Chiến dịch Tây Nguyên là đòn tiến công đầu tiên trong kế hoạch chiến lược cơ bản đã được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương duyệt. Theo kế hoạch này, ta trù tính giải phóng Tây Nguyên trong năm 1975, đi đôi với việc bóc một loạt cứ điểm địch ở miền Đông Nam Bộ và mở mảng, mở vùng ở đồng bằng sông Cửu Long, ở đồng bằng Khu V và Trị - Thiên.
Cuối tháng 1/1975, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh thông qua lần thứ nhất kế hoạch của Quân khu Trị - Thiên và Quân đoàn II. Đầu tháng 2, Quân ủy Trung ương phê chuẩn kế hoạch tác chiến của Trị - Thiên.
Các bước thực hiện chiến dịch Tây Nguyên của ta được tiến hành khẩn trương, bí mật và đang phát triển rất thuận lợi. Về cơ bản, đến ngày 9/3 thế chiến lược bao vây, chia cắt, cô lập Buôn Ma Thuột đã được cài xong. Chiến trường Tây Nguyên bắt đầu chuyển mình, sôi động. Các kế hoạch tác chiến tỉ mỉ và sáng tạo của ta đã phát huy được hiệu quả, hàng loạt căn cứ của địch bị tiêu diệt.
Vào lúc 1 giờ 55 phút sáng ngày 10/3/1975, trận Buôn Ma Thuột bắt đầu. Buôn Ma Thuột, tỉnh lỵ tỉnh Đắk Lắk, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Tây Nguyên, có vị trí quan trọng về quân sự. Chọn mục tiêu tiến công chủ yếu là Buôn Ma Thuột, Bộ thống soái tối cao dự kiến sẽ làm đảo lộn hoàn toàn thế phòng ngự của địch ở Tây Nguyên, rung chuyển toàn chiến trường miền Nam bằng một đòn điểm huyệt.
Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu thắng lợi giòn giã. Buôn Ma Thuột đã được giải phóng. Tình hình chiến sự phát triển nhanh hơn so với kế hoạch ban đầu, ta có khả năng giải phóng Tây Nguyên sớm hơn nhiều so với dự kiến. Điều này cũng đặt ra một vấn đề quan trọng mới cần ta phải linh hoạt giải quyết, kịp thời vận dụng thời cơ để giành thắng lợi lớn.
Diễn biến của chiến trường đi trước mọi phán đoán và dự kiến. Từ đầu tháng 2, theo đề nghị của đồng chí Lê Trọng Tấn, Quân ủy đồng ý để Bộ Tổng tham mưu triển khai nghiên cứu kế hoạch tác chiến các bước tiếp theo chiến dịch Tây Nguyên, là các chiến dịch Huế - Đà Nẵng và Sài Gòn, chủ động cùng các tổng cục trong Bộ Quốc phòng xác định các mục tiêu chiến lược, sử dụng lực lượng và bảo đảm hậu cần, kỹ thuật.
Ở Trị - Thiên, phối hợp với chiến trường chính Tây Nguyên, quân ta đã tiến công phá vỡ một mảng lớn hệ thống phòng ngự của địch ở khu vực đường 14, diệt và bắt gần 1.000 tên địch, thu hút, giam chân quân địch ở Tây Nam Thừa Thiên, tạo điều kiện cho các lực lượng địa phương tiêu hao sinh lực địch.
Sau khi quân ta đã cơ bản đánh bại cuộc phản kích của địch hòng chiếm lại Buôn Ma Thuột, quân địch ở đây đang thực hiện co cụm chiến lược, tập trung về hướng Sài Gòn, Cam Ranh, có thể cả Đà Nẵng. Thời cơ lớn đã xuất hiện. Liên tiếp bị đánh chiếm và thất thủ, địch chỉ còn biết tháo chạy và có dấu hiệu co cụm chiến lược trên toàn miền Nam. Nhưng tất nhiên, chúng ta không để cho chúng đạt được mục tiêu của mình. Nhiều sư đoàn, viện binh của địch đều bị ta chặn đánh và tiêu diệt.