như nó bị “giết” ngay từ trong đầu người thì làm sao đất nước ta biết nhiều cái tốt đáng làm? Xã hội nào cũng có những kẻ cơ hội, nhưng thật nguy hiểm nếu những kẻ cơ hội được xã hội dung dưỡng.
Tôi xin lỗi những người thẳng thắn, nhưng xã hội ta lắm khi làm cho con người nhút nhát, hèn đi, nhiều khi sợ những thứ vô lý. Như ba tôi là đại tá về hưu, thương binh chiến tranh chống Mỹ, vào sinh ra tử không sợ, nhưng nay có việc phải ra ủy ban phường, công an phường là sợ. Sợ vì ở không ít nơi như thế người ta không vì dân, thậm chí người ta hành dân, ông ngại tiếp xúc để rồi cảm thấy bị tổn thương, lòng tin vào chế độ bị sứt mẻ, thấy buồn rồi bỏ ăn ốm người. Ba tôi đã về hưu, chứ những người đang làm việc thì chắc chắn có nhiều cái để mà sợ hơn.
Về đạo đức xã hội, chúng ta nghĩ gì khi đọc trên báo chí về việc một số người dân từ năm này qua năm khác rải đinh ra đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ để có cơ hội vá xăm xe máy lấy 10.000 đồng? Về việc tranh chấp nhau một cái ve chai mà trẻ nhỏ rút dao đâm nhau chết (dao luôn để sẵn trong người)? Về việc người trong gia đình tranh chấp nhau vài chục centimét đất hàng rào mà gia đình tan nát? Ngay cả vào những năm tháng nghèo khó nhất trong chiến tranh và sau chiến tranh, ở nước ta hiếm có những chuyện buồn như thế.
Tôi đã có dịp đi hơn 50 nước trên thế giới, tôi sợ nhất ở Việt Nam là cái hàng rào. Hàng rào kiên cố, cắm đầy mảnh chai và những mũi sắt nhọn hoắt (đôi khi còn có cả dây thép gai) giữa hai căn nhà, giữa hai cơ quan. Ở người ta thì giữa các căn nhà tư chỉ là hàng cây nhỏ, giữa các cơ quan hay các tòa nhà thương mại liền kề ít khi có hàng rào mà thường là không gian chung và hành lang đi bộ nối liền, ta có thể đi suốt cả mấy cây số từ nhà này sang nhà khác mà chẳng có hàng rào hay barie nào cả. Điều này quan trọng chăng? Tôi nghĩ là hình ảnh những cái hàng rào, barie mà chúng ta nhìn thấy nhan nhản mọi nơi, từ ngày này sang ngày khác, năm này sang năm khác tạo ra trong đầu chúng ta những hàng rào, barie tâm lý hết sức nguy hiểm, cản trở con người đến với nhau, hợp tác với nhau, dẫn đến nếp nghĩ và lối sống hạn hẹp, ích kỷ. Tôi cũng sợ cả văn hóa ba mét mặt tiền, văn hóa xe máy và những hậu quả của chúng đối với tư duy và hành vi con người. Ở các nước nghèo hơn ta, ít nước có hai thứ văn hóa này.
Để dân giàu, nước mạnh, song song với những thay đổi đột phá về tư tưởng, văn hóa và đạo đức, tất yếu phải có những sự đột phá về chính sách kinh tế. Việc xây dựng, phát triển các tập đoàn kinh tế Nhà nước mạnh là cần thiết, nhưng sự thịnh vượng, giàu có của đất nước và người dân nước ta sẽ không nằm ở các tập đoàn kinh tế này, mà ở hàng trăm nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc sở hữu hỗn hợp (Nhà nước và nhân dân) hoặc sở hữu tư nhân. Hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu doanh nghiệp này sẽ là nơi tạo ra giới chủ nhân doanh nghiệp biết tính toán kinh doanh để làm giàu cho doanh nghiệp và cho bản thân, là nơi tạo công ăn việc làm và thu nhập cho phần đông người lao động trong xã hội và đảm bảo cuộc sống cho gia đình của họ.
Tuy nhiên, đường lối kinh tế và cơ chế thực hiện ở nước ta chưa phản ánh rõ ràng quan điểm này. Vì vậy, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước ở nước ta diễn ra hết sức chậm chạp; môi trường, điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân chưa thuận lợi và chưa thực sự bình đẳng với các doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là khi có sự cạnh tranh, tranh chấp giữa các thành phần kinh tế này. Nhà nước dẫu sao vẫn còn bảo hộ doanh nghiệp Nhà nước. Mà như thế là chưa thực sự đổi mới tư tưởng kinh tế, mục tiêu làm cho dân giàu, nước mạnh còn bị cản trở. Rào cản này cần sớm dỡ bỏ. Đó là chưa kể đồng vốn phải có chủ, nhưng “ông chủ Nhà nước” mông lung lắm, kiểu quyền và lợi ích cá nhân, trách nhiệm tập thể như lâu nay không được. PMU 18 là trường hợp cụ thể, nhưng qua đó ta phải nhìn ra được lỗi thiết kế hệ thống và tập trung sửa cái gốc, chứ không phải chỉ cắt cái ngọn sâu. Không sửa gốc thì cắt ngọn sâu này, cây lại mọc ra ngọn sâu khác thôi.
Hệ thống luập pháp của chúng ta có nhiều tiến bộ, nhưng kiểu xây dựng và ban hành luật cũng chưa thật ổn, những đại biểu Quốc hội chuyên trách, am hiểu về xây dựng luật còn ít quá, các dự thảo luật do cơ quan hành pháp làm là chính. Vì thế, có nhiều đạo luật tạo dễ dàng cho cơ quan quản lý mà gây khó cho người dân. Quan điểm luật cũng có những điểm phải bàn: ở các nước, lỗi vượt đèn đỏ là một trong những lỗi nặng nhất, vì “đèn xanh - đèn đỏ” là nguyên tắc cơ bản nhất của trật tự giao thông, dân mà không tuân thủ thì rối loạn, ách tắc hết đường sá, thấy đèn xanh vẫn phải giảm tốc độ, dè chừng có người vượt đèn đỏ, nhưng Việt Nam ta phạt nhẹ. Nhiều đạo luật chỉ “sống” được trên dưới 10 năm rồi lại phải thay toàn bộ bằng bộ luật mới. Cầu thị để hoàn thiện luật là tốt rồi, nhưng đồng thời phải tìm cách làm sao cho luật chúng ta có chất lượng và sức sống lâu hơn.
Cũng như những người khác tham gia diễn đàn “Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?”, tôi không thể đưa ra được cẩm nang nào để Việt Nam trở thành một “nước to”. Tôi chỉ xin đóng góp góc nhìn của một công dân, đề cập đến một số vấn đề mà tôi tin rằng sẽ còn phải nghiên cứu và trao đổi tiếp, cá nhân một người không dễ gì tìm ra được điểm chân lý. Tôi nghĩ, để đi tới chân lý, mọi ý kiến công dân đều bổ ích.
Lương Hoài Nam