Tuy rằng ký được Hiệp định Paris là một bước tiến lớn trên bàn đàm phán, tuy vậy ở chiến trường, chiến tranh vẫn diễn ra hết sức phức tạp. Âm mưu muốn phá hoại Hiệp định Pari của Mỹ - ngụy đòi hỏi chúng ta phải hết sức tỉnh táo khi đưa ra những đường lối và chỉ đạo cách mạng. Bản chất phản động và ngoan cố của địch lộ rõ, do đó khả năng để thực hiện hòa bình, hòa hợp dân tộc là không dễ dàng.
Mỹ đã rút quân theo Hiệp định Pari, nhưng vẫn tiếp tục viện trợ phương tiện chiến tranh cho ngụy quyền. Âm mưu mới của bọn chúng là Việt Nam hóa chiến tranh. Trong khi đó, tình hình quân đội ta gặp không ít khó khăn, thiếu quân số, thiếu lương thực, đạn dược, sức khỏe binh sĩ giảm sút gây ảnh hưởng không ít đến tư tưởng muốn nghỉ ngơi, ảo tưởng vào “thiện chí” của địch.
Ngày 24/5/1973, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp mở rộng để bàn về các vấn đề ở miền Nam. Hội nghị này đã đã tạo nên một bước chuyển biến mới cho cách mạng, chỉ rõ những âm mưu và thủ đoạn tráo trở của địch. Điều này khiến không còn ai nghĩ đến việc nghỉ ngơi hòa hoãn mà nhất trí rằng, cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn, kẻ địch vẫn còn phá hoại hòa bình khiến chúng ta không thể làm ngơ.
Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, ngày 5/6/1973. Tổ trung tâm đã hoàn thành bản dự thảo Đề cương kế hoạch chiến lược mang số 305 TG1. Tư tưởng chiến lược của Đảng đã được tỏa khắp các chiến trường và thu được những thành quả thắng lợi, khiến cho quân địch phải chịu những tổn thất to lớn cả về tài lực và quân số.
Những thắng lợi trên chiến trường là điểm tựa to lớn cho các nhà ngoại giao Việt Nam trên bàn đàm phán. Nhận thấy Mỹ và chính quyền Sài Gòn vi phạm có hệ thống Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, đồng chí Lê Đức Thọ một lần nữa lên đường trở lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, ngụy quyền Nguyên Văn Thiệu lại phản ứng, không chịu chấp nhận bản thông cáo chung đã được phác thảo.
Lúc này, tình hình chính trị của Mỹ đang xung đột nghiêm trọng, Uy tín của Níchxơn sụt giảm nhanh chóng do vụ bê bối Oatơghết. Chịu sức ép từ nhiều phía, tổng thống Níchxơn đã phải đe dọa cắt viện trợ để bắt Thiệu ký vào bản hiệp ước. Cuối cùng, hai bản thông cáo chung về những biện pháp cần thiết để thi hành triệt để và nghiêm chỉnh Hiệp định Pari về Việt Nam đã được ký kết tại lâu đài La Xen Xanhcơlu trong sự cay đắng của Nguyễn Văn Thiệu.
Tại miền Nam, sau khi nửa triệu quân Mỹ và các nước phụ thuộc Mỹ đã rút đi, tình hình xã hội trở nên hỗn loạn. Hàng nhập khẩu, lương thực bị cắt giảm, nạn thất nghiệp tràn lan, đồng tiền mất giá, giá cả tăng vọt, nạn tham nhũng diễn ra khắp mọi nơi. Tinh thần ngụy quân, ngụy quyền sa sút, rệu rã, sức chiến đấu giảm đi rõ rệt.
Hội nghị Trung ương lần thứ 21 được khai mạc vào cuối tháng 6/1973 nhằm tổng quát, phân tích và tập hợp tình hình biến đổi có ảnh hưởng đến cuộc chiến tranh. Qua thảo luận, mọi người đều nhất trí rằng nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới là đoàn kết toàn dân, tiếp tục thực hiện chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Cuối cùng, Nghị quyết được Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhất trí thông qua ngày 4/10/1973, khẳng định: “Con đường cách mạng của miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình hình nào ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công”.