Mỹ - ngụy ráo riết đẩy mạnh kế hoạch “bình định nông thôn”. Chúng ra sức giành dân, đánh vào vùng đông dân, nhằm mục đích khống chế dân hòng làm cho các cuộc nổi dậy của đồng bào ta mất cơ sở quần chúng và xây dựng cơ sở vật chất - xã hội cho ngụy quyền. Nhiều “lõm giải phóng” của ta ở khu vực miền Nam bị địch lấn chiếm. Tuy nhiên, trước sức phản công và tiến công của quân và dân ta, chúng không xóa được thế “da báo” ở miền Nam. Hoạt động của địch dần dần bị chững lại.
Những thất bại trên chiến trường của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã dần khiến Mỹ quay lưng lại với chúng. Viện trợ Mỹ liên tục bị cắt giảm khiến nạn thất nghiệp tràn lan, giá cả tăng vọt. Đảng Dân Chủ, cái phương tiện để Thiệu tập trung phe cánh, chống cộng sản thì rệu rã, là nơi dung dưỡng, đỡ đầu cho tham nhũng và hối lộ. Ngân khố ngụy quyền suy sút trầm trọng, lương cho quân lính còn không đủ ăn. Sức chiến đấu của quân ngụy sút kém rõ rệt. Địch khó lòng đối phó với một cuộc tiến công lớn của quân ta. Trong khi đó, chiến tranh nhân dân miền Nam ở địa phương được duy trì và đẩy mạnh. Vai trò và uy tín của Mặt trận Dân tộc giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời ngày càng được nâng cao.
Ở Mỹ, vụ bê bối Oatơghết của Níchxơn đang khiến ông ta khốn đốn không thôi. Trước áp lực không thể cưỡng lại từ nhiều phía, ngày 9/8/1974, Níchxơn buộc phải từ chức Tổng thống Mỹ. Đây là một đòn giáng nặng nề đến Thiệu và chính quyền của hắn ta. Nước Mỹ đứng trước nhiều khó khăn và bất ổn về chính trị. Do đó, Quốc hội Mỹ lại tiếp tục cắt giảm viện trợ cho ngụy quyền Sài Gòn.
Trên chiến trường, hoạt động của quân ngụy giảm đi rõ rệt, nhất là các hoạt động của không quân, pháo binh và phương tiện cơ động. Nắm lấy thời cơ có lợi, quân ta chủ động chọc thủng nhiều tuyến phòng thủ của địch, căn cứ kháng chiến được mở rộng và củng cố khá vững vàng.
Trên cơ sở các phương án tác chiến do Tổ trung tâm đề xuất, tháng 8/1974 một bản dự thảo kế hoạch về hướng tiến công chủ yếu đã được đề ra và gửi đến các đồng chí trong Bộ Chính trị và những đồng chí chủ chốt trong Quân ủy Trung ương. Trong đó nêu rõ hướng tiến công chiến lược chủ yếu là Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, những khu đô thị có tầm quan trọng quyết định, đặc biệt là Sài Gòn và Đà Nẵng. Bản dự thảo đề ra ba bước, phù hợp với mỗi giai đoạn của cuộc chiến. Bộ thống soái tối cao đã nhìn thấy thời cơ chiến lược đang tới gần. Vấn đề bây giờ là quyết tâm và phương pháp cách mạng.
Ngày 30/9/1974, Hội nghị Bộ Chính trị khai mạc tại Tổng hành dinh. Tại đây, đồng chí Lê Trọng Tấn đã báo cáo đề án kế hoạch, chiến lược hai năm và riêng năm 1975 với quyết tâm hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976. Kế hoạch chiến lược gồm 2 bước.
Bước 1 (1975): Tranh thủ bất ngờ, tiến công lớn và rộng khắp.
Bước 2 (1976): Thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Hội nghị nhấn mạnh yêu cầu phải có kế hoạch tạo thời cơ và đón thời cơ, nhất là khi Thiệu đổ. Trong bất kỳ tình huống nào cũng không được để lỡ khi thời cơ chiến lược xuất hiện: “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.