Chiến dịch Tây Nguyên phát triển thắng lợi. Địch sa vào cái lưới mà ta đã giăng sẵn, mọi nỗ lực phản kích đều bị chúng ta đập tan. Trong khi đó, dư luận nước ngoài đang nghiêng về hướng có lợi cho ta, Quốc hội Mỹ thì bác bỏ viện trợ thêm về quân sự cho ngụy quyền Sài Gòn. Đây chính là thời điểm mà chúng ta bắt đầu phải chạy đua với thời gian. Kế hoạch hai năm có thể rút ngắn, giải phóng miền Nam có thể sớm hơn. Trước mắt đã có thể mở cuộc tiến công giải phóng thành phố Huế và toàn bộ hai tỉnh Quảng Trị - Thừa Thiên.
Hạ tuần tháng 3/1975 chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng. Hơn 10 vạn quân địch bị loại khỏi vòng chiến đấu. Hơn 60 vạn dân thuộc các dân tộc Tây Nguyên được giải phóng. Thắng lợi này đánh dấu một bước suy sụp của Mỹ - Ngụy.
Ngày 18/3/1975 Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương tổ chức họp tại “Nhà Con Rồng”. Trên cơ sở những suy nghĩ về khả năng phát triển của cách mạng miền Nam từ sau trận Buôn Ma Thuột và tổng hợp những ý kiến đã trao đổi tập thể, tại đây Quân ủy Trung ương đề nghị Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975, không chờ đến năm 1976. Phương châm tác chiến chiến lược là:“táo bạo, bất ngờ, kịp thời, chắc thắng”. Phương hướng tiến công chiến lược chủ yếu được xác định là Sài Gòn. Một lần nữa, tư duy quân sự khoa học của Bộ thống soái tối cao đã đưa đến một quyết định chiến lược dũng cảm và chính xác cho tình hình lúc bấy giờ.
Ngày 26/3, quân ta giải phóng hoàn toàn cố đô Huế, đây là trận đánh then chốt tiêu diệt và làm tan rã Sư đoàn 1 từng được coi là sư đoàn thiện chiến của quân ngụy. Giải phóng cố đô là một chiến thắng vang dội, uy hiếp nghiêm trọng Đà Nẵng, đẩy quân ngụy vào thế nguy khốn không gì cứu vãn nổi. Chiến tranh cách mạng đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt.
Tiếp theo Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, trận Huế - Đà Nẵng là đòn tiến công chiến lược lớn thứ hai của ta đánh vào quân ngụy. Huế đã giải phóng xong. Còn lại mục tiêu chủ yếu là Đà Nẵng. Đây là một căn cứ quân sự liên hợp rất mạnh, nơi đặt Sở Chỉ huy của Vùng I chiến thuật, của Quân đoàn I ngụy. Sau khi mất Huế, Nguyễn Văn Thiệu lệnh cho Ngô Quang Trưởng cố thủ Đà Nẵng bằng mọi giá, hòng chặn bước tiến của quân ta, hy vọng biến nơi đây thành bãi đổ bộ khi quân Mỹ quay lại ứng cứu. Tuy nhiên, trước thế tiến công nhanh, mạnh và ào ạt của ta, tình hình Đà Nẵng trở nên rất hỗn loạn. Binh lính của địch thì mất tinh thần, tân binh đào ngũ từng nhóm.
Ngày 29/3/1975 quân ta tiến công vào Đà Nẵng từ nhiều hướng. Được các lực lượng biệt động, tự vệ, du kích bí mật và quần chúng hỗ trợ, cả hai cánh quân của ta cùng tiến công vào thành phố. Thậm chí cả những cán bộ, đảng viên, chiến sĩ ta bị địch bắt giam ở Non Nước cũng phá nhà lao thoát ra ngoài, tham gia đánh địch. Chỉ trong vòng 32 giờ, quân ta lần lượt đánh chiếm các mục tiêu quân sự, chính trị, kinh tế trong căn cứ liên hợp, giải phóng hoàn toàn thành phố Đà Nẵng và thị xã Hội An. Đòn tiến công chiến lược thứ hai đã được hoàn thành xuất sắc.