Sáng 31/3, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp mở rộng. Đây là cuộc họp lịch sử bàn về đòn chiến lược thứ ba, đòn cuối cùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy. Hội nghị nhất trí nhận định những nhân tố mới đã xuất hiện rõ nét trong trận Đà Nẵng. Ta hơn hẳn địch cả về thế chiến lược lẫn lực lượng quân sự, chính trị. Dù Mỹ có tăng viện cũng không thể cứu vãn ngụy sụp đổ. Bộ Chính trị khẳng định quyết tâm thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất. Cách mạng nước ta đang phát triển với nhịp độ “một ngày bằng hai mươi năm”. Phải hành động “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”. Phải tiến công ngay lúc địch hoang mang, suy sụp.
Ngày 29/3/1975, Trung ương Cục miền Nam ra Nghị quyết 15-TWC nêu rõ: “... Cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam không những đã bước vào thời kỳ phát triển nhảy vọt mà thời cơ chuẩn bị để tiến hành cuộc Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa vào sào huyệt của địch cũng đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu, nhằm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà”.
Ngày 14/4/1975, thể theo đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến dịch và nguyện vọng của đồng bào, chiến sĩ cả nước, trong bức điện số 37 TK, đồng chí Bí thư Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính trị đã đáp ứng kịp thời ý nguyện thiết tha và thiêng liêng: “Đồng ý chiến dịch Sài Gòn lấy tên là chiến dịch Hồ Chí Minh”.
Theo kế hoạch đã định, ngày 9/4, những trận đánh cắt đường số 4 ở phía Tây Sài Gòn và trận tiến công Xuân Lộc bắt đầu. Trận đánh diễn ra quyết liệt và phức tạp. Dù bị thiệt hại nặng nhưng địch vẫn cố thủ. Sau khi được chi viện, chúng điên cuồng phản kích gây cho ta nhiều tổn thất. Nhiều vị trí ta đã chiếm được phải lần lượt rút bỏ, hoặc thay đổi chủ nhiều lần. Tình hình rơi vào thế giằng co hết sức phức tạp.
Sáng 14/4, quân ta nổ súng đánh Phan Rang. Với tinh thần “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa”, bộ đội ta nêu cao tinh thần quyết thắng, đánh chiếm các mục tiêu trong thị xã. Sau vài ngày, ta đã đập tan tuyến phòng ngự từ xa của địch ở Phan Rang, tiêu diệt nhiều cơ quan quan trọng, bắt sống hàng nghìn sĩ quan, binh lính địch. Quân ta giải phóng hoàn toàn thị xã Phan Rang và tỉnh Ninh Thuận.
Thừa thắng xông lên, quân ta từ nhiều hướng chi viện cho chiến trường Xuân Lộc. Cuối cùng vào ngày 20/4, địch phải rút chạy khỏi Xuân Lộc. Chiến thắng này làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch xung quanh Sài Gòn. Cả nước tiến vào trận đánh cuối cùng với niềm tin tất thắng.